Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Nam Trân với Huế, đẹp và thơ

Phạm Phú Phong

Tên thật là Nguyễn Học Sỹ, sinh ngày 15.2.1907, tại làng Phú Thứ thượng (nay là thôn Mỹ An), Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho. Thuở nhỏ học chữ Hán đến 12 tuổi, ra học Trường Quốc học Huế, rồi ra học Trường Trung học Bảo hộ ở Hà Nội. Đỗ Tú tài, ông về làm Tham tán Tòa Khâm sứ Huế, sau đó được bổ làm Tá lý, rồi Thị lang Bộ Lại (hàm tam phẩm). Sau 1945, Nam Trân tham gia kháng chiến, công tác ở Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Đại Lộc, rồi tỉnh Quảng Nam, sau đó là Chánh văn phòng Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu Năm, Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu Năm (1949). 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Hòa bình thế giới tại Việt Nam, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 1). 1959, ông về công tác tại Viện Văn học, làm Trưởng ban Tư liệu - Thư viện, Phó trưởng ban Nghiên cứu văn học cổ - cận đại và giảng viên lớp Đại học Hán học đầu tiên của nền giáo dục dân chủ cộng hòa, phụ trách Tiểu ban dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh ra tiếng Việt trong lần in đầu (1960). Nam Trân mất ngày 21.12.1967 tại Hà Nội, vì căn bệnh ung thư, khi đang còn dạy lớp Hán học và dịch dở dang Kinh thiCổ văn Trung Quốc.

Tác phẩm chính: Huế, Đẹp và Thơ (tập thơ, 1939, 1997). Ngoài ra, còn dịch và chủ trì để dịch các tác phẩm: Nhật ký trong tù (1960), Người Xô viết chúng tôi (truyện ngắn của B.Polevoi, 2 tập, 1961, 1977), Thơ Đường (2 tập, 1962), Thơ và từ của Mao Trạch Đông (1965), Thơ Tống (1968)

Nam Trân - Nguyễn Học Sỹ chỉ ở Huế hai lần, trong khoảng thời gian không dài. Lần đầu, đâu khoảng gần ba năm, chàng thiếu niên Nguyễn Học Sỹ rời cái làng quê bên sông Vu Gia, ra học Trường Trung học Quốc học. Cảm xúc và ấn tượng chắc cũng đã sinh thành, nung nấu, nhưng hầu như chưa có sáng tác gì, chưa có gì đáng được chú ý. Nhưng lần thứ hai, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat) Hà Nội, Nam Trân được bổ nhiệm về làm Tham tán Tòa Khâm sứ Huế, rồi lên đến chức Thị lang Bộ Lại (1944), cũng chỉ trong khoảng mấy năm, nhưng ông đã phác họa nên 37[1] bức tranh liên hoàn về cảnh vật và con người xứ Huế, làm nên một sinh thể nghệ thuật đặc sắc là Huế, Đẹp và Thơ (Nxb Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1939) – đồng thời, cũng sinh thành cái tư cách nhà thơ Nam Trân hiện diện trên thi đàn. Trong suốt cuộc đời của ông, ngoài thơ dịch chữ Hán (Thơ Đường, Thơ Tống,…), truyện ngắn dịch từ bản tiếng Pháp (Ngô Xô viết chúng tôi), ông chỉ có một tập thơ duy nhất sáng tác ở xứ Huế, lại là người phát hiện ra Huế, Đẹp và Thơ trong văn học hiện đại.

Thơ Nam Trân, thời bấy giờ được công bố rải rác trên các báo như Nam Phong tạp chí, Văn học tạp chí, Phong Hóa, Tràng An, Sông Hương, Tân Tiến (Sa Đéc)sau đó mới được tập hợp thành Huế, Đẹp và Thơ (1939). Là một trí thức vắt ngang giữa cựu học và tân học, trong thơ dịch của ông thấm nhuần bao nhiêu căn cốt của phương Đông, thì trong sáng tác của ông lại nồng nàn và mãnh liệt bấy nhiêu hơi thở của phương Tây. Được đào tạo bởi hai nền giáo dục, trong bản thân con người Nam Trân có sự tích hợp và dung hòa cội nguồn văn hóa phương Đông và những giá trị văn hóa phương Tây mới du nhập vào nước ta. Ông lại là con người nhạy bén với cái mới, khao khát sự đổi thay, phát triển. Trong không khí hưng thịnh đến đỉnh cao của thơ mới, ngay từ năm 1936, trên tuần báo Sông Hương (số 2, ra ngày 8.8.1936) của người đồng hương Phan Khôi, ông đã có bài Bỏ quách lối thơ xưa bằng giọng điệu chân chất mộc mạc, nhưng nồng nàn hơi thở của sự bức bách đòi hỏi phải đổi mới:

Bỏ quách lối thơ xưa

Vì nó chẳng hợp thời

Luật Đường xin gói lại

Đem trả chú con trời (...)

Ta có sẵn ao ta

Sao tắm mãi ao người

Ta có nhiều vật liệu

Phong cảnh đẹp và tươi (...)

Theo mãi lối thơ Tàu,

Hỏng, hỏng đã thấy chưa

Nhả ra đừng nhai nữa

Những bã cặn còn lưa[2]

Bài thơ không chỉ thể hiện quan niệm nghệ thuật của Nam Trân, mà mạnh mẽ hơn, như một tuyên ngôn cổ động cho phong trào thơ mới, đoạn tuyệt với lối thơ xưa cũ. Ra đời trong không khí u buồn và cô đơn của phong trào thơ mới, nhưng Huế Đẹp và Thơ đã vượt ra khỏi vòng sinh quyển của thơ mới, bao phủ lên mình dáng vẻ nên thơ, man mác và lộng lẫy một cách thanh cao. Thậm chí, có lúc còn Giận khúc Nam ai coi đó chỉ là những khúc quan hoài, kể lể về cuộc đời kỹ nữ, mà hãy mạnh mẽ lên, “Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác/ Hãy đứng lên, nhạc sĩ, với tôi, đi (…) Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!/ Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng/ Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân/ Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão”. Cảm quan nghệ thuật của Nam Trân ở bài này, tiến rất gần với nhân sinh quan của thơ mới cách mạng.

Khi Huế, Đẹp và Thơ ra đời, lập tức có hai cây bút cự phách thời bấy giờ là Phan Khôi và Tản Đà viết bài khen ngợi, nhưng cả hai đều chê là thơ ông “chưa dụng công về vần”. Trong bài Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi gặp nhau trong “Huế, Đẹp và Thơ” của Trần Đằng in trên báo Tràng An (số 408, ra ngày 21.3.1939) có kể rằng, khi được hỏi đến lời chê này của hai tiên sinh Phan và Nguyễn, Nam Trân đã “tươi cười nói rằng: Ông Chương Dân và ông Tản Đà trách tôi không dụng tâm về vần, lời trách ấy thật xác đáng. Nhưng xin thú thật, đối với thơ, tôi trọng nhất là nhạc điệu, thứ hai là ý tưởng, thứ ba là vần. Có lẽ vì thế mà tôi không phải là một thi gia, nhất là một thi gia theo luật thơ chuyên chế đời Đường”.[3] Rõ ràng, ông có quan niệm riêng của ông. Ông thanh minh, nhằm nói lên cái quan niệm ấy, nhưng cũng ít nhiều có chất “hay cãi” của con người quê ông. Có lẽ, chính vì thế mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh từng cho rằng “lối thơ tả chân (...) đến Nam Trân mới biệt thành một lối”, rồi thống kê và so sánh việc tả cảnh Huế trong thơ giữa Nam Trân với Thu Hồng và Quỳnh Dao, có dẫn theo hai câu đắc địa của Quỳnh Dao, rằng: “Một hàng tôn nữ cười nghiêng nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu”, cuối cùng cũng để kết luận lại rằng: “Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn”.[4] Thơ Nam Trân, mỗi bài đều có đường nét, màu sắc như một bức tranh nhỏ, đặt cạnh nhau như một tổng phổ liên hoàn về diện mạo xửa xưa của xứ Huế, trong đó, dĩ nhiên còn có những đường xuyên qua ngang dọc như những đường gân trên chiếc lá, chứa đựng mật ngọt của một chút tình, cũng tự nhiên và xanh tươi như cây lá. Điều này thể hiện ngay trong nét họa đầu tiên Đẹp và Thơ (còn có tiêu đề phụ là Cô gái Kim Luông):

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết

Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo

Thuyền qua đến bến, cô lui lại

Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo

Đăm đăm mắt mỏi vì chèo

Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng

Biết không? Cô hỡi, biết không

Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!

Có lẽ, cũng từ Nam Trân cái đẳng thức Huế – Đẹp – Thơ được xác lập, không chỉ có tính thống nhất mà còn có ý nghĩa đồng đẳng, đồng nhất với nhau. Trước ông, cũng đã từng có nhiều người nói đến vẻ đẹp và thơ mộng của xứ Huế, nhưng đúc kết thành hình tượng nghệ thuật, đóng khung thành bức hoành phi rực rỡ, có lẽ ông là người đầu tiên. Nguyễn Đắc Xuân, người được tôn vinh là “nhà Huế học” cũng đã thừa nhận rằng: “Cái đẹp của đô thị Huế và con sông Hương thơ mộng đã được thơ văn Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát, vua Thiệu Trị... ca ngợi hết lời cũng trên vài trăm năm. Thế nhưng cho mãi đến khi Nam Trân – chàng trai xứ Quảng xuất hiện, với tập thơ Huế, Đẹp và Thơ ra đời, đô thị Huế với con sông mà nhiều người cho rằng đẹp nhất thế giới mới được khái quát một cách cô đọng trong bốn từ Huế Đẹp và Thơ. Từ ấy, không ai thêm, bớt được bốn từ này”.[5] Về thi luật, Nam Trân là người vận dụng các thể thơ một cách tự nhiên và linh hoạt, sáu câu trên là sáu câu thất ngôn chỉ để tả cảnh, nhưng vẫn có sợi tình, bốn câu dưới là bốn câu lục bát nhằm để tả tình, để thấy sự xao động của “sóng lòng” nhưng vẫn in hình trên khung cảnh “quấy nước trong veo giữa dòng”. Cái hay ở Nam Trân là mỗi cảm xúc, mỗi sự kiện, mỗi hoàn cảnh đều tạo ra một âm điệu tương ứng. Vì vậy, trong mỗi bài thơ số câu thơ luôn thay đổi, trong mỗi câu thơ số chữ đều luôn biến hóa theo từng cung bậc cảm xúc. Phải cảm nhận được cảnh Huế đến mức nào mới tự do xuôi ngược, quẫy đạp trong không gian tự nhiên đến thế, đồng thời, thi nhân còn cảm thức thời gian như một sợi tơ vương níu giữ và pha màu cho bức tranh sinh hoạt đời sống Huế, đêm hè thêm tinh tế:

Trời nóng băm bốn độ

Đèn, sao khắp đế đô

Mặt trăng vàng, trỏn trẻn

Nấp sau nhánh phượng khô

Ba nhịp cầu Tràng Tiền

Đứng dày người hóng mát

Ngọn gió Thuận An lên

Áo quần kêu sột sạt

Đủng đỉnh chiếc thuyền nan

Qua, lại bến sông Hương…

Tiếng đờn chen tiếng hát

Thánh thót điệu Nam Bường

Hai tay xách hai vịm

Một vài mụ le te,

Tiếng non rao lảnh lói:

Chốc chốc: “Ai ăn chè?”

Sinh hoạt ban đêm của Huế xưa là vậy, còn Huế, ngày hè thì đường sá ít người đi, chỉ có tiếng ve và chú nài ngồi trên đầu voi phe phẩy chiếc quạt tre, nhìn ra xa thấy “Huế phượng, như giọt huyết/ Rỏ xuống phủ lề đường/ Mặt trời gay gay đỏ/ Nhuộm đỏ góc sông Hương”. Sự thay đổi của thời gian vật chất làm thay đổi hình tượng thời gian và không gian nghệ thuật, những yếu tố tổ hợp trong tâm tưởng con người và tất nhiên, dẫn đến sự thay đổi thi pháp biểu hiện. Thời gian có khi chỉ là một khoảnh khắc Trước chùa Thiên Mụ, nhưng cũng có khi kéo dài cả một Mùa đông. Khung cảnh mùa hè được biểu hiện qua câu thơ năm chữ, nhịp hai, ba với dư âm nóng bức, chuyển sang Mùa đông (Cánh đồng An Cựu), câu thơ bất định từ một đến năm chữ, se lạnh như rơi rụng trước khoảng không mênh mông:

Lá bàng

Như lá vàng

Rụng

Ôi! Đìu hiu

Cảnh chiều

Đông!

Ruộng ngập: mênh mông

Nước phẳng

Cò bay, yên lặng

Quanh đồng

Thi tứ viển vông

Thần tưởng tượng

Như đàn cò đói lượn

Đồng không

Như vậy, khác với các nhà thơ mới, Nam Trân không biểu hiện tình yêu lãng mạn, nỗi cô đơn của phận người trước những ngang trái của cuộc đời, mà chỉ nhằm miêu tả thiên nhiên, lồng trong thời gian của các mùa trong năm, nhằm khẳng định cái tôi chủ thể của con người trước không gian bao la của vũ trụ. Về các yếu tố hình thức như thể thơ, câu thơ, tứ thơ và vần điệu được ông ướm thử, đắn đo kỹ lưỡng và làm chủ được cảm xúc của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ghi nhận đóng góp của ông đối với xứ Huế nói chung, thơ Huế nói riêng, như Hoài Thanh đã từng nhắc tới: “Thiết tưởng vì tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào cao quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”.[6]

Điều quan trọng hơn, không chỉ bằng cảm quan nhạy bén của một thi nhân tài hoa, ông đã phát hiện ra Huế, Đẹp và Thơ, mà còn là người phát hiện ra một Huế khác, nhìn Huế bằng một con mắt khác, một cái nhìn khác, không có vua quan, xe ngựa, cung điện, đền đài, lăng tẩm... mà chỉ có con người, thậm chí là người cần lao, những người buôn bán quà vặt, và cảnh vật, núi sông, thời tiết: Cô gái Kim Luông, Sông Hương núi Ngự, Huế ngày hè, Huế đêm hè, Huế mưa dầm, Trước chùa Thiên Mụ, Cánh đồng An Cựu, Vườn cau Nam Phổ, Hồ Tịnh Tâm hay là chuồn chuồn... Đọc nhan đề của từng bài thơ cũng có thể nhận ra Huế của riêng Nam Trân, là hình tượng Huế bình dị, mộc mạc, thanh cao nhưng không đài các mà gần gũi với cuộc sống của con người. Chẳng thế, mà khi Huế, Đẹp và Thơ xuất hiện lập tức đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phê bình thơ thời danh lúc bấy giờ như Ngọa Du Nhân (Phan Khôi), Vương Tử, Tản Đà, Trần Đằng, Ứng Sơn, L. (Lưu Trọng Lư), Từ Lâm (Nguyễn Xuân Nghị), Tố Hữu, Hoài Thanh - Hoài Chân...

Về dịch thuật, bản dịch tác phẩm Người Xô viết chúng tôi của Boris Polevoi, trong 25 truyện thì Nam Trân có dịch riêng hai truyện và dịch chung với Lê Anh Trà hoặc với Giang Tấn 15 truyện, là một bất ngờ lớn đối với người đọc. Bởi lẽ, xuất thân từ Nho gia, ông thành công trong việc dịch thơ chữ Hán có thể hiểu được. Nhưng đây là văn xuôi tự sự được dịch qua bản tiếng Pháp, nhưng bản dịch “đã thể hiện được chân thực nội dung tư tưởng và diễn đạt sinh động tinh thần văn phong của nhà văn Xô viết. Có thể nói thành công nhất ở bản dịch tiếng Việt này là đã chuyển được cái hơi văn kể chuyện tự nhiên, sống động của tác phẩm, làm cho các câu chuyện trở nên gần gũi, quen thuộc đối với người đọc Việt Nam”.[7]

Thành công lớn của Nam Trân là dịch thơ chữ Hán. Ông là một trong số ít người dịch thơ chữ Hán sớm và nhiều nhất nước ta, trong đó, đáng chú ý nhất là đã có công “sáng tạo lại” tuyệt phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Đã có quá nhiều phân tích, đánh giá một cách tỉ mỉ và nhiều lời ngợi khen đối với công trình này của các học giả, các nhà chuyên môn như Nguyễn Huệ Chi, Mai Quốc Liên, Đào Thái Tôn, Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh... hoặc các nhà thơ như Tố Hữu, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng,... trong đó, có người là học trò của ông. Là người được giao trách nhiệm làm Trưởng tiểu ban dịch bổ sung Nhật ký trong tù hai lần in sau (1977 và 1990), Nguyễn Huệ Chi đã có bài viết dài Nam Trân và bản dịch “Nhật ký trong tù”; sau những phân tích sâu sắc về giá trị tập thơ đã “làm lay động sâu sắc tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội” và ghi công cho Nam Trân “đã chứng tỏ cái quy luật sau đây bao giờ cũng đúng: dịch bao giờ cũng là đồng sáng tạo”, tác giả nêu cảm xúc của mình về sức lao động sáng tạo cật lực và khẩn trương ròng rã hai tháng trời của Nam Trân, khi đọc lại hồ sơ lần dịch đầu tiên: “Riêng tôi, khi đọc vào tập hồ sơ, tôi vô cùng kinh ngạc tìm ra không phải là hai mà hầu như bài thơ nào ông cũng dịch và chữa đến ba, bốn thậm chí năm lần. Chữa đi chữa lại đến nát cả bản thảo, viết bằng bút chì, bằng mực tím, rồi mực xanh, rồi lại đến mực đỏ chèn lên trang giấy, rồi sau cùng lại xóa đi viết lại, đó là hiện trạng của bản thảo dịch thơ Nam Trân mà chúng ta còn giữ được”.[8]

Đối với thơ, nếu trong sáng tác, Nam Trân cổ vũ nhiệt thành cho thơ mới, thì trong thơ dịch ông buộc phải quay về với lối thơ truyền thống, bởi phải trung thành với nguyên tác. Trong sáng tác, ông đoạn tuyệt với cái cũ, nhưng không phải một sớm một chiều là buông bỏ được ngay. Bởi vì, ngay cả trong tập thơ Huế, Đẹp và Thơ, chỉ có tám bài theo thể thơ tự do, số còn lại hoặc là Đường luật, hoặc lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn... là những thể thơ truyền thống. Theo thể thơ cũ, nhưng đã được thi nhân thổi vào hơi thở mới, giàu nhạc tính, mạnh mẽ về cảm xúc và ý tưởng, khác lạ về giọng điệu ngôn từ. Điều rõ ràng hơn, sáng tác thơ đối với ông không phải là sự nghiệp, mà chỉ để chơi, để tặng. Trong số 37 bài, có đến 35 bài có lời đề tặng, trong đó chỉ có một số ít là tặng cho bạn bè cùng giới như Trần Thanh Mại, Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, hoặc các trí thức cùng thời như Phan Khôi, Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Lân... còn lại là những người chỉ có mối thân quen riêng với tác giả. Phong Lê có lý khi cho rằng: “Thơ gửi tặng – đó là loại thơ mang cốt cách các nhà Nho xưa. Chỉ viết cho mình, hoặc cho bạn bè tri kỷ của mình; là thơ ngụ tình hoặc tức cảnh mang tính thù tạc chứ không phải cho người đọc số đông, và do thế không mang tính chuyên nghiệp”.[9] Nói về những thắc mắc tại sao sau Huế, Đẹp và Thơ, Nam Trân hầu như không làm thơ nữa (chỉ có đôi bài vè trong kháng chiến, hoặc sau này vài bài thơ chữ Hán, không đáng kể), người thuộc thế hệ sau từng đứng đầu Viện Văn học, tỏ ra nghi ngại: “Ngỡ như Nam Trân chỉ là một người bạn ghé đến làng thơ, ghé qua vườn hoa, và nhân tiện mà để lại một chùm, chứ không có chủ định ở lại vườn thơ như nhiều bạn bè khác đã chọn việc viết văn làm thơ như một nghề, với bậc tiền bối đích thực của họ là Tản Đà. Một cuộc chơi, một chuyến ghé thăm thú vị, và chỉ vậy thôi! Có thể là thế chăng, khiến cho Nam Trân không còn tiếp tục làm thơ, hoặc không còn gì để nhớ lắm về thơ trong phần sau của đời mình, khi ông tham gia kháng chiến ở Liên khu Năm, sau 1945, và ra Bắc, sau 1954, ở Hà Nội”.[10]

Điều này có thể giải thích bởi thành phần xuất thân, hành trạng quãng đời trước cách mạng và từ chính bản tính con người của Nam Trân. Xuất thân là Nho gia, lại từng là công chức của thực dân, là quan lại của Nam triều, đi vào cuộc kháng chiến gian khổ của toàn dân, tuy có nhiều đóng góp, nhưng đến sau 1954, được sống và làm việc hoàn toàn dưới chế độ mới, một trí thức/ nhân cách như ông sao tránh khỏi ngại ngùng. Bản tính ông lại là con người hiền lành, khiêm tốn, sống lặng lẽ và khoan dung. Ông là “một người quá khiêm nhường” (Phong Lê), “một tấm gương nghiêm túc, khiêm tốn, nhã nhặn, trung thực, khoan dung, nhân hậu, tôn trọng người khác” (Phạm Tú Châu), “hiền từ, khiêm tốn, ít nói, ít cười nhưng đối với đồng nghiệp như tôi và đối với sinh viên thì chỉ dẫn nhỏ nhẹ, ân cần” (Hoàng Trinh),... Tóm lại, như Mai Quốc Liên, một trong những học trò của ông, lại là người đồng hương xứ Quảng đã nhận ra bản tính con người, hoàn cảnh lịch sử, và hành vi ứng xử của thầy mình khá rõ: “Nam Trân là người điềm đạm, ít nói, hình như ông cam chịu hoàn cảnh, không vui mà cũng không buồn”.[11]

Về con người, ông là một nhân cách đáng kính trọng. Về công việc (kể cả việc được cấp trên tin tưởng giao cho việc dịch thơ của một lãnh tụ), ông là một công chức mẫn cán. Cũng có người cho rằng, may mắn cho Nhật ký trong tù khi được đặt đúng vào tay một người như ông. Ngược lại, cũng may mắn cho ông vào quãng đời những năm tháng ấy, được giao công việc đúng với sở trường của mình, và nó như ngọn gió lành, thổi tràn qua, đánh thức thi mệnh và bản lĩnh thi nhân trong con người ông, khi ông tìm thấy tri âm tri kỷ của đời mình, một cuộc hạnh ngộ trong lịch sử văn chương mà ông đầy ngưỡng vọng.

* Phạm Phú Phong. Đất Quảng – 25 nhà văn thế kỷ XX. NXB Đà Nẵng, 2022


[1] Theo Đặng Thị Hảo, trong mục từ Nam Trân in trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, năm 2004, thì Huế, Đẹp và Thơ có 50 bài, nhưng đối chiếu với bản in lần đầu của Nxb Trung Bắc tân văn (1939) và tái bản lần thứ hai của Nxb Văn học (1997) đều chỉ có 37 bài. Đáng lưu ý là ở lần in trước, ở trang 5, có mấy dòng thông báo “Đương soạn Huế, Đẹp và Thơ, tập thứ hai”, vậy cho đến nay đã được in chưa, bản thảo đang lưu lạc ở đâu?

[2] Dẫn theo Phạm Hồng Toàn (sưu tầm, tuyển chọn 2009), Sông Hương – tuần báo ra ngày thứ Bảy, Nxb Lao Động, tr.55.

[3] Nguyễn Hữu Sơn (2017), Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân, in trong Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, Nxb Tri thức, tr.182.

[4] Hoài Thanh-Hoài Chân (1980), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học tái bản, tr.180.

[5] Đặng Thị Hảo - Nguyễn Hữu Sơn (tuyển chọn, giới thiệu, 2017), Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, Sđd, tr.237-238.

[6] Hoài Thanh-Hoài Chân (1980), Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.181.

[7] Phạm Xuân Nguyên (2017), Nam Trân dịch Boris Polevoi (1908-1981), in trong Nam Trân - nhà thơ,...Sđd, tr.316.

[8] Nguyễn Huệ Chi (2017), Nam Trân và bản dịch “Nhật ký trong tù”, in trong Nam Trân - nhà thơ... Sđd, tr.258.

[9] Phong Lê (2017), Nam Trân trong những năm đầu xây dựng Viện Văn học, in trong Nam Trân - nhà thơ..., Sđd, tr.338.

[10] Phong Lê (2017), Nam Trân trong những năm đầu xây dựng Viện Văn học, in trong Nam Trân - nhà thơ..., Sđd, tr.338-339.

[11] Mai Quốc Liên (2017), Một vài kỷ niệm về Nam Trân, in trong Nam Trân - nhà thơ... Sđd, tr.385.