Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Đoàn Huyền: Phát biểu nhận Giải Nghiên cứu - Phê bình Văn Việt lần thứ Tám

Đoàn Huyền

Viết như một hành trình trở lại với đời sống

clip_image002

Thưa quý vị,

Thưa Ban Xét Giải Văn Việt,

Giải Văn Việt đối với tôi là một lý do đẹp đẽ để nhìn lại chặng đường cá nhân. Con đường đã qua dù ngắn dù dài, với bản thân, tôi nghĩ cũng đủ cho một bản kiểm toán. Tính từ tiểu luận đầu tiên trên Tiền Vệ, quãng thời gian cầm bút với tư cách một người viết độc lập đã chừng hơn chục năm. Mười năm ấy, không phải mười năm để viết, mà là mười năm của ly khai, phản tư, và tự sinh thành. Có nghĩa: khi bước khỏi trường đại học công cuộc học hành của tôi mới thực sự bắt đầu, khi viết những tiểu luận đầu tiên quá trình tự học của tôi mới chính thức khởi sự. Những điều ấy, thực sự có nghĩa gì? Đã hẳn, nó nghĩa là tôi chả thật sự học được điều gì nghiêm túc, cốt tủy, đáng giá trong suốt con đường học hành chính quy của mình. Nhưng từ những gì tự trải nghiệm, tôi hiểu, không đơn giản là: nếu cái chỗ “hàn lâm” kia không dạy dỗ nổi, thì đành xoay qua chỗ khác để học. Vì ở mức độ nào đấy, tôi vẫn là sản phẩm của môi trường giáo dục này, của nền văn hóa này, của xã hội đương hiện tồn này. Làm thế nào đó mà những lạc hậu, thành kiến, thậm chí lươn lẹo, của thứ tri thức giả hiệu, của lối tư duy què quặt ỡm ờ, đã chình ình có mặt ngay từ phút đầu khởi sự nghĩ suy. Với thứ “di sản” và nền tảng như thế, chuyện “nổi loạn” hay ý hướng “cách tân” chỉ là trò làm dáng quê mùa. Nhận chân thứ “di sản” ấy, đối diện, và giải quyết nó, mới chính hẳn là công việc của tôi mười năm qua, chứ không phải của viết.

Với quá trình ấy, vài cuộc đổi ngôi đã xảy ra. Trước đây những “dấn thân”, “nổi loạn” đã từng là kim chỉ nam. Trước đây “tài năng”, “sự nghiệp”, “thành tựu” đã từng là con ngáo ộp đe dọa mỗi con chữ non nớt phập phồng. Trước đây, “văn chương” từng là lãnh địa và nơi trú ẩn. Giờ, chỉ còn là những đại ngôn bong bóng xà phòng của một thời thừa nhiệt huyết, cũng thừa nông nổi. Giờ, phần nào, đã đủ bình tĩnh để hiểu, bất cứ một động thái nào của cá nhân tự thân cũng là một hành vi can dự. Không ai có thể đứng ngoài. Không hành động nào của tha nhân không dội đến ta. Không nỗ lực nhỏ bé nào của ta là vô ích cho bản thân và kẻ khác. Và nếu ta là một thành phần trong cái toàn thể thì tài năng không phải thứ loi choi của một cá thể chơi trội, nó là sự hiển lộ thuần khiết, hiển nhiên, sừng sững của sự sống, của vũ trụ, của bản chất người. Điều quan trọng là trở thành một tấm gương thanh sạch cho sự hiển lộ ấy dễ dàng và sáng rõ, hoặc ít nhất, đừng cản trở. Như thế, văn chương đâu có thể là lãnh địa, nó tự thân, tất nhiên, đã nằm trong mối quan hệ với những địa hạt khác: hội họa, âm nhạc, triết học, lịch sử…, tự thân đã là tiếng ca trong bản hợp ca của sự sống.

Càng đi sâu vào bản thân, tôi càng nhận ra mối gắn bó tự nhiên, mật thiết với tha nhân, và càng trân trọng những ghi nhận, động viên từ một cộng đồng hòa ái, tự do và rộng lượng. Bởi vậy, cảm nhận đầu tiên của tôi khi được trao giải Văn Việt lần này là cảm giác biết ơn, biết ơn một cử chỉ trìu mến, bao dung. Giải Văn Việt với tôi không đơn thuần là một giải thưởng, mà một vinh dự, một tôn vinh, một nâng đỡ. Bởi giải thưởng này có thể cao hơn năng lực bản thân tôi tự có. Nhưng nó như sự khích lệ những tiềm năng tôi có thể khơi dậy trong mình, như sự nuôi dưỡng cho một khả năng, hiện thời, có lẽ chỉ đang mong manh hình thành trong tôi. Với ý nghĩa nâng đỡ, khoan thứ, và nuôi dưỡng ấy, tôi tin hành trình tiếp theo trong sự viết của mình sẽ nhiều thú vị và hứa hẹn.

Một lần nữa xin bày tỏ lòng biết ơn khi được trao một vinh dự lớn hơn sức của mình.

Xin cảm ơn quí vị,

Xin cảm ơn Ban Xét Giải Văn Việt.

Đoàn Huyền, còn có các bút danh: Anh Nhi, Hạo Nhiên.

Sinh năm 1987, tại Hải Dương. Hiện sống tại Hà Nội.

Các tiểu luận, dịch thuật đã đăng trên: Tiền Vệ, Văn chương Việt, Văn Việt, Văn hóa Nghệ An và Tạp chí Sông Hương.

Giải thưởng: Tặng thưởng của Tạp chí Sông Hương năm 2015 cho tiểu luận Người viết nữ: giới tính và trang giấy trắng.