Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Bài thơ Mép rìa (Edge) của Sylvia Plath dưới ánh sáng huyền thoại

Nguyễn Hồng Anh

MÉP RÌA

(Sylvia Plath)

              

Người đàn bà đã được hoàn thiện

Cái xác

 

Chết của bà khoác nụ cười thành tựu,

Ảo ảnh của một nhu cầu Hy Lạp

 

Chảy trong những hoa văn cuộn trên tấm áo choàng,

Hai bàn chân trần

 

Dường như đang nói:

Chúng ta đã đi xa lắm rồi, thế là xong.

 

Mỗi đứa con chết cuộn tròn, một con rắn trắng,

Mỗi con một bình sữa nhỏ

 

Bây giờ cạn không.

Bà đã cuốn

 

Chúng trở lại vào thân mình như những cánh hoa

Của một bông hồng khép lúc khu vườn

 

Cứng lại và các mùi hương chảy máu

Từ những cái họng ngọt và sâu của bông hoa đêm.

 

Trăng chẳng có gì mà phải buồn,

Trân trân ngó xuống từ cái mũ trùm bằng xương

 

Trăng đã quen với loại việc thế này,

Áo tang của nó rạn vỡ kéo lê

 

(Hoàng Hưng dịch)

 

EDGE

(By Sylvia Plath)

 

The woman is perfected.  

Her dead

 

Body wears the smile of accomplishment,  

The illusion of a Greek necessity

 

Flows in the scrolls of her toga,  

Her bare

 

Feet seem to be saying:

We have come so far, it is over.

 

Each dead child coiled, a white serpent,  

One at each little

 

Pitcher of milk, now empty.  

She has folded

 

Them back into her body as petals  

Of a rose close when the garden

 

Stiffens and odors bleed

From the sweet, deep throats of the night flower.

 

The moon has nothing to be sad about,  

Staring from her hood of bone.

 

She is used to this sort of thing.

Her blacks crackle and drag.

 

*

Sylvia Plath là một nhà thơ nữ người Mỹ, sinh năm 1932. Cuộc đời của bà từ tuổi thiếu niên cho đến khi lập gia đình đẹp như một bản tình ca với nhiều những giải thưởng thơ vinh danh một tài năng trẻ, với thành tích học tập xuất sắc, với một người chồng lí tưởng là một nhà thơ Anh và hai đứa con xinh xắn. Nhưng kết thúc bản tình ca mùa xuân ấy lại là một nốt bi ai của mùa đông lạnh lùng. Sau khi bị chồng phản bội, bà đã tự tử bằng khí ga tại nhà năm 1963. Trái với phần lớn cuộc đời tươi đẹp, thơ bà cũng như con người bà, luôn ẩn chứa và dự báo một cái gì đó khủng khiếp. Mãnh liệt nhưng bất ổn, thách thức và mê đắm, sắc sảo lẫn ma quái là phong cách thơ của bà.

Bài thơ Mép rìa được sáng tác chỉ trước khi bà tự tử sáu ngày. Bài thơ cho thấy rõ thế giới nghệ thuật riêng biệt của Sylvia Plath và những quan niệm thẩm mỹ về thế giới. Tràn ngập bài thơ là những hình ảnh đóng vai trò như những cổ mẫu (archetype) nối kết điểm nhìn hiện tại với kinh nghiệm thẩm mỹ của quá khứ. Những cổ mẫu ấy đã dựng nên một thế giới huyền thoại trong thơ của Sylvia.

1. Giới thiệu nhân vật trữ tình

Nhân vật trữ tình xuất hiện ngay từ những dòng thơ đầu tiên:

Người đàn bà đã được hoàn thiện.

Cái xác

Chết của bà khoác nụ cười thành tựu

Ảo ảnh của một nhu cầu Hy Lạp

Có ba mã thông tin người đọc sẽ cần ghi nhận trong hai đoạn thơ trên, đó là người đàn bà, cái xác chết một nhu cầu Hy Lạp. Nếu đặt cả ba mã thông tin trên trong cùng một trường liên tưởng thì ta sẽ nhận ra ngay lập tức tác giả đang muốn ám chỉ đến câu chuyện nào. Một trong những nhân vật nữ nổi tiếng nhất của bi kịch Hy Lạp là Medea trong vở kịch cùng tên của Euripides, người phụ nữ cuồng dại trong ý chí trả thù người chồng bội bạc đã xuống tay giết chính hai đứa con ruột của mình. Bản thân câu chuyện ấy được Euripides rút ra từ thần thoại Hy Lạp và trong bài thơ này, Sylvia Plath lại vận dụng câu chuyện ấy từ bi kịch của Euripides. Áp dụng cổ mẫu nhưng nhà thơ đã tạo ra độ lệch pha giữa truyện xưa và hình ảnh người đàn bà hiện đại trong bài thơ. Sự lệch pha là tính chất đương nhiên mà cổ mẫu tạo ra trong những sáng tác hiện đại. Vậy độ lệch ấy trong bài thơ này là gì? Người đàn bà Hy Lạp quằn quại giữa tình yêu và thù hận, giữa giận dữ và đau đớn chính là biểu tượng mang tính cổ mẫu về dạng thức con người sống bên mép rìa. Khi tồn tại bên mép rìa, tức đỉnh cực mong manh nhất phân giới thái cực bên này và bên kia, con người luôn ẩn chứa một sức mạnh tinh thần mang tính bản năng, cái sức mạnh hầu như lấn át cả lí trí, và tại đó sẽ diễn ra một cuộc đấu tranh dữ dội trong bản thân mình. Nội dung ấy vẫn tồn tại – vẫn là hình ảnh người đàn bà mang bi kịch Medea – nhưng tính chất đã đổi khác, nhân vật không đứng ở mép rìa mà đã bước hẳn sang một phía, đã “hoàn thiện” và “thành tựu”. Nếu hiểu mép rìa ở đây phân chia sự sống và cõi chết thì hóa ra cái mép rìa mà tác giả đặt giả thiết là có từ ngay nhan đề bài thơ lại bị triệt tiêu từ dòng thơ thứ nhất, vì lẽ:

Người đàn bà đã được hoàn thiện

Nên hiểu thế nào là “hoàn thiện” (“perfected”) và tại sao lại đạt được sự hoàn thiện ấy? Vì bà đã chết. Bản thân cái chết không phải là sự hoàn thiện mà chính nó đưa đến sự hoàn thiện cuộc đời của người đàn bà. Cái chết là mắt xích cuối cùng làm cho cuộc đời của người đàn bà đạt đến điểm cuối cùng hoàn thành một chu trình sống. Như vậy lớp nghĩa thứ nhất đã được định hình: “perfected” chính là completed (hoàn thành, xong).

Một mã thông tin khác buộc người đọc chú ý là hình ảnh “nụ cười”. Một cái xác biết cười khiến người ta liên tưởng đến tính chất carnaval mà Bakhtin đã từng phát hiện trong Con đầm pích của Puskin và Tội ác và hình phạt của Dostoevski. Nụ cười trong bài thơ này ắt hẳn cũng không nằm ngoài mục đích giễu nhại. Đó là nụ cười mang tính phản đề của sự “thành tựu”, “hoàn thiện vừa nêu ra ở trên, cười cợt sự hoàn kết mà người đàn bà – nhân vật trữ tình – vốn tự hào.

Lần thứ ba, sự xong xuôi, hoàn kết được lặp lại, một cách rõ ràng hơn:

Chảy trong những hoa văn cuộn trên tấm áo choàng

Hai bàn chân trần

Dường như đang nói:

Chúng ta đã đi xa lắm rồi, thế là xong

Từ “over” có nghĩa là kết thúc, cũng tức là completed. Một khi đã nhắc đến tính chất xong xuôi, mà lại nhấn mạnh đến ba lần, có nghĩa là chủ thể đã phải trải qua một hành trình đầy mệt mỏi. Điều đó lại càng cho thấy tính giễu nhại của nụ cười ở trên: sự hoàn thiện hóa ra chỉ đạt được bằng việc chấm dứt một hành trình mệt nhoài đầy bi kịch của người đàn bà. Hành trình đó đã được ám dụ trên chính thân thể người đàn bà, thành dòng máu chảy từ tấm áo choàng xuống đến đôi bàn chân.

2. Nhân vật trữ tình trong thời gian

Trở lại với bi kịch Medea, ta nhớ lại câu chuyện mẹ giết con vì người chồng bội bạc, giết con là hành động cực đoan giải tỏa ẩn ức (libido) nhưng đồng thời cũng là hành động khẳng định cá tính và ý thức mẫu quyền. Plath đã dựng trở lại tấn kịch ấy ở những dòng thơ tiếp theo:

Mỗi đứa con chết cuộn tròn, một con rắn trắng,

Mỗi con một bình sữa nhỏ

Bây giờ cạn không

Bà đã cuốn

Chúng trở lại vào thân mình như những cánh hoa

Ở lớp nghĩa bề mặt, rõ ràng hiện ra hình ảnh người mẹ đầu độc những đứa con của mình. Nhưng cũng giống như Euripides xây dựng bi kịch Medea không nhằm lên án một tội ác khủng khiếp mà muốn khẳng định sức mạnh tinh thần, muốn người xem “đồng cảm với cái gì là cao thượng, là khẳng định, là cốt tử ở trong con người đang đau khổ” (Hegel. Dẫn lại theo Phan Thu Hiền – Thi pháp học cổ điển Ấn Độ), ẩn đằng sau những dòng thơ này của Sylvia Plath cũng chứa đựng một dạng bi kịch thuộc loại như thế. Đó là dạng bi kịch mang tính thời gian. Cái tư thế chết “cuộn tròn” của mỗi đứa con và hành động “cuốn chúng trở lại vào thân mình” của người đàn bà đã phá vỡ thời gian thực tại, phá vỡ thời gian hữu thể để tái hiện trở lại thời gian của sự khai hoa nở nhụy. “Cuộn tròn” là tư thế của bào thai nằm trong bụng mẹ, và có lẽ cuốn nhau thai đã được nhà thơ hình tượng hóa thành “con rắn trắng”. Những đứa con chết trở lại thành những bào thai người đàn bà mang trong mình, tựa hồ cái chết chính là cỗ máy thời gian đưa mọi thứ trở lại điểm khởi đầu cuộc hành trình. Người đàn bà tạo ra cuộc sống cho con mình và cũng tự tay chấm dứt nó, để trả mọi thứ lại như ban đầu. Sự hoàn kết do đó thực ra là sự trở về trước khi có sự sống. Như vậy “perfected” còn mang một lớp nghĩa thứ hai là renew, làm mới lại, khôi phục lại trạng huống ban đầu. Người đàn bà này đã mang một bi kịch không thể giãi bày nên trước khi tự sát đã tự huyễn hoặc mình vào những ảo ảnh vô lối thoát. Tác giả đã biện minh cho hành động khủng khiếp của nhân vật trữ tình của mình là sự hoàn thiện – một kiểu hoàn thiện vượt thời gian, đầy phi thực.

Những câu thơ sau tiếp tục tạo nên một trường liên tưởng khác: trường liên tưởng về đóa hoa trong vườn, bên cạnh trường liên tưởng về bào thai:

Của một bông hồng khép lúc khu vườn

Cứng lại và các mùi hương chảy máu

Từ những cái họng ngọt và sâu của bông hoa đêm

Syvia Plath đã biến cải hoàn toàn tính chất biểu tượng của đóa hoa trong vườn – thường mang nội dung của tình yêu dục tính (sexual love) – bằng cách thêm mùi hương (“ngọt”), màu sắc (“máu”) và tính chất (“cứng”, sâu”) vào hình ảnh thơ để biến nó thành biểu tượng ngọt ngào và quyến rũ của cái chết. Ở thời điểm thời gian phi thực không rõ quá khứ hay hiện tại ấy, những đứa bé được đồng nhất với hình ảnh cánh hoa, còn người đàn bà là bông hoa khép cánh về đêm. Trong thời gian bị đảo lộn, vẫn có một điểm thời gian được xác định, là đêm. Thời điểm đêm trở thành thời gian chết chóc, cái chết hiện hình sinh động từ thị giác đến vị giác và xúc giác. Chính thời điểm đêm này là duyên cớ để cho nhân vật thứ ba (sau người đàn bà và những đứa trẻ) xuất hiện trong bài thơ, đó là trăng.

3. Nhân vật trữ tình trong không gian

Trăng sẽ chỉ là một hình ảnh nghệ thuật thông thường nếu không có cái nhìn trân trân và vẻ lạnh lùng đến rợn người đã biến nó trở thành một cổ mẫu:

Trăng chẳng có gì mà phải buồn,

Trân trân ngó xuống từ cái mũ trùm bằng xương

Trăng đã quen với loại việc thế này,

Áo tang của nó rạn vỡ kéo lê

Trăng ở đây là cổ mẫu, vì nó liên quan đến hình ảnh một vị thần Hy Lạp cổ: nữ thần Artemis, vị nữ thần có nhan sắc tuyệt trần nhưng khước từ mọi ái ân trần thế, vị thần Mặt trăng với ánh sáng trong trẻo được người ta liên tưởng tới vẻ đẹp trinh tiết nhưng cũng quá đỗi lạnh lùng trước mọi tình cảm thế gian. Trăng trong liên tưởng đến những phẩm chất ấy đã phủ trùm lên cơ thể chết của người đàn bà thứ ánh sáng trắng lạnh lẽo, ma quái mà nhà thơ đã hình tượng hóa thành “áo tang và “cái mũ trùm bằng xương” . Xét ở khía cạnh y học, trăng luôn có một tác động kì lạ đến tâm lí của con người, đặc biệt là những người mắc bệnh thần kinh (không phải ngẫu nhiên mà từ lunatic – người điên – lại có nguồn gốc từ từ lunar – mặt trăng), nên giữa không gian khu vườn đêm, trong bối cảnh đầy tính bi kịch của những cái chết nối tiếp nhau thì việc hình dung thấy trăng với “chiếc áo tang của nó rạn vỡ kéo lê” lại là một hình dung rất thực hiện lên trong tâm trí của người quan sát.

Trở lại với cổ mẫu – hình tượng trăng – nó đóng vai trò là tấm gương phản chiếu chất bi kịch của người đàn bà chính vì những tính chất vô cảm, cô độc, trong trẻo của nó. Để thoát khỏi bi kịch, người phụ nữ phải giữ mình tách ra khỏi tình yêu, giữ lấy sự cô độc và trong trẻo để đạt đến tính nữ hoàn hảo – không có con đường nào khác dẫn đến mục tiêu ấy ngoại trừ cái chết. Chính cái chết sẽ khiến người đàn bà đạt được nữ tính hoàn hảo. Đó là ý nghĩa thứ ba của sự “hoàn thiện mà nhà thơ đã đặt ra ngay từ dòng thơ thứ nhất. Như vậy, “perfected” còn có nghĩa là have a perfect womanhood, đạt được tính nữ hoàn hảo.

*

Cả bài thơ dường như được triển khai theo kiểu nêu định đề và chứng minh nó. Định đề ở đây hiển nhiên là sự “hoàn thiện” và cách thức dẫn đến hoàn thiện chính là cái chết. Trở lại với nhan đề bài thơ: Mép rìa, ban đầu ta khẳng định rằng dường như nhà thơ đã đặt ra một mép rìa rồi phủ định ngay nó vì người đàn bà – nhân vật trữ tình của bài thơ – đã bước qua phía bên kia của mép rìa giữa sự sống và cái chết, tức người đàn bà đã chết, đã được “hoàn thiện”. Nhưng đến cuối bài thơ, xuất hiện một chủ thể quan sát mà mỗi sợi thần kinh đều căng như những sợi dây đàn khi quan sát không gian khu vườn về đêm, thì ta hiểu có thể chủ thể ấy cũng chính là người đàn bà và cái chết ban đầu chỉ là sự hình dung, tưởng tượng trong tâm trí. Như vậy tức là người đàn bà vẫn đứng trên mép rìa, vẫn đang đấu tranh giữa sự sống và cái chết – một cuộc đấu tranh không hề cân sức và cũng không mấy dằn vặt lương tri vì ưu thế đã nghiêng hẳn về phía cái chết. Mép rìa đã sụp đổ và cái chết từ câu chữ đã thực sự hiện hình. Cho đến lúc này, ta mới dám đặt một dấu hỏi về tính đồng nhất tuyệt đối giữa nhân vật trữ tình trong bài thơ và tác giả, người đã chọn cái chết sau khi hoàn thành bài thơ này không lâu.