Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Lời dẫn tập thơ Chân dung của Đặng Tiến (Thái Nguyên)

Nguyễn Đức Tùng

Tính phê phán, chất hài hước, nỗi đau buồn làm nên tập thơ Chân dung của Đặng Tiến. Đặng Tiến là một người yêu thơ nồng nàn. Trước khi làm thơ, và cùng lúc, anh là người đọc thơ nổi tiếng. Tập thơ này của anh lạ, vì đó là một tập hợp nhiều chân dung trải rộng từ quá khứ đến hiện tại, từ những nhân vật lịch sử đến các nhà văn, nhà thơ đương đại. Giữa những nhân vật khác nhau đến thế, tuy vậy, vẫn có một mối dây liên lạc. Mối dây ấy do tác giả tạo ra, đó chính là quan điểm nhất quán của anh về lịch sử. Cái nhìn độc đáo của một người đọc đối với nhiều tác giả, những hoàn cảnh cá nhân, tình huống xã hội, các bi kịch và hài kịch của số phận. Thơ Đặng Tiến diễn tả một cách sống động các sự kiện, nhưng đó không phải chỉ là bản mô tả, mà chứa đầy xúc cảm cá nhân. Chữ của anh không mới, nhưng cái nhìn của anh tươi rói, và trong những bài thơ thành công nhất, anh có một bút pháp táo bạo, dồn dập, hấp dẫn lạ lùng.

Nếu bạn mở lòng, lắng nghe Đặng Tiến, các câu chuyện kể của anh, các đối thoại, những câu hỏi mà anh đặt ra cho nhân vật của mình, bài thơ của anh có khả năng mang bạn đến gần hơn những khía cạnh khác nhau của lịch sử cá nhân, dân tộc và đôi khi, thế giới. Các nhân vật ấy hiện ra rất thật, đi lại, nói năng, hành động; không những thế, nếu đặt họ vào một khung cảnh chung, các nhân vật ấy có thể tương tác, làm bộc lộ những ý nghĩa liên văn bản khác nữa. Bởi vậy bạn có thể đọc một mạch vài bài thơ một lúc. Tôi mong rằng tác giả dừng lại lâu hơn trong các chân dung của mình, và trong một số bài, anh phân tích sâu hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh giọng nói trẻ trung, đầy vẻ giễu cợt, nếu bạn lắng nghe, Đặng Tiến còn có một chất giọng khác, ấm áp, chừng mực, gần gũi. Trong nhiều bài, tác giả tỏ ra cố gắng vẽ chân dung toàn vẹn, tôi thiết nghĩ anh có thể chọn một điểm nhỏ thôi, một góc cạnh của đối tượng làm nó phát sáng. Có một nỗi sầu muộn trong chất giọng hài hước, một tổn thương giữa những lời mô tả khách quan, hoài vọng sâu xa của một trí thức nặng lòng với dân tộc, trong những bài thơ này. Thật khó để nói về người khác, vì vậy sự lên tiếng ấy của anh là can đảm. Trong xã hội hôm nay nhiều người hi sinh tất cả để được sống an toàn. Đặng Tiến chọn lối đi khác, anh không hi sinh tự do của mình. Anh sống với nó mỗi ngày, nghiền ngẫm về, ca ngợi nó. Vì thế bài thơ của anh cũng còn viết cho những người mất lòng tin, những kẻ đang trả giá với sự thật. Tất nhiên không phải bao giờ anh cũng nắm được sự thật trong tay mình, nhưng anh đi tìm nó, và lòng ao ước ấy hiện ra rõ ràng trong mỗi bức chân dung.