Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Chuyện một người tử tù

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu

Chân dung nhà văn Phạm Lưu Vũ

Quản giáo tên Điều người to béo ục ịch, trên cổ có ngấn thịt xệ ngay dưới cằm như người quấn một chiếc khăn quàng có hoa lốm đốm, lúc nào cũng phập phồng. Hôm làm thủ tục nhận bàn giao một tử tù, thấy người này gầy gò, đầu nhẵn thín không một cọng tóc, biết lai lịch đây là một nhà sư, Quản Điều nghĩ bụng mình sẽ phải kiêm nghề thợ cạo đây. Đưa người tử tù vào phòng biệt giam, trước khi rời khỏi phòng, Quản Điều cất giọng ồ ồ, làm rung cả khối thịt:

- Ông có quyền yêu cầu được cạo tóc hàng ngày. Đích thân tôi sẽ làm việc ấy.

Không ngờ người tử tù giọng hiền từ trả lời:

- Cám ơn cán bộ. Không cần đâu.

Quản Điều ngạc nhiên:

- Vậy ông sẽ nuôi tóc trở lại? Hay là ông muốn hoàn tục trước khi thi hành án?

Người tử tù vẫn đáp, giọng thản nhiên:

- Tôi đã thế phát (xuống tóc) từ nhiều kiếp rồi, kiếp này không dám làm phiền đến quý cán bộ.

Nhảm nhí, Quản Điều nghĩ bụng. Mấy ông nhà sư tin có luân hồi, đó là mê tín dị đoan. Để xem đầu tóc ông ta sẽ như thế nào. Quản Điều nghĩ vậy rồi bước nhanh ra khỏi phòng, khóa cửa lại cẩn thận, tránh nói chuyện với tử tù đến câu thứ ba, phép trong trại là thế.

Mặc dù vậy, nhưng Quản Điều vẫn dự trù sẵn một bộ dao cạo. Để ý một ngày, hai ngày rồi ba ngày…, đến nửa tháng sau, sọ người tử tù vẫn nhẵn thín, không một cọng tóc. Quản Điều nghĩ quái lạ, chả lẽ ông ta đã xuống tóc từ những kiếp trước thật?

Nguyên Quản Điều không biết, mà có biết cũng chả bao giờ tin. Có một con xén tóc hoa, chỉ nhỉnh hơn hạt đậu, hàng ngày vẫn bay vào trong phòng theo lối cửa thông gió. Con xén tóc cần mẫn bò khắp sọ người tử tù, xén cụt từng mẩu tóc nhú ra. Con xén tóc bay vào mỗi khi người tử tù cất lên tiếng niệm: “Mâu Tử”. Mâu Tử là một vị Tổ của nhà sư này chăng? Có thể như thế lắm. Mãi sau này, trong một lần nói chuyện với đệ tử, nhà sư bảo rằng chỉ có thể gặp Mâu Tử trong những lúc thiền định, gặp được Ngài thì sẽ thấu suốt chuyện nghìn năm như trong lòng bàn tay. Còn khi ấy, chỉ biết rằng trong lúc con xén tóc đậu trên hộp sọ thì người tử tù ngồi yên bất động, trong đầu ông nghĩ những gì, niệm những gì… thì không ai biết được.

Mùa đông năm ấy thời tiết lạnh buốt, gió bấc gào rú, quay cuồng khắp núi rừng Tam Tinh, cả bầu trời xám xịt chụp xuống. Căn phòng biệt giam có chiếc bệ xi măng, người tử tù mặc chiếc áo phong phanh ngồi bất động, da dẻ vẫn hồng hào. Quản Điều mặc mấy lần áo len mà vẫn run lên vì lạnh, môi tím ngắt. Đến giờ nhận ca, Quản Điều đứng bên ngoài nhòm vào, quái lạ, tên tù kia không biết rét là gì chăng? Nghĩ rồi rút từ trong túi áo bông ra một chùm chìa khóa, lách cách mở cửa bước vào trong phòng, cẩn thận khám xét khắp người tử tù theo quy định. Khám xong, lại rút từ túi kia ra một cuốn sổ với chiếc bút bi, cúi đầu lúi húi ghi chép: ngày… tháng… năm… vào hồi… giờ, tình trạng phạm nhân… Chép xong, bỗng bên ngoài chấn song thép cửa thông gió có tiếng quạ kêu. Quản Điều giật mình nhìn ra, mấy con quạ đen tuyền đang bám chấn song nhòm vào trong phòng. Quản Điều rợn người, bụng nghĩ chắc người tử tù này sắp sửa phải thi hành án… cho nên lũ quạ bắt đầu tìm đến. Quản Điều quay mặt nhìn người tử tù, thấy ông nhoẻn một nụ cười, gương mặt vẫn hồng hào. Xì, cố tỏ ra khí phách giả vờ đây, đến lúc ấy, chắc lại nhũn người ra, bước còn không nổi, quản Điều nghĩ bụng rồi đút cuốn sổ và bút vào túi áo, đoạn bước ra khỏi phòng, khóa lại cẩn thận.

Ngồi trong trạm gác, nghĩ mãi về nụ cười của người tử tù, càng nghĩ càng cảm thấy có gì quái lạ. Quản Điều cứ ngọ ngọay không chịu nổi, liền rời khỏi trạm, bước về phía phòng biệt giam, đứng bên ngoài hỏi vào:

- Này!

Người tử tù từ từ quay nhìn ra. Quản Điều hỏi ngay:

- Ban nãy lũ quạ đến đậu ở lỗ cửa nhòm vào, cất tiếng kêu. Quạ kêu là cái điềm sắp có người chết. Ông là tử tù, thì người chết ở đây chẳng phải ông thì là ai? Cớ sao ông lại cười?

Người tử tù lại nhoẻn miệng cười, cất giọng từ tốn đáp:

- Hì, tôi cười vì không phải chúng đến để báo tin về cái chết của tôi, mà chúng mách tôi một việc khác.

Quản Điều ngạc nhiên, hỏi tiếp:

- Hừm! Ông cứ làm như hiểu được tiếng quạ ấy. Vậy chúng mách ông việc gì?

Người tử tù trả lời, giọng nhẹ như không:

- Chúng mách với tôi rằng lúc ấy, ông đang đứng quay lưng lại, khẩu súng lục ở ngay trước mặt tôi, ông đã quên không cài nắp. Chúng bảo tôi chỉ việc rút súng ra… là có thể thoát khỏi đây, và lũ quạ cũng có cái ăn…

Quản Điều nghe nói giật nảy mình, rợn buốt dọc sống lưng. Sờ tay xuống bao súng, quả nhiên mình vẫn quên chưa cài nắp. Mất cảnh giác quá. Thật hú hồn hú vía…

Ớ mồm ra không nói lại được câu nào, quản Điều bèn quay người bước về trạm gác, lập tức thảo ngay một tờ trình gửi ban chỉ huy trại, nội dung: tử tù tên… phòng số… mới xuất hiện âm mưu vượt ngục, thậm chí còn muốn tự tử. Đề nghị…

Tờ trình được gửi lên. Ban chỉ huy trại hội ý cấp tốc, hội ý xong, liền điều ngay một tổ, vũ trang đến tận răng, lập tức xuống khu biệt giam, cùng quản Điều vào trong phòng cùm chân người tử tù gầy gò lại.

Người tử tù từ đó bị cùm suốt 24/24, chỉ mở mỗi ngày không quá 15 phút trong lúc đi vệ sinh. Nhưng Quản Điều thì ngày hai lần phải mang cơm nước vào tận trong phòng, không để ngoài cửa thông gió như trước nữa.

Trong một lần như thế, không biết do trời xui đất khiến thế nào, mà vừa đặt khay cơm xuống sàn xi măng trước mặt người tử tù rồi lùi lại vài bước, Quản Điều buột miệng:

- Chả hiểu kiếp trước tôi với ông có duyên nợ gì, mà giờ phải làm người cơm bưng nước rót cho ông, lại phải canh từng bữa ăn cho ông như thế này?

Vừa buông lời xong, Quản Điều chợt thấy mình lỡ mồm. Nói thế, khác nào mình công nhận có luân hồi, đúng như luận điệu của bọn nhà sư. Chẳng lẽ mình cũng bị nhiễm mê tín dị đoan từ tên tử tù này hay sao? Nghĩ rồi Quản Điều chăm chú nhìn đối phương, xem thái độ của ông ta như thế nào? Người tử tù không có phản ứng gì, chỉ nhoẻn một nụ cười, y hệt nụ cười hôm nghe thấy tiếng quạ. Chỉ nụ cười cũng khiến Quản Điều giật mình, bất giác đưa tay xuống sờ vào bao súng, xem hôm nay mình có quên cài nắp hay không. Bao súng đã cài rất cẩn thận.

Trở về trạm gác, Quản Điều lại vẩn vơ nghĩ mãi về nụ cười. Nghĩ mãi không chịu nổi, Quản Điều lại bước về phía phòng biệt giam, lần này tỏ ra từ tốn hơn:

- Này ông, ban nãy tôi buột mồm nói ra câu ấy khiến ông mỉm cười. Tại sao ông cười?

Người tử tù từ từ ngẩng đầu lên, trả lời:

- Tại câu nói của cán bộ đúng quá, đúng quá.

Quản Điều phát cáu:

- Hừm! Đúng cái con khỉ. Tôi chỉ lỡ mồm nói thế thôi. Chả có kiếp trước kiếp sau mẹ gì đâu.

Nói xong, định dợm bước quay trở về trạm gác, thì đã nghe tiếng người tử tù:

- Kiếp trước tôi là người cơm bưng nước rót cho cán bộ, trọn một năm…

Câu nói này mới làm Quản Điều cáu thực sự, liền nói lớn như quát:

- Nghĩa là ý ông bảo kiếp trước tôi cũng là tử tù như ông bây giờ?

Người tử tù vẫn từ tốn, hơi lắc đầu trả lời:

- Kiếp trước cán bộ không những không phải tử tù, mà là thiện trí thức của tôi.

Ý nói không phải tử tù đã chặn cơn giận của Quản Điều lại. Nhưng ba tiếng “thiện trí thức” làm Quản Điều ù tai, chả hiểu đó là cái giống gì. Nhưng mà thôi, trong một phiên trực đã trao đổi quá ba câu là vi phạm quy định của trại rồi. Quản Điều quyết định chấm dứt câu chuyện, quay người bước nhanh về trạm gác.

Trở lại trạm gác, vẫn không sao dứt nổi những suy nghĩ vẩn vơ về câu nói của người tử tù. Một ý nghĩ chợt đến làm Quản Điều toát mồ hôi hột, nhỡ ông ta đã luyện được phép thuật của phù thủy, mà hại mình để vượt ngục thì sao? Nhớ lại hồi mới ra trường, Quản Điều được phân công ở một trại giam mãi trên Tây Bắc. Có một phạm nhân người dân tộc cũng bị biệt giam, cậu quản giáo bấy giờ cũng trạc tuổi Quản Điều, một hôm mang cơm vào cho phạm nhân, trong khay có một quả trứng vịt, tên phạm nhân không ăn đến quả trứng ấy. Lúc dọn ra, cậu quản giáo kia không nỡ vứt đi, bèn bóc ra ăn. Ăn xong, ngồi trong trạm gác một lúc thì thấy có gì cựa quậy ở trong bụng, lát sau lại nghe tiếng vịt con kêu chíp chíp, phát ra từ cuống họng. Cậu quản giáo hoảng sợ, vội vàng chạy tới phòng biệt giam hỏi phạm nhân kia, ông ta bảo:

- Quả trứng cán bộ vừa ăn đã nở ra con vịt. Nó lớn nhanh lắm, chỉ vài giờ nữa sẽ đạp thủng bụng cán bộ mà chui ra.

Cậu quản giáo càng hoảng loạn, năn nỉ xin ông ta bày cho cách để thoát. Ông ta yêu cầu phải mở cùm, mở khóa để ông ta ra khỏi phòng cái đã, rồi mới bày cách cho. Cậu quản giáo không còn cách nào khác, để cứu mạng, buộc phải làm theo lời ông ta. Tên phạm nhân ra khỏi phòng, trước khi biến vào rừng, y cũng không quên dặn cậu quản giáo:

- Ra khỏi cổng trại, đi về phía Nam, gặp cái đầm đầu tiên thì xuống ngâm mình dưới nước, rồi khạc ba tiếng thì sẽ thoát khỏi tai vạ.

Cậu quản giáo làm theo. Quả nhiên đến tiếng thứ ba thì khạc ra một con vịt con, đã mọc lông ống, bơi lội tung tăng. Thật hú vía…

Câu chuyện làm rúng động cả trại giam lúc bấy giờ. Quản Điều vì thế hãi vùng cao, cạy cục mãi mới xin đổi được về đây.

Nhưng người tử tù này là nhà sư, nom ông ta có vẻ hiền lành, đức độ, chả lẽ lại dùng thuật phù thủy như tên phạm nhân kia. Ý nghĩ ấy làm Quản Điều tạm thời yên tâm. Nhưng… có một chỗ làm Quản Điều lại thấy nhấp nhổm, lo lắng. Ấy là ông ta bảo kiếp trước, ông ta cũng cơm bưng nước rót cho mình trọn một năm. Cứ như thể ông ta đã biết rõ quy định của riêng trại này, các quản giáo phụ trách phòng biệt giam, cứ một năm lại đổi một lần, nguyên tắc là không bao giờ quay trở lại phòng cũ, nếu người tử tù kia vẫn chưa thi hành án…

Chả lẽ chuyện mê tín luân hồi kia là có thật? Kiếp trước ông ta quả đã cơm bưng nước rót cho mình một năm? Không thể nào như thế được. Nhưng dù sao thì cũng phải phòng trước mới được. Quản Điều nghe nói người tu hành quý nhất là sự yên tĩnh, yên tĩnh để ngồi thiền, phải ngồi thiền thì mới thành đạo… Một người thành đạo thì ảnh hưởng đến cả thời thế, chứ chả riêng gì một trại này. Vậy phải nghĩ cách chặn lại mới được. Và Quản Điều đã nghĩ ra. Liền ngồi viết ngay một tờ trình, xin trên cấp cho bốn chiếc loa, treo bốn góc trong phòng giam, mở loa 24/24, đặc biệt là các chương trình thời sự…

Sáng hôm ấy đúng ngày Phật Đản. Chương trình thời sự của đài phát thanh phát một bài dài, đưa tin về các hoạt động chào mừng ngày Đức Phật Đản sinh của Giáo hội, trên khắp các chùa chiền trong nước. Quản Điều liền mở hết công suất, bốn chiếc loa đồng thanh hét lên dữ dội, cả khu biệt giam ầm ầm, sóng âm làm cho các tán lá cũng phải rung lên, những chiếc lá đã vàng rụng lả tả. Lúc vào mở khóa cùm cho người tử tù đi vệ sinh, Quản Điều để ý, thấy thần sắc người này vẫn tỉnh như không. Một nhà sư thì không thể dửng dưng trước ngày đản sinh Đức Phật của mình như thế được. Đợi người tử tù xong việc, Quản Điều liền cất tiếng hỏi:

- Sáng giờ ông ngủ à?

Người tử tù trả lời:

- Không, thưa cán bộ.

- Vậy ông biết hôm nay là ngày gì không?

- Tôi ở đây làm gì có thời gian, thưa cán bộ.

Quản Điều đưa tay chỉ lên bốn chiếc loa:

- Nhưng đài phát thanh vừa đưa tin về các hoạt động nhân ngày Phật Đản… Chả lẽ ông không nghe thấy?

Người tử tù lại nhoẻn một nụ cười. Lần này Quản Điều cảm thấy chấn động. Người tử tù trả lời:

- Tôi nghe, mà không nghe, thưa cán bộ.

Trong lòng đầy thắc mắc và nghi ngờ, giá ở ngoài kia thì Quản Điều sẽ vặn hỏi, tranh luận cho kì được. Nhưng đã trao đổi quá ba câu, vượt quá quy định của trại nên Quản Điều đành im lặng, chấm dứt câu chuyện rồi lui ra.

Giống mấy lần trước, lần này nụ cười của người tử tù lại làm Quản Điều suy nghĩ mãi. Tới gần trưa thì không chịu nổi nữa, bèn bước về phía phòng biệt giam cất giọng như tra hỏi:

- Này ông, sáng nay, lúc tôi thông báo hôm nay là ngày Phật Đản, ông lại nhoẻn mồm cười là có ý gì?

Người tử tù vẫn trả lời giọng từ tốn:

- Tôi cười vì Phật sinh, cũng như không sinh, thưa cán bộ.

Quản Điều bắt đầu cáu:

- Hừm! Ông bảo nghe mà không nghe thì còn tạm tin được. Chứ Phật sinh mà không sinh thì ai thèm tin? Chả lẽ ở ngoài kia là một lũ ngu hết cả hay sao?

Người tử tù vẫn từ tốn:

- Ngày nào cũng là ngày Phật Đản cả. Cho nên nói sinh, cũng như không sinh.

Hừm! Thế này thì quá lắm. Chẳng lẽ Đức Phật của các ông đã choán hết cả những ngày lễ trọng đại của đất nước, không chừa ra ngày nào cả hay sao? Thế này thì đích thị là phản động, chứ không phải chuyện đùa. Nhưng đây chỉ là ý nghĩ, Quản Điều không nói ra mồm, mà quay ngoắt lại, hầm hầm bước về trạm gác.

Đang cơn tức tối, Quản Điều lập tức lấy giấy bút, viết một tờ trình lên ban chỉ huy trại, trình bày về tư tưởng phản động rất nguy hiểm của người tử tù, đề nghị trên sớm cho thi hành án đối với trường hợp này… Tờ trình viết xong, nhưng Quản Điều chưa gửi đi ngay, mà gấp lại, đút vào ngăn kéo.

Tối hôm đó, vừa về đến nhà, vợ Quản Điều đã hớn hở khoe:

- Hôm nay Phật Đản, chúng em đi lễ chùa, nghe quý khầy (vợ Quản Điều vốn nói ngọng) giảng pháp hay lắm anh ạ.

Quản Điều vốn chả bao giờ quan tâm chuyện mê tín dị đoan của đàn bà, nhưng cũng bâng quơ hỏi lại:

- Giảng cái gì?

Vợ Quản Điều kể:

- Quý khầy giảng rằng Đức Phật sinh cũng như không sinh…

Quản Điều nghe đến đây, bỗng giật mình. Sao y hệt câu nói của người tử tù? Liền hỏi giật giọng:

- Thầy còn giảng gì nữa?

Vợ Quản Điều tưởng bị cụt hứng, nghe chồng hỏi lại hớn hở khoe tiếp:

- Quý khầy giảng ngày nào cũng là ngày Phật Đản cả.

Nghe đến đây thì Quản Điều chẳng những rùng mình, mà còn cảm thấy rợn người. Cứ như thể người tử tù kia đã phân thân làm hai nơi, một thân nói cho Quản Điều nghe, một thân nói cho vợ nghe. Thế này thì còn nguy hiểm gấp vạn lần phép thuật phù thủy ở trên mạn ngược chứ chả chơi. Ý nghĩ ấy làm Quản Điều hoang mang thật sự, toát cả mồ hôi hột. Cô vợ không biết điều đó, nên cứ hồn nhiên khoe tiếp:

- Giảng xong, quý khầy còn cầm một xấp ảnh tặng cho mọi người. Bà thì được ảnh Phật A Di Đà, bà thì được ảnh Quan Âm Bồ Tát…, còn em thì được tấm ảnh này…

Quản Điều ngó tấm ảnh, một chú bé hồng hào, mũm mĩm, một tay trỏ lên trời, một tay trỏ xuống đất. Đó là ảnh Đức Phật Đản sinh.

Tấm ảnh làm cơn hoang mang của Quản Điều cũng dịu đi phần nào. Còn một sự trùng hợp nữa, sao bây giờ Quản Điều mới chợt nghĩ ra. Số tù của người tử tù ấy là 365, vừa đúng bằng số ngày trong năm.

Bấy nhiêu sự trùng hợp mà vẫn tình cờ, thì tình cờ không phải tình cờ. Ý nghĩ ấy làm Quản Điều trằn trọc suốt đêm, sáng hôm sau dậy muộn, cuống cuồng phóng xe đến trại thì đã chậm mất mười lăm phút. Cậu phụ quản giáo trực đêm thấy hai mắt Quản Điều thâm quầng, tỏ ra thông cảm với thủ trưởng của mình nên không nói gì, chỉ lặng lẽ làm thủ tục giao ca rồi rời khỏi trại. Việc đầu tiên, Quản Điều liền mở ngăn kéo ra. Tờ trình mới viết hôm qua đã không còn ở đó nữa.

Quản Điều giật mình, lao ra cửa định gọi cậu phụ quản giáo lại để hỏi. Nhưng cậu ta đã phóng xe đi mất hút. Mà cậu ta cũng không dám lục lọi chiếc ngăn kéo, kỉ luật của trại đã quy định như vậy. Thế thì tờ trình ấy biến đi đâu? Đang rối trí thì có người tới, chưa thấy người đã thấy tiếng oang oang từ ngoài sân, tiếng của Quản Đạt.

Quản Đạt là người tiếp theo, sẽ thay thế Quản Điều vì sắp đến hạn một năm. Quản Đạt thản nhiên bảo:

- Sáng sớm nay ghé qua đây, tình cờ thấy tờ trình ông viết ở trong ngăn kéo, tôi đem lên phòng giám đốc nộp hộ cho ông rồi. Ông viết đúng lắm, phản động là rất nguy hiểm, nhà sư càng nguy hiểm. Thi hành án sớm cho anh em mình đỡ vất vả. Tôi chúa ngại canh giữ tử tù…

Câu nói làm Quản Điều rùng mình. Lạ thật, sao hôm nay ta lại rùng mình nhỉ? Quả thực sáng nay Quản Điều chưa có ý định nộp tờ trình ấy, chính vì những sự trùng hợp kia. Vội hỏi lại:

- Thế giám đốc đã đọc chưa?

Quản Đạt hơi cụt hứng, trả lời:

- Lúc ấy giám đốc chưa đến, tôi cứ để trên bàn. Nhưng sao…?

Quản Điều không trả lời, chỉ túm áo Quản Đạt kéo vào trạm, ấn xuống ghế rồi nói:

- Ông ngồi đây trông hộ tôi một lát.

Rồi lao lên phòng giám đốc, Quản Đạt nhìn theo, lắc đầu không hiểu ra làm sao.

Lên tới khu văn phòng, Quản Điều chả cần ý tứ như mọi lần, liền mở ngay cửa phòng giám đốc, bước vào. Trên bàn làm việc của giám đốc trại, bên dưới con tì hưu vẫn dùng để chặn giấy là mặt bàn trống trơn, không có tờ giấy nào.

Quản Điều bắt đầu cảm thấy hơi mất bình tĩnh, liền tiến ngay tới, liều lĩnh lục lọi ở mấy đống công văn, giấy tờ xếp bên cạnh. Đang lục thì có tiếng nói, làm Quản Điều giật bắn người:

- Cậu tìm tờ trình kia phải không? Tớ đã đóng dấu hỏa tốc và kí chuyển lên Cục thi hành án rồi. Xe công văn vừa rời khỏi đây…

Người nói chính là giám đốc trại. Quản Điều hơi thẫn thờ, cố trấn tỉnh lại rồi nói, nửa thật nửa dối:

- Vâng, à… vâng. Tôi định lấy lại để bổ sung thêm một chút…

Giám đốc bảo:

- Không sao, có gì cần bổ sung, cậu cứ về viết thêm tờ trình nữa. Sáng mai tớ cũng có việc phải lên Bộ, sẽ mang nộp trực tiếp. Đó là trách nhiệm của trại…

Quản Điều còn biết nói gì nữa? Chỉ còn nước chào giám đốc rồi trở về vị trí của mình. Buổi sáng hôm ấy vào mở còng cho người tử tù, Quản Điều cảm thấy như có lỗi gì đó, lập cập mãi mới mở được khóa. Ngẩng lên nhìn người tử tù, nét mặt nhà sư vẫn bình thản như không.

Gần trưa hôm đó, một tin dữ bay về trại, chiếc xe văn thư trên đường lên Cục thi hành án, tự dưng bốc cháy giữa đường, may cho lái xe và sĩ quan áp tải lao ra kịp nên không việc gì…

Ngay đầu giờ chiều, giám đốc trại gọi Quản Điều lên, bảo phải soạn gấp tờ trình khác, để sáng mai kịp mang nộp lên trên.

Quản Điều ngồi trong trạm gác, còn đang băn khoăn, chưa biết viết lại tờ trình như thế nào, thì lại một tin dữ nữa ập đến. Giám đốc trại bị đột quỵ trên bàn làm việc, xe cấp cứu phải chở ngay lên bệnh viện…

Bấy nhiêu sự trùng hợp làm Quản Điều bị thuyết phục hoàn toàn. Chiều hôm ấy hết ca trực, Quản Điều xuống chào người tử tù rồi mới ra về. Lần đầu tiên, Quản Điều gọi người ấy bằng Thầy. Nét mặt nhà sư vẫn bình thản, như không hề nhận ra sự thay đổi ấy.

Ai ngờ những sự trùng hợp vẫn chưa dừng ở đó. Có một chuyện mà Quản Điều và cả trại không ai biết. Rằng giám đốc trại không phải bị đột quỵ. Chiều hôm ấy đang ngồi làm việc, bỗng dưng có cơn buồn ngủ ập đến, làm viên giám đốc đổ ập nửa người trên xuống mặt bàn, hai cánh tay duỗi ra, gạt phải con tì hưu vẫn dùng để chặn giấy. Con tì hưu rơi xuống nền nhà, trúng đầu con chó mực đang nằm liu riu. Trong lúc mơ màng, viên giám đốc cứ như thể chứng kiến chuyện xảy ra tiếp theo. Thấy con chó mực giật mình, mắng con tì hưu:

- Mày đạp vào đầu tao, tao sẽ đập vỡ đầu mày làm bảy mảnh…

Con tì hưu một chân trước che mồm “suỵt, suỵt…”, một chân trỏ ngược lên bảo con chó mực:

- Ông chủ đang ngủ gật…

Ý con tì hưu bảo tại ông chủ ngủ gật, nên đã gạt phải nó. Nhưng con chó mực tỏ vẻ không nghe, cứ một mực gầm gừ, nghiến răng lại mà bảo:

- Tí nữa ông chủ thức dậy, tao sẽ đập đầu mày vỡ làm bảy mảnh.

Con tì hưu hãi quá, kêu lên:

- Mồm mày độc lắm, nói ra cái gì thường đúng cái đó. Tí nữa ông chủ thức dậy, đầu tao sẽ vỡ làm bảy phần mất. Vậy tao sẽ ngăn không cho ông chủ thức dậy nữa…

Kết quả mọi người trong trại ngỡ viên giám đốc bị đột qụy, phải cấp tốc chở vào bệnh viện để cấp cứu. Đến bệnh viện rồi, viên giám đốc vẫn li bì.

Tối hôm đó về nhà, vợ Quản Điều bất ngờ hỏi:

- Hôm nay giám đốc của anh bị đột qụy có phải không?

Quản Điều giật nảy mình, hỏi:

- Sao em biết?

Cô vợ nhanh nhảu:

- Khầy em bảo.

Lại ông thầy chùa. Ông ta nghe tin ở đâu thế cơ chứ? Liền hỏi:

- Hôm nay em lại đi chùa à? Sao ông thầy ấy lại biết nhanh thế nhỉ?

Cô vợ nói liến thoắng:

- Tin đồn thì bao giờ chả nhanh hả anh? Nhưng khầy còn nói một việc khác nữa cơ…

- Khầy nói cái gì? – Quản Điều hỏi dồn.

Cô vợ cố tình thủng thẳng:

- Khầy bảo không phải ông giám đốc bị đột qụy đâu. Ông ấy bị giữ mất hồn đấy. Muốn cho ông ấy hồi tỉnh, thì phải lấy đất sét bọc đầu con tì hưu trên bàn làm việc của ông ấy lại…

Giá như trước kia, thì Quản Điều sẽ mắng cho cô vợ một trận, vì cái tội mê tín dị đoan. Nhưng bây giờ thì không dám. Có phải người tử tù kia lại phân thân lần nữa chăng?

Hôm sau đến cơ quan, Quản Điều không nói với ai, cứ lẳng lặng kiếm một ít đất sét, bí mật lên phòng giám đốc trại, bọc đầu con tì hưu lại theo lời dặn của cô vợ.

Tối hôm ấy về nhà, cô vợ lại hớn hở, giọng liến thoắng như một cái máy:

- Hôm nay khầy bảo sẽ có người đứng ra hòa giải chuyện xích mích giữa con tì hưu với con chó mực. Nhưng phải ba ngày nữa, thì giám đốc của anh mới hồi tỉnh được.

Đến lúc này thì trong óc Quản Điều không còn chỗ cho sự nghi ngờ nữa. Ba ngày sau, tin từ bệnh viện báo về, viên giám đốc quả đã tỉnh lại…

Quản Điều nghe tin, lập tức lao lên phòng giám đốc, vừa mở cửa, nhòm lên bàn làm việc, Quản Điều lập tức rợn cả xương sống. Phần đất sét bọc trên đầu con tì hưu đã vỡ tung, đếm được đúng bảy mảnh.

Giám đốc trại thoát khỏi cơn đột quỵ, nhưng không hiểu sao cứ nằng nặc làm đơn xin nghỉ hưu sớm, vì lý do sức khỏe. Cấp trên phải điều người khác về thay. Đợi mấy hôm cho giám đốc mới nắm bắt công việc, Quản Điều mới bắt tay vào việc viết lại tờ trình. Nhưng nội dung không phải đề nghị sớm thi hành án đối với người tử tù nguy hiểm, mà đề nghị bãi bỏ hình thức cùm chân trong phòng biệt giam, vì người tử tù đã “cải tạo tốt” và có ý thức hợp tác…

Từ đó, Quản Điều về nhà không thấy cô vợ đả động gì đến ông “khầy” ở chùa làng nữa. Nhưng cô ta lại khoe chuyện khác, rằng mình có mang, tính ra đúng vào cái ngày có lễ Phật Đản. Quản Điều cũng mừng, thầm mong nó là con giai, vì cả họ đang mong có thằng nối dõi tông đường…

Tất cả mọi sự thay đổi của mình đối với người tử tù Quản Điều giấu kín trong lòng, không hé răng nói ra với ai. Rồi cái “nhiệm kì” một năm cũng đã hết, Quản Điều bàn giao nhiệm vụ cho Quản Đạt. Bấy giờ Quản Điều mới quyết định nói hết mọi chuyện cho Quản Đạt nghe, và căn dặn Quản Đạt hãy vì mình mà đối xử tốt với người tử tù. Quản Đạt chỉ hơi bất ngờ, nhưng rồi cũng nhất nhất vâng lời.

Lúc vĩnh biệt người tử tù, Quản Điều đến trước cửa phòng biệt giam, đứng chào thầy rất cung kính. Nhân đó hỏi:

- Thầy từng nói kiếp trước con là “thiện trí thức” của thầy. Vậy “thiện trí thức” nghĩa là gì vậy?

Người tử tù trả lời ngắn gọn:

- Là người đã khiến ta đi vào con đường thiện, bằng bất cứ lối nào.

Quản Điều cúi đầu ngẫm nghĩ, nhất thời chưa hiểu được ngay. Thì ngẩng đầu lên, bất ngờ nhìn thấy một con xén tóc hoa bé tí, đang bò trên cái sọ bóng loáng của người tử tù. Quản Điều chợt ngộ ra điều gì đó, liên buột mồm nói:

- Vậy kiếp sau, nếu có duyên gặp lại, thì thầy hãy độ cho con nhé?

Người tử tù trả lời, chỉ ba từ, như đã chuẩn bị sẵn từ lâu:

- Tất nhiên rồi.

Quản Điều nghe ba tiếng mà tưởng như vừa được ba viên kim cương, liền thò tay vào túi áo ngực, lấy ra một tấm ảnh đã ép plastic, cầm hai tay đưa tặng người tử tù. Đó là tấm ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát mà Quản Điều đã nói vợ xin từ ngôi chùa làng. Người tử tù im lặng nhận lấy, nhìn Quản Điều bằng ánh mắt đầy từ bi. Quản Điều còn tỏ ra lưu luyến, cố hỏi câu cuối cùng:

- Thầy có còn điều gì dặn con nữa hay không?

Người tử tù vẫn im lặng, chỉ trả lời bằng ánh mắt, vẫn đầy từ bi, rồi từ từ quay lưng lại, bước vào phòng giam. Hình ảnh cuối cùng Quản Điều nhìn thấy, là số tù của thầy, con số 365.

Quản Đạt ghi nhớ sự kí thác của Quản Điều nên chăm sóc người tử tù rất chu đáo, không xảy ra sơ suất gì. Hôm nhận được tin vợ Quản Điều sinh con trai, thằng bé mũm mĩm, nom y hệt tấm ảnh Đức Phật Đản sinh, Quản Đạt cũng đem điều đó thông báo với người tử tù. Đôi mắt người tử tù lấp lánh một niềm vui, song chỉ lóe lên trong chốc lát.

Rồi thời hạn một năm của Quản Đạt cũng kết thúc. Quản Đạt tới chào từ biệt người tử tù trước khi bàn giao cho Quản Giáo mới. Ai ngờ không chỉ là sự chia tay, mà còn kèm theo một tin dữ. Quản Điều vừa mới bị tai nạn giao thông, trên đường phóng xe tới trại. Và đã không qua khỏi.

Người tử tù nghe tin, vẫn tỏ ra bình thản, chỉ đưa tay lên ngực niệm câu: “Adidaphat” rồi thong thả quay lưng lại. Lần đầu tiên Quản Đạt giật mình khi nhìn thấy con số quen thuộc trên lưng người tử tù. Tính từ ngày Quản Điều bàn giao cho mình, tới hôm nay vừa đúng 365 ngày.

Nhưng quản giáo mới cũng không cần phải đợi hết “nhiệm kì”. Mấy tháng sau người tử tù được phóng thích. Lý do gì thì không ai biết được, và cũng không cần thiết phải phỏng đoán…

Bốn mươi năm sau…

Khu trại giam đã trở thành một phần của Tổ đình Tam Túc. Trên núi dưới hồ, tòa ngang dãy dọc, phong cảnh lộng lẫy, bề thế như bồng lai phim ảnh, hàng năm đón không biết bao nhiêu đoàn người lũ lượt hành hương. Quản Đạt lúc này về hưu đã lâu, giờ xin vào Tổ Đình làm một chân lao công quét dọn. Hôm ấy quét một đống lá khô vào góc sân, vừa châm lửa đốt thì trong đoàn khách du lịch, có một ông già từ từ tách ra, bước về phía đống lửa.

Đó là một nhà sư già. Quản Đạt ngẩng mặt nhìn lên, giật bắn mình khi nhận ra, đó chính là người tử tù ngày trước…

Quản Đạt vội vàng chạy đi kiếm một hòn đá, phủi sạch rồi đặt xuống cạnh đống lửa, mời nhà sư ngồi.

Hai người truyện trò thân mật, như hai cố nhân tình cờ gặp lại. Bỗng nghe ba tiếng “Cộ, Cộ, Cộ”, Quản Đạt giật mình nhìn xuống. Giữa hai người là một con cóc cộ to bằng vốc tay, có cái cổ lốm đốm phập phồng ở đâu đã nhảy đến ngồi chỗ đó từ lúc nào. Nhà sư cũng chăm chú nhìn con cóc, bất ngờ ngài cất tiếng, y như nói một mình:

- Tất nhiên rồi.

Quản Đạt còn chưa kịp ngạc nhiên, thì lại nghe con cóc kêu lên ba tiếng: “Cộ, Cộ, Cộ”. Thế rồi nó nhổm mình lên, đánh vút một cái, nhảy thẳng vào giữa đống lửa.

Quản Đạt hết sức kinh ngạc, vội vàng tìm que bới đống lửa để cứu con cóc. Nhưng nhà sư đã đưa tay ngăn lại.

Con cóc vẫn ngồi im phăng phắc giữa đống lửa cháy ngùn ngụt, một lát thì thành than. Nhà sư cũng đứng dậy, chia tay Quản Đạt. Trước khi đi ngài còn cầm tay Quản Đạt, dặn hãy đem hòn than, tức xác con cóc ra chôn cẩn thận ở bìa rừng.

Năm sau không thấy nhà sư hành hương ra Tam Túc nữa. Tuy nhiên, ngài đã nhận được tin nhắn của Quản Đạt...

Rằng đúng chỗ chôn xác con cóc năm ngoái, đã mọc lên một bông sen đất.

P.L.V