Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Tưởng nhớ Ngô Vĩnh Long: Mùa thu vắng Anh

6Nguyễn Ngọc Giao

22:39 (giờ Paris) thứ tư 11 tháng 10.2022, nhận được dòng thư ngắn của Ngô Vĩnh Long gửi cho bạn bè:

“Tôi bị ung thư gan và tràn lan khắp người. Bác sĩ nói sẽ sống một vài tuần nữa thôi.”

Chiều hôm sau, tin từ cô sinh viên làm luận án tiến sĩ với Long: Thầy Long đã mất sáng nay, 06:20 (giờ Đông Bắc Hoa Kỳ) ở bệnh viện.

Đầu tháng 10.2022 anh thông báo trên trang FB của mình:

“Xin báo cáo với bà con, bạn bè, là tại sao lâu rồi mà tôi không vào FB. Tôi không muốn bà con lo giùm, nhưng nghĩ lại không biết lý do lại càng lo.

“Từ đầu tháng 9 nầy mắt trái của tôi tự nhiên không thấy được vì như có một cái màn che. Đi 2 văn phòng bác sĩ mắt. Các dụng cụ của văn phòng đầu, tuy khá tối tân, không nhìn qua sâu được đến võng mạc (retina). Họ giới thiệu đến bác sĩ chuyên về võng mạc và viêm màng mạch nho (uveitis). Sau khi khám gần hai tiếng đồng hồ ngày 16 vừa qua, họ nói là bị viêm rất sâu phía sau tròng mắt, nhưng họ không biết lý do. Họ cho đi thử máu (16 ống máu được hút) và chụp X-ray phổi. Phổi bên phải bị sưng một đường ống bề ngang là 9mm. Kết quả thử máu đã về ngày 23 tháng 9 và tôi đã gặp lại ông bác sĩ chuyên về võng mạch ngày 27. Lần nầy máy rọi qua mắt thấy được chút xíu võng mạch và có chụp ảnh, nhưng họ vẫn không biết nguyên nhân nên đã cho đi thử máu lần 2 và hẹn với bệnh viện làm CAT-scan phổi tuần tới để xem rõ là viêm phổi như thế nào. Họ trấn an là sưng phổi đường ống thì không phải là ung thư, đặc biệt là vì tôi chưa bao giờ hút thuốc lá trong đời.

“Tôi vẫn phải đi dạy và làm bao việc khác, nhưng đang bị ho nhiều, thớ thịt bán thân bên phải bị nhức và yếu cho nên hiện tôi đi không được vững lắm. Không biết có phải vì ảnh hưởng của viêm mắt hay viêm phổi không. Mắt thì đang tạm dùng loại thuốc nhỏ tên gọi là "difluprednate," một lọ bé tí chưa bằng khúc trên của ngón tay cái mà 250 đô! Mỗi ngày nhỏ 4 giọt thôi và tối đa là 10 ngày thì hết một lọ. Nhưng hầu hết các tiệm bán thuốc không trữ thuốc nầy vì các công ty bảo hiểm không trả tiền và bệnh nhân phải tự trả lấy. Ngày hôm kia văn phòng bác sĩ nầy phải gọi đến 10 tiệm bán thuốc mới tìm được một chỗ còn 4 lọ. Văn phòng bác sĩ đặt cho tôi thêm 10 lọ nữa. Có nghĩa là họ nghĩ phải đến khoảng 150 ngày nữa mắt trái tôi mới khỏi, nếu không dùng các thứ thuốc khác hay phải mổ bằng tia laser.

“Cái khổ là mùa thu nầy lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không. Vả lại mắt trái là mắt tốt của tôi và tôi quen dùng mắt trái để chụp ảnh.”

Như vậy là suốt một tháng trời, các bác sĩ chuyên môn về mắt và phổi chăm chú vào chuyên môn của mình, không xét tới buồng gan, nguồn gốc của các biến chứng. Khi tìm ra căn nguyên thì đã quá muộn. Hơn một ngày đêm, tôi oán trách họ, nhưng rồi nghĩ lại, có lẽ sự đau xót đã dẫn tới trách oan: ung thư gan, dù phát hiện sớm hơn, y học hiện vẫn còn chịu thua. Bạn chúng tôi, cũng tên Long – anh Nguyễn Thành Long, kỹ sư cầu đường – tháng 6.2003 khám bệnh tổng quát, sức khỏe tốt, tháng 9 phát bệnh, ba tháng sau từ trần.

*

Công trình nghiên cứu sử học và phát triển (Việt Nam, Đông Nam Á) của Ngô Vĩnh Long, đã và sẽ có những người có thẩm quyền giới thiệu và đánh giá. Tiểu sử của anh, từ thuở ra đời ở Vĩnh Long (quê cha ở Từ Sơn, Bắc Ninh; quê mẹ, xứ Huế), lớn lên ở khu Bàn Cờ, Sài Gòn, đến những cuộc biểu tình năm 1964 chống “Hiến chương Vũng Tàu”, đến những giảng đường và thư viện đại học Harvard (anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên trúng tuyển trường này, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ), những năm miệt mài đấu tranh chống chính sách Mỹ ở Việt Nam (biểu tình, viết báo, nói chuyện, vận động giới trí thức và chính khách Mỹ), kiên trì “đi giữa hai làn đạn” để đóng góp về học thuật, giáo dục, đường lối chính trị đối nội và đối ngoại của anh... là cả một đề tài nghiên cứu cho các nhà sử học sau này. Trước mắt, đã có một số bài viết, phỏng vấn, mang lại cho bạn đọc những thông tin ban đầu.

banco lephuc

Trong bài này, viết trong những giờ phút quá xúc động – hôm nay, gia đình anh sẽ tổ chức hỏa táng tại Bangor (Maine, Hoa Kỳ) trong vòng gia đình – tôi chỉ xin ghi nhanh một vài kỷ niệm cá nhân về con người xuất chúng ấy.

Mãi đến năm 1976, tôi mới được gặp anh, tại Paris. Trước đó, từ cuối thập niên 60, chúng tôi chỉ biết nhau qua trao đổi thư từ – thời ấy chưa có internet, điện thoại viễn liên rất đắt. Trao đổi một chiều là chính: anh cho nhiều mà nhận được ít. Thời báo Gà – tại sao Gà? anh giải thích: Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau –, tờ báo mà anh chủ trương và một mình quán xuyến là một nguồn thông tin quý báu, qua đó, chúng tôi đọc được rất nhiều bài báo Sài Gòn và những thông tin về Quốc hội Mỹ, về phong trào phản chiến. Anh Long hoạt động độc lập, nhất quán chống lại chính sách của các chính quyền Hoa Kỳ nối tiếp ở Việt Nam, hợp tác với anh Trương Đình Hùng và chị Nguyễn Ngọc Thoa ở Washington, nên được xếp là “thành phần ba”.

Một việc “riêng” không có anh Long thì không thành: khoảng 1965-1966, hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp (LHSVVNTP) gửi thư cho sinh viên và giới đại học Mỹ. Thư được dịch sang tiếng Anh và “phát tán” trong các đại học Mỹ. Một hôm, tôi nhận được thư cầu cứu của anh P., bạn học Chu Văn An. Anh P, sau tú tài, học Quốc gia hành chính, được gửi sang Mỹ tu nghiệp. Do thái độ phản chiến, anh bị cắt học bổng và triệu về Sài Gòn. Vì lá thư của LHSVVNTP dùng địa chỉ của tôi (15, rue d'Arcole, Paris), anh P gửi thư cầu cứu: anh tìm đường sang tị nạn ở Canada, nhưng không biết cách nào. Tôi phải cầu cứu anh Long. Anh giới thiệu ngay với Noam Chomsky – nhà ngữ học, mà Aragon đã gọi rất đúng là “Descartes của thế kỷ 20”, mà tôi đang nghiền ngẫm tác phẩm Syntactic Structures vì muốn tập tễnh làm ngôn ngữ học toán học – và Noam Chomsky đã hồi âm nhanh chóng, mở đường dây cho anh P. vượt biên, qua biên giới Canada thì được một tổ chức Tin Lành giúp đỡ tận tình.

Tình bạn của chúng tôi này nở ở Paris. Chúng tôi gặp nhau nhiều lần, có dịp hai gia đình đi chơi xa. Con trai lớn của tôi, Thái Bình, sinh tháng 7.1972 (ba tuần sau khi anh Nguyễn Thái Bình bị CIA giết trên sân bay Tân Sơn Nhất), hơn Thái Ân, con gái (con thứ nhì) của anh Long và chị Hội Chân, mấy tháng. Có lần vui miệng, chúng tôi đã “đính hôn” cho hai đứa. Chuyện không vui là có lẽ vì quá trình “thành phần ba”, anh Long không được lãnh đạo phong trào Việt kiều ở Mỹ giới thiệu để xin visa về nước nghiên cứu. Anh Huỳnh Trung Đồng, chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, đã viết thư ngay cho ông Trần Quang Huy, chủ nhiệm Ban Việt kiều Trung ương (tiền thân của Ủy ban về người nước ngoài hiện nay), và tôi viết cho ông Hoàng Tùng, tổng biên tập báo Nhân Dân, và anh Nguyễn Khắc Viện, giám đốc nhà xuất bản Ngoại văn và tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, nguyên thủy có nhiệm vụ “tuyên truyền đối ngoại”, nhưng đã trở thành một tạp chí có uy tín trong giới Việt Nam học bắt đầu phát triển trên thế giới.

Anh Long đã về nước vào khoảng 1980-1981, phỏng vấn nhiều nhân vật (liên quan tới lịch sử nửa đầu thế kỷ 20), nghiên cứu điền dã ở một vài làng xã đồng bằng sông Hồng (do sự sắp xếp của tạp chí Nghiên cứu Việt Nam). Một hôm, đầu năm 1981, tôi nhận được điện thoại của anh, gọi từ phi trường CDG Paris, nơi anh quá cảnh trên đường từ Sài Gòn về Boston. Anh Long cho biết những băng ghi âm phỏng vấn của anh bị công an biên phòng giữ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Tháng 7.81, tôi về nước. Vừa về tới nhà, ở khu Vườn Chuối (hôm nay đọc một bài báo, mới biết anh Long là người cùng khu), tôi được anh Dương Đình Thảo tới thăm, chủ yếu để nói về “chuyện anh Long ”. Anh Thảo nguyên là người phát ngôn phái đoàn của bà Nguyễn Thị Bình ở Hội nghị Paris (đôi lần, phiên dịch của anh bị cảm cúm, nên tôi, vốn là phiên dịch cho anh Nguyễn Thành Lê, đoàn miền Bắc, đã có dịp “vượt tuyến” dịch cho anh Thảo trong cuộc họp báo), năm 1981 làm giám đốc Sở văn hóa thông tin (hay Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy, hai chức vụ nối tiếp nhau, tôi không nhớ rõ thứ tự và thời điểm). Anh Thảo cho biết, anh Long phỏng vấn nhiều người, trong đó có nhà sử học Đào Duy Anh, đảng viên sáng lập Đảng Tân Việt (1925-1929) – nếu tôi nhớ không lầm, thân sinh của anh Long cũng đã từng hoạt động trong Tân Việt. Băng từ ghi âm còn ghi lời nói của cụ Đào về ông Lê Đức Thọ: “chống Trung Quốc mà người phụ trách việc này lai trao cho tay mao-ít số 1 là Lê Đức Thọ!”. “Tôi tin rằng anh Long sẽ không sử dụng câu nói đó – anh Thảo nói – nhưng nếu vì sao, cuộn băng lọt ra ngoài, có người công bố, thì anh Long sẽ bị người ta quy trách nhiệm. Nên chúng tôi buộc phải giữ lại các cuộn băng ghi âm”.

DDA

Ngô Vĩnh Long và học giả Đào Duy Anh (1981)

Vài ngày sau, tôi ra Hà Nội, đến thăm anh Nguyễn Khắc Viện ở phố Nguyễn Chế Nghĩa. Anh Viện xác nhận là cơ quan đã giúp anh Long đi điền dã. Nhà xuất bản trực thuộc Ban bí thư, nên họ có quyền không thông báo “hàng dọc” cho tỉnh, rồi huyện, mà đưa xe về thẳng xã thôn. Theo đúng tác phong điều tra xã hội học nông thôn, anh Long chụp ảnh bà con, hỏi chuyện từng người, lên cả đời cha, ông... Trong bối cảnh sau chiến tranh Mỹ, vừa có chiến tranh xâm lược của Bắc Kinh, tác phong nhà khoa học bị đồng hóa với phong cách “tình báo từ Mỹ sang”, công an xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh... Theo lời một đồng nghiệp báo Nhân Dân, cũng may là báo cáo đến bàn ông Hoàng Tùng, tổng biên tập báo, thành viên Ban bí thư Trung ương, và được ông Hoàng Tùng “giải cứu” trong “vụ việc” này.

Tới dự một cuộc họp “báo chí Việt kiều” ở Ban Việt kiều Trung ương, lúc đó ở phố Quan Thánh, Hà Nội, tôi vừa bước chân vào phòng thì được anh Nguyễn Văn Lũy, chủ tịch hội Việt kiều tại Mỹ, chỉ mặt trách mắng: “Tại các anh bên Pháp mà thằng Long nó được về...”.

Từ đó, anh Long bị cấm cửa. Mãi tới sau đổi mới, khoảng 1987-1988, anh mới được về, do sự can thiệp của ông Nguyễn Cơ Thạch, tham gia một khóa giảng về kinh tế, phát triển do anh Vũ Quang Việt tổ chức. Tôi chỉ được biết một cách gián tiếp, vì một năm sau, mùa hè 1982, tôi được “tay mao-ít số 1” – nói theo lời cụ Đào Duy Anh – ra lệnh cấm cửa, liên tục cho đến mùa thu năm 2001.

Đó là chuyện quan hệ với chính quyền Việt Nam của anh Long. Đối với những tổ chức chống Cộng ở Mỹ, tất nhiên anh được chụp mũ Cộng sản. Từ năm 1981 đến ít nhất năm 1995, anh bị ném bom xăng (trong khuôn viên đại học Harvard) và nhiều lần bị đe dọa (xem bài Vài câu chuyện khi “được” FBI theo dõi, đã đăng trên Diễn Đàn ngày 24.6.2019).

*

Mùa hè năm 1997 (hai năm sau ngày Mỹ ngừng cấm cửa tôi), tôi ghé qua New York, ở nhà anh Việt. Một buổi trưa, bốn anh em chúng tôi, Vũ Quang Việt và Ngô Thanh Nhàn, dân New York, Ngô Vĩnh Long từ Boston tới, và tôi từ Paris qua, gặp nhau, chuyện trò. Biển Đông ‘mùa hè đỏ lửa’, đúng hơn, bốn mùa xuân hạ thu đông đều nóng bỏng, biên giới trên đất liền, sau “hộị nghị Thành Đô” vẫn không hết căng thẳng. Chúng tôi chợt nảy ra ý kiến: tại sao không tổ chức một cuộc hội thảo về tình hình khu vực Biển Đông - Thái Bình Dương, tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc, Mỹ, Nga... và chính sách hiện có, nên có của Việt Nam, với sự tham gia của anh chị em ở nước ngoài, và nếu có thể, của anh chị em ở trong nước. Một năm sau, ngày 15.8.1998, Hội thảo Hè lần thứ nhất đã họp tại Trường đại học New York (nơi anh Nhàn nghiên cứu) với sự tham gia của hai thành viên Ban biên giới của chính phủ Việt Nam – kết quả sự kiên trì và cương quyết của anh Việt, vì lúc đó trong chính quyền có nhiều người quan ngại về một cuộc hội thảo độc lập với mọi ‘cơ quan chủ quản’, trong ban tổ chức lại có những phần tử ‘có vấn đề’. Từ đó đến nay, gần một phần tư thế kỷ đã qua, Hội thảo Hè đã diễn ra 21 lần, trong đó có hai lần ở trong nước (2005 và 2008), tại các trường đại học Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Âu, Châu Á. Nếu tôi nhớ không lầm, anh Long bao giờ cũng có mặt và có bài tham luận.

philadelphia

Tham luận tại Hội thảo Hè 2010 (TĐH Temple, Philadelphia)

Đối với hàng trăm anh chị em đã có dịp tham gia hội thảo, ngoài tính chất nghiêm túc (và dí dỏm) của tham luận, hình ảnh mà mọi người ghi nhớ là nụ cười trẻ trung, hiền hậu và đôi mắt tinh anh của Ngô Vĩnh Long, nhất là trong những cuộc nói chuyện ở hành lang hay trong các cuộc du ngoạn ngoài hội thảo. Qua chi tiết này, người ta có thể khám phá ra bí quyết “sống lâu” của một hội thảo nghiêm túc mà mỗi người tham gia phải tự túc về chi phí mọi mặt: học hỏi thì thật là có học hỏi được nhiều điều, nhưng cốt yếu là dịp gặp gỡ với anh chị em “bốn biển là nhà” trong không khí thẳng thắn, không nhân nhượng trong tranh luận, mà luôn luôn thân tình, tương kính. Sự tương kính không mâu thuẫn với những giai thoại được kể lại một cách “cù không cười”. Chắc nhiều người còn nhớ anh Long giải thích những hệ lụy của hai chữ “gương mẫu”: gương là kính, kính là để nhìn thấy rõ, mẫu là mẹ, gương mẫu là... thấy mẹ.

Những ai đã dự Hội thảo Hè cách đây đúng 20 năm ở Bangor (bang Maine): “Toàn cầu hóa và các vấn đề con người Việt Nam” tổ chức nơi anh Long là giáo sư sử học (ghế Adelaide & Alan Bird Professor of History) chắc còn giữ nhiều kỷ niệm. Tôi không còn nhớ gì về tham luận của anh, Ai được, ai thua trong việc Trung Quốc vào WTO và những bài học có thể rút ra cho Việt Nam, nhưng còn nhớ mãi bữa tiệc tôm hùm mà thầy trò anh đã lụi cụi cả đêm để đãi mọi người trong vườn nhà – và tôi còn ghi nhớ tên tuổi, không tiện nêu ra ở đây, những thực khách đã thực tâm ăn tới con thứ hai, thứ ba. Sau hội thảo, vợ chồng tôi còn đến ở nhà anh Long và chị Mai thêm vài ngày nữa. Nhờ đó mới khám phá ra sự quán xuyến việc nhà của anh – lúc ấy chị Mai đang mang thai cháu Vĩnh Thiện – và sự sành rượu của nhà sử học. Tôi ngộ ra: Ngô Vĩnh Long suốt đời đam mê với sử học, với đất nước Việt Nam, tuổi trẻ hăng hái bao nhiêu, thì tuổi già càng bền bỉ bấy nhiêu, như một thứ rượu “đúng năm”, càng để lâu càng ngon.

*

california

Tháng 7.2022, nhân dịp gặp gỡ “50 năm” bạn bè ở California (ảnh chị Tương Như Miller cung cấp)

Ngày 1.10.2002, mười hai ngày trước khi từ biệt cõi đời, mắt trái không nhìn thấy gì, Long viết: “Cái khổ là mùa thu nầy lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không. Vả lại mắt trái là mắt tốt của tôi và tôi quen dùng mắt trái để chụp ảnh.”

Năm nay, mùa thu vùng đông bắc nước Mỹ, cũng như mọi năm, sẽ rực rỡ vàng đỏ muôn sắc, chỉ vắng một con người, yêu đời và yêu thiên nhiên. Anh ra đi, mang theo cả nụ cười.

Ngày gia đình tổ chức lễ hỏa táng, 14.10.2022

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/mua-thu-vang-anh