Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Những kẻ tuyệt vọng

(tiểu thuyết của Minh Tran Huy, Thuận dịch và giới thiệu)

Thuận

image

Đêm trăng, côn trùng nỉ non, trong công viên um tùm cây cối của một tòa lâu đài bỏ hoang, một người đàn ông trung niên đứng lặng trước mặt hồ, dưới đáy sâu kia là thi thể đang tan rữa của một thiếu phụ hẳn đã có ý nghĩa đặc biệt với anh, thi thể do chính tay anh từng bí mật gói ghém và đẩy vào lòng nước, có lẽ với rất nhiều cay đắng. Một hồn ma nữ thì thầm cất lời…

Những kẻ tuyệt vọng bắt đầu một cách vừa lãng mạn vừa ly kì, nhưng sự kết hợp thể loại không chỉ dừng ở diễm tình và trinh thám, nếu tiếp tục đọc, chúng ta rồi sẽ ngợp trong không khí của các tiểu thuyết tâm lý xã hội và hiện thực huyền ảo, với những điểm xuyết đậm chất gôtic, tất cả được lồng ghép và bổ sung cho nhau một cách tài hoa và tinh tế, trong một cấu trúc chặt chẽ, một nhịp điệu tao nhã, qua hai giọng kể xen kẽ – của nhân vật chính và của một người chỉ lộ diện ở những trang cuối –, dưới ngòi bút điêu luyện và cái nhìn sắc bén của Minh Tran Huy.

Người tình xinh đẹp ơi, chúng mình là thế này: nàng không còn nếu thiếu ta, ta không còn nếu thiếu nàng”, câu thơ của nữ sĩ Marie de France được tác giả chọn làm lời đề từ như để báo trước một cái kết buồn.

Lise và Louis gặp nhau ở sân trường đại học, cùng tuổi hai mươi, cùng yêu lần đầu, cùng choáng váng bởi người đối diện, nhưng đó là hai cá thể khác nhau như trời với vực, nếu Lise thâm trầm và say mê cái Đẹp thì Louis sôi nổi và tôn vinh đồng tiền, nếu Lise thả hồn vào thế giới văn chương và điện ảnh thì Louis thực dụng và không đọc gì ngoài thông tin thời sự, nếu Lise khổ sở vì hoài nghi và liên tục chất vấn thì Louis tự tin tiến vào đời… Sự đối lập này hẳn đến từ những khác biệt trong nguồn gốc của hai nhân vật: Lise là kết quả của cuộc hôn nhân giữa một di dân Việt và một phụ nữ Pháp đều nhờ học hành mà đặt chân được vào giới trí thức trung lưu, còn Louis sinh ra trong một gia đình quyền quý của Paris nơi từng thành viên đều ý thức được vị thế xã hội của mình. Tiếng sét ái tình, do vậy, nhanh chóng bị chiếm chỗ bởi những mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không phải chỉ giữa hai cá tính quá mạnh mà còn giữa hai tầng lớp xã hội bề ngoài có vẻ hòa hợp nhưng bản chất là xung đột trong nhiều giá trị và nhân sinh quan. Có thể nói, khác biệt giai cấp là đề tài trọng tâm của

Những kẻ tuyệt vọng nơi độc giả có dịp thám hiểm những ngóc ngách quanh co nhất trong tâm hồn con người, khám phá những trải nghiệm vừa lạ vừa quen của những khao khát cuồng nhiệt đến mức hủy diệt, tiến sâu vào những vấn đề xã hội học như ảnh hưởng của tuổi thơ, nguồn gốc, học vấn, điều kiện sống lên việc hình thành nhân cách, mối quan hệ khăng khít và bí hiểm giữa cái thiện và cái ác, giữa sát nhân và nạn nhân, giữa tinh thần và vật chất, giữa kiến thức và trải nghiệm, giữa hiện thực và huyễn tưởng, giữa đồng tiền và quyền lực, giữa cuộc sống và cái chết… Với người đọc Việt Nam, Những kẻ tuyệt vọng viết lên những trang tuyệt đẹp về cố hương và tha hương, về chiến tranh, lịch sử và những cái giá phải trả, về ẩm thực, ngôn ngữ và tổ tiên, về sự tích Trầu Cau, cổ tích Tấm Cám, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy… Sau Công chúa và chàng đánh cá, tiểu thuyết đầu tay lấy cảm hứng từ chuyện tình Trương Chi và Mỵ Nương, Minh Tran Huy tiếp tục xây cầu nối giữa thế giới huyền thoại và thế giới đương đại, giữa văn học dân gian Việt Nam và văn chương thế giới, như một cách bày tỏ tình cảm với ký ức và lịch sử của cha ông, như thử tìm một bến bờ mới trong cuộc phiêu lưu cùng chữ nghĩa với một hành trang kiến thức đã vô cùng phong phú: đọc Những kẻ tuyệt vọng, người ta không thể không có cảm giác tác giả đang gửi những cái nháy mắt đến Jane Austen, chị em nhà Bronte, Annie Ernaux, Georges Perec và cả Huraki Murakami mà cô đã từng dành cho một tiểu luận xuất sắc.

Khi gặp Minh Tran Huy lần đầu tiên cách đây nhiều năm, tôi thật khó hình dung cô gái dong dỏng cao, với mái tóc đen dài và đôi má bầu bĩnh lại là phó tổng biên tập tờ tạp chí văn chương danh tiếng Magazine Littéraire. Nhưng cặp mắt long lanh với cái nhìn cương trực đã thu hút tôi. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng nếu người mẹ gốc Nha Trang đã tặng Minh những nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Chàm, thì người cha quê miền Bắc đã truyền cho Minh sự nhạy cảm với ngôn từ. Minh bảo tên đầy đủ của Minh là Trần Huy Ngọc Minh, trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là viên ngọc sáng.

Hơn một năm sau, mùa thu 2007, trong hiệu sách của Paris, tôi bất ngờ nhìn thấy tiểu thuyết La princesse et le pêcheur (Công chúa và chàng đánh cá) với Minh Tran Huy ở vị trí tác giả. Nỗi tò mò đã khiến tôi đọc xong trong một đêm tác phẩm hư cấu với nhiều tính tự truyện đó của Minh và không mấy bất ngờ khi hay tin nó được vào chung khảo của giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay cùng năm. Nhưng có lẽ phải đợi đến La double vie d’Anna Song (Cuộc đời hai mặt của Anna Song) thì văn phong của Minh mới tỏa sáng bội phần. Voyageur malgré lui (Người lữ hành bỉ cực), viết năm năm sau đó, khẳng định bút lực dồi dào và quyết tâm sáng tạo nơi Minh. Trước khi xuất bản tiểu thuyết thứ tư Những kẻ tuyệt vọng, Minh còn là tác giả của nhiều tiểu luận văn học, trong đó có tập Les écrivains et le fait divers: une autre histoire de la littérature (Các nhà văn và những tin vặt: một câu chuyện khác của văn chương). Tháng 9 này, độc giả Pháp sẽ được đọc Un enfant sans histoire (Một đứa trẻ vô hại) mà tôi đã được Minh cho xem bìa và thổ lộ nhiều tâm huyết. Sau Linda Lê, cùng với Viet Thanh Nguyen, Ocen Vuong, Doan Bui… Minh Tran Huy đang làm nên cái gọi là văn chương gốc Việt.