Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Tại phòng đợi

Truyện Trịnh Y Thư

image

1.

Cuối cùng ông Hoàng bị đẩy vào một gian phòng. Đúng ra chẳng ai đẩy ông cả. Thân thể ông như không có trọng lượng, đôi chân như bay là là trên mặt đất. Người ông nhẹ hơn không khí, và nó cứ bay như thế cho đến lúc ông nghĩ phải dừng lại kẻo va vào kẻ khác. Nói là gian phòng chứ thật ra ông không thấy bốn bức tường đâu cả, và bóng người thì đầy kín. Ánh sáng trong gian phòng cũng lạ lắm, nó là thứ màu trắng xanh như đèn nê-ông lúc gần cháy bóng, nhợt nhạt tỏa đều phả xuống đám người lố nhố bên dưới. Ông nghĩ đây phải là một gian phòng, một gian phòng rộng mênh mông, bởi ông vẫn cảm nhận được cái sàn cứng, bằng phẳng dưới chân. Ông không nhìn rõ sàn vì ánh sáng trong phòng và màu của sàn tiệp vào nhau làm một, tạo thành một khối không gian không hình tượng, không đường biên. Có lẽ nó là thứ sàn nhà rẻ tiền tráng xi măng thường thấy tại các nhà kho. Ông ngước mặt nhìn lên trần nhà, nó cao rộng lắm, trông như cái vòm khổng lồ của sân vận động, sâu hun hút, từ đó thứ ánh sáng bệnh hoạn phả xuống, nhưng không thấy bóng đèn đâu.

Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu tạm lắng xuống, ông Hoàng bắt đầu để ý đến đám người xung quanh. Họ đông lắm, đứng kín khắp nơi, nhưng không ai đụng vào ai, như thể họ cố ý né tránh va chạm nhau. Toàn thân họ, ai cũng như ai, trắng toát một màu, nếu nói là cùng màu với ánh sáng từ trên phả xuống, và màu cái sàn bên dưới thì cũng không sai bao nhiêu. Tất cả tạo thành một khung cảnh mờ ảo tuyệt đối, và thật chán mắt, bởi không hề có một hình tượng, một món vật nào khác ngoài đám nhân ảnh chập chờn như bóng ma trong một không gian sáng không ra sáng, tối không ra tối. Ông Hoàng để ý thấy họ giống nhau lắm, ai nấy đều không có tóc, đầu trọc nhẵn thín, trên người họ khoác hờ một chiếc áo, đúng hơn, một mảnh vải mỏng manh như áo bệnh nhân mặc trong nhà thương, và chiếc áo cũng màu trắng như mặt mày, tay chân họ. Bất giác ông Hoàng đưa tay lên sờ đầu mình, cái đầu ông cũng trọc lóc, không có sợi tóc nào, thậm chí lông mày ông cũng không còn, hình như vậy, nếu ông còn tin tưởng vào xúc giác bàn tay ông. Đến đây thì ông nhận ra ông và những người xung quanh đều đồng dạng, chẳng mảy may khác biệt, tất cả đều trắng toát, tất cả đều có khuôn mặt y như nhau, một khuôn mặt của chiếc máy rô-bô hình người vô cảm, tất cả đều mờ ảo bên trong gian phòng với thứ ánh sáng trắng xanh ma quái, rùng rợn.

Dáng điệu mọi người có vẻ bồn chồn như đang chờ đợi một biến cố gì trọng đại sắp xảy ra, nhưng họ không náo động mà chỉ di chuyển chậm chạp, và trong lúc di chuyển, mặt họ hơi cúi xuống như tránh nhìn mặt nhau. Sự di chuyển ấy xem ra chẳng ích lợi gì bởi họ chỉ đi vài bước lại trở về chỗ cũ. Nó là sự hoán chuyển chỗ đứng thì đúng hơn, dù không phải lúc nào cũng hoán chuyển với cùng một người, bởi sau khi đổi chỗ với người này họ có thể làm y như thế với một người khác, và nhờ thế vị trí của họ luôn thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó chẳng khiến họ có tầm nhìn khá hơn, tất cả vẫn hoàn lại như cũ, vẫn chẳng nhìn thấy gì khác ngoài một biển người lô nhô lúc nhúc chuyển động xung quanh.

Ông Hoàng cũng ngạc nhiên hết sức khi nghe tiếng người râm ran mà không thấy môi miệng ai mấp máy động đậy. Họ là những người biết nói bằng giọng bụng ư? Như các anh chàng làm trò nói chuyện với hình nộm giúp vui trên sân khấu. Cái đó thật khó hiểu. Ông bây giờ nhập bọn với đám người khó hiểu này. Ông tiến tới một nhóm đang đổi chỗ cho nhau. Lại gần, ông thấy không phải ai cũng cùng một nét mặt. A, có thế chứ! Ông Hoàng reo thầm trong lòng. Mỗi con người là một công trình tạo dựng duy nhất của Đấng Tạo Hóa, con người đâu phải rô-bô. Và may quá, ông vẫn nhận ra đàn ông khác đàn bà, khác nét mặt và khác thân hình. Điều này khiến ông phấn chấn đôi chút như vừa được an ủi rằng thế gian chưa đến nỗi tuyệt vọng, bởi đối với ông Hoàng, chẳng gì kinh khiếp hơn một thế giới đồng dạng, sự đồng dạng của một trại tù, trại tập trung.

2.

Ông Hoàng đang đổi chỗ với một người mà ông đoán là đàn ông, ông ta có thân hình to béo với dáng đi xẳng xớm như một lực sĩ cử tạ. Lúc gần đối mặt nhau, ông Hoàng hỏi ông ta (môi ông không hề cử động):

“Đây là đâu, thưa ông?”.

“Phòng đợi chứ còn đâu nữa. Đồ ngu!”. Ông ta nói như quát, nhưng nét mặt trơ tráo, có vẻ hoang mang, khiếp hãi chứ không có gì là dữ dằn, hung tợn.

“Phòng đợi? Nhưng mà đợi đi đâu?”. Ông Hoàng cố giữ vẻ nhẫn nại, hỏi tiếp.

“Đi về đâu thì chỉ có Trời biết!”.

Nói xong, ông ta phớt tỉnh dợm chân đi tiếp, nhưng hình như mấy người xung quanh nghe được vài câu đối thoại ngắn ngủi giữa ông Hoàng và nhà lực sĩ cử tạ, bèn xúm lại chặn bước hai người, vô tình vây hai người vào giữa vòng vây của họ.

Một ông ra dáng giáo sư đại học, bảo:

“Tôi biết bọn mình đợi đi đâu”.

“Đi đâu? Đi đâu? Ông nói chúng tôi nghe thử”. Mọi người nghe thế bèn nhao nhao lên hỏi tới tấp vị giáo sư đại học.

“Đằng kia kìa, mãi tít đằng kia có hai cái cầu thang bằng đá, một cái đi lên và một cái đi xuống. Ai được lên cầu thang đi lên sẽ lên thiên đàng, còn ai bị đẩy xuống cầu thang đi xuống sẽ xuống địa ngục”.

Hiển nhiên vị giáo sư đại học khả kính là người duy tâm. Và ông nhìn vấn đề thật giản dị, giản dị đến độ trong veo. Mọi người lại tiếp tục nhao nhao:

“Chắc chắn tôi sẽ lên thiên đàng, lúc sống tôi làm toàn điều thiện, điều lành…”.

Thế là những câu nói như vậy nổi lên không dứt. Họ tranh nhau nói. Kẻ bảo tôi đi nhà thờ cầu nguyện mỗi ngày, chắc chắn Đức Chúa Trời cho tôi lên hầu hạ Ngài. Kẻ khác bảo tôi năm ngoái cúng dường cho chùa Năm Vàng gần một tỉ đồng, Đức Phật Thế Tôn không thể đọa tôi xuống địa ngục được, nếu tôi bị bắt xuống dưới đó, tôi sẽ hiện về chùa đòi lại tiền cho mấy người biết tay tôi. Một kẻ lại nói, tôi kinh doanh buôn bán, đôi lúc phải ăn gian nói dối một chút, nhưng bù lại ngày rằm nào cũng ăn chay niệm Phật, chắc Ngài không bắt tôi chịu tội đâu. Một kẻ nói cả đời tôi chỉ lỡ làm một cô gái ngây thơ có bầu và ép cô phá thai, sau đó tôi cho cô ta một số tiền lớn để làm ăn rồi tôi bỏ trốn. Sau này tôi nghe nói nhờ số tiền tôi cho cô buôn bán khá giả, lấy chồng, đẻ con, gia đình hạnh phúc. Một con người như tôi thì không thể nào xuống địa ngục được.

Ông Hoàng nghe muốn bể đầu, không biết bao nhiêu lời lẽ biện hộ, biện minh cho những thành tích của mình lúc sống được đem ra mổ xẻ phân tích với niềm tin chắc nịch mình sẽ lên thiên đàng. Chẳng ai muốn xuống địa ngục, mặc dù lúc đó chắc chắn không ai biết thiên đàng thật sự có cái gì và sống dưới địa ngục thì khổ sở như thế nào. Không ai biết.

Ông duy tâm có vẻ hể hả hãnh diện lắm, như thể mình là lãnh tụ anh minh của đám người này. Nhờ ông, họ biết đường lên thiên đàng và chỉ chờ hiệu lệnh ban ra là ông sẵn sàng dẫn đầu bọn họ như đoàn hùng binh tiến bước ra hai cái cầu thang đằng kia, và tất cả sẽ ưỡn ngực, mặt ngước lên cao, bước lên cầu thang đi lên chứ không một ai phải đi xuống.

Tiếng ồn ào thưa dần, mọi người dường như bớt vẻ ưu tư, bồn chồn khi nãy. Có kẻ quay đầu tiếp tục cuộc hoán chuyển vị trí đứng của mình. Bỗng có giọng một người nào cất lên nghe rõ mồn một:

“Thối! Thối! Cả lũ thối! Thối không chịu được! Thối đéo ngửi được! Đếch có thiên đàng hay địa ngục nào ở đây như các ông các bà khéo tưởng tượng…”.

Lời nói của ông rõ to, chắc nịch như vị tướng quân hiệu triệu quân lính trước khi lâm trận. Vài kẻ vừa quay đầu định bước đi nghe thế bèn quay phắt lại nghe ngóng. Ông Hoàng cũng dừng lại cố tìm xem người vừa thốt câu nói đó là ai. Ông ta tiến ra cho mọi người thấy mặt (dù là cái mặt đồng dạng với bất kỳ ai khác). Ông Hoàng nhìn kỹ thấy đó là một con người nhỏ thó, chân dường như có tật, đi đứng ngả nghiêng như người say rượu. Ông ta có dáng điệu của một họa sĩ, nhưng giọng nói lại rổn rảng như một nhà hùng biện. Ông ta nói:

“Thiên đàng hay địa ngục toàn là những việc con người bịa đặt ra để ru ngủ những kẻ yếu bóng vía, những kẻ tin vào chuyện thần tiên. Chết là hết, các người nghe chửa!? Chẳng có thiên đàng hay địa ngục nào cho các người tiếp tục cuộc sống tồi tệ của các người đâu. Chết là về với cát bụi, là tan ra thành những hạt tử trong vũ trụ…”.

Nghe chưa dứt câu đã biết ông ta là người duy vật, một trăm tám mươi độ với ông duy tâm bên kia. Ông duy tâm cùng mọi người im lặng lắng nghe. (Ít nhất trong lúc này, người ta biết lắng nghe nhau, không như khi còn sống người ta khóa miệng nhau như khóa mõm một con chó dại, không bao giờ cho người khác ý kiến với mình phát biểu, dù chỉ là một lời than van oan ức tắc nghẹn trong cuống họng).

Ông duy vật tiếp tục nói:

“Cái vũ trụ ông bà đang sắp trở về có tỉ tỉ dải ngân hà, mỗi dải ngân hà có tỉ tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một thái dương hệ với nhiều hành tinh, và các hành tinh đó có thể có đời sống. Chỉ cần một bài tính xác suất cực kỳ đơn giản, chúng ta cũng thừa biết là có cả tỉ tỉ tỉ tỉ sinh linh trong vũ trụ này. Với số người vũ trụ đông đảo kinh khiếp đó, Chúa Phật nào, hay Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa nào lo lắng cho từng người được. Câu nói nếu Thượng Đế sinh ra muôn loài thì Thượng Đế phải có chương trình cho muôn loài, Thượng Đế không chơi xúc xắc với những sinh vật Ngài tạo dựng, vân vân, là những câu nói láo. Láo! Láo! Láo khoét! Toàn những điều láo khoét! Nếu có Thượng Đế thì Ngài có chơi xúc xắc với mọi con người trên mặt hành tinh này và các nơi khác trong vũ trụ. Các người sắp trở về làm những hạt tử trong vũ trụ vì đó là nơi sản sinh ra các người, các người và các ngôi sao trong vũ trụ có cùng một nguồn gốc, một chất liệu cấu thành, cùng những hạt tử y như nhau, chẳng qua là do một duyên khởi nào đó mà trở nên khác nhau thôi…”.

“A, chính cái duyên khởi đó là hành động thánh hóa phi thường của Thượng Đế đã cho chúng ta hình hài đặc biệt này”. Ông duy tâm chụp lấy cơ hội phản bác liền. “Chúng ta khác với những ngôi sao vô hồn kia, và phải chăng đó chính là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ưu ái ban cho chúng ta? Chối bỏ Thượng Đế là hành vi của kẻ chạy tội, kẻ bán linh hồn cho quỷ!”.

Ông duy vật cười khan mấy tiếng đoạn nói tiếp:

“Các ông các bà ngây thơ mới tin như thế. Thử hỏi đã có ai thấy Thượng Đế bao giờ chưa? Hay chứng kiến một thao tác ban phát nào Thượng Đế làm cho chúng ta chưa? Nhưng vũ trụ này, chúng ta đã phân chất tường tận, chúng ta đã tận mắt nhìn thấy những hạt tử nhỏ bé nhất trong vũ trụ, chúng ta đã nhìn thấy sự cấu thành và hủy diệt của các vật thể trong vũ trụ, từ các ngôi sao vĩ đại cho đến các sinh vật li ti, tất cả đều sinh ra rồi chết. Cái chết là sự trở về, trở về cái nguyên thủy, nguyên sơ ở thể dạng tinh tuyền nhất, đó là những hạt tử…”.

“Cái ông nói là vật chất, nhưng còn tinh thần, còn linh hồn. Linh hồn là bất diệt”. Ông duy tâm nhất định không chịu thua.

“Bất diệt cái con khỉ! Ông ngu thấy mẹ, chỉ biết tin vào những tín điều ấu trĩ và ngu dốt do những kẻ mị dân đặt ra để mê hoặc, không chế những kẻ tin vào chuyện thần tiên như ông. Linh hồn cũng là hạt tử, ông rõ chưa? Chỉ có hạt tử là bất diệt, còn tất cả, nghe tôi nói này, tất cả những gì do hạt tử cấu thành đều sinh rồi diệt, đều từ hạt tử mà ra rồi trở về thành hạt tử”.

Ông duy vật định nói thêm, nhưng nghĩ sao ông im lặng, thân hình bé loắt choắt của ông bỗng như co rút, trở thành cái gì vô trọng lượng, chỉ chực tan biến vào hư vô.

Có lẽ ông sắp biến thành những hạt tử thật rồi.

Có kẻ lên tiếng chất vấn ông duy vật:

“Nếu ông nói là chúng ta sắp trở về cát bụi, sắp biến thành những hạt tử hay cái quỷ quái gì đó, thì xin ông cho biết chúng ta đang làm cái chó gì ở cái phòng đợi chết tiệt này?”.

“Các ông các bà sẽ phải ở trong phòng đợi này cho đến khi nào…”.

Đang nói ông duy vật bỗng ngưng bặt, mọi người thấy ông run lên. Mãi một lúc sau mới nghe tiếng ông vo ve như hàng trăm con ong, cái giọng hùng biện biến đâu mất, còn lại chỉ là tiếng nói như than van:

“Các người đang sống trong khoảng thời gian một phần ngàn giây đồng hồ, cơ thể các người đã chết nhưng não bộ các người chưa chết hẳn mà vẫn gây ảo giác như trong giấc mơ. Sau một phần ngàn giây đồng hồ, mọi thứ sẽ tắt phụp và lúc đó cái chết mới thực sự bắt đầu… Bắt đầu quy trình trở về hạt tử…”.

Ông không nói gì nữa, nhưng vẫn thấy ông đứng đó, càng lúc càng thiểu não, tội nghiệp.

Ông duy tâm sau khi nghe ông duy vật nói cũng bớt vẻ kiêu hãnh. Sự thật là ông đứng đó bất động như một tội phạm vừa nghe bản án tử hình từ quan tòa giáng xuống. Tay lực sĩ cử tạ thân hình to lớn như ông hộ pháp tiến lại gần vỗ vai ông, hỏi:

“Có thật ông thấy hai cái cầu thang đằng kia không?”. Vừa nói ông vừa giơ ngón tay chỉ về phía xa xa nơi không ai thấy hình thù rõ rệt nào mà chỉ có những đầu người lố nhố. Ông duy tâm xoay nửa người nhìn lên nhà lực sĩ với vẻ gượng gạo, ông nói thật nhỏ nhưng ông Hoàng nghe rõ:

“Chính mắt thì tôi chưa thấy nhưng tôi có đọc sách nói về nó và tôi tin vào sách. Tôi là người có đức tin…”.

A, đức tin. Cái này mới là gay go đây, ông Hoàng nghĩ. Đức tin là bảo hiểm cho mình được lên thiên đàng thay vì sa xuống địa ngục. Ông duy tâm hiển nhiên là người tin tưởng như thế, và lúc nào trong túi ông cũng thủ sẵn tờ bảo hiểm chứng thực ông là người có đức tin. Kẻ có đức tin trong lúc sống có thể bị bách hại dã man, nhưng khi chết họ được Thượng Đế dành chỗ đứng trên thiên đàng, như hơn trăm ông Thánh tử đạo hồi thế kỷ XIX. Hay họ cũng tan biến thành các hạt tử như ông duy vật hùng hổ phát biểu ban nãy.

Dĩ nhiên, ông thừa biết câu trả lời của hai ông duy tâm và duy vật sẽ như thế nào. Nhưng vốn là người tin vào đạo trung dung, ông muốn nói chuyện thêm với cả hai để biết đâu tìm được câu trả lời khả lý nhất. Dáo dác nhìn quanh, ông không thấy ông duy tâm đâu cả, có lẽ ông đang đi tìm hai cái cầu thang, có lẽ ông đã quên béng nhiệm vụ của ông là dẫn đầu đoàn hùng binh tiến lên thiên đàng. Ông Hoàng bèn mon men bước lại chỗ ông duy vật đang đứng. Ông thấy ông này vẫn đứng yên như cũ, nhưng thân hình ông run bắn lên như kẻ bị động kinh. Ông Hoàng ghé mặt sát vào định xem tình trạng của ông ra sao thì đột nhiên nghe thấy tiếng lẩm bẩm phát ra từ miệng ông. Ông ngẩn người không hiểu ông duy vật đang nói gì, nhưng chỉ một lát sau ông nhận ra ông duy vật đang đọc một bài kinh cầu người ta hay đọc trong giờ lâm minh, bởi ông lặp đi lặp lại một câu: “Xin Chúa rủ lòng thương xót linh hồn con và các linh hồn nơi luyện tội, mà đem về hưởng phúc trong nhà Chúa muôn đời…”.

3.

Bây giờ phần nhiều đám đông những bóng trắng như ma trơi đã tản mác ra chỗ khác, họ lại tiếp tục hoán chuyển chỗ đứng với những người-ma khác. Nhưng vẫn còn dăm bảy người đứng đó cạnh ông Hoàng và ông duy vật. Miệng ông duy vật vẫn phát ra những lời kinh cầu đều đều buồn chán. Hay ông đổi ý vào phút chót, không muốn làm hạt tử bé xíu chẳng thú vị chút nào nữa, mà muốn rong chơi trên thiên đàng? Một điều ông Hoàng chắc chắn là ông duy vật đang sợ hãi, có cái gì đó khiến ông lên cơn sợ, bởi thân hình loắt choắt như một đứa bé con của ông không ngớt run lên bần bật và càng lúc càng co rút vào, rúm ró như một cái giẻ rách.

Bỗng có tiếng một người đàn bà vang lên:

“Tội nghiệp con bé Annie trưa nay đi học về không biết có cái gì ăn không?”.

Đoạn bà xoay người sang người bên cạnh, nói tiếp:

“Nó là con cháu gái của tôi đấy, bà ạ. Nó ngoan lắm cơ, học giỏi nữa. Tôi thương nó lắm vì bố mẹ nó mải làm ăn chơi bời, suốt ngày bỏ bê nó…”.

Người kia, cũng là một người đàn bà, không để bà dứt lời, nói ngay:

“Tôi cũng tội nghiệp thằng cháu trai tôi lắm. Bố mẹ nó là đại gia nhờ biết dựa vào thế lực nhà nước làm ăn với tư bản nước ngoài, tài sản cơ ngơi lên tới cả trăm triệu đô-la, nhưng nó bị nghiện ngập xì-ke ma túy đến nỗi thân tàn ma dại, bây giờ cũng đang chờ chết. Nó lại là cháu đích tôn mới khổ cơ chứ…”.

Bà này chưa dứt lời thì một ông xen vào:

“Tôi cũng là đại gia đấy, các bà ạ. Sáng nay chưa kịp ký cái hợp đồng năm mươi triệu đô-la với thằng Jinhua thì tôi bị nhồi máu cơ tim chết không kịp ngáp…”.

Cứ thế, năm bảy cái miệng thi nhau kể lể thành tích của mình lúc còn sống. Và y như lúc còn sống, họ giành nhau từng lời nói như thể mỗi cuộc đàm thoại là một bãi chiến trường khốc liệt, không ai nhường ai mà phải tiên hạ thủ vi cường. Tất cả chỉ để nói về cái tôi, cái của tôi, cái về tôi, cái cho tôi, cái bởi tôi... Dù đã là ma nhưng cái tôi của họ xem ra nặng ký chẳng kém gì lúc sống.

4.

Ông Hoàng nghe phát chán, ông xoay lưng định đi tìm một khoảng trống để tránh phải chạm mặt ai. Đi một lúc ông tìm được chỗ sàn doãng ra thưa người, ông vừa bước chầm chậm vừa suy nghĩ về cuộc đấu khẩu vừa rồi giữa ông duy tâm và ông duy vật.

Hừm, ông duy tâm nói có lý. Bởi theo lời ông duy vật thì con người và cục đất là như nhau.

Lẽ nào như thế được! Ông Descartes chẳng nói là “Je pense, donc je suis” đấy ư? Triết lý của ông Descartes đặt con người lên cấp bậc thượng đẳng, tối ưu trong các loài trên mặt đất này. Đấng Toàn Năng ban cho con người bộ óc có trí thông minh vượt trội hơn các loài khác, và nghiễm nhiên con người làm chủ nhân ông hành tinh này. Con người có quyền kiêu hãnh chứ. Làm chủ nhân ông một hành tinh trong vũ trụ nào phải chuyện tầm thường! Con người xứng đáng nhận lãnh vai trò đó. Hắn làm chủ ngôi nhà và hắn có quyền hưởng những đặc ân do ngôi nhà đem lại. (Hắn có biết gìn giữ, vun xới ngôi nhà cho tốt đẹp, yên lành mãi hay không là chuyện khác).

Nhưng giả sử vào buổi sáng cái hôm mùng 5 tháng 9 năm 1977 đó, ta đáp chiếc phi thuyền không gian Voyager I vượt khỏi thượng tầng khí quyển quả đất, và ngót nửa thế kỷ sau nó bay ra khỏi hệ thái dương, khỏi hấp lực mặt trời. Lúc đó ta ngoái đầu nhìn lại trái đất (một điểm xanh nhỏ xíu lấp lánh giữa vũ trụ bao la đen kịt) thì những điều ông duy vật nói lại là sự thật. Bởi trong mắt nhìn của ta lúc đó, con người và cục đất là như nhau, cả hai đều vô nghĩa, đều vô trọng lượng, đều không là gì cả. Ta thấy cả hai bình đẳng. Con người không là chủ nhân ông của bất cứ vật gì, không sở hữu cục đất. Ngược lại là đằng khác, con người gặp cục đất phải cung kính chào hỏi (nếu không sẽ bị cục đất ném vào mặt cho phù mỏ). Ta thấy ông Descartes chắp tay sau đít đi tới đi lui trong phòng suy nghĩ mông lung vì cảm thấy thân phận cùng danh giá mình đột nhiên thấp hèn, và ông Nietzsche không phải ra đường phố ôm đầu con ngựa thồ mà khóc rống lên vì thương xót con vật bị con người, chủ nhân ông của nó, hành hạ thân xác đến tả tơi.

Vậy, ông duy tâm đúng hay ông duy vật đúng? Ông Hoàng tự hỏi và ông có cảm tưởng như cả hai đều đúng và cả hai đều sai. Cũng như tất cả các chân lý trên thế gian, không chân lý nào là tuyệt đối. Ngoại trừ cái chết. Ông Hoàng tạm thời kết luận như thế.

Chỉ có cái chết là tuyệt đối, và đời sống trên cái điểm xanh lơ bé xíu đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất là chuẩn bị cho cái chết. Ông Hoàng lại suy nghĩ trong lúc né tránh một vài bóng người-ma đang xăm xăm bước tới. Ông Hoàng lúc sống là một nhà văn và ông đã sống hết đời tận tình như một nhà văn. Nhà văn là kẻ “phải lòng” với cuộc sống. Ông Hoàng rất thích định nghĩa này của một nhà văn khác, bạn thân của ông. Ông này mất trước ông vài năm, Vâng, ông Hoàng là người như thế, ông “phải lòng” với cuộc sống và ông không bao giờ ngần ngại lao mình vào cuộc sống với lòng hăm hở của kẻ sắp sửa lên đường. Ông đã chiêm nghiệm đầy đủ hạnh phúc và khổ đau của cuộc sống, nên khi chết ông chẳng có gì tiếc nuối như cái bà có cô cháu gái tên Annie, hay ông đại gia chưa kịp ký cái hợp đồng năm mươi triệu đô-la. Ông xem cái chết là một phần đời sống, và cái đáng sợ không phải là cái chết, mà là cái gì nóng bỏng trong lòng bỗng dưng có lúc nguội lạnh rồi chết trong lúc mình còn đang sống.

Chỉ sau khi những trải nghiệm sống đã chín muồi, những xúc cảm đã tràn đầy, những suy nghiệm đã viên mãn, lúc đó ông mới viết. Ông viết hết, không e dè, không nhẹ tay chừa lại một chút gì trong ngòi bút, và bởi thế nhiều người bảo ông điên. Vâng, có dạo ông tưởng ông điên thật và ông phải vào nhà thương điên tịnh dưỡng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ông biết mình chẳng điên chút nào. Chính những điều người đời bảo ông điên đã là chất liệu tinh ròng không ai có, để ông, với sức sống cuồng nhiệt và sự nhạy cảm, biến thành nghệ thuật. Ông đã sống hết mình, và viết hết mình với tất cả sự chân thật trong lòng.

Nhưng hỡi ôi! Tất cả những điều này có thật như vậy không, hay ông vẫn hiện nguyên hình là kẻ ngoa ngôn hư ngụy? Cái chết đáng sợ thật, nhưng cái chết trong lòng người thương yêu còn sống mới đáng sợ bội phần. Hơn một lần ông Hoàng viết như vậy trong các tác phẩm của mình. Mặc dù ý tưởng đó ông chỉ sao chép lại bản chính từ các tác giả đi trước, nhưng bây giờ nghĩ lại ông thấy nó láo khoét quá chừng. Láo! Láo! Láo khoét! Y như ông duy vật mắng ông duy tâm lúc nãy. Ông tự nói với mình và cảm thấy xấu hổ vì đã từng viết những điều chẳng ra gì, toàn những điều trá ngụy và khoa trương một cách ngu xuẩn. Nhà văn là một bọn nói láo, ông đã nói láo về cái chết, bởi ông biết gì về cái chết cơ chứ, và muôn kiếp sau cái chết vẫn là một bí ẩn vô biên.

Bây giờ ông Hoàng cảm thấy sợ hãi, y như ông duy vật với cái thân xác nhỏ xíu thảm thương đang đứng đằng kia run lẩy bẩy. Ông Hoàng không biết sẽ phải ở trong cái phòng đợi này bao lâu nữa. Khi người ta không biết tương lai mình về đâu, người ta sợ hãi. Ông duy vật nói giấc mơ này kéo dài một phần ngàn giây nhưng sao nó dài như vô tận. Có lẽ nó diễn ra trong một phần ngàn giây đối với người sống, còn với người chết thì là thiên thu. Ông Hoàng không nhẫn nại được nữa, có lẽ ông sắp điên thật.

Bỗng ông thấy đám người-ma xung quanh như giãn ra tạo thành những khoảng cách rộng rãi hơn ban nãy. Hay là có sự di chuyển? Hay là có người lên hay xuống cầu thang như ông duy tâm tin tưởng và số người trong phòng thưa dần? Ông Hoàng hoang mang, nhưng ông chưa kịp có nhận thức nào rõ rệt thì không biết từ đâu đã có những bóng người-ma đột ngột hiện lên, ngay tức khắc làm đầy những khoảng cách vừa giãn ra. Ông Hoàng vẫn đứng nguyên vị trí cũ. Một bóng người-ma dáng điệu như một gã du côn đi thật nhanh đến gần ông. Khi giáp mặt, gã hất hàm hỏi:

“Ê, đây là đâu dzậy, cha nội?”.

“Phòng đợi chứ còn đâu nữa. Đồ ngu!”.

Ông Hoàng xẳng giọng trả lời gã, đoạn ông bỏ mặc gã đứng đó, tiếp tục hoán chuyển chỗ đứng với những người-ma xung quanh. Bước đi chậm chạp, từ tốn như đang suy nghĩ điều gì hệ trọng, nhưng thật ra đầu óc ông đang rỗng rãng, trống không.