Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Đất ở dưới chân và biểu tượng ở trên đầu

Nguyễn Hoàng Văn

Chưa bao giờ người Việt máu me với đất như bây giờ, thuận nghịch hai chiều, nghĩa đen và nghĩa bóng: con người máu me với đất và đất khiến con người máu me với nhau. Đất đã làm cha ông chúng ta đổ máu biết bao đời nhưng đó là những giọt máu nóng, cho nước cho nòi, còn ngày hôm nay lại là một thứ máu lạnh tanh để thêm phần mục ruỗng nước non và bại hoại giống nòi. Máu me, hầu như cả xã hội quay cuồng trong cơn sốt với những hình nhân hung tợn hay bắng nhắng, xớn xác khiến tôi, có lúc, lại lẩn thẩn ước ao rằng giá mà đất cũng như là…. điện ảnh.

Nghĩa là chỉ ước để mà… ước. Hướng đi vô nghĩa của tổ quốc đã phát sinh những điều quái gở nhất cùng những tương đồng dị thường nhất, thí dụ như đất có thể đồng đẳng với… dân chủ thế nhưng đất không thể nào là điện ảnh. Không thể mà tôi vẫn cố là bởi nhà văn Nguyễn Tuân, sau chuyến đi Hương Cảng đóng phim năm 1938, kể lại trong tùy bút Ấn tín người con hát tỉnh Việt. Đến chỉ để đóng một cuốn phim chẳng mấy tiếng vang mà lại thủ một vai vô danh, chỉ xuất hiện thoáng qua, nhà văn này lại lên giọng khinh bạc, cho rằng muốn phê bình nền điện ảnh Hương Cảng thì đừng mong vào sự công bằng mà phải “tỏ lòng từ thiện”: [1]

“Người Tàu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa […] Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám. Ở Hương Cảng, khi người ta vô nghệ, muốn được len lỏi vào xã hội kinh doanh, họ để danh thiếp là nhà làm phim ảnh, nhà dàn cảnh chớp bóng. Ở bên ấy người ta lạm dụng cái tên chớp bóng, in hệt ở bên xứ mình, cái thế hệ mình lạm dụng cái nghề làm báo và viết văn.” [2]

Hẳn nhiên, Hương Cảng đã nức tiếng từ lâu với một nền điện ảnh giải trí lổn nhổn những vai hiệp khách, xã hội đen hay chàng nàng sướt mướt nhưng, kể ra, Nguyễn Tuân đã không thọ đủ để thưởng thức một kiệt tác như In the Mood of Love. [3] Mà khoan nói đến chuyện nghệ thuật thấp cao, chỉ khía cạnh kinh tế thôi, nếu “đất” của chúng ta cũng như là điện ảnh thì, biết đâu, cái đội ngũ “chớp đất” xớn xác kia sẽ tạo nên một “kỹ nghệ đất” phồn thịnh, làm đất nước giàu có như thể cái nghề “chớp bóng” đầy cảnh xớn xác đã góp phần làm nên sự phồn hoa của Hương Cảng?

Nhưng, như đã nói, đất không thể là phim cũng như điện ảnh Hương Cảng, theo cái nhìn của Nguyễn Tuân, không có gì là thơ mộng và sinh khí. Còn đất của chúng ta thì từng khác thế, từng hoàn toàn ngược lại, như hai câu thơ về đất được rất nhiều người viện dẫn: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

Đất, trong thơ của Chế Lan Viên, chỉ hai câu này thôi, nói theo chữ của Nguyễn Tuân, vô cùng “thơ mộng” và “sinh khí” nhưng, nói thực, để cảm được thế, tôi đã phải gồng lên với hai cuộc ly khai. Tôi tách tác phẩm khỏi tác giả, buộc mình không nghĩ đến những chuyện sấp ngửa của một nhà thơ không biết đâu là mặt thật “Anh là tháp Bayon bốn mặt / Giấu đi ba, còn lại đấy là anh / Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc / Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình” (Tháp Bayon bốn mặt) mà, xét ra, trên khía cạnh cảm thụ văn chương, cũng chẳng có gì sai bởi, để thưởng thức, chúng ta chỉ cần đến tác phẩm thôi, còn tác giả như thế nào thì lại là chuyện khác. Nhưng tôi lại không đúng mấy khi bóc hai câu ấy ra khỏi bài thơ, Tiếng hát con tàu, viết để kêu gọi người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới vào cuối thập niên 1950: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc / Khi lòng ta đã hoá những con tàu /Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát / Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

Tôi vẫn bóc dẫu biết là sai bởi ý niệm “kinh tế mới” sẽ làm tan biến những khía cạnh “thơ mộng” hay “sinh khí” ấy. Thơ mộng sao được khi nó gợi nhắc hình ảnh những gia đình đói rách trốn chạy khỏi các vùng kinh tế mới, sống vạ vật, nheo nhóc ở vỉa hè, góc chợ? “Sinh khí” sao được khi nó gợi nhắc hình ảnh người bạn xác xơ của nhà thơ Trần Vàng Sao: “bạn bè có đứa giàu đứa nghèo/ đứa ngụy đứa cách mạng / đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết / đứa không có được một cái áo lành / đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm / trở về xách một cái bị lát / mặt cắt không có một hột máu” (Người đàn ông 43 tuổi nói về mình). Đây là cuối thập niên 1970 và thử tưởng tượng cái khung cảnh tối tăm hơn, hoàn toàn không có lối về những hai thập niên trước đó ở vùng Tây Bắc tù mù?

Để cảm được cái tình của đất, tôi phải trục xuất hai câu thơ ra khỏi bài thơ nhưng xem ra vẫn còn dễ thở. Bây giờ, trong cái khí quyển máu me hay bắng nhắng của đất này mà muốn cảm được cái tình ấy thì có lẽ chúng ta phải cho câu thơ vượt biên ra khỏi lãnh thổ, nghĩa là chối bỏ tổ quốc của mình. Phải thế thôi bởi cả xã hội đang máu me và đoạn văn khinh bạc của Nguyễn Tuân trở nên đắc địa như thể là viết sẵn cho ngày hôm nay, viết sẵn cho đất nước chứ không phải riêng cho nền điện ảnh gần một thế kỷ trước ở một thuộc địa của Anh. Một khung cảnh “sinh khí - thơ mộng” đến đâu đi nữa cũng chỉ đơn thuần là một đơn vị đất chỉ để sang tay kiếm lời hay một cơ hội tư túi sau những đường vòng, lắt léo, đầy những tình tiết hình sự. Mà khi “vô nghệ”, không có khả năng nào trong xã hội, người ta cũng có thể xớn xác như những kẻ từng lăng xăng bên cái máy quay phim ở Hương Cảng, ưỡn ngực với đời như những nhà “chớp đất”.

Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ”, bậc chính nhân nghĩ về đức còn kẻ tiểu nhân thì chăm chăm nghĩ tới đất, Khổng Tử đã viết thế trong Luận ngữ, chương Lý nhân, còn bây giờ thì người Việt đang thực hành điều đó, ngày ngày. Thán phục sự thành công của ai đó, hiếm khi nghe được ý nghĩa tích đức hay đóng góp cho đời mà, thường, với tần số cao nhất, là những âm thanh xuýt xoa về nấc thang quyền lực và những diện tích mênh mông đã thu vén và đây, phải chăng, là cái thời mà kẻ tiểu nhân đã lên ngôi, ngự trị?

Đất, như một đề tài, đang ngập ngụa cả xã hội. Trong mười cuộc chuyện trò thì, qua kinh nghiệm giao tiếp của riêng tôi, hơn chín đã dây dưa đến đất. Mà đất lại là thủ phạm làm hư hỏng những đại biểu ưu tú nhất của “giai cấp tiền phong”; từ viên tướng với trách nhiệm cao nhất trên biển cả đến những lãnh chúa của mỗi tỉnh thành, rồi những quan chức đầu gà hay đuôi tôm: hết thảy, có thân bại danh liệt thì cũng bại liệt vì đất bởi, bất cứ thứ gì rơi vào tay bọn này, từ những vị trí mang ý nghĩa chiến lược quốc gia cho đến chút “thổ phần bò xéo cuối thôn”, nói theo chữ của Phùng Cung, đều trở thành một cơ hội kiếm ăn. Như thế, nếu người Tàu, theo Nguyễn Tuân, là một bọn “giặc” trong “nghệ thuật nhựa” thì đây có phải là một đám “giặc đất”?

Đất đang là “nền” kinh tế hàng đầu. Chính đất – chứ không phải là những sản phẩm hay dịch vụ sinh lợi để phục vụ cũng con người và xã hội – hằng chiếm vị trí số hàng đầu trong mục hạng đầu tư. Có thành công vượt bực thì, những tài phiệt hàng đầu của quốc gia cũng vụt lên như những tên giặc đất, làm giàu từ trò đầu cơ đất đai. Nhưng khi đất lên ngôi như thế thì đất nước đã thụt lùi rất sâu, về tận thời bộ lạc.

Đó là cái thời con người chỉ biết sống bám vào đất. Bám vào đất để sống thì, có xung đột, họ cũng chỉ xung đột vì đất, là những khoảnh rừng để hái quả hay săn bắt muông thú. Có vậy nên Samuel Phillips Huntington mới xem đất là xuất phát điểm cho mô hình tiến hóa của chiến tranh: chiến tranh nổ ra đầu tiên như là xung đột giữa các bộ lạc, rồi giữa các lãnh chúa, giữa các ông vua, giữa các quốc gia, giữa các ý thức hệ và rồi là giữa các nền văn minh. [4] Như thế, trong cái nhìn này, lịch sử của chúng ta đang quay ngược chiều kim đồng hồ khi mà, sau cuộc nội chiến nhuốm màu ý thức hệ, chúng ta lại chờ chực để quay về với cuộc nội chiến vì đất.

Đất nước, không cường điệu chút nào, đang thể hiện những tín hiệu của một cuộc nội chiến như thế dù đang hòa bình. Người Việt lấy máu người Việt thì thời bình nào cũng có nhưng những bản án hình sự này chỉ là những va chạm cá nhân mà, thường, chỉ là sự bột phát và nóng nảy nhất thời với muôn vàn cớ sự khác nhau. Nhưng khi người Việt làm người Việt đổ máu một cách lạnh lùng, có bài bản, có tổ chức, và giết vì một lý do nhất quán là đất, cái sự giết nhau này phải khác.

Đất đang làm người Việt lạnh máu. Máu phải cực kỳ lạnh nên mới có vụ đổ máu lớp lang và tàn nhẫn như ở Đồng Tâm, ngay sát thủ đô. Mà máu phải cực kỳ tanh thì tộc họ, anh em ruột hay cha mẹ và con cái mới lao vào giết nhau, bằng dao, bằng búa, bằng hỏa công, bằng thuốc nổ hay bằng thuốc độc, lớp này đến lớp khác. Khi ở đâu cũng thấy cảnh giết nhau và hại nhau vì đất, chính quyền với những gia đình hay cá nhân hay giữa những gia đình và giữa những cá nhân, vấn đề không hề vớ vẩn như những tin hình sự mà là một cuộc khủng hoảng quốc gia.

Cuộc khủng hoảng này ắt phải phát sinh từ tình trạng chẳng còn có gì để bấu víu ngoài đất. Kinh tế học nói đến “value-added”, tức “trị giá gia tăng”, theo đó thì để gọi là phát triển thì một nền kinh tế phải biết cách nâng cao giá trị cho những sản phẩm của mình, đơn giản như quặng mỏ moi lên từ lòng đất phải tinh luyện đến mức tận cùng, phải chế biến thành những sản phẩm hoàn chỉnh như sắt thép thành phẩm, công cụ hay phân bón, v.v. chứ không thể đưa vào thị trường nhưng là nguyên liệu thô hay sơ chế qua loa. Như thế, khi lùi về với đất, chúng ta đã lùi về với mô thức kinh tế sơ khai nhất hạng, với món hàng nguyên thủy nhất hạng.

Nói vậy thì hơi quá nhưng, nhìn xem, nếu không tính đến bắp thịt, cái nguồn nhân lực vẫn đều đặn “xuất khẩu” ra ngoài để làm cu li hay ở đợ, thì đất nước có gì đáng giá hơn để bán, để làm của hay để đầu tư? Sự phát triển gọi là “ngoạn mục” của Đà Nẵng, một thành phố từng được đội lên đầu cái vương miện “đáng sống”, thực chất, chỉ là sự tô son trát phấn từ tiền bán đất cho ngoại quốc mà hậu quả là những vị trí chiến lược đã rơi gần hết vào tay Trung Quốc. Trong cái không khí máu me và bắng nhắng này thì người ta rất dễ quên, cả những bài học lịch sử đau đớn nhất hay gần nhất. Quên rằng khi đến Việt Nam để trực tiếp tham chiến, quân đội Mỹ cũng đã đổ bộ vào Đà Nẵng trước tiên. Quên rằng khi xâm lăng Việt Nam, người Pháp cũng tấn công vào Đà Nẵng đầu tiên.

Đến rồi đi thực dân Pháp đã để lại nhiều dấu vết trong đó có một dấu vết sống sượng mà, mãi tới nay, vẫn chưa ai tinh ý hay bạo dạn nêu ra là cái… mũ cối. Người Pháp đến mang theo nhiều thứ mới lạ và, trước khi bó tay, phải đồng hóa vào tiếng mẹ dựa trên phát tiếng Tây bồi như xà bông, ô tô, sốp phơ, v.v. cha ông chúng ta đã cố thu nạp những cái mới ấy bằng ngôn ngữ tượng hình, chẳng hạn cái khui rượu với khoanh thép cứng hình lò xo đã từng là cái “cặc vịt”. [5] Tương tự dụng cụ giống như cơ quan sinh dục giống gia cầm quen thuộc này thì cái mũ ấy, dẫu chính thức mang tên là “mũ thực dân”, colonial hat hay chapeau colonial, lại, trong con mắt của cha ông ta, chỉ đơn giản là cái… cối. Nhưng chính cái mũ hình cối này từng bị nhân loại xem là biểu tượng của chủ nghĩa thực thực dân như ở ngay cái tên của nó để, với không ít nạn nhân, vẫn còn là biểu tượng của sự xâm lược, đàn áp và bóc lộc. Có vậy nên mới có chuyện bà Melania Trump, nguyên đệ nhất phu nhân Mỹ, gây tranh cãi ồn ào chỉ vì cái mũ đội đầu trong chuyến đi ngoạn rừng ngắn ngủi ở Kenya vào năm 2018. [6]

Có theo dõi những thông tin như thế chúng ta mới thấy lạ. Lạ vì những kẻ vẫn hiu hiu tự đắc về kỳ tích đánh đổ thực dân lại chọn ngay cái biểu tượng của sự xâm lược và bóc lột của thực dân làm cái đội đầu chính thức cho mình. Nhưng sẽ không có gì lạ khi những kẻ đặt biểu tượng thực dân trên đầu lại, trong tâm địa và trong hành động, không xa lạ gì mấy với những thủ đoạn thực dân mà, thậm chí, có khi còn tệ hơn.

Thực dân là kẻ cậy mạnh đi cướp đất của những dân tộc yếu hơn mình. Ở đời muôn sự của chung / Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”, đó là thời của luật rừng, cái thời mà nhân loại vẫn chưa hình thành được một lề luật hay quy tắc ứng xử chung nên, muôn sự, bên ngoài biên giới quốc gia của chúng, đều là “của chung” để, từ cái thế của kẻ có súng, những tên ăn cướp này lại vươn tới vị thế của kẻ làm luật. Mà những kẻ đang đặt cái biểu tượng thực dân trên đầu mình cũng vậy. Cũng cậy vào thế của người có súng, cũng dựa vào thế của người làm luật, chỉ khác ở một điều là gà què ăn quẩn cối xay. Thực dân xưa có đi cướp đất, chúng cũng cướp của dân tộc khác còn những bọn này thì cướp của chính đồng bào mình dựa vào sự mập mờ của ý niệm “sở hữu toàn dân”. Chính trong cái trò ăn cướp này thì đất, theo tam đoạn luận của Aristotle, cũng chẳng khác gì “dân chủ”. Đất đã thuộc về quyền “sở hữu toàn dân” thì có nghĩa là đất đã được “tập trung”. Đất, từ đây, đã đồng đẳng với “dân chủ”, qua mô thức “dân chủ tập trung”.

Hành xử y như thực dân ngay tại tổ quốc của mình thì nên gọi là gì? Là “nội thực dân”, hay, theo đuôi những nhà kinh tế học, là “neoclassical colonialists”, tức “thực dân tân cổ điển”? Và nếu gọi đó là “nội thực dân” thì, khi xâm chiếm Trung Hoa vào giữa thế kỷ 17 rồi tự xem mình là người Trung Hoa, người Mãn Chân có phải là “nội thực dân”? Mối quan hệ, xem ra, vẫn khác, cả hình lẫn chất.

Khi xâm chiếm Trung Hoa người Mãn đã tự đồng hóa và hòa nhập vào nền văn hóa mà họ hiểu là giàu có hơn mình nhưng lại cương quyết giữ chặt cái biểu tượng sắc tộc ở trên đầu; mà không chỉ giữ vững cái đầu tóc nửa trọc nửa đuôi sam, họ còn dùng hình pháp để bắt buộc người Trung Hoa phải tuân theo phong tục ấy. Hấp thụ tinh túy của văn hóa Trung Hoa nhưng giữ chặt biểu tượng cụ thể ở mái tóc của mình, họ đã lập nên nhà Thanh rồi trị vì và mở rộng thêm đế quốc Trung Hoa gần bốn thế kỷ, trong đó có những thời kỳ cường thịnh như thời Khang Hy. Những nội thực dân của chúng ta thì khác. Trong khi giữ chặt biểu tượng cụ thể ở cái đội đầu mà thực dân Pháp mang sang, họ lại khăng khăng chối bỏ những tinh hoa văn hóa của dân tộc này tỷ như những ý niệm bình đẳng, dân quyền, v.v. để đất nước mỗi ngày một lụn bại.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng thổ lộ rằng ông biết ơn nền giáo dục Pháp bởi chính nhờ nó mà ông, dù học chưa hết trung học, vẫn có thể tiếp tục tự học suốt đời để vươn lên trong hành trình trí thức. [7] Hệ thống giáo dục đó, dĩ nhiên, là guồng máy giáo dục thực dân, hình thành để đào tạo một tầng lớp tay sai phục vụ guồng máy cai trị thuộc địa. Tay sai thì phải học để cùn nhụt ý chí phản kháng và xem tình trạng bị ăn cướp và bóc lột của mình là… bình thường. Tay sai thì phải học để thần phục sức mạnh và công lao “khai hóa” của mẫu quốc. Nghĩa là chỉ học để tin theo và vâng lời, tuyệt đối không học để thức tỉnh và phê phán. Thế nhưng bản chất thực dân này lại không vượt qua những giá trị khai phóng của văn hóa Pháp nên nền giáo dục đó mới có thể ươm mầm cho một tầng lớp tinh hoa, những trí thức lỗi lạc của dân tộc, và khiến cho những cựu học trò như Nguyên Ngọc phải tỏ lòng biết ơn. [8]

Mỉa mai thay, cái bất đẳng thức đáng kỳ vọng này đã quay ngược với những nội thực dân khi “bản chất thực dân” lại đè bẹp những tinh hoa văn hóa với tinh thần khai phóng. Thực dân cổ điển hay tân cổ điển, tên khác là nội thực dân, đã là thực dân thì lúc nào cũng nơm nớp cảnh giác nhắm vô hiệu hóa sức đề kháng của nạn nhân và hợp thức hóa hành vi ăn cướp của mình. Có như thế thì hệ thống nhà tù và bộ máy đàn áp của nhà nước “độc lập tự do” mới bị mang ra bỉ thử, chê bai so với thời thực dân. [9] Có như thế thì những nhà văn hằng đóng góp tâm huyết cho một chính nhà nước ấy lại, oái ăm thay, mơ ước được viết trong chế độ kiểm duyệt của thực dân. [10] Và có như thế thì nền giáo dục với dụng tâm đào tạo những thế hệ học sinh chỉ biết vâng lời và tin theo chứ không biết thức tỉnh và phê phán luôn luôn tuột dốc trong khủng hoảng.

Và đó là lý do khiến đất nước tụt hậu, thua xa những nước lớn đã đành, còn thua cả những cựu láng giềng từng yếu kém hơn mình.

Cha ông chúng ta cũng đã trải qua những ngày cực kỳ đen tối nhưng, cơ hồ, đất nước chưa bao giờ đối mặt với tình thế như ngày hôm nay khi, trong một tình trạng tuột dốc như thế mà phải đương đầu với một thứ thực dân đang lên. Đó là thực dân Đại Hán, thứ thực dân… cực cổ điển, cổ điển hơn cả thực dân Pháp bởi từng đô hộ dân tộc ta suốt cả ngàn năm và trước cả gần hai thiên niên kỷ. Nhưng nếu thực dân Pháp chỉ là sản phẩm của Cách mạng Kỹ nghệ thứ nhất vào thế kỷ 17 với cái máy hơi nước thì thứ thực dân cổ xưa này lại trang bị với sức mạnh của những kỹ thuật mới nhất của thế kỷ 21, từ cuộc cách mạng tin học, sinh học và không gian. Nọc của giống ong vò vẽ không thể nào địch nổi nọc độc của rắn hổ chúa và thứ thực dân gà què ăn quẩn cối xay có thể nào “dĩ độc trị độc” với thứ thực dân xưa nhất và cũng là mạnh nhất?

Để đương đầu với gã thực dân hung hăng đang lăm le khẩu súng lớn trong tay với ý đồ tước đoạt chủ quyền của mình thì không thể tiếp tục cái trò tương tự, ghìm chặt cây súng bé trong tay và liên tiếp tước đoạt chủ quyền của nhân dân trên mảnh đất hương hỏa hay cả đời tích góp của họ, dựa trên cái khái niệm “sở hữu toàn dân” mù mờ. Để đương đầu với nó thì phải tự cường, nghĩa là phải đoạn tuyệt cái bản chất thực dân trong cách đối xử với nhân dân mình, trong cách giáo dục thế hệ trẻ của mình, cái lối giáo dục chỉ để đào tạo những lớp người chỉ biết tin theo và vâng lời chứ không biết thức tỉnh hay phê phán, và dạy để thấy những sự thể ngang trái và bất công là… bình thường.

Nhưng thế vẫn chưa đủ, mà còn phải nương tựa vào cộng đồng quốc tế với trật tự dựa tên một lề luật chung và do đó, phải thế hiện những trách nhiệm quốc tế của một thành viên tôn trọng lề luật và trật tự.

Tháng Tám năm 2008, khi nói chuyện hơn 3000 sinh viên Đại học Bắc Kinh trong vai trò Thủ tướng Úc, ông Kevin Rudd đã nhấn mạnh với những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước này rằng trong mai hậu chính họ sẽ chịu trách nhiệm “xác định thế cách mà thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc”, rằng trọng trách của họ là hãy đưa đất nước mình trở thành “công dân toàn cầu có trách nhiệm” bởi cộng đồng thế giới đang mong đợi sự “tham dự đầy đủ” của Trung Quốc trong “toàn bộ cơ chế của trật tự toàn cầu đặt trên nền tảng luật lệ”. [11]

Ông Rudd nói thế, hay mong mỏi thế, vì ông thừa biết rằng còn lâu Trung Quốc mới trở thành một “thành viên trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế. Vấn đề đặt ra ở đây là những nội thực dân của chúng ta. Để ứng phó với một cường quốc vô trách nhiệm như Trung Quốc thì họ không thể vô trách nhiệm như là thành viên hạng bét của thế giới. Để vận dụng được sự ủng hộ cao nhất của cộng đồng thế giới thì họ phải làm thế nào đó để “thay đổi cách nhìn của thế giới” về mình. Họ phải thể hiện trách nhiệm của mình với thế giới mà, để làm đuợc như thế thì, trước hết, phải dứt bỏ cái bản chất thực dân, phải thể hiện trách nhiệm với chính đất nước và nhân dân của mình.

Đất nước cần phải khai sáng và bất cứ một hành trình khai sáng nào cũng bắt đầu bằng một hành động đập phá hay dứt bỏ mang tính biểu tượng. Vụ tấn công pháo đài Bastille, nơi chuyên giam giữ tù nhân chính trị, vào ngày 14 tháng Bảy năm 1789 không chỉ khơi mào cho cuộc Cách mạng Dân quyền Pháp mà còn là sự khơi mào cho kỷ nguyên hiện đại của cả nhân loại. Vụ đập đổ Bức tường Berlin ngày 9 tháng Mười Một năm 1989 đã, theo nhiều sử gia, không chỉ kết thúc thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà còn mở ra kỷ nguyên Hậu Hiện đại. Và, gần hơn, về mặt địa lý, là cuộc Cách mạng Tân Hợi kết thúc mấy thế kỷ cai trị của nhà Mãn Thanh vào tháng 10 năm 1911, khi người Trung Hoa hè nhau chặt bỏ cái đuôi sam như một hành động dứt khoát mang tính biểu tượng.

Năm 1908, trước người Trung Hoa những ba năm, những trí thức Duy Tân của Việt Nam mà đứng đầu là Phan Châu Trinh đã có hành động mang tính biểu tượng tương tự qua việc hô hào và cả cưỡng bức để dứt bỏ cái búi tóc sau ót như là sự đoạn tuyệt với cái cũ nhưng phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Không ai đặt chữ “nếu” cho lịch sử nhưng nếu như cuộc vận động Duy Tân ấy thành tựu, cả dân tộc đồng lòng với con đường khai dân trí và bất bạo động, có lẽ số phận của đất nước đã khác, đã không bị mài mòn cả tài nguyên lẫn ý chí sau những vòng xoáy lẩn quẩn của xung đột, của huynh đệ tương tàn rồi đi dần đến sự yếu hèn và tình trạng khủng hoảng chưa có lối thoát hôm nay.

Cái mà dân tộc cần phải dứt khoát chính là tình trạng “nội thực dân”, thể hiện ở mưu toan đè nén ý chí người dân của nhà cai trị và sự bào mòn ý chí của người bị trị. Mà để thế thì phải là dứt khoát với ngay cái biểu tượng đang chễm chệ trên đầu. Phải vứt nó xuống chân, đạp cho bẹp dí, đá nó văng xa như một thức rác rưởi của thời đại, và của lịch sử.

Sydney, 3.6.2023

Chú thích

1. Trong hồi ký Cát bụi chân ai (NXB Hội Nhà văn 2013, tr. 139), Tô Hoài kể chuyện sau khi bỏ về Bắc Giang một thời gian, Nguyên Hồng nhận điện khẩn của Hội Nhà văn mời xuống công tác. Lúc đó Hội Nhà văn Đông Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 chiếc xe đạp Diamant, “công tác” của Nguyên Hồng là đóng kịch nhận xe cho truyền hình Đức quay phim, sau đó trả lại xe để nhà nước đưa tất cả vào kho thương nghiệp. Nghe chuyện này, Nguyễn Tuân mắng: “Đóng trò xong rồi, dắt mẹ nó cái xe ấy đi, đứa nào làm gì được!” nhưng Nguyên Hồng chỉ cười, vuốt râu, đánh trống lảng: “Tớ lên phim còn nhiều phút hơn cái thằng phiên me vô danh trong Cánh đồng ma đấy”.

2. Tùy bút Ấn tín người con hát tỉnh Việt, trong Một chuyến đi, 1941, Tân Dân, tr. 176.

3. Tên gốc tiếng Hoa là Hoa dạng niên hoa (花樣年華). Phim ra mắt năm 2000, có sự hợp tác của người Pháp. Đạo diễn và tác giả kịch bản là Vương Gia Vệ (Wong Kar-wai). Tài tử chính là Lương Triều Vĩ (Tony Leung) và Trương Mạn Ngọc (Maggie Cheung). Phim diễn tả quan hệ giữa hai người mà vợ và chồng của họ ngoại tình với nhau.

Phim được giải Palme d'Or tại Cannes Film Festival năm 2000 và Lương Triều Vĩ trở thành tài tử Hương Cảng đầu tiên được giải Best Actor. Được bình chọn là phim đứng đầu danh sách 15 phim hay nhất mọi thời đại của vùng Đông Á; cuộc khảo sát của BBC năm 2016 ghi nhận ý kiến 177 nhà phê bình, cho rằng đây là phim hay thứ hai của thế kỷ 21.

4. Samuel Phillips Huntington (1997), The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Simon & Schuter, Sydney.

Đầu tiên là tiểu luận The Clash of Civilizations đăng trên Foreign Affairs Autumn 1993, gây nên nhiều tranh cãi dữ dội. Ba năm sau tác giả mở rộng vấn đề trong cuốn sách này.

5. Lê Văn Đức (1970), Việt-Nam tự-điển, NXB Khai Trí, Sài Gòn.

“Cặc vịt dt. Vật dùng khui rượu, rút nút ra khỏi ve (tire-bouchon).

6. “Melania Trump criticised for wearing colonial-style hat during Kenyan safari”

https://www.theguardian.com/world/2018/oct/05/melania-trump-in-pith-helmet-on-kenya-safari-likened-to-colonialist

7. “Tôi, cũng như hầu hết bạn bè lớp chúng tôi, do điều kiện chiến tranh, đều chưa học xong cấp tú tài, tức chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Vậy mà nền giáo dục tôi nhận được một cách dở dang thời ấy đã cho phép tôi cố gắng tiếp tục tự học suốt đời, cho đến tận hôm nay. Tôi biết ơn nền giáo dục ấy.”

https://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/phong-van-%EF%BB%BFnh-van-nguyn-ngoc-van-chuong-ve-de-ti-chien-tranh-tr-nho-cua-ngn-tu-v-su-doc-don-cua-van-hoc-su-thi/

8. “Những người ưu tú nhất trong số đó (trí thức Việt Nam) đã vượt lên, tận dụng ngay được bản chất ưu việt của nền văn hóa Pháp dầu nó được thực dân truyền bá với những mục đích khác, tự làm giàu cho mình và cho đất nước... Theo một cách nào đó thậm chí có thể nói chính nền văn hóa Pháp với những tư tưởng chói lọi của nó đã từng góp phần tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng hiện đại Việt Nam. Trí thức Nga thì khác, phần lớn họ không đi với cách mạng, nhưng mặt khác họ là trí thức lớn của một quốc gia độc lập lâu đời, có phẩm tính trí thức lớn. Yêu nước nhưng nhỏ bé, tư cách trí thức không cao là đặc điểm cố hữu của trí thức ta.”

https://nguoidothi.net.vn/nha-van-nguyen-ngoc-ve-tri-thuc-36175.html

9. “Mới đây, tại diễn đàn đại hội các nhà văn khu vực miền Ðông Nam bộ, nhà thơ Xuân Sách bày tỏ một niềm tâm sự dồn nén đã bao năm: “Ông Vũ Trọng Phụng ngày trước lật tẩy cái xã hội thuộc địa phong kiến thối nát quyết liệt đến thế mà tác phẩm vẫn được in, sướng thật, vậy mà ông Nguyễn Vỹ còn bảo là nhà văn An Nam khổ như chó. Bây giờ tôi chỉ mong có chế độ kiểm duyệt chính thức, tôi cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, chỗ nào nhà nước không vừa ý thì cơ quan kiểm duyệt cắt nhưng phải in rõ mở ngoặc đơn chấm chấm chấm, kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm để người đọc biết rằng chỗ này nhà văn viết không vừa ý nhà nước”. (Bài tường thuật đại hội trên báo Văn nghệ ngày 19.03.2005 đã cắt bỏ ý kiến này).

https://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=4257&rb=0102

10. Tưởng tượng rộng hơn, xa hơn, rằng nếu bọn thực dân Pháp khi đó học được người cộng sản thời nay cách cai trị người dân Việt Nam, thì liệu cuộc cách mạng của ông cùng các đồng chí có thành công hay không? Rồi lại có câu hỏi ở góc độ khác, là liệu có phải nay người cộng sản còn giữ được chính quyền là vì đã rút được bài học xương máu của bọn thực dân, bị cướp mất chính quyền phần nào đó là do đã trao cho dân Việt quá nhiều quyền tự do (nào là báo chí tư nhân, luận bàn chính trị, hội họp, biểu tình, đình công, lập ra các loại hội đoàn, …)?

“Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.2)”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/poliitc-prisoners-colonial-communist-2-12292022151840.html

11. http://www.theaustralian.com.au/news/kevin-rudds-speech-at-beijing-uni/story-e6frg6n6-1111116015758