Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Một cuộc trao đổi ngắn về “nhân vật thời đại”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Vài cô cậu sinh viên (SV) đạo diễn năm cuối tìm đến T. cận tôi đề nghị làm giảng viên (GV) hướng dẫn thực hiện phim tốt nghiệp (TN), tôi chỉ dành được thời gian cho nhõn một cậu làm tốt nghiệp phim truyện khi SV này thắc mắc khá hay: “Hồi học phổ thông, em nhớ có thầy dạy văn đôi lần nói đến “nhân vật thời đại” rồi sau đó không bao giờ nhắc đến nữa; còn mấy năm học đại học vừa qua, cũng chẳng bao giờ được bất cứ thầy cô nào nói đến, vậy là sao ạ? Em nghĩ: khi xác định nhân vật chính trong phim truyện là phải tìm đến “nhân vật thời đại”, phải không thầy? Vậy em cần tìm loại nhân vật thời đại thế nào để phim TN được duyệt, được đánh giá tốt ạ?”.

Sau đây là cuộc trao đổi:

GV: Vấn đề này, trước nay người ta đã viết cả đống sách báo rồi, và chính nó là “thủ phạm” khiến không ít văn nghệ sĩ nước ta vướng vào vòng lao lý, mắc tội “yêu thư yêu ngôn” như người xưa nói, bởi các vị ấy đã phạm vào cốt lõi của cái gọi là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được tôn sùng và coi là bảo bối – trong đó có vấn đề trung tâm “Nhân vật thời đại”. Một thời gian dài, “Nhân vật thời đại” cần phải tập trung miêu tả là Công - Nông - Binh; nếu lấy nguyên mẫu là những tấm gương chiến đấu - lao động sản xuất được báo chí tuyên truyền rầm rộ thì càng “lý tưởng” đối với người sáng tác… Nhưng thực tế là, những tác phẩm mang tính phục vụ chính trị “đắc lực” và nhất thời đó hầu hết đã bị lãng quên, bị phủ bụi… Rồi, mấy thập kỷ gần đây, những “Nhân vật thời đại” kiểu đó biến mất dần dần… Nhân vật xả thân hy sinh cho Tổ quốc - Đồng bào giờ chỉ còn là hình ảnh trong các phim “cúng cụ” đắt tiền được trình chiếu trong các Đại lễ kỷ niệm rồi cất trang trọng vào kho. Còn ngoài đời, dành cho thanh thiếu niên hiện nay dường chỉ là các nhân vật thành đạt xài ô tô BMW, Lexus, có lâu đài đồ đạc dát vàng mà giới truyền thông quảng bá cổ vũ… Cạnh đó, sự yếu kém, thất bại của ngành Giáo dục đang bị thương mại hóa đã làm tê liệt dần tinh thần sáng tạo, ý thức phản biện trong thanh thiếu niên, tạo ra những thế hệ mê mải chạy theo thỏa mãn tiện nghi và sùng bái thần tượng nghệ thuật đại chúng nước ngoài… Bởi thế, câu hỏi: “nhân vật thời đại” thật sự là gì có khi còn là điều nhạy cảm, thậm chí bị cấm kỵ không văn bản!

SV: Thú thực là em thấy hoang mang quá… Em không hiểu nổi thầy ạ!

GV: Thế này em: Một thời kỳ dài, rất dài, “nhân vật anh hùng thời đại” (không phải theo kiểu của I. M. Lermontov) được hiểu là nhân vật thuộc tầng lớp Công - Nông - Binh, mà cốt lõi là “Bài nói chuyện tại Tọa đàm văn nghệ Diên An” của Mao, được bao bọc, trang điểm bằng các lý thuyết văn học & mỹ học của Mác - Ăng-ghen - Lê Nin, v.v. Công - Nông - Binh mang khát vọng & tư thế: “Mỗi con người lấp lánh một ngôi sao” như nhà thơ Tố Hữu định nghĩa và đòi hỏi, dù có cơ sở thực tế nhất định, song điều tai hại là đã mang trong nó mầm mống của sự kiêu ngạo, bất chấp quy luật khách quan Lịch sử, bất chấp nền tảng của Nhân văn, và nhất là nó sẽ đẻ ra tư tưởng thống trị Nhân dân khi sự phân liệt giàu nghèo ngày một rõ rệt của một xã hội tiêu thụ thắng thế!

SV: Nếu không xây dựng nhân vật của thời đại, thì văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng còn có ý nghĩa gì, thưa thầy?

GV: Tôi kể câu chuyện vui nhé: hồi tôi thi vào Điện ảnh được Ban Giám khảo (gồm các nhà điện ảnh nổi tiếng và các GS.TS. nghệ thuật học) hỏi một câu: “Theo anh, nhân vật chính của văn học nghệ thuật thời đại ta là gì?”. Với sự háo hức của người sắp bước vào nghề nghiệp mới mẻ hằng ao ước, tôi trả lời: “Thưa, nhân vật thời đại, theo một học giả Bungari, đó là người có trí tuệ của một nhà bác học, có trái tim của một chiến sĩ, và tâm hồn của một nhà thơ!”. Cả Ban Giám khảo ngẩn ra giây lát, nhìn nhau, chắc tự hỏi không hiểu kẻ “trái khoáy” này từ đâu ra, cớ sao không thèm nhắc tới Nhân vật Công - Nông - Binh mà tất cả các giáo trình Đại học văn chương, nghệ thuật lúc đó coi là Thần tượng, là hạt nhân tri thức mỹ học xã hội chủ nghĩa?

Còn bây giờ, các em làm nghệ thuật có may mắn hơn nhiều bọn tôi thời trước, bởi sự phát triển của đời sống đã góp phần thúc đẩy, mở rộng thêm nhiều về quan điểm mỹ học trong việc sáng tạo. Như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử mới đây đã khẳng định: “Đặc biệt từ sau năm 1986, các nghị quyết của Đảng liên quan đến văn nghệ đều không nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đồng thời khuyến khích tìm tòi phương pháp và phong cách khác nhau” (theo: Lã Nguyên. Nguyễn Duy - nhà thơ hiện đại Việt Nam. Thực hành phân tích diễn ngôn văn học. Nxb KHXH, 2021). Tôi và một số đồng nghiệp còn gắn bó với nghề cũng đang le lói hy vọng, giữa bao thất vọng bầm dập, về sự xuất hiện một kiểu Nhân vật đích thực của thời đại nhằm tiếp tục thực hiện ngày một hiệu quả các sự nghiệp ngổn ngang của Quốc gia, và để chúng trở thành nguyên mẫu cho văn chương - nghệ thuật. Có như vậy, văn chương - nghệ thuật Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu thời đại, mới có thể mang được giá trị nhân văn toàn cầu vượt ra ngoài biên giới.

SV: Vâng, thế thì nhân vật cụ thể của “Nhân vật thời đại” hôm nay, em cần tìm ở đâu ạ?

GV: Một nhà thơ bị quy tội trong vụ “Nhân văn Giai phẩm” từng viết:

Những con người của chúng ta

Đang lờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng…

Vậy “Những con người của chúng ta” đó hiện giờ là ai, và đang ở đâu? Sự “lờ mờ xuất hiện” của nó từ hơn nửa thế kỷ trước làm cả xã hội “le lói hy vọng”, giờ đây càng thấy rõ là những con người cần mang phẩm chất mà Phan Tây Hồ tiên sinh đã mong mỏi, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, nhằm Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh! Đó là những phẩm chất, mà vì ủng hộ chúng thầy suýt bị “trượt vỏ chuối”; nhưng giờ đây lại thấy có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong việc xây dựng Con Người mới, hình thành Nhân vật Thời đại: “Nhân vật thời đại”, đó là người có trí tuệ của một nhà bác học, có trái tim của một chiến sĩ, và tâm hồn của một nhà thơ”. Chỉ có điều: Trái tim chiến sĩ và Tâm hồn nhà thơ đó rất cần phải có tình yêu thương Đồng bào làm điểm tựa, làm gốc rễ cho mọi hành động. Đó cũng là thứ quý giá, cần thiết để các nhà Nhân văn Việt Nam ngày trước đã phải “le lói hy vọng…”.

Em hãy nhớ lại bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long vẽ người mẹ ôm con trong cuộc “thiên di” lịch sử chống dịch – người mẹ mang bao nỗi đau tinh thần và thể chất để vượt qua mọi nghịch cảnh thiên tai nhân họa, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình, cũng là một kiểu “anh hùng văn hóa”, đã bảo vệ các Nhà bác học & Người chiến sĩ tương lai đó cho Dân tộc mình… Hay kiểu “nhân vật trong sạch một mình chống lại Mafia”, hoặc cao hơn, “Đan Cô móc trái tim làm đuốc soi đường cho đám đông mù lòa”, đã bắt đầu xuất hiện trong xã hội đang phủ bầu không khí u ám nước ta… Em nên tham khảo các phim thuộc dòng phim “ám ảnh” của điện ảnh Nga hiện đại được Bộ Văn hóa CHLB Nga tài trợ, đã được giới thiệu khá nhiều trên các FB “Khoảng lặng nước Nga”, “Thao thức phim Nga” của nhà điện ảnh Phan Bạch Yến. Bên ta, mấy năm rồi đã xuất hiện không ít “người hùng chống dịch Covid” là các y bác sĩ, có cả dân thường dựng những trạm cứu tế dọc đường cho người dân chạy dịch; hoặc những nhà khoa học, nhà văn, Đại biểu Quốc hội, luật sư đã dũng cảm, thống thiết lên tiếng bênh vực dân oan, đòi xét lại vụ án oan… Mẹ và chị tù nhân Hồ Duy Hải, bố tù nhân Nguyễn Văn Chưởng nhiều năm kiên trì kêu oan cho con em mình gây xúc động cho toàn xã hội, không đáng là “nhân vật thời đại” sao?… Hoặc em thử tìm hiểu sự kiện nóng bỏng về vụ án cô giáo Lê Thị Dung ở Hưng Nguyên - Nghệ An: một cô giáo đảng viên đã kiên cường chống lại sự đồi bại của ngành Giáo dục nơi ấy, bất chấp các thế lực nhóm xúm lại vùi dập mình, bảo vệ sự trong sạch của bản thân, thực đáng kính phục! Và mới đây nhất là nhân vật cô giáo Trần Thị Lịch ở Hưng Yên vì tố cáo những tiêu cực tại trường mình mà bị trù dập, bị lăng mạ, bị hành hung, rồi bị đuổi việc, nhưng cô vẫn không nản lòng nhụt chí, và được cả xã hội đồng tình ủng hộ… Đó là những ví dụ sáng rõ về “Nhân vật thời đại”, em có thể tham khảo rất tốt: các kiểu nhân vật này phù hợp tuyệt đối với Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (Nghị quyết số 33-NQ/TW- BCH Trung ương Đảng khóa XI). Bản thân thầy cũng đang ấp ủ kiểu “nhân vật thời đại” từ nguyên mẫu là các nhà báo bạn thầy chống tham nhũng tiêu cực từng bị thế lực hắc ám trong Chính quyền xích tay…

Dĩ nhiên, nếu làm tác phẩm điện ảnh, hiện giờ sẽ chưa được Nhà nước ủng hộ & tài trợ đâu, song nếu là phim TN có tính chất thể nghiệm thì Ban Giám khảo chấm TN sẽ ủng hộ, và phim TN của em biết đâu có thể lại là sự khơi nguồn, là tiếng nói tiên phong cho một dòng phim “ám ảnh” cần được phát triển ở nước ta!

SV: Em toát cả mồ hôi hột đây này! Nhưng em cũng cám ơn thầy rất nhiều!