Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Tiếng Việt từ TK 17: vài ghi nhận thêm về thì giá, trao đổi tiền bạc các loại, lợi - lời - lãi… (phần 21C)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về giá tiền dùng trong hệ thống tiền tệ từ thời LM de Rhodes sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên tên loại tiền này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), quan (q), tiền (t), đồng (đ), Sách Sổ Sang Chép Các Việc (SSS), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Để cho liên tục, người đọc nên tham khảo thêm ba bài viết trước về tiền bạc trong loạt bài tiếng Việt từ TK 17: tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa (phần 21), tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ… (phần 21A), quan tiền xưa với nhận xét mới (phần 21B). Không phải ngẫu nhiên mà LM de Rhodes đã dành một trang rưỡi cho mục tiền (trang 792-795), nhiều chữ nhất trong các mục từ VBL. Ngoài ra, VBL còn ghi cách dùng "thì giá" (~ thời giá[2], mục giá trong VBL) cho thấy LM de Rhodes quan tâm đặc biệt đến hối suất (< kinh tế thị trường) của đồng tiền lưu hành vào thời kì ông đang truyền đạo. Khi có đủ dữ liệu, phần này sẽ dùng tỷ số của hai giá trị đồng tiền vào cùng một thời điểm (thì giá/thời giá) hay khác thời điểm để cho thấy rõ hơn sự thay đổi qua cách nhìn định lượng này. Ngoài ra, 1 quan sẽ tính theo tiền quý hay bằng 600 đồng trong nước (ở Đàng Trong và Đàng Ngoài) chứ không theo hối suất mà các LM de Rhodes và Borri từng ghi nhận cho nước ngoài (td. Trung Quốc, Nhật Bản…) hay 1 quan bằng 1000 đồng.

clip_image002VBL trang 271

clip_image004VBL trang 839 - mục tư thêm cách dùng "một quan tư".

Mục tiền VBL giải thích một quan bằng 10 tiền và 600 đồng, tuy nhiên có những cách dùng đặc biệt như mục tư có ghi một quan tư bằng một quan và bốn tiền: 600 đồng cộng với 240 đồng (4t = 4x60 = 240 đ) hay bằng 840 đồng. Phần sau sẽ bàn thêm chi tiết về cách dùng này. Nên nhắc ở đây là quan tư còn có nghĩa là quan trấn nhậm, quan cai (praefectus/L): quan (td. quan lại) viết bằng bộ miên 官 khác với quan (tiền) viết bằng bộ bối 貫 - đây là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ khi một chữ (âm tiết) có thể mang nhiều nét nghĩa hơn bình thường.

VBL cũng có ba mục ghi về tệ nạn cho vay nặng lãi một cách gián tiếp vào thời này: mục ăn (trang 6, mục ăn lờ, ăn lải) , mục lờ (ghi hai lần trong trang 419, bây giờ là lời) và mục lải (lải dấu hỏi, trang 393, bây giờ viết là lãi dấu ngã[3]), tuy các định nghĩa bằng tiếng La Tinh có hơi khác nhau cho cùng một cách dùng (ăn lờ ăn lải) - xem mục 2.1 bên dưới.

clip_image006VBL trang 593

clip_image008Một đồng Bayaco (Baiocco)

clip_image010VBL trang 237

clip_image012Một đồng Giulio: một quan tiền = 10 Giulio/VBL trang 793

Các đơn vị tiền tệ quốc tế xuất hiện trong VBL là đồng Giulio (Ilio, Julio), Real và Baiocco (Bayocco) không phải là tiền dùng trong nước Pháp, Ý cho thấy phần nào nguồn gốc/mẫu quốc của LM de Rhodes. Danh từ Giulio lặp lại 4 lần trong VBL (mục tiền, lượng và lạng) là đơn vị tiền tệ của Toà Thánh La Mã (một nước riêng biệt/độc lập ở thành phố La Mã của nước Ý Đại Lợi). Điều này còn phù hợp với nơi sinh trưởng của LM de Rhodes là tỉnh lị Avignon (hiện nay thuộc về Vaucluse ở Đông Nam nước Pháp), từng trực thuộc Toà Thánh La Mã vào TK 17 chứ không thuộc về Pháp (chỉ sau thời kì cách mạng Pháp năm 1791). Đây cũng là một nguyên nhân đồng Real - một loại tiền quốc tế tiên phong của đế quốc Tây Ban Nha - xuất hiện trong VBL (mục đồng, 1 đồng bạc bằng 1/10 Real).

Vào TK 17, hệ thống tiền tệ ở các nước liên hệ đến các giáo sĩ (đến VN truyền đạo) là

Pháp Écu, Livre, Sou, Denier

Ý Ducat, Florin, Scudo (1 Scudo = 10 Giulio = 100 Baiocchi)

Toà Thánh La Mã Giulio (Julio/Iulio), Baicco, Quattrino (1 Giulio = 10 Baiocchi = 50

Quattrini)

Tây Ban Nha Real, Maravedi, Peso

Bồ Đào Nha Real, Cruzado

Bảng tóm tắt bên trên trích từ các trang mạng http://roma.andreapollett.com/S7/monpap.htmhttps://1632.org/1632-tech/faqs/money-exchange-rates-1632/#:~:text=Money%20in%20the%2017th%20century,looting%20of%20the%20new%20world. Nên nhắc ở đây là vào TK 17, đồng bạc Peso (= 8 Reals = 2 đồng tiền vàng Ducat) của Tây Ban Nha khá phổ thông trong một số quốc gia cũng như đồng tiền vàng Ducat (Ý). Vào đầu TK 19 thì 1 Peso = 2 quan (theo John White và John Crawford). Đồng bạc Real[4] có thể được coi như là loại tiền quốc tế (International/World currency) đầu tiên trên thế giới - so với ảnh hưởng của tiền Euro, đô la Mỹ hiện nay.

1. Lợi - lời - lãi

Một trong mục đích chính trong sinh hoạt buôn bán và kinh tế tổng quát là (tiền) lời có được từ một số vốn có sẵn; dĩ nhiên là càng được lời bao nhiều thì càng 'thành công' bấy nhiêu. Do đó ta thử xem lại cấu trúc và các cách đọc của chữ lợi/lời từ tài liệu cổ. Chữ lợi 利 clip_image013(thanh mẫu lai 來 vận mẫu chi 脂 khai khẩu tam đẳng, khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết:

力至切 lực chí thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, LT) - Thuyết Văn Giải Tự ghi nghĩa của lợi là 銛也 tiêm dã (nghĩa là sắc, nhọn). Đáng lẽ là đọc như là *lị/lí nhưng âm HV thường là lợi.

吕至切 lữ chí thiết (NT)

力至反 lực chí phản (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

力地切,音詈 lực địa thiết, âm lị (CV)

TNAV ghi vận bộ 微齊 vi tề (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 利 莅 涖 吏 詈 離 (lợi lị lại *li)

力地切,音吏 lực địa thiết, âm lại - vào thời CV (1375) và TVi (1615) thì các âm lợi và lại đọc gần giống nhau (so với âm lì theo giọng BK bây giờ). TVi còn ghi thêm cách đọc lợi là 良以切,音里 lương dĩ thiết, âm lí, v.v.

Giọng BK bây giờ là lì so với giọng Quảng Đông lei6 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] li3 [东莞腔] li5 [客语拼音字汇] li4 [海陆丰腔] li6 [梅县腔] li5 [台湾四县腔] li5 [沙头角腔] li5 [宝安腔] li3 [陆丰腔] li6 潮州话:li6 (Triều Châu còn đọc là lai7), tiếng Nhật là ri và tiếng Hàn là ni hay lyui.

CV ghi cùng vần với li 離, mà ta đã có tương quan li - rời (xem bảng so sánh ở dưới), cho nên có cơ sở giải thích tương quan dạng phục nguyên trung cổ *li và lợi - lời. Ngoài ra, CV cũng cho thấy một biến âm hậu kì cùng vần với *li là *lai (lại 吏) dẫn đến các dạng lải (VBL) và lãi trong tiếng Việt hiện đại. Cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, sđd) còn ghi một cách đọc của lợi là lị (không thấy thông dụng) nhưng không ghi dạng lãi, đây là cách dùng ở Đàng Ngoài theo cụ Trương Vĩnh Ký. Tương quan giữa *li và lợi còn phù hợp với các so sánh sau:

lí lới (nghĩa lới ~ nghĩa lí, ĐNQATV)

li *lời rời

lị lờ lợi

thì[5] giờ thời

ki - cơ

kì – cờ (không thấy dùng dạng *cời)

kí - nhớ (không thấy dùng dạng *nhới)

nghi - ngờ

thi thơ

thị chợ

ty tơ

tý (áo) tơi, v.v.

Dựa vào các tương quan bên trên, ta có cơ sở để giải thích dạng lờ là âm cổ hơn của lời đã hiện diện trong VBL (lờ xuất hiện 4 lần trong VBL) nhưng không còn dùng nữa:

*li > lờ > lời

*li > lải > lãi (các giọng Mân Nam như Triều Châu, Phúc Kiến đều có hai dạng lai và li)

Thời VBL thì Đàng Trong và Đàng Ngoài đã bắt đầu phát triển khác nhau từ kinh tế, chính trị và dĩ nhiên ngôn ngữ. Lờ - lợi trở nên phổ thông sau này ở Đàng Trong so với dạng lãi ở Đàng Ngoài cũng như các cách dùng heo - lợn, nón - mũ, mè - vừng, chăn - mền, mận - roi hồ - keo, hoa/huê – bông, lời - lãi, v.v. VBL đã cho vài dữ kiện đáng chú ý về phương ngữ vậy. Cách dùng tương đương lờ lãilời lãi còn thấy trong tự điển Génibrel (sđd):

clip_image015 Tự điển Génibrel (trang 376, sđd)

Nghĩa nguyên thuỷ của lợi là sắc (bén) hàm ý trong cách dùng bộ đao, cũng như trong quá trình gặt lúa vì dụng cụ (liềm) có bén mới cắt được cây lúa (TVGT). Có thể sắc tiếng Việt là dạng cổ hơn của *li (lợi) tương ứng với một dạng âm thượng cổ phục nguyên của lợi là *rits (> rứt ra, rớt ra > sớt, sắc như trong cách dùng sắc thuốc). Thí dụ về cách dùng "sắc/bén" nguyên thuỷ của lợi:

a) 國之利器,不可以示人 quốc chi lợi khí, bất khả dĩ thị nhân - Lão Tử/Đạo Đức Kinh (tạm dịch/NCT: khí giới sắc bén của quốc gia không thể cho người khác biết đến).

b) 兵革非不堅利也 binh cách phi bất kiên lợi dã - Mạnh Tử/Công Tôn Sửu Hạ (tạm dịch/NCT: binh khí không phải là không sắc bén).

Quá trình hình thành chữ lợi 利 dựa vào các tài liệu Hán Cổ[6] cho thấy

Historical forms of the character

Shang

Western Zhou

Warring States

Shuowen Jiezi (compiled in Han)

Liushutong (compiled in Ming)

Oracle bone script

Giáp cốt văn

Bronze inscriptions

Chung đỉnh văn

Chu slip and silk script

chữ Hán thời Chiến Quốc

Small seal script

Tiểu triện

Transcribed ancient scripts

Chữ triện cổ < Lục Thư Thông thời Minh

clip_image016

clip_image017

clip_image018

clip_image019

clip_image020

Các dạng khắc/vẽ cổ của chữ lợi cho thấy hình cây lúa (chữ hoà 禾) được cắt (chữ đao 刀), đây là loại chữ hội ý, hàm nghĩa gặt hái được kết quả (ích lợi) từ nghĩa gốc là gặt/cắt lúa. Sau này lợi mở rộng nghĩa (cụ thể > trừu tượng) để chỉ lợi ích, lợi nhuận, quyền lợi… Nghĩa mở rộng còn thấy trong một biến âm của lợi/lời là lởi trong tiếng Mường Bi: lởi nghĩa là dễ - td. lởi hiếu ~ dễ hiểu, lởi đãy ~ dễ dạy, lởi chĩu ~ dễ chịu… (Từ Điển Mường Việt, Nguyễn Văn Khang/chủ biên - NXB Văn Hoá Dân Tộc - Hà Nội, 2002)

2. Ca dao tục ngữ liên hệ đến tiền

2.1 Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng

Mười quan tiền = 10q = 10x600 đồng tiền = 6000 đồng tiền, so với 1 đồng tiền thì rất lớn - tỷ số là 6000đ/1đ = 6000. Tuy nhiền 1 đồng tiền này lại là tiền thưởng công lao của mình, nói lên sự trân trọng của sức lao động trong cuộc sống. Sự đánh giá cao công sức bỏ ra (tự lực) thay vì nhận được từ người ngoài (tha lực) còn thấy qua câu "Muốn no thì phải chăm làm, Một hột thóc vàng, chín hột mồ hôi".

2.2 Của một đồng công một nén

Công lao của mình bỏ ra mới là quan trọng ngoài khả năng (công) còn tạo ra của: một nén bạc là 24000 đồng (xem thêm ghi chép của Philiphê Bỉnh ở phần sau về nén bạc). Công = 1 nén = 40 quan = 24000 đồng = 14đ, tỷ số của hai thông số công/của = 24000đ/1đ = 24000!

2.3 Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Ba vạn là 3x10000 = 30000 đồng là rất lớn so với ba đồng (3đ), tỷ số là 30000/3 = 10000. Câu này hàm ý tạo nên tiếng tốt (danh) thì mất nhiều công sức, nhưng chỉ vì một việc xấu mà dễ mất tiếng tốt. Một cách hiểu khác hơn[7] là đừng vì tư lợi nhỏ nhoi (~ 3đ) mà làm mất uy tín lớn lao đã tạo dựng được (~ 30000đ).

2.4 Đò đưa một chuyến năm tiền, đưa luôn hai chuyến trả liền một quan

Năm tiền là 5t, hai lần đi tốn tất cả 2x5t = 10t = 1 quan = 1q. Một cách dạy tính toán tiền tệ trong dân gian hiện diện trong ca dao. Một dị bản của ca dao trên là

Đò đưa một chuyến năm tiền

Đưa luôn ba chuyến trả tiền quan năm

Câu này hàm ý chi phí cho ba chuyến đi đò là 3x5t = 15t = 10t + 5t = 1q + 5t hay là “quan năm”. Quan năm nghĩa là một quan năm tiền (= 1q 5t).

2.5 Bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình" và tiền cheo

Trích hai đoạn trong bài ca dao trên:

Giúp cho quan mốt tiền cheo,

Quan năm tiền cưới, lại đèo bông tai, v.v.

Tiền cheo[8] là tiền nộp cho làng để chính thức hoá lễ cưới. VBL trang 102 còn ghi trong mục cheo cụm từ "ăn cheo" là đám cưới/lễ hôn phối (nuptiae/L), nghĩa mở rộng là ăn cưới. Câu ca dao dưới đây cho thấy các cách dùng "ông xã" (hay ông cai xã là người đứng đầu/trông coi xã - VBL trang 880) và "ăn cheo":

Ông xã[9] đánh trống thình thình

Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo

Quan mốt tiền cheo là 1 quan 1 tiền hay 11 tiền = 660 đồng. Còn tiền cưới là quan năm = 1 quan 5 tiền = 15 tiền = 900 đồng. Như vậy là tiền nộp cho làng nước gần bằng tiền làm đám cưới (khoảng 73.3%). Lại một dị bản là

Giúp cho quan mốt tiền cheo,

Quan tư tiền cưới lại đèo đôi bông…

Trường hợp này cho thấy tiền cheo bằng 1 quan 1 tiền hay 11 tiền = 660 đồng, so với tiền cưới là quan tư hay 1 quan 4 tiền = 14 tiền = 840 đồng, hay tiền cheo bằng khoảng 78.6% tiền làm đám cưới!

Một số dị bản cho thấy tiền cheo có thể là quan tám hay 1 quan 8 tiền = 18 tiền = 1080 đồng so với tiền cưới là quan năm hat 1 quan 5 tiền = 15 tiền = 900 đồng; trường hợp này cho thấy tiền đóng cho làng xã bằng 120% tiền cưới! Dao động của mức tiền cheo, dựa vào các dữ kiện trên, là từ khoảng 73% cho đến 120% so với tiền cưới. Cụ Huỳnh Tịnh Của còn ghi tiền cheo có thể lên đến ba quan (ĐNQATV trang 131 Tome II), tuy nhiên không thấy ghi tiền cưới nên tỷ số tiền cheo và tiền cưới không thể xác định được. Điều này phản ánh phần nào phong tục phép vua thua lệ làng, khuynh hướng tôn trọng làng xã/môi trường[10] (tư duy tổng hợp) của một truyền thống nông nghiệp. Bây giờ thì không còn tục ăn cheo nữa, thủ tục làm giấy hôn thú không còn tốn tiền như xưa nữa. Một điểm nên nhắc ở đây là sức ép của tiền cheo trong chi phí của đám cưới có thể trở nên tiêu cực (cho đáng trai chẳng hạn) - chưa kể đến các loại tiền cheo làng, cheo xóm, cheo họ - đến nỗi 'nhà nước' phải ra lệnh giới hạn giá trị nộp cheo, thí dụ như Lê Triều Giáo Hoá Điều Luật[11], điều 44 ghi rõ "... Dù lấy người cùng làng hay lấy người ở xã khác, đều cho phép thâu lấy một quan tiền và một bình rượu[12] gọi là lễ lan nhai". Còn theo Đại Nam Thực Lục quyển 3 ghi ”Đại phàm lấy vợ lấy chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tùy nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa thì 6 tiền, người nghèo 3 tiền, người làng khác thì gấp đôi. Nếu có kẻ cẩu hợp chửa hoang thì phạt người gian phụ 30 quan và cha anh 3 quan để giữ phong hóa". Như vậy là nếu không có 'giấy chứng nhận chính thức/hôn thú' (tiền cheo), mà lỡ có thai thì phải tiền phạt 30 quan, hay khoảng 30x10t = 300 t, tức là gấp 300t/3t = 100 lần tiền cheo (cho người nghèo). Điều luật này rõ ràng khuyến khích dân chúng nên nộp cheo thì có lợi hơn khi có đám cưới. Vài điều thú vị nên nhắc ở đây là ở Đàng Trong "các thừa sai buộc giáo dân phải nộp cheo trong các làng có lệ này, bởi vì người Đàng Trong thường hay bỏ vợ cách dễ dãi, khi họ không nộp cheo theo như phong tục đòi buộc thì họ xem như mình chưa kết hôn, và ngay cả lương dân cũng xem họ như những người sống chung mà không cưới xin" theo lời ghi nhận trong cuốn Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823 của Adrien Launay (1924). So sánh với ghi chép của LM Philiphê Bỉnh thì ở Đàng Ngoài "Khi lấy vợ chồng thì thầy cả địa phận cùng làm phép cưới cũng biên tên vào sổ, thì đã nên vợ chồng, mà chẳng phải nộp cheo cho làng" trích trang 432 SSS.

2.6 Ca dao về 'tiền dài'

Chị kia có quan tiền dài,

Có bị gạo nặng, coi ai ra gì.

Nếu xem 1 đồng tiền dày khoảng 1.5 mm (loại mỏng có thể xuống còn 0.5 mm), thì 1 quan = 600 đồng hay 600x1.5 = 900 mm hay xâu chuỗi 1 quan dài gần 1 thước tây (một mét) và nặng khoảng chừng 2 kí lô: xem hình chụp bên dưới. VBL ghi rõ là một quan tiền của Trung Hoa hay Nhật Bản thì gồm 1000 đồng tiền, do đó xâu quan tiền TH dài hơn và nặng hơn quan tiền VN và nặng khoảng 3.75 kí lô. Do đó, khi có một quan tiền (dài), gánh đi ra ngoài với bị gạo năng cho thấy là mình có tiền của hơn người, cho nên mới lên mặt và 'coi ai ra gì'. Tương phản với câu ca dao trên là câu 'tiền ngắn mặt dài'.

2.7 Tiền ngắn mặt dài

Đồng tiền cổ thường có lỗ vuông để xỏ thành xâu (chuỗi): dài nghĩa là nhiều tiền - như trường hợp quan tiền bên trên - so với ngắn hàm ý ít tiền. Tâm lý con người thường thì không vui (mặt dài ra) khi không có lợi (tiền) nhiều. Hình sau chụp một nông dân mang trên người (‘gánh’) một quan tiền, để ý xâu (chuỗi) tiền dài quấn lại ở đầu đòn (phía trước) và một bị (hủ) nặng ở sau để cân bằng sức đè xuống ở hai bên đòn gánh.

clip_image021

Hình trích từ trang https://humazur.univ-cotedazur.fr/omeka-s-dev/s/humazur/item/6208#?c=&m=&s=&cv=&xywh=-1577%2C-198%2C5419%2C3515

clip_image023

Hình một quan tiền dài gồm (Vallot, sđd)

Tính từ dài hàm ý tiền nhiều còn xuất hiện trong ca dao như

Chưa buôn thì vốn còn dài

Buôn thì vốn đã theo ai mất rồi

v.v.

2.8 Ham sáu đồng lãi, mất năm mươi tư đồng tiền vốn

Sáu đồng tiền lãi so với số vốn 54 đồng tiền nghĩa là tiền lời 6đ/54đ = 0.111 hay khoảng 11.1%. Đây có thể là tiền lời mỗi tháng, cho nên lãi suất một năm là 0.111x12 = 1.333 hay 133.3% hay là thuộc dạng "cho vay nặng lãi". Chính vì vậy mà người mượn nhiều khi không trả nợ được và chủ nợ (người cho vay) có thể mất cả 54 đồng tiền vốn hay "lỗ vốn". Xem thêm chi tiết về lãi suất chợ đen trong mục 4.5 bên dưới. Một tục ngữ liên hệ là lợi bốn tám, hại năm tư (Việt Nam Tự Điển).

2.9 Trò chơi "năm tiền, liền quan"

Trò chơi thời xưa có một trò chơi[13] tên là "năm tiền, liền quan", trong đó người chơi đọc câu "bán một mắt năm tiền, bán hai mắt liền quan". Điều này cho thấy quan gồm có hai xâu năm tiền nối lại với nhau (xem hình quan tiền bên trên), do đó một quan là 2x5 tiền = 10 tiền.

3. Các ghi chép của LM de Rhodes

3.1 Không phải ngẫu nhiên mà VBL lại ghi ăn lờ ăn lải ba lần trong các mục lờ (~ lời, trang 419), lải (~ lãi, trang 393) và ăn (trang 6). Các định nghĩa rõ nhất là mục ăn lờ ăn lải: lucrari ultra sortem per utura (tiếng La Tinh - tạm dịch/NCT lấy lời hơn tiền lãi đã quy định), câu này hàm ý là cho vay nặng lãi (theo tiếng Việt hiện đại). Trang 419 lại dùng động từ exigere (quy định) thay vì uturia (dùng, sau này thường là dạng usuria), trang 393 dùng supra thay vì ultra (thêm, hơn). Để ý tiếng La Tinh usuria (có gốc utor/L, so với các dạng usurp và use tiếng Anh) có nghĩa là dùng, hay lấy lời - dẫn đến một danh từ đặc biệt/A là usury hay là việc (sự) cho vay lấy lời cao (cho vay nặng lãi) trong tiếng Việt; tính từ liên hệ là usurious (hàm ý quá đáng/quá độ/quá mức, từ nét nghĩa gốc là cho vay nặng lãi). Danh từ usurer (A) hay usurier (P) là người cho vay lấy lời, còn hàm ý là người cho vay nặng lãi (tiêu cực). Ngoài ra vào thời VBL (tk 17), lờ tương ứng với lời và lải (dấu hỏi) tương ứng với lãi (dấu ngã) trong tiếng Việt bây giờ - xem chi tiết về các tương quan này ở phần 1.

clip_image025VBL trang 6

3.2 Bán hàng bán họ

Theo người viết/NCT thì danh từ họ ở cách dùng "bán hàng bán họ" (VBL trang 327) hàm nghĩa họ hay hụi (hội), một loại tín dụng dân dã thời xưa: đây là một cách gây vốn lớn ban đầu và trả góp lần lần. Không thấy tài liệu nào vào TK 17/18 ghi chi tiết về chủ đề này, tuy nhiên có khả năng cao chơi họ (hụi ở Đàng Trong) là một dạng cho vay nặng lãi đã hiện diện vào TK 17. Họ (dòng họ, họ hàng) với nét nghĩa cùng dòng máu, huyết thống được VBL ghi cho một mục riêng, như vậy bán họ khó là bán họ[14] hàng mình? Tự điển Béhaine (1772/1773) ghi họ hàng là cognatio/L (bà con, thân thích) khác với hàng họ là merces/L (tiền công, phần thưởng). họ chữ Nôm dùng hộ HV 戶 cho cả hai cách dùng trên. Có thể xem chơi họ là một hình thức kinh doanh dựa vào cộng đồng/bạn bè (tin tưởng nhau) hay là một loại ‘nhà băng thu nhỏ’ (bỏ túi) thời xưa; đây cũng cho thấy phần nào kết quả của một tư duy tổng hợp (tư duy cộng đồng) dựa vào chữ tín[15] của xã hội truyền thống VN.

4. Các ghi chép về tiền bạc của LM Philiphê Bỉnh

Phần này ghi lại các dữ kiện chép tay của LM Philiphê Bỉnh, cho thấy cách làm việc và tính cách của ông dựa vào tư duy phân tích thiên nhiều về định lượng và cũng theo truyền thống của các giáo sĩ Dòng Tên - khác hẳn với người cùng thời với ông là đại thi hào Nguyễn Du ở trong nước (td. Truyện Kiều) lại thiên nhiều về từ chương với tư duy tổng hợp[16]. Nhờ vậy mà ta có nhiều dữ kiện khách quan và chính xác hơn để tra cứu và so sánh, v.v.

4.1 Cách liệt kê tiền chi thu vào TK 18-19: trong mục lục các sách đã in (chép) ra, cách ghi đơn vị tiền tệ vào TK 18, 19 đáng chú ý: theo thứ tự lớn nhỏ quan (q), tiền (t) và đồng (đ). Từ bảng liệt kê này, giá trung bình (mean/A) các quyển sách của LM Philiphê Bỉnh là 572 đồng với độ lệch chuẩn (standard deviation/A) là 55 đồng: do đó khoảng 99.7% của giá bán sách là từ 407 đồng đến 737 đồng hay từ 6 tiền 47 đồng đến 13 tiền 12 tiền 17 đồng (~ 1 quan 2 tiền 37 đồng). Có thể nói là giá sách về CG vào thời này là khá mắt, gần như tiền cheo nộp cho làng xã khi làm đám cưới. So sánh với giá một con trâu vào năm Khánh Đức thứ tư (1752) là 5 quan hay 3000 đồng (theo Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hoá Sử Cương - sđd) thì tỷ số trung bình giá sách/giá trâu = 572đ/3000đ = 0.191 hay khoảng 19%. Hiện nay giá bán một con trâu là khoảng 20 triệu đồng (năm 2022) so với khoảng 200,000 đồng (giá sách trung bình cho một cuốn 400 trang/ước lượng[17] của NCT) thì tỷ số giá sách/giá trâu = 200000/20000000 = 0.01 hay 1%. Tỷ số giá sách/giá trâu bây giờ rất nhỏ so với vài TK trước, một dữ kiện đáng chú ý vì nhiều nguyên nhân. Đây là một chủ đề thú vị đáng được tra cứu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

clip_image027 Trang 598 SSS (sđd) - dòng thứ nhì bên phải ghi 1 quan, dòng thứ ba ghi 1 q 5 t (= 1 quan 5 tiền), dòng thứ tư ghi 2 q 6 t 40 đ (= 2 quan 6 tiền 40 đồng), dòng thứ năm ghi 1 q 40 đ (= 1 quan 40 đồng)…

4.2 Gạo miến từ Pháp nhập vào Bồ Đào Nha

Đầu TK 19, Bồ Đào Nha (Philiphê Bỉnh ghi là Portugal) cần gạo miến nên nhập từ Pháp (Philiphê Bỉnh ghi là Phalansa). Cứ 1 thăng thì ở Pháp giá là 4 tiền, nhưng đem bán ở Bồ Đào Nha là 2 quan một thăng (trang 729, Truyện An Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong). Tỷ số giá bán so với giá mua là 2q/4t = 20t/4t = 5 hay 500%. Với tỷ số này (500%) thì đây là một hoạt động kinh tế thật hấp dẫn (dịch vu xuất nhập khẩu).

4.3 Giá gậy bọc bạc ‘khủng’ cho các linh mục

LM Philiphê Bỉnh thuật lại giá tiền một cây gậy bọc bạc là 7 quan 3 tiền 20 đồng so với giá tiền ở phương Đông "chẳng đáng 5 đồng". Theo quan sát của ông thì tục lệ phương Tây là đàn ông thường cầm gậy cũng như các linh mục CG: người giàu có thì dùng gậy bọc vàng hay bạc, người nghèo thì dùng cành cây ("mà cũng phải mua ít là 2 tiền mới được") hay sợi mây… Đây là thói thường gặp trong thủ đô ("kẻ chợ") nhưng ở ngoài thành thì ít thấy hơn (trang 170 SSS). Theo lời thầy cả giữ việc nhà dòng địa phương thì các cây/que gậy này là hàng nhập từ Ấn Độ ("Phương Thiên Trúc") hay Trung Quốc ("nước Đại Minh") với giá tiền là 2 quan 6 tiền 40 đồng, xong phải trả công thợ để bọc bạc nên giá thành mới mắt như thế: 7 q 3 t 20 đ = 4200 đ + 180 đ + 20 đ = 4400 đ, hay tỷ số (giá gậy ở Lisbon/giá gậy phương Đông) = 4000đ/5đ =800 hay 80000%!

4.4 Nén

Một nén, thường chỉ nén bạc (so với cách gọi thỏi vàng) và tương đương với 40 quan (SSS trang 42). Một nén (bạc) bằng 14 đồng bạc (pataca) vào thời LM Philiphê Bỉnh (vào giai đoạn đầu thời nhà Nguyễn):

clip_image029Vallot (sđd)

Một đồng Pataca bằng 800 đồng (trang 63 SSS) hay 1 Pataca = 1 quan 3 tiền 20 đồng = 600 đ + 180 đ + 20 đ = 800 đ. LM Philiphê Bỉnh cũng kể lại truyện các thầy cả VN bị Giám Mục Manoel ở Ma Cao thu hết 589 đồng rưỡi pataca hay khoảng 42 nén bạc (trang 315 SSS). Ông cũng kể lại tiền lo đám tang một LM người Bồ ở Ma Cao tốn đến 200 đồng bạc Pataca hay khoảng "15 nén bạc nước ta" (trang 25, Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo - sđd) cho thấy trị giá 1 nén bạc khoảng 14 đồng Pataca.

4.5 Lãi suất chợ đen

Không có hệ thống ngân hàng hay cơ quan tín dụng chính thức cho người ta vay tiền, xã hội VN vào TK 18 và 19 cho thấy lãi suất cho vay chợ đen rất cao và không khác TK 17 bao nhiêu như nhận xét của LM Borri. LM Philiphê Bỉnh kể lại tiền lãi của người vô đạo (không theo đạo CG) khi cho vay là "một quan một tháng một tiền" (trang 48, SSS). Một tiền bằng 60 đồng, như vậy lãi suất một tháng cho một quan là 1t/10t = 60đ/600đ = 1/10 hay 10%, do đó lãi suất cho nguyên năm là 120%! Chính điều này khiến các LM Dòng Tên đã đề xuất cho các bổn đạo An Nam là chỉ lấy tiền lãi 15 đồng mỗi tháng (và không được lấy quá đáng[18]) khi cho vay 1 quan: nghĩa là lãi suất mỗi tháng cho một quan là 15đ/600đ = 0.025 hay 2.5%; do đó lãi suất hàng năm là 30%. Trường hợp đặc biệt là khi quá hạn, LM Philiphê Bỉnh còn ghi cách tính lãi "nhất bản nhất tức" (trang 48, SSS). Nhất bản nhất tức viết chữ Nho là 一本一息, hàm ý một vốn một lời hay có lãi suất hàng năm là 100%x12 = 1200%. Tiếng Việt hiện đại thường dùng "một vốn bốn lời" để chỉ tiền lời rất nhiều[19] so với số vốn đã bỏ ra. Các lãi suất trên đều lớn hơn mức giới hạn hiện hành là 20% (theo bộ luật dân sự 2015 của VN về lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự), nghĩa là cho vay nặng lãi vậy.

4.6 Thợ cả và thợ mới vào nghề mộc

Theo ghi chép của LM Philiphê Bỉnh thì người mới vào nghề thợ mộc lãnh mỗi ngày một quan, nhưng thợ cả lại lấy 3 tiền 20 đồng, thành ra người mới học việc chỉ lãnh được 1 quan - 3t 20đ = 6 tiền 40 đồng (hay khoảng 67% của 1 quan) theo lề luật ở đây cho người thợ cả (Bồ Đào Nha) . Trường hợp trả lương cho thợ mộc làm nhà đóng tầu, thì thợ mộc lãnh 1 quan 40 đồng, còn thợ cả lãnh 2 quan mỗi ngày dù chỉ cần có mặt và chỉ đạo nhóm thợ mộc và không cần làm gì thêm. So sánh với lương của một người thợ giỏi ở VN cùng thời (TK 19 trước khi Pháp xâm chiếm Nam Kì) thì một người thợ giỏi lãnh 1 tiền mỗi ngày, nếu không thì chỉ được 18 hoặc 30 đồng mà thôi (Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim sđd). Như vậy thì thợ cả ở ngoại quốc (td. Bồ Đào Nha) có thể lãnh lương gấp 20 lần thợ chính ở VN vì 2 quan = 20 tiền, và tỷ số 2 quan/1 tiền = 20t/1t = 20. Tỷ số này rất cao (= 20) so với tiền lương của người lao động ở nước ngoài hiện nay[20]: có thể gấp 2 cho đến 7, 8 lần tiền lương trung bình trong nước tuỳ theo mức thu nhập của nước tiếp nhận.

4.7 Tính tiền làm lễ cho nhà thờ mỗi năm

Ở Bồ Đào Nha vào thời LM Philiphê Bỉnh thì mỗi lần làm lễ thì một vị LM được trả 8 tiền - một năm có khoảng 80 lễ trọng - do đó tiền thu được là 8t x 80 = 640 t hay 64 quan. LM Philiphê Bỉnh lại tính gần đúng "vì một lễ là 8 tiền, mà một năm hơn 80 lễ, là hầu 80 quan" trang 371 SSS. Tuy nhiên khi kinh tế khó khăn thì tiền thu cho một lễ xuống còn 2 tiền, hay 2 tiền 40 đồng… Đoạn sau chụp lại từ trang 370 SSS:

clip_image031

Cũng theo ghi chép của LM Bỉnh: khi vua bà qua đời[21], con là vua John thứ 6 của Bồ Đào Nha (John/A viết theo tiếng Bồ là João trị vì từ 1787-1826, thời Philiphê Bỉnh ở đây) thì rộng rãi cho mỗi lễ 1 quan 3 tiền 20 đồng hay là một nửa đồng Pataca (trang 370 SSS). Vào thời kì này, Béhaine (1772/1773) từng ghi là một quan bằng 3 phần 4 một đồng Pataca, phù hợp với nhận xét của Philiphê Bỉnh là "3 đồng Pataca là 4 quan tiền" (trang 107 SSS).

1 Pataca = 1 quan 3 tiền 20 đồng = 13 tiền 20 đồng = 780 đồng 20 đồng = 800 đồng

1 quan = 3/4 x 800 đồng = 600 đồng đúng như trị giá của 1 quan tiền vào thời VBL ở trên.

LM Taberd (1838), tuy chép lại hầu như nguyên vẹn tự vị Annam Latinh của LM Béhaine, đã không ghi hối suất 3/4 đồng Pataca này trong tự điển năm 1838 cũng như tự điển cập nhật của Theurel (1877), có lẽ đồng Pataca không còn dùng nữa (so với Macao[22] vẫn còn dùng Pataca) hay hối suất không còn được như trước nữa.

4.8 Giá cá sủ rất mắt ở Bồ Đào Nha

Cá sủ là loài cá biển lớn ở Việt Nam, LM Philiphê Bỉnh ghi lại giá một con độ 5 tiền ở trong nước (An Nam) và "mà nhà Dòng mua 5 quan 3 tiền 20 đồng bởi vì Phương Tây ít cá, thì phải buôn cá khô ở bên thế giái mới đem về mà bán cho các nước" trang 566 SSS (sđd). Như vậy là giá một con cá sủ ở Lisbon là 5 q 3 t 20 đ = 3000đ + 180đ + 20đ = 3200đ, hay tỷ số hai giá tiền là 3200đ/300đ = 10.7 hay 1070%.

4.9 Giá tiền thường tăng theo mức lạm phát

4.9.1 LM Philiphê Bỉnh ghi lại giá tiền mua ngựa ở Mỹ Châu (~ Phương thế giới mới) tăng từ 8 tiền thời trước đến 2 quan thời nay (~ rày, thời của Philiphê Bỉnh) hay 20 tiền, hay % giá tăng là 20t/8t = 2.5 hay 250 %. Ông luôn đổi giá tiền địa phương (của nước ngoài) ra tiền Việt Nam vào TK 18/19 dựa vào đơn vị quan, tiền, đồng nên cho ta nhiều dữ liệu phong phú và chính xác. Ông viết "Phương thế giái mới thì rẻ thịt bò, ngựa thì lột lấy da mà chẳng ăn thịt giống vật ấy. Cho nên có nơi khi trước bán một con ngựa là 8 tiền, mà rày thì hai quan một con" trang 731 Truyện Nước An Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong (sđd).

4.9.2 Ông viết tiếp ở đoạn dưới của trang 731 "Một cái trứng gà khi rẻ thì 10 đồng, mà khi mắt thì 20 đồng, lại có khi cũng lên đến 30 đồng thì cŭ (~ cũng) ăn, mà trứng vịt thì chg? (~ chẳng) ai bán vì là của có ít thì để cho gà ấp mà lấy con". Điều này cho thấy có lúc lạm phát lên đến 30đ/10đ = 3 hay 300%.

4.9.3 Vào thời LM Philiphê Bỉnh thì một quan bằng khoảng 3 livre (đồng tiền Pháp) theo ước lượng của LM Richard (1778) trong cuốn "Histoire naturelle, civille et politique du Tonkin". So với năm 1632, khi LM de Rhodes còn ở Ma Cao trước khi trở lại Đàng Trong (1640), thì một quan tiền VN không thay đổi tỷ giá hối đoái bao nhiêu vì một quan thời này bằng 10 Giulio hay một scudo (=3 livres).

Tóm lại, VBL của LM de Rhodes và các tài liệu cùng thời như bảng tường thuật về Đàng Trong của LM Borri đã cho nhiều dữ kiện quan trọng về hệ thống và phẩm chất của tiền tệ An Nam vào TK 17. Vấn đề thật ra không đơn giản vì tiền tệ trong nước thì ở Đàng Trong có khác với Đàng Ngoài (không thống nhất), ngoại tệ thì mỗi giáo sĩ lại thường dùng tiền của nơi mình xuất xứ (như từ Toà Thánh La Mã, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…) hay nơi tạm trú hay giao tiếp hàng ngày (khu vực của người Nhật, Trung Hoa, Việt… cũng không thống nhất); ngoài ra trị giá tiền địa phương cũng thay đổi theo thời gian cũng như tỷ giá hối đoái. Cùng theo truyền thống của các giáo sĩ Dòng Tên từ trước, LM Philiphê Bỉnh đã ghi chép nhiều trường hợp với giá tiền địa phương (đa phần là ở Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha) và giá tiền bản quốc (Việt Nam), do đó cho ta khá nhiều dữ liệu để xác định thời giá cùng tỷ số hối đoái vào đầu TK 19. Vài kết quả trực tiếp và đáng chú ý là hệ thống tiền VN: quan, tiền và đồng không hoàn toàn theo hệ thập phân thường gặp ở Tây phương và ngay cả ở Trung Hoa. Một quan bằng 10 tiền và một tiền bằng 60 đồng. Nếu ca dao tục ngữ phản ánh trí tuệ và kí ức tập thể của đa số quần chúng theo dòng thời gian, thì ‘tiền bạc’ cũng ghi dấu ấn khá đậm trong mảng văn hoá dân gian phong phú này cùng với thơ văn. Không những thế, 'quan tiền' - chứ không phải hào/xu/cắc - còn bay xa hơn nữa khi xuất hiện trong loại hình nghệ thuật dựa vào âm điệu/thời gian (âm nhạc), thích hợp với thanh điệu của ngôn ngữ Việt: td. bài ca[23] "Trăng Sáng Vườn Chè". Nếu sách vở là một biểu tượng cho giới sĩ (trí thức) trong xã hội truyền thống VN, thì con trâu gắn liền với đời sống nông nghiệp: tỷ số giá tiền của sách vở với giá tiền trâu cho thấy phần nào sự đánh giá (value judgement/A) hai tầng lớp[24] này trong đời sống hàng ngày. Từ các dữ kiện trong tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh, tỷ số này bằng khoảng 19% cách đây 200 năm, so với khoảng 1% hay nhỏ hơn vào giai đoạn hiện tại (năm 2023). Đây là một chủ đề thú vị cần được tra cứu sâu xa hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này. Nguồn gốc cấu tạo chữ lợi HV cho thấy là hình cái liềm cắt lúa, về sau mở rộng nghĩa từ cụ thể (gặt lúa) để chỉ quyền lợi, lợi ích, lợi nhuận tổng quát hơn. Chữ tiền HV 錢 dùng bộ kim cũng cho thấy trải qua giai đoạn cụ thể (cái thuổng, nông cụ - TVGT) để mở rộng nghĩa chỉ tiền bạc, tương tự như chữ đồng HV 銅 dùng bộ kim chỉ một chất kim loại màu đỏ thời cổ (xích kim - TVGT), sau này mở rộng nghĩa để chỉ các đồ dùng bằng đồng như gương soi, tiền đồng… Hệ thống tiền tệ VN, TQ (qua khung cửa TK 17 đến nay) hầu như cho thấy chiều hướng biến đổi theo cùng một tiến trình: từ cụ thể (dùng trọng lượng, phẩm chất kim loại - tiền 'thật') cho đến giai đoạn trừu tượng hơn và mang tích cách quy ước và mã hoá cao độ như bitcoin chẳng hạn (tiền ảo[25]). Ngoài ra, các định nghĩa về đơn vị tiền bạc như trong mục tiền của VBL có ghi quan tiền - cho thấy phần tiếng Bồ (ghi là mil caixas - một nghìn đồng) khác với phần bằng tiếng La Tinh (6 trăm đồng là đúng hơn so với 1000 đồng…): đáng lẽ phải giống nhau nhưng phần La Tinh luôn giải thích nhiều và chi tiết hơn[26]. Điều này có thể là do chép lại từ hai nguồn khác nhau (td. tự điển của LM Amaral và Barbosa), hay được biên tập lại? Đây là những vấn đề đáng được tìm hiểu cho rõ hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài này. Hi vọng bài viết nhỏ này tạo nguồn cảm hứng cho người đọc để có cơ hội tra cứu sâu xa thêm về tiếng Việt từ TK 17, đặc biệt là các đơn vị tiền tệ bản địa và ngoại quốc, và tìm ra nhiều kết quả thú vị hơn nữa.

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Đào Duy Anh (1938) "Việt Nam Văn Hoá Sử Cương" - bản in lại từ Quan Hải Tùng Thư - NXB Thành Phố HCM (1992). Có thể tham khảo trên mạng như trang này chẳng hạn https://khosachonline.com/sach/viet-nam-van-hoa-su-cuong, v.v.

2) Samuel Baron (1865) "A Description of the kingdom of Tonqueen" đăng lại bởi John Walhoe, London (1732) - trang 656 đến trang 707 trong tuyển tập này) - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://www.lexilogos.com/vietnam_carte.htm

3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

                                     “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 (khoảng 1774) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://pdfcoffee.com/qdownload/1774-thanh-giao-yeu-ly-quoc-ngu-ba-da-loc–pdf-free.html, v.v.

4) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

                          (1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

5) Hernán Gabriel Borisonik (2021) "MONEY TURNS ABSTRACT: A HISTORY OF MONEY AND THE EMERGENCE OF BITCOIN" - có thể đọc toàn bài trên trang này https://arena.org.au/money-turns-abstract-a-history-of-money-and-the-emergence-of-bitcoin/

6) Christoforo Borri (1631) "Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine…" - có thể tham khảo toàn văn (tiếng Pháp) trang này https://archive.org/details/bub_gb_wzM3ebxodF4C/page/n169/mode/2up?view=theater hay bản dịch ra tiếng Việt trên trang này chẳng hạn (Bonifacy/Phạm Văn Bân 2011) https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf, v.v.

7) Phaolô Nguyễn Minh Chính (2019) "TỤC LỆ 'CHEO LÀNG' TRONG CƯỚI XIN Ở ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI VÀ ĐÀNG TRONG" - có thể xem toàn bài trên trang này https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/tuc-le-cheo-lang-trong-cuoi-xin-o-dia-phan-dang-ngoai-va-dang-trong-1645.html.

8) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

9) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

10) Alfred Romer Frey (1916) "A Dictionary of Numismatic Names" American Journal of Numismatics (1897-1924) , 1916, Vol. 50 (1916), pp. v-x, 1311 - in lại nhiều lần - có thể tham khảo cuốn này trên mạng như /https://www.jstor.org/stable/pdf/43594108.pdf…

11) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

                                 (1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

12) Lã Minh Hằng (2013) "NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU" - bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 - có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-quakhao.html

                                   (2013) "Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ - nguyên bản Nguyễn Văn San" NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội

13) Trần Trọng Kim (1919) "Việt Nam Sử Lược" NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) - tái bản nhiều lần

14) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON).

15) Vương Trí Nhàn (2016) "Xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII dưới con mắt một giáo sĩ phương Tây" có thể xem toàn bài trên trang này https://nghiencuulichsu.com/2016/12/19/xa-hoi-dang-ngoai-the-ky-xvii-xviii-duoi-con-mat-mot-giao-si-phuong-tay/

16) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                    (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                   “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                   “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

17) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).

18) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

19) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như "Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)"…

                                        (2020) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa - phần 21" - có thể xem toàn bài trên trang này https://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tuy-but/29516-tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-tien-gian-be-tien-be-dua-phan-21.html

                                        (2020) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ… (phần 21A)" - có thể tham khảo bài viết này trên trang http://chimvietcanhnam.blogspot.com/2020/09/

                                        (2020) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới (phần 21B)" - có thể tham khảo bài viết này trên trang này chẳng hạn http://vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-ngu-hoc/1956-a-tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-quan-tien-xua-voi-nhan-xet-moia...

20) Tạ Chí Đại Trường (1990/2007) "Tiền bạc - văn chương và lịch sử" - có thể đọc toàn bài trên trang này https://vietmessenger.com/books/?title=su%20viet%20doc%20vai%20quyen&page=4

21) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

                                         (1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

                                         (1904) Petit dictionnaire annamite-français - tái bản đợi nhì - Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider (HANOI).

22) Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên (1999) "Tự vị Annam - La Tinh 1772-1773" NXB Trẻ (Thành Phố HCM).

Phụ Trương

A. Luật Hồng Đức về tiền lời khi cho vay - để ý biếm nhất tư là một hình phạt hạ trật (hạ tư cách, phẩm chất con người được định lượng với đơn vị là tư) tuỳ theo tội nặng hay nhẹ. Quốc công có 24 tư là tối đa, quận công 23, hầu 22, bá 21, tử 20, nam 19, chánh nhất phẩm 18… cho đến người thường thì không có tư nào (‘vô tư’). Phạm nhân có thể chuộc tội bằng tiền tuỳ theo phẩm của mình (như quan nhất phẩm phải chuộc 100 quan tiền cho mỗi tư...).

clip_image046clip_image044

B. Tường trình về Đàng Trong (1621) bằng tiếng Ý của LM Borri xuất bản ở La Mã (1631) cho thấy hai dạng đồng tiền Scudo và Quattrino từng xuất hiện:

clip_image048

Trích từ trang https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=ucm.5324332967&view=1up&seq=102

So sánh đoạn trên với bản dịch ra tiếng Pháp bởi LM Antoine de la Croix (Dòng Tên) vào năm 1631 - để ý đồng tiền Ý Quattrino và Scudo đã đổi thành đồng Double và Écu của Pháp cùng thời kì. Điều này thường gặp ở các tài liệu trước đây, tuy nhiên nên ghi rõ tiền ngoại quốc (nguồn) song song với tiền của nước mình để thêm chính xác vì tỷ giá hối đoái có thể thay đổi tuỳ theo ngày tháng (thời gian) hay địa phương (không gian).

clip_image050Trích từ trang https://archive.org/details/bub_gb_wzM3ebxodF4C/page/n21/mode/2up?view=theater

C. Quan (Kwan) còn là đồng tiền Khmer (Cambodia) vào năm 1860: ít người biết một quan Khmer từng có trị giá 4 franc (khoảng bốn livre so với 1 quan VN bằng khoảng 3 livre) và không có lỗ vuông ở giữa. Quan là tiền TQ trước thời nhà Tống và còn bảo lưu trong hệ thống tiền tệ VN cho đến đầu TK 20 khi chế độ phong kiến kết thúc. Quan là loại tiền ‘ảo’ (là một xâu chuỗi có 600 đồng tiền) ở VN nhưng lại là là đồng tiền ‘thật’ ở Cambodia - để ý Pháp chiếm Nam Kì (Gia Định) vào năm 1859 nhưng ảnh hưởng lớn của Pháp[27] đã thể hiện qua các đồng tiền Cambodia vào thời kì này.

clip_image052Trích từ trang https://www.ebay.com/itm/314157656982?hash=item4925416b96:g:PVEAAOSwwzhhPBuE

D. Tiền giảm giá vào thời vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883)

Theo tài liệu chụp lại bên dưới, một tiền chỉ còn là 50 đồng vào năm 1878, so với giá trị thường ghi nhận là 60 đồng. Đoạn này còn ghi rõ một quan là một xâu chuỗi gồm 600 đồng (Cash tiến Anh nghĩa là đồng, không phải như nét nghĩa "tiền mặt" như bây giờ). Cash tiếng Anh còn liên hệ đến tiếng Bồ Đào Nha caixa (= tiền, xem hình chụp trang 237 mục đồng tiền, đồng bạc VBL phần đầu bài viết). Houtman trong tài liệu Journaal (11/6/1596) ghi là 1 Real (đồng tiền Tây Ban Nha) = 116 caixas. Tiếng La Tinh capsa (hộp, rương) cho ra các dạng caisse tiếng Pháp (hộp), caissier (người giữ tiền, thủ quỹ), tiếng Anh cash (tiền mặt), cashier (thủ quỹ), v.v.

clip_image054

Trích từ trang 242 của cuốn "A Dictionary of Numismatic Names" của tác giả Alfred Romer Frey (sđd) - hay tham khảo thêm chi tiết từ trang này chẳng hạn https://www.jstor.org/stable/pdf/43594108.pdf, v.v. Tiếng Anh thời đầu TK 20 ít dùng từ Vietnamese như bây giờ mà thường dùng Annamese (so với tiếng Pháp Annamite).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Các tự điển sau này như Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) và Theurel (1877) không có ghi "thì giá". Để ý vào TK 17, 18 cho đến đầu TK 19 - dựa vào các tự điển VBL/Béhaine/Taberd - chỉ có dạng thì chứ không thấy dạng thời (chữ Nôm dùng thì HV 時). Theurel (1877) bắt đầu ghi dạng thời dùng từ năm 1860.

[3] về khuynh hướng đổi dấu hỏi thành dấu ngã (lải > lãi), tham khảo bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ… vào thời LM de Rhodes và những hệ luỵ” (phần 38). Dạng lải không thấy dùng trong tiếng Việt hiện đại (trừ cách dùng lải nhải, có thể là từ láy từ gốc 來 lai > láy, lại, lải nhải). và dạng lãi không thấy dùng ở Đàng Trong (Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký) - Béhaine/Taberd chỉ ghi từ kép lời lãi so với lãi là loài giun sán. Génibrel (sđd) ghi lải là cái hũ lớn (grande jarre) và là tiếng Đàng Ngoài.

[4] Vào TK 17, đồng bạc Real dùng ở các thuộc địa Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, một số nước Á Châu như Phi Luật Tân và ở Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha. Đây cũng là kết quả tự nhiên to ảnh hưởng của đế quốc Tây Ban Nha.

[5] Một âm cổ của i còn có thể là là ai/ay như phi - bay, thi - thây, thì - giây, vi - vây, chi - chai, chỉ - giấy, v.v.

[6] Tham khảo thêm chi tiết về Giáp cốt văn, Chung đỉnh văn (Kim văn), Tiểu triện của chữ lợi 利 trên trang này https://hanziyuan.net/#home.

[7] Ca dao với nghĩa gần là "sắm danh ba nghìn, bán danh ba đồng" chẳng hạn.

[8] Theo tác giả Nguyễn Dư dựa vào luật xưa ghi lại"Bất cứ ở cùng một làng hay làng khác đều cho phép thu cheo một quan tiền cổ và một vò rượu. Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm (1663). Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp 1 quan 5 tiền, nhà bậc trung nộp 6 tiền, nhà nghèo nộp 3 tiền (1804)" - tham khảo trang này chẳng hạn http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg060.htm, v.v.

[9] ông xã là ông cai xã (trang 880 VBL) hay xã trưởng, không phải như cách hiểu hiện nay ông xã là ông chồng.

[10] Hay nhìn một cách khác là hôn nhân người VN xưa kia phần nào là từ lợi ích của cộng đồng, của tập thể (td. Trọng Thuỷ - Mị Châu, công chúa Huyền Trân - vua Chăm Chế Mân, con gái Nguyễn Kim là Nguyễn Thị Ngọc Bảo lấy Trịnh Kiểm, công chúa Ngọc Hân - Nguyễn Huệ, v.v.).

[11] Trích từ bản dịch Bốn Mươi Bảy Điều Luật Để Dạy Dân Dưới Triều Lê của tác giả Trần Khải Vân, trường Viễn Đông Bác Cổ - Bộ Quốc Gia Giáo Dục (1962, Sài Gòn).

[12] Điều kiện đưa ra như bình rượu nạp cho làng xã cho thấy tiền cheo có thể thay thế bằng hiện vật. Thí dụ như theo Kim Mã thôn khoán lệ - bản hương ước của thôn Thổ Quan quy định về lệ nộp cheo như sau: "Con gái lấy chồng người bản thôn, theo lệ nộp tiền lan giai (nộp cheo) 12 viên gạch Bát Tràng, 1 bình rượu, 200 khẩu trầu. Nếu lấy chồng người ngoài thôn thì nộp cheo 24 viên gạch Bát Tràng, 1 bình rượu, 100 khẩu trầu cau. Còn lấy chồng người nước ngoài, nộp tiền cheo gấp đôi là 48 viên gạch Bát Tràng, tiền trầu, rượu là 1 quan 2 mạch tiền kẽm, trầu rượu" - theo tác giả Nguyễn Thị Hoàng Yến trong bài viết "GIÁ TRỊ CỦA HƯƠNG ƯỚC CỔ TRUYỀN HÀ NỘI TRONG KHO TÀNG THƯ TỊCH HÁN NÔM" (Nghiên Cứu Hán Nôm, 2010).

[13] Xem thêm bài viết (2010) trang này https://nguyenthieunhan.wordpress.com/2010/01/09/m%E1%BB%99t-quan-la-sau-tram-d%E1%BB%93ng%E2%80%A6/

[14] Gaston Kahn (1887) dịch courtiet (P) là “người mua họ”, so với "kẻ làm mối hàng" (Vallot). Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) phân biệt nghĩa của họ hàng và hàng họ (merces/L ~ tiền công…). Theurel (1877) thêm vào cách dùng hàng hoá (= hàng họ) - theo người viết/NCT thì hàng họ hàm ý các nhà buôn (họ, phường buôn) gây vốn để làm ăn bằng cách chơi họ, một hình thức buôn bán/tín dụng dân gian.

[15] Lần đầu tiên ‘chơi họ’ được pháp luật VN công nhận qua Nghị định 144/2006/NĐ-CP (2006) với các hướng dẫn và thủ tục cho an toàn hơn - xem thêm chi tiết về các luật lệ cập nhật trên trang này (như Nghị định 19/2019/NĐ-CP) https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/39439/10-quy-dinh-can-luu-y-khi-choi-hui

[16] Tham khảo thêm bài viết "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài… thời LM de Rhodes (phần 1)" về tư duy tổng hợp và tư duy phân tích - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://dotchuoinon.com/2017/09/17/cach-noi-xuong-thuyen-tren-troi-ra-doi-dang-trongngoai-thoi-lm-alexandre-de-rhodes-phan-1/

[17] Không kể đến đa số sách về tôn giáo (PG, CG…) cho không chứ không bán như hiện nay.

[18] So với lãi suất ngân hàng VN (1/2023) dao động từ 7 đến 9% hàng năm - xem chi tiết trên trang này chẳng hạn https://timo.vn/tai-khoan-tiet-kiem/lai-suat-gui-tiet-kiem-ngan-hang-nao-cao-nhat/, v.v.

[19] Một vốn bốn lời, mong có lãi Năm liều bảy lĩnh cũng không cầu (Tú Xương). Thành ngữ bốn chữ tiếng Trung có câu 一本萬利 nhất bản vạn lời cũng cùng một nghĩa (vốn ít mà lời nhiều).

[20] Tham khảo bài báo liên hệ (11/2/2023) trang này https://smoney.vn/di-lao-dong-o-nuoc-ngoai-nguoi-viet-co-the-kiem-gap-doi-trong-nuoc-post703265.html

[21] Vua bà Maria I của Bồ Đào Nha chết vào năm 1816 ở thành phố Rio de Janeiro (Ba Tây - Brazil) sau 8 năm lưu vong ở Tân Thế Giới (Nam Mỹ). Bà vẫn ở lại Ba Tây với gia đình dù Napoleon đã bị đánh bại và cầm tù vào năm 1815. Chú ý cách gọi "thế giái mới" (tân thế giới, chỉ Mỹ Châu) trong các tài liêu của cụ Bỉnh.

[22] Pataca là tiền cổ của Bồ Đào Nha, nhưng vẫn được "bảo lưu" ở Macao dù chủ nghĩa dân tộc của TQ lên cao sau khi chủ quyền Hồng Kông trả về cho TQ (1997). Một đồng tiền Macao Pataca bằng 0.84 Nhân Dân Tệ vào ngày 9/2/2023 - tham khảo trang này https://www.currency.me.uk/convert/mop/cny

[23] Trăng Sáng Vườn Chè: thơ Nguyễn Bính (1918-1966), nhạc của Văn Phụng (1930-1999).

[24] Tứ dân là bốn giai cấp chính trong xã hội phong kiến/quân chủ: sĩ, nông, công, thương như ở TQ, VN, Nhật, Hàn… Sĩ là giai cấp đầu tiên chỉ người có học (đọc sách, biết chữ nghĩa) hay trí thức và thường được xã hội trọng vọng. Tỷ số (giá sách/giá trâu) = 0.19 thời Philiphê Bỉnh so với < 0.01 hiện nay tương ứng phần nào với mức độ quan tâm (kính trọng, phi vật thể) phản ánh qua giá trị tiền bạc (vật chất/cụ thể).

[25] Cần phân biệt các loại tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo theo luật pháp của các nước - đây là loại tiền không có hình ảnh (tàng hình) rất khác với các hệ thống tiền tệ truyền thống/cụ thể.

[26] Thí dụ như mục gián của VBL trang 277 có ghi cách dùng tiền gián: phần tiếng Bồ chỉ ghi là loại tiền nhỏ/kém (caixas pequenas); nhưng phần tiếng La Tinh lại ghi chi tiết hơn: loại tiền bằng đồng thông dụng ở Đông Kinh (kinh đô Đàng Ngoài/kẻ chợ).

[27] Tham khảo một bài báo về lịch sử đồng tiền Cambodia (2020) trang này https://www.khmertimeskh.com/50783577/the-grand-history-of-cambodian-coins/