Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên)

CHÂN DUNG 24– Y PHƯƠNG

--------------

HAI LẦN UỐNG RƯỢU…

[Để nhớ nhà thơ YP]

----------

Lâu, rất lâu rồi, dễ chừng hơn ba mươi năm trước

Lần ấy tôi đến nhà ông

Và chúng ta ngồi bên mâm rượu

Đậm chất núi chất rừng

Rượu men lá thoáng qua rất nhẹ

Nhưng uống nửa ngày thì hãy coi chừng…

 

Tôi người xuôi,

Còn ông người đồng rừng

Rất thuần chủng như ông tự nhận

Quê ông, tôi đã từng đến

Đẹp bậc nhất gầm trời Việt

Chữ nghĩa của tôi nghèo nên đành bất lực

Vì nghèo chữ thành ra tôi và ông có nhiều tâm đắc

Người đồng rừng không ham nói

Nói nhiều hóa nhạt suông

 

Nơi ông ở

 

Một phần ba phố thị tỉnh lẻ lôm nhôm

Ba phần tư còn giữ nếp xưa

Nhưng thoáng nhìn tôi đã thấy

Hình như

Chính ông cũng không mấy mặn mà

 

Ông đã đi nhiều nơi

Từ nam ra bắc và hình như cả ngoại quốc

Tất nhiên là bởi ông có tài

Tài thi ca

Điều ấy không ai không thán phục

Những trang thơ của ông đọc qua có phần thô thô mộc mộc

Nhưng không hề nếu đọc vang lên giữa triền núi, giữa lòng thung hay

bên bờ thác nước

Trời!

Ngôn từ tinh khiết

Lạ lùng

Giản dị

Cao quý

Như tâm can người đồng rừng

Đã nói là chân thật

Không ham tu từ không ham vẽ vời không ham chải chuốt

Tinh tế như thổ cẩm hoa văn nhưng rõ ràng mạch lạc

Sắc màu tươi nguyên như sắc hoa sắc cỏ sắc trời sắc núi sắc nước khe

sâu…

Bữa ấy tôi nhớ đã làm ông phật ý

 

Vào lúc chia tay

Tần ngần bên chiếc cổng xây bằng đá thô vững chãi

Tôi khẽ nói đủ để ông nghe

Rồi đây

Ông không về quê đâu

Không về nơi thanh sơn cẩm tú nước biếc gạo trắng thì thụp thanh âm

cối giã bên bờ suối

Ông không về đâu

Ông sẽ không về

Nghe tôi thủ thỉ

Ông quả quyết sẽ về

Lúc ấy tôi nghe và thấy ông nói hơi nhiều

Hình như giống người miền xuôi, hình như hơi giống

 

Năm tháng qua đi

Cái bữa rượu ngày xưa có lẽ ông đã quên, quên hẳn

Cả tôi nữa, ông cũng có thể quên

Giản dị thôi tôi là kẻ vô danh

Vô danh như bao bản làng nơi xa ấy

Năm tháng trôi qua

Ông không trở về và đã thành công dân thành phố

Không sao ông có quyền như thế, không sao

Và thơ ông nhạt dần cũng từ khi ấy

Đọc ông, tôi không buồn

Không làm nhà thơ thì cũng chẳng làm sao

Thỉnh thoảng đọc đâu đó thấy ông than thở

 

Muốn bỏ phố thị, muốn bỏ phố thị về quê xưa đất cũ

Ồi chao!

Kiểu ấy người ta nói trên nghìn năm rồi

Ít nhất đã có trong thơ Giả Đảo

Người ta chỉ nói vậy thôi

Chứ mấy ai dám bỏ

Và theo nhau diễn

Cũ quá rồi

Nên nghe ông than

Tôi chỉ cười

Thói quen của mấy người miền xuôi lắm lời

Ông đã mắc

Cũng không sao căn bệnh trầm kha

Vô số người cũng thế

Và có thể còn nên thơ và rưng rưng nước mắt…

Rồi có một lần

Rất tình cờ tôi trở lại quê ông

Và lại một bữa rượu rộn ràng cùng bầu bạn

Tên ông, tôi lỡ lời nhắc đến

Còn vống lên đó là niềm tự hào…

Kì lạ thay những người bạn của tôi trùng xuống

Không ai nói câu nào

Không ai hưởng ứng

Bữa rượu đang vui trở thành nhạt thếch

Cuối cùng

Một người cũng lên tiếng

 

Sao chúng tôi có thể tự hào

Về người đã bỏ chúng tôi ra đi

Đã bỏ chúng tôi

Đã bỏ chúng tôi

Đã bỏ nguồn thơ tuyệt vời

Đã bỏ…

Sao chúng tôi lại có thể tự hào?

 

Trời. Tôi chỉ biết ngửa mặt than trời!

Người đồng rừng là thế

Rất giản dị

Thế thôi.

 

CHÂN DUNG 33 – HONORÉ DE BALZAC

--------------

 

HONORÉ DE BALZAC

Ông đã mang đến cho văn chương một sức sống diệu kì

Sức sống của Hiện tại

Nhốn nháo, nhộn nhạo, cuồng nhiệt, bừng bừng ước mong, khát vọng,

sôi sục, sục sôi, cuồn cuộn, không nghỉ không ngừng

Tất cả những gì đang xác lập

Thì Hiện tại không chấp nhận

Những èo uột, sướt mướt, não nề

Kể cả những gì có vẻ tôn tốt…

Cõi nhân gian ừ đúng tấn kịch hề…

 

Hậu thế đọc ông choáng váng

Ngôn từ bùng nổ dữ dằn

Ngôn từ cuồn cuộn như thác lũ như bão giông

Ngôn từ ngổn ngang bất chấp khuôn phép

Ngôn từ của cõi nhân gian ồn ào náo nhiệt

Làm vỡ tan những du dương bay bổng lãng mạn rẻ tiền

Làm nản chí những lề thói cũ

Làm sôi giận những quý ông quý bà quý cô quen đọc thơ tình nức nở

Tay ôm ngực run run

 

Hậu thế đọc ông choáng váng

 

Trong tận cùng cảm phục

Đã mỉa mai định danh Tấn - hài - kịch - nhân - gian - văn - chương -

ông - bô

Để có dũng khí vượt qua

Hậu thế đọc ông choáng váng

Còn ông chẳng buồn nghe

Nơi ông nằm

Vẫn bình yên lặng lẽ

Phảng phất hương thơm những bông huệ tinh khôi

Người đàn ông ngây thơ

Một mình làm nên huyền thoại

Ăm ắp những khóc cười./.

 

CHÂN DUNG 34 – K.PAUSTOVSKI

 

--------------

BỖNG NHỚ K.PAUSTOVSKI

Nhẹ nhàng tinh tế sâu đằm

Tinh khiết trắng trong như mối tình đầu và như tuyết

Trầm trầm hiền minh cổ tích

Ngạc nhiên những chuyện đời thường...

 

Ông sống vào thời sắt máu

Văn chươmg tả đột hữu xung

Văn chương như bom như đạn

Văn chương gào thét ầm ầm...

 

Đất trời ngả nghiêng đảo lộn

Văn ông lặng lẽ âm thầm

Những thanh âm đời rất nhỏ

Để cho ai biết lắng nghe

 

Những dòng nước ngọt róc rách

 

Âm thầm chảy trong lòng đất

Một thời chưa xa chưa xa

Một thời chưa xa chưa xa

 

Trời đất! Vô cùng kinh ngạc

Người dịch văn ông. Là người

Nhân sinh chịu bao khổ nạn

Nhưng luôn thấy ông mỉm cười

 

Những kẻ làm bao điều ác

Kết cục cũng vô tăm tích

Kết cục cũng thành hư vô

Cát bụi không còn dấu vết

 

Nhưng kìa!

Văn chương đích thực

Cứ còn trẻ mãi không già

Nụ cười hiền khô còn mãi

Trong bạn trong tôi

Nở hoa.

 

CHÂN DUNG 35 – GIA LONG

--------------

 

VUA GIA LONG

Sẽ là điên rồ khi phủ nhận những công lao của Vị Vua đầu tiên của triều Nguyễn

Đức Vua Gia Long

Danh xưng Gia Long đã nói lên khát vọng của Ngài

Khát vọng thống nhất non sông – Gia Định Thăng Long quy về một mối

Ngài là người đau đáu hướng về Lí Sơn – Hoàng Sa – Trường Sa

 

Những công tích của Ngài và những người kế nghiệp đối với non sông đất nước khiến chúng ta khâm phục

Nhưng dứt khoát không biến thành thiên kiến

Từng đã có dập vùi phủ nhận

Thì đừng để xưng tụng vô lối thế vào…

 

Dù biết ơn Ngài nhưng cũng nên nói cho phải nhẽ

Phải nhẽ thôi cũng thật khó vô cùng…

 

Chuyện Ngài trả thù Nguyễn Tây Sơn theo lối tận diệt

Chuyện hậu duệ Ngài tận diệt Cao tộc

Mãi mãi là dấu ấn thảm khốc

Mãi mãi là vết đen trong bộ hồ sơ lịch sử

Khó có thể biện minh…

 

Thời Nguyễn người Việt ta xưng xưng mọc mọc tự gọi mình là Hoa nhân

Và có ý khinh thường Tranh triều vì phi chính thống

Gia Long – Ngài là người cổ võ nhiệt thành

Cho Tống Nho tái sinh

 

Tống Nho là gì chắc không cần nhắc lại…

Chẳng phải ngẫu nhiên “Nhị thập tứ hiếu” được diễn Nôm

Chẳng phải ngẫu nhiên có “Lục Vân Tiên”

“Trước đèn xem truyện Tây Minh… Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình…”

Chẳng phải ngẫu nhiên văn chương cử tử tái xuất giang hồ

Chẳng phải ngẫu nhiên sau này Tam Nguyên Yên Đổ than thảm thiết

Tiến sĩ giấy, toàn tiến sĩ giấy, đồ thật hóa đồ chơi, sách nát, trẻ ranh…

Không phải tự nhiên có khởi nghĩa Chày Vôi

Những lăng tẩm đồ sộ há không phải là học theo Bắc Quốc

Há chẳng phải là phiên bản Thập tam lăng?

Tầm nhìn của Ngài nằm trọn vẹn trong sự thần phục văn - hóa - gốc Bắc Phương

Tầm nhìn ấy đặt móng nền cho một thời kì lịch sử bi ai vào hạng nhất

Đất nước tự cầm tù trong những giáo điều hủ lậu

Tôi ngờ rằng chính triều đình đã mượn chúng dân truyền bá những câu ca đại loại

“Ta về ta tắm ao ta…”

“Trâu ta ăn cỏ đồng ta…”

Trong khi

 

Nhật Bản cuồn cuộn sóng xô bão nổi Minh Trị Duy Tân

Thì hậu duệ của Ngài ra chiếu cấm đàn bà mặc váy

Hậu duệ của Ngài làm ra thảm họa “Bình Tây sát Tả” thảm khốc vô cùng

Những trung thần kiểu Tôn Thất Thuyết có vẻ lấp ló gương mặt hung thần

Những Bùi Lộ Trạch, những Nguyễn Trường Tộ, những Đặng Huy Trứ,

những Bùi Viện… bơ vơ giữa triều đình tiếng nói chính trực trở thành tiếng kêu trên sa mạc

Đại Nam dù hưng thịnh nhưng là phút lóe sáng cuối cùng…

 

Trách cứ Ngài ư?

Không!

Chẳng cần trách cứ

Lịch sử đã đi qua than trách chẳng ích gì

Lích sử đã đi qua sùng bái cũng chẳng ích gì

Chỉ là nhìn lại

Mà xót thương cho người Việt

Hình như luôn lỡ nhịp

Suốt mấy trăm năm

Luôn lỡ nhịp

 

Bởi tầm nhìn đóng khung

Để rồi

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

 

CHÂN DUNG 36 – GABRIEL GARCIA MÁRQUEZ

--------------

BỖNG DƯNG NHỚ

 

CHUYỆN BUỒN KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC CỦA ERENDIA NGÂY THƠ VÀ

NGƯỜI BÀ BẤT LƯƠNG CỦA GABRIEL GARCIA MÁRQUEZ

 

Một cô gái ngây thơ trong trắng

Nàng không bao giờ hết ngây thơ

Nàng cả tin

Và niềm tin lớn nhất là vào người bà

Máu mủ ruột già

Tin lắm chứ!

Erendia ngây thơ luôn tin rằng

Khi bà đã nói thì đều là những lời chân thành

Như máu thì đỏ

Như mưa thì mát

Như bình minh thì sáng

Erendia ngây thơ

Erendia hồn nhiên và trong sáng…

 

Người bà bất lương

Bất lương khoác áo nhân từ

 

Bất lương giả đò cần chia sẻ

Bất lương đến mức đánh lừa được tất cả

Erendia ngây thơ đã bị lừa

Nàng hồn nhiên mắc bẫy

Nàng hồn nhiên bán mình

Nàng hồn nhiên bán đi sự trinh trắng

Nàng hồn nhiên trở thành vật tế thần

Vị thần mà người bà là đại diện

Thần Tiền

Nàng ngây thơ

Lỗi lầm lớn nhất của nàng…

Một lỗi lầm không còn cơ hội sửa chữa…

 

Gabriel Garcia Márquez đã không ngần ngại

Chỉ ra

Chính sự ngây thơ đã tiếp tay cho tội ác

Chính sự ngây thơ đã tự chuốc lấy tủi nhục đọa đày

Chuyện buồn không thể tưởng tượng được của một cô nàng

Chuyện buồn không thể tưởng tượng được của một cộng đồng

 

Chuyện buồn không thể tưởng tượng được của cõi nhân gian…

 

Chuyện buồn không thể tưởng tượng được

Quanh quẩn đâu đây…

Mỗi chúng ta hình như đều là một Erendia ngây thơ./.

 

CHÂN DUNG 37 – TRẦN DẠ TỪ & NHÃ CA

--------------

 

THỦA CHÚNG TA YÊU NHAU VÀ LÀM THƠ…

[Để nghĩ về một thời đã xa…]

--------

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ

Chiến tranh dần ló mặt

Chiến tranh ngày càng tàn khốc

Chiến tranh mang những gương mặt thật quen quen đến nhàm chán

Nước Việt mình

Nước Việt từng mấy trăm năm chia cắt

Đàng Ngoài, Đàng Trong nay thêm phiên bản Bắc - Nam, Quốc gia - Cộng sản

Nước Việt buồn

Chúng ta yêu nhau và làm thơ

Khi chiến tranh dần ló mặt

Tình yêu như cánh bướm đẹp monh manh

Mong manh và yếu mềm

Yếu mềm và run rẩy

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ…

 

Thơ chưa kịp làm

 

Tình yêu chưa kịp

Nụ hôn đầu giang giở

Nụ hôn đầu đẫm nước mắt chia li

Nụ hôn đầu vương vất mùi tử khí

Nụ hôn đầu của chúng ta cứ như là có tội

Chiến tranh lộ mặt

Gương mặt lạnh tanh chết chóc

Gương mặt phi nhân gương mặt tử thần

Biết bao anh em bạn bè người thân của chúng ta chết tức tưởi

Chết đủ kiểu đủ loại

Vùi sấp chôn nghiêng banh thây tan xác

Thịt da táp vệ đường

Thây người úp mặt trôi sông

Thịt xương vùi trên cát

Thịt xương rữa nát dưới mưa

Thịt xương khô quắt dưới nắng

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ…

 

Thơ tình như chết giữa chừng

Nụ hôn đầu tiên chúng ta trao cho nhau

Váng vất mùi tử khí

Như rướm máu bạn bè cùng trang lứa

Mặn chát nước mắt những người vợ mất chồng những cha mẹ mất con

Chúng ta thấy mình như có lỗi

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ

Chiến tranh lộ nguyên hình gương mặt tàn khốc

 

Vũ khí đổ vào quê hương xứ sở

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ…

 

Chúng ta không thể

Chúng ta không thể

Xưng tụng chiến tranh

Chúng ta không thể tấn phong anh hùng

Cho những người chết bên đường

Cho những người chết trôi sông úp mặt

Cho những người chết thảm thương vùi trong cát

Cho những người chết nơi tưởng chừng không bao giờ biết đến đạn bom

Góc sân chùa, trong giáo đường, trong khuôn viên đại học

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ

Biết bao người phải chết

Trong đớn đau, trong tuyệt vọng, trong hoảng loạn

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ…

Chúng ta không có lỗi

Chúng ta không có lỗi

Chúng ta yêu nhau và làm thơ

Những mầm sống monh manh trong nụ hôn trao gửi trong ngôn từ thi ca

trao gửi

Chúng ta hi vọng

Mọi hi vọng không bao giờ có lỗi

Chúng ta đợi chờ ngày mầm xanh sẽ mọc lên…

 

Chúng ta đã đợi chờ

 

Qua những tháng những năm thù hận chất chồng

Qua những đọa đày đau đớn xác thân

Qua những mạ lị tận cùng

Qua vô vàn khổ lụy

Chúng ta đợi chờ

Mầm xanh không chết

Mầm xanh âm thầm sống

Mầm xanh vươn mình mọc thẳng

Thủa chúng ta yêu nhau và làm thơ

Chúng ta không có tội tình gì.

 

Đ.T