Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Dù ở nơi đâu

Khuê Phạm

LTS - Tiểu thuyết đầu tay (tiếng Đức) của nhà báo Khuê Phạm Wo auch immer ihr seid xuất bản năm 2021 đã gây tiếng vang lớn trong văn học Đức – xem bài giới thiệu của Nguyễn Tường Bách. Dịch giả Nguyễn Xuân Hằng (Trường đại học Bonn) đang hoàn thành bản dịch Việt ngữ Dù ở nơi đâu; bản dịch tiếng Anh sẽ xuất bản năm 2024. Diễn Đàn xin cảm ơn tác giả, dịch giả và nhà xuất bản Penguin Random House đã cho phép trích đăng hai chương dưới đây. 

MINH

Ebersberg, 1968

Ba ngày sau khi đến Đức, Minh vận bộ Vest đẹp nhất và bước chân vào ngôi nhà màu hồng nhạt của một bác sĩ nhi khoa, người đã mời anh tới dự “bữa ăn chào mừng”. Mái tóc nâu ngả bạc búi lên, cổ đeo dây chuyền ngọc trai móc theo một chiếc kính gọng mảnh, bà bận áo sơ mi sáng màu với chân váy rộng màu be và mang xăng đan quai da bản rộng. Với dáng người đầy đặn, bà toát lên một vẻ hiền từ. Nếu như ở Việt Nam, anh chắc sẽ gọi bà là “bà” hay“cô”, có điều đối với anh đoán đúng tuổi của người Âu quả là khó, mà anh cũng không dám hỏi. Tên của bà lại phức tạp đến nỗi anh quyết định không gọi: bà Schmidt.

Anh càng bối rối hơn khi theo bà đi qua phòng khách và không chỉ phát hiện một chiếc dương cầm màu nâu, mà cả loạt ảnh trong khung với những người da trắng, tóc vàng, hẳn là họ hàng bà. Với anh, mọi thứ trong căn nhà này đều sang trọng: gỗ vân trên trần và sàn, lò sưởi lát gạch sứ xanh lục, rèm cửa sổ vải ca rô đỏ-trắng. Qua khung kính sạch hiện lên khung cảnh đồi núi với những ngôi nhà trắng mái đỏ thấp thoáng giữa những cánh đồng xanh.

Đất nước này thật đẹp!

Dù còn choáng váng sau chuyến đi dài, anh vẫn thấy phấn chấn trước một thế giới mới mẻ và lạ lẫm. Đêm không ngủ được do lệch giờ (sao không ai báo trước cho anh điều này?) và ban ngày anh có cảm giác mình đang lạc trong một giấc mơ. Ebersberg, một thị trấn nhỏ ở Bayern với một nhà thờ và hàng loạt nông trại, trông đẹp như một tấm bưu thiếp. Mọi thứ đều xinh xắn, sạch sẽ và yên tĩnh, cứ như là hư ảo. Từ căn phòng riêng trên tầng một của Viện Goethe anh có thể nhìn xuống một hồ nước với cầu trượt màu bạc. Không khí đượm mùi rơm, ấm áp và khô ráo. Mới ba ngày anh đã chụp hết hai cuộn phim.

Bước vào bếp, anh gặp một cô gái mặt tròn, mũi thấp ngồi ở bàn ăn. Mái tóc đen dài ngang vai được cô vén sau tai. Khi nghe anh giới thiệu, cô có vẻ vui lên và lập tức kể về mình. Cô tên Hoa và cũng đến từ Việt Nam. Cô đeo hai khuyên tai bạc nhỏ hình bông hoa, như một gợi ý về tên của mình.

Hoa kém anh một tuổi, nhưng đã học tiếng Đức được ba tháng ở Ebersberg.  Khác với anh, cô đến Đức bằng học bổng của chính phủ miền Nam Việt Nam, ở trọ nhà một người mù và giúp đỡ ông ta việc nhà. Do đã bắt đầu học tiếng Đức ở Việt Nam, cô có thể nói được cả câu và cũng hiểu đôi chút về đất nước này. Với anh, cô trông thật hiện đại và thoải mái với quần Jeans ống loe và sơ mi thêu phong cách Hippie. Minh nhìn lại mình với bộ Vest đen rồi tự hỏi, liệu mình có lố quá không với phong cách chỉnh tề thế này?

Bà bác sĩ nói gì đó khó hiểu bằng thứ tiếng lạ và khó này rồi ra hiệu cho anh ngồi xuống cạnh Hoa trên băng ghế. Bà đặt hai ly lên bàn, rót sữa lạnh vào rồi trút vào đó hai thìa bột nâu đậm mà thoạt tiên anh nghĩ là một loại cà phê sáng màu, cho tới khi anh ngửi thấy một mùi hương rất ngọt bốc lên.

Rồi bà lại nói gì đó mà anh không hiểu, theo âm điệu thì có vẻ bà muốn hỏi anh điều gì. Bởi vì lúc đó không nghĩ ra được gì khác, nên anh nói những từ tiếng Đức đầu tiên trong giờ học hôm nay mà anh nhớ: “Rất tốt!”.

Cặp lông mày của bà bác sĩ nhướng lên. Bà hỏi Hoa gì đó và cô trả lời, nghe như một lời xin lỗi. Những câu nói của hai người rập rềnh khó hiểu lướt nhanh qua anh. Sự ngưỡng mộ của anh đối với thứ tiếng Đức trong trẻo của cô bạn ngồi cạnh tăng lên đỉnh điểm khi anh nhận thấy câu chuyện giữa hai người phụ nữ đã chen lẫn tiếng cười và dịu xuống, rồi anh nghe từ miệng Hoa thốt lên “Hẳn nhiên rồi, thưa bà Schmidt!”.

Anh ngồi bên cạnh như một khán giả và nhấm nháp đồ uống. Ngay cả khi bà bác sĩ liên tục cố gắng hỏi anh những câu hỏi ngắn để kéo anh vào cuộc trò chuyện thì tình hình cũng không khả quan hơn. Anh không bao giờ trả lời bà trực tiếp, mà luôn quay sang Hoa, người quen mới và phiên dịch viên của anh.

Anh thầm nghĩ, hoá ra cảm giác xa lạ là thế này đây. Người ta bỗng nhiên cảm thấy mình thừa thãi và nhỏ bé.

Anh thấy nhẹ nhõm khi bà bác sĩ đứng lên để trải bàn ăn. Anh biết, mỗi khi nhà có khách, mẹ anh đôi khi đứng cả hai ngày ở trong bếp vì bà luôn bảo, khách phải được tiếp đãi bằng những món ngon nhất. Do vậy anh rất háo hức muốn biết bà Schmidt đã nấu món gì. Anh tò mò quan sát thấy bà lấy hai cái đĩa trong tủ lạnh ra và đặt lên bàn: Trên một đĩa bày những lát hình tròn màu hồng và ở đĩa kia là những lát pho mát màu vàng. Dạ dày anh thắt lại khi mùi vị của món ăn sộc vào mũi.

“Em có thể nói với bà ấy là hôm nay anh không đói lắm không? Và vì thế anh chỉ có thể ăn món khai vị này một chút thôi.”, anh nhờ Hoa. “Anh không muốn bà ấy nghĩ rằng mình là người bất lịch sự.”

“Anh nghĩ món khai vị nào thế?”, Hoa hỏi lại.

“Đây này, mấy món nhỏ vừa được lấy ra khỏi tủ lạnh đó!”

Hoa bật cười thành tiếng. “Anh quả là không biết gì, đúng không nào? Người Đức ăn sáng và ăn tối giống hệt nhau. Họ chỉ gọi tên chúng là bữa sáng và bữa tối mà thôi.”

Minh lắc đầu không tin.

“Cái này là bữa tối á? Chỉ vài lát xúc xích nguội và pho mát thôi á?“

“Cho đến nay, theo như em quan sát thì hầu như ai cũng thấy ngon miệng với bữa tối thế này. Chúng ta đã quen với việc nấu và ăn các món nóng hai đến ba lần một ngày, nhưng ở đây người ta không làm vậy, và do đó họ cũng không cảm thấy thiếu nó.”

Hoa nhún vai. Mới sống ở đất nước này được ba tháng nhưng cô tỏ ra thông hiểu như thể từng nghiên cứu qua về người Đức rồi vậy. Cô bỏ thêm chút bột vào ly sữa nâu của mình. “Anh tin em đi. Họ rất khác chúng ta đấy. Và sẽ không dễ cho anh để mà quen với họ đâu.”

Trong một thoáng giày vò, Minh nghĩ đến món thịt heo xiên nướng cùng với bún và rau thơm khi còn ở nhà, và tới những lát thịt bò mỏng chín dần trong bát phở, món ăn ưa thích nhất của anh. Rồi anh tự ép mình quay lại thực tại. Hiện anh đến với một nền văn hoá khác trong vai trò người khách, và anh sẽ cố gắng làm quen cũng như thoả hiệp với những thói quen của người Đức.

“Được chứ?” Bà Schmidt chỉ tay vào mấy cái đĩa và giơ bàn tay phải lên tạo thành một biểu tượng phổ quát mà thậm chí anh cũng hiểu được: Ngón cái và ngón trỏ chụm lại, các ngón khác xoè ra.

Anh hấp tấp gật đầu, và đáp “Rất ngon”.

Bà Schmidt vào bếp lần nữa và trở ra với một rổ bánh mì sẫm màu cắt lát. Những lát bánh mì to như bàn tay và mỏng bằng nửa ngón tay anh. Các loại hạt, to và thô hơn hạt mè, được nướng cùng trong bánh. Hoa giải thích cho anh biết, đó là một loại bánh mì đen và người ta có thể nhận biết chất lượng của bữa tối qua loại bánh mì này. Bánh mì đen này của tiệm bánh mì cạnh giếng phun nước ở phố và nó ngon hơn nhiều so với loại bánh mì dài, rỗng xốp và nhạt nhẽo mà họ đã ăn ở Việt Nam.

Minh cúi người xuống hít hà. Quả thật bánh mì toả ra hương vị đặc biệt, đậm đà của các loại hạt, khác với tất cả những thứ mà anh từng biết.

Bà bác sĩ hỏi anh muốn ăn mấy lát. Anh nhìn rổ bánh mì và nhìn mấy lát thịt mỏng hồng nhạt. Làm sao anh có thể no bụng được với bữa tối nghèo nàn này chứ?

Anh giơ bàn tay lên xoè ra năm ngón.

*

Ở nơi xứ lạ, Minh nhận thức rõ là mình lệ thuộc vào tiếng Việt đến dường nào. Với tiếng mẹ đẻ anh có thể bước vững trên mặt đất, còn bây giờ anh cảm thấy mình đang hụt chân rơi vào khoảng không. Việc học tiếng Đức đối với anh khó hơn dự kiến rất nhiều, và anh thường cảm thấy mình ngu ngốc và vụng về làm sao. Bởi vì giữa tiếng Đức và tiếng Việt chẳng có điểm gì chung nên anh sử dụng những câu chữ không quen thuộc rất khó khăn, chẳng hạn như các biến âm hoặc chữ cái “ß”. Ngay cả ngữ pháp anh cũng không hiểu nổi: Trong tiếng Việt, cả động từ lẫn danh từ luôn giữ nguyên dạng, vì vậy anh phải khổ công học ý nghĩa của việc chia động từ và biến cách trong tiếng Đức.

Kinh khủng nhất là các mạo từ giới tính: Tại sao nhà bếp lại là giống cái trong khi phòng khách lại trung tính? Tại sao thế giới và trái đất thì là giống cái còn quả địa cầu và hành tinh lại là giống đực?

Đặt một câu tiếng Đức – và nói một câu tiếng Đức – đối với anh tựa như cố trèo lên vách đá chỉ bằng đôi tay trần. Nguy cơ bị trượt xuống lớn hơn rất nhiều so với khả năng leo lên được tới đỉnh mà không bị tổn thương. Do đó, hầu như anh thường lựa chọn im lặng.

Với tiếng Việt, ngôn ngữ là thứ tạo cho anh khả năng đan kết những lý thuyết ngông cuồng nhất từ ý tưởng của mình thì giờ đây chính ngôn ngữ lại là rào cản ngăn anh đến với những thứ đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả bỗng trở nên thật khó khăn: từ việc tìm đường tới bến xe buýt, cách mua vé, hiểu giờ khởi hành, đến việc xuống đúng bến xe hay tìm đường quay lại. Bước ra khỏi cái thế giới được bao bọc là Viện Goethe với các phòng học và phòng riêng thì anh cảm thấy mất phương hướng và lạc lối. Vốn là người luôn biết cách gây ấn tượng với người khác bằng những câu chuyện và ý tưởng của mình thì bây giờ anh lại loay hoay với những cư xử sơ đẳng.

Nếu như có một người Đức ở gần thì hầu như anh không thể tự tin để cất lời. Họ có thân hình cao to trội hẳn anh, họ tự tin cười nói những khi kể chuyện làm anh rụt rè. Mặc dù khi còn ở Việt Nam, anh luôn ngưỡng mộ những sinh viên phương Tây nhưng giờ đây anh lại muốn tránh mặt họ. Không phải vì anh không muốn làm quen với họ, mà đơn giản là anh không muốn bị mất mặt.

Hoa, người vốn cởi mở hơn, thường chế giễu anh. “Với cái kiểu tự ái ngu ngốc như vậy”, cô nói, “anh rồi sẽ chẳng bao giờ học được thứ tiếng này nếu như anh không dám mắc lỗi!”

KIỀU

Little Saigon, 2017

Bên ngoài của sổ là phong cảnh phương Tây với những đặc điểm Việt Nam. Các cửa hiệu trông đặc Mỹ, nhưng mang các tên như “Saigon City Market Place” hay “Hanoi Corner”. Các nhà hàng với biển quảng cáo Bánh xèo, Xôi hay Bánh mì kẹp. Các hiệu thuốc, tiệm giặt là, tiệm trà sữa hay các tiệm mát-xa rẻ một cách đáng ngờ (“1 hour – $15 Dollar only!”) đều mang tên Việt.

Hầu như không thấy ai ngoài đường, và nếu như có thấy ai đó, thì sẽ là người tóc đen, vóc dáng châu Á và so với người da trắng thì luôn trông có vẻ mảnh khảnh. Có điều ở đây chỉ có họ với nhau, nên không phải tất cả đều trông thấp bé, mà cũng có những người vạm vỡ và cường tráng và nhỏ nhắn và vâng, cả to cao nữa.

Ở làn đường bên cạnh chúng tôi, một gia đình người châu Á với hai cô con gái vừa lướt qua trên chiếc xe Pick-up. Bà mẹ với mái tóc nhuộm nâu và búi cao lỏng, ông bố đeo kính đen kiểu kiến trúc sư với áo phông trắng bên dưới áo khoác. Tôi nhìn theo họ đầy ghen tị. Liệu tôi sẽ trở thành người như thế nào nếu lớn lên ở đây?

Nghĩ về tuổi thơ của mình, tôi nhìn thấy một con bé tóc đen, sống trong một ngôi nhà màu xanh lam nhạt và lớn lên cùng ngôn ngữ du dương của ba mẹ. Một cách vô thức, tôi lặp lại những từ mà ba mẹ nói khi cho tôi ăn và ru tôi vào giấc ngủ, với niềm hạnh phúc trìu mến về đứa con đầu lòng của mình. Khi còn bé, tôi không nhận ra là thế giới của gia đình mình khác với thế giới của mọi người xung quanh; và không ý thức được là tôi lớn lên trong một thực tại chỉ bao gồm đúng năm người là mẹ tôi, ba tôi, em gái tôi, em trai tôi và tôi.

Khi vào mẫu giáo tôi đã nhận ra điều này. Ở trường mẫu giáo tôi gặp Paul với Sarah và khi chúng ngồi ráp chơi những mẩu gỗ đủ màu còn tôi thì im lặng đứng nhìn. Ba mẹ chúng cao lớn, tóc vàng, tự tin và khi đón Paul và Sarah, họ thường pha trò với cô giữ trẻ. Ba mẹ tôi cả hai đều thấp bé, tóc đen và luôn tới muộn, và khi họ vừa kịp đến nơi thì tôi đã ngồi trước cửa trường và đang bắt chước xây lại thành quách với những mẩu gỗ màu.

Càng lớn tôi càng hiểu chúng tôi khác mọi người thế nào. Lúc nhận biết được sự khác biệt lớn giữa chúng tôi và mọi người cũng là lúc tôi học cách thích nghi với môi trường xa lạ quanh mình. Mỗi ngày thêm vài từ tiếng Đức, mỗi ngày bớt đi vài từ tiếng Việt.

Tôi quên mất  những bài hát mình thường hát lúc bé, và ở trường, tôi ngân nga bài “Heute kann es regnen” (“Hôm nay trời cứ mưa”). Tôi muốn ăn Spaghetti chứ không phải Phở. Khi ba mẹ mời bạn Việt về nhà tiệc tùng thì tôi tròn mắt ngạc nhiên thấy họ có thể cùng ngồi hát Karaoke thật nhàm chán. Tôi luôn bị ép phải biểu diễn dương cầm trước khách khứa. Ba mẹ tôi thì lúc nào cũng mang điểm số của tôi ra kể. Niềm an ủi duy nhất của tôi khi đó là những đứa trẻ Việt Nam khác cũng phải biểu diễn và đứng cạnh nghe, trong khi ba mẹ chúng khoe khoang thành tích một cuộc thi toán hay thứ hạng tốt nghiệp Abitur  (phổ thông trung học) của con mình.

Ở người Đức, tôi chưa bao giờ quan sát thấy hiện tượng thường xuyên phải chứng tỏ bản thân như thế này. Các bạn tôi được thưởng tiền nếu họ được điểm 2 môn Toán và khi mười lăm tuổi họ bắt đầu xin xỏ thuốc lá từ ba mẹ, vào cuối tuần, họ được phép đi chơi bao lâu tuỳ thích. Nếu xảy ra cãi vã, thì sau đó sẽ là những cuộc thảo luận và trong đó những từ như “Xin lỗi” hay “Thương yêu” được thốt ra. Cảm xúc, người Đức họ nói về cảm xúc rất tự nhiên. Tôi thì lại thấy điều đó thật lạ lùng, nhưng tôi cũng biết rằng tự thân cảm nhận đó của tôi đã là một điều kỳ lạ. Vì thế tôi im lặng.

Điều quan trọng là phải xoá bỏ sự khác biệt  giữa gia đình tôi và các gia đình khác người Đức, bởi vì thế giới của chúng tôi nhỏ bé và kì quặc, trong khi thế giới của họ rộng lớn và phổ biến. “Ăn mặc đàng hoàng đi. Con biết rõ người Đức có định kiến với người nước ngoài thế nào mà!”, mẹ tôi luôn nói vậy và cho tới hôm nay tôi vẫn còn nghe bà thốt ra từ này với sự sợ hãi xen lẫn đe doạ.

Chúng tôi muốn trở thành bất cứ ai, ngoại trừ là chính chúng tôi. Những năm 90 ở Đức không có chỗ để sống như chính mình. Không có chỗ cho ba tôi, vốn thường bị người lạ chặn hỏi trước cửa bể bơi xem có bán thuốc lá lậu rẻ tiền không. Không có chỗ cho tôi, một cô gái rồi sẽ sớm quên tên của chính mình. Với tham vọng của người nhập cư, ba mẹ tôi tạo đủ điều kiện để mà tôi có thể đạt được điều gì đó ở đất nước này.

Kiều xuất thân từ một thế giới nhỏ bé, nhưng Kim biết cách di chuyển uyển chuyển trong thế giới rộng lớn, biết cách lấy lòng người Đức, trở thành một người trong số họ.

Chỉ ở đây, tại nước Mỹ này, lần đầu tiên tôi tự hỏi, liệu như vậy có phải là tất yếu hay tất cả có thể trở thành khác đi được không?

*

Chúng tôi tiếp tục chạy xuống đại lộ Bolsa một đoạn rồi rẽ vào một con đường phụ rộng và lái vào một trong những bãi đỗ xe rộng mênh mông. Từ xa, một người đàn ông đứng ở trước nhà hàng vẫy chúng tôi và tôi suýt thì không nhận ra ông ấy: Khác với ảnh trên Facebook, ông ta tóc đã bạc, trán chằn chịt nếp nhăn, râu thưa và cứng. Với cặp mắt tròn, áo phông màu xanh lá cây và quần Short kẻ ca rô, chú Sơn trông như một cậu thiếu niên già trước tuổi.

Khi cả ba chúng tôi đứng trước chú, chú phì cười và đu đưa tay về phía bố tôi. Một cử chỉ mà người ta có thể miêu tả như một nửa cái ôm. Cả hai đứng đối diện nhau, lúng túng:  Cái chết của người mẹ đã đưa hai anh em gặp lại nhau sau mười lăm năm xa cách.

“Em nhìn giống ông già đấy”, ba tôi chào chú.

“Thôi nào! Em chỉ già thôi”, chú Sơn phản đối.

“Em trẻ hơn anh.”

“Nhưng mà em trông không được vậy!” Chú cười khúc khích như một đứa trẻ.

Bốn chúng tôi đi vào nhà hàng và được chào đón bằng những tiếng nhai nhóp nhép, ồn ào. Ở Đức, các nhà hàng tôm hùm được biết đến như những nhà hàng sang trọng với khăn trải bàn vải trắng hồ cứng, với dao nĩa bạc và những người phục vụ vắt tay trái ở sau lưng trông rất tức cười. Nhà hàng này thì có vẻ giống một quán ăn trong nhà ga hơn.

Cả gian phòng vừa lớn vừa trơ trọi; trên một bức tường có treo một thứ lịch Tàu màu đỏ, mà mỗi ngày người ta có thể xé một tờ lịch ra, còn bên tường khác gắn một con cua khổng lồ bằng nhựa. Những gia đình với tám, mười, hai mươi người ngồi quanh bàn tròn trên mặt xoay được với những tấm khăn trải bằng giấy chỉ dùng một lần. Họ há miệng khi ăn và cười và khạc nhổ, hàng đống bát trống nằm bên cạnh các đĩa và ly của họ. Những ngón tay bóng mỡ giơ lên không trung, họ vẫy và búng ngón tay gọi những người phục vụ đang chạy tất bật.

“Anh Sơn phải không? Chào anh!”. Một người đàn ông lớn tuổi đeo kính phi công của thập niên 90 với đường ngôi lệch đặc trưng châu Á len lỏi đám đông chạy tới chúng tôi. Mặc dù ông ấy già hơn chú tôi, nhưng ông vẫn lịch sự gọi chú tôi là anh. Bỏ ngoài tai những tiếng gọi í ới từ cả bên phải lẫn bên trái, ông ta dẫn chúng tôi tới một bàn dài ở phía sau. Bàn này nằm cạnh bốn bể cá lớn, trong đó có hàng tá tôm hùm đang bơi: Những sinh vật bốn chân lớn, màu cam-đen với những cái kéo nặng dường đang chĩa râu về phía chúng tôi.

Chú Sơn gõ đốt ngón tay vào kính.

“Một sinh vật thật đẹp!”,  chút bật ra tiếng cười từ cổ họng. “Rất nhiều thịt.”

Ba tôi ngồi xuống chỗ đầu bàn, chú Sơn ngồi bên phải ba tôi và chú kéo ghế ra cho tôi ngồi cạnh. Sự sợ hãi trào lên trong tôi: Tôi nên nói chuyện gì với chú đây? Giá như đây là một người lạ, một nhân vật để phỏng vấn nào đó, thì tôi sẽ có cả hàng tá câu hỏi. Nhưng đây không phải là một người lạ mà tôi, với tư cách phóng viên ngồi đối diện và phỏng vấn, mà là chú tôi. Trên lý thuyết thì chúng tôi nên nói về người bà của tôi đã mất hay đại loại một chuyện gì đó xảy ra trong đời tôi những năm vừa qua. Nhưng trên thực tế thì tôi không biết mình dẫn dắt hay bắt đầu câu chuyện kiểu này ra sao: Với thời tiết ấm áp ở California? Đám tang của mẹ chú? Liệu chú có thấy phù hợp không khi nói chuyện tang lễ ở bàn ăn nhà hàng?

Một câu nói hay một câu bông đùa có lẽ sẽ giúp tôi vượt qua được sự lạc lõng lúc này, nhưng mà tôi không tìm ra được từ nào thích hợp. Do đã không nói tiếng Việt từ quá lâu rồi, cho nên  tôi đã rất chật vật để nhớ lại những từ vựng đơn giản nhất. Tôi cảm thấy lưỡi của mình nằm cứng đơ trong miệng.

Những người khác lần lượt đi vào và ngồi vào bàn chúng tôi: Chú Hùng với người vợ trang điểm trắng toát đến từ San Diego. Cậu em họ Vinh với cốc cà phê cầm theo từ Starbucks. Dì Hồng đến thẳng từ tiệm làm móng với người chồng nhút nhát bước đằng sau, trong khi đó đứa con trai mười sáu tuổi của dì lê bước nặng nhọc bên cạnh và chúi mặt vào điện thoại di động. Họ hàng thân sơ, những gương mặt mới và những gương mặt đã già đi, tất cả là một sự quá tải cho tôi. Cơ miệng tôi bắt đầu trở nên đau vì nhoẻn cười. Không khác buổi tối Speed-Dating (hẹn hò nhanh) vẫn còn ám ảnh của ba năm về trước mà sau đó tôi được tám số điện thoại và một cú trụy tim.

KHUÊ PHẠM

bản dịch của Nguyễn Xuân Hằng

KHUÊ PHẠM (*1982, BERLIN) - TÁC GIẢ

Khuê Phạm là con gái một gia đình nhập cư người Việt. Cô theo học ngành xã hội học tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Sau đó, cô làm việc cho các phương tiện truyền thông khác nhau ở các nước nói tiếng Anh. Từ 2010 Khuê Phạm làm việc cho tờ báo tuần DIE ZEIT nổi tiếng tại Đức. Dù ở nơi đâu là tiểu thuyết đầu tay của cô. Với tiểu thuyết này, Khuê Phạm trở thành một tiếng nói quan trọng cho công đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Đức.

NGUYỄN XUÂN HẰNG (*1982, HA TAY) - DỊCH GIẢ

Nguyễn Xuân Hằng là giảng viên tiếng Việt tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Á thuộc Đại học Bonn và Văn Phòng Ngôn Ngữ Liên bang, Hürth. Cô hiện là thông dịch viên tự do và phiên dịch hai ngôn ngữ Đức- Việt và Việt- Đức.

Cô đã tham gia dịch cuốn sách Mein vietnam (đồng dịch) của nhà xuất bản Mitteldeutscher năm 2020 và Ferdinand von Schirach: Khủng bố - Một vở kịch (Ferdninand von Shirach) (được xuất bản bởi ZZZ Review).

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/du-o-noi-dau