Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản (kỳ 5)

Winston Phan Đào Nguyên

BìaNDC (3)

C.

Phạm Thị Hảo -“Viết Về Phan Thanh Giản Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Đã Dùng Bút Pháp Xuân Thu” - Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, 2017

Một điểm chung của các tác giả viết về hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan Thanh Giản và cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã phê phán chứ không phải ngợi khen Phan Thanh Giản là họ luôn luôn lặp lại ý tưởng của người đi trước, nhưng lại không hề dẫn nguồn. Và có thể thấy rằng do sự thiếu thốn bằng chứng để kết tội Phan Thanh Giản, nên các tác giả đó đã tiếp tục đem những “lý luận” của những người đi trước ra xài đi xài lại, bất cứ khi nào có thảo luận gì về Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu.

Điển hình là bài viết sau đây của bà Phạm Thị Hảo, trong đó bà đã lặp lại ý của ông Trần Nghĩa về Phú Bật và Trương Tuần, cũng như ý của ông Trần Khuê (từ Lê Thọ Xuân) về câu “minh tinh chín chữ”. Nhưng trong khi ông Trần Nghĩa còn có chút lương thiện nên đã chỉ sử dụng một phiên bản cũ nhằm giải thích theo hướng của mình, ông Trần Khuê cầm nhầm một thắc mắc tương đối có cơ sở của ông Lê Thọ Xuân, thì bà Phạm Thị Hảo lại rất trắng trợn khi gán cho Nguyễn Đình Chiểu cái mà bà gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” theo kiểu giải thích của bà. Và đó chính là kiểu nói một đằng nhưng phải hiểu một nẻo. Ngoài ra, bà Phạm Thị Hảo còn không hề ngần ngại khi cần phải ngụy tạo lịch sử cho phù hợp với cái “Bút Pháp Xuân Thu” nói trên của bà; khi bà giải thích về hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan Thanh Giản theo chiều ngược lại với lẽ thông thường.

Và điều đáng nói là bài viết của bà Phạm Thị Hảo lại được đem ra để dẫn chứng rất gần đây, khi Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ. Trên tờ Tiền Phong, tác giả Xuân Ba đã cực lực ngợi khen sự “khám phá” của bà Phạm Thị Hảo rằng Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng “Bút Pháp Xuân Thu” trong hai bài thơ trên.[1]

Hãy đọc dưới đây toàn văn bài viết của bà Phạm Thị Hảo vào năm 2017 trên tờ Tuần Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh:

Viết về Phan Thanh Giản nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng bút pháp Xuân Thu

26/08/2017

Trong lý luận văn nghệ cổ đại Trung Quốc có thuật ngữ “Bút pháp Xuân Thu” tức là văn chương viết theo lối của Khổng Tử trong bộ Kinh “Xuân Thu”, hàm súc, ngắn gọn, dùng chữ nghĩa thâm thúy thể hiện sự khen chê (xưa gọi là bao biếm) đối với một nhân vật hoặc một sự kiện nào đó.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã chủ trương dùng “Bút pháp Xuân Thu” trong sáng tác của mình: “Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ có ngụ tấm lòng Xuân Thu” (Lục Vân Tiên). Và ông đã vận dụng nhất quán tinh thần đó trong các tác phẩm tiêu biểu. Chỉ tìm hiểu 2 bài thơ của ông điếu Phan Thanh Giản, có thể thấy điểm này thể hiện rõ ràng.

Bài thứ nhất viết bằng chữ Hán:

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

Phi công thùy tản nhất phương dân

Long Hồ uổng phụ thư sinh lão

Phụng Các không vi học sĩ thần

Bỉnh tiết tần lao sinh Phú Bật

Tận trung hà hận tử Trương Tuần

Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự

An (nan) đắc thung dung tựu nghĩa thần.

Hai câu thơ đầu là lời chân thành mến phục:

Làm quan trải ba triều vua, ông vẫn riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.

Không có ông thì ai là người che chở cho cả một phương dân chúng.

Là nhà thơ tích cực luôn ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân, tất nhiên Nguyễn Đình Chiểu tán thưởng và kính phục đạo đức, công lao của Phan Thanh Giản. Sức nặng của chữ nghĩa: lịch sĩ, độc khiết thân, phi công, thùy tản cho thấy một sự đánh giá cao và chân thành.

Bút pháp Xuân Thu bắt đầu phát huy tác dụng ở hai câu 3, 4:

Long Hồ uổng phụ thư sinh lão

Phụng Các không vi học sĩ thần.

Ở Long Hồ (nơi quê hương), ông đã uổng phụ cái chí làm người học trò già

Nơi Phụng Các (chốn làm quan) ông đã làm một cách hão người bề tôi học sĩ.

Hai Cụm từ “uổng phụ” (phụ bỏ uổng phí) và “không vi” (làm một cách vô ích, làm hão, chẳng tích sự gì) là sự phiền trách, xót tiếc nặng nề biết bao.

Phan Thanh Giản từng tự xưng là “thư sinh lão”, là người học trò già lương thiện, khiêm nhường, nhưng với việc làm của ông dâng đất dâng thành cho giặc chứng tỏ ông đã “uổng phụ” cái chí thanh cao đó. Việc làm của ông đã phủ định tài năng “học sĩ thần” của ông.

Đến câu 5, 6 thì càng uẩn áo hơn:

Bỉnh tiết tần lao, sinh Phú Bật

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

Bút pháp Xuân Thu cho thấy ở đây 2 tầng ý nghĩa:

Mới đọc, có thể hiểu là sự đánh giá rất cao:

Cầm cờ tiết đi sứ, nhiều phen vất vả, sống như Phú Bật

Tận lòng trung, còn gì phải hận, chết như Trương Tuần.

Nhưng người đọc nào có hiểu biết về 2 nhân vật Phú Bật đời Tống và Trương Tuần đời Đường sẽ thấy đây là một sự so sánh phản diện, hàm ý mỉa mai (Phú Bật là người đời Tống Nhân Tông, vâng mệnh đi sứ Khiết Đan, đã lao tâm khổ tứ, hết lòng thuyết phục địch, cuối cùng đem về thắng lợi cho đất nước. Trương Tuần người đời Đường, đã dũng cảm chống giặc giữ thành, bị giặc bắt, đánh đập tàn tệ, vẫn kiên trinh và tử tiết trong tay giặc) sẽ không thể tin rằng một người yêu nước, đang đứng trong hàng ngũ nghĩa quân để chống giặc như Nguyễn Đình Chiểu lại có thể ví Phan Thanh Giản với hai nghĩa sĩ ngoan cường nổi danh này được. Phan đâu có gian lao vất vả đòi được đất về cho dân cho nước như Phú Bật? Phan đã đầu hàng dễ dàng hết đợt một đến đợt hai, Phan đâu có kiên trinh tử tiết trong tay quân giặc như Trương Tuần mà là tự hủy thân mình vì thất vọng, vì xấu hổ. Lúc gần chết lại còn lo sợ, hỏi ông cố đạo bên cạnh là liệu thuốc giải độc “có cứu được tôi không?”.

“Bút pháp Xuân Thu” khiến người đọc tự suy mà thấy ý. Từ hàm nghĩa từ ngữ và kết cấu văn pháp, từ đặc điểm “ý tại ngôn ngoại” của thơ ca văn ngôn, từ sự kết hợp với nhận thức tư tưởng của tác giả và thực tế hành vi của nhân vật, mới có thể hiểu tầng sâu của ý nghĩa như sau:

Cầm cờ tiết đi sứ mà nhiều phen vất vả (đem lại lợi ích cho dân cho nước) thì ông sẽ sống như Phú Bật.

Hết lòng trung (mà là minh trung) với vua với nước (chết oanh liệt vì lòng trung ấy), thì có gì phải hận, ông sẽ chết như Trương Tuần.

Hai câu thơ tưởng là ca ngợi mà lại là trách cứ, sâu xa biết bao!

Đến câu 7:

Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự.

Người đọc có thể hiểu 2 cách:

- Có trời (thấu hiểu cho ông) về chuyện mất còn của 6 tỉnh.

- Có trời (phán xét ông) về chuyện mất còn của 6 tỉnh.

Và sẽ chọn được cách hiểu đúng nhất nếu gắn liền với câu tiếp sau:

Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần.

(Khó mà có thể thung dung làm vị thần tựu nghĩa được)

Hoặc:

An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

(Sao có thể thung dung làm vị thần tựu nghĩa được)

Vậy là ý phê phán thật đã rõ ràng:

- Có trời phán xét chuyện mất 6 tỉnh mà ông đã gây nên!

- Ông khó mà có thể thung dung thành vị thần tựu nghĩa được!

Câu cuối này khẳng định thái độ của Nguyễn Đình Chiểu. Và cả bài thơ là sự thông cảm, nhưng phê phán và xót tiếc cho lỗi lầm của người quá cố.

Bài điếu thứ hai là thơ Nôm:

Non nước tan tành hệ bởi đâu?

Dàu dàu mây bạc cõi Ngao châu

Ba triều công cán đôi hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu

Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh tinh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ nay mặc gió thu.

Bài này cũng được “bút pháp Xuân Thu” thể hiện hai tầng ý nghĩa:

Hai câu đầu là một nỗi đau buồn. Buồn cho đất nước bị giặc tàn phá tan tành. Nơi Ngao châu, quê hương Cụ Phan giờ đây mây buồn che phủ. Thương tiếc người đã chết chăng? Đó là tầng nghĩa nông.

Tầng nghĩa sâu cho thấy Cụm từ “hệ bởi đâu?”. Không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi “hận”. Đất nước tan tành như thế, căn nguyên nào? Bởi vì ai? Thực tế ai cũng hiểu: đối tượng hậu trách là quân giặc, là Phan Thanh Giản và cả triều đình Huế.

Câu 2 lại chỉ nói đến Ngao châu là quê Phan và suốt cả bài thơ cũng chỉ nói đến Phan. Vậy có thể hiểu như sau:

Mây trắng đau buồn phủ khắp cõi Ngao châu. Cả vùng Ngao châu đau buồn vì người con của quê hương vốn được mến mộ mà nay lại đắc tội với dân với nước, gây nên nông nỗi.

Câu 3 và câu 4 cũng có tầng nghĩa nông là ca tụng:

Ba triều công cán đôi hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.

Nhưng đọc kỹ hai Cụm từ “đôi hàng sớ” và “một gánh thâu” thì lại thấy ý ngược lại.

Một vị đại thần đầy tài năng mà suốt 3 triều vua rút Cục chỉ có “đôi hàng sớ” thôi ư? Phải chăng đây là đôi hàng sớ cuối cùng Phan nhận tội với triều đình? Và như vậy thì “Ba triều công cán” của ông quan này chẳng còn gì đáng kể.

Đến câu sau thì Cụm từ “một gánh thâu” có sức nặng ngàn cân để phủ định Cụm từ “sáu tỉnh cương thường”. Vì chữ “thâu” có nghĩa là thua, là mất, là thất bại, ngược lại với doanh là được, là thắng.

Vậy là đạo đức cương thường của Cụ Phan từng nổi tiếng lục tỉnh nay chỉ còn là “một gánh thua”, một sự thất bại nặng nề. Chao ôi, đau xót thay, mà cũng đáng trách thay!

Tiếp tới hai câu 5, 6:

Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.

Hai câu này cực tả tình cảnh đáng thương của Phan trước lúc qua đời. Tài liệu cho biết: Sau khi nộp thành, dâng đất cho Tây, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội, gửi về triều bằng tàu tốc hành (tàu Pháp) rồi khắc khoải chờ đợi, chắc còn hy vọng sẽ lại được tha tội như lần trước, sẽ lại được phục chức, trọng dụng. Song, mỏi mòn chờ mãi, chờ nửa tháng trời, tin điệp vẫn chẳng thấy đâu. Lo lắng rồi thất vọng, rồi tuyệt vọng, biết chắc bị bỏ rơi rồi. Cuối cùng tự tìm đến cái chết vào lúc nửa đêm, giờ Tý ngày 5-7 năm Đinh Mão tức 4-8-1867.

Nguyễn Đình Chiểu đã thấu hiểu, thông cảm với tình cảnh đáng thương này. Hai câu thơ càng khẳng định rằng Cụ Đồ không thể so sánh Cụ Phan với Phú Bật và Trương Tuần được.

Hai câu cuối cùng vừa chua chát vừa đau buồn trong ẩn ý của chúng:

Minh tinh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ nay mặc gió thu.

Bốn chữ “Minh tinh chín chữ” đã được các nhà nghiên cứu phân tích là Cụ Đồ uyên thâm cố ý dùng “chín chữ”(**) thay vì “mười một chữ”(**) như trong di chúc Cụ Phan để lại, để chữ “cữu” ứng với chữ “quỷ” chứ không phải chữ “linh” (Phan Thanh Giản dặn con cháu ghi trên minh tinh của mình 11 chữ:

Đại nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu

(Quan tài của người học trò già họ Phan nơi góc biển nước Nam)

Cụ Đồ dùng 9 chữ thì sẽ như sau:

Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu(**)

(Quan tài của người học trò già họ Phan nơi góc biển)

Và theo phép đề minh tinh: Chín chữ thì chữ cữu sẽ ứng với chữ “quỷ”, còn nếu 11 chữ thì “cữu” sẽ ứng với chữ “linh”. Như vậy, Cụ Đồ xem như Cụ Phan chết đi chỉ thành ma chứ không thể thành thần được.

Điều này, những người có tấm lòng son với nước với dân (cả Cụ Phan, cả Cụ Đồ, cả mọi người dân) đều ghi nhớ mãi không quên. Đó là một bài học.

Đến câu chót “Trời đất từ nay mặc gió thu”.

Hai chữ “gió thu” ở đây rất quan trọng. Có người hiểu là “gió lành, gió mát” và giải nghĩa cả câu theo kiểu “gọt chân cho vừa giầy” rất khiên cưỡng và tối nghĩa. Tôi tra trong “Hán ngữ đại từ điển” (NXB Thượng Hải – 2004) thì thấy rành rọt: Thu phong là gió từ phương tây thổi lại, là gió tây (nghĩa thứ 11, và mục từ điều “Thu phong”). Cũng như nhiều nhà Nho khác, dù làm văn thơ Nôm, Cụ Đồ cũng thường dùng xen vài từ Hán, vì tiếng Việt đã đồng hóa nhiều từ tiếng Hán, rất nhiều từ đã được Việt hóa rất tự nhiên. Ngay trong bài thơ này cũng có đến mười mấy từ Hán như vậy

Vậy có thể hiểu câu thơ là lời than đau xót:

“Đất nước từ nay mặc sức gió Tây tung hoành vùi dập. Sáu tỉnh phương Nam từ nay mặc sức giặc Tây giày xéo”.

Ngoài 2 bài điếu, Nguyễn Đình Chiểu còn tỏ thái độ đối với Phan Thanh Giản qua 2 câu thơ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh”:

Phải trời cho cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh

Ít người đặng xem tấm bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc.

Câu trên ca ngợi tướng quân Trương Định và đau lòng trước sự hy sinh của ông, trước sự thất thế của nghĩa quân.

Câu dưới là nói về Phan Thanh Giản. Nhiều người chỉ chú ý mấy chữ sau mà không quán xuyến toàn câu gồm mấy chữ đầu:

Ít người được xem tấm bảng phong thần.

Bảng phong thần gì vậy? Bảng phong thần “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”! Lối viết văn chữ Nôm xưa không có các loại dấu, nếu ngày nay viết thì sẽ có hai ngoặc kép cho Cụm từ “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”(!), và Cụm từ này là định ngữ của “Bảng phong thần”. Đó là lối phân tích ngữ pháp hiện đại, thời Cụ Đồ chưa có những thuật ngữ đó. Song ai cũng hiểu các Cụm từ như: “bảng phong thần vị quan hết lòng cứu dân”, “bảng phong thần người vợ một lòng thủ tiết”, “bảng phong thần vị tướng dũng cảm trừ giặc”… Và ở đây là bảng phong thần “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” (nối liền 10 chữ).

Bút pháp xuân thu rất kiệm lời. Nhưng cả câu:

Ít người đặng xem tấm bảng phong thần “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” này, vì sao vậy? Vì làm gì có? Lúc này Phan học sĩ là người có lỗi, bị triều đình nghị tội, bị vua khiển trách, có được phong thần gì đâu mà có bảng để xem? Đến đời mấy ông vua bù nhìn Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại mới có. Như thế thì thái độ Nguyễn Đình Chiểu có tán thưởng Phan Thanh Giản hay không? Cứ ngẫm nghĩ kỹ sẽ rõ.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ có ý thức về sứ mệnh của văn chương:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

“Bút pháp xuân thu” có tác dụng “khiến người ngay phấn khích, kẻ gian run sợ”, nên ông rất chú trọng, và vận dụng vào văn chương rất đắc địa, rất cao tay, chứng tỏ cái tài với cái tâm của ông đều đáng nêu gương thiên cổ”.

Phạm Thị Hảo

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 463

——————————

Chú thích:

(**) Cụ Phan dặn các con cháu trên “minh tinh” nhớ ghi câu 11 chữ như sau:

ĐẠI NAM HẢI NHAI/LÃO THƠ SANH TÁNH/PHAN CHI CỮU.

Ứng với câu 11 chữ:

QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH

QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH

QUỶ-KHỐC-LINH

Cũng như trong phép làm nhà, dân gian thường dùng câu 4 chữ:

SINH-LÃO-BỆNH-TỬ/SINH-LÃO-BỆNH-TỬ… vậy.

Trong phép viết “triệu” có quy tắc: “Nam linh, Nữ thính. Bất dụng quỷ, khốc nhị tự”. Nghĩa là người chết là Nam thì chữ cuối cùng của câu văn phải ứng vào chữ linh; nếu là Nữ thì phải rơi vào chữ thính. Không được ứng với hai chữ quỷ (nam), chữ khốc (nữ).

Ở đây Cụ Phan làm “triệu” 11 chữ nhằm theo quy tắc chữ CỮU cuối cùng tương ứng với chữ LINH.

Nhưng “triệu” 9 chữ của Cụ Đồ Chiểu là như sau:

HẢI NHAI LÃO THƠ/SANH TÁNH PHAN CHI/CỮU

Ứng với 9 chữ:

QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH/QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH/QUỶ!

Vậy là chữ CỮU cuối cùng ứng đúng vào chữ QUỶ!

Cụ Đồ không biết viết “triệu” chăng? Không! Đây là lời mắng nhiếc nặng nề! Ý Cụ Đồ xem như Cụ Phan chết đi chỉ thành quỷ chứ không thể thành thần được!

(**) Soạn giả lão thành, Cụ Đặng Trần Nguyên giải thích: Cụ Đồ cắt đi hai chữ ĐẠI NAM hàm ý: Cụ Phan chết sẽ thành “quỷ không quê hương”, nước Nam không dung con người ấy; chớ không như Trần Bình Trọng còn được làm “quỷ nước Nam” ta.

(**) “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu” của giáo sư Ca Văn Thỉnh (NXB Văn nghệ – 2002) có nêu một cách hiểu khác về hai câu trong bài Văn tế:

… Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh

… Phan học sĩ hết lòng mưu quốc

“Còn” đối với “hết”. Và hết ở đây là đã hết rồi. Chúng tôi thấy cách hiểu này cũng thống nhất với cách hiểu của chúng tôi.

Như vậy, có thể thấy rằng trong bài viết này bà Phạm Thị Hảo đã tổng kết tất cả các luận điệu của hai người đi trước là Trần Nghĩa và Trần Khuê về hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, với cùng một kết luận cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách Phan Thanh Giản. Nhưng trong khi hai ông Trần Nghĩa và Trần Khuê tỏ ra lúng túng hoặc phớt lờ khi không biết giải thích ra sao về những câu, những chữ trong hai bài thơ mà rõ ràng là Nguyễn Đình Chiểu đã dùng để ca tụng Phan Thanh Giản, thì bà Phạm Thị Hảo đã có một sáng kiến để giải quyết vấn đề đó. Bằng cách giới thiệu trong bài viết nói trên cái mà bà gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” để giải thích ngược lại hoàn toàn ý nghĩa của cả hai bài thơ, rồi kết luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách thay vì ngợi khen Phan Thanh Giản. Và để làm việc này, bà Phạm Thị Hảo đã không ngần ngại gán cho Khổng Tử lẫn Nguyễn Đình Chiểu những điều mà chắc họ không bao giờ ngờ tới; cũng như ngụy tạo ra những bằng chứng lịch sử cho phù hợp với cách giải thích ngược ngạo của bà.

Và người đọc có thể nhận ra ngay lập tức rằng đây là một sự ngụy biện trắng trợn; đã được thể hiện rõ nét trong từng hàng chữ của vị giáo sư Hán Nôm Phạm Thị Hảo.

1. Gán Cho Nguyễn Đình Chiểu Việc Dùng “Bút Pháp Xuân Thu” Trong Các Tác Phẩm Tiêu Biểu, Trong Khi Nguyễn Đình Chiểu Chỉ Dùng “Tấm Lòng Xuân Thu” Mà Thôi, Còn Bút Pháp Thì Hoàn Toàn Ngược Lại

Trước nhất, khi vừa nhập đề là bà Phạm Thị Hảo đã gán cho Nguyễn Đình Chiểu có chủ trương chuyên dùng “Bút Pháp Xuân Thu” trong các sáng tác của mình:

“Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã chủ trương dùng “Bút pháp Xuân Thu” trong sáng tác của mình: “Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ có ngụ tấm lòng Xuân Thu” (Lục Vân Tiên). Và ông đã vận dụng nhất quán tinh thần đó trong các tác phẩm tiêu biểu. Chỉ tìm hiểu 2 bài thơ của ông điếu Phan Thanh Giản, có thể thấy điểm này thể hiện rõ ràng.”

Điều buồn cười là khi vừa giới thiệu và dẫn chứng cho cái “khám phá” quan trọng nhất của mình, mà cũng là đề tài cho bài viết, thì bà Phạm Thị Hảo đã sai một cách thảm hại.

Bởi vì hai câu thơ trên là trong tác phẩm “tiêu biểu” Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật (“Ngư Tiều”), chứ không phải trong Lục Vân Tiên! Cần biết rằng đây không phải là một lỗi đánh máy, bởi theo người rất ngưỡng mộ bà là nhà báo Xuân Ba thuật lại trong bài báo trên tờ Tiền Phong nói trên vào tháng 11 năm 2021, thì chính ông ta cũng đã nghe bà nói như vậy; rằng hai câu này là lấy từ trong tác phẩm Lục Vân Tiên![2]

Và hai tác phẩm Lục Vân TiênNgư Tiều thì quả thật là những tác phẩm chính và “tiêu biểu” nhất của Nguyễn Đình Chiểu; nhưng chắc chắn là bà Phạm Thị Hảo không có đọc cuốn nào hết, nên bà mới lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia như trên. Chẳng những vậy thôi, mà bà còn làm cho những người ủng hộ bà trong mục tiêu đánh Phan Thanh Giản như ông Xuân Ba hay ban biên tập của tờ Tuần Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh cũng bị vạ lây. Đó là vì cũng như bà Phạm Thị Hảo, những người này chắc chắn không bao giờ đọc những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nhưng lại thích bàn về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; nên cứ đinh ninh rằng câu thơ nào cũng phải lấy từ Lục Vân Tiên là tác phẩm nổi danh nhất của Nguyễn Đình Chiểu.

Do đó mới xảy ra sự việc dở khóc dở cười như trên.

Nhưng vẫn chưa hết, chính vì không hề đọc thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, và nhất là Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, nên bà Phạm Thị Hảo mới cả gan phán thêm là Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng (Bút Pháp Xuân Thu) một cách “nhất quán … trong các tác phẩm tiêu biểu”. Nhưng theo tác phẩm nói trên thì sau khi bốn nhân vật chính là Mộng Thê Triền, Bào Tử Phược, Châu Đạo Dẫn và Đường Nhập Môn gặp nhau, họ liền rủ nhau làm thơ “tầm phào” nghe chơi. Và vì là “trượng phu” không nề hà thi luật mà chỉ muốn ngang tàng phóng tứ, nên bốn người đã đồng ý làm thơ liên hoàn để nói về đề tài thịnh suy. Và họ chỉ có một đề nghị cùng nhau, là nên học theo ngòi viết chí công của Khổng Tử, tác giả Kinh Xuân Thu, để làm thơ sao cho trong đó có “ngụ tấm lòng Xuân Thu”, mà thôi.

Dưới đây là đoạn thơ nói trên trong Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật :

Nay xin mở tiệc tửu, hào,

Phú thi vài lối, tầm phào nghe chơi.

Ngư, Tiều, Môn, Dẫn bốn người,

Cùng nhau ăn uống vui cười ngỏa-nguê.

Môn rằng: Nam, bắc, đông, tê

Gặp nay thơ biết ra đề cảnh chi?

Dẫn rằng: Nào phải trường thi:

Ra đề hạn vận, một khi buộc ràng?

Trượng-phu có chí ngang tàng,

Rộng cho phóng tứ làm bàn thi tiên.

Noi theo đạo cũ Kim Liên,

Cùng nhau xướng họa đoản thiên nối bài.

Mặc dù hai chữ tả hoài,

Việc xưa: được, mất: bởi ai? cớ gì?

Người xưa sao có thị, phi?

Đạo đời sao có thịnh suy chẳng đồng?

Học theo ngòi viết chí công,

Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu[3]

Như vậy, theo đúng như lời thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong Ngư Tiều, và quan trọng nhất, cũng là điều mà bốn người bạn thơ đã đồng ý với nhau trước khi khởi sự làm thơ liên hoàn trong buổi tiệc tửu hào, là trong thơ nên ngụ “tấm lòng”, chứ không phải “bút pháp” Xuân Thu.

Lý do đơn giản vì Kinh Xuân Thu là một cuốn sử của nước Lỗ thời Xuân Thu, một trong Ngũ Kinh và được cho là tác phẩm của Khổng Tử. Nó được viết ra theo lối biên niên, do đó cách viết cực kỳ ngắn gọn. Theo các học giả như Trần Trọng Kim thì trong Kinh Xuân Thu tác giả Khổng Tử đã cho thấy ba khái niệm: “chính danh tự”, “định danh phận” và “ngụ bao biếm” tức sự khen ngợi trung thần và chê trách loạn thần tặc tử.[4] Kinh Xuân Thu thường được gọi là Kinh Lân trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu, và là một tác phẩm đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài thơ của mình. Cũng như tác giả Khổng Tử chính là thần tượng của ông.

Nhưng điều mà Nguyễn Đình Chiểu muốn học từ ngòi bút “chí công” của Khổng Tử chính là cái “tấm lòng” ngay thẳng, thấy sao nói vậy, là tinh thần “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Kinh Xuân Thu. Do đó, bốn người bạn trong Ngư Tiều đã không hề nói tới, cũng như sử dụng cách viết ngắn gọn trong đó, cách viết mà đã được người đời sau gọi là “Xuân Thu Bút Pháp”. Thay vì vậy, bốn người bạn này đã nói rõ và giao hẹn rằng chỉ nên ngụ “tấm lòng Xuân Thu” trong thơ mà thôi.

Có thể thấy rằng với lối viết sử biên niên thì Khổng Tử có thể, và phải, dùng cách viết ngắn gọn, như lối “Xuân Thu Bút Pháp” nói trên. Còn khi làm thơ, nhất là làm thơ liên hoàn, thì những thi sĩ như Nguyễn Đình Chiểu không hề và không thể hạn chế số chữ như vậy được. Nhất là khi họ đang ở nơi bàn tiệc, không phải là “trường thi”, để mà phải có giới hạn với những điều lệ buộc ràng. Chính vì những lý do đó nên Nguyễn Đình Chiểu đã viết rất rõ là Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu. Và chỉ có vậy thôi. Còn ngoài ra thì bốn người bạn thơ trong buổi tiệc cứ việc mặc sức mà làm thơ theo thể liên hoàn; muốn làm bao nhiêu bài hay bao nhiêu câu cũng được chứ không hề có giới hạn phải ngắn gọn như cách viết sử biên niên trong Kinh Xuân Thu.

Nhưng như đã nói, do không hề đọc Ngư Tiều, và có lẽ chỉ đọc được hai câu cuối qua sự trích dẫn từ đâu đó mà không đề nguồn, nên bà Phạm Thị Hảo mới cho rằng đây là hai câu thơ trong Lục Vân Tiên. Và quan trọng hơn nữa là do không hề đọc đoạn thơ trên đây trong Ngư Tiều nên bà Phạm Thị Hảo mới cả gan phán thêm là Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng “nhất quán” tinh thần của cái “bút pháp” này trong các tác phẩm “tiêu biểu” của ông.

Mà sự thật thì ngược lại như vậy.

Bởi chính ngay trước hai câu đó thì ý tưởng của tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã rất rõ ràng như trên: khi làm thơ, bậc trượng phu ngang tàng không cần phải bó buộc tư tưởng trong đề tài, trong vần điệu, mà cần phóng túng để viết cho thỏa mãn. Chỉ cần trong thơ nên ngụ tấm lòng chí công của Kinh Xuân Thu, là khen chê cho rõ ràng mà thôi.

Do đó, nếu như cái mà bà Phạm Thị Hảo gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” đó là để nói lên sự ngắn gọn, hàm súc của lối biên niên sử giống như cách viết của Khổng Tử trong Kinh Xuân Thu (mà tên gọi đúng phải là “Xuân Thu Bút Pháp”, thì bút pháp của Nguyễn Đình Chiểu rõ ràng là ngược lại hoàn toàn với lối bút pháp này.

Bởi vì Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ, không phải một sử gia. Do đó mà trong các tác phẩm của mình ông đã phóng bút viết rất dài, sử dụng rất nhiều điển tích, và lặp đi lặp lại khi cần, để nói về một vấn đề nào đó - như “thương” và “ghét” trong Lục Vân Tiên, hay “chính” là gì trong Ngư Tiều.

Có thể nói rằng giống như bữa tiệc tửu hào của bốn người bạn trong Ngư Tiều nói trên, Nguyễn Đình Chiểu đã không bao giờ sử dụng thi pháp theo kiểu “Xuân Thu Bút Pháp” ngắn gọn này, mà ông đã chỉ dùng một bút pháp đặc biệt của chính ông, với một “tấm lòng Xuân Thu” thôi. Nếu như “Xuân Thu Bút Pháp” là lối viết hàm súc, ngắn gọn theo kiểu biên niên sử, thì Nguyễn Đình Chiểu đã không bao giờ sử dụng bút pháp kiểu đó. Mà cách làm thơ của ông là chi tiết, thẳng thắn và không nương nệ bất cứ điều gì. Giống như ông đã viết:

Dẫn rằng: Nào phải trường thi:

Ra đề hạn vận, một khi buộc ràng?

Trượng-phu có chí ngang tàng,

Rộng cho phóng tứ làm bàn thi tiên.

Noi theo đạo cũ Kim Liên,

Cùng nhau xướng họa đoản thiên nối bài.

Mặc dù hai chữ tả hoài,

Việc xưa: được, mất: bởi ai? cớ gì?

Người xưa sao có thị, phi?

Đạo đời sao có thịnh suy chẳng đồng?

Học theo ngòi viết chí công,

Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu[5]

Ngoai ra, những tác phẩm “tiêu biểu” khác của Nguyễn Đình Chiểu càng cho thấy rằng câu thơ của ông không hề bị hạn chế, mà nó phóng túng ngang tàng như con người của ông. Và tác phẩm của ông thì dài ngắn tùy thích. Khi cần thì Nguyễn Đình Chiểu cứ việc nối bài thơ này bằng bài thơ kia theo thể liên hoàn và đổi vần, để mặc tình muốn nói sao thì nói. Do đó mà ông đã viết đến 12 bài thơ liên hoàn để tế Trương Định, 10 bài để tế Phan Tòng, cả mấy ngàn câu thơ trong Ngư Tiều, trong Lục Vân Tiên, trong Dương Từ Hà Mậu.

Tất cả các tác phẩm đó, chỉ cần có một “tấm lòng Xuân Thu” - để giữ sự chí công, để chở đạo đức, và để đâm gian tà - mà thôi.

2. Nhưng Cách Giải Thích Của Bà Phạm Thị Hảo Cũng Không Phải Là “Bút Pháp Xuân Thu” Mà Là Sự Bịa Đặt Chi Tiết Để Giải Thích Thơ Nguyễn Đình Chiểu Theo Kiểu Ngược Ngạo, Rồi Nói Rằng Đó Là Bút Pháp Xuân Thu

Nhưng chẳng những bà Phạm Thị Hảo đã dẫn sai, hiểu sai, và giải thích sai thơ của Nguyễn Đình Chiểu để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chuyên sử dụng “Bút Pháp Xuân Thu” trong các tác phẩm của mình, trong khi bút pháp của Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn ngược lại - mà điều quan trọng hơn nữa là với cách lý luận hay biện giải của bà Phạm Thị Hảo trong bài viết thì đó lại hoàn toàn không phải là thứ “Xuân Thu Bút Pháp” với ý nghĩa ngắn gọn hàm súc, ngụ bao biếm của Khổng Tử trong Kinh Xuân Thu.

Mà đó là cái khái niệm “Bút Pháp Xuân Thu” đặc biệt của riêng bà Phạm Thị Hảo, khi bà giải thích hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là cách bà sáng chế ra những chi tiết lịch sử hay những cách hiểu lạ lùng ngược ngạo để giải thích về “tầng sâu” của hai bài thơ.

Nghĩa là trong khi loại bút pháp được biết đến và gọi là “Xuân Thu Bút Pháp” 春秋笔法 của Khổng Tử có thể được hiểu như là cách dùng chữ ngắn gọn nhưng hàm súc, thì cái “Bút Pháp Xuân Thu” của bà Phạm Thị Hảo lại chính là một lối ngụy biện để giải thích ngược lại những gì hợp lý thông thường; và bằng cách chế tạo ra những chi tiết mới cho cách hiểu ngược ngạo đó, để biến một bài thơ từ khen ngợi thành chê trách. Nghĩa là cách giải thích của bà Phạm Thị Hảo về “tầng nông, tầng sâu” của hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản không phải là Xuân Thu Bút Pháp, nhưng chính là một sự ngụy biện để mượn danh Khổng Tử.

Trong khi Nguyễn Đình Chiểu là một trượng phu ngang tàng như nhân vật Lục Vân Tiên, một nam tử thật thà thẳng thắn nghĩ gì nói đó.

a) Bài Chữ Hán

Bằng chứng cho sự giải thích ngược ngạo này có thể được thấy ngay từ đầu bài viết, khi trong cùng một bài thơ chữ Hán mà bà Phạm Thị Hảo cho rằng hai câu đầu là hai câu khen, và chỉ đến câu 3, 4 trở về sau thì cái “Bút Pháp Xuân Thu” mới khởi động để cho thấy sự chê trách Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu.

Nghĩa là bà Phạm Thị Hảo muốn cho cái “Bút Pháp Xuân Thu” của bà bắt đầu ở đâu thì nó bắt đầu ở đó.

Nhưng thật ra, đó là vì hai câu thơ đầu trong bài thơ chữ Hán khen ngợi Phan Thanh Giản quá rõ rệt, bà Phạm Thị Hảo không thể nói khác đi được. Cho nên bà phải quay qua sử dụng hai thủ thuật để giải thích cho phần còn lại của bài thơ theo ý nghĩa ngược lại, rồi gọi nó là “Bút Pháp Xuân Thu”.

Thứ nhất, bà sử dụng một phiên bản cũ của ông Thái Hữu Võ, và giải thích theo kiểu o ép ý nghĩa như sau:

“Bút pháp Xuân Thu bắt đầu phát huy tác dụng ở hai câu 3, 4:

Long Hồ uổng phụ thư sinh lão

Phụng Các không vi học sĩ thần.

Ở Long Hồ (nơi quê hương), ông đã uổng phụ cái chí làm người học trò già

Nơi Phụng Các (chốn làm quan) ông đã làm một cách hão người bề tôi học sĩ.

Hai Cụm từ “uổng phụ” (phụ bỏ uổng phí) và “không vi” (làm một cách vô ích, làm hão, chẳng tích sự gì) là sự phiền trách, xót tiếc nặng nề biết bao.

Phan Thanh Giản từng tự xưng là “thư sinh lão”, là người học trò già lương thiện, khiêm nhường, nhưng với việc làm của ông dâng đất dâng thành cho giặc chứng tỏ ông đã “uổng phụ” cái chí thanh cao đó. Việc làm của ông đã phủ định tài năng “học sĩ thần” của ông.”

Do không hề nghiên cứu tài liệu nên bà Phạm Thị Hảo không biết rằng theo phiên bản đúng, đó phải là “ninh phụ” và “không quy” theo Nguyễn Đình Chiêm là con trai của Nguyễn Đình Chiểu, và đã được phổ biến bởi hai ông Lê Thọ Xuân và Phan Văn Hùm từ thập niên 1930. Còn bản mà bà dựa vào là theo Phan Thanh Giảng Truyện của ông Thái Hữu Võ, rồi sau đó được trích đăng trong cuốn Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu của Ca Văn Thỉnh. Phiên bản này ngay từ năm 1972 đã được ông Trần Nghĩa xác nhận là sai.

Rồi chẳng hiểu là từ khi nào thì “thư sinh lão” lại trở thành “người học trò già lương thiện khiêm nhường” như bà Phạm Thị Hảo diễn dịch? Và chính Phan Thanh Giản cũng không hề “từng tự xưng là thư sinh lão” như bà Phạm Thị Hảo nói. Mà ông chỉ viết trong mảnh hoa tiên để lại cho con cháu là nếu có làm minh tinh thì hãy đề là “lão thư sinh” thôi. Tức là bà Phạm Thị Hảo rõ ràng không phân biệt được đâu là lời của Phan Thanh Giản (lão thư sinh), đâu là thơ của Nguyễn Đình Chiểu (thư sinh lão). Thế nhưng bà Phạm Thị Hảo vẫn tán cho “thư sinh lão” thành “lương thiện khiêm nhường” như trên, và “cái chí thanh cao” ở dưới, rồi bắt Nguyễn Đình Chiểu phải nói rằng Phan Thanh Giản đã “uổng phụ” những điều đó.

Thứ hai, bà Phạm Thị Hảo đã trắng trợn ngụy tạo những chi tiết lịch sử, và đương nhiên là không hề có dẫn chứng, để biện minh cho lối giải thích theo kiểu “Bút Pháp Xuân Thu” của bà:

“ … Phan đâu có gian lao vất vả đòi được đất về cho dân cho nước như Phú Bật? Phan đã đầu hàng dễ dàng hết đợt một đến đợt hai, Phan đâu có kiên trinh tử tiết trong tay quân giặc như Trương Tuần mà là tự hủy thân mình vì thất vọng, vì xấu hổ. Lúc gần chết lại còn lo sợ, hỏi ông cố đạo bên cạnh là liệu thuốc giải độc “có cứu được tôi không?”.

Khác với ông Trần Nghĩa và giống như ông Trần Khuê, bà Phạm Thị Hảo đã tăng thêm thành tích cho Phú Bật, là “đòi được đất về cho dân cho nước” (sic). Trong khi Phú Bật tuân lệnh vua để ráng làm cho khỏi mất đất, nhưng rồi lại phải trả thêm tiền lụa cống nạp, và đó là lúc địch quân vẫn chưa khởi sự tiến đánh!

Kế đến, bà Phạm Thị Hảo đã ngụy tạo ra chi tiết “Lúc gần chết lại còn lo sợ, hỏi ông cố đạo bên cạnh là liệu thuốc giải độc “có cứu được tôi không”. Bởi chắc chắn là bà chưa bao giờ đọc và hiểu được lá thư của viên trung tá Ansart gởi cho tướng Reboul về cái chết và những phút sau cùng của Phan Thanh Giản khi thuốc độc đã ngấm, để hiểu tài liệu này nói gì. Đó là chưa nói đến tính trung thực của lá thư này - được viết bởi một viên trung tá với giọng điệu khoe khoang trong những lá thư gởi cho thượng cấp về thành tích của mình - mà ngay trong đó đã chứa những điều hoang đường khó tin, như cho rằng Phan Thanh Giản có thể đã theo đạo Thiên Chúa với cha Marc.[6]

Do đó, có thể thấy qua đoạn văn trên là khi cần thì bà Phạm Thị Hảo đã thản nhiên bịa đặt ra những chi tiết không có trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như ngụy tạo ra những chi tiết lịch sử cho hợp với cách diễn giải của bà, rồi cho rằng đó chính là “Bút Pháp Xuân Thu” của Nguyễn Đình Chiểu.

Điều đáng kinh ngạc ở đây là tuy mang tiếng một giáo sư chuyên gia về Hán Nôm[7], nhưng bà Phạm Thị Hảo, cũng như ông Trần Nghĩa và ông Trần Khuê, lại không hiểu rằng cụm từ “thung dung tựu nghĩa” là để nói về một người bầy tôi (thần tử) tự xử lấy mình khi không hoàn thành trách nhiệm đối với nhà vua (quân vương), như người viết đã giải thích ở phần trên.

Và do đó mà bà Phạm Thị Hảo viết như sau về câu thơ cuối:

Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần.

(Khó mà có thể thung dung làm vị thần tựu nghĩa được)

Hoặc:

An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

(Sao có thể thung dung làm vị thần tựu nghĩa được)

Tức là giống như ông Trần Khuê, bà đã sai lầm khi cho rằng chữ “thần” ở đây có nghĩa là thần thánh, trong khi nó chính là “thần tử” hay bầy tôi, như người viết đã nói ở phần trên. Hơn nữa, để nhắc lại, theo điển tích thì Lý Trần Quán đã bình thản tự tử khi người ông nhờ vả giúp chúa Trịnh Khải của ông lại bị kẻ đó bán đứng; do đó có hai câu đối để điếu ông như sau:

Khẳng khái cần vương dị

Thung dung tựu nghĩa nan

Có nghĩa là khẳng khái giúp vua là chuyện dễ, nhưng ung dung tự xử lấy mình để giữ nghĩa như Lý Trần Quán là điều khó.

Và rõ ràng là Nguyễn Đình Chiểu đã dùng điển tích này để nói về việc Phan Thanh Giản tự xử mình về tội không giữ được ba tỉnh miền Tây, không hoàn thành trách nhiệm đối với vua Tự Đức. Do đó, chữ thần trong câu cuối này phải là thần tử, còn chữ thần trong “học sĩ thần” mới là thần thánh hay thần hồn. Và như vậy thì câu thơ mới có ý nghĩa trọn vẹn theo điển tích nêu trên.

Như người viết đã dẫn, ông Thái Hữu Võ vì không có phiên bản đúng của ông Nguyễn Đình Chiêm nên đã chép lộn hai chữ nói trên và biến chữ thần ở câu cuối thành vị thần. Ngoài ra, ông cũng chép là “nan đắc” (khó kiếm) thay vì “an đắc” nghĩa là làm sao kiếm được. Tất cả những sai lầm này đã được ông Lê Thọ Xuân cũng như ông Phan Văn Hùm minh xác từ mấy mươi năm trước.

Và khi viết bài này vào năm 2017 thì bà Phạm Thị Hảo rõ ràng đã biết đến phiên bản đúng, bởi bà đã viết về cả hai trường hợp “an đắc” và “nan đắc” như trên. Tức là bà đã biết đến phiên bản đúng của ông Lê Thọ Xuân và Phan Văn Hùm (từ Nguyễn Đình Chiêm) là “an đắc”, trong khi theo phiên bản của Thái Hữu Võ là ‘nan đắc”. Mà nếu vậy thì bà phải biết rằng theo phiên bản của Nguyễn Đình Chiêm, chữ chót là thần bầy tôi chứ không phải vị thần.

Nhưng bà Phạm Thị Hảo vẫn đã chọn phiên bản sai, để dịch ra là vị thần. Vì giống như, và có lẽ là học từ, lý luận của ông Trần Khuê, nên bà Phạm Thị Hảo đã cố tình chọn phiên bản sai này để giảng giải cho thành ý tưởng nguyền rủa Phan Thanh Giản là chết đi sẽ thành quỷ, do … không thể thành thần.

Như vậy, chỉ trong một bài thơ chữ Hán mà bà Phạm Thị Hảo đã phải vận dụng khá nhiều thủ thuật để biến nó ra thành một sự chê bai. Bà đã bịa đặt chi tiết, đã xuyên tạc lịch sử, đã dùng tài liệu thứ cấp mà còn không dẫn nguồn. Bà lại cố ý chọn phiên bản xưa nhất và đã được biết là thiếu chính xác nhất để giảng giải cho hợp ý bà, dù đã có trong tay các phiên bản khác.

Và điểm đáng nói nhất là bà đã sáng tạo ra cái gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” của bà (chứ không phải của Khổng Tử) - khi cũng trong cùng một bài thơ mà bà cho Nguyễn Đình Chiểu vừa khen Phan Thanh Giản hết lời đó, rồi lại quay sang rủa ông là chết đi thì thành quỉ do không thể thành thần.

b) Bài Chữ Nôm

Nhưng chỉ khi đến bài thơ Nôm thì mới thấy rõ ràng sự trơ trẽn của bà Phạm Thị Hảo trong việc sử dụng cái gọi là “Bút Pháp Xuân Thu” để nói ngược ý của bài thơ.

Bởi với điển tích trong hai câu đầu là “dàu dàu mây trắng” hay “dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu” thì ông Phan Văn Hùm đã từng giải thích là nói về một người đã qua đời, Phan Thanh Giản:

“Ngao-châu là bãi Ngao, chỗ Phan Thanh Giản ở. Mây bạc là lấy nghĩa ở câu sách Trang-tử: ‘Thừa bĩ bạch vân, chi vu đế hương” nghĩa là: cỡi đám mây trắng kia đến tận chỗ Thiên-đế ngự, tức là nói người chết.”[8]

Thế nhưng bà Phạm Thị Hảo thì lại thêm thắt để cho rằng mây trắng là đau buồn, và xứ Ngao Châu đau buồn vì Phan Thanh Giản như sau:

“Mây trắng đau buồn phủ khắp cõi Ngao châu. Cả vùng Ngao châu đau buồn vì người con của quê hương vốn được mến mộ mà nay lại đắc tội với dân với nước, gây nên nông nỗi.”

Bà Phạm Thị Hảo như vậy đã sáng chế ra thêm những gì mà câu thơ không hề nói, như là “người con của quê hương” hay “đắc tội với dân với nước”! Và khi chế biến ra đủ thứ như vậy thì bà cho rằng đó chính là “Bút Pháp Xuân Thu”! Nghĩa là khi nào cần phải giải thích câu thơ cho ngược với ý nghĩa của nó nhưng hợp với ý của mình thì bà lại đưa cái bút pháp này ra, và bắt Nguyễn Đình Chiểu cũng như Khổng Tử chịu trách nhiệm!

Đến hai câu kế, bà Phạm Thị Hảo giải thích như sau:

“Ba triều công cán đôi hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.

Nhưng đọc kỹ hai Cụm từ “đôi hàng sớ” và “một gánh thâu” thì lại thấy ý ngược lại.

Một vị đại thần đầy tài năng mà suốt 3 triều vua rút Cục chỉ có “đôi hàng sớ” thôi ư? Phải chăng đây là đôi hàng sớ cuối cùng Phan nhận tội với triều đình? Và như vậy thì “Ba triều công cán” của ông quan này chẳng còn gì đáng kể.

Đến câu sau thì Cụm từ “một gánh thâu” có sức nặng ngàn cân để phủ định Cụm từ “sáu tỉnh cương thường”. Vì chữ “thâu” có nghĩa là thua, là mất, là thất bại, ngược lại với doanh là được, là thắng.

Vậy là đạo đức cương thường của Cụ Phan từng nổi tiếng lục tỉnh nay chỉ còn là “một gánh thua”, một sự thất bại nặng nề. Chao ôi, đau xót thay, mà cũng đáng trách thay!”

Đến đây thì sự ngụy biện của bà Phạm Thị Hảo đã đến mức đáng kinh ngạc. Bởi ai cũng biết rằng trước khi chết thì Phan Thanh Giản đã viết một tờ “Di Sớ” để nhận hết tội về mình và bỏ hết những công cán trải qua ba triều vua. Lời sớ đầy xúc động khuyên nhủ nhà vua nên cố gắng thương dân và sử dụng người tài, với hy vọng là vẫn còn có thể cứu vãn được tình thế.. Do đó, Nguyễn Đình Chiểu đã viết về “ba triều công cán” và “vài hàng sớ” trong cùng một câu, để cho thấy sự hy sinh coi nhẹ công danh của Phan Thanh Giản.

Bài sớ này đã được đưa vào Đại Nam Thực Lục, như người viết trích dẫn ở trên. Dưới đây là hình chụp lá Di Sớ đó của Phan Thanh Giản; được ông Thái Hữu Võ sưu tầm và chép lại trong trang 41 của cuốn Phan Thanh Giảng Truyện:

clip_image002

Nhưng theo cách giải thích khá ngộ nghĩnh của bà Phạm Thị Hảo thì do chỉ có “đôi hàng sớ”, mặc dù đã trải qua đến ba triều công cán, nên suy ra công cán của Phan Thanh Giản chỉ có trong đôi hàng đó mà thôi, tức là chẳng có gì! Rồi bà lại bắt Nguyễn Đình Chiểu phải nhận lãnh lối giải thích lạ đời không đếm xỉa gì đến lịch sử theo kiểu “Bút Pháp Xuân Thu” như trên của bà.

Bà Phạm Thị Hảo không đọc lịch sử đã đành, nhưng bà cũng không chịu đọc Nguyễn Đình Chiểu luôn, để biết rằng đây chính là cách làm thơ và lối dùng chữ của Nguyễn Đình Chiểu. Bởi vì Nguyễn Đình Chiểu đã từng sử dụng những lời lẽ giống hệt như vậy trong bài thơ điếu Trương Định vài năm trước đó:

Bày lòng thần-tử vài hàng sớ,

Giữ mối giang-sơn mấy đạo bùa

Nếu phải lý luận theo kiểu “Bút Pháp Xuân Thu” của bà Phạm Thị Hảo thì câu thơ trên hóa ra có nghĩa rằng Trương Định đã bày tỏ tấm lòng thần tử của ông với nhà vua cũng chỉ có “vài hàng sớ” mà thôi, tức là chẳng có chi hết, giống như Phan Thanh Giản! Ấy là chưa nói đến câu kế, nếu cũng theo kiểu lý giải của bà Phạm Thị Hảo thì người anh hùng Trương Định “giữ mối giang sơn” nhưng lại chỉ bằng “mấy đạo bùa”! Mà như vậy thì thật chẳng còn thể thống gì của người anh hùng dân tộc!

Thế nhưng đến hai câu thơ kế tiếp thì “Bút Pháp Xuân Thu” của bà Phạm Thị Hảo mới phát huy đến tuyệt đỉnh, khi bà Phạm Thị Hảo cho rằng chữ “thâu” có nghĩa là “thua”; và do đó, “một gánh thâu” là “một gánh thua”! Rồi vì sợ không ai hiểu bà nói gì qua cách giải thích quái đản như vậy, nên bà Phạm Thị Hảo phải chú thích cho rõ rằng “thâu” ở đây có nghĩa là thua, ngược lại với “doanh” là được, như trong “doanh thâu”.

Tức là bà Phạm Thị Hảo bắt Nguyễn Đình Chiểu phải sử dụng chữ Hán trong một bài thơ chữ Nôm, bắt Nguyễn Đình Chiểu phải không được dùng chữ “thâu” theo ý nghĩa thông thường của người Việt là thâu tóm, gom lấy. Mà Nguyễn Đình Chiểu phải vận dụng cái “Bút Pháp Xuân Thu” của bà (chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu) để dùng chữ thâu theo nghĩa Hán là doanh thâu như trong công việc làm ăn kế toán, và đó là trong bài thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan Thanh Giản!

Trong khi với ý nghĩa rất rõ ràng của câu thơ này thì ai cũng hiểu là Nguyễn Đình Chiểu cho rằng một mình Phan Thanh Giản đã đứng ra nhận lãnh hết cả gánh cương thường tức tam cương ngũ thường, mà trong đó đạo quân thần là số 1, cho cả sáu tỉnh Nam Kỳ. Vì Phan Thanh Giản đã nhận hết mọi trách nhiệm với nhà vua, từ việc thương thuyết ngoại giao cho đến thất bại mất thành, để những vị quan dưới quyền không phải chịu tội.

Do đó, “gánh cương thường” ở đây không phải là “đạo đức” của Phan Thanh Giản, mà là gánh nặng giữ đất của nhà vua cho trọn đạo quân thần, giềng mối đầu tiên của tam cương. Đó chính là Một gánh cương thường há phải gông của Thủ Khoa Huân, hay Một gánh cương thường nặng núi sông của Phan Văn Trị, chứ không phải là “đạo đức” như bà chuyên gia Hán Nôm Phạm Thị Hảo nghĩ.

Nhưng như có thể thấy, bà Phạm Thị Hảo đã không thèm đọc Nguyễn Đình Chiểu khi nói về thơ Nguyễn Đình Chiểu, thì còn mong gì bà chịu đọc đến thơ của Thủ Khoa Huân và Phan Văn Trị để hiểu về “gánh cương thường”. Và vì vậy cho nên bà mới có can đảm mà giải thích rằng chữ “thâu” trong câu thơ trên có nghĩa là “thua”.

Vấn đề ở đây là Nguyễn Đình Chiểu lại rất thường dùng chữ “thâu” với ý nghĩa “thâu tóm” đó trong những bài thơ có vần “âu” của ông. Thí dụ như trong 12 bài thơ điếu Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã có hai câu như sau:

Giặc cỏ om-sòm mưa lại rưới,

Binh sương lác-đác nắng liền thâu

Điều rõ ràng là chẳng hề có chuyện ăn thua gì trong hai câu thơ trên. Bởi chẳng lẽ nắng lại “thua” mất binh sương, cũng như Phan Thanh Giản đã “thua” gánh cương thường, theo kiểu giải thích của bà Phạm Thị Hảo? Mà theo ý nghĩa rất thông thường thì đó chính là nắng đã “thâu tóm”, tức đã làm khô những giọt sương lác đác, như một hình ảnh cho thấy quân Pháp đã dẹp được những cuộc nổi dậy lẻ tẻ. Chứ nắng thì không thể “liền thua” sương theo “Bút Pháp Xuân Thu” của bà Phạm Thị Hảo được.

Nhưng chưa hết, trong bài thơ về Nông trong Dương Từ Hà Mậu, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết rằng:

Nhờ gặp mùa màng trời đất thuận

Cứ trăm giống thóc một tay thâu

Nghĩa là nhà nông một tay thâu tóm hàng trăm giống thóc khi được mùa, chứ chẳng phải nhà nông đã “thua” mất một trăm giống thóc!

Nhưng bà Phạm Thị Hảo không chỉ giải thích chữ nghĩa theo kiểu quái đản như trên, mà bà còn ngụy tạo ra những chi tiết lịch sử để giải thích ngược lại ý nghĩa câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu, rồi cho rằng đó là “tầng sâu” của “Bút Pháp Xuân Thu”.

Như khi bàn về hai câu thơ kế, bà Phạm Thị Hảo viết như sau:

“Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.

Hai câu này cực tả tình cảnh đáng thương của Phan trước lúc qua đời. Tài liệu cho biết: Sau khi nộp thành, dâng đất cho Tây, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội, gửi về triều bằng tàu tốc hành (tàu Pháp) rồi khắc khoải chờ đợi, chắc còn hy vọng sẽ lại được tha tội như lần trước, sẽ lại được phục chức, trọng dụng. Song, mỏi mòn chờ mãi, chờ nửa tháng trời, tin điệp vẫn chẳng thấy đâu. Lo lắng rồi thất vọng, rồi tuyệt vọng, biết chắc bị bỏ rơi rồi. Cuối cùng tự tìm đến cái chết vào lúc nửa đêm, giờ Tý ngày 5-7 năm Đinh Mão tức 4-8-1867.”

Bà Phạm Thị Hảo không hề cho biết tài liệu của bà là tài liệu nào. Nhưng chắc chắn là không có tài liệu nào hết, mà chỉ là sự bịa đặt rõ ràng của bà. Vì thời đó làm gì có tàu tốc hành của Pháp để làm việc chuyên chở hàng hóa thư từ cho vua quan nhà Nguyễn!

Chính ngay trong hai câu thơ trên cũng đã cho thấy là tin tức khẩn cấp thời đó thì sẽ được chuyển giao qua (ngựa) trạm; nhưng ngày thì đã chiều, tức là đã trễ lắm rồi, mà tin tức hay viện quân của nhà vua để cứu cấp cho ba tỉnh miền Tây lúc đó đang bị cô lập vẫn không thấy đâu. Từ đó mới dẫn đến sự mất thành, mất đất, hay mất nước, giống như tiếng chim đỗ quyên tức chim quốc kêu đêm báo hiệu. Đó là ý nghĩa của hai câu thơ trên.

Thế nhưng bà Phạm Thị Hảo lại bắt chính phủ Pháp phải có tàu tốc hành để chở đồ cho Phan Thanh Giản gởi về Huế! Đó là chưa kể bà Phạm Thị Hảo còn tưởng tượng ra sự khắc khoải, mỏi mòn chờ được để được “tha tội như lần trước” của Phan Thanh Giản.

Nghĩa là bà Phạm Thị Hảo đưa ra những cái “bằng chứng” về lịch sử như trên và nói khơi khơi là “tài liệu cho biết”, nhưng bà lại không hề cho biết đó là tài liệu nào. Mà sự thật là không có tài liệu nào nói như vậy cả. Nhưng để chứng minh cho cái “tầng sâu” trong “Bút Pháp Xuân Thu” của bà (chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu), thì bà Phạm Thị Hảo đã phải ngụy tạo ra những chi tiết lịch sử như trên.

Và bà Phạm Thị Hảo thì chắc chắn không hề đọc lịch sử hay thơ của Nguyễn Đình Chiểu để biết rằng đó là tình cảnh chung của giới sĩ phu đất Nam Kỳ trong thời gian này. Đó là sự mong ngóng đợi chờ ”thánh chúa” có thể làm được một điều gì để đuổi quân Pháp đi. Nhưng sự trông ngóng này của họ rồi chỉ trở thành hoài công, thành tuyệt vọng, như Đường Nhập Môn đã ngâm trong Ngư Tiều:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi! có hay không?

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung,

Chừng nào Thánh-đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông[9]

Đó là những câu thơ đau xót nói lên sự thật thua trận não nề, bờ cõi bị chia cắt của nhà Nguyễn, qua ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu:

Trời đông sùi sụt gió mưa tây

Đau ốm lòng dân cậy có thầy[10],

Và bởi vậy cho nên Ngư Tiều mới ước mong rằng:

Ngày nào trời đất an ngôi cũ

Mừng thấy non sông bặt gió tây[11]

Tức là bờ cõi đã mất, nhưng lòng người thì vẫn còn mong rằng một ngày nào đó thánh chúa sẽ dẹp yên giặc tức “gió tây”, để cho khỏi đau dân. Đó chính là tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như của tất cả các sĩ phu Nam Kỳ, trong đó có Phan Thanh Giản.

Nhưng bà Phạm Thị Hảo thì vì nhu cầu cần hạ nhục Phan Thanh Giản nên mới viết rằng hai câu thơ trên cho thấy sự tuyệt vọng mong chờ được “tha tội” của Phan Thanh Giản, sau khi đã gởi mũ áo theo tàu tốc hành của Pháp về Huế! Chính vì nhu cầu giải thích ngược ngạo theo kiểu “Bút Pháp Xuân Thu” này của bà, nên bà Phạm Thị Hảo mới phải ngụy tạo ra những điều nực cười nói trên.

Tóm lại, đó chính là hậu quả của sự không thèm đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu nhưng lại muốn giảng giải thơ Nguyễn Đình Chiểu của bà Phạm Thị Hảo.

Và sự không thèm đọc tài liệu lịch sử để thoải mái bịa đặt ra những chi tiết như trên của bà Phạm Thị Hảo thì lại càng rõ ràng hơn. Bởi khi nói về những ngày cuối của Phan Thanh Giản, giống như trong Đại Nam Thực Lục, ông Thái Hữu Võ đã cho biết những chi tiết như sau:

Đó rồi ngài niêm sớ và đồ triều phục, ấn truyện (triện) với 23 điều đạo sắc của vua phong cho ngài cùng đồ châu báu khí giái trong ba tĩnh (tỉnh), giao cho chiếc tàu Mẩn-thỏa đem về dâng lại cho vua.[12]

Dưới đây là hình chụp đoạn văn trên trong trang 42 của cuốn Phan Thanh Giảng Truyện

clip_image004

Chắc chắn bà Phạm Thị Hảo không biết rằng tàu Mẫn Thỏa là một chiếc tàu bọc đồng của triều đình nhà Nguyễn, nên bà mới liều lĩnh cho rằng Phan Thanh Giản đã gởi đồ về Huế bằng tàu tốc hành của Pháp. Và chắc chắn bà Phạm Thị Hảo cũng không biết rằng Phan Thanh Giản đã thu xếp với Pháp để khấu trừ số tiền phải bồi thường hàng năm như đã nói, và lại còn thu thập được tất cả các châu báu và khí giới trong ba tỉnh để gởi về cho vua Tự Đức trên chiếc tàu Mẫn Thỏa nói trên.

Để chỉ khi làm xong hết những điều trên thì Phan Thanh Giản mới “thung dung tựu nghĩa”.

Như vậy, bà Phạm Thị Hảo đã sáng tạo ra cách giải nghĩa cho “thâu” thành “thua”, sáng tạo ra chi tiết lịch sử tàu tốc hành của Pháp, để giải thích các câu thơ trên. Nhưng bà Phạm Thị Hảo không thể không sử dụng sự “khám phá” của ông Trần Khuê về cách đếm “Quỉ Khốc Linh Thính” để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã mắng Phan Thanh Giản là quỉ, khi bà bàn tiếp về hai câu chót của bài thơ chữ Nôm:

“Nhưng “triệu” 9 chữ của Cụ Đồ Chiểu là như sau:

HẢI NHAI LÃO THƠ/SANH TÁNH PHAN CHI/CỮU

Ứng với 9 chữ:

QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH/QUỶ-KHỐC-LINH-THÍNH/QUỶ!

Vậy là chữ CỮU cuối cùng ứng đúng vào chữ QUỶ!

Cụ Đồ không biết viết “triệu” chăng? Không! Đây là lời mắng nhiếc nặng nề! Ý Cụ Đồ xem như Cụ Phan chết đi chỉ thành quỷ chứ không thể thành thần được!”

Nhưng như người viết đã trình bày trong phần trên, ông Trần Khuê chỉ dám tung hỏa mù khi lấy ý của ông Lê Thọ Xuân về vấn đề này rồi trình bày như thể Nguyễn Đình Chiểu là người viết lá triệu hay minh tinh cho Phan Thanh Giản. Còn bà Phạm Thị Hảo thì lại gán luôn cho Nguyễn Đình Chiểu việc viết lá triệu (minh tinh) chín chữ này để “mắng nhiếc nặng nề” Phan Thanh Giản.

Nghĩa là bà Phạm Thị Hảo đã không nề hà trong việc sử dụng bất cứ một thủ đoạn nào để giải thích hai bài thơ theo ý của bà. Nhưng vẫn chưa hết, vì sau khi bàn về hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản thì bà Phạm Thị Hảo lại quay sang một bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, để giải thích luôn là ở đó Nguyễn Đình Chiểu cũng vẫn mỉa mai Phan Thanh Giản.

c) Bảng Phong Thần

Như đã thấy, cùng với cách sáng tạo ra cái “Bút Pháp Xuân Thu” theo kiểu nói một đằng giải thích một nẻo như trên khi bàn về hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu thì bà Phạm Thị Hảo cũng đã phải ngụy tạo ra những chi tiết lịch sử cũng như cách đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu và ý nghĩa của nó, cho phù hợp với cái “Bút Pháp Xuân Thu” này.

Nhưng ngoài ra, tinh thần sáng tạo của bà Phạm Thị Hảo còn được thấy rõ qua cách mà bà vì cần phải giải thích một câu văn Nguyễn Đình Chiểu khen ngợi Phan Thanh Giản trong bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh nên phải sáng chế ra thêm một cách đọc văn biền ngẫu thời xưa. Theo đó, bà cho rằng vì lối văn ngày xưa không có chấm phẩy nên độc giả phải đọc theo kiểu của bà. Và đó là với dấu phẩy trong câu trên, nhưng lại không được có dấu phẩy trong câu dưới. Mặc dù cả hai câu là một cặp và phải đi song song với nhau theo thể văn biền ngẫu, như hai con ngựa song hành.

Bà Phạm Thị Hảo đã mô tả cách đọc đó như sau:

“Ngoài 2 bài điếu, Nguyễn Đình Chiểu còn tỏ thái độ đối với Phan Thanh Giản qua 2 câu thơ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh”:

Phải trời cho cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh

Ít người đặng xem tấm bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc.

Câu trên ca ngợi tướng quân Trương Định và đau lòng trước sự hy sinh của ông, trước sự thất thế của nghĩa quân.

Câu dưới là nói về Phan Thanh Giản. Nhiều người chỉ chú ý mấy chữ sau mà không quán xuyến toàn câu gồm mấy chữ đầu:

Ít người được xem tấm bảng phong thần.

Bảng phong thần gì vậy? Bảng phong thần “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”! Lối viết văn chữ Nôm xưa không có các loại dấu, nếu ngày nay viết thì sẽ có hai ngoặc kép cho Cụm từ “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”(!), và Cụm từ này là định ngữ của “Bảng phong thần”. Đó là lối phân tích ngữ pháp hiện đại, thời Cụ Đồ chưa có những thuật ngữ đó. Song ai cũng hiểu các Cụm từ như: “bảng phong thần vị quan hết lòng cứu dân”, “bảng phong thần người vợ một lòng thủ tiết”, “bảng phong thần vị tướng dũng cảm trừ giặc”… Và ở đây là bảng phong thần “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” (nối liền 10 chữ).”

Tức là theo bà Phạm Thị Hảo thì mặc dù hai câu về Trương Định và Phan Thanh Giản đi song song như vậy, nhưng câu nói về Trương Định phải có dấu phẩy, còn câu về Phan Thanh Giản thì không được có dấu phẩy!

Để từ đó mà ta phải hiểu rằng “bảng phong thần” trong câu sau chẳng phải là bảng phong thần như các loại linh tinh khác, mà là bảng phong thần đặc biệt duy nhất có tên gọi “bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” (nối liền 10 chữ). Rồi do Nguyễn Đình Chiểu nói rằng bảng phong thần này có “ít người đọc”, cho nên phải suy ra là nó không có thật, hay không đáng kể!

Nghĩa là do cần phải giải thích rằng không phải Nguyễn Đình Chiểu đã khen tặng Phan Thanh Giản là chết thành thần trong câu, như ý nghĩa thông thường của nó, nên bà Phạm Thị Hảo đã phải sáng chế ra nhiều loại bảng phong thần khác nhau. Rồi sửa cách đọc câu văn như trên (không có dấu phẩy), để biến lời khen tặng này thành một lời mỉa mai, rằng không ai biết tới cái bảng phong thần đặc biệt gồm có 10 chữ như trên.

Có lẽ đến đây thì điều ngạc nhiên duy nhất còn có thể tồn tại về bà Phạm Thị Hảo là bà đã không đem con ngáo ộp “Bút Pháp Xuân Thu” ra để làm cứu tinh nữa cho phần này, mà bà điềm nhiên sáng tạo ra luôn cách đọc văn tế, và do đó sửa luôn văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. Mặc dù đây là loại văn theo luật biền ngẫu mà hai câu trên dưới bắt buộc phải tương đồng đối xứng. Do đó, dù cho câu trên phải đọc theo kiểu có dấu phẩy, thì bà Phạm Thị Hảo cũng cứ việc cho rằng câu dưới phải đọc không có dấu phẩy, để hợp với kiểu giải thích của bà!

Có thể thấy rằng nếu phải đọc theo kiểu không có dấu phẩy như bà Phạm Thị Hảo đã dùng cho câu dưới, thì cụm 10 chữ ở câu trên phải là quyền phá lỗ Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh, để đối xứng với cụm 10 chữ bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc ở câu dưới. Mà như vậy thì câu trên sẽ chẳng có nghĩa lý gì hết! Cho nên bà Phạm Thị Hảo chỉ cho đọc với dấu phẩy ở câu sau mà thôi, và Phan Thanh Giản chỉ có tên trong một bảng phong thần đặc biệt duy nhất dành cho ông mà thôi!

Đến đây thì phải nhìn nhận rằng mức độ can đảm của bà Phạm Thị Hảo đã lên tới cao điểm, khi mà theo lý luận của bà thì có nhiều bảng phong thần gồm đủ các thể loại mà bà bắt “ai cũng hiểu”, và rằng bảng phong thần của Phan Thanh Giản là loại không hiện hữu, bởi lẽ nó ít được ai thấy.

Với cách lý luận như trên thì không hiểu bà Phạm Thị Hảo sẽ giải thích ra sao về hai câu điếu Trương Định, cũng của Nguyễn Đình Chiểu:

Bài văn phá Lỗ, cờ chưa tế,

Tấm bảng phong-thần gió đã kinh.

Nếu theo kiểu giải thích của bà Phạm Thị Hảo như trên thì chẳng hóa ra bảng phong thần của Trương Định là thuộc loại, hay có tên, là “bảng phong thần gió đã kinh”, giống như “bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” chăng?

Trong khi điều có thể thấy được là Nguyễn Đình Chiểu khi nói về bảng Phong Thần trong các bài thơ văn để điếu các anh hùng nghĩa sĩ thì ý của ông cho rằng họ chết đi sẽ thành thần, giống như những vị trung thần nghĩa tử của nhà Trụ khi chết được lên bảng phong thần trong truyện Phong Thần Diễn Nghĩa. Do đó mà Trương Định chết đi cũng thành thần: Linh hồn nay đã tách theo thần, mà Phan Thanh Giản khi chết đi cũng thành học sĩ thần.

Chứ chưa có ai, và chắc chắn là không phải Nguyễn Đình Chiểu, lại đem phân loại các bảng Phong Thần như bà Phạm Thị Hảo sáng tạo trên đây; bên cạnh việc sửa luôn văn chương Đồ Chiểu trong mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản.

[1] Xuân Ba, Thêm Một Chiều Kích Thâm Hậu, Tiền Phong, 28/11/2021 https://tienphong.vn/them-mot-chieu-kich-tham-hau-post1396470.tpo?fbclid=IwAR0-QJBjiINPH_-UpZfq9Sp4nieqJAIzHd8QypKFj1GG1QuxJi2t5hGMgfg

[2] Ibid

[3] Phan Văn Hùm. Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật. Sài Gòn, NXB Tân Việt 1952, pp. 186-187. Chú thích số 2: Lòng Xuân Thu. Khổng Tử chép kinh Xuân Thu, dùng ngòi viết chí-công, làm loạn thần tặc tử đều sợ lời bao-biếm. Những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Xu%C3%A2n_Thu

[5] Ibid

[6] Georges Taboulet. La Geste Française En Indochine. Tome II. Paris, Adrien-Maisonneuve, 1956, pp. 519-520, “L’agonie de Phan Thanh Gian”.

[7] Theo ông Xuân Ba, Ibid.: “.. nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo từng nổi danh với bản Kinh Thi tinh tuyển, công trình dịch thuật đồ sộ Văn Tâm Điêu Long… (Bà Phạm Thị Hảo được vinh danh là một trong 5 nhà Trung Quốc học và nhà nghiên cứu cổ văn tiêu biểu nhất của miền Nam – cùng với GS Bửu Cầm, GS Nguyễn Khuê, nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh).”

[8] Ibid, p. 51

[9] Ngư Tiều, p. 183

[10] Ngư Tiều, p. 105

[11] Ngư Tiều, p. 87

[12] Ibid, p. 42