Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Còn lại với hoàng hôn

Truyện Nguyễn Thỵ

NGUYỄN THỴ (1)

Nhà văn Nguyễn Thỵ

1.

-Hẻm Đuôi là cái hẻm tên Đuôi chứ không phải là cái đuôi hẻm mặc dù câu chuyện xảy ra ở cuối hẻm Đuôi, một cái hẻm cụt, vào rồi là không có lối ra trừ khi quay trở lại.

Câu mở đầu của ông Hai Câu có vẻ cũng không được suôn sẻ dễ hiểu hay sao đó mà đầu đôi lông mày rậm như hai con sâu róm của thằng Dực nhíu lại hồi lâu cũng chưa dãn ra. Nó lầm bầm:

-Đã có đuôi rồi mà còn cụt là sao?!

-Mày cứ hay thắc mắc vặn vẹo quen thân.

Ông già trả lời như không, ông cầm bình trà đã nguội ngắt chầm chậm rót vào cái tách cũ đóng cặn như nước màu kho cá, đưa lên miệng uống một ngụm rồi nói tiếp:

-Chắc mày quên nhà mình ở đầu hẻm, chứ nếu không lại thắc mắc sao gọi hẻm Đuôi mà lại còn có đầu.

-Thì tui tính hỏi ông nè.

Ông già bật cười:

-Thôi mày, đầu đuôi hoài mệt quá! Bây giờ mày làm ơn xách mấy trái cam này vô trỏng đưa cho bà Đào dùm tao, nói với bả ráng ăn cho mau khỏe.

-Ông nhớ kể chuyện cái hẻm, hứa rồi đó nghe!

-Ừ, từ từ tao kể.

Thằng Dực xách túi cam xoàn phóng cái rẹt qua cửa, ông Hai độ chừng chưa đầy hai phút là nó sẽ tới chỗ bà Đào. Cái thằng trai quê mười sáu tuổi mồ côi mồ cút đó gắn bó với ông cũng đã sáu, bảy năm rồi, trước lúc ông chuyển nhà trở lại hẻm Đuôi. Trong lần cùng hội Già Gân của ông đi phượt về tới Ô Rô, ở đó một ngày một đêm ông đã gặp nó. Một thằng bé gầy còm rách rưới cứ đứng nhìn ông đăm đăm lúc ông ngồi trong quán cơm với mấy phượt thủ U70. Sau này khi ông hỏi "sao lúc đó con nhìn ta dữ vậy" nó nói "tại ông giống hệt ông nội của thằng bạn chuyên móc túi ba đời" của nó! (Lúc đó có lẽ trông ông cũng giống kẻ chuyên móc túi thật, quần áo bụi bặm mồ hôi mồ kê, râu ria lởm chởm, lại đang đói meo nữa chứ!).

Cũng nhiều thứ thủ tục lôi thôi khi đưa một thằng bé bụi đời vị thành niên về ở với ông cho tới khi nó đủ tuổi cấp chứng minh nhân dân mới tạm ổn. Bây giờ thì nó đang học bổ túc lớp 6 vào ban đêm, hàng ngày vẫn theo ông phụ giữ xe cho một câu lạc bộ thể hình. Trải qua nhiều cung bậc tình cảm trong mối quan hệ, chốt lại cái kiểu xưng hô bỗ bã bờ đê ruộng lúa kia lại vô cùng phù hợp với ông Hai Câu và thằng Dực. Nó ngày một tỏ ra người lớn còn ông thì ngược lại, có lúc ông cãi tay đôi với nó như hai thằng nhóc bất phân thắng bại.

Chuyện đời của một con hẻm cũ kỹ như hẻm Đuôi thì biết bao nhiêu thứ để kể, thêm nữa ông lại là người sinh ra và lớn lên trong hẻm, rồi cưới vợ đi ở rể một con hẻm khác, rồi lại một mình khăn gói trở về sau khi vợ con âm thầm rời bỏ ông để thực hiện giấc mộng thuyền nhân...

Một cái gì đó chặt không đứt bứt không rời, một cái gì vô hình mà buộc ràng dai dẳng cả kiếp người. Hơn bảy mươi năm ông đã gắn bó, yêu thương con hẻm như khúc ruột của mình, dành riêng nó cho mình và hiến dâng mình cho nó. Ngày tháng qua đi, mỗi một bước chân như đang dẫm lên quá khứ, nghiêng tai còn nghe từng thứ âm thanh thiên cổ vang lên trong xóm hẻm, đâu đó vẫn còn sống động hình bóng mẹ cha và những đứa em lúc còn nhỏ dại.

Bước ra khỏi đầu hẻm là phố phường nhộn nhịp nhưng đã lâu lắm rồi ông chỉ quanh quẩn trong hẻm với nhà này nhà nọ. Giờ đây có vẻ như ông và cuộc đời ngoài kia đã lãng quên nhau, xa vắng dẫu còn ngay bên cạnh, một ngày chợt mất đi chắc cũng nhẹ nhàng như không, như chút nắng, như chút gió, thoảng qua rồi tan biến.

Ông cứ khất lần với thằng Dực vì không biết bắt đầu câu chuyện về con hẻm từ đâu. Từ hồi ông chưa sinh ra chỉ nghe kể lại như một chuyện cổ tích hay từ khi ông đã khôn lớn, từ đầu hẻm hay cuối hẻm, từ người trẻ hay người già, từ cái chiều ngang nhỏ hẹp hay chiều dài khúc khuỷu quanh co hoặc từ cái tên gọi kỳ cục của nó?! Ngoài ra ông còn một lý do nữa, đó là lúc gần đây ông sinh lười biếng, chỉ muốn lặng im suy tư hồi tưởng, chẳng muốn nói năng. Nhiều lúc thằng Dực hỏi han gì đó mấy bận ông mới giật mình hỏi lại rồi trả lời cụt lủn làm nó cũng im luôn.

Ông Hai chờ hơi lâu mà chưa thấy thằng Dực về để hỏi coi bà Đào đã đỡ đau chưa, hai cái chân run rẩy của bà đã chịu đứng lên chưa.

Thật khổ, trong cái hẻm có tới năm chục phần trăm là người già cả neo đơn này hầu như ai cũng mang ít nhất một chứng bệnh trong người. Mỗi ngày cứ khoảng 7, 8 giờ sáng khi lũ con cháu đi học, đi làm, xóm hẻm bỗng vắng hoe. Người già như những cái bóng đi ra đi vô buồn bã, ngồi chán chê ở bậc cửa rồi tụm lại đôi ba chỗ uống trà, uống cà phê, se thuốc hoặc ăn trầu nói chuyện bệnh tật, chuyện nhà cửa con cháu, chuyện năm nẳm năm xưa trên trời dưới đất rề rà cho tới khi hết chuyện.

Ngày hôm sau hoặc xa xa hơn chút lại cũng những câu chuyện đó được lặp lại như chưa từng kể lể. Cũng có khi chỉ là ngồi với nhau vậy thôi, chẳng ai nói năng gì, cũng chẳng nhìn nhau làm gì, ngồi đó ngó đâu đâu vào cõi mông lung, mà cõi mông lung của con hẻm thì nhỏ chật, rồi mặt người cũng cam đành ngó xuống chân mình hay ngước nhìn lên khung trời nhỏ bé trên những mái tóc hoa râm thậm chí đã bạc phơ mây trắng.

Hôm nay là chủ nhật lũ trẻ được nghỉ, nếu người lớn không đi tăng ca, trẻ con không phải đi học thêm thì cũng đi chơi bời đâu đó, chỉ đỡ vắng vẻ hơn ngày thường một chút.

Ông Hai vẫn chưa thấy bóng dáng thằng Dực đâu, ông bước ra ngoài lững thững đi tới đi lui trước căn nhà ba mét rưỡi chiều ngang đối diện xéo xéo là tiệm hàng xén nhỏ của bà Bảy Lẻ Loi (vì hồi nào tới giờ chưa gá nghĩa với ai). Bà Bảy, bà Đào với ông là bộ ba hồi đó lúc còn mũi dãi thò lò cho đến cỡ bằng thằng Dực bây giờ (hay lớn hơn một chút gì đó). Cái tên Hai Câu cũng ra đời vào thời điểm đó, vì ông hay hát vọng cổ trong những đám tiệc trong hẻm mà bài nào cũng chỉ thuộc có hai câu, nhân tiện ông thứ hai nên người ta kêu luôn chứ thật ra tên cúng cơm của ông không phải vậy.

Dường như cái gì lên đến đỉnh điểm rồi cũng sẽ đến lúc lụi tàn, rơi xuống, lăn xuống, vỡ tan. Bộ ba vừa nói ở trên cũng vậy, gắn bó nhau như những hạt nếp trong một nắm xôi rồi một ngày giống như chiếc xe đạp chở ba leo tới đỉnh dốc bỗng đứt thắng lao xuống té văng bò càng. Đó là lúc Đào bỏ học, bỏ nhà theo một đoàn ca vũ nhạc kịch sau một trận đòn nhừ tử vì quan niệm "xướng ca vô loài".

"Trồng trầu thả lộn dây tiêu

Con theo hát bội mẹ liều con hư".

Đào đi, cả gia đình không ai đi tìm nhưng Hai Câu thì có. Ông đã lẳng lặng đi tìm cô Đào của ông với mối tình sâu kín trong lòng. Nhưng cô là đào non, đoàn hát lại là đoàn hát mới lập chưa có tiếng tăm, chiếc xe đò nhỏ tả tơi với phông bạt cũ ràng trên mui và hai bên hông xe, nó như con vạc ốm yếu lao vào giông tố cuộc đời biết đâu mà tìm.

Hai Câu trở về với cõi lòng tan nát, nhìn những giọt nước mắt lăn trên gương mặt lầm lì câm nín của chàng trai, cô Bảy hiểu ra nên lúc đó không thèm chơi với ông nữa và đòi cả gốc lẫn lãi số tiền để dành mà cô đã đưa cho ông để đi tìm Đào.

Đòi thì đòi vậy thôi, cho đến bây giờ khi đã bước qua tuổi cổ lai hy ông vẫn còn món nợ đó chưa trả cho bà Bảy. Mà trả làm sao nổi, dù so với thời này nó có đáng bao nhiêu đi nữa cũng không thể bù đắp cho tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cô quạnh của bà Bảy, không thể chuộc được cái tội sau đó làm thinh đi cưới vợ của ông (cho dù là do cha mẹ ép buộc để có con nối dõi tông đường).

Vậy đó, cả ba người không ai nói với ai điều gì, họ lại tiếp tục làm bạn với nhau tới già trong con hẻm cũ khi bà Đào tàn cơn khói lửa trở về mái nhà xưa, nhan sắc tàn phai, không danh tiếng, không tài sản, không chồng con, may còn cái nhà cuối xóm của cha mẹ để lại mà các anh chị khá giả đã không tranh chấp với điều kiện chỉ ở chứ không được bán.

Bây giờ bà Đào bị bệnh tim lại mang thêm cái bệnh giãn tĩnh mạch, hai chân sưng phù đi đứng rất khó khăn. Bà cho thuê căn gác suốt phía trên nên cũng có ít tiền để xoay xở thuốc thang.

Mới đây Hội Người cao tuổi phường tổ chức gặp gỡ giao lưu, toàn người già của hẻm Đuôi chiếm đa số. Ông già Hai lại được mời lên ca vọng cổ, đương nhiên là chỉ có hai câu lại còn vấp lên vấp xuống. Bà Bảy nhìn người bạn thanh mai trúc mã ngày xưa mà rưng rưng nước mắt, nhìn sang bà Đào ốm yếu ngồi bên cạnh, nhìn lại mình già nua khô héo mà thương cho kiếp người.

Những người khác trong buổi gặp mặt này cũng vậy, họ giống những cái bóng lặng im, trong suốt, nhẹ như sương khói chỉ còn tinh anh quần tụ bay lên nhìn ngắm thế gian, nhìn lại mình của hàng bao thập kỷ rồi phút chốc bỗng vụt qua, tắt mất như khoảnh khắc của một hơi thở.

2.

Đang đứng ngóng về phía cuối hẻm, ông Hai Câu nghe tiếng bà Bảy léo nhéo từ bên kia:

-Ông Hai, ông nghe gì chưa?

-Chuyện gì?

-Người ta sắp xây một tòa tháp cao lắm, ngay đây.

-Thì cũng như mấy cái tháp kia thôi, càng ngày càng cao. Công trường mở ra đông vui, bà lại bán được hàng.

-Thôi đi ông ơi! Bán buôn gì cái tiệm nhỏ xíu trong hẻm hóc này, ồn ào chắc mấy năm mới dứt, có nước trốn luôn! Bà Đào ở cuối hẻm xa đường chắc đỡ hơn mình.

-Đâu cũng vậy, không ảnh hưởng cái này cũng ảnh hưởng cái kia.

Hai người còn thở than qua lại vài câu nữa, nào là chuyện hố tử thần rộng hoác ở giao lộ mấy hôm trước, chuyện đường sá ngập lụt như những cơn đại hồng thủy, những dòng sông không biết từ đâu tràn đến, cũng lên xuống cùng mưa nắng rồi đọng lại thành ao tù giữa phố, chuyện nơi mình đang sống sẽ có ngày bị nhấn chìm dưới mực nước biển, biến mất hoàn toàn trong một ngày không xa là mấy...

Rồi gần nhất là chuyện một con virus cực kỳ nguy hiểm đang lan dần trên trái đất và đã có mặt tại Việt Nam, đài truyền hình, radio và cả cái loa rè của phường phát thông tin ra rả gần một tuần nay kèm theo cảnh báo và biện pháp phòng chống, tưởng vẫn còn ở đâu xa xa... Đâu ngờ đó là những ngày đầu tiên mở màn cho trận đại dịch kinh hoàng sắp diễn ra ở thành phố này.

-Hổm rày cứ bứt rứt trong người sao sao á, cái xóm hẻm này sao càng ngày càng vắng, người ta đi đâu hết không biết.

Bà Bảy quay trở vô nhà lầm bầm một mình, bà thở dài nhìn tủ hàng còn đầy bánh kẹo, mắm muối tương chao... Một quần thể u ám như trong một bức tranh tĩnh vật cũ kỹ mà bà là điểm nhấn linh hồn trong đó.

Bà bật nút cái ti-vi 18 inch mua ngoài chợ trời từ hơn chục năm trước, những tia cắt ngoằn ngoèo, lẹt xẹt đủ kiểu, những đốm tròn nhảy múa loạn xạ lâu lâu lại hiện lên nhưng bà cứ kệ không thèm đem sửa, cứ vỗ vỗ mấy cái miễn còn nghe tiếng là được.

Bất kể là chương trình gì, phát một hồi là bà Bảy cũng bắt đầu lim dim nhưng vẫn cứ chập chờn với những suy nghĩ hỗn độn trong đầu không có hồi kết từ năm này qua tháng nọ. Giấc ngủ của tuổi già giống như đứa trẻ nghịch ngợm tai quái cứ thích chơi trốn tìm, buồn ngủ sụp cả mí mắt, ngáp sái quai hàm nhưng nằm xuống thì tỉnh rụi, thao thức mãi khiến người ta mệt mỏi, chán nản, rồi bất lực buông xuôi. Không ngủ được thì đừng cố ngủ nữa, vậy là bao chuyện đời xa cũ lại hiện về, vui có, buồn có, hối tiếc băn khoăn ray rứt triền miên...

Rốt cuộc rồi ông Hai cũng nhìn thấy bóng dáng thằng Dực, tay nó vẫn còn xách túi cam và lao vào nhà như ma đuổi, xém nữa thì va phải ông.

-Ông Hai, bà Đào bệnh mấy bữa nay...

Ông chưa kịp hỏi gì thì nó đã nói tiếp:

-Mấy người ở trên gác nói bữa trước bà Đào đi khám bệnh, rồi sau đó có triệu chứng nghi mắc COVID-19 nên gọi cho trạm y tế, người ta đưa bả vô bệnh viện tối qua rồi.

Ông Hai lắp bắp:

-Bệnh viện nào?

-Tui có hỏi mà khúc này họ trả lời nghe không rõ, thì ông thử nghĩ coi tui đứng dưới đường, họ ở tuốt trên gác, sao mà nghe rõ hết. Mà nếu biết bệnh viện nào cũng không vô thăm được đâu, cách ly luôn rồi.

Chỉ hai hôm sau, hẻm Đuôi đã trở thành ổ dịch khi cả bốn người thuê trọ trên gác nhà bà Đào dương tính với SARS-CoV-2. Lần lượt đến vợ chồng thằng Mễ con Thanh, cả nhà ông Tư Tịnh, bầy con cháu 11 người nhà Sáu Nai...

Ít lâu sau nữa rải rác khắp đầu hẻm đến cuối hẻm, hầu như nhà nào cũng có F0 nhập viện điều trị hoặc vào trại cách ly tập trung.

Một cái rào chắn to đùng ghép bằng mấy khung gỗ tạp tháo ra từ thùng đựng hàng của một hãng sơn trong khu vực đã được kéo ngang đầu hẻm. Tấm băng-rôn đỏ rực dán dòng chữ vàng chóe: "Khu vực cách ly" được căng lên, một chốt kiểm soát hình thành với đầy đủ thành phần các lực lượng chức năng.

Vậy là nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhiều người nhà ở trong hẻm bị kẹt ngoài đường, lơ ngơ, rầu rĩ. Người trong hẻm thì lo lắng không biết mình có thoát cái "mác" F0 không hay bất ngờ trở thành F1 vì lỡ nói chuyện qua hàng rào với ai đó hoặc gởi qua gởi lại bó rau, cọng hành...

Thương nhất là thằng bé Su mới 5 tuổi cũng trở thành F1 phải ở nhà một mình vì cả gia đình đều dính COVID-19, những người còn lại trong xóm thay nhau chăm nó từ xa, cuối cùng thằng bé cũng không thoát khỏi bộ đồ bảo hộ màu xanh thùng thình, một mình, nhỏ xíu, lom khom bò lên xe cứu thương trước những cái nhìn rớm nước mắt của hàng xóm.

Cả xóm lây lất với quầy tạp hóa của bà Bảy và rau rác trồng trong chậu quanh nhà. Cũng may trước đó bà đã mua dự trữ mấy thùng mì gói, cháo ăn liền với đâu khoảng hơn tạ gạo để bán lẻ trong xóm. Lời động viên phát ra từ cái loa phường càng ngày càng rột rẹt, cộng thêm số nhu yếu phẩm ít ỏi ở quán bà Bảy giúp cư dân ở con hẻm ven rìa thành phố này cũng đỡ lo vài bữa trong khi chờ hỗ trợ thực phẩm, thuốc men. Bọn trẻ con ở đây thì nguy cơ thất học hàng loạt vì không phải ai cũng có điện thoại thông minh hay máy tính để học online.

Dịch bệnh diễn tiến càng ngày càng khốc liệt không biết đến khi nào dừng. Những đau thương mất mát đã vượt lên đỉnh điểm, con người quá nhỏ bé nguy nan trước đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Mọi niềm tin, sự nỗ lực, niềm hy vọng... hầu như hoàn toàn tan vỡ trước vô vàn những khó khăn, bế tắc, trước những phút giây cận kề sinh tử, những thương vong ngất trời... đến nỗi người ta phải thốt lên: "những gì chứng kiến có lẽ đã đủ đau thương cho cả đời người"!

Giãn cách xã hội liên tiếp, phong tỏa toàn thành phố kéo dài, hàng loạt những biện pháp tích cực được áp dụng... nhưng dịch bệnh quái ác vẫn mặc sức tung hoành và con người càng lúc càng đuối lả, kiệt quệ. Con hẻm nhỏ cũng oằn mình trong tai ương, rất nhiều nhà bị niêm phong với tấm bảng F0 đỏ rợn người, những cánh tay thỉnh thoảng thò ra nhận thuốc men, thực phẩm là biểu hiện sinh tồn duy nhất của người bên trong đang cách ly điều trị tại nhà.

Một buổi tối, ông Hai Câu nghe tin bà Đào mất ở bệnh viện trong số 340 ca tử vong của thành phố trong ngày hôm đó.

Giống như có một tấm vải liệm đen ngòm bất ngờ chụp xuống phủ kín toàn thân làm ông ngộp thở, vô phương vùng vẫy. Một cái gì vô cùng tàn khốc, vô cảm, mang đến nỗi mất mát tuyệt vọng vô biên, nó không còn lảng vảng bủa vây ông như từ lúc bà Đào vô bệnh viện mà đã ngang nhiên nhảy bổ vào cuộc đời an yên bình lặng của ông.

Để mặc thằng Dực đứng thất thần giữa nhà, ông run rẩy bước ra cửa một cách vô thức. Bóng tối nhạt nhòa rơi rớt trên những mái nhà lô nhô im vắng. Ông cố nhìn về phía cuối con hẻm quanh co như cái đuôi rắn, không thể nhìn thấy mái hiên có giàn bông giấy màu đỏ mận của nhà bà Đào. Ông lại đưa ánh mắt vô hồn qua nhà đối diện, dưới ánh điện câu mờ nhạt bà Bảy đang lụm cụm làm gì đó bên quầy hàng trống rỗng.

Bà bỗng mờ đi trong mắt ông như đang khuất sau một làn khói xám, nước mắt hiếm hoi của người già ít khi chảy thành dòng, ứa ra từng giọt đục ngầu như hạt sương đêm đọng trên những mái nhà lợp tôn xi-măng trong xóm nghèo, chầm chậm lăn xuống mất hút trong cát bụi.

Chắc bà Bảy cũng đã biết tin người bạn thân từ hồi con gái của mình vừa vĩnh viễn rời xa. Suốt thời gian ông Hai đứng đó, im lìm bất động như một pho tượng, không một lần bà Bảy nhìn sang. Những cử chỉ của bà giống như trong một khúc phim câm, lặp đi lặp lại, vô nghĩa, không cần thiết (hay rất cần thiết cho tâm trạng của bà trong lúc này?!). Có lẽ bà cũng đang giống như ông, bàng hoàng, tê điếng.

Đâu phải chỉ mình bà Đào mất đi, một gánh đời nặng trĩu với chuỗi thời gian thăm thẳm trên vai cũng vừa gãy đổ, tất cả những gì đã có giữa họ cũng vụt tan thành bụi và mất hút trong khoảng không u tối, kể cả hai người, giờ đây chắc cũng chỉ còn là hư ảnh giữa đời!

Tiếng còi xe cứu thương vẫn vang lên từng hồi cứa vào những vết cắt đang rướm máu trong lòng cư dân thành phố. Những âm thanh khẩn thiết như thôi thúc, van lơn, như tạ lỗi... cuống cuồng bay từ mặt đất lên khắp bầu trời, đan chật không gian vốn đã vắng vẻ mênh mông kể từ khi "Ai ở đâu ở yên đó" trong vòng vây của trận dịch.

Số người nhiễm bệnh trong một ngày đã có lúc lên đến con số 17.400 ca, hầu như mọi cố gắng nỗ lực đều trở nên vô vọng trước sự tấn công của con quái vật vô hình.Trong hẻm Đuôi đã có đến hai trường hợp tử vong không ai hay biết. Họ đều là người già mang bệnh nền còn lại một mình vì con cháu đã vào bệnh viện, mỗi kẻ một nơi.

Nỗi sợ hãi bùng lên như cột khói đen ngòm lan khắp xóm. Người ta chỉ còn biết đóng chặt cửa, nhắn tin gọi điện qua lại để hỏi han nhau.

Rồi điện thoại cũng hết tiền, chỉ còn cùng nhau lắng nghe con đường nhỏ tối xám với im lặng thênh thang, chung nhau tiếng khóc bất chợt vang lên từ đâu đó, tiếng loa khàn khàn tiếp tục thông báo lịch xét nghiệm, lịch tiêm vắc-xin, yêu cầu chấp hành triệt để quy định 5K...

Bà Bảy là một trong số người tiếp theo có kết quả xét nghiệm dương tính phải vào trại cách ly.

Ông Hai đứng trước nhà lặng nhìn nhóm người đi qua, lụng thụng, kín mít trong lớp đồ bảo hộ, đã khẩu trang y tế rồi còn chồng thêm lớp khẩu trang chống giọt bắn. Ông nhìn thấy bà Bảy trong số đó, nhận ra đôi mắt mí lót dài như chiếc lá răm của bà. (Đôi mắt mà bà Đào vẫn hay trêu, thêm mấy nếp nhăn hằn sâu sau đuôi mắt nhìn cứ như mắt vẽ đuôi cá của Cleopatra trong cuốn sách cả ba người hay xem trộm trong lớp học hồi nhỏ).

Bà đưa xâu chìa khóa cho người lính dân phòng chuyển cho ông nhờ ông trông chừng nhà.

Xâu chìa khóa khi đến tay ông ướt lạnh dung dịch sát khuẩn, cái mùi lạnh lùng lúc nào cũng xộc thẳng vào mũi làm dấy lên nỗi lo lắng, bất an vì người ta vẫn còn đang rất cần tới nó.

Rồi bà quay đi không một lần ngoái lại, như thể bà biết trước sẽ có một lần ra đi như thế, mặc nhiên, bình thản, có về lại hay không cũng được, cứ bước thôi, ai sao mình vậy, trôi đi... lòng có bình yên như cái dáng vẻ bên ngoài kia không làm sao biết được!

Ông Hai đứng nhìn theo với cảm giác âm u, hoang trống. Cái hố thẳm bà Đào để lại trong ông giờ thêm sâu hút, loang rộng dưới đáy cùng. Rồi nhóm người đó khuất ngoài khúc quanh ra đường lớn và biến mất khỏi tầm mắt ông, tiếng còi xe cứu thương rít lên, rên siết đến buốt tim rồi xa dần để lại một nỗi ám ảnh không cách gì dập tắt...

Nhưng dù sao như thế vẫn còn hơn sự ra đi như bốc hơi của bà Đào, mới sáng ngày còn chưa thấy nắng đã chợt mất hút như không hình tướng, như người vô hình lướt ngang qua nhà ông trong đêm, không giã từ, không gửi gắm, cũng giống như lần ra đi hơn nửa thế kỷ trước, chỉ khác đã mãi mãi không về...

3.

Khi chốt kiểm soát ngoài đầu hẻm được tháo dỡ, người dân nghèo ở hẻm Đuôi hai mắt thụt sâu, môi khô, tóc rụng... thở dài bước ra cổng nhà nghe tứ bề gió thổi, nắng đổ rưng rưng.

Con hẻm buồn hiu hắt, hầu như nhà ai cũng có người khuất bóng. Không còn nghe tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng vợ chồng cãi lẫy, tiếng xe máy nổ phành phạch như muốn át tiếng bà mẹ già chửi thằng con trai ế vợ, tiếng rao dòn tan của anh bán bánh mì sáng sớm, giọng lảnh lót của chị bán sương sa hột lựu buổi trưa...

Âm điệu vàng thau của cuộc đời muôn vẻ chợt mất hút về đâu hay rơi rớt nơi nào làm sao tìm lại được! Mà có tìm được đi nữa thì cũng đã mòn hao, phai nhạt ít nhiều, người mất rồi còn đâu cho nguyên lành những tháng ngày chỉ vừa mới trôi qua mà đã tan hoang trong cơn chấn động khắp địa cầu.

Lâu lâu một vài hũ tro cốt được trịnh trọng, cung kính mang đến bàn giao cùng với những di vật bơ vơ lạnh lẽo. Tiếng khóc bật lên ai oán, xói gan xói ruột. Cũng có khi không có tiếng khóc nào vì người nhận tro là những đứa trẻ chưa hay mình đã mồ côi, chưa hiểu sinh ly tử biệt, không biết sao ba, má... đi lâu quá vẫn chưa về, những lọ sành kia chứa đựng gì trong đó, sao mắt dì Năm chú Tám cạnh nhà lại đỏ như những đốm nhang ai thắp trên đầu tủ kia...

Bao tổn thương mất mát biết đến khi nào mới nguôi ngoai.

Rồi bà Bảy cũng không qua khỏi. Ông Hai thẫn thờ đưa trả xâu chìa khóa cho đứa cháu của bà, đó là một nữ điều dưỡng ở tuyến đầu bị nhiễm COVID-19 vừa có kết quả âm tính từ bệnh viện dã chiến trở về. Cô gái treo bảng bán nhà kèm số điện thoại lên trước cửa rồi lếch thếch trở về nhà đâu ở chợ Bàu.

Ông đứng nhìn đăm đăm qua nhà đối diện, hình dung bóng dáng lẻ loi của người bạn xưa mà nghe đau thắt ruột. Khép lại một kiếp người hiu hắt, phù du, Bà Bảy đã mang theo điều gì của cuộc đời này sang thế giới bên kia? Sao lòng người ở lại nghe nặng nề day dứt đến thế này!

Ông Hai không có chút tin tức gì của thằng Dực dù đã tích cực tìm kiếm, hỏi han. Lúc dịch bệnh đang hoành hành dữ dội, giãn cách, phong tỏa liên miên, một người lúc nào cũng xẹt qua xẹt lại, quay tới quay lui và luôn mồm luôn miệng như nó bị tù túng trong nhà đến phát cuồng, nó xin ông cho đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch.

Do điều kiện và độ tuổi tình nguyện viên khá thoáng và sức vóc khỏe mạnh nên nó được nhận ngay. Món quà đầu tiên thằng Dực gởi về cho ông là một hộp khẩu trang kèm chai khử khuẩn, chỉ có vậy thôi mà làm ông cảm động rưng rưng.

Ông chép miệng nhìn cái điện thọai hầm hố như chiếc tăng thiết giáp thu nhỏ, chỉ có chức năng nghe gọi mà thằng Dực rất mê.

Lần duy nhất nó trở về nhà, ốm nhom, mặt đen thùi sau lớp khẩu trang. Nó tía lia kể nào là tham gia mang cơm nước cho tuyến đầu chống dịch, săn sóc bệnh nhân trong khu cách ly, vác bình ô- xy tới nhà dân, đi chợ giúp khu phong tỏa...

Nó nhanh nhẹn tắm táp giặt giũ, ăn tô mì chay ông nấu cho nó rồi đi, bỏ quên chiếc điện thoại trên bàn. Giờ nếu nó mãi không nhắn tin hay gọi về như thế này ông cũng không biết phải làm sao. Bao nhiêu thứ ngổn ngang trong lòng làm ông không tài nào chợp mắt. Một người ngay bên cạnh mình, ngay trong thành phố này, trong đất nước này mà còn không thấy tăm hơi huống hồ ở một nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất!

Người vợ cũ xa mặt cách lòng đã đành, còn những đứa con máu thịt làm sao mà không lo lắng khi chúng đang ở nơi đã có hàng triệu ca tử vong vì dịch bệnh và con số đó còn tăng lên mỗi ngày.

Còn biết trông vào đâu, biết cầu xin ai bây giờ! "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người...", chỉ còn con người với nhau thôi, và ma quỷ.

Mong sao thằng Dực chỉ mải chơi ở đâu đó rồi sẽ về với ông (mà nếu nó có làm sao chắc người ta cũng đã báo về địa phương rồi).

Dực ơi! Mau về con ơi! Tiếng lòng ông réo lên xót xa trong nỗi cô đơn vàng úa.

Mới đó mà ông Hai đã già hơn trước rất nhiều, lưng đã còng, tóc bạc trắng, dáng đi càng chậm chạp, liêu xiêu như đã trải qua cả trăm năm.

Ông may mắn thuộc nhóm người bị SARS-CoV-2 bơ đẹp!

Thằng Trân, con trai út của ông Sáu Nai còn sống sót sau hai lần tái nhiễm (thằng đẹp trai nhất xóm, sinh viên năm cuối, tập đấm bốc với bao cát mỗi ngày mà bây giờ xách xô nước không nổi) từ bên trong hàng rào nhà nó, nhìn thấy ông nó cũng ráng nói với qua bằng cái giọng hụt hơi do di chứng ở phổi:

-Bác Hai miễn nhiễm với COVID-19 rồi, ngưỡng mộ bác quá!

Ông già bảy mươi lăm tuổi cười cười:

-Ngưỡng mộ cái gì, tại nó biết gặp Hai Câu là nó chết chắc!

Ai chết còn chưa biết nhưng số nhân khẩu trong hẻm Đuôi đã vơi gần hai phần ba.

Tối tối người trong hẻm thắp nến dài theo hai bên thềm nhà, thím Hảo mua ve chai (đã mất chồng và hai đứa con vì dịch bệnh) nói giọng nghẹn ngào "Thắp sáng cho vong linh thấy đường về nhà", nghe buồn đau rờn rợn.

Người còn lại thì vật vờ rệu rã với hàng trăm di chứng hậu COVID-19, cuộc sống chưa biết sẽ bắt đầu lại như thế nào khi những biến chủng mới của virus SARS-COV-2 vẫn phát sinh, mọi biện pháp phòng chống vẫn còn đang quyết liệt, công ty, xí nghiệp đình trệ, thất nghiệp, ốm đau, thiếu đói...

Con đường nến không biết đến khi nào thôi sáng, không biết có hồn ai men theo về chốn cũ không nhưng nó làm ấm bước chân thưa của người dân trong xóm. Riêng ông Hai, hễ trời sẫm tối là ông lại đi tới đi lui từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Thì cứ coi như ông đi bộ tập thể dục, nhưng cùng với những bước chân không dấy bụi của ông, hằng hà sa số những suy tưởng có khi lơ lửng chơi vơi, có khi rơi xuống mặt đường hoặc bay lên khung trời hẹp đang tối dần trên tóc trắng.

Có lẽ ông đang đi tìm những dấu vết của trăm năm nguồn cội, hình dung con đường mưu sinh lập nghiệp của ông bà tổ tiên trên vùng đất này, hoài niệm khôn nguôi về đấng sinh thành, nhặt nhạnh những kỷ niệm úa màu của thời trai trẻ...

Đó có phải chứng bệnh kinh niên của người già, đến một tuổi nào đó chợt đắm đuối miên man trong quá khứ cho dù cuộc sống đủ đầy hay khổ cực... Nhưng có chìm đắm về đâu chăng nữa, ông Hai Câu vẫn đau đáu trong lòng nhiều món nợ. Ông nợ bà Đào một lời thề trên sinh mệnh của chính ông, nợ bà Bảy một mối tình đơn lẻ và nợ thằng Dực một câu chuyện đời xưa...

Ông đi tới tận cùng con hẻm, giàn bông giấy đỏ mận trước nhà bà Đào càng sẫm màu trong ánh hoàng hôn, xác hoa và lá rụng bay tan tác. Nếu có thế giới bên kia chắc họ đã gặp nhau, là hai cô gái hay hai bà lão thì cũng chắc chắn một điều là sẽ không ai còn muốn trở về thế giới khổ đau này.

Hãy cứ vờ như thời gian sẽ rót thiên thu vào tuổi đời ông, vì chỉ còn một mình ông ở nơi chốn này để làm tròn một lời hứa trong câu chuyện giữa ba người.

                                                                                                          Tháng 12/2021

                                                                                                                   N. T