Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Giáo sư Trần Hữu Dũng, người đứng trước Vạn Lý Hỏa Thành

Joaquin Nguyễn Hòa

Gửi bài từ California, Hoa Kỳ

Giáo sư Trần Hữu Dũng trò chuyện với BBC News tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư tại Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức, mùa Hè 2015

Giáo sư Trần Hữu Dũng trò chuyện với BBC News tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư tại Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức, mùa Hè 2015

Nếu có người hỏi tôi rằng ai gây ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trong nước Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là giáo sư Trần Hữu Dũng, ở Dayton, Ohio, Hoa Kỳ.

Không phải ông có ảnh hưởng từ lý thuyết, hay tư tưởng của ông, ông cũng không phải là một nhà cách mạng, mà là do con thuyền tri thức mà ông gầy dựng, trang Viet-Studies. Miệt mài mấy mươi năm không nghỉ, trang Viet-Studies chuyên chở bao nhiêu tri thức nhân loại đến với giới trí thức Việt Nam, già lẫn trẻ, khao khát đằng sau… bức màn tre.

Giáo sư Trần Hữu Dũng qua đời vào sáng ngày 28/2/2023, tại Hoa Kỳ.

Giống như nhiều trí thức cùng thế hệ, Trần Hữu Dũng cũng đứng giữa hai làn nước, dù không nhiều bi kịch như người bạn thân thiết của ông là giáo sư Ngô Vĩnh Long (qua đời trước giáo sư Dũng vài tháng). Cha ông là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tham gia cách mạng cộng sản và được đặt tên cho một con đường vùng Gò Vấp, Sài Gòn. Giáo sư Dũng cũng chịu tiếng là … thân cộng với những chỉ trích từ một số người chống cộng hăng hái tại hải ngoại.

Nhưng theo tôi nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam sợ ông giáo sư “thân cộng” đó hơn là những nhà chống cộng kia.

Tran Huu Dung

Hôm 24/2, Giáo sư Trần Hữu Dũng đăng hình tiễn biệt nhà văn, nhà thơ và dịch giả Dương Tường mà hôm nay 1/3, ông cũng ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè

Trang Viet-Studies của ông cung cấp cho người Việt trong nước những bài phân tích từ đủ mọi khuynh hướng của báo chí thế giới, từ những loại khó đọc như The Economics đến những tờ rất nhanh nhạy tin tức toàn cầu, như Washington Post, New York Times. Có những website phải trả tiền mới đọc được thì giáo sư Dũng lấy bài rồi chuyển ra dạng PDF cho độc giả khao khát kiến thức mà ít tiền ở Việt Nam.

Trang Viet-Studies cũng là một cái cửa mở cho giới sĩ phu trong nước, hay giới khoa bảng người Việt ở nước ngoài nhưng vẫn canh cánh lo âu những bề bộn trong nước: Nguyễn Quang Dy, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Khoa, Trần Văn Chánh, Nguyễn Minh Nhị, Nguyễn Ngọc Tư … với những bài phân tích, hay bình luận đầy tính phản biện.

Cái cửa mở đó là nơi mà giới học giả nước ngoài quan tâm tới Việt Nam, có người đọc được tiếng Việt, qua đó mà nhìn vào bên trong Việt Nam: Carl Thayer, David Brown,...

Dĩ nhiên kiến thức và tư duy phản biện là những vũ khí ghê gớm nhất, mạnh mẽ nhất, và thế là “người ta” … sợ!

Trang Viet-Studies liên tục bị … tường lửa, mà có lần giáo sư Dũng nói với tôi là cũng dữ dằn không kém Vạn lý hỏa thành của những người cộng sản Trung Quốc. Chủ nhân Viet-Studies có lúc cũng bị làm khó làm dễ chuyện đi về Việt Nam. Lúc người ta tổ chức vinh danh cho cha ông là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người ta không thèm mời ông con trai… phản động.

Giáo sư Trần Hữu Dũng trong lần thăm Bảo tàng Công đoàn Đoàn Kết ở Gdansk, Ba Lan năm 2018

Giáo sư Trần Hữu Dũng trong lần thăm Bảo tàng Công đoàn Đoàn Kết ở Gdansk, Ba Lan năm 2018

Tôi bắt đầu quen biết giáo sư Dũng từ những năm RFA của tôi, và quan hệ của chúng tôi kéo dài mãi đến những ngày trước khi ông ra đi.

Dĩ nhiên chúng tôi trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đến tình trạng bế tắc của nó mà có lần ông nói với tôi là ông… chịu hết nổi rồi. Với cả chục năm chọn lọc tin tức, phổ biến kiến thức về Việt Nam, ông có những quan hệ rất thú vị và bất ngờ trong giới báo chí.

Có lần ông cho tôi biết chuyện một đại gia Việt Nam định blackmail (đe nẹt) một nhà báo nước ngoài, dọa sẽ tiết lộ ra anh ta là gay, không ngờ anh nhà báo đã không sợ mà còn ra tay trước tiết lộ rằng đại gia nọ định mướn anh làm … bồi bút. Lần khác ông cho tôi biết chuyện một nhà báo khác, rất cẩu thả, gắn chữ vào nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Người chủ trương trang mạng Viet-studies.info, Giáo sư Trần Hữu Dũng, chia sẻ với BBC về 'hậu trường, bếp núc' của trang điểm tin tức năm 2015

Người chủ trương trang mạng Viet-studies.info, Giáo sư Trần Hữu Dũng, chia sẻ với BBC về 'hậu trường, bếp núc' của trang điểm tin tức năm 2015

Ngày 12/10/2022, một người bạn chung của chúng tôi là giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời, anh Trần Hữu Dũng nhập viện vì bệnh tim. Tuy nhiên anh không công khai ra công chúng, mà chỉ tuyên bố Viet-Studies tạm nghỉ vài ngày. Cách nay mấy hôm, Viet-Studies thông báo lần nữa là tạm ngưng.

Lần này thì nó có thể ngưng mãi mãi.

Nếu ai đó tiếp tục chèo con thuyền Viet-Studies của giáo sư Dũng, thì ắt cũng khó mà có được những tiếng cười sảng khoái mỗi buổi sáng hàng ngày với những cái như là…. Cách mạng 4.0 (?), Số hóa (của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng),…

Giáo sư Trần Hữu Dũng ra đi làm tôi nhớ lại công cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản, khi các trí thức Nhật cố công dịch toàn bộ trước tác của Tây phương ra tiếng Nhật. Nhưng các samurai Nhật Bản mấy thế kỷ trước làm việc có bang có hội, có Minh Trị Thiên Hoàng đứng sau lưng. Giáo sư Dũng thì đứng trước … Vạn lý hỏa thành!

Liệu có phải ông là người cuối cùng? Con thuyền trí thức Việt, Viet-Studies, liệu có là … con thuyền không bến?

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn05pn49202o