Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 244): Hoài Đức & Nguyễn Khắc Xuyên: Cao Cung Lên

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2023)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

Cao Cung Lên – Sáng tác: Hoài Đức & Nguyễn Khắc Xuyên

Ca sĩ trình bày: Đình Bảo

ĐỌC THÊM:

CAO CUNG LÊN

Ngày 7 tháng 7 năm 2006 đã tắt đi một ngôi sao sáng trên vòm trời thánh nhạc Công giáo Việt Nam. Nhạc sĩ Hoài Đức, người mà hơn 50 năm trước đây cho chào đời những tác phẩm thánh ca mở đầu cho nền âm nhạc Công giáo Việt Nam, đã an nghỉ trong Chúa tại thành phố Saigon sau 83 năm tại thế. Tuy thể xác đi về cùng cát bụi nhưng tinh anh của ông vẫn còn lại mãi mãi cùng với những nhạc bản ông để lại cho người Công giáo Việt Nam, nhất là những bản nhạc giáng sinh được hát lên mỗi năm ngày kỷ niệm Chúa giáng trần.

Hoài Đức sinh ngày 1 tháng 7 năm 1923 tại xã Vĩ Nhuế phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (ngày nay là xã Yên Đồng, tỉnh Nam Hà). Xã Vĩ Nhuế cũng là nơi giáo quyền xây dựng Giáo Xứ Kẻ Nấp. Năm 1938 chú bé Hoài Đức tốt nghiệp Sơ Học Pháp Việt và vào Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên cũng năm này. Sau 6 năm học tập, thầy Hoài Đức được cử về giúp xứ Bút Đông. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, thầy nhập Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới chưa được một tháng, nhân biến cố Quân đội Nhật tiến đánh Đông Dương, Quân đội Trung Hoa chiếm Đại Chủng Viện, các chủng sinh được lệnh tản cư. Tháng 9 năm 1946, Đại Chủng Viện mở cửa lại, thầy Hoài Đức cùng các bạn trở về tiếp tục tu học. Lúc bấy giờ, cha Bề trên và các linh mục giáo sư đại chủng viện đều là người Pháp. Công việc học hành chỉ mới tiến triển được 3 tháng thì phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các linh mục người Pháp bị câu lưu. Các thầy được lệnh sơ tán về những địa phương xa Hà Nội. Thầy Hoài Đức trở về lại Bút Đông, giúp cha Trần Tiến Đức. Trong thời gian này thày lấy bút hiệu là Hoài Đức, theo thầy kể thì bút hiệu này là để tỏ lòng mến thương linh mục Trần Tiến Đức là cha bảo dưỡng.

Thời gian tản cư kéo dài từ tháng 12 năm 1946 tới tháng 10 năm 1948, sau đó thầy Hoài Đức trở về Đại Chủng Viện Xuân Bích để tiếp tục học 4 năm Triết học và Thần học. Vì mới tản cư về, thầy cần phải có căn cước, nên lấy tên là Lê Đức Triệu, cũng nhân đó khai luôn bút hiệu Hoài Đức vào tờ căn cước. Không biết khi mới sinh ra, cha mẹ thầy đặt cho thầy tên gì, có tài liệu ghi là Lê Danh Hích (?).

Sau 4 năm học ở đại chủng viện, thầy Hoài Đức được lãnh nhận 4 “chức nhỏ”, nhưng vì bệnh suy tim nên Đức Giám mục Trịnh Như Khuê đã chỉ định thầy đi giúp xứ Kẻ Noi, rồi Sở Kiện… Vì tình hình chiến sự, thầy bỏ Sở Kiện tìm cách về lại Hà Nội. Niên học năm 1952, thầy được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII (ở Quần Ngựa), lúc ấy linh mục Nguyễn Huy Mai đang là Hiệu trưởng Trường Dũng Lạc, được thuyên chuyển về làm Giám Đốc Chủng Viện.

Rồi biến cố “chia đôi đất nước” ngày 20-7-1954 xảy đến. Ngày 18-7-1954, toàn bộ Tiểu Chủng viện Piô XII trong đó có thầy Hoài Đức, lên tàu di cư vào Nam. Địa chỉ sau cùng của Chủng Viện Piô XII là 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Thầy Hoài Đức dạy giáo nhạc tại đây cho tới đầu niên học 1957 mới về lại Đại Chủng Viên Xuân Bích cũng đã di chuyển vào Nam và tọa lạc tại Thị Nghè. Sau khi hoàn tất chương trình “đào tạo linh mục”, ngày 6 tháng 6 năm 1960 thầy thụ phong linh mục và vẫn tiếp tục làm giáo sư kiêm giám luật tại Chủng Viện Piô XII.

Năm 1966, Chủng Viện Piô XII chấm dứt hoạt động theo lệnh Toà Thánh, cha Hoài Đức được thuyên chuyển lên Giáo phận Kontum làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Thừa Sai, năm sau được bổ nhiệm phó Bề trên kiêm quản lý Chủng Viện. Hết niên học 1967-1968, cha được chuyển về Saigon đảm nhận chức vụ Thư Ký Thường Trực Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc do đề nghị của Đức Cha Phạm Văn Thiên đặc trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc. Thánh 7 năm 1969, cha đã từ nhiệm chức vụ này và được thuyên chuyển lên Ban Mê Thuật làm quản lý tài sản Nhà Chung Ban Mê Thuật. Lúc ấy Đức Cha Nguyễn Huy Mai đang cai quản Giáo phận này. Ở đây cha Hoài Đức kiêm nhiệm Giám đốc Cơ quan Từ thiện Caritas, Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình. Với những trách vụ kể trên, cha Hoài Đức đã cố gắng xây dựng các cơ sở giáo phận như tu viện, tập viện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội, khai thác đồn điền cà phê, phân phối các phẩm vật cứu trợ…

Tháng 3 năm 1975, Cách mạng “giải phóng” Ban Mê Thuật, Đức Cha Mai và cha Hoài Đức đã ở lại, không di tản. Thời gian này cả hai vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 14 tháng 1 năm 1977 cha Hoài Đức khăn gói lên đường vào trại cải tạo Mê Văn Đắc Lắc. Ở trại này được vài tháng, cha được chuyển ra ngoài Bắc. Sau nhiều lần chuyển từ trại này qua trại khác, năm 1979 cha Hoài Đức cùng một số cha khác (khoảng 20 vị) “định cư” tại trại Thanh Cẩm Thanh Hoá. Tại trại này cha Hoài Đức bị bệnh “tai biến mạch máu não”, nhờ một bạn tù người Hoa chữa trị, bệnh thuyên giảm, nhưng sức khoẻ từ đó kém đi rất nhiều.

Tháng 11 năm 1987, cha Hoài Đức được thả về cùng với khoảng 50 bạn tù. Cha ngụ nơi nhà người em họ tại số 491/74A Lê Văn Sĩ Phường 12 Quận 3 Saigon. Đây là nơi cha được chỉ định cư trú, theo lệnh chính quyền. Vào khoảng năm 1997, bệnh cũ lại bộc phát, cha bị á khẩu, toàn thân dần dần tê liệt và cha đã được chuyển về nhà Hưu Dưỡng Hà Nội (116/3 Hùng Vương, P.9, Q.5 Saigon) và mất tại đây.

***

Thánh ca Hoài Ðức

Những bài hát do Hoài Ðức sáng tác hầu như đã đi vào linh hồn người Công Giáo Việt Nam. Có lẽ không một tín hữu người Việt nào ngay từ nhỏ lại không mấp máy trên môi hay chưa từng thưởng thức những bài thánh ca bất hủ như Cùng Ði Bêlem, Mùa Ðông Năm Ấy, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương… đặc biệt là bản nhạc Cao Cung Lên – ca khúc đã đưa tên tuổi Hoài Ðức lên tột đỉnh. Nếu bên Âu Mỹ có những ca khúc bất tử về Giáng Sinh như Silent Night, Jingle Bell thì Việt Nam những Ðêm Ðông của Hải Linh và Cao Cung Lên của Hoài Ðức vẫn còn sống mãi trong lòng người.

Linh mục nhạc sĩ Hoài Ðức sáng tác thánh ca để đời không bằng số lượng mà là bằng chất lượng tác phẩm. Toàn bộ cuộc đời sáng tác của ngài chỉ có 91 bài. Tuy nhiên nhiều ca khúc của ngài luôn đi vào lòng người, luôn có giá vượt thời gian, vẫn luôn được nhà thờ dùng trong phụng vụ. Không có mùa Noel nào lại không nghe những lời ca du dương của nhạc sĩ Hoài Ðức, như:

Cao cung lên, khúc nhạc Thiên Thần Chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương…” (Cao Cung Lên)

hay “Kìa trông huy hoàng vì sao chiếu soi gần xa khắp miền…” (Cùng Ði Belem)

hoặc “Mùa đông năm ấy, sao sáng soi cuối trời, Mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời…” (Mùa Ðông Năm Ấy)…

Và trong các buổi chầu Thánh Thể, ta luôn luôn nghe được lời cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng: Này Con Là Ðá. Thậm chí bài sáng tác đầu tiên của ngài Thánh tâm Giêsu vua đất Việt sáng tác năm 1945 trong hoàn cảnh chinh chiến, ngày nay vẫn còn nhiều nơi sử dụng.

Nhạc sĩ Hoài Ðức đặc biệt có lòng tôn kính Ðức Mẹ, đã dành tới 18 sáng tác về Ðức Mẹ.

Quá trình sáng tác của Hoài Đức có thể chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Những ca khúc ngẫu hứng (1945-1949), dù mang tính ngẫu hứng nhưng có những bài ca xuất thần, giá trị vượt thời gian như bài Thánh Tâm Giêsu Vua Ðất Việt, Thiếu Nhi Công Giáo Việt Nam, Cung Chúc Trinh Vương, Ðêm Ðông Âm U… đặc biệt là nhạc phẩm Cao Cung Lên (Giáng Sinh 1945).

Giai đoạn 2: Những ca khúc bài bản (1950-1975), điệu nhạc giản dị, hướng hẳn về bình ca, lời ca lấy từ sách kinh nguyện, Thánh Kinh, Ca Vịnh. Những bài ca nổi tiếng: Bí Tích Nhiệm Mầu, Ngắm Mình Thánh Chúa, Thờ Lạy Chúa… và những ca khúc về Ðức Mẹ.

Giai đoạn 3: Những ca khúc thầm (1977-1987) viết trong thời kỳ ngài bị giam tù, sáng tác chuyển hẳn sang thể loại hợp xướng. Có thể kể một số bài: Cho Ðến Bao Giờ (Ca Vịnh 12), Con Thức Trông Cậy Chúa (Ca Vịnh 62), Hỡi Toàn Cầu (Thánh Vịnh 99), Lạy Chúa Ðừng Trách Mắng Con (Thánh Vịnh 6); Nếu Chúa Không Ơn Lại (Thánh Vịnh 123), Ngồi Bên Bờ Sông Babylon (Thánh Vịnh 136)… Hầu hết những bài thánh ca hợp xướng sáng tác trong giai đoạn này chưa được phổ biến, còn xa lạ với giáo dân.

Phỏng vấn tác giả Cao Cung Lên thực hiện năm 1996 do nhà thơ Lê Đình Bảng:

PV: Cao Cung Lên là một hiện tượng, một trong những bản thánh ca Giáng Sinh được nhiều người biết, hát thuộc lòng và mến mộ nhất. Cha có thể cho biết thời gian sáng tác và cảm hứng lúc ấy?

Linh mục Hoài Ðức (Lm. HÐ): Năm 1945, đại chủng viện Xuân Bích tạm đóng cửa, vì quân đội Trung Hoa trưng dụng cơ sở chủng viện để đóng quân, các chủng sinh phải sơ tán về nhà quê, địa phương gần đó. Tôi về Bút Ðông (Nam Ðịnh), xứ sở của linh mục bảo dưỡng tôi là Linh mục Trần Tiến Ðức, và qua Noel năm 1945 ở đó. Cũng chính thời kỳ đó, tôi bắt đầu tập tễnh làm quen với sáng tác thánh ca. Một lần, tôi cùng với cộng đoàn giáo hữu đọc kinh chiều và làm giờ viếng hang đá vừa xong, giữa lúc mọi người về thì hồi chuông nguyện nổi lên. Lúc ấy tôi cũng đang bước trên bậc thang từ trên nền nhà thờ xuống sân bên ngoài, bỗng nhiên trong trí óc tôi nảy ra một cung điệu phảng phất âm thanh của tiếng chuông đang ngân vang trên tháp chuông. Tôi liền bước chậm lại và thả hồn theo tứ nhạc đó, khi xuống tới sân nhà thờ thì trong trí óc đã hình thành xong đoạn điệp khúc Cao Cung Lên. Ngay lúc đó, tôi về phòng riêng chép lại điệp khúc đó và phiên khúc 1 của bài hát thì nguồn cảm hứng tắt ngấm. Tôi liền đưa bản nhạc cho Nguyễn Khắc Xuyên xem, vì Nguyễn Khắc Xuyên cũng đang ở Bút Ðông. Nguyễn Khắc Xuyên khen tứ nhạc hay và hợp với bầu khí Noel, liền nhận lời đặt mấy phiên khúc sau. Nên người nào tinh ý sẽ nhận thấy ngay văn phong của những phiên khúc sau có đôi chút khác với văn phong của điệp khúc và phiên khúc 1.

PV: Ðấy là trang mở đầu của những bài thánh ca bằng tiếng Việt. Như vậy, thưa cha, trong điều kiện còn manh nha, việc khơi dòng thật khó. Vậy chứ, trường hợp và động cơ nào thúc đẩy cha đến với thánh nhạc, thánh ca?

Lm. HÐ: Có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên. Suốt 6 năm tu học ở tiểu chủng viện Latinh Hoàng Nguyên, tôi không có gì xuất sắc về âm nhạc. Cũng có được tập đàn harmonium vài năm, sau vì kém mắt nên xin thôi. Tiếng thì khàn khàn, đục đục, lại ương ương, không thể hát hay được. Năm 1945, vì thời cuộc phải tạm nghỉ học triết lý ở đại chủng viện Xuân Bích, tôi về với cha nuôi xứ Bút Ðông, có Nguyễn Khắc Xuyên vốn quen biết Hùng Lân rồi. Tôi chưa có ý niệm gì về việc sáng tác nhạc cả. Nhưng chỉ có tấm lòng ước ao khao khát hòa bình cho đất nước, trước mắt là mong có hòa bình để mau được về tiếp tục học tại đại chủng viện. Với tâm tình đạo đức cầu nguyện đó, và với cái vốn ít ỏi hiểu biết về nhạc lý cộng với chút hiểu biết sơ đẳng về tư tưởng thần học, tôi nghêu ngao mấy câu để cầu nguyện xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu ban cho đất nước Việt Nam được hòa bình. Khi đã thành hình một bài hát, tôi ghi lại và đem gởi cho anh Hùng Lân làm lễ ra mắt để xin gia nhập nhạc đoàn. Cũng vì thế mà lúc đầu bài hát ấy như sau: “Giêsu, dưới chân Chúa con sấp mình, muôn vàn thiết tha dâng lòng thờ kính. Lòng còn tha thiết tháng năm sống đời an ninh. Chúa ơi nỡ tâm ngoảnh mặt làm ngơ sao đành.” Ðến sau tôi phải sửa lại thế này: “Giêsu, chúng con tới đây sấp mình, chân thành dâng Chúa tấm lòng thờ kính, đoàn con mong ước tháng năm sống đời an ninh, Chúa ơi hãy ban xuống cho Việt Nam thanh bình.”

Ðược anh Hùng Lân khích lệ và chỉ dẫn dần dần, tôi bước vào con đường sáng tác từ đấy, nhưng vẫn không có ý sống trong âm nhạc, và chỉ sáng tác những khi nào có hứng thực về chủ đề nào này ra trong trí óc, và tâm hồn sống với chủ đề đó. Không ham muốn sáng tác nhiều bài.

PV: Cha có thể phác họa lại hoàn cảnh lịch sử và những năm đầu của thánh nhạc, thánh ca Việt Nam?

Lm. HÐ: Có khi phải lấy thời điểm năm 1940. Trước thời điểm đó chưa có thánh nhạc Việt. Khi nói đến thánh nhạc là phải nói đến những bài hát trong phụng vụ. Mà tất cả nền phụng vụ bấy giờ đều được cử hành bằng tiếng Latinh. Thánh Lễ, chầu Thánh Thể phải đọc hay hát bằng tiếng Latinh. Những bài hát đều lấy từ cuốn Paroissien Romain hay cuốn Cantus Pro Festis Solemnioribus, hoặc là cuốn Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, và trong giờ chầu Thánh Thể thì hát những bài in trong sách Cantus Selecti Ad Bennedictionem, hoặc cuốn Cantus ad Bennedictionem (quen gọi là cuốn Biton). Ðôi khi được hát những bài không phải là tiếng Latinh thì hát bài bằng tiếng Pháp, chủ yếu là lấy trong cuốn Cantiques de la Jeunesse. Còn những bài hát bằng tiếng Việt thì chưa có, hay nói cách khác là chưa có ai làm ra cả. Trong miền Nam có cha Phaolô Quy và Phaolô Ðạt có làm một ít bài: Thanh niên với Ðức Mẹ, Thanh niên với Chúa Hài Ðồng, tập cho các chủng sinh Latinh Hoàng Nguyên, hát được một vài lần rồi cũng rơi vào quên lãng.

Năm 1943 hay 1944, có một linh mục cao tuổi, quen gọi là Cha Già Vượng, ở xứ Nam Ðịnh, một mình đã cho ấn hành những 10 cuốn thánh ca, gồm có những bài ca lấy cung điệu ở những bài ca tiếng Pháp, hay tiếng Latinh, còn lời ngài đặt bằng tiếng Việt Nam, giọng văn đơn sơ, mộc mạc, đã được phổ biến mạnh trong một thời gian.

Còn kể đến bài hát bằng tiếng Việt Nam mà chưa được hát chính thức trong nhà thờ thời ấy, là bộ Vãn Dâng Hoa, được các hội dâng hoa các nơi sử dụng trong mùa hoa Tháng Năm. Nhưng không phải là các bài thánh ca phụng vụ, chỉ hát để dâng hoa kính Ðức Mẹ. Có nhiều bộ Vãn Dâng Hoa, ở địa phận Hà Nội thì khác, ở Bùi Chu thì lại khác. Có khi trong một địa phận, mỗi xứ hát một hay hai Vãn Dâng Hoa khác nhau, đặc biệt về ngôn từ và cung điệu.

Tóm lại, các nghi lễ thời ấy đều làm bằng tiếng Latinh, với linh mục chủ tế trên bàn thờ, còn giáo dân chỉ biết đọc kinh, ngắm lễ bằng tiếng Việt, chứ hát lời kinh bằng tiếng Việt thì chưa có, ngoại trừ Ca Vãn Dâng Hoa.

Rồi vào năm 1940 trở đi, đã xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn, nghĩa là do người Việt Nam soạn cả phần nhạc và lời, như Lê Thương với bài Ðàn Xuân, Ðặng Văn Hân với bài Men Cùng Sườn Non, Thẩm Oánh với bài Tâm Hồn Anh Tìm Em, rồi tới những bài hát hướng đạo của nhóm Hoàng Quý, như Trên Sông Bạch Ðằng, Lửa Rừng Ðêm, Nhớ Quê, tiếp những bài ca ái quốc như Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, Tiếng Quân Ca của Văn Cao, nung nấu lòng yêu nước của mọi người nhất là những thanh niên có học. Ðang lúc ấy, Hùng Lân với Thiên Phụng là những thanh niên vào lứa tuổi 20, đã nghĩ ngay đến việc tập hợp một số anh em để thành lập một nhạc đoàn chuyên soạn ra những bản thánh ca hoàn toàn Việt Nam thay cho những bài thánh ca tiếng nước ngoài như trước, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập tự do của người Việt Nam, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời từ đó.

PV: Cha có thể nhớ lại một số tác phẩm mà cha đã sáng tác từ thủa ban đầu cho đến ngày hôm nay?

Lm. HÐ: Vì có chủ trương không ham sáng tác nhiều nên tôi nhớ mang máng con số những bài hát tôi sáng tác chỉ vào chừng 80 bài thôi; còn một số bài tôi đã nháp rồi thấy không ưng ý hay không thích nữa thì tôi bỏ luôn, cũng vào khoảng ba bốn chục bài nữa. Tôi nói thêm rằng: Thời gian sáng tác nhiều nhất là thời gian học ở đại chủng viện, “ăn cắp” giờ học riêng để làm bài hát. Nhưng luật chủng viện không cho phép, các cha giáo sư nghiêm ngặt về vấn đề đó, thậm chí đã có cha giáo khám túi chủng sinh xem có tờ giấy nháp nào về bài hát không. Ðến khi làm linh mục rồi, ra làm việc mục vụ thì rất ít có cơ hội để sáng tác cho ra hồn nữa. Ðó là kinh nghiệm của riêng tôi thôi.

***

Qua chính lời tác giả bài hát Cao Cung Lên vừa kể trên, chúng ta được biết nhạc bản danh tiếng này được thành hình ra sao và trong trường hợp nào. Hoài Đức cũng cho chúng ta một thoáng nhìn về tình hình giáo nhạc Việt Nam thời kỳ phôi thai với nỗ lực ban đầu của những cây đại thụ trong làng âm nhạc Công giáo như Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên…, chính nhờ những vị này, cũng như nhờ Hoài Đức, trong vai trò những người tiền phong, mà ngày nay người Công giáo Việt chúng ta mới có được một nền âm nhạc phong phú dùng trong phụng tự.

Hoài Đức không còn nữa, nhưng những bản thánh ca cha để lại vẫn còn được hát lên hầu như mỗi ngày nơi các thánh đường Công giáo trong và ngoài nước. Riêng nhạc bản Cao Cung Lên vẫn còn vút bay như những tiếng chuông vang, như những nốt nhạc của các vị thiên thần Chúa trong ngày lễ giáng sinh đầu tiên, và chắc sẽ còn mãi mãi ngân vang mỗi năm khi mùa lễ Giáng sinh trở lại.

Cao Cung Lên

Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa

Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương.

Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn

Một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương

Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt:

Hát khen Con Một Chúa Trời, rày sinh xuống cõi đời

Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn

Mau tìm cho tới thờ kính Vua giáng trần.

1. Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính.

Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa.

Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính.

Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa.

2. Thôi hỡi ngàn mây đen xám u mờ tăm tối.

Hãy mau tan đi nay Chúa đã xuống đời.

Trên cõi trời cao, sao sáng chân thật đưa lối.

Hãy mang tin lành cho nhân loại nơi nơi.

3. Thôi hỡi trần gian bao tuyết sương cùng gió rét.

Cớ sao nỡ làm cho Chúa lạnh vô ngần.

Ôi Ðấng Toàn Năng xưa quá yêu người tha thiết.

Xuống chịu khổ hèn trên tuyết ngàn dặm sương.

4. Thôi hỡi hồn tôi ghi nhớ trong lòng sâu thẳm.

Chúa sinh đêm nay nên bé nhỏ khó hèn.

Con quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm.

Muốn để đền bù lại cõi đời bạc đen.

Phụng Nghi

(Trích: Những ca khúc Giáng sinh được mọi thời ưa chuộng của Phụng Nghi)