Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Trí thông minh cảm xúc: năng lực nghề nghiệp hàng đầu của giáo viên

Dương Thắng

Những trào lưu cải cách giáo dục được thực hiện trong những năm gần đây đều nhấn mạnh tới phương pháp sư phạm kiến tạo - xã hội gắn với mô hình giáo viên chuyên nghiệp. Hình mẫu giáo viên được đề cao đó là một chuyên gia về giảng dạy và một người nắm vững các kỹ năng thực hành, trong đó trí thông minh cảm xúc được xem như một trong những kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu để bảo đảm cho sự thành công trong công việc dạy học.

1/ Một số quan niệm về trí thông minh cảm xúc

Goleman là người đầu tiên đưa ra khái niệm về trí thông minh cảm xúc và vai trò của nó trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội [1]. Theo ông, trí thông minh này thúc đẩy sự cân bằng cá nhân, cảm giác tự tin khi đưa ra quyết định. Nó sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt hơn trong các lĩnh vực cá nhân, xã hội và nghề nghiệp. Tác giả định nghĩa trí thông minh cảm xúc là một dạng trí thông minh đặc biệt liên quan đến cảm xúc, khác biệt với trí thông minh học thuật. Đồng thời, ông định nghĩa nó như là một dạng “siêu trí tuệ” có ảnh hưởng quyết định tới các dạng trí thông minh khác. Cũng theo Goleman, trí thông minh cảm xúc vừa là một kỹ năng xử lý quá trình cảm xúc, cũng vừa là một đặc trưng tính cách tương đối ổn định ở mỗi cá nhân. Dẫu rằng công trình của Goleman còn thiếu vắng các kết quả thực nghiệm, các đề xuất của ông cũng đã đem tới rất nhiều thành công trong lĩnh giáo dục và đời sống cá nhân.289399639_10159311930396137_2768696094711337869_n

 

Dựa trên nghiên cứu về mối tương tác giữa suy nghĩ và cảm xúc, Salovey và Mayer [2] thì đề xuất khái niệm trí thông minh cảm xúc như một quá trình tương tác giữa tâm trạng và suy nghĩ, can thiệp vào việc giải quyết vấn đề, tập trung chú ý và phân biệt cảm xúc. Vì vậy hai tác giả này định nghĩa trí thông minh cảm xúc như là "khả năng hướng dẫn cảm xúc của bản thân và người khác, phân biệt đối xử với họ và sử dụng thông tin này để suy nghĩ và hành động". Chính xác hơn, chẳng hạn như "khả năng nhận thức, đánh giá cao và thể hiện cảm xúc của một người; tiếp cận chúng và tạo ra cảm xúc hỗ trợ suy nghĩ; hiểu cảm xúc và thông tin mà chúng truyền đạt; cuối cùng, điều chỉnh cảm xúc để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và cảm xúc". Trong đề xuất của họ, trí thông minh cảm xúc được xây dựng theo bốn trục: nhận thức và biểu hiện cảm xúc, hiểu và phân tích cảm xúc, điều chỉnh phản chiếu của cảm xúc và cuối cùng, tạo điều kiện cho suy nghĩ. Bốn yếu tố này phát triển theo bốn cấp độ, từ cơ bản và cụ thể nhất, đến phức tạp nhất và tổng quát nhất. Các mức độ này cũng tương ứng với các giai đoạn phát triển trong việc xây dựng trí thông minh ở trẻ em.

Với một quan điểm hỗn hợp, Boyatzis[3] đưa ra cấu trúc của trí tuệ cảm xúc như một kỹ năng kiểm kê, thái độ và đặc điểm để hiểu được sự thành công của cá nhân trong các tình huống của cuộc sống hàng ngày, xã hội và nghề nghiệp. Chúng bao gồm:

- Kỹ năng nội tâm: nhận thức về cảm xúc của bản thân, tính quyết đoán, khả năng khẳng định cảm xúc của mình - tính tự chủ, năng lực đạt được tiềm năng của chính mình,

- Kỹ năng giữa các cá nhân: sự đồng cảm, khả năng thiết lập các mối quan hệ giữa các cá nhân, ý thức trách nhiệm xã hội,

- Khả năng thích ứng: giải quyết vấn đề, cảm giác thực tế, linh hoạt,

- Quản lý căng thẳng: chịu đựng căng thẳng, kiểm soát sự bốc đồng,

- Tâm trạng chung: cảm giác vui vẻ, lạc quan.

Petrides và Furnham[4] lại muốn tiếp cận trí thông minh cảm xúc từ góc độ thực nghiệm và tâm lý. Họ cho rằng về nguyên tắc, nếu trí thông cảm xúc tồn tại, có thể cô lập nó, đo lường nó bằng một bài kiểm tra đáng tin cậy, và cũng có thể khái quát hay tách biệt và dự đoán những ảnh hưởng của nó. Trong quan điểm này, trí thông minh cảm xúc sẽ là một hiện tượng phổ biến, nhất quán, không mang tính ngẫu nhiên, khác biệt với các hiện tượng liên quan đến trí thông minh và nhân cách khác. Hai tác giả đã kiến nghị tiến hành đo đạc để đánh giá trí thông minh cảm xúc dựa trên những thước đo sau:

• Sức khỏe (tâm trạng chung, lạc quan, lòng tự trọng).

• Kiểm soát bản thân (điều chỉnh cảm xúc, kiểm soát sự bốc đồng, quản lý căng thẳng).

• Kỹ năng cảm xúc (đồng cảm, nhận thức và thể hiện cảm xúc).

• Kỹ năng xã hội (quản lý cảm xúc của người khác, tính quyết đoán, kỹ năng xã hội chung).

2/ Năng lực cảm xúc và tính chuyên nghiệp của giáo viên

Chính sách giáo dục và những trào lưu cải cách giáo dục trên thế giới hiện nay đều đặt trọng tâm vào thực tiễn giảng dạy, vào vai trò và năng lực của giáo viên. Những đòi hỏi khắt khe về các kỹ năng và khả năng thực hành sư phạm của giáo viên đã dẫn tới việc xuất hiện khái niệm/mô hình “ giáo viên chuyên nghiệp”. Giáo viên chuyên nghiệp được định nghĩa như là một chuyên gia trong lĩnh vực học tập, một người ý thức được rõ ràng tính chuyên nghiệp của mình và là “nhạc trưởng”, tác nhân chủ chốt trong các cơ sở giáo dục. Người giáo viên chuyên nghiệp phải được trang bị một tập hợp các kỹ năng nghề nghiệp: khả năng phản xạ trong các tình huống thực tiến, vai trò điều phối trong việc học tập, có khả năng làm việc theo nhóm trong một cộng đồng giáo dục. Như vậy, với một người giáo viên chuyên nghiệp, kỹ năng cảm xúc là kỹ năng nghề nghiệp giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực học tập, người giáo viên chuyên nghiệp phải biết tạo ra những cảm xúc hưng phấn của học sinh, có khả năng thúc đẩy học sinh hào hứng học tập, tạo ra các mối liên hệ giữa các nội dung học trong chương trình với những trải nghiệm của học sinh để học sinh tự mình khám phá ra những ý nghĩa thực tiễn của những nội dung đã học, tạo ra bầu không khí lớp học đầy cảm xúc hào hứng, công bằng, tin cậy, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên của lớp học. Với tư cách là một tác nhân xã hội, khả năng nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi với học sinh, phụ huynh, với các đồng nghiệp và cộng đồng giáo dục của mình là một kỹ năng không thể thiếu của một người giáo viên chuyên nghiệp, và hiển nhiên rằng nó phụ thuộc một phần lớn vào kỹ năng cảm xúc của người giáo viên đó. Họ cần phải kiềm chế được các phản ứng hay cảm xúc tự phát: nóng giận, chán nản và khắc phục được những định kiến cá nhân: khắt khe, hẹp hòi hay nghiệt ngã với những học sinh có những thành phần xuất thân hay hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Khả năng vượt qua những khó khăn nghề nghiệp là một trong những yếu tố hàng đầu cho mọi ngành nghề, nhưng đối với người giáo viên, nó lại càng quan trọng vì nó không chỉ liên quan tới chính họ mà còn liên quan đến hàng chục học sinh trong lớp mà họ giảng dạy.

Để hiểu rõ hơn cơ chế tham gia của trí thông minh cảm xúc trong các hoạt động thực tiễn của giáo viên, chúng ta sẽ mô tả cụ thể vai trò của trí thông minh cảm xúc trong 4 giai đoạn kế tiếp nhau trong hoạt động sư phạm của một người giáo viên tại một trường mầm non hay tiểu học.

- Giai đoạn xử lý thông tin cảm xúc: Giáo viên cần nhận thức được những định kiến, sai sót và cạm bẫy cảm xúc có thể xuất hiện. Có khả năng lắng nghe học sinh và cảm thông. Cảm nhận được những gì học sinh hiểu và chưa hiểu; hiểu những gì học sinh đang cảm thấy, đang có cảm giác. Điều tiết được cảm xúc của bản thân để xử lý và điều khiển chúng; kiểm soát, mô phỏng cảm xúc, che giấu vấn đề, quản lý tâm trạng. Thể hiện cảm xúc tích cực, làm cho không khí học tập của lớp học trở nên hào hứng.

- Giai đoạn sản xuất tri thức thông qua phản ánh cảm xúc: Giới thiệu, giải thích, tạo ra trò chơi với các chất liệu; yêu cầu lớp học cùng tham gia trò chơi. Có những cảm xúc cần được thể hiện và những cảm xúc khác cần phải tránh. Cung cấp các cơ hội để xử lý cảm xúc một cách sâu sắc hơn. Suy ngẫm về cảm xúc của chính mình và tự đặt câu hỏi về thái độ của mình; phân tích và nhận thức về các khía cạnh cảm xúc, phản ánh và tự vấn bản thân về cảm xúc của chính mình. Hiểu cảm xúc của học sinh, đồng cảm.

- Giai đoạn thích ứng với việc thực hành giảng dạy: Làm cho việc học trở nên có ý nghĩa; tiếp cận với học sinh, kết nối học sinh để thúc đẩy họ học tập, thu hút sự chú ý của họ. Để ứng biến, thay đổi, linh hoạt, giáo viên phải gắn kết với học sinh. Tạo ra tình huống giáo dục luôn được đổi mới. Các chiến lược mới và phương pháp sư phạm đổi mới , luôn thích ứng để giải quyết các vấn đề cảm xúc và xã hội. Tạo ra một không khí học tập sôi nổi. Bảo đảm nề nếp trong lớp học. Tránh thái độ độc đoán thiên vị khi giải quyết các xung đột.

- Giai đoạn gặt hái kết quả: Biểu đạt các cảm xúc và tìm cách thăng hoa cảm xúc. Tạo cảm hứng cho lớp học thông qua các thông điệp thể hiện bằng giọng nói, cử chỉ hay chuyển động cơ thể. Những cảm xúc đi kèm sẽ tăng sức nặng của các thông điệp. Tạo ra được sự xúc động hay ấn tượng ở học sinh và lôi kéo học sinh tham gia và tạo ra các động lực tích cực cho học sinh

3/ Bồi dưỡng năng lực cảm xúc cho giáo viên mới vào nghề – một nhu cầu cấp bách.

Những năm đầu tiên khi gia nhập nghề dạy học là một giai đoạn đặc biệt khó khăn, phức tạp và mãnh liệt về cảm xúc đối với các sinh viên mới ra trường. Người ta thường ví chúng như một xoáy nước mãnh liệt đột ngột xuất hiện trong cuộc đời họ. Theo những con số thống kê đã công bố chính thức, ở Mỹ có 14% giáo viên mới bỏ nghề sau 1 năm, 33% bỏ nghề trong vòng 3 năm và 50% bỏ nghề sau 5 năm. Ở Châu Âu, các khảo sát cũng cho thấy hầu hết các giáo viên khi được phỏng vấn cho biết họ luôn cảm thấy căng thẳng trong công việc, ở những người này, các bệnh lý liên quan đến nghề nghiệp cũng cao hơn hẳn so với những người lao động trong các lĩnh vực khác. Thái độ chán nản muốn bỏ nghề, sự căng thẳng trong công việc và nguy cơ kiệt sức ở các giáo viên mới vào nghề là một hiện tượng đậm nét hơn rất nhiều so với các giáo viên lâu năm, đã có nhiều kinh nghiệm.

Hiện tượng nói trên có nhiều nguyên nhân, trước hết đó là một khoảng cách rất xa giữa mơ ước nghề nghiệp và thực tế trong những năm tháng đầu tiên hành nghề. Đó là một “cú sốc” với những sinh viên trẻ tuổi mới ra trường. Nó liên quan đến những phức tạp trong công việc, khi chưa được chuẩn bị đầy đủ, các giáo viên trẻ phải gánh trách nhiệm về lớp học với hàng chục học sinh, đối mặt với rất nhiều nhiệm vụ phức tạp và những rắc rối luôn chực để nổ ra. Bước vào nghề giáo viên, sau một vài thất bại liên tiếp, chẳng hạn không đủ năng lực để kiểm soát lớp học, tiến độ giảng bài không đạt được như mong muốn... nhiều giáo viên trẻ sẽ lâm vào cảm giác lo lắng hay tuyệt vọng, nỗi lo lắng quá mức để bảo đảm đúng tiến độ của chương trình sẽ làm nẩy sinh các cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí của lớp học mà họ đảm nhận. Do không biết cách kiềm chế cảm xúc, đôi khi họ dành hơn 80% thời gian trên lớp chỉ để giải quyết những sự cố không lường trước được bằng những giải pháp hoàn toàn mang tính cảm tính. Hiện tượng này rất ít khi xảy ra với những giáo viên lâu năm và có nhiều kinh nghiệm.

Một khía cạnh khác của công việc dường như có tác động mạnh mẽ đến các giáo viên mới vào nghề liên quan đến những tương tác với học sinh. Hành vi ngỗ ngược của học sinh và những xung đột công khai là những nguồn gốc của các cảm xúc mãnh liệt ở những giáo viên trẻ. Một số người không vượt qua được những cảm giác tiêu cực, trở nên buồn bã , quẫn trí và tức giận. Một số người khác, được trang bị đầy đủ kỹ năng cảm xúc, lại coi đây là những thử thách nghề nghiệp cần phải vượt qua, là điểm khởi đầu cho hoạt động xây dựng sự nghiệp của mình, họ sử dụng các giải pháp và chiến lược khác nhau để điều chỉnh hành vi không phù hợp của học sinh để có thể thu được những kết quả thuận lợi và tích cực ngay sau đó.

Việc bồi dưỡng năng lực cảm xúc cho những giáo viên mới vào nghề vì vậy sẽ giúp họ có khả năng kiểm soát được cảm xúc của mình, nắm được những “quy tắc về cảm xúc” để kìm nén hoặc biểu lộ cảm xúc một cách thích hợp. Tùy thuộc vào đặc thù của mỗi tình huống, người giáo viên sẽ sử dụng một số chiến lược để thực hành “quy tắc cảm xúc” này: giả vờ không chú ý, kiềm chế, kiểm soát, tách biệt từng khía cạnh, giải phóng và xả bỏ. Một người giáo viên có năng lực cảm xúc sẽ hiếm khi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách xác thực hoặc ngược lại, giả vờ bày tỏ những cảm xúc tiêu cực: buồn bã, chán nản... Sự che giấu này, gắn liền với việc sẵn sàng biểu lộ những cảm xúc tích cực, là một phần không thể thiếu với một người giáo viên chuyên nghiệp... Đối diện với những học sinh “cá biệt”, họ biết chọn lựa những cảm xúc nào nên thể hiện, cảm xúc nào không bao giờ nên bộc lộ. “Quy tắc điều chỉnh về cảm xúc”, với họ, sẽ bao gồm việc phối hợp hay kết nối giữa những cảm xúc được che dấu, được tạo dựng với những cảm xúc chân thực, được chính họ trải nghiệm và thể hiện tự phát.

Công việc giảng dạy, học tập và điều khiển hoạt động trong một lớp học với giáo viên, bên cạnh quá trình truyền thụ kiến thức còn là một quá trình “thực hành cảm xúc”, vì thế nó đòi hỏi phải sở hữu một trí tuệ cảm xúc theo đúng nghĩa như Goleman hay Salovey và Meyer đã đề xuất, tức là bên cạnh khả năng nhận biết được cảm xúc của chính mình và biến đổi nó, người giáo viên còn phải có khả năng nhận ra cảm xúc của những học sinh của mình, hiểu rõ nguồn gốc của nó, biết tạo ra những điều kiện tối ưu để cảm xúc đó chuyển biến thành cảm xúc tích cực. Có thể nói trí tuệ cảm xúc là yếu tố chính quyết định chất lượng hành nghề chuyên nghiệp của người giáo viên, là kỹ năng, là bí quyết để bảo đảm cho sự thành công của họ.

4/ Năng lực cảm xúc, năng lực nghề nghiệp?

Sự liên quan giữa các kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng cảm xúc cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng trí thông minh cảm xúc đóng góp một phần quan trọng để hình thành nên phẩm chất chuyên nghiệp của người giáo viên. Năng lực cảm xúc sẽ được huy động thường xuyên vào các lĩnh vực hoạt động khác nhau của người giáo viên, nó sẽ bổ sung và tích hợp với các kỹ năng khác giúp cho giáo viên có thể đương đầu với những tình huống giảng dạy ngày càng phức tạp. Năng lực cảm xúc cũng là phần không thể thiếu để bảo đảm tính linh hoạt, khả năng phản xạ và tính nghiêm túc khoa học mà các chương trình giảng dạy yêu cầu ở mỗi giáo viên. Nó cũng góp phần củng cố tính chuyên nghiệp của người giáo viên. Vận dụng trí thông minh cảm xúc để tạo ra các tình huống giáo dục tích cực, tạo ra một bầu không khí hào hứng, sôi động và tràn đầy năng lượng trong lớp học, giờ đây đã trở thành một yêu cầu gần như là bắt buộc đối với các giáo viên ở mọi cấp học.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Goleman, D. (1995) Emocional Intelligence: Why it can matter more than IQ (Trí thông minh cảm xúc: Tại sao nó quan trọng hơn chỉ số IQ). New York: Bantam Books.

[2] Mayer, J. D., & Salovey, P. (1997). What is Emotional Intelligence? (Trí thông minh cảm xúc là gì?) In P. Salovey, & D. Sluyter Emotional Development and Emotional Intelligence : Implications for educators (p. 3-30). New York: Basic Books.

[3] Boyatzis, R., Goleman, D., & Rhee, K. (2000). Clustering Competence in Emotional Intelligence (Năng lực phân nhóm trong trí tuệ cảm xúc). In R. Bar-On, & J. D. A. Parker. Handbook of Emotional Intelligence, p. 343-362. San Francisco: Jossey Bass Books.

[4] Petrides, K.V.& Furnham, A. (2000) On the dimensional Structure of Emotional Intelligence. Personalitty and Individual

differences, (29), 313-320]

D.T

Nguồn: FB Duong Thang

https://www.facebook.com/duong.thang.10