Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Một tình tiết lạ

Volodymyr Vynnychenko (Ukraina)

Hiếu Tân dịch

Vynnychenko.jpg

Volodymyr Vynnychenko

Volodymyr Kyrylovych Vynnychenko (1880-1951) là Thủ tướng đầu tiên của Ukraina, đồng thời là một nhà văn. Trong vai trò chính khách, ông hoạt động chính trị lâu năm, sống ở Tây Âu từ năm 1906 đến năm 1914 trước khi bước vào chính trường Ukraina. Trong vai trò là nhà văn, ông đã sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch, được công nhận là nhà văn hiện đại hàng đầu ở Ukraina thời tiền cách mạng, nhưng các tác phẩm của ông bị cấm ở Ukraina trong thời kỳ xô viết, từ những năm 1930 cho đến giữa những năm 1980. Tác phẩm của ông phản ánh môi trường cách mạng Ukraina, với những người thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ, và những di dân từ Đế quốc Nga đến Tây Âu (theo Wikipedia).

Văn Việt

Tại sao tim tôi thắt lại khi nó nhìn thấy cái đẹp? Tại sao tôi muốn ôm đầu bằng hai bàn tay và khóc bằng những giọt nước mắt nóng bỏng? Tại sao? Và tại sao trong những giọt nước mắt ấy có cả dịu êm, vui sướng, buồn đau và vô vọng?

Nhưng tôi biết. Bây giờ chắc chắn tôi biết, nhưng cho đến cái đêm hôm ấy, ngay cả chính cái đêm ấy, khi cái tình tiết chưa ai từng biết, vô nghĩa ấy xảy ra cho tôi – tôi vẫn chưa biết. Tôi nghĩ rằng Natalie vẫn chưa biết. Mà nàng cũng không cần biết.

Nỗi buồn dẫn tôi đến với Natalie. Tôi thấy nàng lần đầu trên tàu điện. Tôi đang đọc báo thì nàng bước vào. Báo viết đủ thứ nhưng không có gì dính với hạnh phúc – người ta giết người khác như thế nào, người ta tự giết mình như thế nào, người ta trộm cắp, giết nhau, gào khóc, lừa bịp như thế nào, tóm lại, mọi thứ không có gì dính dáng đến hạnh phúc và tiếng cười (bạn có nhận thấy báo chí không bao giờ viết về chúng hay không?) Tôi đọc tất cả những cái ấy và trở nên vô cảm. Nhưng khi nàng bước vào toa, khi mắt nàng chạm mắt tôi trong thoáng chốc, tim tôi bỗng lịm đi. Tôi thấy buồn vô hạn. Tự nhiên tôi muốn ôm người ngồi cạnh, béo phị vì ham ăn, và hôn vào cái cổ ba ngấn của anh ta. Tôi muốn hai tay che mặt, ngồi thụt xuống, lắng nghe tiếng chuông khao khát, nỗi khao khát chưa từng biết, ngọt ngào trong tim tôi.

Và sau đó tất cả những cái ấy luôn sống lại trong tôi khi tôi đắm đuối nhìn Natalie. Thậm chí ngay cả khi tôi ôm nàng lần đầu tiên, khi thân thể nàng run rẩy trong tay tôi, ngay cả khi ấy nữa, nỗi buồn cũng không rời khỏi tim tôi. Nó không rời đi, nó chỉ trốn khỏi ngọn lửa khao khát.

Và Natalie, ngay cả bây giờ, nàng vẫn không biết tại sao khi nhìn cái đẹp tim ta lại buồn đến vậy, lại đầy khao khát, lại thích thú một cách đau đớn đến vậy. Nàng biết nàng có một sắc đẹp tuyệt với, ồ, điều ấy thì nàng biết chắc.

Chính đêm ấy, nàng bảo tôi: “Anh nghĩ em không biết giá trị của em à? Nếu em muốn, ngay ngày mai em có thể có một chiếc ôtô.” (Nàng thích ôtô lắm lắm.)

“Anh không tin em à? Sao anh lại cười?

Tôi tin nàng. Tôi cười vì một lý do hoàn toàn khác. “Và em sẽ có! Em chán ngấy phải ăn khoai tây và khoác chỉ một chiếc áo khoác rồi.”

(Chúng tôi đang ở trong tình trạng như thế: ăn khoai tây và chỉ có một chiếc áo khoác.)

“Những ước mơ ngu ngốc của anh làm em bực mình. Vâng, em bực mình. Em nói thẳng với anh như thế đấy. Em không phải một bà thánh… Lạy Chúa. Hãy cho em tiền và không phải những bài hát. Tiền! Anh có hiểu không?”

Nàng chưa bao giờ thật sự nói thẳng ra như vậy. Tôi đang ngồi cúi gục đầu, đến lúc đó tôi ngẩng lên và nhìn Natalie. Ôi, nàng đẹp biết bao! Lạy Chúa nàng đẹp đến mức tôi muốn đập đầu tôi vào mép bàn cho nó vỡ toác ra, như chiếc bình hoa vô dụng kia. “Thế nào, sao anh cứ nhìn trừng trừng thế. Anh sắp giảng đạo về chù nghĩa khuyển nho chăng? Cứ giảng đi! Em không thánh thiện. Em phát cáu khi phải tỏ ra thánh thiện. Em không làm được. Em cần tiền, thế thôi. Những lý tưởng, những khao khát tìm tòi, những tinh thần và những hành động cao cả xin anh cứ giữ cho riêng anh. Những cái ấy không hợp với em. Thế đấy. Cái gì? Anh chưa từng mong cái đó à?”

Tất nhiên tôi chưa từng mong cái đó. Có lẽ… có lẽ tôi có mong, bởi vì tại sao nó buồn thế, tại sao trái tim tôi thắt lại nghẹn ngào khi nhìn vẻ đẹp của thân thể nàng.

Tôi không nói thêm gì nữa với nàng. Thậm chí tôi lặng lẽ ra khỏi nhà mà không mang theo áo khoác.

Trời đã về khuya. Trên đường phố có sương mù. Nó bao bọc những bóng đèn như những chiếc khăn quàng của phụ nữ. Khách đi đường bước hối hả, cổ áo dựng lên và hai tay đút túi. Họ biết rõ họ đi đâu. Nhưng tôi không biết, nên tôi không vội. Tôi thậm chí không đút tay vào túi và kéo cổ áo lên. Tôi chỉ mỉm cười. Nhưng nếu có ai đó lấy nụ cười ra khỏi môi tôi và nấu chảy nó trong một thứ gì đó mà họ có thể nấu chảy cả tiếng cười lẫn tiếng khóc, thì nụ cười của tôi có lẽ không có vẻ là một cái cười. Tôi dừng lại trên một góc phố. Tôi thường đợi Natalie ở đấy. Chúng tôi cùng bước đi, ôm chặt nhau. Cũng ở đây thường xuất hiện một bóng người mà vừa trông thấy, trái tim tôi thắt lại vì thương xót và một nỗi sợ khinh khi.

Phải, chúng tôi thường qua đây. Chúng tôi hối hả về nhà. Một đĩa khoai tây nguội và một chiếc áo khoác đang đợi chúng tôi ở nhà.

Hừm, tôi đi đâu bây giờ? Dù sao, chắc chắn là không phải đi kiếm tiến. Điều đó tự nó nói lên. Nhưng, dù sao, đi đâu? Sương mù làm đường phố ẩm ướt, nhớp nháp, lạnh lẽo nhưng dẫu sao vẫn ấm hơn tảng băng đang đè trĩu trong ngực tôi. Và tôi lại đi dọc đường phố, trong sương mù.

Bỗng nhiên có bóng người áp sát tôi. Tôi nhìn quanh. Vẫn là cái sinh linh mà chúng tôi thường gặp trên những phố này. Vẫn là cái sinh linh xấu xí, tội nghiệp đã gợi lên trong chúng tôi nỗi sợ hãi bí mật và khi ấy chỉ muốn níu chặt hơn vào nhau.

Ả luôn luôn xuất hiện bất ngờ thế nào đó ở cùng một nơi hoang vắng. Chúng tôi không nghĩ ả là gái điếm, mặc dù chúng tôi thường thấy ả vỗ nhẹ vào khách đi đường như ra hiệu. Nhưng khách qua đường sau khi liếc nhìn lập tưc quay người bước đi. Chúng tôi thường nói chuyện về ả, và Natalie luôn hỏi liệu có người dàn ông nào đi với một sinh linh ghê rợn như ả không, một bóng ma.

Quả thật, ả giống như một bóng ma, như sự hiện hình của một gái điếm, như cái biểu tượng ghê sợ của cái nghề đáng nguyền rủa ấy. Ả luôn luôn mặc một thứ không thay đổi, như thể ả đã bước đi ở đây hằng đêm trong nhiều năm. Và quả vậy, một con ma cần gì thay quần áo? Luôn luôn vẫn là chiếc áo choàng dài mầu xám ấy, các nếp gấp của nó không lay chuyển khi ả bước đi dưới những bức tường, dọc theo những cánh cửa câm lặng khóa kín, và những tủ kính của các cửa hàng. Luôn luôn trong chiếc mũ cổ lỗ sẫm màu, từ đó buông xuống tấm mạng che mặt dày màu xám, và luôn luôn có một chiếc dù trong tay ả.

Một hôm chúng tôi gặp ả dưới một cây đèn đường. Một khuôn mặt xấu xí liếc nhìn chúng tôi qua tấm mạng che mặt, xấu đến mức tôi thấy chân mình bủn rủn. Nó tái nhợt, với cặp mắt mệt mỏi, trang điểm như mọi cô gái điếm, với cặp môi đỏ chót giống như của một xác chết.

Tại sao ả đi dưới những bức tường, trong bóng tối? Có thể có người đàn ông nào đi với ả chăng? Natalie ngờ điều ấy. Tôi nhìn quanh một lân nữa và nhìn thẳng vào mặt ả. Khuôn mặt hoàn toàn phù hợp với những gì trong tim tôi.

Nhưng lúc này tất cả những gì mà tôi cần là hôn lên khuôn mặt ấy và khám phá ra rằng sinh linh này có thể làm cho tôi vui.

“Chào ông,” cô ta nói giọng thì thào hết sức véo von.

“Chào cô,” tôi to giọng trả lời, miệng luôn mỉm cười.

Cô ta chăm chú nhìn nụ cười của tôi, lướt nhìn khắp mặt tôi, ngực tôi bằng đôi mắt mở to trân trân và hỏi bằng giọng đều đều êm dịu:

“Ông ra đây đi dạo phải không ạ?”

Tôi phá lên cười.

“Tất nhiên tôi đi dạo. Tôi thích ra đây khi đẹp trời.”

Một lần nữa cô ta dán cặp mắt cá chết lên người tôi. Trên khuôn mặt cô ta, cứng đơ như chết, không một chi tiết nào cử động, như thể cô ta đã quen với kiểu cười đó, quen với những quý ông từ thiện “ra phố khi trời đẹp” như thế này.

“Đi với em chứ?” Cô ta hếch mặt lên.

“Đi đâu?”

“Sao lại đi đâu. Về nhà em.”

Cô ta nhìn tôi “Anh không biết thật à?”

Tôi cũng nhìn cô ta. Một người qua đường cầm ô đi qua liếc nhìn lại chúng tôi. Hắn nhìn cô ta, nhìn nhanh sang tôi và tôi đọc được trên mặt hắn vẻ ngạc nhiên, khinh bỉ và thương hại đối với tôi.

Và Natalie sẽ nói sao đây?

“Có đi không?”, cô ta hỏi lại, đầu cúi xuống.

Bỗng nhiên tôi thấy ớn lạnh như thể sương mù tràn vào óc tôi, không phải vì tôi chỉ mặc một chiếc áo khoác duy nhất, mà còn vì điều gì khác, cái điều có thể khiến người ở xích đạo ớn lạnh.

“Tôi không có tiền.” Tôi nói giọng buồn và lạnh lùng.

“Anh có thể trả tôi lúc khác cũng được.”

Hừ. Con ma này quyết chiếm chỗ của Natalie đây. Tuyệt. “Nào, đi” tôi nói.

Cô ta xoay người và bước đi hầu như không một tiếng động, dẫm lên những vũng nước trên vỉa hè. Chiếc áo choàng màu xám, giống như một tấm vải phủ quan tài, thẳng đuột không hề lắc lư, quệt xuống đất.

Tôi mỉm cười và quả quyết đi theo cô ta. Chúng tôi không phải đi lâu.

Cô ta sống trên tầng 6, trong một căn áp mái, trong một phòng nhỏ có bức tường cắt một nửa và trên nó căng một tấm vải che. Một góc phòng bị bưng kín bằng một tấm khăn trải giường mầu xám, góc khác kê một chiếc giường, rộng và êm. Nhiều tranh khắc treo trên tường.

Chúng chủ yếu là những bức ảnh chụp các họa phẩm cổ điển. Nhiều bức của Rodin. Tôi nhận ra ngay. Cô ấy lấy chúng ở đâu, cô ma này, và không biết chúng có ích gì cho cô?

“Cô có nhiều tranh khắc thế?”. tôi nói.

Cô nhìn tôi hơi sợ hãi, như thể tôi muốn lấy đi những bức tranh này của cô.

“Cô thích chúng hay đây là quà tặng?”

“Em thích chúng.” Cô ta nói dịu dàng và bắt đầu vội vã cởi váy áo.

Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh bàn và tựa đầu lên cánh tay. Tôi không muốn cười nữa. Tôi muốn... Không! kết thúc đi!

“Anh buồn à?” tôi nghe bên cạnh tôi tiếng thì thào êm dịu.

Tôi ngẩng đầu lên và cười vào mặt cô.

“Tại sao tôi phải buồn? Vì tôi đã lên đến tầng 6? Đấy vẫn chưa phải là vấn đề lớn. Còn có những cái tồi tệ hơn. Được. Chúng ta sẽ đi ngủ chứ? Tuyệt... ở đây yên lặng lắm. Nhưng cái gì ở trong góc kia? Một chiếc giường thứ hai chăng? Chắc cho những vị khách đặc biệt?”

“Không. Quần áo em treo ở đấy.”

“Quần áo à? Cũng thế cả thôi. Thậm chí một trái tim treo ở đó tôi cũng cóc quan tâm. Nhổ lên tất cả mọi thứ, và thế đấy. Được không?”

“Được,” cô ta đáp và nhìn tôi rất chăm chú. Chúa ơi, cô ta có đôi mắt đẹp quá... Không, không phải đôi mắt, cái biểu cảm. Mắt cô xấu, như mắt cá, không gì sửa chữa được điều ấy. Nhưng cái biểu cảm của chúng thì đẹp. Ôi, nếu mắt Natalie cũng có biểu cảm như thế. Nhưng – để làm gì!

“À, thế nghĩa là tôi phải cởi quần áo. Tuyệt. Cô có nhiều khách không?”

“Không, không nhiều lắm...”

“Không nhiều lắm? Thì cũng thế cả thôi” Nhưng, có lẽ tôi nên cầm lấy mũ và bỏ đi?

“Em xấu lắm nên ít người đến với em..”

“Thật ư?” Nhưng Natalie đẹp đến nỗi...

Trái tim tôi đầy đau đớn đến nỗi tôi tưởng rơi xuống tận đáy và tôi muốn quào sàn nhà bằng những ngón tay co quắp.

Tôi nhăn nhở cười với cô. Tôi không nghĩ cô có thể đọc ra niềm vui mừng trong cái cười ấy.

Cẩn trọng, nhu mì, cô chạm vào cánh tay tôi và dịu dàng vuốt ve nó.

Và thật lạ lùng, tôi thấy ấm bên trong và cảm thấy tiếc cho tôi.

“Với ai cô cũng mơn trớn thế này à?”

“Những người đang buồn.”

Không, nhất định có cái gì đó tuyệt vời trong giọng nói của cô, một cái gì nhu mì, nhưng là cái đến từ một sự thấu hiểu sâu sắc.

“Tại sao cô nghĩ là tôi đang buồn?”

Cô mỉm cười và không nói một lời cô bước ra xa, đến cạnh bàn và nghĩ ngợi. Ánh sáng từ ngọn đèn lọc qua chiếc chao đèn mầu lục tỏa xuống khuôn mặt xấu xí của cô một màu lục ngả xám. Trông cô giống như một xác chết đăm chiêu suy nghĩ về cuộc sống đã qua của nó qua làn sương mờ im lặng của quan tài mà trông thấy mọi thứ, hiểu và buồn một nỗi buồn hiền lành nhỏ nhoi tội nghiệp.

“Những người đang buồn có thể hiểu nhau”. Và khi nói thế, cô nhìn tôi vẻ tội lỗi và sợ hãi, sợ bởi vì cô dám so sánh tôi với cô.

Tôi đứng bật dậy và bước quanh phòng. Sao tôi muốn đến thế lấy hai tay đè mạnh lên ngực để ép bật ra cái khỏi đó cái cục gì nó đang chẹn ngạt tôi, như cho xì hơi ra khỏi một quả bóng. Trời ơi, sao ngạt thế.

“Nghe này! Cô có chút rượu nào không?”

“Không, em không có rượu”

“Nhưng vậy thì…” Có lẽ cô ấy có sợi dây thừng. Nhưng thôi, chết tiệt..

“Được. Sao cô không cởi ra? Cởi ra”

“Em còn phải tắt đèn.” Cô ta nói dịu dàng. Tôi nhìn cô. Đúng thật, cô ta không thể cởi quần áo dưới ánh sáng. Nhưng đó lại là điều tôi tuyệt đối cần.

“Sao lại tắt đèn? Không cần thiết. Tôi không thích tối. Tôi thích ánh sáng, tiếng cười, hạnh phúc.” Và tôi thậm chí bật cười.

“Sao cô nhìn tôi như thế? Cô không tin tôi à? Tôi nói có gì lạ đâu? Mọi người đều thích ánh sáng và hạnh phúc. Chắc cô có nến. Mang lại đây. Chúng ta sẽ thắp nến ở mọi góc. Sao cho ánh sáng xuyên vào mắt. Sao cho mọi vật đều được nhìn thấy. Trong mọi góc, hai, ba ngọn nến. Trút bỏ quần áo ra... từ góc ấy. Ánh sáng trong mọi xó xỉnh.”

Và tôi nắm mép tấm khăn trải giường mầu xám, kéo tuột nó ra. Đúng lúc ấy, có một tiếng thét vút lên sau lưng tôi, và tôi đứng chết lặng với góc khăn trải giường trong tay! Trong góc, trên hai chiếc rương nhỏ, đứng một pho tượng làm dở dang. Đó là tượng một người đàn bà xấu xí, xấu đến mức tôi không thể nào rời mắt khỏi nó. Đó là một cái gì nhức nhối, một cái gì bất ngờ, quyến rũ một cách kỳ lạ, đáng sợ nhưng đồng thời tràn đầy một nỗi đau thầm lặng, ngọt ngào khát khao bí ẩn. Tôi nhìm quanh tìm chủ nhân, cô ta đang đứng sau lưng tôi, mỉm một nụ cười âu sầu như có lỗi.

Cô rất giống người đàn bà đó.

“Có ai đã tạc nó ở đây?”

Không trả lời, cô cố lấy lại tấm khăn trải giường từ tay tôi và che lên tác phẩm ấy.

“Khoan đã.” Tôi nóng nảy gạt cô ra. “Nói cho tôi biết ai đã làm cái này?”

Cô ta trở nên tức giận. Mặt cô có nét biểu cảm đúng như nét mặt người phụ nữ kia, thậm chí những đôi môi mím lại một cách đau đớn và quyến rũ giống nhau. Một kiểu đẹp ngự trên những đường nét nhăn nheo, xấu xí ấy. Đúng, đúng, nó đẹp thật. Nó là cái gì khó tin, phi lý, nhưng đây là cái đẹp thật sự.

“Tôi đang tạc nó…” cô ta nói, mắt nhìn vào khuôn mặt người phụ nữ. Người phụ nữ nhìn cô, dường như họ hiểu nhau.

“Cô?... Chính cô?”

Con ma mỉm cười. Có cái gì đó đã xảy ra với cô, một loại biến đổi. Tội lỗi và sợ hãi biến đi đâu mất. Cô cúi đầu, nói chậm rãi.

“Có thể nó là chính tôi. Có thể nó là cái gì đó có trong mọi người. Không phải thế sao?”

Và ngửng phắt đầu lên, cô ấy nhìn tôi. Tôi chuyển mắt nhìn sang pho tượng. Thật sự có một cái gì thân quen trong đó, một cái gì gần gũi. Thật sự…

“Đây là một tác phẩm đẹp” tôi lầm bầm.

Tôi muốn nói một điều gì khác nũa, nhưng không biết nói gì

“Anh nghĩ thế à?”

“Vâng, tôi nghĩ thế.”

Ôi cái gì thân quen đến thế trong khuôn mặt này? Đôi mắt? Đôi vú chảy xệ khô héo vì sự chất phác và những rối loạn của trái tim, quai hàm trẹo đi vì bản năng thú vật? Cái miệng hé lộ nỗi đau bị tổn thương? Hay là sự khao khát kia, nỗi khao khát hiền lành, tối tăm, bí ẩn ấy – tìm một chỗ nơi nào đó giữa những vành môi, nơi nào đó dưới vầng trán thấp giữa đôi mắt sụp xuống kia?

Tôi lấy chiếc ghế đẩu, ngồi xuống và bắt đầu ngắm cái hình dáng tuyệt mỹ. Cái nhìn chăm chăm của nó qua vai tôi, găm vào một nơi nào đó, tới bóng ma kia, như thể cô ta bất cẩn và nghiêm túc để cho mình bị quan sát kỹ, đúng như tôi mong muốn.

Cả ba chúng tôi cùng im lặng. Một miếng đất sét đắp pho tượng rơi từ đầu gối nó xuống sàn. Đôi chân trông là lạ và khó tin, nhưng chắc chắn chúng là những đường nét đang tồn tại. Một dáng hình như thế này không thể thấy được, thế nhưng chúng đã được thấy. Nó có trong mỗi chúng ta. Thậm chí…

Bỗng nhiên ý ấy đập vào tôi. Nó giống Natalie.

Hết sức rối loạn, tôi nhảy bật lên khỏi ghế và bắt đầu nhìn tác phẩm ngu ngốc này! Thật ngu xuẩn! Thế nào? Ở đâu? Thật vớ vẩn! Con ma nhanh nhẹn chạm vào cánh tay tôi. Tôi nhìn quanh.

“Nó làm anh chán ngấy phải không?”

Tôi lại ngồi xuống. Thật vớ vẩn. Tôi nghĩ quá nhiều đến Natalie và nàng hiện ra trong một hình dáng ghê sợ như thế này. Tôi mỉm cười.

“Bức tượng của em đã làm anh chán ngấy.”

“Nó thật sự tuyệt diệu. Có một cái gì đó trong nó… Cô làm nó có lâu không?”

“Sáu tháng”

Thật sự cái vật ghê gớm này hút người ta đến nó. Nó kéo mắt anh, nó kéo tim anh và hơi thở của anh đến với nó băng vẻ đẹp mê hồn và nỗi khát khao của nó; sự xấu xí và thảm hại của nó.

“Tôi muốn tạo hình một con người.”

“Một con người?”

Tôi quay đầu nhìn lại “bóng ma” từ đầu đến chân. Bây giờ cái miệng cô ta có một nét biểu cảm có trên người phụ nữ kia. Cô ấy đã nhìn vào gương khi nặn đôi môi này. Và cô ta cho bức tượng hình ảnh đôi mắt của chính cô. Và cái mũi tẹt kia giống như một quả mận bị ép.

“Cái đẹp này và cái xấu này có trong tất cả mọi người… trong mọi hình thức… Nhưng nó nhất định phải có. Chẳng phải sao?”

Tôi không nói.

“Nhất định phải có… Cả cái đẹp lẫn cái xấu… chỉ đôi khi cái đẹp bị giấu kín đến nỗi không thể thấy nó. Hoặc cái xấu ẩn dưới cái đẹp. Tôi muốn cho chúng bộc lộ cùng nhau… hay là tôi không nên?”

Cô ta hay nói “tôi có nên không?” Dù thế nào tôi vẫn im lặng và nhìn tác phẩm của cô. Nhìn càng lâu, tôi càng thấy trong lòng ấm áp và thoải mái. Như có một cái gì bóp nghẹt tôi, thổi phồng tôi, không cho tôi thở dễ dàng, đang từ từ thoát khỏi tôi qua một cái lỗ nhỏ.

Cảm giác thật diệu kỳ, và tôi không muốn cưỡng lại nó. Ôi, không! Tôi muôn nghe điệu nhạc ấy, cái giọng hơi vỡ ra dường như được bọc bằng một lớp men bạc, giọng của một người đàn bà đẹp. Tôi không muốn cử động để khỏi làm vỡ mất cái bình lặng của đêm, trong đó dường như chỉ có ba chúng tôi tồn tại cùng với cái ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn trên bàn. Các góc của căn phòng này được bọc bằng sự hài hòa buồn bã của cái đẹp và cái xấu, ở trung tâm của cái thành phố khổng lồ tối đen đang ngủ say này.

Những đường nét của pho tượng kỳ lạ này toát ra một nỗi khao khát trò chơi hão huyền của cuộc sống. Cô gái đứng bên tôi, giọng của cô là giọng của pho tượng ấy. Trong tim tôi nỗi buồn thức dậy.

“Anh là nghệ sĩ phải không?”

“Phải, tôi là một nghệ sĩ.”

“Em nhìn biết ngay. Em rất vui mừng. Em đã muốn trưng bày nó từ lâu. Nhưng em không thể… bây giờ em mới thấy những gì em làm là đúng. Em hạnh phúc.”

Cô xúc động. Cô ước vài bước về một bên, quay lại, xoa xoa hai tay. Rồi cô dịu dàng chạm vai tôi.

“Anh buồn à?”

Tôi gật đầu, mặc dù tôi không còn buồn nữa.

“Có phải điều gì đó làm anh chán. Tha lỗi cho em, vì em đã yêu cầu anh chuyện đó... Em thích anh.”

Tôi thích nghe nói thế dù tôi không rung động.

Cô im lặng.

“Anh có bao giờ cảm thấy tất cả mọi khốn khổ là một hình thức của cái xấu không?...”

Tôi không động đậy. Tôi không muốn để cô nói, để cái giọng vỡ, khao khát ấy tiếp tục sau lưng tôi.

“Em luôn cảm thấy rằng… đó là lý do tại sao những người xấu xí lại thường bất hạnh đến thế… Xấu xí không phải chỉ trên mặt… Tất cả đều xấu. Em không đúng à?”

Tôi thở dài sâu. Người đàn bà này biết nỗi buồn. Cô ta biết cái ý nghĩ về nó. Có lẽ cô ta thường xuyên nhìn nó kỹ quá như nhìn vào một vết thương.

“Sao anh không nói?”

Bỗng nhiên tất cả chuyện này trở nên tuyệt diệu. Bóng ma này, căn phòng được trang hoàng thanh nhã với thị hiếu nghệ sĩ này, những bức tranh, và bức tượng bị che khuất sau tấm khăn trải giường. Tôi đứng lên và lướt nhìn cô chủ nhà của tôi từ chân đến đầu. Cô đứng, hai cánh tay buông thõng bên mình, chăm chăm nhìn tác phẩm của cô. Đôi mắt cô mang cùng nỗi đau buồn như bức tượng của cô. Bản thân cô là một tác phẩm.

“Cô làm có lâu không?”

Cô thở dài và quay mặt về phía tôi.

“Anh nói gì? Em xin lỗi, em không…”

“Tôi nói – Cô làm việc này có lâu không?”

“Việc gì?”

“Việc đắp tượng, tất nhiên.”

“Không, không lâu, chưa đến một năm”

“Và… làm gái?”

Cô ta cúi đầu xuống.

“Em không tìm được việc nào mà em có thể đi làm vào ban đêm”

“Không tôi không hỏi chuyện đó. Tôi hỏi cô vào nghề ấy đã lâu chưa?”

Tôi nói với cô như một quan tòa. Và cô ấy cảm thấy tôi có quyền nói với cô như vậy. Nhưng tại sao?

“Em đã làm nghề ấy ngay từ khi em bắt đầu làm bức tượng này.”

“Và cô làm tượng vào ban ngày.”

“Vâng.”

Tại sao tôi hỏi cô tất cả những chuyện ấy? Có trời biết. Tôi lại ngồi xuống ghế, tựa đầu lên lưng ghế, và không cử động. Ở nơi nào đó trong xưởng vẽ không người, Natalie đang ngủ. Cứ để cho nàng ngủ. Ngày mai nàng sẽ thấy sự đánh giá sắc đẹp của nàng. Cứ để cho nàng thấy.

“Nghe này” Tôi bỗng nhiên ngẩng đầu lên, “Có phải cô cố cho tôi thấy sự thống nhất của cái đẹp và cái xấu để thấy trong cái hình thức đẹp bề ngoài cái xấu bên trong bộc lộ ra, phải không?”

“Không em không muốn cố theo cách ấy. Khó hơn nhiều.”

“Khó hơn? Hừ! Ừ khó hơn, đúng... nhưng nó có nhiều tác động hơn”

“Oh… nhiều hơn…”

“Nó phải gợi lên một nỗi buồn cùng cực. Nó phải gây ra rối loạn đau đớn ở tâm một sự kết hợp như thế, đúng không? để cho một vẻ đẹp như thế, một sự kết hợp như thế, sao cho người ta có thế thấy… Không! tôi nói không đúng… tôi không thể nghĩ… nhưng bây giờ tôi hiểu. Bây giờ tôi đã hiểu.”

Và tôi lại ngả đầu tựa lên vai ghế. Bây giờ tôi đã thật sự hiểu, rằng ngay cả trong những khoảnh khắc hạnh phúc thuần khiết nhất với sắc đẹp của Natalie, trái tim tôi bị bóp nghẹt bởi một nỗi buồn, nỗi khát khao chưa từng biết khiến tôi muốn khóc lên bằng những giọt nước mắt nóng hổi cho ai đó hay cái gì đó, và tại sao trong những giọt nước mắt đó có cả cái dịu dàng và hạnh phúc và nỗi đau và vô vọng.

Hiếu Tân dịch từ bản tiếng Anh A Strange Episode (do L. HirnaD. Struk dịch từ tiếng Ukraine), trong George S. N. Luckyj (ed.), Modern Ukrainian Short Stories. Littleton, Colorado: Ukrainian Academic Press, 1973.

16-17 Dec 2022