Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Lục chồng tư liệu cũ: Tạp chí Langbian đã tìm cách công bố tác phẩm của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm và “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc như thế nào?

Bùi Minh Quốc

Trước khi vào chuyện chính, xin phép vòng vo một chút.

Khi nhận nhiệm vụ Đảng (ở đây trực tiếp là Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Trung Tín) giao xây dựng Hội Văn Nghệ Lâm Đồng (tháng 2 năm 1987), tôi tự xác định việc quan trọng hàng đầu là xuất bản tờ tạp chí văn nghệ của Hội. Tôi cũng tự xác định, về mặt giá trị, không có cái gọi là văn nghệ địa phương và văn nghệ trung ương, nhà văn địa phương với nhà văn trung ương. Thời ấy mấy cụm từ này rất phổ biến và gây ngộ nhận về giá trị. Không ít mấy ông bà “nhà văn trung ương” (thực chất chỉ có nghĩa là họ làm việc ở các cơ quan trung ương) về địa phương đều ngầm tự coi mình oai hơn dân văn, dân nghệ tỉnh lẻ. Lại có “nhà văn quân đội” nữa kia, cũng không ít ông bà nhà văn quân đội ngầm tự coi cái danh xưng này còn oai hơn danh xưng “nhà văn” (chay). Nhưng nếu thử dịch sang tiếng Tây, “écrivain militaire” đặt cạnh “écrivain” thì người ta thấy đằng nào oai hơn? Chắc chắn “écrivain militaire” sẽ là một danh xưng gây cười hoặc chí ít gây thắc mắc với người nước ngoài, bởi nó là đặc sản của một chế độ độc đảng mà quân đội được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng (Cộng sản). Tôi và Bảo Cự cũng nhất trí phải dành 1/3 số trang để đăng bài các nơi gửi tới, và rất cần chú ý những bài hay của các tác giả có chỗ đứng lâu năm trong lòng bạn đọc.

Khi đặt tên tạp chí, tôi bàn với Bảo Cự, chúng mình phải tìm một cái tên gì đó đặt cho tờ tạp chí chứ đừng đặt kiểu đồng phục đã thành nếp bấy lâu, như: Văn nghệ Lâm Đồng, Văn nghệ Bình Định, Văn nghệ Hà Bắc, Văn nghệ Hậu Giang, v.v. Bảo Cự nhất trí ngay. Chúng tôi lấy tên ngọn núi cao nhất vùng Nam Tây Nguyên: LANGBIAN (về sau nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tuỵ góp ý phải thêm cái đuôi chữ G – LANGBIANG – mới biểu hiện đúng ngữ âm, nhưng chúng tôi không kịp sửa). Khi tôi báo cáo với Bí thư Nguyễn Trung Tín, ông ngầm nghĩ một lát rồi gật đầu, nhưng lại nói, cái này cần đưa ra tập thể thường vụ bàn, các anh chuẩn bị giải trình sao cho thuyết phục. Chúng tôi nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Diệp (làm việc bên Sở Giáo dục) viết sự tích tên núi Lang Biang. Sau khi nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Diệp trình bày cùng ý kiến của tôi và Bảo Cự nhấn mạnh thêm tính biểu tượng về mọi mặt của Langbian cho toàn tỉnh Lâm Đồng và cả vùng Nam Tây Nguyên, tập thể thường vụ đồng ý chấp nhận lấy tên núi đặt cho tờ tạp chí.

Tôi và Bảo Cự vui mừng thở phào nhẹ nhõm. Tuy việc đặt tên đối với nhiều người có vè là việc không mấy quan trọng, nhưng với  chúng tôi, nó là dấu mốc đầu tiên cho việc thoát ra khỏi kiểu tư duy “đồng phục” thâm căn cố đế trong văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Tôi gửi thông báo việc chuẩn bị xuất bản tạp chí LANGBIAN tới các cơ quan văn nghệ trung ương, các hội văn nghệ địa phương và các bạn văn quen biết trong cả nước đặt mối quan hệ và mời cộng tác.

LANGBIAN số 1 sẽ ra vào tháng 11.1987, dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10, chúng tôi lấy tinh thần “perestroika” (tái cấu trúc) và “glasnost” (công khai) của Liên Xô và “Đổi mới” của Việt Nam để chọn bài. Khi tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên của Hội, lúc ấy chưa Đại hội chính thức thành lập Hội mà chỉ là cuộc họp các hội viên sáng lập, chúng tôi gọi là buổi đối thoại giữa văn nghệ sĩ với lãnh đạo tỉnh, với sự tham dự nhiệt tình và trách nhiệm của Phó Bí thư trực tỉnh uỷ, tôi đã mở đầu bằng việc đọc bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một thời văn học minh hoạ” của nhà văn Nguyễn Minh Châu đăng trên báo Văn nghệ. Bài khá dài nhưng tất cả mọi người trong hội trường đều yên lặng lắng nghe say sưa từ đầu chí cuối, đủ thấy sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ từ tiếng nói trung thực và táo bạo của nhà văn lớn Nguyễn Minh Châu và khí thế đổi mới đang dâng lên sôi nổi trên cả nước.

Có mấy việc đáng được kể lại trong thời gian chuẩn bị bài vở cho tạp chí. Việc thứ nhất là chuyến thăm của nhà thơ Thanh Thảo, khoảng tháng 5.1987.  Thanh Thảo nhất định cứ đòi tôi đưa đến gặp lãnh đạo tỉnh. Bí thư Nguyễn Trung Tín đi vắng, tôi đưa anh tới thăm Chủ tịch Nguyễn Xuân Du lúc ấy đang nằm bệnh viện. Sau mấy lời chào hỏi, Thanh Thảo bày tỏ với ông Chủ tịch nỗi lo về nạn rừng thông Đà Lạt bị phá. Ông Nguyễn Xuân Du giải thích nhiều thứ, nhưng tôi nhớ nhất câu ông khẳng định: “Chặt một cây thông phải có lệnh của tôi”. Ít ngày sau, Thanh Thảo đưa tôi chùm thơ trong đó có bài “Những cây thông kêu”, tôi cho đăng Lanhbian số 1 gây chấn động bởi các câu “Những cây thông ào vào tỉnh uỷ / Xin đừng đốn chúng tôi”, cũng là cái cớ để thế lực bảo thủ tại địa phương xúm vào đánh chúng tôi khá dữ dằn, qui kết đó là thơ chống Đảng.

Việc thứ hai là cuộc đến thăm nhà thơ Trần Dần của hai vợ chồng tôi. Cuối tháng 8.1987, tôi đưa Hiền Thục ra Hà Nội trình diện gia đình, họ hàng (để sau đó về Đà Lạt sẽ tổ chức lễ cưới chính thức). Sau bữa tiệc trình diện tại nhà anh chị tôi ở 9b Nguyễn Gia Thiều, một buổi tối, tôi đưa Hiền Thục qua bên phố Đô Hành gần đó thăm anh Trần Dần. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp anh. Sau tiếng gõ cửa, và nghe tiếng đáp “mời vào”, chúng tôi bước vào căn phòng mờ mờ ánh đèn vì điện yếu, thấy anh ngồi ngay sát cửa phía bức tường bên phải, lưng dựa tường, trước mặt có chiếc bàn thấp nhỏ xíu như mặt ghế, trên đặt bộ ấm chén và chiếc đèn dầu liu hiu dùng để châm lửa hút thuốc. Hình ảnh này đúng hệt như lời anh Phùng Quán đã kể về anh Dần với tôi từ năm ngoái (1986) khi lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, quen và thân nhau. Tôi tự giới thiệu với anh Dần về mình và vợ. Tôi nói, muốn đến thăm anh từ lâu nhưng nay mới có dịp. Tuy gặp tôi lần đầu, nhưng trò chuyện một lát tôi đã cảm thấy anh Dần dành cho tôi sự tin cậy. Anh kể với tôi nhiều chuyện, trong đó tôi nhớ nhất chi tiết này: “Tố Hữu đã từng tới đây, sau ông cụ mình bảo với mình thằng này có tướng phản bạn, con hãy cẩn thận”. Tôi ngỏ ý đang chuẩn bị xuất bản tạp chí Langbian, muốn xin anh một ít bản thảo thơ để chọn đăng dần. Anh yên lặng nghĩ ngợi một lúc rồi bảo: Bản thảo của tôi đáng lẽ không ai được mang ra khỏi nhà tôi, nhưng tôi cho cậu cầm về đọc, thấy bài nào có thể đăng thì chép ra, tối mai đem trả lại tôi. Tôi mừng quá, nhận bản thảo về đọc luôn trong đêm, sáng sớm hôm sau chạy ngay tới Trung Trung Đỉnh chỗ khu tập thể quân đội ở Vân Hồ mượn chiếc máy đánh chữ, “mượn” kiểu ép buộc vì Đỉnh viết bằng máy chữ không muốn rời nó, đem về 9b Nguyễn Gia Thiều bảo vợ tự giam mình suốt ngày trên cái chòi gác chật chội nóng bức đánh cho bằng xong (Hiền Thục đánh máy rất giỏi, làm việc ở Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, toàn bộ tin, bài đều tự đánh máy cả). Lúc ấy đã gần 10 giờ đêm, tôi lật đật chạy sang nhà anh Dần trả lại anh bản thảo viết tay,  biếu anh một bản đánh máy và chào từ biệt anh.

LANGBIAN số 2 (ra tháng 2/1988), khi mở ra, sau trang mục lục là thấy trên trang đầu hiện ra hoành tráng:  TRẦN DẦN /  “Đi! – Bài thơ Việt Bắc” / Trích trường ca. Tôi trích luôn  4 chương, chiểm hẳn 23 trang tạp chí khổ 18x25. Xin đưa lên đây một số đoạn mà đến giờ đọc lại tôi vẫn thấy rung động gai người:

Ở đây

manh áo vải

chung nhau

giấc ngủ

cùng chung

chiếu đất

hành quân

chung

khói bụi

đường trường

Con muỗi độc

chung nhau cơn sốt

Chiến trường

chung

dầu dãi đạn bom

tới khi ngã

lại chung nhau

đất mẹ

 

 

Đi!

Đi!

Đi!

Hãy làm

quân cảm tử

của

những rạng đông

chằng trói

giữa

đêm tù

Đi!

Đi!

Đi!

Nếu gặp sương mù

tia mắt

hãy cào

toang

sương đục!

 

---

 

Tất cả

mọi điều sỉ nhục

không đau bằng

cái nhục: -

mốc meo!

Hãy cắt mọi giây neo

níu đời ta

ngưng đọng!

Hãy phạt gãy

mọi - lưỡi - lê - tối tăm

đày đọa bình minh!

hãy lồng lộn

như viên đạn chì uất giận

nếu ở đâu

còn

mảy bụi bất công nào!

 

 

Có thể mỏi mọi điều

không mỏi tấn công!

phải làm lại chúng ta

tất cả

không tha

để đừng có

một ai lần lữa

khi nào

chân lý gọi tên đi!

 

Tôi

chửa có khi nào

quên táo bạo

Chửa khi nào

quên hát

quên đau

Tôi yêu đất mẹ đây –

có cỏ hoa làm chứng

Tôi yêu đại nghĩa này

nhật nguyệt cãi cho tôi

Nhưng, chẳng thể

rúc kèn cũ rich,

vác loa mồm kêu:

“Hiện tại rất thiên đường!”

 

 

Nếu

tôi chửa đến ngày

thổ huyết

phổi tôi còn xâu xé mãi

lời thơ

Tôi có thể

mặc thây

ngàn tiếng chửi tục tằn

trừ tiếng chửi: –

                  “Sống không sáng tạo!”

 

Sau phần trích trường ca Trần Dần là hai bài thơ Văn Cao, bài “Khuôn mặt em” và bài “Về một người”, ngắn gọn sắc lạnh, toàn văn thế này:

 

VỀ MỘT NGƯỜI

       

Tôi lại gặp anh

Im lặng như bức ảnh

Người anh dẹt như một con dao

Gây nhiều vết thương cho bạn hữu

 

Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt

Đâu là cái cuối cùng

Chỉ riêng hai con mắt

Trắng dã không thể dối lừa.

 

Tôi không nhớ bằng cách nào hai bài thơ Văn Cao đã đến tay tôi để tôi đem đăng. Sau khi đăng, các bạn ở Hà Nội bảo với tôi: bài “Về một người” là ông Văn Cao vẽ chân dung ông Nguyễn Đình Thi. Về sau, đọc những lời sám hối (rất thương) của ông Thi trong bài thơ “Gió bay” thì tôi nghĩ chắc là đúng như thế.

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm

Quên cho những dối lừa khoác lác

Tôi biết tôi đã nhiều lần ác

Và ngu dại còn nhiều lần hơn

(Nguyễn Đình Thi – “Gió bay”)

Trong thời gian đưa LANGBIAN số 2 đi in ( ở Sài Gòn, tháng 12.1987), tôi hết sức  hồi hộp. Dặn kỹ Phó Tổng biên tập Bảo Cự và Hoàng Như Thuỷ An (người làm bìa, trình bày và theo dõi in) phải tuyệt đối bí mật, kẻo an ninh văn hoá cài người trong nhà in phát hiện được sẽ gây cản trở. Bên Ban Tuyên huấn tỉnh cử cán bộ sang Hội gặp tôi yêu cầu được xem nội dung tạp chí trước khi đưa in, tôi dứt khoát từ chối. Tôi hỏi: Ban Tuyên huấn định làm thay công việc Tổng biên tập của tôi hả? Tôi dẫn nghị quyết 8 (khoá 6) ghi rõ “Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể” và yêu cầu Ban Tuyên huấn phải chấp hành nghị quyết. Số 2 dự định ra giữa tháng 1.1988 để chào mừng đại hội thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng (họp ngày 22-23 tháng 1.1988) nhưng không kịp. Ngay sau đại hội tôi phải bay ra Hà Nội để tham gia đoàn nhà văn Việt Nam đi dự một khoá tu nghiệp ba tháng do Hội Nhà văn Liên Xô tổ chức tại Viện Văn học Gorki. Mọi công việc Hội và tạp chí do Bảo Cự gánh vác.

Trong thời gian ở Hà Nội chờ đợi để lên đường, tôi tranh thủ đi tìm bản thảo bản “Đề dẫn”. Bản này tôi đã có từ 1979 khi dự hội nghị đảng viên hội viên, mỗi người đều được nhận một bản in ronéo, nhưng lúc chuẩn bị bài cho LANGBIAN số 3 tôi lục hết các cặp tài liệu của mình mà không thấy, chắc đã để lạc mất khi chuyển công tác từ Đà Nẵng lên Đà Lạt. Tôi nhờ Nguyễn Trung Thu bạn tôi làm việc ở Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương tìm giúp trong tư liệu của Ban nếu có thì sao cho một bản nhưng Thu cũng không tìm được. Thu bảo hãy gặp Từ Sơn hỏi, hy vọng có thể có vì Từ Sơn là nhà nghiên cứu phê bình rất dày công gom giữ tư liệu. Quả nhiên, anh Từ Sơn có một bản, và chỉ mỗi một bản, nên chỉ cho mượn, tôi phải đem đi tìm một người đánh máy thuê, rất bí mật, đánh gấp năm bản rồi đem trả lại bản gốc cho anh. Tôi viết sẵn “Lời toà soạn” đính kẻm và chạy ngay ra Bưu điện Bờ Hồ gửi bảo đảm về cho Bảo Cự, dặn đăng số 3, ở mục Nghiên cứu phê bình. Trước khi bay đi Mat-xcơ-va, tôi gọi điện về hỏi, nghe Bảo Cự báo tin đã nhận được “Đề dẫn”, mừng quá đỗi. Và “Đề dẫn” đã đăng số 3, ra tháng 7.1988. Ở số 3 này còn đăng hai bài thơ Hữu Loan, “Đèo Cả” và “Tục Đèo Cả”, bản thảo do chính tác giả chép cho Langbian.

Một thời gian sau khi đăng “Đề dẫn”, tôi gặp anh Nguyên Ngọc (lúc này tôi và Bảo Cự đã bị khai trừ, cách chức và anh Ngọc đã bị mất chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ) nói đến việc LANGBIAN đăng “Đề dẫn”, tưởng anh sẽ vui mừng với tôi, không ngờ anh lại có vè cáu: “Sao ông đăng Đề dẫn mà không hỏi ý kiến tôi?”. Tôi thầm nghĩ, việc chuẩn bị đăng hết sức bí mật, kể cả với tác giả, nên tôi chỉ nhẹ nhàng giải thích với anh: vì xa cách quá nên không kịp liên lạc với anh. Đến khi đọc hai bức thư của ông Nguyễn Khải và ông Chế Lan Viên tôi mới hiểu tâm trạng bực bội của anh Nguyên Ngọc về việc Langbian đăng “Đề dẫn”, anh bị qui là “bè phái”, một tội rất nặng, mà việc đăng “Đề dẫn” là một trong các chứng cứ mặc dù việc đó là do tôi chủ động, anh không hề hay biết. Tiện thể nhắc lại luôn: trong văn bản khai trừ, cách chức tôi và Bảo Cự, tội “bè phái” xếp số 1.

Có lẽ việc đăng “Đề dẫn” sau mấy số đăng thơ Thanh Thảo, Trần Dần, Văn Cao, Hữu Loan là giọt nước làm tràn ly khiến Bộ trưởng Bộ Thông tin Trần Hoàn phải tức tốc ra ngay cái lệnh cấm Sở Văn hoá Thông tin các tỉnh không được cấp phép xuất bản cho các tạp chí văn nghệ địa phương (trước hết nhằm đình bản LANGBIAN), dẫn đến hành trình xuyên Việt của ĐOÀN VĂN NGHỆ LANGBIAN (với sự có mặt của lão thi sĩ “Nhân văn – Giai phẩm” Hữu Loan) lên tiếng – bằng văn bản, kiến nghị và tuyên bố đòi tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản, với chữ ký của 128 công dân và văn nghệ sĩ, một sự kiện mà lão thi sĩ “Nhân văn – Giai phẩm” Hữu Loan đánh giá là chưa từng có trong phe xã hội chủ nghĩa.

Đà Lạt, 13/6/2022