Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Đêm chạy trốn (kỳ 2)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS

Nhà văn Thái Sinh

Sao nhớ rất rõ ngày ấy lâm trường Ta Khao có bảy đội, Sao ở đội ươm cây, những ngày đầu cô làm công việc bứng cây con gói bầu đất vào lá dong đặt trong các luống có mái che. Tháng tư, khi mưa xuống người ta gánh những bầu thông đã bén rễ đó lên núi.

Hưng hướng dẫn tỉ mỉ cho Sao từ cách bứng cây con đến việc gói bầu. Cô đặt bầu cây xuống nhìn Hưng ái ngại.

- Ôi, sao em vụng về thế này nhỉ, những bầu cây em gói cứ bị bung ra thế kia.

- Sao gói nhẹ tay quá, phải gói chặt tay chút nữa Sao ạ…

Vừa vuốt ve những chiếc lá thông non, đôi mắt Hưng sáng long lanh vẻ mừng rỡ.

- Chỉ mười năm nữa thôi những cây thông chúng mình trồng hôm nay sẽ khép tán Sao ơi…

Anh đứng dậy bươn bả đi về phía cuối vườn ươm.

Gần trưa Thân đi tới, nhìn lướt qua số bầu cây Sao vừa bứng ra, chị hỏi gay gắt.

- Từ sớm tới giờ cô mới bứng được bằng này thôi à?

- Dạ, thiếu năm chục nữa là được năm trăm.

Nhắc một bầu cây lên, Thân lắc đầu.

- Có lẽ phải chuyển cô sang làm công tác khác thôi. Tháng trước cô không đạt định mức, rồi tháng này nữa, thật là khó hiểu…

Hôm ấy Sao về rất muộn, trăng vượt qua dãy Ta Khao chừng hai sải tay, vầng trăng như con mắt thiếu ngủ bệch bạc, mệt mỏi bập bềnh trôi qua những đám mây. Về đêm, gió chừng đã ngớt, mặt đất phả hơi nóng hổi, mùi cỏ tranh cháy thơm thoảng như mùi mía nướng.

Người Sao đau ê ẩm, suốt ngày nay không một phút Sao ngừng tay, cho đến tận lúc này Sao vẫn không đạt nổi định mức, nhưng cớ gì chị Thân lại nhìn Sao với con mắt khó chịu và thù hằn như thế?

Chị Thân có mặt ở đây từ những ngày đầu thành lập lâm trường, trong đội ươm cây duy nhất chỉ có mình chị là đảng viên. Sao đã một lần nghe ai nói chị là người đàn bà có nhiều tham vọng. Chị hơn Sao chục tuổi, phải nói chị là người phụ nữ đẹp, thân hình tròn lẳn và cân đối, mái tóc đen dày đổ xuống đôi vai thon thả, nhưng chưa một lần chị buông tóc chỉ trừ khi gội đầu, còn lúc nào tóc chị cũng búi cao càng khiến gương mặt chị đẹp một cách kiêu kỳ.

Là đội trưởng, chị trực tiếp điều hành công việc hàng ngày, buổi sáng chị dậy từ lúc năm giờ, mùa đông trời còn tối đất, lạnh buốt, mùa hè đất trời còn ướt hơi sương, sau hồi kẻng róng riết là bước chân của chị đi tua suốt mấy dãy nhà, ai lơ là bị nhắc nhở liền: sáu giờ ăn cơm, bảy giờ chuẩn bị dụng cụ, bảy rưỡi đi làm. Còn buổi tối đúng chín giờ tất cả mọi người đều phải tắt đèn đi ngủ, nhất loạt mọi người phải hành động theo tiếng kẻng.

Đội ươm cây chỉ có hai người thuộc “đấng mày râu”, đó là Hưng và Bảo. Hưng xấp xỉ tuổi chị Thân, phụ trách kỹ thuật, còn Bảo được mọi người âu yếm gọi là cậu út của đội, mặc dù Bảo hơn Sao ba tuổi. Bảo đẹp trai nhưng chậm chạp và hiền lành, suốt ngày quanh quẩn bên con trâu, hát nghêu ngao những bài hát không đầu không cuối. Chị Thân vẫn thỉnh thoảng sai Bảo làm những việc lặt vặt giúp chị như bổ củi, nấu nước gội đầu… Bảo sung sướng làm những việc đó như là một ân huệ.

Những người trong đội ươm cây nhìn chị Thân với con mắt nể sợ, họ phục tùng chị một cách tuyệt đối. Có một người không phục chị Thân, đó là Nhài, Nhài nhanh nhẹn và tháo vát, cô có tài bắt chước. Những lúc nghỉ giải lao Nhài thường bắt chước giọng nói và những động tác của người này người nọ khiến mọi người cười bò ra đất. Một hôm, Nhài chống hai tay vào hông bắt chước Thân trong buổi họp, với cái giọng rin rít qua hai hàm răng.

- “Đồng chí Nhài ạ, đây không phải là cái chợ để đồng chí muốn làm gì thì làm đâu nhá. Chủ nhật trước đồng chí không tham gia lao động lấy tiền xây dựng câu lạc bộ lâm trường, chủ nhật vừa rồi đồng chí cũng không tham gia lao động công đoàn. Chúng tôi không thể nào hiểu nổi tại sao đồng chí lại hay ốm vào những ngày lao động cộng sản thế? Rồi đồng chí lại hay mang những chuyện yêu đương nhăng nhít để đầu độc tư tưởng chị em…”.

- “Vâng, tôi ốm thật đấy chứ không phải ốm vờ đâu. Ôi, lạ quá! Chủ nhật nào người ta cũng tổ chức lao động, đủ thứ lao động với những cái tên đẹp làm sao. Tôi chẳng phản đối những buổi lao động ấy, nhưng ít ra cũng phải cho chúng tôi có chút thời gian may vá, quần áo chúng tôi rách hết cả rồi. Còn chuyện riêng ư? Xin đồng chí khỏi lo, ở đây chẳng có đàn ông để chúng tôi quan hệ nhăng nhít. Vâng, chỉ vài năm nữa chúng tôi sẽ trở thành những bà lão, hẳn lúc đó chúng tôi sẽ sống từ bi hơn…”.

Sao bước đi chếnh choáng, người ta đang đồn rằng Nhài sẽ không được ở đội ươm cây nữa Nhài sắp được điều về đội sáu chuyên phát rừng cuốc đất. Hất mạnh mái tóc ra phía sau, mặt Nhài sắt lại, bật cười khanh khách.

- “Thì ở đây cũng cuốc đất tưới cây nào có hơn gì nơi ấy, xem ra đất trời này đâu cũng thế cả thôi! Người ta không ưa mình thì mình đi - Nhài quay lại véo một cái thật mạnh vào má Sao - Mày trẻ và đẹp quá thì liệu hồn đấy, người ta đọc được cái nhìn khinh khỉnh trong con mắt của mày…”.

Dừng lại bên tảng đá chỗ con đường rẽ xuống suối, Sao búi lại tóc đang chảy loà xoà xuống vai, cô chợt nghe tiếng nói chuyện rì rầm của đôi trai gái đang đi lại phía mình. Sao đứng khuất vào sau tảng đá, vừa lúc hai bóng người đi tới, họ im lặng bước lên phiến đá mặt khá bằng phẳng ngay cạnh chỗ Sao đang đứng vừa đúng một sải tay. Dường như chỗ này là nơi họ thường xuyên đến ngồi tâm sự.

Sao nín thở, cô tự trách mình sao lúc này lại có mặt tại đây, còn gì lố bịch hơn khi nghe lỏm chuyện riêng của người khác? Mình có rình mò họ đâu, một sự tình cờ đấy chứ? Sao cãi lại chính mình, nhưng rồi sự tò mò đã níu giữ Sao lại, tiếng người con trai nhỏ nhẹ, đúng tiếng Bảo, không thể ai khác.

- Hình như anh Hưng biết được chuyện của tôi và chị.

Người con gái thở dài, im lặng một lúc lâu mới lên tiếng.

- Có phải vì thế khiến anh băn khoăn?

Ngực Sao thóp lại, trời ơi chị Thân! Có lẽ nào lại như thế này nhỉ? Cô không thể ngờ, càng không thể ngờ cái sự đang diễn ra rõ ràng trước mắt kia. Chị Thân hơi ngước mắt lên, trăng không sáng lắm nhưng đủ soi rõ gương mặt đang héo đi vì đau khổ của chị. Một cái gì đó trong Sao sụp đổ, cô nhìn trân trân lên vòm trời, vầng trăng đỏ đục vùn vụt lướt qua những đám mây, đầu óc Sao mụ mị, trước mắt cô thoáng hiện lên gương mặt kiêu kỳ và cái nhìn soi mói, ghẻ lạnh của người đội trưởng như chập đôi lại với gương mặt đầm đìa nước mắt kia…

- Bảo ơi!…

Thân gục đầu vào ngực Bảo khóc nức nở, bờ vai Thân rung lên theo tiếng khóc, Bảo vòng tay ôm lấy ngang người chị kéo sát vào ngực mình.

- Đừng khóc nữa chị Thân. Tôi van chị, đừng khóc nữa …

Sao cắn vào tay mình như thể vùi lấp một cái gì đó vừa dâng đầy trong ngực, tự nhiên cô cảm thấy hổ thẹn, vội nhắm ghiền mắt lại không muốn nhìn sự việc đang diễn ra trước mắt kia. Bất thần Sao ôm đầu bỏ chạy, cô chạy tơi bời dưới ánh trăng luễnh loãng. Ngã, cô vùng dậy, chạy tiếp. Cô chạy một mạch về tới nhà, mọi người đều đã ngủ, cô không rửa chân cứ lao vào giường mà ngủ.

Sớm dậy, Thân mỉm cười hỏi Sao.

- Đêm qua em đi đâu về muộn thế?

Mặt Sao đỏ bừng, cô lắc đầu vội ngoảnh đi.

- Đêm qua em lên giường sau kẻng một lúc chị ạ…

Nụ cười trên môi Thân tái nhợt, đôi mắt sắc lạnh chiếu cái nhìn vào người Sao như một lời hăm doạ: “Cứ liệu đấy, cô đừng bịp tôi!”. Nhưng giọng Thân lại trở nên ân cần.

- Trông em dạo này xanh quá, công việc ở đây không hợp với em phải không? Hôm vừa rồi lên lâm trường họp, chị nghe nói tới đây lâm trường sẽ cử một số người đi học lớp y tá về phục vụ lâm trường, nếu em có nguyện vọng chị sẽ giúp em nói với mấy vị lãnh đạo ở trên đó.

Sao cúi xuống giọng lí nhí.

- Dạ, cảm ơn chị…

Hai tháng sau, Sao nhận được quyết định điều động về trại nuôi bò của lâm trường ở thung lũng Hua Lanh. Cô hơi bất ngờ và tự hỏi: Tại sao sự thể lại như thế này? Với mọi người và chị Thân Sao chẳng làm điều gì đáng phàn nàn, với công việc cô cố gắng đạt đủ định mức. Trong cuộc họp sơ kết công tác sáu tháng đầu năm chị Thân đã biểu dương thành tích của Sao trước toàn đội kia mà.

Cái tin Sao bị điều lên thung lũng Hua Lanh làm cho tất cả mọi người sửng sốt. Chẳng một ai hiểu rõ nguyên cớ vì sao, ở đây trong cái lâm trường này mọi người đều ngầm hiểu rằng: Những ai bị điều lên đó nếu không bị kỷ luật thì cũng là người có vấn đề. Có lẽ nào cái con bé hiền lành như vậy lại có những chuyện khuất tất nhỉ? Biết đâu đấy, hay quan hệ nhăng nhít? Cái tay Hưng hay đứng trò chuyện với nó cũng chẳng phải là người đứng đắn lắm đâu.

Họ cách ly à? Không rõ! Nhưng con bé có đi sớm về khuya đâu, tối nào nó cũng ngủ trước chúng ta kia mà. Năm ngoái đằng ấy có nhớ ai đã kêu toáng lên khi thấy lửa cháy trên núi kia, có phải là nó không? Gớm nhỉ! Việc gì mà các vị phải ồn ĩ lên thế, chế độ ta cho phép tự do luyến ái, tự do tìm hiểu, sao coi chuyện ấy như là chuyện phản quốc thế. Tự do không có nghĩa là bừa bãi kiểu giống đực giống cái như xã hội tư bản. Nhưng ở đây có ai bắt được họ ăn nằm với nhau? Đấy là nói thế, giả dụ như vậy thôi. Cái gì cũng phải có chứng cớ rõ ràng, không nên hàm hồ, nếu ai cũng đặt điều cho tôi và bà có chuyện này chuyện khác thì bà nghĩ gì? Cây ngay không sợ chết đứng, tất nhiên tôi sẽ gang họng kẻ đặt điều. Vậy mà có người đặt điều cho nó. Ai? Ai hả? Lên mà hỏi chị Thân, bà đội trưởng kính yêu của chúng ta đấy. Thì đi, tôi chẳng thể chịu được cái kiểu nghi nghi hoặc hoặc lẫn nhau như thế này mãi được.

Thế là Nhài cùng năm sáu người kéo nhau đi. Mọi người rụt rè đùn đẩy nhau không ai dám bước chân vào trước. Thân đang ngồi cắm cúi ghi chép trên cái bàn ọp ẹp thấp lè tè, chị ngẩng lên, đôi lông mày hơi nhíu lại vẻ khó chịu. Như đoán biết điều chẳng lành, Thân đứng lên cố lấy giọng bình tĩnh.

- Kìa, các bạn, có chuyện gì thế?

Mọi người đều cúi xuống im lặng, trong đội ươm cây mọi người đều nể sợ Thân, chẳng ai dám đấu khẩu với chị ngay cả trong cuộc họp. Họ ngắm nhìn chị từ xa hay từ phía sau, ai cũng thầm ước ao giá mình có được cái sắc đẹp trời cho như chị.

Thân bật cười, tiếng cười của Thân vụn như tiếng thuỷ tinh vỡ.

- Có việc gì mà mọi người kéo nhau tới đây như đi biểu tình vậy?

Nhài bước tới, giọng cô run lên uất ức.

- Chẳng biểu tình biểu tót gì đâu. Chúng tôi đến đây đề nghị chị giải thích vì lẽ gì cái Sao bị điều lên Hua Lanh như một người bị kỷ luật thế?

- Đó là chuyện của tổ chức- Giọng Thân hơi gay gắt.

- Nhưng ít ra chị cũng phải biết được điều đó chứ?

- Lẽ dĩ nhiên là thế. Nhưng nếu đây là sự thử thách thì sao?

- Vô lý, tất cả mọi người ở lâm trường đều biết những ai bị điều lên cái thung lũng Hua Lanh chết tiệt ấy không phải là người bị kỷ luật thì cũng là người có chuyện này chuyện khác. Nếu không thì cái Sao bị người ta trù đập, hãm hại…

- Đó là lối suy diễn hàm hồ - Thân cáu kỉnh - Chẳng lẽ tất cả chúng ta lên dây đều bị hãm hại hay là sự tình nguyện? Nếu tổ chức cần một người như sao lên Hua Lanh để vực dậy cái tổ chăn bò thì có thể gọi việc làm đó là hãm hại? Còn bây giờ nếu mọi người không có ý kiến gì khác, tôi yêu cầu tất cả giải tán. Tôi sẽ phản ánh việc này lên ban giám đốc và đảng uỷ lâm trường.

Thân khoát tay mặt hầm hầm tức giận quay vào nhà.

Ngay tối hôm đó chi đoàn triệu tập một cuộc họp bất thường. Không khí cuộc họp càng trở nên nặng nề khi cán bộ đoàn giới thiệu chị Thân là bí thư chi bộ đến dự. Vấn đề phân công Sao lên công tác ở Hua Lanh được đưa ra phân tích.

Thân ngồi im lặng theo dõi cuộc họp với sự chăm chú đặc biệt, chị ghi chép và gạch chân những dòng chữ cần thiết. Mọi người phát biểu rụt rè và thận trọng, nhiều người không dám phát biểu. Thân gợi ý việc làm của Nhài và mấy người kia xuất phát từ động cơ nào, phát huy quyền tự do dân chủ hay chống đối lại tổ chức, chống lại đảng (vì đồng chí giám đốc đồng thời là bí thư đảng uỷ lâm trường). Đó là tư tưởng ngại khó, ngại khổ hay là biểu hiện của của sự chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc? Hiện nay đế quốc Mỹ đang tung gián điệp ra miền Bắc cài cắm người vào các tổ chức của ta, chúng sẽ phá ta từ trong phá ra. Việc làm của Nhài nhằm mục đích gì, có phải gây rối hay phá hoại lâm trường? Địch có thể lợi dụng chuyện này và chúng lu loa lên rằng đây là cuộc biểu tình thì vấn đề đó không đơn giản chỉ trong phạm vi lâm trường. Thế giới sẽ nhìn nhận công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đồng bào miền Nam có còn tin tưởng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương vững chắc của tiền tuyến anh hùng hay không... ?

Mọi người đều giật mình, không ngờ cái chuyện đôi co lại hoá ra phức tạp, lắm vấn đề. Cuộc họp kéo dài thêm hai buổi tối nữa, những người cùng Nhài lên gặp chị Thân đều phải làm kiểm điểm để chi đoàn phân tích, góp ý. Chi đoàn ra nghị quyết khai trừ Nhài khỏi hàng ngũ đoàn thanh niên, cảnh cáo ghi lý lịch năm người còn lại. Tuy nhiên chi đoàn cho đó là hình thức kỷ luật nhẹ nhất đối với những người vi phạm.

Cuối cùng chị Thân hỏi Sao.

- Việc lâm trường phân công đồng chí lên nhận nhiệm vụ ở tổ chăn nuôi Hua Lanh, đồng chí có ý kiến phản bác gì không?

Sao nặng nề đứng dậy. Ba buổi tối nghe mọi người và chị Thân phân tích, lòng Sao như tã ra, đầu óc mụ mị, cô chỉ thấy thương Nhài và các bạn. Vì mình mà các bạn bị kỷ luật? Sao đan hai bàn tay vào nhau mặt cúi gằm xuống, giọng lạc đi:

- Thưa các đồng chí… Vâng, tôi đã tự nguyện… Hai lần tự nguyện. Nếu lúc này lâm trường lấy tinh thần xung phong…

Thân nhìn mọi người với vẻ đắc ý, mỉm cười.

- Các đồng chí đều đã nghe rõ phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Sao. Thay mặt chi bộ, tôi nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần tiến công cộng sản của đồng chí Sao. Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi được phép giới thiệu đồng chí Sao với đảng. Vâng, có lẽ điều ấy không còn xa nữa, vì đó là trách nhiệm của tôi…

Tiếng vỗ tay ran lên, mọi người hồ hởi đứng dậy ra về. Riêng Sao, cô cúi rũ xuống úp mặt vào hai lòng bàn tay khóc nức nở. Nhài bước tới, cô đặt bàn tay thô nháp tựa như tay đàn ông lên vai bạn, giọng dằn xuống.

- Khóc cái con khỉ! Đời toàn một lũ giả dối…

Sao chếnh choáng bước ra khỏi phòng họp, cô đi mà chẳng biết mình đi đâu. Giữa bốn bề hoang vắng của núi rừng trong màn sương trắng lạnh. Trời đã sang thu, gió Lào bắt đầu thổi xào xạc qua các triền cỏ tranh, đây đó trên các vạt núi lúa nương chuyển dần sang màu vàng đậm. Chỉ ít ngày nữa ngọn lửa đốt rừng sẽ lại bùng lên suốt dải núi kia. Cứ thế năm này qua năm khác đất ở đây trở nên khô cằn, xác xơ, còn mùa mưa thì dai dẳng, dữ dội. Phần đất trên cùng tã ra, sụt từng mảng lớn, mặt núi hoác ra nham nhở như gương mặt của lão già ghẻ lở, bẩn thỉu. Những lô thông của lâm trường qua mỗi mưa lại thẫm xanh hơn, đó là niềm an ủi duy nhất cho mỗi người ở đây. Chẳng ai tưởng tượng nổi tương lai của mình rồi sẽ ra sao, nhưng nỗi khát khao phủ xanh núi đồi cứ ngút lên trong lồng ngực mỗi người.

“…Mai đây chúng ta có quyền tự hào về những ngày hôm nay chúng ta không quản khó khăn gian khổ mang tất cả niềm tin và nghị lực vun đắp cho hòn ngọc của miền tây tổ quốc ngày một xanh tươi. Cùng với đồng bào miền Nam, mỗi nhát cuốc của chúng ta là một đòn đích đáng giáng vào đầu Mỹ-nguỵ. Thi đua với tiền tuyến anh hùng, chúng ta sẽ làm việc bằng hai để xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào miền Nam. Các đồng chí biết đấy, Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, nhưng chúng còn ngoan cố và lắm âm mưu thâm độc. Hãy cảnh giác với chúng. Tư tưởng tư sản không nằm đâu xa, nó nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, đó là sự lười nhác, lối sống thực dụng, tính tự do vô tổ chức…”.

Lời nói của chị Thân cứ ngột lên, dìm tắt một cái gì đó rất bản năng trong Sao.

4 .

Mày đã một lần đùa giỡn với tình yêu...

Ngày ấy thôn Hạ mới vào hợp tác xã, con mương tiêu nước liên thôn Hạ-Khê qua rộc Rậm, Man Khoang khởi công từ tháng tám đến nay đã được năm tháng rồi, dự kiến hoàn thành vào ngày hai mươi lăm. Thời gian không còn bao lâu nữa, đảng bộ hạ quyết tâm hoàn thành vào ngày mùng mười trước thời hạn ít nhất là mười lăm ngày.

Các chi đoàn hai thôn giao ước thi đua với nhau, từ sáng tinh mơ đến tối mịt trên suốt con mương dài gần mấy cây số cờ đỏ cắm rợp đất, trống thúc liên hồi, loa truyền thanh tới tấp phát đi tiến độ hoàn thành của các đội, rồi những bài thơ, ca dao, hò vè…được sáng tác và phát ngay tại công trường.

Chi đoàn 4 do Bân phụ trách nhận đoạn mương giáp ranh giữa hai khu đồng Man Khoang và Rộc Rậm đăng ký hoàn thành vào ngày mùng năm. Tin đó loan ra khiến cho nhiều người sửng sốt, không ít người hoài nghi. Họ bảo với nhau: “Thằng cha ấy không điên thì cũng là kẻ tâm thần, bệnh hoạn, hắn định bắt người ta làm suốt đêm hay sao?”.

Bộ phận tuyên truyền được dịp, suốt ngày phát đi những bài viết về họ, nghe vừa buồn cười vừa ngượng, nhưng lại rất vui. Họ làm hùng hục không cả nghỉ giải lao, một sức mạnh được nhân lên gấp bội, từng tảng đất năm sáu mươi cân chất lên những tấm lưng trần đen nhẫy chạy băng băng như không hề biết giá rét.

Sao đứng ở đầu dây, mười ngón chân ngón tay suốt ngày ngâm dưới bùn tê buốt, lúc lên bờ cô tưởng như chân tay không phải của mình. Cô bước liêu xiêu, cái lạnh thấm sâu vào tận gan ruột, các khớp xương lỏng lẻo, rão rời.

Ngày hôm ấy họ đào đắp được một con số kỷ lục: Sáu mươi hai mét khối, đã làm nhiều người kinh ngạc. Sớm hôm sau nhiều người không đi làm được vì cảm lạnh, chiều thêm hai người nữa phải bỏ về. Từ sáu mươi hai mét khối hạ xuống hai mươi ba mét khối rồi chỉ còn mười hai mét khối mỗi ngày. Mặt Bân bệch bạc sau buổi giao ban trở về, mọi người ái ngại nhìn Bân, trông mặt Bân sút đi nhanh quá, đôi mắt trũng xuống thâm quầng, má tóp lại, hàm răng vẩu được thể nhô ra trông vừa tội nghiệp vừa gớm ghiếc.

Chi đoàn không biết lý do gì Bân đăng ký thi đua hoàn thành công việc trước năm ngày, có phải vì tính bốc đồng thích nống mình lên hay đằng sau đó là động cơ nào khác? Sau mấy ngày làm việc quá sức, cơ thể người nào cũng rã rời, họ gắng gượng để hằng ngày có mặt trên hiện trường, chứ thực họ không thể tin chi đoàn họ vượt được trước thời hạn như đã giao ước. Sớm nay lại thêm một người nữa ốm, Bân không còn đủ bình tĩnh, nhưng anh cố mỉm cười như thể khẳng định quyết tâm của mình không hề lung lay.

Anh bước xuống, đứng ra đất cho Sao chuyển cho mọi người. Con mương sùng sũng nước, ngập ngang hông, mỗi sớm trước khi vào công việc họ phải cử một người tát bớt nước để xắn đất cho dễ, hôm nay Bân cho làm ngay, anh bảo:

- Đến ngày nghiệm thu ta vét luôn bùn dưới lòng mương một thể, giờ đất đang nhão chúng lại xô xuống, vét vừa mất công vừa chậm. Sao này - Anh quay về phía Sao -Thằng Đông cò hương sẽ về đây nghiệm thu đoạn mương của chi đoàn mình đấy.

- Anh ta ra trường rồi rồi à? Sao hỏi lại ngạc nhiên.

- Chưa, hắn về thực tập. Hôm này cô thay mặt chi đoàn làm nghiệm thu nhé.

- Làm sao em có đủ tư cách để làm nghiệm thu?

- Chẳng giăng sao gì cả, đó là nhiệm vụ chi đoàn giao cho cô… Vả lại chuyện ấy có gì mà ngại? Thằng cha Đông hấp lìm, hẳn nó chẳng khó dễ với cô đâu.

Bân nháy mắt nhìn xuống lòng mương khiến cô hiểu vì sao hôm nay Bân không cho tát nước. Cô nhớ cách đây hai năm, hôm ấy cũng ở đây mé đằng kia là ruộng nhà cô. Rộc Khoang là khu đồng trũng, cứ sau mỗi trận mưa nước từ khắp nơi dồn về đồng đất ngập trắng băng. Mùa thu hoạch mỗi khi trời sắp mưa, mọi người trong làng đều đổ ra đồng cố cắt cho xong, nếu chậm, mưa xuống coi như mất trắng.

Mẹ Sao có chứng thấp khớp, mỗi lần trở trời các khớp chân, khớp tay đau nhức, mùa đông càng khốn khổ hơn, hai đầu gối sưng to, nghe trong xương như có kiến bò. Vừa rồi bà lấy thuốc của ông lang Ngổ, bệnh có chuyển nhưng phải uống thêm vài thang nữa, bố cô đang đi cắt tiếp chừng cuối tháng mới về. Sao là con cả, nên mọi công việc từ lớn tới bé cô đều phải mó tay vào. Buổi sáng cô dậy từ lúc bốn, năm giờ sáng chuẩn bị cơm nước, sắp cám lợn cám gà, giặt giũ rồi hò hét lũ trẻ dậy học bài, buổi chiều dọn dẹp quét tước, chuẩn bị bèo rau. Sau khi cơm nước xong vừa hết chương trình truyền thanh của xã. Cô quáng quàng cắp sách ra đình học, phải cố gắng lắm cô mới theo hết chương trình bổ túc văn hoá cấp II.

Sau khi hoàn thành, con mương này khu ruộng Rộc Khoang sẽ bàn giao cho hợp tác xã, có lẽ đây là vụ gặt cuối cùng Sao gặt trên thửa ruộng nhà mình.

Chiều xuống rất nhanh, mặt trời đỏ rực đang khuất dần sau rặng tre phía tây, mây đen cũng đang từ phía ấy đùn lên, gió cúi rạp mình trên các đám ruộng chưa kịp gặt. Cánh đồng hỗng hễnh những gốc rạ, Sao mải mốt cắt nốt vài ba lượm nữa, tiếng người gọi nhau ơi ới. Có ai đó gọi Sao nhưng cô không kịp ngẩng lên, mưa sắp tới rồi.

Cô vừa xếp xong lúa vào đôi quang gánh thì mưa ập xuống, mỗi lượm lúa nặng thêm gấp đôi. Sao bươn bả đi tắt cánh đồng nhằm hướng cổng làng băng tới. Gió mưa liên tục xô cô ngã dúi dụi, quần áo bó chặt lấy cái thân thể đang độ nở nang càng khiến cho cô bước đi khó nhọc hơn. Cô đi như chẳng cần biết trời đất ra sao nữa, tự nhiên đôi chân cô hẫng đi, cả gánh lúa đổ rụp lên người, chiếc nón che lấp hết mặt, dìm cô sùng sục trong nước. Cô chưa biết mình rơi vào đâu chợt có bàn tay nào đó nắm lấy cánh tay cô kéo vượt lên.

- Đi với đứng, đâm xuống cả mương! Nào, nhanh lên vào trong điếm kia trú đã, trời đang mưa to thế này.

Sao ngớ ra chưa kịp hiểu, thì người đó đã vội cúi xuống xốc gánh lúa lên vai đi vùn vụt vào ngôi điếm bên cạnh gốc cây si già giữa đồng. Người ta vẫn thường kể với nhau về con ma không đầu thường xuất hiện trong đêm cuối tháng hay giữa trưa nắng trêu ghẹo người qua lại. Lúc này Sao không kịp nhớ ra câu chuyện ấy nữa, cô chạy theo cái bóng kia mà không hề định trước.

Lâu ngày, mái điếm bị trụt gần hết, dột tứ tung, cô đứng nép vào góc nhà hai tay vặn mái tóc ướt sũng sĩnh cho đỡ nặng. Mưa mỗi lúc mỗi to, trời đen kịt chốc chốc lại bị xé rách bởi những tia chớp nhằng nhằng.

- Đứng vào chỗ này cho đỡ dột hơn. Liềm đâu, đừng giắt vào người mà sét đánh.

- Tôi gài trong gánh lúa - Sao ngẩng lên chợt nhận ra người ấy nhờ ánh chớp vừa loé lên - Anh Đông đó hả? Vậy mà tôi không nhận ra.

- Tham việc thế, mưa bão đến nơi mà vẫn còn cố cắt. Lúc nãy đằng ấy có nghe thấy tiếng tôi gọi không?

- Có! Mải quá không kịp thưa. Đi đâu mà đứng ở đây?

T.S

(Còn tiếp...)