Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

ChatGPT: Ảo vọng toàn năng và tương lai toàn trị

Nguyễn Hữu Liêm

(TS Nguyễn Hữu Liêm đánh giá cơn sốt ChatGPT hiện nay từ góc độ triết học để hình dung đến một nước Việt Nam vào năm 2030).

Trong cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, (2017), sử gia Do Thái Yuval Noah Harari viết rằng giống loài nhân loại Homo sapiens như là chúng ta biết đã đi hết giai thời của nó và sẽ trở nên vô nghĩa trong tương lai. Bởi vì công nghệ điện toán thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence (AI) – sẽ giải quyết hầu hết những vấn nạn mà con người thời nay đang cố tìm câu trả lời.

Theo đó, trong thế giới AI, sẽ có hai tôn giáo mới ra đời, không phải xuất phát từ sa mạc Trung Đông hay đỉnh núi tuyết Hi Mã Tây Tạng, mà là từ trong các phòng thí nghiệm điện tử ở vùng Thung lũng Silicon San Francisco.

Tôn giáo thứ nhất là techno-humanism (nhân loại kỹ thuật), và thứ hai là data religionDataism (tôn giáo dữ kiện). Hai tôn giáo này sẽ tạo ra một thể loại con người thượng đế – Homo deus – một giống dân siêu việt kiến lập bằng hệ thống algorithms không có ý thức, vô đạo đức và vô cảm. Giống dân Homo-deus này không những sẽ là chúa tể địa cầu mà còn sẽ làm chủ ngay cả thái dương hệ – theo Harari.

THÔNG MINH NHÂN TẠO VÀ ẢO VỌNG SIÊU NHÂN

Thế là giấc mơ Ubermensch (Siêu nhân) của Nietzsche đã có cơ hội hiện thực hóa. Nếu ai đọc Nietzsche – như phong trào triết học hiện nay ở Việt Nam – thì sẽ nhớ đến một đoạn trong cuốn “Khoa học Hạnh phúc” (The Gay Science) rằng, “Ta đi tìm Chúa! Ta kiếm Chúa!”. Thế nhưng “Chúa đã chết. Chúa vẫn chết. Và chúng ta đã giết ngài!”. Thế thì ai sẽ thay Chúa?

Theo Nietzsche thì sau Chúa sẽ có một giống siêu nhân xuất hiện. Họ là overman – mẫu người đã vượt qua chính mình và giáo điều Thiên Chúa giáo. Giống siêu nhân này là thứ người cuối cùng – the last man – không còn bị chế ngự bởi tinh thần yếu đuối đầy sợ hãi như nhân loại đang là. Kẻ siêu nhân sẽ là chúa trời cho chính hắn. Họ là những con người toàn năng, toàn trí – omnipotent and omniscient – như Thiên Chúa giáo diễn tả Chúa Trời theo giáo điều cổ điển.

Ngày nay, con người toàn năng toàn trí mà Thiên Chúa giáo và Nietzsche mơ ước đang xuất hiện ở chân trời. Đó là những người sống trong thế giới AI – và bước đầu cho buổi bình minh siêu nhân đó đang được khởi động bởi ChatGPT.

ChatGPT là một bộ óc hoàn vũ đang được hoàn thiện, thông thạo hầu hết các thứ tiếng, mang số vốn kiến thức bao trùm mọi lãnh vực với một kỹ năng suy nghĩ nhanh như ánh sáng và có câu trả lời tức thì cho kẻ tham vấn. Đây là một cơ năng cận toàn trí – near-omniscient – mà nhân loại hằng mơ ước. ChatGPT trên nhiều bình diện còn ưu việt hơn là Chúa Trời. Nó biết lắng nghe câu chất vấn và cho câu trả lời – thay vì như thảm cảnh các tín đồ tôn giáo cầu nguyện mà không bao giờ được biết là Chúa đang nghĩ gì.

Cho những ảo vọng siêu hình tôn giáo xưa nay thì bây giờ AI qua ChatGPT đã biến thành khả thể thực tại. Nó là một thần đế vô tư, không thiên vị, không phân biệt đối xử, không màng bị đánh thức lúc hai giờ sáng để kiên nhẫn lắng nghe kẻ thao thức truy tìm và nhanh chóng trả lời hàng trăm câu hỏi trên nhiều lãnh vực mà phần lớn là vớ vẩn và lạc đề.

Nhân loại từ cổ chí kim luôn nuôi một ước vọng siêu hình lớn. Đó là ảo tưởng trở nên Thượng đế toàn năng, toàn trí, toàn thiện. Tôn giáo là gì nếu không phải là hiện tượng từ ảo vọng như thế. Ước mơ đó đã trở thành những dự án Chúa Trời – the God projects. Tuy nhiên, các dự án siêu nhiên qua thần linh, theo quan điểm của người thời nay, là một hiện tượng vô minh, thiếu hiểu biết trên cơ sở khoa học thực nghiệm.

Ngày nay, AI, bằng ChatGPT, sẽ thay thế thần linh đầy thiên vị bằng một Thiên Chúa vô ý thức, vô cảm, không dối trá, vượt qua luân lý đạo đức thế gian, nhằm cung ứng câu trả lời cho kẻ đi tìm kiến thức thế gian. Chúa tể kỹ thuật AI là một Techno-deus – một bước nhảy vọt, không những chỉ về phương diện kỹ thuật, mà là một tiến bộ lên cấp, một khúc quanh văn minh nhân loại đang bước vào.

LƯỜI BIẾNG LÀ ĐỊNH MỆNH

Ngoài ước vọng siêu hình, giống Homo-sapiens hiện nay đang mang một bệnh lý lớn. Đó là bệnh lười biếng. Vì vậy, căn bệnh này biến con người thời đại thành một hiện tượng vô minh tự áp đặt cho mình – the self-imposed ignorance. Thay vì gia công tìm tòi, học hỏi, tra cứu bằng nỗ lực tự thân, người thời nay chỉ ước mơ trong ảo vọng được trở nên kẻ toàn trí với kiến thức vô hạn, bao trùm. ChatGPT là cơ năng gần như hoàn hảo nhằm vén bức màn vô minh tự có cho trí thức lười biếng. Kẻ trí nhàn rỗi khi sử dụng ChatGPT không cần chân lý vì hắn không cần biết đúng hay sai – hắn chỉ tin vào cái gì mà AI trả lời.

Trong cõi ChatGPT, định mệnh cá nhân không nằm nơi ý Chúa – mà là ở nơi bản sắc và nội dung nghi vấn mà hắn tự nêu. Vấn đề là vậy. Khi tri thức không có khả năng đặt câu hỏi đúng cách, hắn sẽ nhận được những đáp án tương tự. Câu hỏi sai thì câu trả lời phải sai. Không có chân lý cho kẻ thiếu ý thức về sự thật. Khi kẻ chất vấn đang còn ở thể trạng vô minh thì từng câu hỏi sẽ tự nó được ChatGPT nhân đôi cái vô minh đó bằng đáp án.

Từ đó, kẻ lười biếng – qua ChatGPT – trở nên một nạn nhân của chính mình với trình độ tham vấn qua cung cách truy cứu. Cuộc đời với hắn không còn là một câu hỏi lớn, nhưng chỉ là một tổ hợp những vấn đề sai lạc vô vị mà chính hắn không hề biết đến. Kẻ sử dụng ChatGPT là một bi kịch gói kín, không những chỉ từ tình trạng vô minh tự áp đặt, mà từ thói quen lười biếng chỉ biết nằm gốc gây chờ sung rụng vào mồm.

NHÀM CHÁN VÀ CÁCH MẠNG

Thêm nữa, con người phố thị ngày nay mang thêm một bệnh lý thời đại khá phổ biến. Đó là bệnh nhàm chán – boredom.

Francis Fukuyama, một tác giả Mỹ, trong “The End of History and the Last Man” (Chung cuộc lịch sử và con người tối hậu) (1992) cho rằng, có lẽ căn bệnh nhàm chán sẽ là động cơ lớn lao và duy nhất cho cuộc cách mạng chính trị kế tiếp – vì nhân loại hôm nay đã tìm ra hết câu trả lời, ít nhất là trên bình diện ý thức hệ.

Fukuyama phiên giải triết học Hegel và Kojève để cho rằng lịch sử đã chấm dứt vì trên đấu trường ý hệ, chủ nghĩa dân chủ đa nguyên đã thắng cuộc. Con người chỉ còn bận rộn với đời sống hằng ngày, lo toan cho khoái lạc thân xác và cảm xúc. Con người tối hậu như Nietzsche từng nói đến, không phải là những Ubermensche mà chỉ là những động vật trong một chuồng sở thú lớn được nuôi dưỡng bằng những thể chế chính trị và kỹ thuật bởi giai tầng ưu tú, đầy quyền lực kinh tế.

Tức là, con người ngày nay không còn như các chiến sĩ cách mạng thưở xưa khi họ còn mang ước mơ và đấu tranh cho công lý và hạnh phúc. Lịch sử đã hoàn tất chức năng tra hỏi chân lý. Tức là không ai hỏi gì và không cần truy vấn. Những câu hỏi lớn biến mất và đã trở nên vô nghĩa.

Theo Fukuyama và Kojève, công dân trong các thể chế đa nguyên cứ tưởng rằng chân lý đã trong tay họ – nhưng không ý thức được rằng họ chỉ là những biến số dữ kiện trong một guồng máy khổng lồ. Tất cả hình thái sinh hoạt nhân gian, tự bản chất chính trị và xã hội được coi là tự do, vẫn chỉ lập lại tình huống của các thể chế phong kiến và độc tài toàn trị cổ điển. Ở đó, cá nhân đi từ số không thần dân vô nghĩa để chỉ cuối cùng đến được bến bờ của con số không lớn lao hơn trong chính trị công dân.

Có nghĩa rằng cá nhân ngày nay chỉ là một biến số thống kê – a statistical variable – vô nghĩa. Như những con hổ tự cao, tự huyễn trong chuồng sở thú – Fukuyama diễn tả – đến mỗi bữa, chủ nhân sẽ quăng cho miếng thịt béo để ăn và nằm nghỉ trong lười biếng và nhàm chán. Trên nệm cỏ êm ái, kẻ trí thức dân chủ, qua vai trò công dân chính trị, nay đã bị ám thị, tự cho mình là được tự do. Để rồi nhàm chán kéo họ vào thế giới ảo, đi tìm khích động qua các trang nhà tính dục hay bạo động. Họ tìm đến các videos tả cảnh làm tình, hay coi phim chiến tranh, du đãng bạo hành nhằm giải trí cho hết thời gian rảnh rỗi. Như thế, nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ luôn cảm thấy thiếu sót cái gì đó. Ý nghĩa cuộc đời, hay quan hệ xã hội? Điều mơ ước không còn giản dị và cũng rất mơ hồ.

Khi Fukuyama và Harari viết về công nghệ điện toán và con người tương lai thì ChatGPT chưa hiện hữu. Bây giờ thì thiên hạ khắp nơi – nhất là ở Việt Nam – đang hối hả bước vào vũ trụ AI mới này để đùa giỡn với chính mình bằng những câu hỏi vô nghĩa. Xong rồi họ khoe lên trên mạng cái ngớ ngẩn của nội dung sinh hoạt đối thoại đầy thử nghiệm này.

CỘNG HÒA XÃ HỘI VIỆT NAM 2030

Có một chế độ toàn diện và thâm thúy hơn đang xuất hiện ở chân trời nước ta – và cả thế giới. Đó là thể chế kỹ-chính trị – the techno-politics. Trong thể chế này, công dân không những được gắn chip điện tử vào thẻ căn cước, xe cộ, điện thoại – mà sẽ được cài chip vào trong bộ não – chip brain-implant. Với kỹ thuật kiểm soát não bộ, chính quyền hiệu năng của Đảng ta sẽ không những chỉ theo dõi cá nhân trên bình diện không gian, vị trí, chữ viết, ý kiến trên mạng, sinh hoạt hằng ngày, mà còn truyền trao tư duy và cảm xúc cho họ qua công nghệ chuyển tải dữ liệu và tín hiệu bằng AI.

Ngày trước Giáo hội tôn giáo chỉ kiểm soát linh hồn con chiên, nay Đảng ta sẽ làm chủ luôn tư duy, cảm xúc công dân. Đó là viễn cảnh về một Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào năm 2030 – như Tổng Trọng đang mong mỏi. Chế độ kỹ-chính trị đó sẽ tạo dựng từng cá nhân theo khuông thức công dân gương mẫu. Vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị toàn diện – nhưng là một chế độ kỹ trị tân tiến.

Từ Hà Nội, hay ở một căn cứ mật khu, một trung tâm dữ liệu AI quốc gia với các chuyên gia điện toán sẽ thay thế loa phường và báo Nhân Dân hay Tuổi Trẻ, Thanh Niên, hoặc là VTV truyền tải chỉ đạo của Bộ Chính trị vào từng não bộ nhân dân.. Cán bộ, đảng viên không còn cần thiết. Nếu có, họ sẽ đều trong veo về đạo đức, không còn mang ý chí mẹ nó, sợ gì.

Mỗi người dân sẽ không còn phải học tập đạo đức và tư tưởng, phong thái Hồ Chí Minh – mà nay đã là mẫu công dân cộng sản, đầy hạnh phúc, làm theo gương Bác, lắng nghe và quán triệt chấp hành ý chí và nghị quyết Đảng một cách máy móc, tự nhiên, vô ý thức. Mỗi nghị quyết chính trị ban hành sẽ được tải thẳng vào đầu óc công dân cả nước. Không ai phải tham dự các buổi họp dài lê thê nhằm quán triệt nội dung. Cá nhân nhận được nội dung nghị quyết Đảng như là được uống cốc bia lạnh giữa trời nắng nóng. Hạnh phúc được ban phát chan hòa trên khắp các nẻo đường đất nước. Marx sẽ cười to và không còn trăn trở trong nấm mồ ở Vương quốc Anh.

BÁC TRỌNG, PHẬT, CHÚA CHẮC CŨNG SẼ MỈM CƯỜI

Khi đó, Ta và Đảng sẽ không còn là hai thực thể tách rời. Mà trái lại, Ta và Đảng chính là Đảng-Ta. Ta là Đảng; Đảng là Ta. Cả hai chỉ là một. Cá nhân không còn bất mãn công lý, không còn đòi hỏi gì hơn. Lý tưởng chính trị dân chủ, đa nguyên trở nên vô nghĩa và không cần thiết. Đức tin vào Đảng sẽ là tuyệt đối – như kẻ tín đồ ngày xưa tin vào sự dung hóa giữa Ta và Chúa.

Chúa Trời – tức là niềm kính yêu dành cho Đảng-Ta – nay đã ngự trong tim nhân dân. Tập thể quốc dân là một khối tân tòng thuần khiết và trong veo. Họ sẽ thay ngôn từ kinh Phật Chúa và biểu tượng, hình ảnh tôn kính bằng chân dung Bác Hồ và Tổng Bí thư đương nhiệm. Chùa và thánh đường là những trụ sở đảng bộ địa phương. Lời kinh nguyện cầu sẽ là dòng khẩu hiệu vinh danh Đảng đang được treo đầu làng. Thưở ấy, lành thay, có lẽ khẩu hiệu đỏ vàng sặc sỡ hoa hòe tốn kém khắp đất nước cũng sẽ không còn cần thiết nữa.

Vào năm 2030, với thể chế kỹ-chính trị của Đảng-Ta, con người Việt Nam sẽ không còn cần đến ChatGPT từ công nghệ AI nữa. Vì các câu hỏi nay không cần thiết mà đã biến mất. Không những lịch sử quốc gia đã chấm dứt, mà chân lý cũng không còn.

Cá nhân công dân Việt Nam lúc này đã là tân thần dân kỹ-chính trị. Họ sẽ không còn khổ đau để trăn trở hay mang cao vọng nào. Tất cả sẽ được thỏa mãn – từ kinh tế, chính trị, xã hội, đến thân xác, ý thức. Thế gian nay là thiên đàng.

Lúc ấy, không những chỉ có bác Hồ, bác Trọng, mà cả Phật và Chúa chắc sẽ mỉm cười mãn nguyện ở nơi cõi cao. Amen!

NHL