Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Chuyện nay muốn kể lại nhân 30/4

Nhà báo Quốc Phong

Vì sao đã gần năm chục năm, đất nước ta vẫn chưa hàn gắn xong “vết thương lòng” để hoà giải và hoà hợp dân tộc?

Sự khác biệt về ý thức hệ có ở nhiều gia đình do đất nước ta từng có hai chế độ trong suốt 21 năm. Vì vậy, đó cũng là một hệ quả tất yếu.

Quê tôi ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Ngôi làng này vốn có truyền thống khoa bảng. Ở mọi thời kỳ lịch sử, làng tôi đều có nhiều người tham gia và có chức sắc trong triều chính. Đất đai thì chật chội, ruộng ít. Ấy thế nhưng khi Cải cách ruộng đất thì xóm nào cũng có cả chục địa chủ bị quy. Được biết, ngày đó làng tôi có đến 178 địa chủ thì đủ hiểu nó như thế nào. Tôi thì chịu, không hình dung nổi. Nhiều người làng tôi, do nỗi khiếp đảm vì bị đấu tố oan mà đã di cư cũng là vậy...

Đến khi đất nước chia làm hai miền, làng tôi có cả vài trăm gia đình di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài sinh sống một phần vì thế. Họ đều trưởng thành và cũng không khác gì nhau mấy. Vì thế, trong mỗi gia đình, trong mỗi con người đều có những mối quan hệ đan xen và có sự khác biệt về ý thức hệ, âu cũng là đương nhiên.

Số người ở miền Bắc tại làng tôi, họ được học hành và trưởng thành. Đến nay có gần 200 giáo sư, tiến sĩ (riêng GS và PGS cũng có khoảng gần tám chục người).

Làng tôi cũng có đến 7-8 vị từng giữ trọng trách từ cấp bộ trưởng và tương đương cho đến cỡ Phó Chủ tịch Quốc hội và cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng có.

Làng tôi có những thời điểm cả hai cơ quan khoa học lớn nhất nước (nay gọi là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Việt Nam) cũng do người trong làng tôi đứng đầu.

Làng tôi còn có hơn chục vị tướng lĩnh nhưng hầu hết là tướng làm khoa học, y học.

Trái lại, cũng vẫn trong chính những gia đình đó ở làng tôi, có biết bao người di cư do họ từng chứng kiến tận mắt Cải cách ruộng đất với nhiều nỗi mất mát, đau xót để rồi đành phải ra đi, sống trong chế độ Việt Nam Cộng hoà. Tôi biết, số trí thức, quan chức cấp cao, tướng tá trong chính quyền Sài Gòn trước đây cũng không hề ít...

Vì thế, sự mâu thuẫn trong ý thức hệ ngay trong một gia đình là chuyện không thể không xảy ra.

Tôi là người sinh ra ở một gia đình cũng như không ít gia đình Việt Nam trong một đất nước từng chia cắt. Ông nội lại hào hoa, đẹp trai, có tài chữa trị bệnh hiểm nghèo nên ông có hai bà vợ, bà người Bắc, bà người Nam và tất cả là 10 người con ở hai miền.

Vì thương nhớ các con ở hai miền, ông tôi đặt tên cho bốn người con của hai bà đều trùng tên của nhau (hai người con trai cùng tên Đức, hai người con gái cùng tên Mai). Ý là để khi xa cách, mỗi lần gọi ai thì ông tôi cũng sẽ nhớ đến một người con khác đang ở đầu/cuối đất nước.

Thế rồi, một người chú tôi ở ngoài Bắc cũng vô Nam làm thợ chụp ảnh từ 1951. Nhưng đến năm 1954, ông vọt ra Bắc khi hay tin hai miền chia cắt tạm thời hai năm để thực hiện Hiệp định Genève, thống nhất đất nước. Đúng lúc này người yêu của chú tôi có bầu. Biết tin này, ông bà nội tôi tức tốc bắt chú tôi quay lại Sài Gòn ngay để “đồng trách nhiệm” vợ chồng, không được bỏ nhau.

Nào ngờ đâu hiệp định bị phá vỡ và 21 năm sau mới Thống nhất.

Hai người chú tôi sống trong Nam (con của hai bà cùng có tên Đức ấy) sau này cũng không tránh được chuyện bị bắt đi lính.

Vì vậy nên tôi đã mục kích cảnh các cha, chú của mình, là những cán bộ và sỹ quan quân đội Cách mạng từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (ông bà tôi có ba người con trai đi theo cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, được tằng Bảng vàng danh dự và bác cả tôi đã hy sinh từ 1951 khi ông là Đại đội trưởng) nhưng các ông cũng có nỗi đau riêng trong vài chục năm trước kể cả về công danh sự nghiệp.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, họ cũng từng phải tìm vội đến các trại học tập cải tạo thăm các em trai mình đang ở đó. Các chú của tôi ở trong Nam, họ vốn đi lính trong chế độ Việt Nam Cộng hoà do không có điều kiện chạy chọt mãi được.

Các chú tôi, tuy cũng chỉ là anh lính quèn rất bình thường, người thì làm ca sĩ trong ban nhạc “Tướng Sỹ Tượng”, chỉ chuyên đàn hát nhạc dân tộc của Nha Cảnh sát đô thành, người thì làm cảnh sát giữ trật tự một khu chợ trong nội thành. Song, họ cũng đều phải trình diện, học tập và cải tạo như nhiều quân nhân khác.

Rồi, cũng là chuyện trong cái gia đình nhỏ của tôi cũng là cả một chuyện khiến cảnh “hoà hợp” trong tình ruột thịt, không dễ như tôi nghĩ. Đó là chuyện cô tôi, con của bà hai với ông nội tôi. Cô là Phương Mai. Trước ngày miền Nam giải phóng, chỉ vì sợ Cách mạng về sẽ đàn áp mà phải bỏ cả má đẻ, xuống tàu biển ra đi trước ngày 30/4 vài hôm.

Thực ra, gia đình cô tôi làm kinh doanh vận tải biển và nông nghiệp trên Đà Lạt chứ không một ai tham gia chính quyền hay quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hoà.

Đến khi gia đình cô tôi sang Mỹ được vài năm thì gửi thư về nói dối là sang Pháp định cư. Lý do nói dối này là không muốn ông bà tôi phải ảnh hưởng “vì có con di tản đi Mỹ”.

Trong những lá thư cô gửi về, có ý muốn biết ông tôi cuộc sống thế nào và có nhã ý muốn thỉnh thoảng sẽ gửi tiền chu cấp và quà. Cô có gửi được đôi lần thì bỗng dưng bà nội tôi (tức má già của cô) gửi thư sang (vẫn là địa chỉ Pháp) dặn rằng, “kể từ nay gửi thư về thì được nhưng con đừng gửi đồ nữa, mệt mỏi lắm” khiến cô tôi lại hiểu sang một khía cạnh không vui khác, cho rằng má già không muốn cha con cô chắp mối liên lạc. Cô rất tủi thân khi nhận được lá thư đó vì đâu biết rằng, mỗi lần bà nội tôi đi nhận đồ, Công an, Hải quan “quần” cụ cả buổi, tra xét vô cùng căng thẳng xem quan hệ ra sao, trước làm gì? Lý do cũng lại rất vớ vẩn nhưng có lý của nhà chức trách, cô tôi mang họ của mẹ chứ không mang họ cha.

Nhưng vì thư gửi đi nước ngoài sau ngày đất nước thống nhất, người ta vẫn kiểm soát rất chặt cho nên bà tôi không thể kể ra những chi tiết này. Âu thì đành chịu cho cái cảnh hiểu lầm chia rẽ cha con ấy. Cho đến mãi cuối những năm 90, khi cô trở về nước thì ông bà tôi cũng đã ở thế giới nào rồi.

Chỉ đến khi nghe chúng tôi kể rõ lý do vô tình làm cho cô tôi lo lắng, không dám quan hệ vì sợ ảnh hưởng liên luỵ ấy mà ông nội tôi rất đau lòng, âm thầm chịu đựng lúc tuổi già cuối đời...

Vì thế nên tôi càng thấu hiểu hơn ai hết nỗi niềm day dứt này và mong sớm được hàn gắn của chính gia đình mình. Đó cũng chính là khát vọng Hòa giải hòa hợp dân tộc trong mỗi gia đình ở đất nước Việt Nam này trong đó có đại gia đình tôi. Ngày hôm nay là ngày đất nước Thống nhất, chúng ta hãy cần bỏ qua quá khứ và xoá đi hận thù để hướng đến một cuộc sống bình yên và đẹp tươi hơn...

(Viết cách đây tròn hai năm. Nay muốn dán lên tường lại).

——

Tấm hình dưới đây là tôi vô tình được người thân điện cho biết bộ phim tài liệu chiếu trên VTV năm 2005. Phim có hình bà nội tôi và cô ruột tôi (một cô khác lấy chồng di cư năm 1954). Tôi đã phải nhờ đồng nghiệp cóp vào đĩa CD để lưu như một kỷ niệm vô cùng đặc biệt mà có được.

Bộ phim có tên “Việt Nam Thống nhất” của Hãng NHK do một đạo diễn người Nhật Bản thực hiện.

Điều thú vị là bộ phim này đạo diễn lại cho dừng hình ảnh xúc động giữa bà và cô tôi ôm nhau khóc ở chân cầu thang tàu biển Thống nhất chuyến đầu tiên cập cảng Sài Gòn năm 1976 để bắn chữ và giới thiệu cho bộ phim.

Có lẽ đây cũng là khoảnh khắc giá trị mà họ chộp được trong con mắt người làm phim. Qua đó có thể lột tả hết sự chia ly trong nhiều gia đình khi đoàn tụ sung sướng thế nào, khổ đau, cay đắng thế nào.

clip_image002

clip_image004

Bà nội tôi vào Sài Gòn thăm các con năm 1976 trên chuyến tàu biển Thống Nhất

clip_image006

Chuyến tàu biển chở khách mang tên Thống Nhất chạy chuyến đầu tiên

clip_image008

Tấm hình chụp trước năm 1954 để rồi có những người con ông bà tôi vô Nam lập nghiệp. Người thì do người yêu trong Nam đã vướng bầu, người thì theo chồng...

clip_image010

Đại gia đình tôi từ Nam chí Bắc hẹn nhau trở về nguồn cội năm 2022. Đối với gia đình tôi thì đây là cuộc đoàn tụ đầy ý nghĩa vô cùng, là hoà giải và hòa hợp gia đình khi mọi người được vui vẻ bên nhau.

clip_image012

Về từ đường thắp hương cụ Tổ Nguyễn Thiện Sỹ, vị khai khoa của làng Hành Thiện cách đây tròn 500 năm (1523-2023)

clip_image013

Ông nội tôi

Nguồn: FB Quốc Phong