Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975 (kỳ 11)

Nguyễn Phú Yên

 

CHƯƠNG X

PHẠM DUY: TÂM CA & ĐẠO CA

Năm 1953, sau việc “dinh tê” (về thành), Phạm Duy quyết định di cư vào Nam, chọn cuộc sống tự do để theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông lại tiếp tục sáng tác, đã góp phần trong việc làm giàu cho kho tàng tân nhạc trong hoàn cảnh mới sau ngày chia cắt đất nước. Thời gian ở miền Nam đã cho Phạm Duy hoàn thành những công trình về sáng tác và nghiên cứu có giá trị.

Giữa thập niên 1960, Phạm Duy bị cuốn hút vào những sinh hoạt của thanh niên, sinh viên, và bắt đầu có những sáng tác dài hơi, thể loại 10 bài rất mới mẻ và độc sáng của riêng ông. Có lẽ cuộc chiến tranh đến hồi khốc liệt buộc mỗi người dân, mỗi thanh niên và cả người nghệ sĩ tự phản tỉnh và nhìn lại chỗ đứng của mình trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Phạm Duy cũng vậy và ông đã có một loạt sáng tác dạng 10 bài như Bé ca, Nữ ca, Bình ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca, Tục ca, Tâm ca, Đạo ca. Đây là bước ngoặt của một giai đoạn sáng tác của Phạm Duy với loại sáng tác dài hơi này. Trong số các sáng tác này chỉ có Mười bài tâm caMười bài đạo ca được phổ biến nhiều hơn và để lại dấu ấn sâu sắc hơn trong lòng người nghe, đặc biệt với tầng lớp thanh niên đô thị. Ông thường đi hát cùng các bạn trẻ du ca, đến các giảng đường đại học phổ biến những bài hát của mình, bắt đầu bằng Mười bài Tâm ca.

MƯỜI BÀI TÂM CA

Những bài tâm ca ra đời như là cảm xúc của con người thực sự đối diện với thực tế chiến tranh. Đó là những cảm xúc chân thật của những tâm hồn biết xót xa, biết đau xót cho cuộc sống người dân trong cuộc chiến tranh triền miên trên quê hương. Tâm ca phủ nhận chiến tranh nhưng người hát tâm ca lại không làm gì được để thay đổi thực tế chiến tranh. Nói khác đi, tâm ca cũng thể hiện tình cảm phẫn nộ trong sự bất lực của chính mình không làm gì được trước khói lửa cuộc chiến. Do đó hát tâm ca cũng là một lối giải thoát để ru ngủ mình, ru ngủ người khác. Trong lời giới thiệu tập Mười bài tâm ca của Phạm Duy, Nhà xuất bản Lá Bối có viết: “Những bài tâm ca được trình bày trong đây, tuy cũng phát xuất từ trái tim, tuy cũng là ngôn ngữ khóc cười theo mệnh nước, vẫn còn mang một sắc thái đặc biệt: đó là tính cách tâm linh, nội hướng và ý hướng điều hợp...”. Cái tính cách tâm linh mang triết lý nhà Phật nói đến ở đây phải được hiểu là sự trở về với cái ta, tức là cuộc truy tìm bản ngã, nhưng những bài tâm ca không mang ý nghĩa cao siêu ấy mà chỉ cho ta thấy một cái ta bất lực. Cái “ý hướng điều hợp” ở đây chẳng qua là sự điều chỉnh thái độ, hành động sau những bài hát mang lời lẽ phản chiến. Chúng ta thử tìm hiểu nội dung trong các bài tâm ca của Phạm Duy.

Tuy trở về với chính mình nhưng làm sao tác giả không nhìn thấy cái thực tại chiến tranh? Hằng ngày hiện thực ấy vẫn đập vào mắt ông mà ông không thể lảng tránh:

- Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè

Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa

Hỏi thăm em em có mẹ cha

Hỏi thăm em em có ông bà

Hỏi thăm em em có cửa nhà

Một ngày qua em mất cả ba.

- Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười

Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi

Cùng em côi tôi có bàn tay

Và đôi môi tôi hát ăn mày

Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy

Cùng ngủ ven sông hay gối bụi cây.

- Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà

Một chiều mưa

Một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ

- Tôi sẽ hát to hơn

Tiếng nhạc mơ hồ phòng trà

Nàng danh ca

Nàng danh ca không có giọng ca

- Tôi muốn hát thay

Cho gánh cải lương gầy một ngày

Về chợ quê về chợ quê rung trống cầu may.

(Tâm ca số 2, Tiếng hát to)

Vâng, đó là cái đời thường trong một xã hội mà chiến tranh đã đẩy nhiều hạng người đến đường cùng: em bé bơ vơ bên vỉa hè, người ăn xin bên gốc cây, em gái bán thân, kẻ mưu sinh bằng giọng hát, gánh hát nghèo miền quê... Song cái bi kịch trầm thống không phải ở cái đời thường đó mà lại ở chính con người nghệ sĩ, dường như muốn ở ngoài cuộc và lãnh đạm:

- Sáng nay vừa thức dậy

Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường.

Nhưng trong vườn tôi

Vô tình khóm tường vi

Vẫn nở thêm một đóa.

Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở!...

(Tâm ca số 1, Tôi ước mơ, thơ Nhất Hạnh)

Lời hát như một lời tự nhủ mình: cái chết ở bên ngoài tôi, không liên quan đến tôi, tôi không phải chịu trách nhiệm, tôi phải tự lo liệu bản thân tôi và tôi phải sống hằng ngày! Em chết ngoài chiến trường, còn ở đây tôi vẫn sống như không có gì xảy ra với tôi. Rõ ràng người nghệ sĩ ở đây tự chọn cho mình thái độ buông xuôi và bất lực.

Trong số các bài tâm ca, có thể xem Tâm ca số 4 như một tình khúc. Nhưng từ tình yêu đôi lứa, tác giả muốn dẫn dắt người nghe đến những tình cảm lớn lao hơn (bóng dáng Phật về, Chúa vào đời) song vẫn không quên được hiện thực chiến tranh. Nói đúng hơn, hiện thực đó vẫn đeo đẳng tâm linh, dẫu là tâm linh đã hướng nội:

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già

Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá…

Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi

Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người

Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai

Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài…

(Tâm ca số 4, Giọt mưa trên lá)

Không, hướng nội chỉ là một định hướng, một nỗ lực tự thân nhưng hơn ai hết, chính tác giả mới là kẻ nhìn rõ thực tại, nhìn rõ cuộc đời muôn mặt:

- Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài

Để lại cho em hồn nước tả tơi

- Để lại cho em một nước phân lìa

Để lại cho em một giống nòi chia

- Để lại cho em giọt máu dân lành

Để lại cho em từng nấm mồ xanh

- Để lại cho em thành phố lên đèn

Bọn người tranh nhau một đám bụi đen

Lệ buồn rơi trong tửu điếm

Gửi người gian nan tiền tuyến

Để lại cho em giả dối đê hèn…

Tác giả nhìn rõ đời nhưng cũng nhìn rõ người: “hèn kém của anh, tội lỗi qua rồi, bạo tàn vênh vang, một tấm lòng tham”... Trong bối cảnh đó, người nghệ sĩ sẽ làm gì?

- Nhưng em thương anh thương anh

Cho súng phải thở dài

Nhưng em thương anh thương anh

Cho tàu bay khóc với

Nhưng em thương anh thương anh

Cho lựu đạn im tiếng...

- Nhưng em thương anh thương anh

Xin nhận lời tranh đấu

Nhưng em thương anh thương anh

Đi tìm lối thoát cho nhau.

(Tâm ca số 5, Để lại cho em, thơ Nguyễn Đắc Xuân)

Như thế đấy, tác giả đã tìm ra được một thứ vũ khí để chống chọi với cuộc đời: tình thương! Trong một đất nước đầy đạn bom, máu dân lành còn đổ, bao nấm mồ xanh, con người tham lam, giả dối..., chỉ có tình thương mới làm cho “súng phải thở dài, lựu đạn im tiếng”, tình thương sẽ hóa giải tất cả, chỉ có tình thương là lối thoát cho mọi người. Đó là lời biện hộ cho một giải pháp thoát ly thực tại.

Tình thương còn là một cách tiếp cận cuộc đời. Với Phạm Duy, chỉ cần tình thương là có thể ở bên mọi người, ai cũng là bạn, không ai là kẻ thù:

- Ngồi vào đời nhỏ nhoi

Trong kiếp sống đầy vơi

Ngồi gần người từ bi

Hay lũ giết người kia

Ngồi gần loài giun dế

Hay ác thú hùm beo

Mình vào ngồi đây với nhau...

Ngồi gần loài ma quái

Nghe tiếng nói lả lơi

Ngồi gần tình thương yêu

Nghe rõ tiếng bụt kêu

Gần người hùng trong trắng

Bên lũ cướp của công

Ngồi thở dài hay ước mong…

Ước mong ở đây chẳng phải là ước mong đại đồng mà chỉ là cách đánh đồng đủ hạng người, lẫn lộn yêu thương-thù ghét, lẫn lộn mới-cũ, xấu-tốt, xưa-sau:

- Ngồi gần ngồi gần nhau

Đây đó chung quanh địa cầu

Ngồi gần ngồi gần nhau

Trong kiếp xưa trong đời sau

Ngồi vào một thế giới

Không xấu tốt buồn vui

Ngồi vào đời không mới

Không rách nát tả tơi...

Sự đánh đồng đó có ý nghĩa như một sự cào bằng nhưng cũng không có ích lợi gì hết thảy, bởi vì sau đó chính tác giả cũng chỉ trở về với cái tháp ngà của mình, quên mọi thế sự:

Một mình ngồi trong cái “ta”

Một mình ngồi trong cái “ta”

(Tâm ca số 3, Ngồi gần nhau)

Phạm Duy đã tự mâu thuẫn với chính mình: ông đã “xin nhận lời tranh đấu”, nhưng đồng thời lại “một mình ngồi trong cái ta”. Ông chấp nhận thực tại nhưng lại chối bỏ thực tại, ông muốn “ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều” nhưng lại bỏ đồng loại để quay về với chính mình.

Chính vì sự đánh đồng trên mà Phạm Duy đã có câu hát tiêu biểu như một tuyên ngôn:

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai.

Đặt câu tuyên ngôn này vào trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ chẳng khác nào kêu gọi mọi người ngưng mọi cuộc chiến đấu chống kẻ thù, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Kẻ thù, dưới mắt Phạm Duy, không phải là con người cụ thể mà chỉ là một danh từ trừu tượng:

- Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hờn căm

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma.

- Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta.

- Kẻ thù ta tên nó là vu khống

Kẻ thù ta tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên nó là sự ghét ghen...

Những gì Phạm Duy định danh như thế thì như ông khẳng định, nó không ở đâu xa mà chính là ở trong mỗi con người chúng ta. Vì vậy ông kết luận:

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai.

Cứ theo luận cứ ấy thì chẳng có kẻ thù hoặc là kẻ thù ấy chính là bản thân mình. Mà không có kẻ thù thì không có đấu tranh. Vậy thì chỉ trở lại giải pháp mà ông đã nêu trên đây: tình thương.

Người người ơi yêu mến người mãi mãi

Người người ơi yêu mến người không nguôi

Yêu mến người đầy vơi

Yêu mến người đêm ngày

Yêu mến người tay nắm tay.

(Tâm ca số 7, Kẻ thù ta)

Với ông, tình thương dành cho cả mọi người, trong đó có kẻ thù. Ông kêu gọi tình thương, rao giảng tình thương giữa lúc mà đạn bom vẫn gầm réo. Và giữa muôn khổ đau của xã hội miền Nam, ông chỉ còn biết cất lên lời ru như thế này:

Ru người hấp hối

Bằng chiều lam tỏa khói

Ru người phơi phới

Bằng nắng vói lưng đồi...

Ru người thiêm thiếp

Nằm im gương mặt sáng

Ru hồn trong trắng

Như bé lúc sơ sinh

Ru lòng êm ấm

Ru tấm thân yên lành

Ru người đang chết

Trong hòa bình hay chiến tranh.

Ông thở than cho kiếp sống để rồi vinh danh cái chết, dẫu là một cái chết không rõ nguyên do, không rõ mục đích, một cái chết vô nghĩa:

Ôi kiếp sống bộn bề

Kiếp sống tràn trề

Thấm thía hiền hòa

Chất chứa lọc lừa tỉnh và mê.

Ôi kiếp sống bềnh bồng

Ấm áp lạnh lùng

Kiếp sống dài dòng

Mọi sầu thương.

Ôi cái chết tuyệt vời

Đến với đời người

Giữ vững một lời

Cái chết nghìn đời

Chẳng hề phai

Ôi cái chết thật thà

Cái chết mặn mà

Đến đúng ngày giờ

Cái chết hẹn hò tự ngàn xưa.

(Tâm ca số 8, Ru người hấp hối)

Giữa lúc người dân Việt phải bỏ thây trong cuộc chiến khốc liệt thì Phạm Duy lại triết lý một cách siêu hình về cái chết. Thay vì xót thương thì ông ta ngợi ca, thay vì lên án thì ông ta cất lời ru cho siêu thoát. Ông kêu than cho phận người nhưng lại quay lưng với mọi cái chết.

Đó là cách thế biện hộ cho việc thu mình vào cái tôi để che giấu thái độ đào thoát của chính mình. Nếu có ai lên án, ông sẽ tìm mọi cách để biện minh:

Đời sinh tôi ra tôi ra như thế

Đời sinh tôi ra tôi ra như thế

Thương tôi thương tôi cho sống say mê

Không thương không thương xin giết tôi đi.

Ông không ngần ngại vẽ lên diện mạo và nhân cách của chính mình:

Tôi bảo tôi mãi mà

Tôi không nghe không nghe

Nhất quyết yêu người

Cả người thật thà, gian dối

Tôi bảo tôi mãi mà

Tôi không nghe không nghe

Cứ cố yêu người dù rằng

Người đang lừa người.

Tôi bảo tôi mãi mà

Tôi không nghe không nghe

Đứng giữa hận thù

Chỉ ngờ mình là Horace

Tôi bảo tôi mãi mà

Tôi không nghe không nghe

Chiến đấu quân thù

Mà tìm chưa ra thù ghét.

(Tâm ca số 9, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe)

Đây không phải là khúc tự trào mà chính là bản thân cái tôi của Phạm Duy và của nhiều người quay mặt với thực tại: một con rối bơ vơ trước cuộc đời máu lửa. Ông chỉ còn vin vào tiếng hát của mình để kêu gọi mọi người trên con đường đi tìm sự hóa giải:

Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn

Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than...

Đời còn cần ta hát nhặt khoan

Một nghìn đời sau ta còn hát ầm vang...

Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai

Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi

Hát với tôi nào, hát với tôi nào

Hát với nhau những lời của người Việt Nam.

(Tâm ca số 10, Hát với tôi)

Và con đường đó chính là lối đi mịt mờ trong khói lửa chiến tranh để rồi mất dấu và chìm khuất trong lòng người. Mười bài tâm ca của Phạm Duy có thể diễn dịch theo một tiến trình sau đây:

Hiện thực chiến tranh à Con người bất lực, buông xuôi à Không có hận thù: thế giới không xấu tốt, kẻ thù ở trong ta à Thở than về kiếp sống: lọc lừa, tỉnh mê, sầu thương à Ca ngợi cái chết: tuyệt vời, không phai, mặn mà à Kêu gọi tình thương: ngồi gần bên nhau, đi tìm lối thoát cho nhau, hát với nhau à Trở về cái tôi: một mình ngồi trong cái ta.

Đó là toàn bộ nội dung tư tưởng, khuynh hướng tâm ca của Phạm Duy. Điều đó cho thấy tác giả qua mười ca khúc chỉ dừng lại ở tư tưởng phản kháng tiêu cực, bởi văn nghệ nói chung theo ông không thể là sức mạnh vật chất để dập tắt chiến tranh. Dù sao trong thời điểm ấy, không thể phủ nhận tâm ca vì tâm ca vẫn là tiếng nói cần thiết của một thế hệ biết thao thức trước vận nước. Tâm ca bày ra một thái độ để những người trách nhiệm về cuộc chiến suy nghĩ hướng đến một tư tưởng và hành động chính trị để thực hiện ước mơ của người dân. Tâm ca vẫn như một khởi điểm cho việc tìm kiếm một lối thoát đích thực cho cuộc chiến tranh trên quê hương.

MƯỜI BÀI ĐẠO CA

Tâm ca là cái nhìn về ngoại giới. Đạo ca là cái nhìn về nội tâm, nói cách khác là cái nhìn về thế giới tâm linh, soi xét về bản ngã. Mười bài đạo ca chính là hát về mình để tìm con đường đi về sau. Mười bài đạo ca còn mang tên Tiếng ca giữa thành vách sương mù. Nói về sự hình thành 10 bài ca này, NS Phạm Duy cho biết: “Ðầu thập niên 70, có sự gặp gỡ giữa tôi và nhà thơ Phạm Thiên Thư - tức thiền sư Tuệ Không - khiến cho nhạc của tôi bây giờ thiên hẳn về nhạc tâm linh mà trước đây tôi chỉ đem thoáng vào tâm ca hay vào những đoản khúc như Lữ hành, Xuân hành... Cách đây ít lâu, Phạm Thiên Thư đã cho tôi những lời thơ đẹp để soạn thành những ca khúc thoát tục và bây giờ thì anh cho tôi những lời thơ đạo để tôi soạn thành Mười Bài Ðạo Ca”. (1)

Trong danh từ “đạo ca”, chữ đạo không có nghĩa là tôn giáo mà là con đường. Con đường dẫn người nghe đi tìm sự an lạc của tâm hồn, theo như Phạm Duy nói. Còn nhà thơ Phạm Thiên Thư giải thích thêm: “Như vậy, chỉ có một bài thứ nhất là thơ đã có sẵn, còn tám bài sau tôi rút từ tinh túy những bộ kinh Phật, bộ Đạo Đức Kinh, Thánh kinh Cựu ước, và Nam Hoa kinh, kể cả một số tư tưởng Kinh Thi và Trung Dung của Khổng học, nhưng tư tưởng cốt tủy trong mười bài vẫn là Thiền Đạo và con đường Bát Thức của Pháp Tướng Tông Phật giáo, dù vậy tất cả nội dung trên đều được nhìn bằng chiều kích riêng biệt của người Việt Nam khiến trở thành những ý nghĩa và biểu tượng thiết yếu cho đời sống cá nhân...”. (2)

Trước 10 bài ca này, hai tác giả Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đều có viết đề dẫn cho mỗi bài để người nghe hiểu qua nội dung hàm chứa trong mỗi ca khúc. Với Đạo ca 1 hai tác giả viết: “Đạo ca 1 Pháp Thân khởi đầu cuộc đi tìm chân lý. Vũ trụ được hiện bày như một toàn thể sinh hóa, một tương duyên mật thiết không còn bờ vực hữu hạn, xóa bỏ tất cả ý thức về ngã và phi ngã, xóa bỏ mọi dấu chân đi tìm ngoại vật. Một là tất cả. Tất cả là một. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai (Tản Đà)”. Vạn pháp nhất thể thì gọi là Pháp thân. Pháp thân là tánh không, nó trùm khắp, nó bao hàm như không gian để cho vạn vật sinh sôi. Với lời thơ đầy hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, dòng nhạc của Phạm Duy như đươc biến hóa sâu hơn trong kỹ thuật tựa như bàn tay của một phù thủy: từ một môtip chạy trên cung Sol trưởng và tạm nghỉ ở cung Mi giáng trưởng. Giữa hai phiên khúc và kết thúc bài hát, tác giả dùng hai câu thơ của Tản Đà để làm rõ ý nghĩa vũ trụ chỉ là một của Đạo ca 1:

Xưa em là kiếp chim,

Chết mục trên đường nhỏ
Anh làm cội băng mai,

Để tang em, chờ mấy thuở.
Xưa em làm kiếp lá,

Rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy,

Dôi hàng lệ ướt tương tư.
Xưa em làm kiếp hoa,

Chết rũ trong nội cỏ
Anh làm giọt sương sa,

Sầu thương em, lệ anh nhỏ.
Xưa em làm kiếp gió

Hay có làm kiếp mây
Anh làm chim chích chòe,

Trên đầu gậy, anh hát ca
A ha, ta tuy hai mà một!

A ha, ta tuy một mà hai!
A ha, ta tuy hai mà một!

A ha, ta tuy một mà hai!...
(Pháp thân)

“Đạo ca 2 Đại nguyện đi từ quan điểm toàn thể đã phát biểu qua Đạo ca 1, dẫn đến một tâm linh bao la, diệu vợi. Đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình. Thương người như thể thương thân (Gia huấn ca)” (PD, PTT). Chủ đề chính của Đạo ca 2 chính là muốn nói đến lòng thương người, mà thương người cũng chính là thương mình. Tác giả rời bỏ giai điệu rộn ràng của Đạo ca 1 để chuyển sang giai điệu nhẹ nhàng, trong sáng dịu vợi của điệu luân vũ ở cung Do trưởng, nhịp vừa phải và ít chuyển cung:

Muôn loài như sương rơi,

Xin làm hoa trắng đỡ
Hoa yêu sương chẳng rời,

Hoa yêu sương tuyệt vời
Muôn loài như cát trắng,

Xin làm dòng nước trong
Ra trùng dương tím mát,

Cát sông vẫn nguyện lòng.
Muôn loài như mây lam,

Xin làm trời bát ngát
Cho mây trôi bạt ngàn,

Như sương trong rừng trầm
Muôn loài như hoa thắm,

Xin làm một ánh dương
Cây cỏ mừng ánh nắng,

Tiếng chim hót dị thường.
Thương người như thương thân!

Thương người như thương mình!
Thương người như thương thân!

Thương người như thương mình!
Thương người như thương thân!...
(Đại nguyện)

“Đạo ca 3 Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng hay là Ảo hóa đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng, đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào đã sờn rách, ngựa vàng đã đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng! Thế rồi một ngày kia dũng sĩ dừng chân, xuống ngựa trên cái cầu bắc qua con sông đang gầm sóng, ngựa vàng bỗng hóa thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết” (PD, PTT). Đao ca 3 dài hơi hơn, tựa như một truyện ca với âm nhạc thật phong phú. Mở đầu là dòng nhạc trôi miên man tưởng như là nhịp vó câu đều đặn đưa chàng dũng sĩ đi tìm người yêu. Giai điệu dịu dàng nhưng dồn dập ở cung re thứ, sau đó chuyển cung nhiều hơn, sang fa trưởng, si giáng trưởng rồi về lại re thứ, chấm dứt phần đầu câu chuyện. Khi bước ngoặt câu chuyện bắt đầu bằng ca từ Rồi một hôm chàng trở lại thì giai điệu sáng lên, tác giả chuyển sang re trưởng, si thứ rồi về lại re thứ với môtip ban đầu. Kết thúc câu chuyện có hậu tức là đã “viên thành đạo ca”, giai điệu câu cuối là ánh sáng tươi đẹp nên tác giả kết thúc bằng cung re trưởng.

Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng

Rong ruổi sa trường
Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng

Rong suốt thời gian
Một chàng dũng sĩ đôi mắt u buồn

Như ánh trăng vàng
Lòng chàng nung nấu một mối u sầu

Tìm dấu người yêu.
Một sớm mai chàng dừng nơi đỉnh núi
Mai trắng đôi hàng...

Mai trắng đôi hàng rơi rơi
Như mường tượng áo tơ người
Một chiều dừng cương nơi bờ sông vắng
Lớp lớp xuôi dòng, sóng biếc mơ mòng
Như những nỗi buồn mênh mông!
Rồi một đêm chàng ngừng nơi bãi núi
Chiến trường thoảng tiếng mưa rơi
Như vẳng gót hài xa xôi.
Rồi một ngày nao dừng ngay bờ suối
Ngỡ tóc người xưa,

Mái tóc cài hoa, những làn tơ.
Chàng tìm khắp cõi không thấy bóng người
Không thấy bóng người
Ðường dài soãi bóng, trong gió ngựa vàng

Thay sắc đổi lông
Chàng còn đi mãi, đi mãi,

Đi hoài, đi mãi, đi hoài
Vào làn sương khói, chiếc áo tươi mầu

Nay đã nhạt phai…
(Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng
hay là Ảo hóa)

“Đạo ca 4 Quán Thế Âm hay là Hóa thân biểu tượng cá nhân bước vào đại thể. Người mẹ đi tìm con với niềm đau khổ riêng của mình đã nghe thấy tiếng khổ chung của nhân loại” (PD, PTT). Khúc ca này đem đến cho chúng ta hình ảnh một bà mẹ mòn mỏi đi tìm con trong nỗi buồn thấm đẫm. Mẹ tìm con trên đỉnh đồi, trong hang sâu, bên bờ sông, trong thung lũng… Nghĩa là một mình mẹ lang thang khắp mọi nơi vì tình thương vô bờ của mẹ, đi cho đến lúc mắt đã lòa, lệ đã cạn, lời đã khan, tóc đã bạc và hồn đã tan. Thương con, nhớ con, đợi con, tìm con suốt một đời, một kiếp đến một lúc mẹ lặng lẽ qua đời. Giờ mẹ đã ở trong trời đất, mẹ đã là trùng dương, mẹ ôm cả trần gian trong lòng, mẹ là hiện thân là mẹ chúng sinh mất rồi! Giai điệu của Phạm Duy trong bài này là một khúc ca buồn nặng nề và sầu thảm, chỉ có một lúc le lói mấy nốt nhạc như ánh từ quang. Cả bài hát chỉ một cung mi thứ buồn bã tựa như giọng ru muôn đời của mẹ:
Có bà mẹ đi tìm con

Trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con

Trong động hang lan vàng
Có bà mẹ đi tìm con

Bên bờ sông lam tím
Có bà mẹ đi tìm con

Trong thung lũng cỏ hoang.
Trên đỉnh mùa Xuân,

Mẹ ta thương cả rừng hoa lá
Trong mùa hạ, bên bờ lau,

Mẹ yêu tiếng ve rầu rầu.
Thu về nằm trong bụi cây,

Nhớ mây trời xanh ngát
Nuôi một đàn chim mồ côi,

Khi Ðông tuyết lạnh rơi.
Bốn mùa hoa đua nở,

Bốn mùa Mẹ lang thang
Tìm con, lòa đôi mắt,

Gọi con, lời đã khan
Khóc con, lệ đã cạn,

Thương con, lòng vắng hoang
Nhớ con, sầu đã ngất,

Đợi con, hồn đã tan.
Tay Mẹ đang quờ quạng,

Như một cành khô khan
Nhớ con tìm khắp chốn,

Rời rã cả thời gian
Khi còn là thiếu phụ,

Thơm như nhành ngọc lan
Ðến nay, già tóc trắng,

Tìm con đà mấy trăng…
(Quán Thế Âm
hay Hóa thân)
“Đạo ca 5 Một cành mai nói về sự vượt thắng mối lo sợ về cái chết. Vì sinh tử chỉ là sự đắp đổi, thăng hoa trong một miên viễn là cuộc đời. Bài này còn muốn tưởng niệm nữ sinh viên Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình” (PD, PTT). Bài hát này là suy nghĩ về cái chết có thật của cô sinh viên đã hy sinh thân mình để cầu nguyện cho hòa bình vì cô nhìn thấy hiện thực chiến tranh chỉ toàn là máu sông xương núi. Cô chọn cái chết để mọi người được sống. Một cành mai rụng xuống để cho mùa xuân hòa bình đến với quê hương và đến với cả nhân loại. Giai điệu chạy trên cung fa trưởng rồi chuyển sang la trưởng, cuối cùng lại trở về fa trưởng. Để xưng tụng một cành mai tươi đẹp, tác giả kết thúc bằng những hợp âm cuối cùng rất

sáng láng của cung la trưởng:
Em bé khóc đòi cha, như mẹ khóc đòi con
Người chồng khóc người vợ,

Người yêu khóc người yêu
Nước mắt vẫn đầy vơi,

Sinh tử vẫn còn đây
Ðời này qua đời nọ,

Tử sinh vẫn còn kia.
U ù u U u u u U u u U u.
Ôi máu đã thành sông,

Xương người đã thành non
Hận thù như trời bể,

Hờn căm vẫn còn nghe
Cái chết vẫn còn kia,

Sao cuộc sống còn mê
Ðòi thù, thì oán đời đời
Ðền nhau chỉ có chút lệ thôi
U ù u U u u u U u u U u.
Nước mắt bỗng ngừng trôi,

Khi người đã nguyện dâng
Thân mình làm đuốc hồng,

Cho đòng lúa trổ bông
Cuộc sống chết nào đây?

Ðau buồn sẽ đổi thay
Ðem mình vào kiếp người,

Thoát khỏi nỗi tử sinh.
Cành mai đã rụng rơi,

Rơi rụng xuống cuộc đời
Một cành mai rụng rời,

Làn hương vẫn chẳng phai
Người không riêng của ai,

Nhân loại vẫn của người
Ðặt mình trong dòng đời,

Tử sinh cũng là vui
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Mãi mãi...
(Một cành mai)

“Đạo ca 6 Lời ru bú mớm nâng niu nói vể hiện thể tạo hóa của người mẹ đã khiến cho đứa con có một nền tảng tâm linh, hiền hòa giữa tạo vật, nhân sinh không còn là tù ngục giữa con người” (PD, PTT). Con người chào đời và lớn lên bằng lời ru của mẹ, bằng thực phẩm trần gian được mẹ bú mớm cho trong tình thương bao la của mẹ - những yếu tố cơ bản để nuôi dưỡng tâm hồn đứa con. Bài hát cho ta nghĩ đến và yêu thương người mẹ Việt Nam có dòng máu Đông phương chảy dài trong huyết quản, từ đời này sang đời nọ trên quê hương đất nước đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bài hát ngắn với giai điệu êm ái vì chỉ chạy trên một cung la giáng trưởng

thuần nhất từ đầu đến cuối:
Ru con bằng vòng tay ấm,

Cho con yêu tiếng dịu dàng
Ru con bằng bầu sữa nóng,

Cho con ơn mãi tình nồng
Ru con bằng bài ca ngắn,

Cho con mến Nhạc và Thơ
Ru con còn nhờ mây gió,

Tim con chẳng có vực bờ
Ru con bằng rừng trên núi,

Con ơi, mưa nắng còn dài
Ru con bằng đồi ven suối,

Cho con không oán thù người
Ru con bằng cỏ hoa mới,

Trăng sao kết lại thành đôi
Yêu muôn loại và muôn tánh,

Mai sau chẳng sống một mình.
Ù ơ Mẹ ru con biết:
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Ðông phương…
(Lời ru, Bú mớm, Nâng niu)

“Đạo ca 7 Qua suối mây hồng hay Vô ngôn diễn tả cuộc chiến tranh thầm lặng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, tranh nhau trái tim Mỵ Nương tượng trưng cho ý thức sáng tạo. Sơn Tinh là sự vắng lặng của ý niệm ngôn ngữ, cùng người đẹp biến vào Đại thể, còn lưu lại trên đỉnh núi cuốn thiên thư không chữ và cây sáo thần không lỗ, thúc giục loài người vượt thoát ý niệm ngôn ngữ để thể nhập vào cõi yên” (PD, PTT). Đây cũng là một truyện ca khác kể về cuộc chiến đấu từ trong truyền thuyết. Chính trong truyện ca bằng âm nhạc này, Phạm Duy đã bày tỏ sức sáng tạo kỳ diệu của một tài năng với việc xây dựng nhạc đề và nghệ thuật chuyển cung cho từng đoạn nhạc được kết hợp nhuần nhuyễn để thể hiện từng trạng thái tình cảm của từng nhân vật trong câu chuyện.

Mở đầu là một khúc luân vũ nhẹ nhàng tựa lối hát bel canto dẫn đưa người nghe vào một huyền thoại thể hiện rõ sức tưởng tượng của người Việt. Mỵ Nương đã về trên đỉnh núi trong cảnh thần tiên với hạc vàng múa lượn, trời xanh quấn lụa trên núi cao cùng với hương hoa thơm lừng khắp chốn. Cuộc chiến của Sơn Vương như thế tưởng đã hoàn thành.

Một sớm mai tuyệt vời
Mỵ Nương về đỉnh núi
Làn suối mây lưng trời
Ðưa Nàng lên chơi vơi
Bầy hạc vàng lượn múa
Hòa sáo trúc vô thanh
Núi quấn lụa trời xanh
Hoa dâng hương trên cành…

Nhưng cuộc sống thần tiên của Mỵ Nương không được yên bình. Một ngày mưa Thủy Vương giật mình vì người yêu đã đi mất. Trong cơn tức giận Thủy Vương thét vang gọi quan quân lên đường chinh chiến, quyết chiếm lại Mỵ Nương. Giai điệu đang trầm buồn bỗng sáng lên bởi một nốt nhạc si bécarre đột ngột, diễn tả sự tức giận, nhưng rồi tiếp đó là lại giọng kể lể:

Sáo tơ làm mưa nhẹ
Nghiêng lầu các Thủy Vương
Giật mình trên nệm ngọc
Thét quan quân lên đường.
Người yêu đà mất rồi!
Suối mây hồng phơi phới
Ðem Nàng lên đỉnh núi
Thành cũ hoa còn rơi.
Này hồng ngọc lưu ly
Không được gì đôi mắt
Này bốn bể quyền uy
Không nghiêng được lòng người…

Đến đây là một nhạc đề mới, âm nhạc chuyển qua tiết tấu mạnh mẽ, hùng tráng đầy thôi thúc của trận chiến quyết liệt giữa hai vị thần núi và biển:
Thề quyết không một trời

Thủy Vương vung kiếm thét…
Sóng ầm ầm, sóng ầm ầm nổi dậy
Gió ào, gió ào ào nghiêng trời
Mây ùn ùn, mây ùn ùn kéo tới
Sét ầm ỳ, sét ầm ỳ ra oai.
Nước bừng bừng,

Nước bừng bừng tràn ngập
Ðất dồn dập, đất dồn dập lên trời
Mây dần dà, mây dần dà ra nước
Núi vùn vụt, núi vùn vụt lên cao!
Tiếp đó tiết tấu chậm rãi, kết thúc một nhạc đề:

Cuộc chiến tranh thầm lặng,

Cuộc chiến tranh thầm lặng
Cuộc chiến tranh thầm lặng,

Cuộc chiến tranh thầm lặng...
Tác giả lại chuyển cung để giới thiệu một nhạc đề mới, giai điệu lại khoan thai và đài các hơn:

Thủy Vương vung kiếm hét
Núi tịch liêu không lời
Thủy Vương xua sóng tới
Sóng tan nhành hoa xuôi
Thủy Vương kêu thét mãi
Núi mù khơi thêm mù
Thủy Vương hộc thêm máu
Lui quân về biển khơi.
Kết thúc bài hát, tác giả trở về môtip chính, giai điệu lập lại như lúc khởi đầu nhưng nốt nhạc cuối cùng dừng lại ở bậc 5 tạo cảm giác chơi vơi không muốn dứt, một vẻ đẹp hoàn hảo của một ca khúc đầy chất tâm linh:

Một sớm, hoa rụng nhài
Mỵ Nương và Thần Núi
Làn suối mây lưng trời
Ðưa về nơi mãi mãi
Còn lại siêu hùng ca
Thiên Thư không cần chữ
Sáo Thần không cần lỗ
Vi vu trong lòng người
Một khúc ca giục người
Vượt muôn trùng ảo huyễn
Về chốn không lụy phiền
Suối mây này dẫn đến...
(Qua suối mây hồng
hay Vô ngôn)

“Đạo ca 8 Giọt chuông Cam Lộ là bình minh của tâm thức trong ba động của tiếng chuông chùa. Tiếng đại hồng như giọt nước làm tràn mạch suối tâm linh, với hình ảnh Thiền sư Vạn Hạnh chống gậy trúc xuống núi, cưu mang cả mùa đông trong lòng tay ngọc” (PD, PTT). Bài hát là một khúc luân vũ nhẹ nhàng, êm đềm tựa như tiếng gậy trúc gõ xuống con đường nhỏ xuống núi của thiền sư Vạn Hạnh. Mở đầu là tiếng chuông chùa âm vang từng giọt ngọt lành cho không gian tươi mát cùng ánh bình minh, ở đó có cỏ nội hoa ngàn, có tiếng suối róc rách cùng lời kinh ngân nga trong tĩnh lặng của tâm linh. Rồi từ ngôi chùa rêu phong lưng chừng núi, tiếng đại hồng chung lan ra không gian, lay từng giấc ngủ cho con người tỉnh thức để trầm tư về cuộc đời, biết nhận ra cần xóa hết mọi ưu tư vì thiền sư đã xuống núi cứu nguy cho đời. Giai điệu theo lối mô phỏng đều đặn, thuần nhất từ đầu đến cuối bài, dường như tác giả không muốn lay động cả thời gian và không gian trong cái nhất thể giữa con người và vũ trụ. Bài hát vẫn là

cái kết thúc chơi vơi không trọn:
Bóng đêm qua rồi,

Bóng đêm qua rồi
Tiếng chuông vang hồi,

Tiếng chuông vang hồi
Thấy trong nhân loại

Tiếng chuông vang hồi
Ngọt lành thơm mát,

Từng giọt chuông rơi.
Nụ hoa đang ngủ, giấc êm giữa nội
Giọt sương trên lá đón đưa ánh trời
Ðể cho con suối vươn vai trở mình
Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ
Ðại hồng chuông lớn đã khua tiếng ròn
Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm
Lời kinh cao ngất A Di Ðà Phật
Ngọt lành thơm mát,

Từng giọt chuông vang...
Tiếng chuông đầu ngày

Cho bừng giấc ngủ
Tiếng chuông mơ hồ

Cho Thái Dương hồng
Tiếng chuông lẫy lừng

Cho cội đá mừng
Xóm thôn tưng bừng, chim chóc xôn xao
Tiếng chuông lên núi, làm trái mật say
Xuống trên luống cầy, cho đòng lúa trổ
Tiếng chuông Cam Lộ cho biển trầm tư
Cho đời người hết ưu tư...
Một nụ mai nở giữa cơn gió rừng
Thiền Sư lững thững xuống non, chống gậy
Lòng tay nắm lấy tiết Ðông giá lạnh
Giọt mưa lóng lánh, lắng trên gậy vàng
Gậy Thiền đưa xuống không gian vô tận
Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường
Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời
Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...
(Giọt chuông Cam Lộ)

“Đạo ca 9 Chắp tay hoa hay Quy y diễn tả thái độ cung kính yêu thương vạn vật quanh ta vì tất cả đều hiện bày một bản thể mầu nhiệm như nhau. Bài này xô đẩy mọi nấc thang giá trị” (PD, PTT). Bài hát là một lời yêu thương và hàm ơn trước đất trời, con người, trước vạn vật, thiên nhiên bởi dưới mắt con người tất cả đều thiêng liêng, mầu nhiệm. Mọi giá trị chỉ có tính chất giả tạo, phù phiếm vì do con người tạo ra. Hãy trở về với bản ngã chân như thì tất cả có thể tan hòa vào nhau trước cái đại thể vô lượng. Mỗi cái lạy đều đẹp như một nụ hoa, do đó tác giả thể hiện cái chắp tay cung kính bằng những giai điệu nhẹ nhàng với cung do thứ đều đặn, không

có nhiều dấu hóa, nhiều chuyển cung dữ dội như trong bài hát kiểu truyện ca:
Chắp tay lạy Người, cho xin nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Chắp tay lạy nữa...
Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Lạy mãi không thôi!
Lạy mãi không thôi!
(Chắp tay hoa
hay Quy y)

“Đạo ca 10 Tâm xuân hay Tam giáo đồng nguyên là con đường trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên, khiến cho cá nhân được quân bình giữa cảm xúc, trí thức và hành động. Đó là nền đạo lý tổng hợp tối diệu ba nguồn tư tưởng Phật-Lão-Khổng của Việt tộc. Mùa hồi sinh của tạo vật cũng là sự bừng sống mãnh liệt của tâm tư” (PD, PTT). Tựa như Beethoven kết thúc 9 bản giao hưởng của mình bằng một khúc hoan ca, Phạm Duy cũng kết thúc hành trình đi tìm đạo sống bằng một ca khúc vui tươi viên mãn vì tâm hồn đã tìm ra chân lý cuộc sống. Con người an vui trong triết lý ‘thiên nhân tương dữ’ cùng quan niệm ‘tu là cõi phúc’ của người Việt, đó là ánh sáng mà bài đạo ca cuối cùng muốn gửi đến người nghe. Chính vì sự viên mãn đó khiến Phạm Duy đã chọn một tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu có vài chuyển cung gần để rồi kết thúc với chủ âm trọn vẹn của cung sol trưởng, cũng là kết thúc Mười bài Đạo ca trong ánh sáng

mầu nhiệm của tâm linh:

Xuân về trong gió, hoa lay lững lờ
Xuân về đám mây, bướm vàng nhụy bay
Xuân về lòng đất, mầm tươi nhựa trào
Xuân về non cao, chim mừng suối reo...
Xuân về biển mát, xuôi nhanh cánh buồm
Xuân về suối xanh, cá hồng lượn quanh
Xuân về trầm ngát, Di Lạc hiền lành
Em về thiên nhiên, ngâm mình suối tiên.

Mùa Xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa Xuân có không? Hay là cõi không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!
Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông...
(Tâm xuân
hay Tam giáo đồng nguyên)

Như vậy mỗi bài đạo ca đều là một vì sao đánh dấu trên chặng đường dẫn dắt con người ra đi từ nhất thể để trở về đại thể. Có thể khái quát tư tưởng của Đạo ca trong một tiến trình gọn nhẹ tóm tắt những điều chính yếu mà tác giả muốn giãi bày:

Pháp thân –> Đại nguyện –> Ảo hóa –> Hóa thân –> Vạn pháp nhất thể –> Từ bi, cứu độ –> Tiếp cận sự thật –> Mẹ của chúng sinh –> Nhất chi mai –> Lời ru –> Vô ngôn  –> Cam lộ –> Nguyện cầu hòa bình –> Lòng mẹ Việt  –> Thể nhập cõi yên –> Cứu rỗi cuộc đời –> Chắp tay hoa –> Tâm xuân –> Hàm ơn đất trời –> Trở về đại thể.

oOo

Tâm ca là khúc ca dấn thân, hướng ra cuộc đời, bày tỏ tâm thế của người nghệ sĩ trong hoàn cảnh chiến tranh. Đạo ca là khúc ca trở về tâm linh, thoát ly bản ngã để tìm chân trời giải thoát tan hòa vào đại ngã. Chính ở những loạt mười bài ca, nhất là Mười bài Tâm caMười bài Đạo ca, tư tưởng nghệ thuật của Phạm Duy mới sáng rõ hơn, bên cạnh nghệ thuật âm nhạc của ông phong phú và đa dạng hơn.

________

CHÚ THÍCH:

(1) Phạm Duy, Ðạo Ca Giữa Thành Vách Sương Mù, phamduy.com.

(2) Phạm Thiên Thư, Đạo ca và Kinh Ngọc, trả lời phỏng vấn của Bách Khoa, số 349, ngày 15-5-1971.