Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Đỉnh ảo, một đời thơ

Bút ký Nam Dao

(Trích từ Những Con Người - Bút Ký 1 - Thi Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017)

Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ của Mai này đụng độ mà không chết, dẫn tôi đi tìm Bùi Giáng. Không về ghé sông Mao phá phách chơi, chẳng chia nốt nỗi sầu cùng gái điếm, và bụng dạ nào để nghĩ đến đốt tiền mua một thoáng ngày vui. Đó là Sài Gòn đầu thập niên 1980.

Quần đen, áo bà ba. Nón cối gắn sao đỏ. Áo vàng thấp thoáng góc phố, mắt cay nghiệt rình rập, mặt lạnh như tiền. Như thế, dẫu là thánh cũng chẳng thể không mang mặc cảm phạm tội. Một thứ tội danh chưa biết nhưng có thể ụp xuống đầu bất cứ lúc nào, thậm chí ngay bây giờ, hoặc mai, hay mốt. Tội hay không, hên xui may rủi như lắc xăm xin quẻ, tung đồng chinh sấp ngửa cầu một quẻ hào dịch ê a niềm hy vọng từ miệng người thầy bói mù đang lén lút hành nghề dị đoan mê tín.

Chúng tôi đạp xe dưới nắng chang chang. Qua cầu Bông. Tìm, hỏi. Rồi hỏi, tìm. Không, không thấy. Vòng qua Tân Bình, cũng không. Mấy bữa rồi ổng đi mất tiêu. Qua chợ Trương Minh Giảng, lại hỏi, cái ông ấy mà, râu tóc trắng xóa, con mắt rực màu tinh quái, áo vá chằng vá đụp thùng thình, thỉnh thoảng la hét gầm gừ, vai bị tay gậy, nghe đâu dạo này lại có một chú tiểu đồng con con lẽo đẽo theo sau. Ờ, mới thấy bữa trước, giờ chắc ổng zìa Sè Gòn rồi. Chỗ nào? Trời biết, ổng như thần thánh, lúc biến lúc hiện…

BG

Chân dung Bùi Giáng – Đinh Cường vẽ

Chịu, thôi thì thôi, để mặc mây bay, chưa bén duyên thì gửi lòng yêu theo cơn gió lửng. Nào, đạp xe về, chỗ đám văn nghệ sĩ trú, số 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nguyễn Bắc Sơn ra chợ trời, tối hôm đó mang về một cuốn sách mất bìa, tơi tả buộc kiểu bó giò bằng hai sợi dây thun, thiếu 48 trang đầu, bảo… Ta cho chú mày cuốn sách gối đầu giường. Tôi rón rén nhẹ tay mở ra, phía trên trang bên phải có chữ Tư Tưởng Hiện Đại (TTHĐ), bên trái thì M. Heidegger, cứ thế giở, đến W. Faulkner, A. Camus. Đến trang 478, tiếp Phụ Trương Thần Thoại Hy Lạp, với cước chú rất tếu: “ ... Vì muốn hướng câu chuyện theo những viễn tượng nào đó được phơi mở nhiều trong tác phẩm của Homère – Euripide - Sophocle nên tôi kể chuyện Thần Thoại nghe ra có khác trong sách vở ”...

Tếu thế, và thế được là rất ngông nghênh, nhưng ngông nghênh duyên dáng nên chẳng để ai mất lòng (trừ những học giả hàn lâm, nghiêm túc chỉ thuần trích, dịch, ghi chú, liệt kê sách biên khảo với số trang chính xác… để… làm tài liệu). Giở trang bìa sau nát bét, mọt nhá đã bươm tả, giấy nhăn nheo vàng ố, thấy ghi Giấy phép số 2715/XB cấp ngày 10.11.62, không có tên Nhà Xuất Bản. Trang trong ghi Lời Cuối Tập, rằng:

Vì điều kiện ấn loát quá khó khăn, nên ông chủ nhà in muốn chia cuốn sách ra làm hai tập. Tập thứ nhì sẽ in xong sau Tết Nguyên Đán. Độc giả thông cảm cho. Đa tạ. (Ký) Năm Của- Năm Cao- Năm Lửa- Năm Giáng.

Nhưng Tết năm nào? In thế, ông chủ nhà in hẳn chịu chơi và rất chiều tác giả, để tên ký cũng cợt nhả, không phép tắc qui củ, bất cần nhân thế, cái thế nhân thường giữ cho bề ngoài có nét đứng đắn đến độ ảo não âu sầu!

Tay nào viết cuốn này vậy? Nguyễn Bắc Sơn phá lên cười, thì Bùi Giáng chứ còn ai vào đấy được! À, và nếu ông chủ nhà in là ông Thanh Tuệ thì nhân đây tôi xin gửi ông một lời chào. Quả ông có con mắt xanh, chắc ông in năm 1963, thời đệ nhất Cộng Hòa, mai hậu sách sử gọi là thời Tiền Ngụy để khỏi lẫn với thời sau 1990.

***

Có sách, phải đọc.

Thật kỳ lạ! Dĩ nhiên có các vị M. Heidegger, W. Faulkner, A. Camus nhưng tất cả qua cái lăng kính Bùi Giáng, trộn vào nào là Thu Trang, Kim Cương, Thúy Kiều, Brigitte Bardot và Marilyn Monroe, nhuần nhuyễn tồn hoạt với nhau trong một tồn sinh mà tại thể tạo ý nghĩa cho tồn thể.

Nhưng tại thể là gì? Là Dasein trong ngôn ngữ Hết-Đe-Ghè,… Là thực tại người? …Là cái thể đứng ra để đón mời tồn thể. Nếu không có thực-tại-người-tại-thể thì tồn thể sẽ thiên thu mất ý nghĩa, sẽ chỉ còn là lù-lù-vật-thể-lai-rai (Tựa thứ hai cho M. Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại). Vậy Dasein là, Bùi Giáng cao giọng nghịch ngợm (TTHĐ, tr. 104), là Da (nghĩa thịt da) mà vì Sein (chỉ cái vú trong Pháp ngữ). Thế là nữ lưu các vị ở trên, Bùi Giáng ký dưới cứ rên hừ hừ. Thơ kiểu lục bát thì tỉnh bơ ký BG và Tố Như, còn sang đường luật thì là văn xuôi, tuyên bố ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn thể và cứ thế quậy cho… nát nhừ những nghĩa cùng ngôn, thò tay xem cái lò tôn (đọc lái kiểu Bùi Giáng, là tồn lo, là…) là gì.

Tóm lại, đọc để hiểu tư tưởng Bùi Giáng quả là bất khả, nhưng có những thoáng thiên tài nhấp nháy ánh sao sa, và những phút giây khiến vỗ đùi cười phá lên vì không thể nhịn mà được. Tỉ dụ:

Khoa học giết người… khoa học ngây thơ được phép không ngờ… đã hồn nhiên gây bóng tối. Triết học giết người… và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều con người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên… Sự lầm lẫn tai hại của các triết gia-học giả đã tàn phá triết học thi ca suốt bao nhiêu thế kỷ, và dẫn con người thời đại này tới đầu hàng cơ giới duy lý duy vật một cách nhục nhã. (trích Tựa thứ hai, sách dẫn ở trên).

…Luận lý học là tạo phẩm lai rai của nhà trường, của học giả. Triết nhân nếu có sử dụng luận lý học thì bao giờ cũng sử dụng với những hậu ý, coi luận lý học như một phương cách tạm thời giúp ta đạt được một cái-gì-khác lung linh hơn… Từ bao nhiêu thế kỷ, tư tưởng của tinh anh đã hao mòn trong vòng vây của luận lý. Người ta đo tư tưởng theo tiêu chuẩn lệch lạc. Buộc cá phải bò trên bãi cát? Buộc chim phải lội dưới dòng sông?…Tất cả vấn đề là: làm thế nào cho xoang điệu hào hoa đừng bị đánh chìm bởi luận lý cò kè đo đếm, bớt một thêm hai (trích Tựa thứ hai, sách dẫn ở trên).

…Sau nghìn thế kỷ của ba trăm năm điêu tàn sa mạc, con người Trí Thức Trưởng Giả Da Vàng… vừa thống thiết tự xưng “Ta Đông phương da vàng” vừa lém luốc dòm dỏ theo đuôi “em Tây phương tiến bộ văn minh da trắng”... Đông phương đã tiếp tục ngủ vùi giữa những trầm thống thất thanh kia. Và lúc sực tỉnh ra thì chỉ biết thống thiết chạy theo đuôi một cái đuôi hút heo tan nát, vừa chạy theo đuôi vừa gào to lên rằng mình vớ chộp được một cái đầu thật bự! (Trích Tựa cho Mùa Xuân Hương Sắc, An Tiêm,1990, tái bản lần 1).

Vỗ đùi mà cười phá lên:

Nhưng tinh hoa của tư tưởng tồn sinh chính là ở chỗ chập chờn-tồn hoạt, hắt hiu-tồn động, lây lất-tồn lung. Luôn luôn phải xin mở những dấu ngoặc để nói chuyện đầu Ngô đuôi Sở, là cố công cố gắng để đi sát nhịp với tồn sinh… Và nói chuyện đầu Ngô đuôi Sở xong, thì xin phép đóng dấu ngoặc lại, để xuống dòng bàn đến chuyện đầu Sở đuôi Ngô khác. Bởi vì nếu không tiếp tục bàn chuyện khác cũng đầu Ngô đuôi Sở thì ta sẽ rơi vào cái lỗi của hệ thống ngu si dập dìu những Waelhens những Jean Wahl những Sartre cứ lục tục nối đuôi nhau - nhưng không nối đuôi được đẹp đẽ như chuồn chuồn - để tết dệt hàng hàng những lách lau bá láp (TTHĐ, tr. 103).

Cuộc “cách mạng” tư tưởng của học thuyết Sartre chỉ mở đường cho tư duy xuống dốc (ta hết sức tàn nhẫn mặc dầu ta yêu Sartre gần bằng Trang Phượng. Và mến Sartre hơn bao kẻ hương nguyện. Và không muốn quên cái công của Sartre - không phải công với triết học mà là công với dế mèn – nhưng không thể nào không đập ngươi vì bổn phận đối với lá cỏ cồn mà ta yêu quí. Đập ngươi, ta rất đau lòng). Chủ nghĩa hiện sinh theo điệu Sartre sẽ sớm chầy bắt tay với duy - vật và suy - tư - khoa - học - máy móc. (TTHĐ, tr. 147).

Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Những bọn cầm bút phê bình cha-chú, ru rú rúc rào, lấp lơ giả vờ đứng - đắn - ta - đây để bổ nhào đè lưng kẻ làm vườn mồ hôi nhuễ nhoại - vâng - những bọn đó nên suy gẫm kỹ một cái câu này.(TTHĐ, tr. 183).

TTHĐ, tr. 364:

- “I’ve seed de fisst en de last”, Dilsey said, “Never you mind me”.

- “First en last whut?”. Frony said.

- “Never you mind”, Dilsey said. “I seed de beginnin, en no I sees de endin”.

Bùi Giáng dịch (giọng Quảng) :

- Tôa đỏa thếy ké đòa ké cuếi.

- Chớế ngeại chi têoa, Chớế lôô chi cho têao.

- Đêầu cuếi ké chi?

- Chớế lôô ngeại chi chô têao hếếc.

***

Tết năm con khỉ cách đây hai giáp, tôi đến thăm Trịnh Công Sơn và gia đình thì Bùi Giáng đã ở đó, áo trắng (sạch sẽ, chắc để đi ăn Tết), nhưng mặt mũi thâm tím. Sơn vỗ vai tôi, bảo tên này cũng làm thơ. Giáng cười móm mém, vờn vờn đi kiểu hát bội, vòng quanh tôi hai vòng, mắt chằm chằm nhìn tôi như một con vật lạc loài nơi phố thị. Đập đập lên vai, sờ sờ nắn nắn, Giáng làm điệu bộ đánh hơi, ước giá, miệng kêu khìn khịt, mắt hấp háy tinh quái. Thình lình, Giáng thò tay trái ra bắt, hố hố, “Đười ươi thi sĩ, đích danh tại hạ!”, rồi đưa tay lên trán chào kiểu nhà binh. Năm Dao hỉ! Giáng ré lên, chỉ trỏ cười, huyên thuyên nói thứ ngôn ngữ pha Anh Pháp Đức Việt và ba lăng nhăng đủ loại âm thanh, nói liền năm bẩy phút, không cho ai cắt lời, chẳng cần ai hiểu.

Tôi ngớ ra, lúng túng nhìn Giáng, chỉ biết cười cười. Sơn kêu, ông nội này phá quá trời quá đất. Giáng mặc, cứ tiếp tục, thình lình lăn cù xuống đất, lộn ngược đầu, xoay vòng vòng, lăn từ trong nhà ra sân, rồi lại từ sân lăn vào, tiếng da thịt đụng xuống nền đất bình bịch. Tôi kinh hoảng. Hình như cả nhà Sơn đã quen với cái cảnh này, chẳng ai lộ vẻ ngạc nhiên. Sơn đủng đỉnh, chút chả hết cơn, không sao đâu…

Mươi phút sau, Giáng thôi ngọ ngọay, nằm thở hồng hộc. Một lát, Giáng lồm cồm ngồi lên, mặt mũi tươi rói, có vẻ không nhớ gì những giây phút vừa qua. Phải chăng, tôi tự hỏi, Giáng vừa tìm lại một thứ quân bình giữa cái thể và cái trí, chừng như cái nọ làm lệch cái kia. Bất ngờ, anh nhìn chằm chằm vào mắt tôi, giọng Quảng đặc sệt, dịu dàng: “Có sống như thơ thì mới làm thơ được!”.

Thơ Bùi Giáng. Phải nói, nhiều người đã xưng tụng thơ Giáng. Cũng nhiều người, nhăn mặt kêu, thơ đang hay bỗng trửng giỡn, mất hay. Nhưng nói gì thì nói, ai cũng nhận rằng Bùi Giáng là một nhà thơ. Và là một huyền thoại sống.

Tôi biết một đêm ăn trộm bằng ba năm làm, không chơi trò ru rú rúc rào, nhưng xin thưa với Đười Ươi thi sĩ những bài thơ của anh mà tôi trân trọng. Trong tập Mưa Nguồn (1963), bài Người đi đâu,với

Trời vi vút én liệng vòng hớt hả.

Đi đi em nguồn giậy mộng chiêm bao.

Về thao thức canh chầy tìm trở lại.

Bốn chân trời người đứng ở nơi nao.

Rồi bài Phương Hà, nhất là đoạn:

Trời tuổi trẻ bụi nào về vây hãm.

Giữa mịt mờ trăng nước lạnh liên miên.

Hoài vọng uổng bên nỗi đời thê thảm.

Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền.

Trong Mắt Buồn, hai dòng như chuỗi hạt trai, rằng:

Bây giờ riêng đối diện tôi.

Còn hai con mắt khóc người một con.

Cuối cùng, Mai Sau Em Về, trác tuyệt bất ngờ là hai câu:

Em về mấy thế kỷ sau.

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.

Đến tập Lá Hoa Cồn (cũng 1963), tôi yêu lục bát Bùi Giáng, và nhận ra anh là đứa em cuối cùng của Tố Như Tử (chứ chẳng phải Nguyễn-Bính-ca-dao hay Phạm-Thiên-Thư-vô-thanh-vì-không-đủ-đoạn-trường).

Với Dệt Áo, hãy nghe:

Áo vàng xin dệt cho em.

Tơ vàng ai lựa sợi mềm tay đan.

Mai sau để lại hoe vàng.

Cầm nghe có thịt da nàng ở trong.

Còn Sa Mạc Phát Tiết, đoạn cuối khiến châu thân lạnh toát rợn người:

Thưa em trời chẳng cho gần.

Đường vô hạn trắng tử phần ban trưa.

Đêm vần vũ bạc phau xưa.

Hồn sa mạc phát tiết mưa ra ngoài.

Bây giờ, lần dở Ngàn Thu Rớt Hột (lại cũng 1963) và nghe Bùi Giáng lên cơn tếu trong Gởi thôn nữ Vĩnh Trinh, kêu ca:

Tấm quần em rách đường tơ.

Cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều,

rồi sau lại hỏi:

Bây giờ em đứng nơi đâu.

Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao.

Chưa hết, làm xong mấy khổ lục bát, Giáng tái bút:

Gắng thu xếp gấp rồi vào. Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không. Trong này thiên hạ rất đông. Ăn mặc thật đẹp nhưng trông không mặn mà bằng em.

Anh viết cứ như thật! Em nào chịu cho nổi cơ chứ?

Đến Màu Hoa Trên Ngàn (lại lại 1963), Bùi Giáng vẫn cứ phong độ, thơ trào ra, có tệ thì thi thoảng xuống mức thường thường bậc trung, nhưng chỗ này chỗ kia vẫn lấp lánh những ánh sao băng kỳ diệu. Em về mấy thế kỷ sau lại được lặp lại (sau đó thêm một lần nữa thì phải) trong bài Em Về Ra Sao. Xin chép:

Em về mấy thế kỷ sau.

Hồn ngân tiết điệu câu chào vọng qua.

Em đi lòng độ giang hà.

Cỏ mùa thu mọc chớm già chợt non.

A, cái tứ thơ lạ, em về nhưng lại mấy thế kỷ sau, tại sao hở em?

Chỉ nội một năm 1963, Bùi Giáng ra thêm Màu Hoa Trên Ngàn, tức là 5 tập thơ. Thêm vào , Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại I và II, rồi Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger, là hai cuốn sách lý luận biên khảo. Và chỉ một năm thôi, là thừa cho một đời văn: anh đã để dấu ấn Bùi Giáng trong văn học và thi ca.

Từ 1955 đến 1975, Giáng viết khoảng 46 (47?) tác phẩm, đủ thể loại, từ sách Giáo Khoa đến Dịch Thuật. Sau 1975, anh không sung sức như trước, nhưng thơ anh thấm thía chạnh lòng hơn, và cũng hoài nghi hơn, đôi khi có chút uỷ mị chua xót, nhưng gì thì gì, vẫn ngộ nghĩnh. Tôi chép ba bài tôi cảm:

Bao giờ

Bằng bút chì đen

Tôi chép bài thơ

Trên tường vôi trắng

Bằng bút chì trắng

Tôi chép bài thơ

Trên lá lục hồng

Bằng cục than hồng

Tôi đốt bài thơ

Từng phút từng giờ

Tôi cười tôi khóc bâng quơ

Người nghe cười khóc có ngờ chi không

Một đời

Một đời đâu chốn đâu nơi

Đâu người đi kẻ ở đời đâu đâu

Em đi từ tỉnh mộng đầu

Một mình anh ở mang sầu trăm năm

Em từ vô tận xa xăm

Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?

Gió

Gió qua đồi núi cheo leo

Gió chào em Mọi bên đèo đầu truông

Giữa đèo rốt cuộc một muôn

Bên dòng suối mát cởi truồng ngồi chơi

Nhân vì có việc qua đồi

Thấy em xinh đẹp tôi ngồi ngắm em

Thế rồi công việc bỏ quên

Chỉ còn có biết ngắm em thôi mà

Về sau khắp bến giang hà

Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông

Phải nói, bài Bao Giờ hay, có chất Apollinaire, một nhà thơ người Pháp Giáng trân trọng. Bài Một Đời trung trung, được câu chót, bất ngờ, nâng cấp bài thơ lên một tầng siêu hình. Bài chót, Gió, mới đọc thì thường, quá thường, loại thơ kể chuyện. Nhưng không hiểu sao nó ám ảnh. Em Mọi man sơ nay thay những kiều nữ môi son má phấn Kim Cương, Malyn MốngLồ, Bizít Bàđô? Sao thế nhỉ? Thơ lại thơi thới, hân hoan, giản dị, thực thà, ngộ nghĩnh và trẻ thơ. Nhất là vào những phút cuối đời! Sao trẻ thơ được thế nhỉ?

***

Sống như thơ thì mới làm thơ được!

Nhưng sống thế nào là sống như thơ, anh Giáng? Khà khà, là sống, thế thôi. Sống như anh là lang thang phiêu bạt, không cứ sơ để cứ bàng hoàng nỗi niềm cố quận. Chẳng danh chẳng lợi, ôi chuyện phù hoa. Không quá khứ không vị lai, tại thể phải ngay đây, chốn này, tức thì, quyết liệt từng giây từng phút tồn lưu. Chân thành với cả hư vô và hữu thể, tránh màu mè uốn éo giả dạng này kia. Thôi ảo vọng, nhận mặt cuộc phù sinh như bạn đời chăn gối, và gối chăn là sao trời là huyễn mộng ta gắn cho cô em cái tên để thành hiện thực mầu nhiệm lung linh…

Thế thôi sao? Quay hỏi tiểu đồng, sao mặt mũi ổng thâm tím thế? Tiểu đồng đáp, ổng zô hẻm, lộn đầu trồng cây chuối chổng đít lên trời đi bằng tay, bên trên hẻm có căng biểu ngữ nền đỏ chữ vàng, kẻ “Không có gì quí bằng độc lập tự do”... Công an kêu, ổng tỉnh bơ. Nó chặn nó uýnh, uýnh xong ổng lại lộn đầu chổng đít đi ra. Nó biểu, chống chính quyền hả. Ổng cười. Lại bị uýnh, lần này lết không nổi. Người bầm dập, mang về bóp thuốc, chưa khỏi thời ổng lại tới con hẻm, bắt đền, đòi quyền sống.

Sống thế, cũng là sống như thơ à? Tức phải trung thực. Phải tự do, tự do tuyệt đối, bất kể bất cứ quyền lực nào vây bủa o ép, sẵn sàng sống chết đổi lấy một thứ giá trị người đời cho là trừu tượng viển vông...

Có phải có thế thì mới sống với và bằng những con chữ mà không mang thân phận mang kẻ bất lực chăn chiếu đang gượng leo lên giường rồi quay mặt không dám nhìn bà sồn sồn quyền thế nằm ngửa dạng chân?

Khi Tố Hữu leo đến tuyệt đỉnh quyền lực, anh em văn nghệ kể, Bùi Giáng đến trước số 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giữa trưa réo, ông Lành ơi, ông làm chi mà chúng nó đày đọa văn chương thế này? Nghe Giáng gào thét, ai nấy im lặng. Người đứng, đứng yên. Người ngồi, ngồi yên. Nhột và ngột. Giả tảng không hiểu, nhưng chẳng ai dám nhìn vào mặt ai. Chẳng ai xuống mở cổng mời ông vào, rót cho ông chén nước, mặc để ông cứ gào, ông gào như thế chóng chầy chắc sẽ rách toạc cuống cổ.

Một buổi tối năm 1988, Trịnh Công Sơn đưa tôi đến chỗ cõi tạm Bùi Giáng, trong một khu vườn nhà cháu ông, một người tôi cũng quen biết. Chúng tôi mới mon men vào, đèn bỗng tắt ngúm. Sơn khe khẽ gọi, anh Giáng ơi, Sơn đây. Đèn lại bật. Sơn hả? Bùi Giáng đẩy cửa, tươm tất, sạch sẽ, thậm chí đỏm dáng, áo quần râu tóc trắng tinh.

Chiếc màn buông quanh chiếu, cũng trắng, và thoang thoảng trong không gian là mùi hương mới đốt. Bùi Giáng không điên như người đời tưởng. Anh điên cách của anh, có chọn lựa và rất ý thức. Anh dịch lời Pascal, người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một lối khác. Và nói cho cùng, Nietzsche điên, Heidegger điên, Holderlin điên… Trang điên, Lão điên, Thích Ca cũng điên… Thì anh, kẻ nòi tình đến sau, muốn về nơi họ chắc không điên chẳng được.

Và khi anh tỉnh, rất uyên bác với một trí nhớ kinh điển khủng khiếp, thì ai mới là những người điên nhỉ?

Năm đó, lần cuối tôi gặp anh là dịp ta cùng gặp Trần Dần. Cũng lần cuối.

Trở về chuyện Bùi Giáng, huyền thoại sống. Thiên hạ bốn phương cần huyền thoại vì phải chăng sống như thơ là một nhu cầu hằng tưởng nhưng bất khả đạt? Vì trung thực là một tất yếu của cuộc tồn sinh? Tự do, sự sống còn của tồn thể? Và nghịch ngợm, hóm hỉnh, hân hoan là cái hạnh phúc tồn hoạt. Nhưng những cái tồn (nọ, kia) theo chữ Bùi Giáng, ít người biết anh định nói chi. Ngược lại, người người biết anh sống cái gì và sống ra sao. Và có thế anh mới thành huyền thoại.

Với bài thơ Gió và cô em Mọi, anh hoàn nguyên chất trẻ thơ. Anh thật may: trung niên thi sĩ gầm gừ tác phong mãnh hổ đã hoá thân ra đứa trẻ lúc cuối đời là giấc mơ của Nietzsche. Hình ảnh Bùi Giáng áo quần chằng đụp đủ mầu như một lão đạo sư nghễu nghện trên đỉnh ảo một đời thơ không là huyền thoại. Anh thực sự có đó khi xưa, và vẫn đây trong tâm tưởng tôi bây giờ, với nụ cười móm mém hiền hòa, ánh mắt tinh quái nhưng dịu dàng.

Câu anh thốt, sống như thơ thì mới làm thơ được, vẫn đâu đó theo tôi đằng đẵng một thời.

Cứ nhớ bạn, lại mất ngủ. Nhớ anh, lại nhớ Sơn và căn vườn treo phố Duy Tân. Nhớ ánh nắng xế trưa hoe vàng đậu trên những tàng lá cây me dưới cái màu xanh ngăn ngắt của trời cao độ lượng. Bây giờ, đêm ở đây. Tôi lục lại dăm tấm ảnh, mấy bức thư còn ấp chút hương xưa một thời quá vãng. Một mảnh giấy nhỏ xíu mầu vàng rơi xuống. Không phải lá muà thu, dẫu ngoài kia, trời đã lạnh và rừng phong cạnh nhà đang chuyển sang màu đỏ.

Mảnh giấy đèo bồng hai hàng chữ:

Người đâu gập Búi Giáng Bùi

Hỏi thiên thu, gió, buồn vui những gì ?

Chữ anh hay chữ Sơn. Chắc chắn không phải chữ tôi, xấu chứ không được đẹp như vậy. Thơ anh hay thơ Sơn. Hay thơ tôi. Không nhớ được.

Hề chi, hề chi. Có hề chi vàng những rong rêu…

Không-anh không-Sơn không-tôi thì là chúng ta vậy.

Xin chào, anh Bùi Giáng. Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau. Rồi sẽ một ngày tái ngộ, hẳn thế. Với anh, với bạn bè và những kẻ nòi tình.

Gửi BG, 5 năm khuất mặt - 7.10.2003

Hợp Lưu, 1974, Xuân Giáp Thân

N. D