Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Thắng Mỹ quá dễ, thắng chúng tôi càng dễ

Lưu Trọng Văn

1.

Cửa mở, một người Việt Nam khá nhỏ thó, khá lụ khụ xuất hiện.

“52 năm rồi, bạn Thơ nhỉ từ ngày tốt nghiệp Đại học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, tụi mình mới gặp nhau.”

Đôi bạn học xưa ngồi kể chuyện cho nhau nghe trong cái nắng thu Toronto, thành phố sầm uất và lớn nhất Canada.

Gã hóng.

Trong cái xấu luôn có cái tốt cho tôi, ông Long nói. Nếu tôi không bị bắt đi cải tạo 5 năm quá dài so với cấp bậc của tôi, và nếu tôi khi học tập cải tạo về không bị an ninh ở Dầu Giây phê vào hồ sơ: “vì lý do an ninh nơi đây gần Quốc lộ huyết mạch, đương sự không được cư trú” thì hồ sơ của tôi đâu đủ sức thuyết phục đoàn phỏng vấn Mỹ, rằng tôi bị xua đuổi, bị chà đạp ở Việt Nam để hưởng quy chế tị nạn chính trị.

Có điều lạ, khi có đoàn thẩm tra của Mỹ đến trại tị nạn, họ nghiên cứu hồ sơ, biết hồ sơ của tôi quá “đẹp” nên họ xếp người khó tính, nguyên tắc, phỏng vấn tôi, để những người hồ sơ khó thuyết phục cho người dễ tính, rộng lượng phỏng vấn. Họ rất tử tế chia sẻ với tất cả những ai đã phải đổi mạng sống để đi tìm vùng đất mới, bất chấp ở bên nước có bị đối xử tệ hay không, có là người phải tị nạn chính trị hay không.

Vậy không được cư trú ở Dầu Giây thì anh ở đâu? Gã xen vào hỏi ông Long.

Tôi vẫn lén ở đó. Gần nhà tôi làm rẫy có nhà ông chủ tịch xã, một cán bộ Miền Nam tập kết, tôi nói hoàn cảnh tôi với ông ấy. Ông ấy bảo: cháu cứ ở đây, không đi đâu hết. Thế là ông ấy bao che cho tôi.

Tôi đã bảo bên cái xấu luôn có cái tốt cho tôi mà. Năm 1985 tôi vượt biên. Tôi nấp dưới hầm tàu, qua khe thấy tàu của biên phòng, các ông bộ đội cầm súng, tôi sợ quá. Toi rồi. Nhưng tôi đã được thoát. Hừ, nếu mấy ông ấy không ăn hối lộ thì tôi bị bắt, bị tống giam rồi chứ làm sao có mặt ở đây lúc này?

Tôi đã bảo trong cái xấu có cái tốt cho tôi mà.

Ông Long cười, gã chả đọc vị được cái cười ấy chua xót, mỉa mai hay gì gì nữa.

2.

Thế ông bảo thắng Mỹ quá dễ là thế nào?

À, tôi kiện chính quyền Mỹ và thắng kiện rất… dễ. Chuyện thế này, tôi làm việc trong ngành xe hơi ở California, vợ tôi sống ở Canada vì cô ấy không chịu sống ở Mỹ. Tôi nhận được thông tin của y tế Canada là vợ tôi đã lớn tuổi, có khả năng không sinh được con nếu vợ chồng xa cách. Tôi buộc phải tự bỏ việc để qua Canada sống với vợ tôi. Sau 6 năm vì lý do nào đó chúng tôi vẫn không có con. Tôi quyết định về Mỹ để kiện vì sao 6 năm qua tôi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tôi đâm đơn kiện. Ông thẩm phán sau khi biết lý do tôi bỏ việc chứ không phải bị hãng cho nghỉ việc để vợ chồng đoàn tụ sinh con, đã cho tôi thắng kiện, buộc chính quyền trả toàn bộ số tiền trợ cấp thất nghiệp cho tôi.(Luật ở Mỹ không trả tiền thất nghiệp cho người tự bỏ việc).

Cái gì thuộc về lý do nhân bản ở Mỹ đều dễ ợt thắng kiện hết.

Qua Canada tôi đến một hãng xe hơi xin việc. Ông chủ hỏi tôi vì sao muốn làm ở Canada? Tôi bảo, tôi không hề thích làm việc ở Canada nhưng vì vợ tôi muốn gần tôi để có con nên tôi phải chiều vợ tôi. Tôi nói thẳng vậy, ông chủ nhận tôi vào hãng liền.

Họ trọng Dân lắm.

3.

Còn tôi, tôi cũng trọng Dân.

Ông Long đột nhiên khẽ nhắc lại câu thơ của Hữu Loan “nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương…”

Ông kể, tôi bị đưa vào rừng sâu Bù Gia Mập, Phước Long, cùng đội cải tạo với tôi có một anh cựu sĩ quan cấp uý. Vợ đi thăm nuôi, ngồi trên nóc xe đò, xe lật, bị chết… Chồng bị tù rừng sâu vẫn sống, vợ thì…

À, tôi mắc nợ với Dân nhiều lắm. Thế này, chúng tôi ở trại đi làm rẫy, nhiều bà, nhiều cô cũng đi làm rẫy, thấy chúng tôi họ chỉ chỗ các bụi cỏ dấu bọc cơm cho chúng tôi.

Đến bây giờ hơn 40 năm rồi, nhiều lúc tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ, không biết bà con, những nông dân chất phác quê mùa ấy cho chúng tôi phần ăn của họ thì buổi trưa họ ăn cái gì?

Ông Long chớp chớp cặp mắt tèm nhem vào tuổi xưa nay hiếm của ông.

Trước khi gã đi thăm thác Niagara hùng vĩ nhất thế giới, ông Long kết luận: Còn thắng tụi tôi dễ hơn thắng Mỹ nhiều, thay vì tống chúng tôi vô trại cải tạo, chỉ cần như bà con ở Bù Gia Mập kia chia sẻ nắm cơm dù là cơm độn khoai với chút muối mè thôi…

clip_image002

Đôi bạn học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, 52 năm mới gặp nhau.

clip_image004

Trên đường Toronto

clip_image006

Vợ chồng ông Long thời trẻ

clip_image008

Thèm cái bánh tét quê nhà