Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Thơ Đoàn Huy Giao

                                    nói chuyện với 24 chữ cái

 

 

1

 

Thế giới cơ bắp này.

Và sự hoa hồng… Trống rỗng

Cái bàn ký tự đốn ngộ của ta ơi

Rằng hạt cát

Rằng bầu trời, ta đã từng

Dù có kiệt cùng phần số - ta vẫn phải chọn

Ta vẫn phải mặt đối mặt - với 24 chữ cái.

Để bày tỏ.

 

CHỮ:Anh còn nhớ hòn đá bùa sau vườn nhà anh?

TÔI: Khi chưa biết gì tôi hay leo trèo chơi với nó.

          Lúc lớn. Biết, nó dằn mặt lại tôi.

CHỮ: Bởi khúc xạ của tiền kiếp?

TÔI: Không! Do nỗi sợ tù mù úp mở của tấn trò

          lịch sử cố tình… đánh trống lảng.

CHỮ: Có khác chi khóm huệ sống sót bên lưỡi lê

            khô máu?

TÔI: Ừ, màu hoa câm lặng đó vì ánh hồi tố của

          tình yêu tôi đã mất. Của ô cửa giao hoan về

          phía trăng sao tôi đã khép, và của

          con- chiền-chiện-thằng- tôi có nguy cơ…

CHỮ: …bầu trời đã bị vặt trụi lông?

TÔI: Ừ! đã bị vặt.

 

Niềm đắng chát nầy tái phát nhiều lần.

Không thể lấp đầy. Không thể liền da.

z4074519984118_5e06bc3e078aca2a6c2e39fef591b941

 

 

2

 

Trên đường gió nghênh ngang. Tôi đâm sầm vào

gã bóng cuồng. Hoảng. Ai như chiếc còng há mồm

của thân sinh Ức Trai? Chìa ra!

 

CUỒNG: (trong bụi mù, cười sảng)

                Ô hô! Thiên địa trí trá.

TÔI: Thì ra là thế!?

CUỒNG: Còn ngươi!?

TÔI: Chẳng để làm gì!

CUỒNG: Ừ, chẳng để làm gì. Chớ mê lú vào trò mo

                 quạt tem phiếu đám sử quan.

TÔI: Ok! Hảo. Hảo.

 

Tháng chạp của năm 1976.

Lần đầu tiên từ miền Nam ra. Ăn phở chó.

Ăn dại với một gã cuồng đồng hương nhà thơ

Nguyễn Nho Sa Mạc, bên bờ sông Kỳ Cùng.

Ba năm sau, có tin gã dính đạn hữu nghị.

Không biết vong hồn có được trở về làng Bồng Lai.

 

 

3

 

Đêm.

Mê sảng.

Tôi sải cánh lên đỉnh núi cao chưa hề ai đến.

Gió đánh cược với cơn đói toàn diện  

Trò “thắng bại - xúc xiểm”.

Trước mặt là tảng đá mụ mị quen thói nghĩ lung.

 

TÔI: (vỗ tay) Mình đến đây làm gì?

ĐÁ: (vọng ra) Để chứng ngộ sự trần trụi.

TÔI: Sự trần trụi! Thường im tiếng.

ĐÁ: Đáng ra là chỉ nói đến sự im tiếng!

TÔI: (gió dạt)  Còn ai nghe?

ĐÁ: Sự trần trụi của chính ngươi.

         ... Nghe!...

 

Thế là đôi cánh tôi biến thành đôi cánh tảng đá.

Bay vèo. Độ bay rất Từ Hải.

Lại thêm một ngày nữa ra đồng.

Phạt lau. Đốt cỏ. Bới đất tìm mùa, với Cậu tôi.

Và chú Lang.

 

 

4

 

Đất trong suốt trên lối mòn không dép.

Hai ngón chân Giao Chỉ của Mẹ làm đôi móc câu

níu vào trần thế. Còn đâu những đêm trắng bên ngọn

đèn mù u hạt đậu. Con cào giấy. Còn mẹ nhai cơn dông

lần tìm về ngôi vườn cô đơn, đã mất.

 

HỒN MẸ: Con phải biết từ đây mây trời trong thơ con

                 còn xa. Xa lắm.

CON: Trong giấc mơ của mẹ, dù xa thì vẫn hơn là

            không còn gì.  

HỒN MẸ: Chẳng thể nào níu được cái đã mất đâu con!

CON: Thơ???.

 

Tham Hội ngày 26/10/1977.

Con đưa Mẹ lên rẫy nằm bên bà Nội. Mây trời vây

quanh chiếc khăn sô trên đầu con. Giá có phép màu nào

làm cho mưa dừng khóc.

 

 

5

 

Cầm trên tay bông cúc tàn thu.

Tôi hầu chuyện Tchekhôp. Ông tìm chữ.

Còn tôi ngáp vặt. Cuộc hạnh ngộ có vẻ không phù

hợp với mùi lưu huỳnh bắc biên của năm 1979.

 

TÔI: Nầy bác Antôn! Người đàn bà phù phiếm đâu rồi?

ANTÔN: (lau kính) Ôm con chó nhỏ đã tắt thở vào

                  rừng phong rồi.

TÔI: Ôi! Con chó nhỏ.

ANTÔN: (xóa xóa một từ nào đó trên bản thảo đang viết

                  rồi ông mỉm cười với thói phù phiếm.)

 

Bông cúc trên tay tôi như cánh vạc trong sương.

Không có viền biên nào của lưỡi lê.

Cái đẹp, thời đại nào cũng vậy. Rất phập phù giữa ngòi

bút Antôn với rừng phong chuyển mùa.

 

 

6

 

Vậy là tôi đã về sau nhiều ngày lũ quét.

Bến sông Trà còn rền vang trong ánh chiều những

cành lau bị dập. Trên bếp tạm ngoài trời mấy củ

khoai úng nước đang bốc mùi tân khổ.

Làn khói mỏng - một niềm triu mến bao la.

 

TÔI: Con đung đưa theo ánh sáng của mẹ.

         Một  nữ nhân lấm bùn trên vách đất.

BÓNG: Ánh sáng duy nhất của bầu trời âu lo cho bữa

              ăn con cái mình.

TÔI:Như tiếng gà chưa cũ của đời con.

BÓNG: (im lìm trong khói tóc hoàng hôn

               chập chờn một nụ cười độ lượng).

TÔI:Con đã đi quá xa với khả năng của đứa

          trẻ lạc đường.

BÓNG:Thế nào rồi con cũng về được.

               Nhưng đừng làm vấy bẩn bóng chiều của mẹ.

               Nghe con !

 

Đấy là ký ức găm vào não tôi sau trận lũ 1964, khi đứng

trên thềm nhà của mẹ thi sĩ Bích Khê.

         

 

7

 

Với tốc độ phi mã - của ý nghĩ.

Tôi sấn sổ một tia nắng chiều.

Tia nắng như ánh thép của tài năng.

Và phẩm hạnh. Buồn quá.

 

TÔI: Đời ta là phần còn lại trước lưỡi gươm đao phủ!

CHU THẦN: Rõ thế!

TÔI: Vậy thì ta tồn tại là chỉ với không gian.

CHU THẦN: Và với cả thời gian hèn kém của ta nữa.

TÔI : Bố khỉ! “Tồn tại hay không tồn tại”

CHU THẦN: (dí quạt vào trán tôi cười khà một tiếng,

                         rồi dốc cạn gáo rượu biên tái)

TÔI: Bố khỉ! “Tồn tại hay không tồn tại”

CHU THẦN: Nộ”Trượng phu chống kiếm đi thì đi!” (*)

 

Buổi chiều tà, trên không trung cứ vọng mãi lời qua

tiếng lại của chúng tôi bên bến sông Trà.

Cái bến quê mà sau nầy ở xa, tôi vẫn thường tắm.

Trong mơ.

 

  (*) thơ Cao Bá Quát : Trà Giang Thu Nguyệt Ca.

 

 

8

 

Trên sân ga, tôi chia tay nàng.

Tàu lừng khừng chuyển bánh.

Sắt thép gào lên ngày tận thế.

Tôi cúi xuống an ủi mũi giày bết bùn.

 

TÔI: Tình yêu hay nỗi cô đơn?

GIÀY: (sững lặng, bùn khô quánh, giọt lệ)

TÔI: Bây giờ thì ta đi đâu?

          Ta về đâu?

GIÀY: (vang lên trên thềm ga)

             Ta đi trong tình yêu!

             Ta về trong tình yêu!

TÔI: Thôi! Thôi! Đủ rồi trái tim yêu dấu.

GIÀY: (tiếng cười khúc khích cuốn theo bụi còi tàu)

 

Câu chuyện nầy xảy ra vào chiều ba mươi tết

Nhâm Thân 1980. Tôi viết cho Hoàng.

Nghìn năm sau trên môi tôi còn vị ngọt môi nàng

& nhựa basto.

 

 

9

 

Khi tôi trở về thì bình minh len qua khe cửa,

ngự trị trên giá sách lũ lượt kẻ sống người chết

kẻ tiểu nhân người quân tử răm rắp ngậm tăm

trước “cửa hàng mậu chữ” đã khoá chặt.

 

TÔI: Hỡi người bạn thân thiết đến cùng ta sau

           một đêm trắng.

TIA NẮNG: Mi là thằng mê mù trong ngữ nghĩa.

TÔI: (hơi ấm đầu) Và…Sao nữa?

TIA NẮNG: Là con bò đói cỏ trong trại lao cải.

TÔI: Được! Sao?

TIA NẮNG: Mi không làm chủ được ai, được cái gì.

TÔI: Cảm ơn! Thế là đủ. Ai làm chủ được ai?

 

Tia nắng cáo lui ra ngoài.

Chúng tôi cùng song hành trên con đường hiu quạnh.

Hàng ngàn hàng ngàn cây số quạnh hiu.

Và tôi bắt đầu viết một mạch “Tam giác nghịch”

vào cái đêm trắng cuồng dại đầu tháng 9/2007.

 

 

10

 

Sau tất cả lãng du vô lối trên con đường

“Tam giác nghịch”. Còn đây khoảng trống và tôi.

Chúng tôi cùng nhâm nhi vài hạt mê mệt trống rỗng

chập chờn theo bóng của bóng tôi.

 

TÔI: Chẳng phải ngoài khí quyển.

          Cũng chẳng phải hơi men hào phóng của khí quyển.

          Ta đang rơi tự do không trọng lực.

BÓNG: Có một sức nặng mà tự thân ngươi phải gánh.

TÔI: Là sự cô đơn?

BÓNG: Cao hơn cả sự triệt tiêu.

               Cao hơn cả sự khởi đầu.

               Và kết thúc.

TÔI: Sức nặng như mặt biển ngủ mê trong tinh thể muối?

BÓNG: Như lao lực trần ai. Vượt chết.

              Của chính ngươi.

 

Chúng tôi ngồi lặng thinh. Vĩnh viễn lặng thinh.

Như là không có đêm không có ngày. Không có tất cả.

 

 

11

 

Tôi lỗi hẹn vô số mùa thu trong ngôi vườn đá tảng.

Đá trầm tư. Và cây trầm tư. May còn sót lại chiếc

lá vàng lặng lẽ đưa tôi đến gặp ngài.

 

LỢI HƯU:Đừng rung cây! Cái đẹp hãy tự nó đến.

TÔI: Bạch thầy gió rung chứ đệ không rung.

LỢI HƯU:Vậy thì ngươi cũng là gió.

TÔI: Dạ không! đệ chỉ là hơi thở vô tội của lá vàng.

 

“Coi chừng đụng đầu lá xanh” giọng cương quyết

Lợi Hưu chỉ tay về phía mùa bát nhã đâm chồi.

 

 

12

 

Ôi trời thu!

Ngươi làm gì trong “Hoàng hôn đống cỏ khô”  (*)

mà Lê-vi-tan ưu ái dành cho ta vậy.

Một nỗi cô đơn trong trẻo.

Một không gian buồn trong trẻo của bậc chí thành.

Ôi trời thu, trời thu. Vĩnh hằng.

 

HOẠ SĨ: Hãy cầm bút lên.

TÔI: Dạ.

HOẠ SĨ: Hãy chọn gam màu nào trái tim anh mách bảo.

TÔI: Dạ.

HOẠ SĨ: Đừng bôi bẩn cái anh nhìn thấy.

                  Hãy vẽ cái anh cảm thấy.

TÔI: Thảo nào Bác cho đốt hết các lá thư đi!

HOẠ SĨ: Nhưng tôi còn để lại mùa thu trong sắc vàng

                  bất diệt của bạch dương.

TÔI: Dạ. Bác còn để lại cả lối mòn và những đầm ao

          trong bóng chiều của tuổi thơ con nữa.

HOẠ SĨ: (nheo nheo cười như thể chính mùa thu đầm trũng 

              đang chơi trò trốn tìm trong đáy mắt ông).

 

Mãi sau nầy, tôi vẫn lặng lẽ xem tranh Lê-vi-tan mà không

nói cho ông biết rằng ông đã giữ lại cho tuổi thơ tôi…  bao nỗi

nhớ nhà.

 

       (*) tên một tác phẩm của danh họa Lê-vi-tan.

 

 

13

 

Lep chạy trốn đến một ga xếp hoang lạnh nào đó của

nước Nga hoang lạnh.

Trên bước đường cùng, tôi gặp ông.

Bộ râu vĩ đại trong cơn hấp hối.

 

TÔI: Thưa cụ, Ana bỏ đi rồi!

LEP: (thều thào) Được!

 

Chuyến tàu động kinh của một đế chế tàn tạ vừa rống lên.

Tôi vuốt mắt nhà văn. Dường như ông mỉm cười.

Bộ râu thâm hậu của Lep cũng mỉm cười.

Và tôi phóng thẳng ra phố bán sách cũ, có được câu này

của Lep Tôn- xtôi :

“Cứ làm cái điều cần làm, rồi muốn ra sao thì ra”.(*)

 

(*) “Fais ce que doit, adv…”

 

 

14

 

Từng giọt.

Từng giọt rét gõ vào hiên đêm thiếu ngủ.

Trời còn mờ tối, em đã thồ phân ra đồng

lạnh cóng như thể người ta róc xương

trong “Bản án thực dân Pháp”.

 

CHÚ SÁU (*): Mô Phật! Làm sớm cho đạt điểm khoán.

TÔI:(nhai nhầm hạt sạn trong bữa khoai sáng còn đèn.

           Ngọn đèn mù u như giọt nước mắt lưng tròng). 

CHÚ SÁU:Mỗi công điểm chỉ được chia lon rưỡi lúa thôi!

                      Anh ơi.

TÔI: Mô Phật!

 

Giờ thì tôi thắp cho Chú một nén nhang trên Gò Cao.

Còn cái xe thồ phân của Chú tôi xin mang ra phố để dạy

cho sắp con tôi cách thồ đời.

 

    (*) Kiểu xưng hô của quê tôi với người em ruột.

 

 

15

 

Suối rừng Chư MomRai.

Ánh xanh của tia nhìn hư thực. Bướm và dương xỉ và... da

thịt thảo mộc. Không Lão không Phật không bát cơm mỏng

dày ngấy mùi quyền lực. Một cuộc xung đột thèm khát.

Nguyên khai.

 

Già A OONG: Ở đây con chim cũng biết nói tiếng người.

TÔI: Ừ.

Già A OONG: Con lợn độc cũng biết chìa răng lắp bắp

                             tiếng người.

TÔI: Ừ.

Già A OONG: Nó ngửa mặt dưới mưa rền đắm đuối làm

                             thiên chức truyền giống. Sướng!

TÔI: !!!

Già A OONG: Ai nỡ bỏ lời nhìn của hoa, hỡi thằng mọi.

TÔI: Hừ! Con là thằng mọi nhỏ vui nhộn của rừng đây.

Già A OONG: Đồ côn trùng!

 

Ngọn gió khai tâm thế giới tự nhiên đã đưa chúng tôi

đi tìm măng le và các thức rau củ không tên. Bầy nhện

nước Turgnev cùng tắm truồng với tôi bên suối reo.

 

Già ơi, con mang bữa cơm rau rừng hôm đó lang thang

theo những nẻo đời kiếm ăn. Không một tiếng người.

Không một bóng cây.

 

 

16

 

Ngọn đèn ấy thường sáng lâu hơn ánh hỏa châu

thời thiếu ngủ trong kiệt 7 đường Hoàng Diệu của

đầu tôi là một mớ các khuynh hướng mồng tơi

bờ dậu cô hàng xóm lẫn lộn với nhịp chữ bậc thang

rốc kết to tiếng. Thì nàng đến. Lara.

Nàng rũ bỏ bộ váy trắng tinh xuống mùa cây thanh

lương trà băng giá.

Những năm tháng yêu nhau trong nghịch lý.

 

LARA: Em phải đi trên chuyến tàu chất đầy những

              trái tim bị lạm dụng quá mức.

TÔI: Thuốc mê?

LARA: Và cả TNT.

TÔI: “Em là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc” (1)

LARA: “Thời của những kẻ giết người” (2)

                 nàng khẽ nhắc.

 

Đêm.

Đọc một nửa Zivago

Một nửa, dành cho mưa.

Sau hành trình bất khuất,

Lara ngủ vùi trên chiếc giường thơ tôi.

Còn chuyến tàu kia thì vẫn hung hăng cắm đầu chạy

như không có điểm dừng.

 

     (1)Thơ Pasternak (2) Chữ của Henry Miller

 

 

17

 

Chứng mất ngủ là lưỡi gươm của bóng tối, cũng là

tình yêu bơ phờ của ánh sáng.

Không cưỡng lại được, tôi tìm gặp Saint - John Perse.

Trên bãi sóng lăn lóc vỏ sò. Gào. Tìm đâu con mắt

đại dương qua đời sau một vụ đầu độc.

 

TÔI: Cùng một thứ vũ khí mà ta lâm trận, thưa thi sĩ?

JOHN: Ừ.

TÔI: Cuộc chiến chưa khởi đầu tôi đã là tên đào tẩu.

JOHN: Làm gì có khởi đầu & kết thúc!

              không có chiến bại!

TÔI: Chỉ cần một nắm đấm?

JOHN:  “Và sự giải đáp trong anh là do tia sáng

                  của trái tim ban cho” (*)

TÔI: !!!

JOHN: “Không phải cái văn bản đâu, mà là…”(*)

TÔI: Đa tạ thi sĩ.

 

John vẫy chào.

Cây gậy thi ca của ông khẽ rung lên. Chiếc mũ nồi che

vầng trán rộng, như che một rặng núi kiêu hãnh.

Và tôi chìm trong khói sóng mơ màng. Chờ sáng.

 

(*) Thơ Saint- John Perse

 

 

18

 

Cần phải có ảo tưởng. Để chào trần gian. Để vui.

Cùng ngồi cà phê với Chúa, bên bờ kênh Nhiêu Lộc.

Mấy thằng bạn cũ cụt đầu cùng ngồi.

Đòi bia.

 

TÔI: Rắn cũng cần phải đi tu.

BẠN 1: Đừng mặc áo cà sa xây chùa làm dự án.

BẠN 2: Mô Phật ! Đồng Mao tệ dâm dật như sóng.

BẠN 3: Xì, toàn mùi hoa chanh cái lỗ rún bà Võ Hậu thôi!

TÔI: Những phấn hoa nương gió xuân mơn tình với

          nhiều em hoa khác. Muôn năm!

BẠN 2: Chúng rộng rãi yêu vờ mấy anh cháy túi.

BẠN 3: Hừ, toàn chuyện trên bờ dưới nước.

              Theo cách trỏ đường của cụ Lỗ… Tấn.

BẠN 1: (Dơ cái chân gỗ cựu binh tây nam lên gõ gõ).

                 Tốt thôi chú em. Tốt thôi.

 

Men nói. Tranh nhau, không cần chấm phẩy.

Vậy là cưa đứt nguyên thùng 33 + mấy cái liếc váy ngắn.

Chúa ngồi thừ như Phật, không uống.

Một sáng Sài Gòn hoàn hảo.

Thằng Bạn 1 hết thời, lặp lại. “Tốt thôi chú em! Tốt thôi! ”.

Hắn vênh vênh chống nạng đi tìm đôi mắt lá răm.

 

 

19

 

Tôi mộng du trên con đường đất nung. Bằng ngựa chiến.

Thời của ngọn lửa thần kỳ. Có lửa ăn. Ăn chín rồi mới nói

đến ba chuyện trí tuệ nhân tạo.

 

TÔI:Thưa mảnh gốm năm bảy ngàn năm tuổi có gương

           mặt bụ sữa.

LỬA: Cậu bị muội khói che mắt tham rồi. Mùa đông tôi

          ủ cậu vào lòng, lúc chăn bò,nướng chuột.

TÔI: Và cả lúc uống cà phê ngó mưa trên sông Hàn, nhớ nhà.

LỬA: Mình còn chu du với nhau trong hò vè. Trong chát sống.

         Trong thần chú bọn đạo chích. Cả say. Cả không say.

TÔI: Đọc ngụ ngôn thấy con rắn phun cậu vào lòng thiện.

          Thắng thiên.

LỬA: Cái ác cũng phải có mặt. Mới công bằng.

I: Xạo!

 

Mùa mưa tới rồi.

Tôi nói với mảnh gốm hãy ở lại đây. Không có gì nướng

thì ngửa mặt ngó theo mây. Cho đỡ cù lần với lửa à!

 

 

20

 

Tôi choàng đêm trăng xanh. 10/1/2001(*).

Có một vệt sáng xa mờ. Trong cái chảo đen nguyệt thực.

 

NGUYỆT THỰC:Hãy tin vào chữ.

TÔI: Ánh sáng trong bóng tối là hạt mầm tôi mới gieo.

          Vào gió mặn. Vào cỏ xuân. Rậm.

NGUYỆT THỰC: Hãy tin vào chữ.

TÔI: Một màu đêm trắng dã. Cô độc.

           Như thể lần sau cùng như thể lần đầu tiên.

NGUYỆT THỰC: Chớ hãi ngăn sông cấm chợ, nó trong

                                  hốc sọ ngươi.

TÔI: Có quá nhiều lớp cá gỗ hậu Tự Lực.

          Trên kệ sách. Trên các vuông chiếu. Mê mê. Tỉnh tỉnh.    

NGUYỆT THỰC: Rặt món bùa đặt hàng ve chai cháo lú.

TÔI: Vẫn phải hy vọng.

NGUYỆT THỰC: Cỏ rậm chỉ tốt cho gia súc.

                                  Cho bọn đi bắt rắn.

TÔI: Hóa ra, toàn chuyện thằng Cuội dắt mũi chị Hằng.

TÔI: (nói thêm) Bậy!

 

Khi choàng dậy. Tôi phải lòng một vệt sáng gì, như trăng non.

Bên giấc ngủ say thành tiếng của Hoàng.

 

  *Ngày sinh thứ 55 của tôi.

 

 

21

 

Và mốc.

Và đen.

Và không màu.

Náo loạn!

Tất cả tự đồng phục. Tự đánh số. Tự xếp hàng.

A lê hấp! cùng nghĩ cùng vặt lông bói chữ.

 

CHỮ:Tôi thấy có mấy anh lớp trước tô chữ hăng lắm.

TÔI: Đừng quy kết. Chỉ là bụi vung, thay rằm.

CHỮ: Người ta giăng dây chống mù. Rồi mếu.

             Biết là mấy ảnh hăng vờ.

TÔI: Khỉ!

CHỮ: Mấy ảnh treo đầu dê. Dê thật. Gần chết rồi mới khai.

TÔI: Khỉ!

 

Buổi chiều nhá nhem. Thằng em này ngồi chầu rìa quanh

nồi lẩu mùi riềng lá thủ địt với mấy bác phó (được xét cấp

sổ văn mậu… dịch).

Rồi bão táp ngoài kia. Rồi lũ cuồng. Lửa quét.

Thơ gật gù đau khổ với nhân dân.

 

 

22

 

Bỗng dưng lạc giữa triền biên.

Gặp nhau câu chữ hồn nhiên quá chừng.

Tôi cười. Theo cách khỉ người.

Khóc. Như cây khóc.

Giữa rừng. Không cây.

 

RỪNG: Khỉ cười thật. Người cười mếu.

TÔI: Còn cây thì tuyệt tự! Chờ?

RỪNG: Thương lòng dạ cái ngõ trúc cụ Yên Đỗ.

TÔI: Mấy câu thơ cũ, một đồi gió hoang!

RỪNG: Vậy là anh đã tự gieo sa mạc vào anh rồi.

TÔI: Khỉ thật!

 

Buổi trưa hôm đó.

Như gã thất tình, bên cột biên ba nước Đông Dương.

Tôi lặng lẽ chờ một bóng chim lạc. Vắng không!

 

 

23

 

Cụ bà trên mái rêu, thổi vào con gà đất mắt cụ bà mắt

ướt theo thói đời tìm thóc cùng chú Ba dậy mùi sủi cảo

lê bước phản Thanh phục Minh.

 

FAIFO: Thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn, ông có siêng đi

                cũng không đi hết tiếng rao.

TÔI: Đi làm gì cho mệt rêu xanh.

FAIFO: Đã có mắt phố trông chừng.

TÔI: Trông ai? Đã hoàn hảo cả rồi.

           Lồng đèn, cờ quạt, tranh chép, giỏ xách, vải vóc…

           Cả “đô xanh” nữa! Hêlô. Helô…

FAIFO: Ông lạc hậu quá! Trông mấy em thơm phức

               đứng ve hàng.“Cao nầu, bắp lướng, bánh bột

   nọc… ơi ới” kia kìa.

TÔI: Này, cậu nói cho có văn hóa chút đi!

          Tôi “mét” với cụ Nhất Linh cho mấy roi Tự Lực bây chừ.

FAIFO: Xì! tôi có đào bới chữ nghĩa như các cụ đâu mà tôi sợ.

TÔI: Đồ liều!

 

Đúng là Faifo của tôi liều thật, hoạt bát như máy đếm tiền.

Sướng rên!

 

 

24

 

Có thể còn hơi sớm.

Để viết ra điều này.

Trước khi được phủ lên cái màu trăng lờ mờ cho tôi khép

lại ánh hoàng hôn… Từ biệt.

 

BÁO MỘNG: Một dự án rất khả thi.

TÔI: Trên con thuyền vô tận. Ai cũng phải tự thi công.

BÁO MỘNG: Anh cũng từng đến đó. Giữa cơn mê ban ngày.

TÔI: Thế giới kia là thế giới nào?. Hả cậu.

BÁO MỘNG: Đừng tin vào các giáo chủ.  

            Đến, rồi sẽ… biết.

 

Tôi chỉ có thể luận vu vơ trong cơn ấm đầu bất chợt.

Rồi quên.

Quên ngay!

Nhờ quên mà tôi ngửa mặt cười như cái mặt nạ châu Phi.

                                     Đ.H.G