Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Phép ẩn dụ về Iraq

Hồ Anh Thái

Một motif bi kịch trong cái vỏ hài kịch, vì đằng sau nỗi đau xót cho một nền văn minh bị hủy diệt là cái cười chua chát thấp thoáng.

Đọc sách: Phép ẩn dụ về Iraq

Chuyện xảy ra ở thành phố Baghdad của Iraq sau khi Mỹ đưa quân vào, cho nên có thể thấy thành phố hoàn toàn chìm trong bạo lực và khủng bố. Trong suốt cuốn tiểu thuyết Frankenstein ở Baghdad xảy ra nhiều vụ nổ, nhưng mọi chuyện hầu như xoay quanh vụ nổ đầu tiên. Một chiếc xe chở rác mang đầy thuốc nổ lao vào cổng khách sạn nhưng không kịp đánh sập khách sạn vì người bảo vệ đã nhanh tay xả súng khiến nó nổ tung ở trước cổng. Người bảo vệ chết, linh hồn anh bay lên chứng kiến những gì xảy ra sau vụ nổ. Linh hồn ấy cần tìm một thể xác để nhập vào.

Trong khu phố có một gã thu mua đồ cũ lắm điều. Gã thêu dệt những chuyện xung quanh vụ nổ đến mức không phân biệt được thật hay là bịa. Gã nhặt nhạnh những mảnh xác chết, khâu lại thành hình hài một người đàn ông. Linh hồn anh bảo vệ từ trên cao đã bay xuống nhập vào cái thể xác chắp vá này.

Trong đám cư dân ở gần đó chứng kiến vụ nổ kinh hoàng có một bà già sống cô đơn. Con trai bà bị bắt lính, bị đẩy ra chiến trường và mất tích đã hai mươi năm. Khi nhìn thấy cái hình hài hồn nọ xác kia, bà già vội nhận ngay đó là đứa con trai biền biệt của mình. Hai người con gái của bà chạy khỏi đất nước Iraq loạn lạc, sang cư trú ở nước Úc, nhưng vẫn lo cho mẹ. Họ liên tục gọi điện về để thuyết phục mẹ cùng sang Úc. Nhưng bà già chỉ nói về việc đứa con trai mất tích vừa trở về và bà không thể đi. Các con gái cho là bà già lẩm cẩm, còn bà già thì bực mình vì không thuyết phục nổi con gái tin là người con trai mất tích đã trở về. Bà thậm chí quyết định tuyệt giao với hai cô con gái vì họ không tin là bà còn sáng suốt.

Cái hình hài hồn nọ xác kia được đồn đại là Vô Danh, một kẻ báo thù. “Vô Danh được tạo nên từ bộ phận cơ thể của những người đã bị giết chết, cộng thêm linh hồn của một nạn nhân khác, và được đặt theo tên của một nạn nhân khác nữa. Hắn là sự kết hợp của các nạn nhân tìm kiếm sự trả thù cho cái chết của họ để họ có thể an nghỉ. Hắn được tạo ra để trả thù thay họ” (trang 163). Khi những bộ phận cơ thể cũ bị phân hủy, bị rời rụng, hắn tự đi tìm những bộ phận cơ thể của những người mới chết vì bạo lực để chắp vào, và cuộc trả thù cứ thế tiếp diễn, không chịu dừng lại. Vô Danh tìm giết lão thợ cắt tóc trong khu phố, kẻ phải chịu trách nhiệm bắt nhiều lính ra trận, gây ra cái chết của nhiều người, trong đó có con trai của bà lão cô đơn. Vô Danh giết những tay sĩ quan gây ra cái chết của người dân, giết những tên lính đánh thuê, giết trùm khủng bố. “Ta là công lý duy nhất hiện hữu ở đất nước này” (trang 168).

Ở trung tâm tiểu thuyết còn có nhân vật phóng viên được phân công đi thu thập tin tức rồi chứng kiến vụ nổ, sau đó được nghe những chuyện lạ lùng về một kẻ báo thù cho các nạn nhân. Anh vốn là phóng viên cho một tờ báo ở tỉnh nhỏ rồi gặp tai nạn nghề nghiệp. Trong bài viết về một tội phạm, anh luận về công lý và khi công lý được thực thi, tên tội phạm bị chết, anh bị đồng đảng của hắn truy đuổi. Phóng viên phải bỏ chạy khỏi quê hương, lên thủ đô Baghdad làm việc cho một tạp chí. Từ đây anh sa vào một mê cung của những vụ nổ, những nạn nhân, những nhân chứng, những kẻ dựng chuyện như gã thu mua đồ cũ, với kẻ báo thù vô danh và vô hình như con quỷ Frankenstein kia.

Thêm nữa, là ông tổng biên tập của anh, người đã thúc đẩy anh sa vào cuộc phỏng vấn điều tra kỳ bí. Ông tổng biên tập này cũng biến mất. Cơ quan điều tra đến đóng cửa tòa soạn và truy tìm ông ta vì tội biển thủ một số tiền lớn. Nhưng có thật là như thế hay là họ đang bịt miệng một tiếng nói và một nhà hoạt động chính trị có lý tưởng? Rất có thể vừa như thế này vừa như thế kia, trong một đất nước bị hủy diệt và bị xâu xé bởi những thế lực nước ngoài và các phe phái trong nước, cộng với những lực lượng khủng bố thừa cơ trỗi dậy.

Frankenstein ở Baghdad là ẩn dụ về thế lực quỷ dữ, hồn nọ xác kia, sinh ra từ sự chắp vá những oan hồn của một nền văn minh cổ đang bị hủy diệt. Đấy là cuộc báo thù không dứt, khi mà các xác chết tiếp tục chồng chất, những mảnh xác ấy chắp vá lại thành một hình hài để đi báo thù cho từng mảnh của mình. Và mỗi khi từng mảnh bị phân hủy tan rữa thì lại có ngay những mảnh khác của những xác chết khác chắp vào, tiếp tục đi báo thù. Ở đó có cả chuyện như đùa: một cơ quan điều tra được thành lập, gọi là Cục Theo dấu và Truy nã, do một viên chuẩn tướng đứng đầu. Dường như bó tay với các hình thức điều tra, ông ta phải huy động vào cơ quan một số thầy bói và nhà chiêm tinh. Nhưng rốt cuộc cơ quan này bị giải tán, thầy bói và nhà chiêm tinh bị sa thải. Tài liệu ghi chép về quá trình làm việc của Cục (hàm ý cuốn tiểu thuyết ta đang đọc) bị coi là tác phẩm không đáng tin cậy và đề nghị truy bắt tác giả để thấm vấn… Một motif bi kịch trong cái vỏ hài kịch, vì đằng sau nỗi đau xót cho một nền văn minh bị hủy diệt là cái cười chua chát thấp thoáng của Ahmed Saadawi, nhà văn đang đau khổ, đang cười, đang viết, ngay chính trên quê hương Baghdad của mình.

 

------

* Frankenstein ở Baghdad, tiểu thuyết của Ahmed Saadawi, Tất An dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2021.