Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Mắt Rừng, Máu Rừng và Xác Rừng

Thái Hạo

Ngày 7.9, một nhóm Hà Nội của những thực hành nghệ thuật đương đại gồm họa sĩ Năng Yến, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương nghệ sĩ trình diễn Hoan Doan ghé Tào thôn thăm nhau.

Vừa gặp, câu chuyện rừng Bình Thuận đã cuốn tất cả đi giữa những ngổn ngang âu lo, giận dữ, xót xa... Phút chốc, mọi người như đã lạc vào những cánh rừng tưởng tượng. Và một seri nghệ thuật tình cờ ra đời.

Đầu tiên là tác phẩm Quốc Sách được Yến Năng thực hiện ngay tại chỗ, dành tặng riêng cho chủ nhà. Một cuốn sách được anh khoét thủng, biến thành lưỡi cuốc và tiến hành tra cán – thành “cuốc sách”, không phải “quốc sách”!

376844028_698897468783942_3909945385052166762_n

Cuốc Sách – Yến Năng

Tác phẩm như một ý niệm vừa mang tính trào lộng, vừa gợi lên sự thất vọng bởi khoảng cách giữa những khẩu hiệu và thực tế, nhưng đồng thời cũng là một thông điệp về sự cần thiết của một nền tảng hiện đại, văn minh đối với xã hội Việt Nam đương đại: cần thoát khỏi những “cái cuốc” cũ kỹ, giáo điều, thoát khỏi những hô hào bóng bẩy nhưng vô hồn, lạc hậu để thay bằng một cái cuốc tân kỳ: tri thức.

Chỉ có tri thức mới có thể xới lên, cày vỡ những mảnh đất tinh thần cằn cỗi, bạc màu, hoang hóa, thổi vào đó sức sống tươi mới của khoa học, tự do, và đa nguyên văn hóa, nhằm phục sinh một đời sống và môi sinh đã trở nên cùn mòn, rỉ sét, ngột ngạt, tàn tạ.

Vừa trao “Cuốc Sách” cho chủ nhà, anh lập tức thực hiện tác phẩm thứ hai: Mắt Rừng. Đó là một cái cây dại mọc sát bên lều tranh, được Yến Năng chân thành xin phép và bắt đầu vẽ lên những mặt lá, biến chúng thành những con mắt mở to, ngơ ngác, trong sáng và tinh sạch. Anh nói: “Trời có thể không có mắt, nhưng những côn trùng, cá mú, muông thú… chắc chắn có mắt; cỏ cây hoa trái chắc chắn có mắt; đất đai núi rừng chắc chắn có mắt; thiên nhiên có mắt! Hồn thiêng sông núi đang theo dõi chúng ta thông qua MẮT RỪNG!”.

377501920_698932948780394_7993829627696541094_n

Mắt Rừng – Yến Năng

Trong sự mời gọi của những “mắt rừng”, sáng hôm sau chúng tôi lên đồi, bên cạnh những cây thông cháy dở do một cơn hỏa hoạn mấy tháng trước là xác thông đen đúa nằm ngổn ngang, bất động trên mặt đất... Trong khung cảnh ấy, Hoan Doan bắt đầu tác phẩm Xác Rừng của mình bằng sự “dịch chuyển nội tâm” với hình ảnh hóa thân vào một cây thông xanh đang chìm sâu vào giấc ngủ yên bình, rồi bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng động “chặt đi, đốn đi...”. “Người-Thông” từ sự ngơ ngác, rồi thành sợ hãi, đau đớn, gào rú. Và đổ xuống. Cây chết. Người chết. Nghệ sĩ lại hóa thân thành những con thú hoảng loạn, thất thanh và cuồng điên trốn chạy trong tiếng cây gãy, tiếng người lao xao “chặt đi, chặt đi...”.

Cái chết lại ập đến trên thân thể điêu tàn, linh hồn muông thú thoát ra. Man dại, nguyền rủa. Và bò đi trong hoang dại. Cả đoàn, mồ hôi vỡ ra như tắm, nước đầm đìa ngực áo, phần vì leo núi, phần vì cảm giác rợn người do bị cuốn vào nỗi đau trong biểu đạt của người nghệ sĩ.

Buổi trưa không ngủ, anh em mang guitar ra chơi và hát, cho đến khi mặt trời đã dịu, lại lục tục đồ đoàn, cùng đi bộ ra con đê trước nhà để Yến Năng thực hiện tác phẩm thứ ba của mình: Máu Rừng.

 

z4679080854294_0abaf60e67358bd94fbe43dd139fc207

Máu Rừng – Yến Năng

Yến Năng gần như trần truồng đứng bên những cái cây lớn nhỏ. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương dùng màu đỏ pha loãng, vẽ những đường phạt ngang trên cả cây lẫn người. Máu ròng ròng chảy xuống...

z4679100207337_82a7a3150c1d2244025d5ac2154a07bd

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương đang thực hiện tác phẩm Máu Rừng cùng Yến Năng

5 cây được vẽ ở 5 vị trí khác nhau tương ứng với thân người; cây cuối cùng, người nghệ sĩ bị rút dây, treo ngược lên, một nhát vẽ ngang cổ, máu đỏ chảy đầm đìa trên mặt, trên đầu. Máu chảy vào mắt...

376861453_698884945451861_1979144749081174063_n

Bác sĩ Ngô Đăng Vinh cùng tham gia tác phẩm Máu Rừng

Trong chuyến đi thăm nhau này, hầu hết các tác phẩm ra đời đều như một sự tình cờ, không kế hoạch, không trù tính, không tập tành, không gia công tỉa tót. Tất cả thô mộc và thật như chính cuộc sống đang trình hiện trước mặt. Chỉ có những ý tưởng vụt hiện trong phút chốc và người nghệ sĩ liền nắm lấy, hóa thân và thực hiện tại chỗ bằng tất cả sự vẫy gọi trong sâu thẳm một nguyên sinh người.

Nghệ thuật trình diễn là một loại hình hiện đại do những nghệ sĩ mỹ thuật thực hiện nhằm diễn đạt ý tưởng của nghệ thuật tạo hình. Ở đó, tác phẩm chính là tất cả những chuyển động và biểu hiện của người nghệ sĩ trong bối cảnh mà sự hiện diện của họ như một thành tố thuộc về một biên giới không có biên giới. Thực hành nghệ thuật trình diễn chính là biểu hiện của hơi thở cuộc sống, vừa mang tính tượng trưng vừa phá vỡ các khuôn khổ và quy tắc, biến tác phẩm trở thành một thông điệp mà tác giả vừa là người sáng tạo vừa bị chính tác phẩm của mình sáng tạo nên. Bị nghệ thuật hành!

Với seri “tự phát” này, nhóm Yến Năng, Nguyễn Ngọc Phương, Hoan Doan và sau đó là một “nghệ sĩ bất đắc dĩ” – doctor Đăng Vinh Ngô – vừa truyền đi một tiếng nói công dân, tiếng nói con người, bằng chính cơ thể và cuộc sống của họ, vừa phá vỡ những diễn ngôn có tính đại tự sự, vẫy gọi nhau đến những chân trời khác, khởi tạo một tinh thần đa dạng văn hóa, tôn trọng sinh mệnh và những chuyển vận nhỏ nhiệm nhất của đời sống.

z4679121384565_c45cb8168fa0eccaeedb8d4a294418c0

Yến Năng, Nguyễn Ngọc Phương, Ngô Đăng Vinh, Thái Hạo

Trong hoàn cảnh thực tế này, tất cả hội tụ và kết tinh trong một khát vọng cưỡng bách nội tâm: kêu đòi sự sống cho rừng và rừng Bình Thuận.

T. H