Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (16)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

23. LÊ ÐẠT

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Mai-a-kốp-ski tạ thế: Học tập Mai-a-kốp-ski (Maiakovski), phát huy sức sống mới của thi ca Việt Nam


Mai-a-cốp-ski (Maiakovski) mất ngày 14-4-1930. Từ đó đến nay, hai mươi nhăm năm đã qua. Nhưng tiếng nói của Mai-a vẫn bao trùm thời đại, nóng hổi như một điệu kèn xuất trận, thúc giục chúng ta tiến lên phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Trong cái rung chuyển long trời lở đất của Cách mạng Tháng Mười, thơ Mai-a xuất hiện như một cơn động đất làm vụn nát những quan niệm tư sản cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca Liên Xô hồi đầu.
Tôi chưa đọc được hết Mai-a. Những bài thơ Mai-a tôi đã đọc, tôi chưa dám chắc đã hiểu được hết. Ai mà hiểu hết được thiên tài? Nhưng, là một người mới làm thơ và đang cố gắng tìm tòi về thơ cách mạng, tôi mạnh bạo trình bày với các bạn một vài bài học lớn nhất của Mai-a để chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Mong rằng sẽ có nhiều bạn nghiên cứu Mai-a và sẽ giới thiệu Mai-a, "nhà thi sĩ hay nhất, lớn nhất của thời đại Xô Viết" (Sta-lin) với nhân dân Việt Nam một cách đầy đủ hơn.
Làm thơ là một việc sản xuất đúng yêu cầu của xã hội:
Bài học thứ nhất Mai-a dạy chúng ta là thái độ nhà thơ trước thời đại, là quan niệm về nghề nghiệp về trách nhiệm của ngòi bút đối với cách mạng, đối với nhân dân. Nhà thơ không phải là một người vô công rồi nghề, mơ mộng đi bên cạnh cuộc chiến đấu. Nhưng nhà thơ cũng không phải là phấn, sáp, hoa, tô điểm cho cách mạng. Nhà thơ là một người chiến đấu, đại diện cho giai cấp, xây dựng cách mạng bằng cách đem những tư tưởng, tình cảm tiến bộ cấy vào tâm hồn quần chúng.
“Nhà văn cách mạng không phải là một kẻ phi giai cấp làm những bài thơ phất phơ vô ích mà bụi bậm bám đầy trên những giá để sách. Nhà văn cách mạng là một người tham gia vào công việc hằng ngày của mọi người để xây dựng chủ nghĩa xã hội” [1]
Người công nhân xây dựng xã hội bằng máy móc, người bộ đội bảo vệ cách mạng bằng xương máu, người thợ cũng phải xây dựng xã hội, bảo vệ cách mạng bằng thơ của mình.
"Tôi muốn

Ngòi bút

Sắc bén như lưỡi lê

Tôi muốn

Sta-lin

Báo cáo lại Bộ Chính trị

Về đúc gang

Và về công việc của người

thi sĩ"

Một bài thơ là một công tác cách mạng.
Chỉ làm thơ "khi nào trong xã hội có một vấn đề mà không có cách nào giải quyết ngoài cách giải quyết bằng thơ". Nhà thơ phải đáp ứng yêu cầu của xã hội, đem tất cả sáng tác của mình "phục vụ quyền lợi của giai cấp vô sản".
Một nhà thơ không thể tách rời quyền lợi của giai cấp.
Làm thơ "phải có một sự đòi hỏi chính xác hay nói cho đúng hơn, một sự cảm thông về những đòi hỏi của giai cấp, về một vấn đề nhất định, hướng bài thơ về một mục đích chắc chắn".
Thơ không phải là một chuyện chung chung, không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của tác giả, mà phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Thơ là "một kỹ nghệ đặc biệt" nhưng cũng là một thứ kỹ nghệ. Không nhà máy nào sản xuất lung tung, nhà thơ cũng thế.
"Theo ý tôi thì bài thơ hay nhất phải là bài viết đáp ứng cho sự đòi hỏi của xã hội mà Quốc tế Cộng sản đã đề ra, viết cho sự thắng lợi của giai cấp vô sản, bằng những chữ dùng mới, có hiệu lực và dễ hiểu, được đẻ ra trong lúc cần thiết và gửi đến toà soạn bằng máy bay tốc hành".
Có thể nói không một chuyển biến sâu xa nào của thời đại mà thơ Mai-a không đề cập đến. Mai-a chăm chú quan sát, suy nghĩ về từng phát hiện mới của cuộc đời. Thơ Mai-a nẩy nở cùng với thực tế. Mai-a rất khinh lối thơ "tâm tình chủ nghĩa" xuýt xoa, và lên án lối thơ "tán gái".
"Cứ thấy cái món trữ tình rồ dại ấy là tôi phì cười, vì làm nó dễ quá. Nhưng nó chẳng được ai chú ý cả, trừ vợ người viết".
Mai-a cho nhà thơ phải là một cán bộ vận động quần chúng, dùng nhiệt tình, dùng thơ của mình thúc đẩy quần chúng chiến đấu. Thơ không phải là một chuyện ngâm nga trong phòng, thơ phải là một bài hịch phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội.
Trong một bài nghiên cứu về Mai-a, Si-mô-nốp sau khi công kích vị trí nhỏ bé một cách rất vô lý mà mọi người dành cho thơ trong các tờ báo, viết:
"Trong nhiều trường hợp chúng ta in thơ trong báo có tính chất trang trí, phụ họa vào những bài chính hay những bài diễn văn, thường thường là vào dịp hội hè. Theo truyền thống Mai-a, thơ không phải như thế. Thơ Mai-a không dùng để tô điểm cho những bài chính; nó thay thế những bài đó; nó không bình luận những diễn văn: bản thân nó là những bài diễn văn về những vấn đề xã hội chính yếu nhất".
Ở Việt Nam bao giờ chúng ta mới có những bài thơ thay thế cho những bài xã luận, những bài thơ trực tiếp giải quyết những vấn đề gay go của thực tế? Bao giờ mới có những bài thơ thoát khỏi những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu?
Dũng cảm tấn công đế quốc và những tàn tích cũ trong hàng ngũ cách mạng
Bài học thứ hai Mai-a dạy chúng ta là bài học về lập trường giai cấp trong thơ.
Nói đến thơ cách mạng mà không nói đến giai cấp và Ðảng của giai cấp thì chỉ là một cách nói vu vơ trên trời.
"Tất cả sức mãnh liệt của nhà thơ
Tôi cống hiến

Cho giai cấp đang tấn công

...........
Ðảng

Là xương sống của giai cấp

Ðảng

Là sự bất tử của chủ nghĩa
Bộ óc của giai cấp
Quyền lợi của giai cấp
Lực lượng của giai cấp
Vinh quang của giai cấp
"

Với Mai-a cá nhân nhà thơ với xã hội không còn cách biệt, đối lập, vì tình cảm Mai-a hoàn toàn phù hợp với tình cảm của cách mạng. Không còn có thơ chính trị và thơ trữ tình. Thơ Mai-a là thơ trữ tình chính trị.
Ngày 7-11-1917 khi chiến hạm Bình Minh báo hiệu giờ bình minh của nhân loại, Mai-a say sưa gọi Cách mạng Tháng Mười là "cách mạng của tôi", say sưa đem tất cả trí tuệ, tình cảm của mình hiến cho cách mạng vì
"Ngoài chủ nghĩa cộng sản

Không thể có tình yêu"

Niềm vui của Mai-a lớn lên theo cách mạng, theo nhịp kiến thiết vĩ đại của kế hoạch Sta-lin. Mai-a với cách mạng là một. Nhìn những tập thơ của mình bày trong tủ kính, Mai-a hớn hở:
Tôi hài lòng

Ðấy là lao động riêng tôi

Góp vào

Lao động

Nước Cộng hoà Xô viết

Mai-a viết tiếp:
"Tôi thấy tôi như một chiếc máy xô-viết

Chế tạo ra hạnh phúc"

Cách mạng không bóp chết cá nhân. Trái lại tất cả thơ của Mai-a là một bài thơ trữ tình nồng nhiệt "nói về thời đại và nói về mình". Cá tính giai cấp của nhà thơ càng mạnh thì nhà thơ càng phản ánh thời đại một cách đầy đủ. Cho nên dấu mình đi không dám nói đến mình, nhiều khi chỉ chứng tỏ một sự nghèo nàn, yếu đuối của tâm hồn.
Nhưng thiết tha ca ngợi chế độ không, không đủ. Tha thiết phải đi đôi với căm thù:
"Tim tôi bỗng trở nên vĩ đại

Yêu vĩ đại
Căm thù vĩ đại
"

Thơ Mai-a là một tấn công không ngừng vào kẻ địch bên ngoài và những cái hủ bại của xã hội cũ còn rớt lại bên trong.
"Nói với bọn phát-xít lời nói của lửa cháy
Chĩa vào mặt chúng những chữ đạn
Những lời chửi nhọn như lưỡi lê
"
Với con mắt sáng suốt của một nhà thơ vô sản hun đúc trong lòng căm thù của giai cấp, Mai-a đã nhìn thấy từ năm 1926:
"Nước Mỹ sẽ trở nên kẻ chiến đấu cuối cùng cho bọn tư bản hấp hối bị lịch sử lên án".
Sau khi nêu lên hình ảnh tàn phá của chiến tranh do bọn "đầu tròn hơn cái đĩa cao lâu, những con lợn béo quái gở" gây ra, Mai-a lớn tiếng vạch rõ bộ mặt tàn nhẫn của bọn tư bản đế quốc Mỹ phì nộn, hể hả trên đống xương máu của loài người:
Moóc-găng

Vợ

Mặc áo lót mình

Im lặng.

Nhìn

Rượu xâm banh

Lên bọt

Móc-găng nói

Anh tặng em

Nhân ngày kỷ niệm

Một tài sản hơi bị tàn phá

Nhưng cũng vẫn còn xinh

Thần tự do của Mỹ trước mắt Mai-a chỉ là:
Một tên lính giữ nhà cho những

Sự mê hoặc

Két bạc

Mỡ.

Ý thức giai cấp sâu sắc mài nhọn cảnh giác của nhà thơ, Mai-a "ngửi thấy mùi thuốc súng sặc sụa từ mọi biên giới bay đến", nhưng Mai-a không sợ:
"Chúng ta ghét chiến tranh
Nhưng nếu thật chiến tranh trở lại
Chúng ta quyết không hề sợ hãi

Như một lũ ngu đần

Quyết không theo

Không trốn dưới quần
Bọn vú sữa của hòa bình chủ nghĩa
"

Những vần thơ tưởng như mới làm hôm qua, hôm kia! Thời gian không làm mòn được thiên tài. Một nhà thơ lớn bao giờ cũng hiện tại.
Tấn công bọn đế quốc, đồng thời cũng phải tấn công những tàn tích thối nát còn rơi rớt lại trong nội bộ đất nước, trong lòng cách mạng.
Mai-a thù hằn bọn phong kiến, lái buôn đội lốt cách mạng, dùng cái nhãn hiệu vô sản để yểm hộ cho những cái thối nát của chúng.
Cuộc đấu tranh với những "cái xác chết mà cuộc đời chưa kịp chôn" này lâu dài và gian khổ không những không kém, mà có khi còn hơn cuộc đấu tranh với kẻ thù cầm súng. Vì kẻ thù cầm súng tương đối nhìn dễ thấy hơn những tư tưởng lạc hậu ngụy trang dưới lá bùa cách mạng, vô tình hay hữu ý lợi dụng những nguyên tắc của cách mạng để bảo vệ cái cũ. Mai-a sáng tác những bài thơ đả kích quyết liệt. Mai-a đã nâng thơ đả kích lên thành những "khẩu súng công phá". Tiếc rằng lúc này tôi không có một số bài thơ đả kích của Mai-a trước mặt để giới thiệu với các bạn, tôi xin tạm phỏng dịch một đoạn của Pa-péc-ni (Paperny) [2] nói về thơ đả kích của Mai-a.
Trong bài “Tắm”, Mai-a đập mạnh vào loại quan liêu điển hình, những "người chui trong túi", cận thị và mù quáng, suy xét và chủ trương đều dựa tất cả vào lời vàng thước ngọc đề ra trong sách, những cái máy định xây dựng xã hội mới bằng cách lùa tất cả những hành động của con người vào những trang giấy mà chúng tôn sùng như kinh thánh, tự biến mình thành những cảnh sát vô vị canh gác những nguyên lý cứng đờ.
Chủ nghĩa cộng sản không cần những con người như thế.
Trong bài thơ “Bọn hội nghị” Mai-a diễu cợt những đệ tử trung thành của "chủ nghĩa hành chính" có đủ khả năng làm tê liệt mọi công tác trong những nguyên tắc dài dằng dặc. Từ sớm đến tối, họ có đủ phấn khởi và nhiệt tình tự giam mình trong buồng họp không tiếp khách để bàn cãi về những vấn đề rất vô ích như "vấn đề mua một lọ mực". Cuối cùng Mai-a đẩy cửa vào và đứng sững lại, sửng sốt: Chung quanh bàn không phải những con người mà những "nửa con người". Thì ra bọn nha lại trong cách mạng muốn cùng một lúc dự hai cuộc họp, nên bắt buộc phải tự cắt ra làm đôi "đến thắt lưng ở chỗ này, phần còn lại ở chỗ khác". Ðể kết luận, Mai-a đề nghị "một cuộc họp nữa để thủ tiêu tất cả những cuộc họp như thế".
Trong bài “Thằng nịnh”, Mai-a nguyền rủa bọn nha lại mới hỏng xương sống không cất ngay lưng được, một bọn không có chính kiến, không có cá tính, một loài bò sát nghĩ đến chuyện làm cấp trên vui lòng nhiều hơn là nghĩ đến ích lợi của nhân dân, của cách mạng; cái gì cấp trên đề ra chúng cũng nhắm mắt vâng theo ca ngợi, không bao giờ dám dũng cảm đấu tranh nội bộ. Mai-a đề nghị quét hết cả bọn nịnh thần và những bọn che chở cho chúng ra ngoài cách mạng.
Một nhân vật nữa, “Người cạo giấy”, chăm chỉ, cần cù nhưng không nhìn xa quá tầm mũi, không thắc mắc, không suy nghĩ, không thất vọng, thoải mái một cách quái gở trong những cái tầm thường hàng ngày, làm việc như một cái máy.
Và Mai-a lớn tiếng:
"Là cộng sản

là thử thách

suy nghĩ

muốn làm

dám làm"

lấy "cái vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản" mà "soi vào từng công việc nhỏ một".
Chúng ta còn thiếu những vần thơ đả kích như thế. Thơ chúng ta hiền lành, ngoan ngoãn làm sao! Qua thơ hình như thấy cách mạng tiến dễ dàng, "trời quang, sóng lặng" như trong chuyện thần tiên cho em nhỏ. Tất cả đều "quá tốt đẹp trong một xã hội quá tốt đẹp". Chúng ta chưa vạch được bộ mặt đểu cáng của kẻ thù bên trong, chưa lột mặt nạ được những tư tưởng lạc hậu đội lốt cách mạng, chưa lên án chúng. Chúng ta còn e dè nhiều quá.
Không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức:
Bài học thứ ba mà Mai-a dạy chúng ta là thái độ dũng cảm đấu tranh cho cái mới. Nhà thơ không phải là người ở lẽo đẽo đi theo hầu thực tế. Thơ phải đi trước thực tế, phải luôn luôn đổi mới. Mai-a hô hào những nhà thơ phải "xốc tới ngày mai, xốc tới đằng trước" phải ghê tởm việc mô tả "những tiếng động của ngày hôm qua". [3]
"Thơ chân chính phải đi trước cuộc đời, dù chỉ là một giờ".
Nhà thơ không phải chỉ mô tả hiện tại mà còn phải vượt quá hiện tại, nhìn thấy tương lai, rọi sáng con đường đi tới.
Một nhà thơ không bao giờ được hài lòng với cái hiện tại.
Cách mạng là biến chuyển, là đổi mới, thơ cũng phải biến chuyển cũng phải đổi mới.
Muốn thế phải dũng cảm đấu tranh với những lề lối quá thành thuộc, đập vỡ những công thức, chống những kẻ "thường nêu chiêu bài bảo vệ truyền thống văn nghệ cổ điển của dân tộc để ngăn cản cái mới".
Với chúng, Mai-a trả lời dứt khoát:
"Có đồng chí cho là tôi đả kích tất cả các nhà thơ cổ điển. Tôi không bao giờ lại làm một việc ngu dại như vậy.
"Tôi chỉ nói không có những nhà thơ cổ điển ngự trị mọi thời đại. Nghiên cứu họ, yêu họ đối với thời đại của họ. Nhưng cái mông bằng đồng đen đồ sộ của họ đừng cản lối những nhà thơ trưởng thành đi lên.
"... Nếu tôi chống lại những nhà thơ cổ điển thì không phải để gạt bỏ họ, mà là để nghiên cứu họ, để dùng được những điểm mà họ có ích cho giai cấp công nhân. Nhưng không nên tiếp nhận họ mà không bàn bạc như thường vẫn xảy ra ở nước ta".
Ðề cao nhưng không mù quáng, tiếp tục nhưng có sáng tạo. Chủ trương của Mai-a đối với các nhà thơ cổ điển soi sáng thêm cho chúng ta trong lúc thực hiện đường lối khai thác vốn cũ.
Muốn đấu tranh cho cái mới phải can đảm, phải bền bỉ.
"Lúc nào cũng phải bảo vệ một lập trường văn nghệ nhất định, đấu tranh chống khuynh hướng ngu dân mà người ta vẫn còn thấy trong nước Cộng hòa mười ba tuổi của chúng ta". Trong "khuynh hướng ngu dân mới" điều nguy hiểm nhất là "quan điểm quần chúng giả mạo" nịnh quần chúng, dựa vào thói quen của quần chúng, dùng số đông quần chúng để bảo vệ phía lạc hậu của quần chúng. Thần thánh hóa quần chúng là hạn chế sự tiến bộ của quần chúng, hạn chế sự tiếp thu cái mới của quần chúng, khuyến khích những rơi rớt xấu xa còn sót lại trong quần chúng. Nên nhớ quần chúng chỉ thành sức mạnh đầy đủ khi có sự lãnh đạo của Ðảng. Tách rời hai yếu tố Ðảng và quần chúng là một điều có hại cho cách mạng. Quần chúng chưa có ý thức và chưa được lãnh đạo đến nơi đến chốn thường có khuynh hướng thích thú những cái đã quen thuộc (nghĩa là đã cũ hay đương bắt đầu cũ) và bỡ ngỡ trước cái mới.
Về điểm này Mai-a có những ý kiến khó lòng có thể rõ ràng hơn.
Sau khi ca ngợi ''đông đảo quần chúng vô sản và nông dân, những người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội... những độc giả chân chính", Mai-a viết:
"Nghệ thuật không phải ngay từ lúc sinh ra đã là nghệ thuật quần chúng, nó trở thành một nghệ thuật quần chúng do kết quả của rất nhiều cố gắng phê bình, phân tích giá trị và sự ích lợi của nó, do kết quả của sự phổ biến sâu rộng của Ðảng và của chính quyền..."
Muốn đấu tranh cho cái mới còn phải chống ngay với cái nếp quen trong bản thân người làm thơ. Phải duyệt lại cái cũ cẩn thận, phải đập vỡ tất cả những khái niệm thần tượng mà nhiều người tôn sùng.
Theo Mai-a, không có những luật lệ bất di bất dịch. Phải có những vần thơ mới từ nội dung đến hình thức để ca ngợi cái mới. Và không gì đáng thẹn bằng để nội dung mới "thò ra khỏi bộ áo quần thơ cũ ngắn cũn cỡn đến nỗi chỗ nào cũng rách toạc cả." [4]
Bài thơ không còn là một thứ để ngâm nga nhàn tản, mà là một lời kêu gọi chiến đấu, thì tất cả vần, điệu của bài thơ đều phải phục vụ mục đích ấy. Câu thơ dài hay ngắn, cái đó không quan trọng miễn là nêu bật được cái muốn nói và gây được tác dụng mạnh trong lòng quần chúng cũng để phục vụ mục đích ấy. Mai-a sáng tạo ra nhiều lối gieo vần không hề có trong một quyển mẹo làm thơ nào từ trước đến giờ.
Mai-a đã giải phóng cho thơ Liên Xô. Mỗi nhà thơ tùy theo yêu cầu của cách mạng và tùy theo điệu tâm hồn của mình, sẽ sáng tạo ra những luật lệ riêng cho mình. Miễn là phục vụ được đòi hỏi của xã hội. Muốn sáng tạo được những bài thơ như thế cần phải lao động. "Thơ không phải là một trò giải trí, mà là nghề nghiệp vô cùng khó khăn, một nghề nghiệp cần thiết và bổ ích." [5]
Trong một cuộc triển lãm thơ, Mai-a nói với anh em công nhân:
"Các đồng chí, một nhiệm vụ nữa của tôi là phải trình bày để các đồng chí thấy khối lượng công việc tôi đã làm. Ðể làm gì? Ðể các đồng chí thấy một ngày của nhà thơ, có trước mặt những vấn đề lớn lao của đất nước, không phải chỉ cần tám giờ mà mười sáu, mười tám giờ. Ðể các đồng chí thấy chúng tôi không có thì giờ nghỉ ngơi, mà lao động bằng ngòi bút ngày này sang ngày khác, không khoanh tay ngủ gật bao giờ".
Tôi đã cố gắng giới thiệu đại cương những bài học lớn của Mai-a mà tôi cho là quan trọng nhất đối với thơ ca Việt Nam ngày nay. Ðó cũng là những điểm cụ thể và căn bản của chủ nghĩa hiện thực mới.
Có người e rằng vấn đề thơ Mai-a là vấn đề có tính chất hoàn toàn Liên Xô và giới hạn trong khoảng mười năm liền sau Cách mạng Tháng Mười, không thể áp dụng ở nước ta được, vì hoàn cảnh khác nhau.
Ðành rằng xã hội Liên Xô và xã hội Việt Nam có khác nhau ở điểm này điểm nọ, nhưng có giống nhau ở một điểm chính yếu là chủ nghĩa Mác và cách mạng. Và vấn đề thơ Mai-a là vấn đề thơ cách mạng. Học tập Mai-a là học tập cái chất cách mạng ấy.
Lối học tập máy móc, ăn sống nuốt tươi thì cố nhiên là chúng ta phản đối. Nhưng một mặt khác chúng ta cũng phản đối cái lối lấy nê một vài điểm khác nhau về hoàn cảnh để làm hàng rào ngăn ảnh hưởng thơ cách mạng của Mai-a.
Ðược quan niệm đúng, sự áp dụng những bài học của Mai-a có thể thực hiện ở Việt Nam cũng như ở bất cứ một nước nào làm cách mạng theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Trong một thế giới mới đang chiến đấu và xây dựng, giữa lúc chúng ta cần yêu thêm, ghét thêm, nâng cao lý tưởng xã hội và nhân phẩm con người, chúng ta càng cảm thấy tiếng nói đanh thép của Mai-a là vô cùng cần thiết.
Mai-a qua đời đã hai mươi nhăm năm. Nhưng Mai-a không chết. Một nhà thơ lớn không bao giờ chết. Thơ Mai-a không phải là dĩ vãng. Thơ Mai-a là hiện tại, là tương lai.
Mai-a nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ: Ngòi bút của nhà thơ Việt Nam không thể để rỉ trong hòa bình sau hiệp định Giơ-ne-vơ, trong cái đoàn kết nội bộ xuê xoa từ trước tới giờ. Mai-a dạy chúng ta "yêu thương và căm hờn vĩ đại", chiến đấu với địch ngoài thù trong, nhất định không lùi một bước, luôn luôn đi tìm cái mới, cách mạng nội dung và hình thức, đánh bại mọi trở lực trong thơ, ca Việt Nam.
Mai-a kêu gọi chúng ta dũng cảm xông ra hỏa tuyến, làm nhà thơ cách mạng, những chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ, mài sắc ngòi bút của mình đem góp vào "binh công xưởng" của nhân dân.
Nguồn: Văn nghệ, số 69 (21.4.1955); số 70 (1.5.1955).
[1]Tất cả những đoạn trích dẫn in ngả và đặt trong ngoặc kép trong bài này đều là của Mai-a. (nguyên chú của Lê Ðạt).
[2]Ðăng trong tạp chí Văn học Xô viết (nguyên chú của Lê Đạt). - Có lẽ là muốn nói tới bản tiếng Pháp “Lettre Sovietique” của tạp chí này, do Hội nhà văn Liên Xô xuất bản (NST).
[3]Ý câu này nói những tư tưởng tình cảm đã cũ (nguyên chú của Lê Đạt).
[4]Khẩu hiệu "bình cũ rượu mới “không chống lại mà chỉ bổ sung ý kiến này của Mai-a. "Bình cũ rượu mới" là những trường hợp đặc biệt, ở đó lợi dụng hình thức cũ để diễn đạt tư tưởng tình cảm mới có lợi hơn. "Bình cũ rượu mới" không thể là phương châm cho toàn bộ một nền văn nghệ được (nguyên chú của Lê Ðạt)
[5]En-xa Tờ-ri-ô-lê (Elsa Triolet) viết trong quyển Mai-a-kôp-ski, nhà thơ Nga (nguyên chú của Lê Ðạt)