Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản (kỳ 6)

Winston Phan Đào Nguyên

BìaNDC (3)

IV.

Nguyễn Đình Chiểu Nghĩ Gì Về Phan Thanh Giản Qua 10 Bài Thơ “Điếu Phan Công Tòng”

Một điều mà ta có thể thấy từ các bài viết của những người cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê bai hay nhục mạ thay vì khen ngợi Phan Thanh Giản qua hai bài thơ điếu nói trên, là họ đã sử dụng tất cả mọi mánh khóe, mọi thủ thuật để đạt cho bằng được mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản. Như cách sử dụng phiên bản không chính xác hay một vài chữ trong một câu thơ không rõ nghĩa, hay ngụy tạo chi tiết lịch sử, hay cách đọc hiểu lạ đời, để từ đó cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã ngấm ngầm phê phán chê bai Phan Thanh Giản.

Nhưng một điều mà họ đã không thể nào làm được, cho dù đã sử dụng tất cả các thủ thuật như trên, là chứng minh ngược lại ý nghĩa của hai bài thơ; nhất là khi nhìn chúng với một cái nhìn tổng thể. Vì hai bài thơ này rõ ràng là một lời khen tặng lòng trung nghĩa tiết tháo của Phan Thanh Giản, lòng thương dân của ông, và sự đau buồn của Nguyễn Đình Chiểu về kết cuộc bi thảm do hoàn cảnh đẩy đưa.

Do đó nên những tác giả nói trên đã phải sử dụng cùng một mánh khóe: gán cho Nguyễn Đình Chiểu cách “nói vậy nhưng không phải vậy”; để cho rằng ý thật của ông là chê trách Phan Thanh Giản, cho dù khen tặng ngoài mặt. Vì chỉ khi làm điều đó thì họ mới có thể giải thích ngược lại với sự khen tặng Phan Thanh Giản một cách rất rõ rệt của Nguyễn Đình Chiểu.

Nhưng khi sử dụng thủ thuật này thì vô hình trung họ đã biến Nguyễn Đình Chiểu thành một thi sĩ giống như ông Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, với những câu thơ thương xót quan Thượng Báo bị cướp theo kiểu Xương già da cọp có đau không, hoặc khi than thở rằng Ao sâu nước cả khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà để giải thích tại sao “bạn” đến chơi nhà mà chỉ có “ta với ta”; mặc dù chẳng mấy khi mà “bác tới nhà”!

Mà nhà thơ xứ Ba Tri là Nguyễn Đình Chiểu thì hoàn toàn không bao giờ có giọng điệu và văn phong kiểu này. Nhưng những tác giả nói trên khi gán cho Nguyễn Đình Chiểu một văn (thi) phong như vậy lại không bao giờ chịu khó đọc văn thơ của ông để biết điều đó. Mà họ chỉ dựa trên một vài mánh khóe trong việc giải thích hai bài thơ, như đã trình bày ở trên. Cho nên họ mới tạo ra những điều buồn cười - như việc ông Trần Khuê cầm nhầm cái sai của ông Lê Thọ Xuân, như việc bà Phạm Thị Hảo cho rằng câu Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu là lấy từ Lục Vân Tiên!

Hơn nữa, sự thiếu thốn bằng chứng của họ còn được thể hiện qua việc ông Trần Khuê đem con số bao nhiêu bài thơ ra để lý luận rằng vì Nguyễn Đình Chiểu chỉ làm có hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, trong khi làm đến 12 bài khóc Trương Định và đến 10 bài khóc Phan Tòng, cho nên suy ra Nguyễn Đình Chiểu ắt phải không kính trọng Phan Thanh Giản bằng những người đó.

Thế nhưng như đã nói, những vị tác giả này chắc chắn không hề đọc những bài thơ nói trên của Nguyễn Đình Chiểu. Vì vậy cho nên ông Trần Khuê mới không biết rằng trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu đã viết cái gì! Bởi nếu mà ông thật tình có đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là 10 bài Điếu Phan Tòng, và hiểu nổi ý nghĩa của chúng, thì có lẽ ông đã không dám nói như trên.

Bởi vì tuy có tựa đề và mục đích là điếu Phan Tòng, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã nhân cơ hội này để một lần nữa nói lên sự kính trọng hay mối thâm tình mà ông dành cho vị quan Phan - Phan Thanh Giản. Ông đã dùng những bài thơ này để nói rằng cái chết và sự hy sinh của Phan Tòng là do noi theo tấm gương trung nghĩa của Phan Thanh Giản, và cả hai người sẽ để lại bia son muôn đời cho hậu thế.

Tiếc thay, chẳng những ông Trần Khuê, ông Trần Nghĩa và bà Phạm Thị Hảo hoàn toàn không hề đọc 10 bài Điếu Phan Tòng nên không hiểu được điều này, mà hầu như tất cả những nhà bình luận nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu trong suốt mấy mươi năm qua và trong không biết bao nhiêu cuộc hội thảo và bài viết về Nguyễn Đình Chiểu, cũng không thấy được điều đó. Thậm chí có nhiều nhà nghiên cứu còn hiểu sai, rồi trích dẫn sai ý nghĩa những câu thơ trong 10 bài này nữa.

Trong khi đó người viết bài này nhân việc khảo cứu để viết một cuốn sách về Phan Thanh Giản trong thời gian gần đây nên đã có dịp đọc kỹ 10 bài thơ trên; cũng vì biết rằng Phan Tòng có mối liên hệ với dòng họ Phan. Theo những tài liệu hiếm hoi còn lưu lại, Phan Tòng đã tham gia đánh Pháp và hy sinh vào tháng 11 năm 1867 trong cuộc khởi nghĩa Hương Điểm, chỉ vài tháng sau cái chết của Phan Thanh Giản vào ngày 4 tháng 8 cùng năm; và đó là do sự quen biết với, hay vận động của, hai vị “công tử” con Phan Thanh Giản là Phan Liêm và Phan Tôn.[1]

Và người viết đã tìm thấy một chứng minh rõ ràng nhất cho sự kính mến mà Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho Phan Thanh Giản, trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu.

Nếu như hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản đã được Nguyễn Đình Chiểu làm ra một thời gian ngắn sau cái chết của Phan Thanh Giản và cho thấy sự đau đớn xót thương của Nguyễn Đình Chiểu, thì chỉ mấy tháng sau đó ông lại phải đối phó với cái chết của Phan Tòng, một người đồng hương, đồng trang lứa, đồng nghiệp và đồng “đạo” với ông. Điều này đã làm cho Nguyễn Đình Chiểu xúc động mà làm ra 10 bài thơ liên hoàn để điếu Phan Tòng. Nhưng cũng chính trong 10 bài thơ đó Nguyễn Đình Chiểu đã nói rõ rằng cái chết của Phan Tòng đã làm cho ông cũng như trăm họ buồn rầu tưởng nhớ đến vị “quan Phan” đã qua đời cách đó không lâu. Bên cạnh việc thuật lại hành trạng của Phan Tòng trong 10 bài thơ, Nguyễn Đình Chiểu còn khẳng định rằng cái chết của Phan Tòng là một biểu hiện cho lòng trung nghĩa hy sinh, giống như vị “quan Phan” - Phan Thanh Giản.

Trước khi thảo luận, người viết xin chép lại dưới đây toàn văn 10 bài thơ điếu Phan Tòng, theo bản của ông Phan Văn Hùm trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu:

Điếu Phan Công Tòng

(Ở làng Bình-đông quận Ba-tri - Bến-tre - tử trận năm 1868 (ngày 17 tháng mười-một năm 1867 theo ông Lê ngọc Trụ) ở Giồng-gạch, cách chợ Ba-tri 2 km)

Gồm có mười bài liên-hoàn bát cú.

I

Thương ôi! người ngọc ở Bình-đông

Lớn nhỏ trong làng thảy mến trông.

Biết đạo khác phe con mắt tục

Dạy dân giữ vẹn tấm lòng công.

Đặng danh vừa rạng bề nhà-cửa,

Vì nghĩa riêng đền nợ núi-sông.

Một trận trải gan trời đất thấy,

So xưa nào thẹn tiếng anh-hùng.

II

Anh-hùng thà thác chẳng đầu Tây

Một giấc sa-trường phận rủi may.

Viên đạn nghịch-thần treo trước mắt,

Lưỡi gươm địch-khái nắm trong tay.

Đầu tang ba tháng trời riêng đội,

Lòng giận ngàn thu đất nổi dày.

Tiết mới một lòng ra đất trụm.

Cái xên con rã nghĩ thương thay!

III

Thương thay, tạo-vật khuấy người ta,

Nam đổi làm Tây, chính lại tà.

Trống nghĩa bảo an theo sấm rạp.

Cờ thù công-tử guộng mây qua.

Én vào nhà khác toan nào kịp

Hươu thác tay ai vọi hỡi xa

Trong số nên hư từng trước mắt,

Người ơi! trời vậy tính sao ra.

IV

Sao ra nhảy-nhót giữa vòng danh,

Son đóng chưa khô ấn đốc-binh.

Đuốc gió nhẹ xao đường thủy-thạch

Cỏ hoa ngùi động cửa trâm-anh,

Trên dòng lửa cháy cờ tam-sắc

Dưới gảnh đèn lờ bản thất-tinh.

Dẫu khiến nghe can vùng đất hiểm,

Chờ trời nào đến tuổi vong-linh.

V

Vong-linh sớm gặp buổi đồi-suy

Trăm nét cân-đo, ít lỗi-nghì.

Bóng-bọt hình-hài vừa lố thấy,

Ngút mây phú-quí bỗng tan đi.

Sanh năm mươi tuổi ăn-chơi mấy,

Quan bảy tám ngày sướng-ích chi.

E nỗi dạ-đài quan lớn hỏi:

“Cớ sao xếu-mếu cõi Ba-tri?”

VI

Ba-tri từ vắng tiếng hơi chàng,

Gió thảm mưa sầu khá xiết than.

Vườn luống trông xuân hoa ủ-dột,

Ruộng riêng buồn chủ lúa khô-khan.

Bầy ma bất chánh duồng làm nghiệt,

Lũ chó vô cô cũng mắc nàn.

Người ấy vì ai ra cớ ấy,

Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan.

VII

Quan Phan thác trọn chữ trung-thần,

Ôm tiết như người cũng nghĩa dân.

Làng đế đành theo ông hữu đạo,

Cõi phàm hổ ngó lũ vô quân

Lòng son xin có hai vầng tạc

Giồng-gạch thà không một tấm thân.

Ai khiến cuộc hòa ra cuộc chiến?

Người qua An-lái luống bâng-khuâng.

VIII

Bâng-khuâng ngày xế cả than trời,

Ai đổ cho người gánh nạn đời.

Nếm mật Cối-kê đâu chẳng giận,

Cắp dùi Bác-lãng há rằng chơi.

Một lòng cung-kiếm rồi vay trả.

Sáu ải tang-thương mặc đổi dời.

Thôi mất cũng cam, còn cũng khổ,

Nay Kim mai Tống, thẹn làm người.

IX

Làm người trung-nghĩa đáng bia son,

Đứng giữa càn-khôn tiếng chẳng mòn.

Cơm-áo đền-bồi ơn đất nước.

Râu-mày giữ vẹn phận tôi con.

Tinh-thần hai chữ phao sương tuyết

Khí-phách nghìn thu rỡ núi non.

Gẫm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ,

Lòng đây tưởng đó mất như còn.

X

Như còn chẳng gọi thế rằng cô.

Cái chuyện hoa-vi trước vẽ đồ.

Sở hỡi trót ghi cừu họ Ngũ

Hán đâu khỏi trả hận thằng Nô

Vàng tơ sử Mã giồi đường sứ,

Búa vớt kinh Lân lấp dấu hồ.

Ngày khác xa thơ về một mối,

Danh thơm người tới cõi Hoàng-đô.

Bài thơ số I miêu tả sơ lược về lai lịch Phan Tòng, cũng như cho thấy mối quan hệ giữa Nguyễn Đình Chiểu và Phan Tòng như là hai người bạn bè thân tình cùng vai vế; chứ không phải là mối quan hệ của một kẻ dưới với người trên như giữa Nguyễn Đình Chiểu với “quan Phan”. Ngay lúc khởi đầu, Nguyễn Đình Chiểu đã gọi Phan Tòng là “người ngọc”, là người có học, là người “biết đạo khác phe con mắt tục” giống như Nguyễn Đình Chiểu, và là một người thầy giáo “dạy dân”. Sau chót, là một vị “anh hùng” đã vì nghĩa nên đứng lên đền nợ núi sông.

Đến bài số II, Nguyễn Đình Chiểu cho biết thêm rằng Phan Tòng mặc dù đang có tang, “đầu tang ba tháng” nhưng vì lòng giận Tây nên đã tham gia đánh Pháp. Hơn nữa, Nguyễn Đình Chiểu còn nhận xét rằng đó là do tấm lòng “địch khái” cũng như sự căm ghét “nghịch thần” của Phan Tòng.

Cần biết rằng chữ “nghịch thần” ở đây không phải là chữ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng để gọi Phan Tòng; mà để nói về những người Việt theo Tây phản chúa.

Nhưng ông Xuân Diệu, một trong những nhà nghiên cứu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, lại cho rằng Phan Tòng cũng bị mang tiếng “nghịch thần” như Trương Định, khi nói về bài thơ này. Và quan trọng hơn nữa, ông Xuân Diệu đã hiểu lầm khi cho rằng Nguyễn Đình Chiểu gọi Phan Tòng là “quan Phan”:

Tôi muốn hiểu rằng: học đạo Nho, cụ Đồ Chiểu đã dùng bút pháp ấy để đề cao Trương Định và Phan Tòng; chức của hai liệt sĩ chưa phải là lớn, cụ Đồ Chiểu đã dụng ý chen chữ Công vào giữa họ và tên; Trương Công Định, Phan Công Tòng; cũng như xã hội đang trọng quan, mà Phan Tòng lúc ấy đánh Pháp bị triều đình Huế coi là nghịch thần, bị xâm lược Pháp gọi là giặc, thì Nguyễn Đình Chiểu cố ý viết:

‘Trạnh lòng trăm họ khóc quan Phan’

Và láy lại theo điệu thơ thập thủ liên hoàn:

‘Quan Phan thác trọn chữ trung thần’[2]

Không hiểu rằng ông Xuân Diệu đã nói vậy vì hiểu lầm, hay do cố tình đồng hóa Phan Tòng với Trương Định. Nhưng điều này chắc chắn sai, bởi Trương Định quả đã bị “mang tiếng nghịch thần” do không tuân theo lệnh vua mà bãi binh sau hòa ước 1862. Đó là khi nhà Nguyễn cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, và một trong những điều kiện để Pháp trả lại Vĩnh Long là những lực lượng kháng chiến như Trương Định phải được triều đình giải giáp. Tuy nhận được sự ủng hộ của triều đình, nhưng Trương Định ngoài mặt đã tỏ ra không tuân lệnh này và tiếp tục đánh Pháp. Do đó, theo Nguyễn Đình Chiểu thì Trương Định vì đã “ngay chúa”, nên “nào lo tiếng nghịch thần”.

Còn trong trường hợp Phan Tòng thì cần nhớ rằng vào năm 1867 ba tỉnh miền Tây chưa thuộc về Pháp, nên khi Pháp đánh chiếm ba tỉnh này và sau khi Phan Thanh Giản tự tử thì những người dân “trung nghĩa” như Phan Tòng đã theo Phan Liêm, Phan Tôn nổi dậy chống lại quân Pháp. Và như thế thì hoàn toàn không thể gọi họ là “nghịch thần” được. Mà phải ngược lại, là “trung thần” mới đúng!

Nhưng ông Xuân Diệu, cũng như rất nhiều nhà nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu khác, đã vì mục đích chính trị mà cố tình đánh đồng Phan Tòng với Trương Định như là những anh hùng “nông dân”, được ủng hộ dưới ngòi bút của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Do đó mà ông Xuân Diệu mới dẫn dắt người đọc vào những sai lầm tai hại như trên. Chỉ có điều là sự thật lịch sử thì không thể bẻ cong được, bởi hoàn cảnh của hai người này hoàn toàn khác nhau.

Và do đó, phải hiểu rằng Viên đạn nghịch thần treo trước mắt trong bài thơ là viên đạn mà Phan Tòng muốn dành cho những tay “nghịch thần” thứ thiệt, cũng như “lưỡi gươm địch khái” mà ông đã “nắm trong tay” là dành cho giặc. Bởi do không phải là một vị quan võ trở thành lãnh đạo kháng chiến trong vùng đất đã cắt cho Pháp như Trương Định, mà là một người dân đứng lên chiến đấu để bảo vệ đất đai của nhà vua, nên Phan Tòng chính là một “nghĩa dân” chứ không bao giờ phải “lo tiếng nghịch thần” như Trương Định.

Hơn nữa, có thể thấy rằng Trương Định lúc nào trong cách gọi của Nguyễn Đình Chiểu cũng là một vị “tướng quân”, cực kỳ trang trọng. Như Sáu tỉnh còn roi dấu tướng quân, Hội này nào thấy tướng quân đâu, hoặc Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh. Tức là đối với Trương Định thì Nguyễn Đình Chiểu phải trang trọng gọi là “Trương tướng quân”, cũng như với Phan Thanh Giản thì Nguyễn Đình Chiểu gọi là “Phan học sĩ” hay “Quan Phan”, như sẽ thấy trong 10 bài thơ này.

Trong khi đó, Phan Tòng lại hiện ra như một người bạn thân thiết và đồng vai vế với Nguyễn Đình Chiểu, qua cách Nguyễn Đình Chiểu gọi Phan Tòng trong những bài thơ kế.

Khi đến cuối bài thứ II thì mối liên hệ giữa Phan Tòng và Phan Thanh Giản cũng như lý do Phan Tòng tham gia đánh Pháp bắt đầu được Nguyễn Đình Chiểu giới thiệu với độc giả qua hai câu chót:

Tiết mới một lòng ra đất trụm

Cái xên, con rã, nghĩ thương thay

Theo người viết, sự kiện cái xên, con rã, nghĩ thương thay mà Nguyễn Đình Chiểu nói đến trong bài chính là sự kiện Phan Thanh Giản tự tử. Bởi trong một cuộc “rủi may” này, khi mà “cái xên”[3], thì “con rã”, như một hình ảnh cho thấy khi người dẫn đầu (hay nhà cái) là Phan Thanh Giản, một người đại diện cho triều đình nhà Nguyễn trong vai trò Kinh Lược Sứ, nay đã chết, thì các tay con tức các quan binh dưới quyền cũng đều tan rã. Đó là chuyện vừa xảy ra, chỉ vài tháng trước khi có cuộc nổi dậy của Phan Liêm, Phan Tôn với sự tham gia của Phan Tòng.

Và Phan Tòng chắc chắn không phải là nhà cái hay một người chủ trì của cuộc kháng chiến. Mà ông chỉ là một người thường dân tham gia đánh Pháp theo hai vị “công tử” là Phan Liêm và Phan Tôn, để báo thù cho Phan Thanh Giản thôi.

Người viết xin tự nhận là không hoàn toàn chắc chắn lắm về sự kiện “cái xên, con rã” và cách hiểu nói trên, bởi dù sao đây cũng là một câu thơ. Nhưng nếu theo thứ tự và ý nghĩa của câu thơ đó, cũng như của tất cả 10 bài thơ, thì chỉ có thể hợp lý nếu Nguyễn Đình Chiểu đang nói về việc Phan Thanh Giản tự tử. Vì từ sự việc đó mới dẫn đến cuộc nổi dậy của hai công tử họ Phan để báo thù cha, và dẫn đến sự tham gia cuộc kháng chiến đó của Phan Tòng.

Cũng như bởi vì ngay sau sự kiện “cái xên, con rã” mà Nguyễn Đình Chiểu vừa nói đến ở cuối bài số II thì mới có tình trạng mà ông diễn tả trong bài số III kế tiếp, là “tạo-vật khuấy người ta”, để cho Nam đổi làm Tây, chính lại tà. Đó chính là tình trạng của 3 tỉnh miền Tây khi giờ đây đã lọt vào tay quân Pháp:

Thương thay, tạo-vật khuấy người ta,

Nam đổi làm Tây, chính lại tà.

Chính sự thay chủ đổi ngôi này đã dẫn đến cuộc nổi dậy của hai người “công tử” con trai của Quan Phan - Phan Thanh Giản, là Phan Liêm và Phan Tôn. Và đó là cuộc khởi nghĩa tại xứ Bảo An của Phan Tòng mà Phan Tòng đã nhận lời tham gia. Sự kiện này được Nguyễn Đình Chiểu diễn tả trong hai câu thơ tiếp theo của bài số III:

Trống nghĩa bảo-an theo sấm rạp.

Cờ thù công-tử guộng mây qua

Công tử ở đây chính là hai công tử Phan Liêm và Phan Tôn, con của Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản. Và theo Nguyễn Đình Chiểu thì mục đích là để báo thù cho cha, nên họ đã khởi nghĩa ngay sau cái chết của Phan Thanh Giản, và tại xứ Bảo An, trong đó có làng (An) Bình Đông của “người ngọc” Phan Tòng.[4]

Hai vị công tử này chắc hẳn đã quen biết với Phan Tòng từ lâu vì là người đồng hương, nên họ đã lập tức phong cho vị hương giáo “biết đạo” và “vì nghĩa” này chức “đốc binh” trong đội quân khởi nghĩa. Việc đó xảy ra vào khoảng tháng 11 năm 1867, vài tháng sau cái chết của Phan Thanh Giản.

Rồi theo bài số IV, Phan Tòng dù từ trước đến giờ chỉ là thầy giáo, nhưng đã nhận lời tham gia kháng chiến với chức Đốc Binh vừa được hai công tử phong cho:

Sao ra nhảy-nhót giữa vòng danh,

Son đóng chưa khô ấn đốc-binh.

Nhưng than ôi, cuộc khởi nghĩa dù cho có đốt được thuyền giặc Pháp: Trên dòng lửa cháy cờ tam sắc, thì cái giá phải trả cũng rất cao, với mạng sống của nhiều nghĩa quân: Dưới gảnh đèn lờ bản thất tinh. Và trong số người hy sinh đó có đốc binh Phan Tòng, người mà theo Nguyễn Đình Chiểu thì nào đến tuổi vong-linh tức là còn quá sớm, chưa đến tuổi phải chết.

Rồi đến bài số V, Nguyễn Đình Chiểu cho biết lý do mà Phan Tòng đã tham gia kháng chiến và hy sinh tính mạng, dù theo ông chưa tới số chết. Không phải vì Phan Tòng ham danh muốn làm quan hay muốn giàu sang. Bởi Phan Tòng đã năm mươi tuổi và vốn chẳng phải người ăn chơi; lại càng chẳng phải người tham lam chức tước:

Sanh năm mươi tuổi ăn chơi mấy,

Quan bảy tám ngày sướng-ích chi.

Mà lý do là vì gặp buổi đồi suy, hay cái buổi mà Nam đổi làm Tây, chính lại tà như trên sau sự kiện “cái xên, con rã”, khiến cho xứ Ba Tri của ông nay thuộc về tay giặc.

Nhưng có một lý do gần gũi và hệ trọng hơn nữa, là do ông không biết sẽ phải ăn nói làm sao với “quan lớn” Phan:

E nỗi dạ-đài quan lớn hỏi:

“Cớ sao xếu-mếu cõi Ba-tri”

Xếu-mếu tức là “kinh sợ, ngã nghiêng”[5], và quan lớn ở đây chẳng phải ai khác lạ mà chính là vị quan Phan vừa mới qua đời mấy tháng trước đó.

Hai câu cuối này cho thấy mối quan hệ giữa Phan Thanh Giản và thế hệ các nho sĩ Nam Kỳ thuộc lứa tuổi trên dưới 50 lúc đó của Nguyễn Đình Chiểu và Phan Tòng. Đó là sự kính nể tột bậc đối với một vị đàn anh, một vị trung thần đáng noi gương. Đến nỗi Nguyễn Đình Chiểu cho rằng lý do mà Phan Tòng theo hai công tử họ Phan tham gia đánh Pháp là do ảnh hưởng của quan lớn Phan, người vừa mất cách đó vài tháng. Do e ngại rằng quan Phan sẽ chất vấn vì sao lại để cho xứ Ba Tri của mình ra cớ đó, nên Phan Tòng đã nhận lời tham gia kháng chiến cùng với hai công tử con của “quan lớn”.

Qua bài số VI, Nguyễn Đình Chiểu một lần nữa cho thấy mối quan hệ thân thiết như bạn bè giữa ông với Phan Tòng, khi ông gọi Phan Tòng là “chàng”; chứ không phải là “tướng quân” như khi ông gọi Trương Định:

Ba-tri từ vắng tiếng hơi chàng,

Gió thảm mưa sầu khá xiết than

Hơn nữa, hai câu thơ kế còn cho biết Phan Tòng cũng chính là một người nông dân bình thường ở xứ Ba Tri; có vườn có ruộng:

Vườn luống trông xuân hoa ủ-dột,

Ruộng riêng buồn chủ lúa khô-khan

Rồi Nguyễn Đình Chiểu miêu tả tình hình của xứ Ba Tri sau cái chết của Phan Tòng. Đó là sau khi “chàng” đã vắng bóng ở Ba Tri thì có những kẻ đã thừa cơ hội xứ này không còn người thầy uy tín “biết đạo” và “dạy dân” đó để toan bề nhũng nhiễu dân làng:

Bầy ma bất chánh duồng làm nghiệt,

Lũ chó vô cô cũng mắc nàn.

Và đến đây thì Nguyễn Đình Chiểu đã nói đến mức khó thể rõ hơn, rằng sự thể mà đến mức tan nát rối loạn như vậy chính là bắt đầu từ cái chết của quan Phan - Phan Thanh Giản. Tức là vì sự hy sinh của “chàng” Phan Tòng dẫn đến tình hình bi thảm như ngày nay, mà mọi người, hay trăm họ, đều chạnh lòng thương nhớ đến vị quan đã từng bảo hộ cho họ trong bao nhiêu năm trước đó, vị “quan Phan”:

Người ấy vì ai ra cớ ấy,

Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan

Cần phải giải thích cho rõ ràng tại đây rằng “quan Phan” mà Nguyễn Đình Chiểu nói trong bài thơ này chính là Phan Thanh Giản chứ không phải là Phan Tòng. Đây là điều rất dễ bị lầm lẫn vì cả hai đều họ Phan. Nhưng như đã giải thích, Nguyễn Đình Chiểu gọi Phan Tòng là “chàng”, là “người ngọc”; và thuật lại cuộc đời của Phan Tòng từ góc cạnh của một người bạn. Rồi Nguyễn Đình Chiểu còn cho biết rằng Phan Tòng không phải là người tham danh lợi muốn làm quan, khi viết “quan bảy tám ngày sướng-ích chi”.

Do đó, hai chữ “quan Phan” ở đây nhất quyết không phải là những chữ mà Nguyễn Đình Chiểu dùng để gọi Phan Tòng, khi xét đến mối quan hệ thân thiện giữa hai người.

Thế nhưng một nhà nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Xuân Diệu đã lầm lẫn về chính điều này. Mà như đã nói, đó là do ông Xuân Diệu muốn cho Phan Tòng cũng giống như Trương Định dưới ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu. Ông Xuân Diệu nói rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình gọi Phan Tòng là “quan Phan” như sau:

Trương Công Định, Phan Công Tòng; cũng như xã hội đang trọng quan, mà Phan Tòng lúc ấy đánh Pháp bị triều đình Huế coi là nghịch thần, bị xâm lược Pháp gọi là giặc, thì Nguyễn Đình Chiểu cố ý viết:

‘Trạnh lòng trăm họ khóc quan Phan’

Và láy lại theo điệu thơ thập thủ liên hoàn:

‘Quan Phan thác trọn chữ trung thần’[6]

Nhưng ông Xuân Diệu lại không biết rằng ở xứ Nam Kỳ trong thời gian đó thì chỉ có một người duy nhất được tất cả dân chúng thân mến gọi là ‘quan Phan” mà thôi, và đó là Phan Thanh Giản.

Điển hình là một đoạn thơ rất dài sau đây trong tác phẩm “Thơ Nam Kỳ”, cho thấy tấm lòng của người dân Nam Kỳ đối với vị quan Phan này:

“207. Quan Phan sành sỏi tuổi cao

Ba đời tôi chúa sống (sóng) xao không sờn;

Chăn dân đặng chữ thanh cần

Trèo non qua biển suối lần chi nao;

Dầu hao tim bất (bấc) chẳng hao:

Tác gì mặc tác tâm lao ân cần

Đông tây lặng (lặn) lội châu trần

Cầu an nhà nước nghĩ thân chi già!

Chẳng qua thì (thời) vận nước nhà

Vì chơn (chân) cơ hội chánh tà lập công

Số là trời định chẳng không

Vần xây Tây trị dân trong Nam kỳ

Nào ai dễ cải vận thì (thời)

Ông Phan tức bụng chớ gì nhìn (nhịn) cơm

Tại đâu lòng chịu dạ cam

Nhịn ăn một tháng chẳng kham hơi mòn

...

Ông Phan chung mạng chi còn

Chúng ta thể gỏ (gỗ) lăng (lăn) tròn như cây

Hùm đà gảy (gãy) kiếng (cánh) mất vây

Dầu hay bay nhảy khó vầy cho nên

Trẻ già lụy nhỏ dưới trên

Quan Tây tôn kính đứng danh trung hiền

Đổi thay Nam địa Tây thiên

Ông Phan mạng một Tây phiền lòng thương,

Táng chôn đưa đón phô trương,

Thỏa an linh táng phỉ dường nghĩa nhân”[7]

Như vậy, đối với người dân Nam Kỳ, chữ “quan Phan”, hay “ông Phan”, hay “Phan công”, chỉ có thể dùng để chỉ một người duy nhất mà thôi, và đó là Phan Thanh Giản. Đó là vì Phan Thanh Giản chính là người đã bảo hộ cho họ, những người “nhứt phương dân” ở xứ Nam Kỳ; vì ông đã luôn Chăn dân đặng chữ thanh cần. Cho nên khi ông mất đi thì Chúng ta thể gỏ (gỗ) lăng (lăn) tròn như cây. Do đó, khi ông mất thì những người dân Nam Kỳ này đã thương tiếc ông đến mức Trẻ già lụy nhỏ dưới trên.

Đó cũng chính xác là những gì mà Nguyễn Đình Chiểu vừa nói trong bài thơ số VI, là lý do tại sao toàn thể dân chúng Nam Kỳ lại Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan, khi đau buồn về sự hy sinh của Phan Tòng.

Nhưng chẳng phải chỉ cho thấy sự kính mến của toàn dân Nam Kỳ nói chung đối với Phan Thanh Giản như vậy không thôi, mà Nguyễn Đình Chiểu còn đi thẳng vào lý do tại sao ông lại dành một phần rất lớn của 10 bài thơ này để nói về Phan Thanh Giản (và có thể nói rằng đó là ý chính của 10 bài thơ điếu Phan Tòng).

Đó là vì Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định rằng chết như Phan Tòng là chết vinh, do ông đã noi gương trung nghĩa của quan Phan.

Và bài thơ số VII đã nói lên cái ý chính này:

Quan Phan thác trọn chữ trung-thần,

Ôm tiết như người cũng nghĩa dân

Như đã nói, đức tính số 1 của Phan Thanh Giản, theo Nguyễn Đình Chiểu, là lòng trung quân giữ trọn đạo thần tử của ông. Nếu như mấy tháng trước đó Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết Minh tinh chín chữ lòng son tạc, đã viết Tận trung hà hận tử Trương Tuần để điếu Phan Thanh Giản, thì có thể rằng ông thấy như vậy vẫn chưa nói hết ý, vẫn chưa trình bày hết sự ngưỡng mộ của ông đối với vị quan Phan. Cho nên bây giờ nhân dịp này ông nhắc lại một lần nữa, và viết không thể rõ ràng hơn nữa, là quan Phan dù chết đi nhưng đã làm trọn vai trò trung thần.

Và cái “tiết nghĩa” của Phan Thanh Giản, điều đã được Nguyễn Đình Chiểu nói đến trong câu Bỉnh tiết tằng lao sinh Phú Bật mấy tháng trước, cũng chính là điều mà Nguyễn Đình Chiểu hiện giờ cho rằng tất cả mọi người cần nên noi theo - để được mang danh “nghĩa dân” như Phan Tòng. Tức là nếu quan Phan - Phan Thanh Giản vì giữ tiết mà chết nên đã được mang danh “trung thần”, thì những người thường dân mà “ôm tiết” theo ông như Phan Tòng, khi chết cũng sẽ được mang danh “nghĩa dân”.

Do đó, trong hai câu kế của bài số VII, Nguyễn Đình Chiểu đã thuật lại và đã tỏ rõ thái độ của Phan Tòng hay của những “nghĩa dân”. Đó là là thà chết mà được lên trời theo “ông hữu đạo” Phan Thanh Giản, chứ không muốn sống trên đời mà phải chung đụng với những loạn thần tặc tử, những “lũ vô quân” không biết đến vua cha:

Làng đế đành theo ông hữu đạo

Cõi phàm hổ ngó lũ vô quân

Cần biết rằng đây chính là hai câu thơ rất dễ bị hiểu lầm và trích dẫn sai lầm. Điển hình là nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương trong một bài viết về lòng trung quân và ái quốc của Nguyễn Đình Chiểu đã cho rằng câu trên là để nói về vua, là “lăng để dành theo ông hữu đạo”, như sau:

Nói một cách so sánh thì ở Nguyễn Đình Chiểu, ái quốc là tuyệt đối và trung quân là tương đối… Ông không thể quan niệm nước mà không gắn với ngôi vua, nhưng ngôi vua ấy, phải là ‘lăng để dành theo ông hữu đạo, cõi trần hổ ngó lũ vô quân[8]

Nhưng thật ra câu thơ này không hề nói đến lăng mộ chi hết, mà nói về “làng đế” tức “đế hương”, một điển tích mà người viết đã nói tới ở trên khi bàn về câu Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu trong bài thơ Nôm. Và theo ông Phan Văn Hùm giải thích thì đó là câu “thừa bỉ bạch vân, chí vu đế hương” trong sách Trang Tử, tức là cưỡi mây trắng lên làng của Thượng Đế, cũng là cõi trời, và có nghĩa là từ trần.[9]

Do đó, câu thơ trên nói lên ý muốn thà chết mà giữ đạo nghĩa và được lên trời như “ông hữu đạo” Phan Thanh Giản. Nghĩa là theo Nguyễn Đình Chiểu thì Phan Tòng thà chết mà được lên trời theo Phan Thanh Giản cho đúng đạo nghĩa; còn hơn sống mà không biết đạo, còn hơn sống mà phải hổ thẹn ngó thấy lũ loạn thần tặc tử đầu Tây, không kể gì đến đấng quân phụ.

Và bên cạnh điển tích “làng đế” nói trên, khái niệm “lũ vô quân” trong câu thơ sau để đối lại với “ông hữu đạo” Phan Thanh Giản trong câu thơ trước cũng đã bị lầm lẫn; như từng được trích dẫn ra thành “lũ vô luân” trong cuốn Nho Y Nguyễn Đình Chiểu của ông Trần Văn Tích.[10] Cần phải thấy rằng chữ đúng ở đây là “quân” tức vua, và câu này nói lên tư tưởng trung quân tuyệt đối của Nguyễn Đình Chiểu.

Qua hai câu kế tiếp của bài số VII, Nguyễn Đình Chiểu lại một lần nữa nhắc đến tấm “lòng son”, hay đan tâm, đặc trưng của Phan Thanh Giản. Và ông cho rằng bây giờ đã có thêm một tấm lòng son nữa ở bên cạnh, do noi theo tấm gương trung nghĩa của Phan Thanh Giản. Đó là tấm lòng son của Phan Tòng.

Theo Nguyễn Đình Chiểu thì Phan Tòng thà bỏ thân ở đất Giồng Gạch của xứ Ba Tri, để dù chết mà vẫn lưu lại tấm lòng son trong sử xanh, để được theo cùng Phan Thanh Giản mà làm nên hai tấm lòng son được muôn đời sau ghi tạc:

Lòng son xin có hai vầng tạc

Giồng-gạch[11] thà không một tấm thân

Hai vầng, hay hai tấm lòng son tạc trong câu thơ, là để nói đến việc Phan Tòng đã noi gương Phan Thanh Giản, thà hy sinh tính mạng vì lòng trung nghĩa mà được sử sách lưu danh, còn hơn sống mà phải chịu nhục nhã hổ thẹn chung đụng cùng với lũ vô quân.[12]

Như vậy, gần như toàn thể bài số VII này trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng là để nói về Phan Thanh Giản. Theo đó, tác giả Nguyễn Đình Chiểu cho biết lý do tại sao Phan Tòng tham gia chống Pháp với hai công tử con của Phan Thanh Giản để báo thù và đã hy sinh. Nhưng cũng theo sự đánh giá của tác giả Nguyễn Đình Chiểu thì cái chết của Phan Tòng sẽ được lưu lại sử xanh, nhờ noi theo tấm gương trung nghĩa của quan Phan - Phan Thanh Giản.

Đến bài số VIII, Nguyễn Đình Chiểu đã lặp lại một lần nữa ý tưởng thà chết vinh còn hơn sống nhục và phải chịu sự thống trị của người Pháp. Và đó cũng chính là tâm sự cực kỳ đau khổ của người sống Nguyễn Đình Chiểu khi khóc thương người bạn Phan Tòng vừa mới qua đời:

Thôi! mất cũng cam, còn cũng khổ,

Nay Kim mai Tống thẹn làm người

Bởi theo sự suy nghĩ của Nguyễn Đình Chiểu thì làm người trung nghĩa khi chết đi danh tiếng vẫn còn được ghi vào bia son, muôn kiếp chẳng mòn. Còn sống mà phải chịu sự thống trị của ngoại bang là một điều hổ thẹn cho kiếp người.

Do đó, chết như Phan Tòng là chết vinh, là chết cũng như còn, như Nguyễn Đình Chiểu đã tổng luận về phận sự của người làm trai trong bài thơ số IX:

Làm người trung-nghĩa đáng bia son,

Đứng giữa càn-khôn tiếng chẳng mòn

Cơm-áo đền bồi ơn đất nước.

Râu-mày giữ vẹn phận tôi con

Để đến bài số X cuối cùng thì Nguyễn Đình Chiểu nhắc lại mối thù cần phải ghi nhớ, cần phải trả:

Sở hỡi trót ghi cừu họ Ngũ

Hán đâu khỏi trả hận thằng Nô

Và mối thù này có lẽ đã không bao giờ được trả; nhưng tên tuổi của Phan Tòng thì đã được Nguyễn Đình Chiểu góp phần ghi vào lịch sử, qua 10 bài thơ trên. Dù không phải là “sử Mã”, không phải là “kinh Lân”, nhưng mười bài thơ này của Nguyễn Đình Chiểu đã cho người đọc một cái nhìn trung thực về người bạn đồng đạo, đồng hương của ông.

Cũng như qua 10 bài thơ đó, Nguyễn Đình Chiểu đã lặp lại sự mến phục và thương tiếc vị quan Phan, đã cho biết rằng “trăm họ” ở Nam Kỳ đều khóc thương tưởng nhớ quan Phan nhân cái chết của Phan Tòng - một người nông dân bình thường nhưng đã nhận lời tham gia cuộc kháng chiến của hai người công tử con quan Phan vì mục đích báo thù cho quan Phan, và vì muốn noi gương trung nghĩa của quan Phan.

Tóm lại, 10 bài thơ điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu có một giá trị rất lớn về lịch sử cũng như về văn học, mặc dù từ trước đến giờ chỉ có giá trị văn học của chúng là được khai thác. Ít khi nào mà một nhân vật lịch sử lại được yêu mến như Phan Thanh Giản đến mức như vậy, với ngòi bút miêu tả của Nguyễn Đình Chiểu trong 10 bài thơ này.

Cũng như ít khi nào trong một bài văn tế hay thơ dùng để điếu một người (Phan Tòng) mà tác giả lại nhắc nhở đến một người khác (Phan Thanh Giản) với một sự kính mến như vậy. Nhất là khi chỉ mấy tháng trước đó thì tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã làm hai bài thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm để điếu Phan Thanh Giản, với những lời lẽ khen ngợi hết lòng.

Điều này chính là một chứng minh rõ ràng nhất cho lòng ngưỡng mộ, cho mối thâm tình mà Nguyễn Đình Chiểu đã dành riêng cho quan Phan - Phan Thanh Giản.

V.

Kết Luận

Trở lại với thời gian sau năm 1954 khi cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam bắt đầu, ngành sử học ở miền Bắc đã có một chủ trương rõ rệt về lịch sử, nhất là lịch sử của xứ Nam Kỳ. Chủ trương đó là kết tội những nhân vật có dính líu với nhà Nguyễn, và đặc biệt là những người muốn sử dụng đường lối ngoại giao như Phan Thanh Giản. Ông đã bị ngành sử học miền Bắc triệt để ghép vào tội “bán nước” và “đầu hàng”. Trong khi đó, những nhân vật chủ chiến như Trương Định, như Nguyễn Đình Chiểu thì được ca tụng là những người “yêu nước”.

Và thế là đối với các sử gia miền Bắc, những nhân vật “yêu nước” như Nguyễn Đình Chiểu không được quyền ca ngợi hay kính trọng những nhân vật bị coi là “bán nước” như Phan Thanh Giản, mặc dù sự thật là như vậy.

Ngược lại, những nhân vật “yêu nước” phải cho thấy có lập trường triệt để lên án những nhân vật “bán nước” kia.

Với mục đích đó, ông Viện Trưởng Viện Sử Học, người anh cả của làng sử học miền Bắc là ông Trần Huy Liệu đã sáng tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, rồi gán cho Trương Định hay nghĩa quân của Trương Định là tác giả câu này, khi ông quả quyết, mặc dù không có bằng chứng, là 8 chữ đó đã được đề lên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định.

Cùng với mục đích đó, và để tiếp theo ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu, ông Viện Trưởng Viện Hán Nôm Trần Nghĩa sau khi nhắc nhở mọi người về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên, liền gán cho Nguyễn Đình Chiểu ý tưởng chê trách Phan Thanh Giản qua bài thơ điếu chữ Hán. Ông Trần Nghĩa giải thích rằng Nguyễn Đình Chiểu đã đem hai nhân vật Phú Bật và Trương Tuần ra so sánh với Phan Thanh Giản để cho thấy cách xử trí và kết quả khác nhau. Mặc dù trong hai câu thơ đó ý của Nguyễn Đình Chiểu là muốn so sánh lòng trung nghĩa, tiết tháo, sự lao lực của Phan Thanh Giản với hai nhân vật trên.

Cùng với mục đích đó, và để tiếp theo ông Viện Trưởng Trần Nghĩa, một chuyên gia Hán Nôm là ông Trần Khuê đã chiếm đoạt một khám phá của nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân, nhằm gán cho Nguyễn Đình Chiểu việc muốn rủa Phan Thanh Giản là chết đi sẽ thành “quỷ”, bằng cách sử dụng kiểu đếm chữ Quỉ Khốc Linh Thính mà ông gọi là “quy ước của người xưa”, khi Nguyễn Đình Chiểu làm câu thơ “minh tinh chín chữ lòng son tạc”. Bên cạnh việc sang đoạt này, sự thiếu hiểu biết về lịch sử cũng như về nghệ thuật thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho sự sai lầm của ông Trần Khuê càng rõ ràng hơn.

Cùng với mục đích đó, năm 2017, bà Phạm Thị Hảo đã sáng chế ra cái gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” để giải thích ngược ngạo tất cả những câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu; như cho rằng một gánh “thâu” là một gánh “thua”. Bên cạnh đó, bà còn thản nhiên ngụy tạo ra những chi tiết lịch sử để bôi nhọ Phan Thanh Giản. Trong khi điều đơn giản và rõ ràng nhất là bà không hề đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu để biết ông nói gì.

Và có thể nói chung là các nhà nghiên cứu và phê bình theo sau các tác giả nói trên đều không hề đọc và hiểu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, cho nên họ mới liều lĩnh viết ra những điều như trên hòng bẻ cong lịch sử và nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của họ.

Trong khi mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho Phan Thanh Giản thì có thể được thấy lồ lộ không phải chỉ trong hai bài thơ điếu ông, mà còn trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng, khi sự kính mến này còn được biểu hiện một cách rõ ràng hơn nữa. Mười bài thơ điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh 2 bài thơ điếu Phan Thanh Giản, chính là một sự khẳng định về lòng kính mến của Nguyễn Đình Chiểu đối với quan Phan.

Năm 2022, nhân hai trăm năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, UNESCO đã nhìn nhận ông như một danh nhân văn hóa của thế giới. Và lý do chính không phải vì lòng “yêu nước” của ông, mà chính vì những phương diện khác; như sự cố gắng vượt qua nghịch cảnh của ông, ý chí của ông, thi văn tài của ông. Nhưng có lẽ một phương diện tích cực khác của Nguyễn Đình Chiểu mà ta cần thấy rõ hơn là sự trung thực trong vai trò nhân chứng thời cuộc, đã được thể hiện một cách không dấu diếm trong thơ văn của ông. Là một con người của thời cuộc, của thế kỷ 19 ở xứ Nam Kỳ, là một nho sĩ trọn đời thờ vua, nhưng ông đã tạo ra một đường lối thơ văn đặc biệt của riêng mình, với một tấm lòng chân thật không chút điêu ngoa.

Đối với người mà ông cũng như toàn thể dân chúng Nam Kỳ thương mến gọi là “quan Phan”, Nguyễn Đình Chiểu đã bày tỏ lòng khâm phục trong hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, cũng như trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng. Nhưng vì lý do chính trị, trong nhiều năm qua đã có nhiều tác giả trong nhiều bài viết cố tình bẻ cong sự thật để gán cho thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu tức ông Đồ Chiểu một âm mưu đê tiện là ngấm ngầm chửi rủa Phan Thanh Giản; cho dù bề mặt ngợi khen. Đã đến lúc phải trả lại sự thật nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của vị danh nhân văn hóa này. Đã đến lúc phải vạch ra sự cố tình xuyên tạc Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn cũng như con người của ông. Đã đến lúc phải nhìn nhận mà không có chút nghi ngờ nào nữa về mối thâm tình mà Nguyễn Đình Chiểu dành cho quan Phan - Phan Thanh Giản.

Winston Phan Đào Nguyên[13]

05-31-2022


[1] Phan Tòng tên thật Phan Ngọc Tòng là người cùng xứ Ba Tri với Nguyễn Đình Chiểu. Ông là một nhà nho và là một thầy giáo (hương giáo). Vì tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Liêm và Phan Tôn mà hy sinh tại Giồng Gạch vào tháng 11 năm 1867. Rất ít tài liệu còn sót lại về ông, trong đó có một tài liệu gần như duy nhất là cuốn Tỉnh Bến Tre Trong Lịch Sử Việt Nam của ông Nguyễn Duy Oanh. Theo tài liệu trên, ông Nguyễn Duy Oanh cho biết tên thật của ông là Phan Ngọc Tòng. Nguyễn Duy Oanh. Tỉnh Bến Tre Trong Lịch Sử Việt Nam. Sài Gòn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Xuất Bản 1971, p. 217, p. 355. Người viết xin được dùng tên “Phan Tòng”, cũng như “Trương Định” là tên thường nghe, thay vì “Phan Công Tòng” hay “Trương Công Định”, trong bài viết này.

[2] Xuân Diệu, “Đọc Lại Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu” (1972). In lại trong “Nguyễn Đình Chiểu, Tác Gia Và Tác Phẩm”, Nguyễn Ngọc Thiện Tuyển Chọn Và Giới Thiệu, NXB Giáo Dục 1998, pp. 484-512, 502.

[3] Huình-Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome II. Saigon, Imprimerie Rey, Curiol, 1896, p. 579: “Xên: luyện cho trong sạch, tính cho xong, bải đi. Xên sòng - bải cuộc chơi cờ bạc, Xên đi - bải đi, thôi đi”.

[4] Xin xem Nguyễn Duy Oanh, Ibid, về các địa danh nói trên trong tỉnh Bến Tre.

[5] Huình-Tịnh Paulus Của, Ibid, p. 585

[6] Ibid

[7] Michel Đức Chaigneau. “Thơ Nam Kỳ ou Lettre Cochinchinoise Sur Les Événements De La Guerre Franco- Annamite”, Traduite Par M.D. Chaigneau. Paris, Imprimerie Nationale 1886. Những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[8] Trần Ngọc Vương, Những Đặc Điểm Mang Tính Quy Luật Của Sự Phát Triển Văn Học Nhìn Nhận Qua Sáng Tác Của Nguyễn Đình Chiểu, Tạp Chí Văn Học, Số 3, 1992. In lại trong “Nguyễn Đình Chiểu, Tác Gia Và Tác Phẩm”, Nguyễn Ngọc Thiện Tuyển Chọn Và Giới Thiệu, NXB Giáo Dục, 1998, pp. 305-312, 309. Những chữ in đậm là do người viết muốn nhấn mạnh.

[9] Ibid

[10] Trần Văn Tích. Nho Y Nguyễn Đình Chiểu. Paris, An Tiêm 1993, p. 34.

[11] Theo Nguyễn Duy Oanh, trận Giồng-gạch tại làng An-hiệp này nghĩa quân chết gần “hết trụi” nên nơi này còn được gọi là Gò Trụi, Ibid, pp. 217-218

[12] Theo Giáo Sư Trần Huy Bích, “hai vầng” ở đây có nghĩa là hai vầng nhật nguyệt. Ông Phù Lang Trương Bá Phát cũng nghĩ như vậy trong bài viết “Sáu Nén Hương Hoài Cổ Phan Công Tòng”, Tập San Sử Địa, Số 17-18, Sài Gòn 1970, pp. 148-166, 159. Tuy nhiên người viết vẫn nghĩ rằng đó là hai tấm lòng son của hai ông Phan Thanh Giản và Phan Tòng, vì ý chính của bài thơ này là Phan Tòng đã noi gương trung nghĩa của Phan Thanh Giản, và ý tưởng này được biểu hiện qua những chữ “như người”, “đành theo” trong các câu thơ trước đó. Hơn nữa, câu thơ này viết rằng “xin CÓ” thay vì “xin được” hai vầng tạc, cho thấy rằng hai “vầng” ở đây không phải là những gì đã hiện hữu muôn đời như hai vầng nhật nguyệt, mà là hai vầng hào quang mới được tạo ra để ghi tạc tấm lòng son của hai người họ Phan. Người viết xin trân trọng ghi nhận tại đây cách giải thích “hai vầng nhật nguyệt” của Giáo Sư Trần Huy Bích.

13] Người viết bài này, Winston Phan Đào Nguyên, hoàn toàn không có liên hệ họ hàng gì với Phan Thanh Giản hay Phan Văn Hùm.