Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Đã có Toàn tập, vẫn còn những bài thơ lưu lạc có nguy cơ mất hẳn!

Lại Nguyên Ân

(Bài viết từ ba năm trước, chả báo nào dám đăng)

Ngồi nhà những ngày phong tỏa vì đại dịch, lật giở đôi trang sách cũ, có lúc chợt nhận ra được đôi chỗ khuyết thiếu mà từ ngày nào đã không thấy!

Dừng lại ở thơ của Nguyễn Bính (1918-1966), tôi nhớ đã từng có ý định soạn một tập gồm những bài thơ có vẻ như chưa từng được đưa vào tập sách nào, nhất là những bài từng đăng các báo Hà Nội ngay những tháng ngày mới tiếp quản, đầu năm 1955.

Nhưng rồi lại nghĩ đến những tập thơ mà Nguyễn Bính đưa in từ đó về sau như “Đồng Tháp Mười” (1955), “Trả ta về” (1955), “Đêm sao sáng” (1962), biết đâu chính tác giả đã đưa những bài thơ lẻ này vô đó rồi? Muốn làm rõ, ắt phải đối chiếu! Mà để tìm lại đủ các tập thơ ấy tại các thư viện, đâu phải chuyện dễ?

Tôi thử dò tìm với mấy bài thơ nổi nhất của Nguyễn Bính trên tuần báo Trăm hoa (1956-1957). Không kể những bài được sáng tác thời kháng chiến trong bưng biền Nam Bộ, chỉ giới hạn trong những bài được viết ngay những năm Nguyễn Bính ra Bắc tập kết, vừa làm việc ở nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, vừa tham gia tờ Trăm Hoa, tờ báo tư nhân của ông anh, nhà thơ-nhà viết kịch Trúc Đường (1911-1983). Ban đầu, Nguyễn Bính cộng tác, rồi làm chủ bút. Sau khi Trăm hoa ngừng lại vì thua lỗ, đến 20.10.1956, Trăm hoa, loại mới ra mắt, Nguyễn Bính làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, ra được cả thảy 16 số, hoạt động đến đầu năm 1957.

Nổi nhất trong những bài thơ Nguyễn Bính đăng Trăm hoa loại mới là những bài nào?

Tôi nghĩ đến hai bài, một là “Tỉnh giấc chiêm bao” (Trăm hoa, s. 7, ngày 9.12.1956), và hai là “Tình quê” (Trăm hoa, Xuân Đinh Dậu, s. 12, 13, 14, ngày 23.1.1957).

Trong tập thơ "Đêm sao sáng" (Nxb. Văn học, 1962), tập thơ giàu chất trữ tình nhất của Nguyễn Bính giai đoạn sau 1945, dường như không có hai bài này. Lý do vì sao thì nay đã khó hỏi, bởi các biên tập viên cuốn sách đó hầu hết đã không còn.

Chỉ có một số bạn nghiên cứu phê bình từ xa kịp ghi nhận, ví dụ Thụy Khuê (trong một bài về Nguyễn Bính: thuykhue.free.fr., 2009), hoặc Nguyễn Ước, trong một bài trên trang Văn Chương Việt (Nguyễn Ước: “Nguyễn Bính và Tỉnh Giấc Chiêm Bao”, vanchuongviet.org, 11.02.2010).

Có lẽ nhờ đấy mà tại trang Thi Viện (thivien.net) có bài “Tỉnh giấc chiêm bao”! Tiếc là có một số câu thơ bị đánh máy sai, ví dụ bản trên Trăm hoa là:

“Trăng khuya súng núi gươm đèo

Anh đi, thư vẫn nằm theo bên mình”

thì trang Thi Viện lại là:

“Trăng khuya sáng núi gương đèo

Anh đi, thư vẫn nằm đeo bên mình”;

hoặc bản trên Trăm hoa là:

“Cho sóng cho nước tự giờ

Chẳng còn lỡ chuyện con đò sang ngang”

thì trang Thi Viện lại là:

“Cho sông cho nước tự giờ

Chẳng còn lỡ chuyến con đò sang ngang”

và dăm chỗ dị bản khác nữa.

“Tỉnh giấc chiêm bao” nhắc việc “ngày xưa” mối tình Anh và Em bị chia lìa, đi kháng chiến vẫn nhớ nhau, rồi ngày hòa bình, bỗng thấy Em cùng chồng con đang vui bước trên đường phố thủ đô; Anh trở về “viết lại” bài thơ về những lứa đôi hạnh phúc!

Chừng như bài thơ gói theo cái ý, thơ tình xưa (của Nguyễn Bính) chỉ nói sự chia lìa dang dở, còn thơ tình nay sẽ nên nói những hạnh phúc lứa đôi!

Một cách ngoái lại những tập thơ thời “lỡ bước sang ngang”!

Nhưng bài “Tỉnh giấc chiêm bao” này không thấy đưa vào tập “Đêm sao sáng”, có lẽ lý do là vì nó từng được in trong tập “Giai phẩm mùa thu, tập 1” (1956).

Bài “Tình quê” chỉ đăng Trăm hoa thôi, nhưng cũng không thấy trong tập “Đêm sao sáng”!

Cũng không thấy bạn phê bình nghiên cứu nào nhắc đến bài thơ này.

Trong nhiều bài viết về Nguyễn Bính, chỉ duy nhất thấy Bùi Hạnh Cẩn nhắc hai câu cuối bài thơ “Tình quê” ấy: “Tôi đi – Chào núi, tôi đi nhé! /Phơi phới tình quê buổi xuất quân”.

Nhưng Bùi Hạnh Cẩn là người nhà tác giả, ông biết tường tận từng câu thơ Nguyễn Bính là lẽ đương nhiên!

Bài thơ 62 dòng, kể chuyện Nguyễn Bính về làng quê sau nhiều năm xa cách:

“Đi đã mười năm mới trở về / Tâm tình tràn ngập bước đường quê / Nghe sao náo nức như hồi nhỏ / Níu áo theo cha buổi hội hè.

Dãy núi Trang Nghiêm đứng chống trời / Mười năm núi vẫn đợi chờ tôi…”

Lời kể bằng thơ ít nhiều cách điệu, nhưng vẫn là giọng đồng quê chân chất:

“Đi lâu quên cả màu hoa đại / quên cả mùi hương gạo tám thơm”

“ Nhà em hàng xóm biết đâu tìm! / Biết đâu vườn táo cành sai quả? / Giếng đá trăng vàng đâu bóng em?”

“Một cơn khói lửa mấy tơi bời / Cảnh cũ làng xưa khác cả rồi! / Ngước mắt trông lên, giời cũng lạ / Nhà ai đâu chứ phải nhà tôi?”

Về làng cố nhiên gặp nhiều cảnh cũ người xưa:

[…..] “trẻ xóm mười năm đà lớn bổng”, “Vườn táo cô nàng đã bốn con / Nhớ thuở hội xuân chèo gióng trống / Xin mình giấy đỏ đánh môi son…”

Tất cả, cả hồi ức, cả hiện tại đều có vẻ “nghe được”, đâu có gì trái tai?

Thế nhưng, có lẽ là lý do bài thơ này không được đưa in vào tập “Đêm sao sáng” (1962) chính là một đoạn dài, câu chuyện của người cô về sự kiện “sửa sai”:

“Nháo nhác đầu hồi chim sẻ kêu / Mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo / Sửa sai câu chuyện vôi trầu mặn / Giọng kể cô tôi nặng bóng chiều.

Hai đứa con trai vào bộ đội / Một thằng gửi xác trận Đèo Mây / Đứa đi công tác trong lòng địch / Giặc nậy hầm lên bắn nát thây.

Mẹ góa chồng, dâu cũng góa chồng / Mẹ buồn, dâu chẳng nỡ sang sông / Bảng vàng Tổ quốc chưa mờ nét / Bỗng những điều đâu nổi tứ tung…

Khản tiếng kêu thương chẳng thấu trời / Đất bằng dựng đứng chuyện chông gai / Tám năm giặc giã mà không chết / Giờ bỗng dưng đeo nặng tội đời…

Đêm nào cô cũng chiêm bao thấy / Hai đứa về đây khóc vật vờ / Tỉnh dậy cánh tay còn đẫm lệ / Mới hay mình khóc cả trong mơ.

Những tưởng ôi thôi một kiếp người / Ngậm hờn chín suối biết bao nguôi / Ngờ đâu còn có hôm nay nhỉ! / Còn có hôm nay tỏ mặt trời.

Đất nước qua bao trận mất còn / Vàng son vẫn vẹn giá vàng son / Cô mừng trẻ lại dăm mười tuổi / Chẳng uống công mình, xương máu con…

Lời kể của người cô dần dần đã đi đến hòa dịu, yên lòng. Thế nhưng bài thơ vẫn không được đưa vào tập “Đêm sao sáng”, tập thơ chỉ gồm gần 70 trang in!

Tôi chưa có dịp xem cuốn “Toàn tập tác phẩm” Nguyễn Bính, nhưng tôi đoán trong đó không có bài thơ “Tình quê” kể trên.

Xin bạn đọc kiểm tra giúp.

Hà Nội, tháng Tám 2021

LẠI NGUYÊN ÂN

PHỤ LỤC:

 

TÌNH QUÊ

Đi đã mười năm mới trở về

Tâm tình tràn ngập bước đường quê

Nghe sao náo nức như hồi nhỏ

Níu áo theo cha buổi hội hè

 

Dãy núi Trang Nghiêm đứng chống trời

Mười năm núi vẫn đợi chờ tôi

Sườn cao rêu phủ xanh đồn giặc

Tôi đã về đây, núi mỉm cười

 

Ruộng vỡ đường cày, ngõ trải rơm

Phải đây Văn Miếu lối vào thôn?

Đi lâu quên cả màu hoa đại

Quên cả mùi hương gạo tám thơm

 

Ngõ ruối bờ ao chơi ú tim

Nhà em hàng xóm biết đâu tìm!

Biết đâu vườn táo cành sai quả?

Giếng đá trăng vàng đâu bóng em?

 

Một cơn khói lửa mấy tơi bời

Cảnh cũ làng xưa khác cả rồi!

Ngước mắt trông lên, giời cũng lạ

Nhà ai đâu chứ phải nhà tôi?

 

Hỏi tên, nhận mặt, nhớ ra rồi!

Mừng tủi bâng khuâng khóc lẫn cười

Trẻ xóm mười năm giờ lớn bổng

Mười năm mất mát biết bao người!

 

Mẹ cha khuất núi mấy thu tròn

Vườn táo cô nàng đã bốn con

Nhớ thuở hội xuân chèo gióng trống

Xin mình giấy đỏ đánh môi son…

 

Nháo nhác đầu hồi chim sẻ kêu

Mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo

Sửa sai câu chuyện vôi trầu mặn

Giọng kể cô tôi nặng bóng chiều

 

Hai đứa con trai vào bộ đội

Một thằng gửi xác trận Đèo Mây

Đứa đi công tác trong lòng địch

Giặc nậy hầm lên bắn nát thây

 

Mẹ góa chồng, dâu cũng góa chồng

Mẹ buồn, dâu chẳng nỡ sang sông

Bảng vàng Tổ quốc chưa mờ nét

Bỗng những điều đâu nổi tứ tung

 

Khản tiếng kêu thương chẳng thấu trời

Đất bằng dựng đứng chuyện chông gai

Tám năm giặc giã mà không chết

Giờ bỗng dưng đeo nặng tội đời

 

Đêm nào cô cũng chiêm bao thấy

Hai đứa về đây khóc vật vờ

Tỉnh dậy cánh tay còn đẫm lệ

Mới hay mình khóc cả trong mơ

 

Những tưởng ôi thôi một kiếp người

Ngậm hờn chín suối biết bao nguôi

Ngờ đâu còn có hôm nay nhỉ!

Còn có hôm nay tỏ mặt trời

 

Đất nước qua bao trận mất còn

Vàng son vẫn vẹn giá vàng son

Cô mừng trẻ lại dăm mười tuổi

Chẳng uống công mình, xương máu con…

 

Xuân này vui tết lại vui quê

Lại chuyện làm ăn chuyện hội hè

Xanh biếc đầu thôn nương mạ sớm

Dậu tầm xuân nở bướm vàng hoe

 

Vào đám làng tôi nổi trống chèo

Bay cờ lộng gió đỏ đuôi nheo

Lớp mà Thị Kính nuôi con mọn

Tôi biết người xem lệ chảy nhiều

 

Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng

Bời bời ngõ cũ tím hoa soan

Xóm giềng tiễn biệt, cô đưa cháu

Đến mãi đầu thôn, cạnh giếng làng

 

Dãy núi Trang Nghiêm nhích lại gần

Trời cao vời vợi một màu xuân

Tôi đi – Chào núi, tôi đi nhé!

Phơi phới tình quê buổi xuất quân

1957

NGUYỄN BÍNH

● Nguồn: "Trăm hoa, loại mới", xuân Đinh Dậu (s. 12, 13, 14), Hà Nội, 1957, tr.8

Không có mô tả ảnh.