Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Ngôi nhà trắng bên kia ngục tù

Hồ Anh Thái

Mọi chuyện diễn ra trong một trại tập trung của phát xít Đức vào đầu năm 1945, tức là thời điểm cuối của Chiến tranh thế giới II.

Erich Maria Remarque tập trung vào một nhóm thành viên tổ chức ngầm trong nhà tù, gồm những người bị bắt vì những hoạt động chính trị khác nhau. Đứng ở vị trí trung tâm là người mang số tù 509. Có lúc ông bị tên cai tù mang máng nhận ra, có thể sẽ bị giết ngay trong ngày. Chỉ bằng mưu trí, ông tìm cách hối lộ tên cai tù để sống thêm một ngày, “hiện thời mình chỉ nên nghĩ đến ngày mai”, mỗi ngày tạm đưa cho nó một đồng 20 mark hiếm hoi. Thậm chí ông còn phải bịa rằng có tài khoản 5.000 franc ở ngân hàng Thụy Sĩ, hứa hẹn sẽ ký giấy chuyển tiền sang cho nó. Có khi tổ chức phải đánh tráo quần áo tù số 509 vào một xác chết, và tạm giấu ông trong trại đầy ắp người. Người tù bí ẩn 509 và tổ chức ngầm chuẩn bị nhiều phương án đối phó với bọn lính cai ngục. Khi trại bị đánh bom, một số người nhân lúc lộn xộn mà có thể bỏ trốn qua những căn nhà đổ nát. Nhưng lý trí và tinh thần tổ chức đã giữ cho họ không bỏ chạy. Mỗi tù nhân bỏ trốn thì mười người tù sẽ bị bọn SS giết.

Viết về một trại tù của phát xít Đức, không thể lảng tránh những điều ghê sợ, nhưng một tài năng lớn như Remarque biết cách xử lý để cuốn sách trở nên hấp dẫn. Tài năng của ông thể hiện qua việc chắt lọc hiện thực, chỉ vài chi tiết đủ gây ấn tượng mạnh. Trại tù hàng nghìn người, cả tù chính trị và thường phạm, bị bắt giam vì là người đạo Hồi, người Công giáo, người Do Thái “sinh vật mà chỉ có tội tình là đã thờ một vị chúa khác những kẻ hành hạ họ, đã bị đày xuống thành một thứ hạ đẳng không còn phải con người”. Tù nhân thường xuyên bị bỏ đói, không được phát bánh mì, hằng ngày người chết la liệt. Tù mới đến trại đã bị lục soát kỹ, nhưng khi chết, tử thi bị kiểm tra lần nữa, nhổ lấy những chiếc răng vàng, tịch thu đồ quý như gọng kính bạch kim. Người tù Lohman có chiếc răng vàng, trước khi chết đòi bạn tù nhổ ra, “Chúng nó không có quyền lấy cục vàng đó. Đừng để chúng nó lấy”. Chiếc răng vàng này sau đó được bí mật đổi chác với cai tù, được một ít thịt và bánh mì, cứu đói cho nhóm người tù lay lắt.

Tù nhân theo Công giáo tên là Ammers trước khi chết bỗng trở chứng, khăng khăng đòi được xưng tội với cha đạo. Rất nan giải, bạn tù mới tìm được một người biết tiếng Latinh. “Cha đạo” này khi đến với con chiên vẫn ôm khư khư chiếc bát ăn trước ngực vì sợ bị tù nhân khác ăn cắp mất.

Trong cảnh bị bỏ đói và bệnh tật như thế, xác chết liên tục được đưa vào lò thiêu. “Hai cánh cửa lò nặng nề đóng sầm lại nhưng một cánh bỗng bật ra. Berger thoáng thấy người đàn bà rướn mình lên như vừa tỉnh giấc. Tóc chị ta cháy bùng lên như một vầng hào quang, rồi cánh cửa lúc nãy bị kẹt bởi một miếng xương ập mạnh lần cuối”.

Cảnh đến trại và chuyển trại cũng được miêu tả thật ấn tượng. Tù thì đông, diện tích trại có hạn, bọn cai tù bày ra quy định chỉ nhận những người mới đến còn đủ sức đi qua cổng vào trong trại. Có người kiệt sức ngã gục nhưng cố bò đến cổng trong vài trăm mét cuối cùng mà không nổi. Chân tay co quắp, họ thu hết lực tàn bò lổm ngổm như những con thú.

Còn có đoàn tù phát lưu mới dừng chân ở sân trại để chuyển đi tiếp. Họ biết rằng đi là chết, nên nằm lăn trên sân, dứt khoát không chịu đứng dậy vì sợ bị lùa đi. Bọn lính SS phải đẩy ra một thùng cà phê và một thùng thức ăn, giả vờ phát, để lừa cho họ đứng dậy mà tống ra khỏi trại.

Giữa những người tù già nua bệnh tật trong trại có một thằng bé hơn mười tuổi người Tiệp Khắc, tên là Karel. Nó đã bị chuyển qua nhiều trại và sống được cho đến ngày trại được giải phóng. Sống được là nhờ có người tù dạy cho cách ăn gan tù nhân đã chết “cắt đúng chỗ là ăn được… ông ta nói người chết đằng nào cũng chết rồi. Ông ấy dạy tôi nhiều thứ như giả chết, cách chạy đâm qua đâm lại khi bị bắn ở phía sau. Tôi còn biết cách làm thế nào để khỏi chết ngộp khi bị chôn tập thể để rồi ban đêm moi đất chui ra”.

Đối trọng với những người tù là bọn sĩ quan và lính SS. Tên trưởng trại Weber tàn ác, ngày quân đồng minh đến giải phóng hắn đã còn đốt trại và đã phải đền tội. Tên đại tá khi nhận thấy đã đến ngày tàn bèn nới lỏng kỷ luật, phát thêm thức ăn cho tù nhân. Nhưng người “sáng suốt” hơn lại là mụ vợ hắn. Khi thành phố bị đồng minh tấn công, mụ sợ chết, nhiều lần đòi vào trong trại với chồng “để an toàn hơn”. Nhưng lão đại tá mù quáng không cho mụ vào trại, cuối cùng mụ đã vét sạch của cải mang con trốn đi.

Trên nền câu chuyện chết chóc, vẫn có một mối tình. Remarque không dành nhiều số trang để viết về họ, nhưng chuyện tình tù nhân làm dịu đi một bối cảnh khốc liệt. Anh chàng Bucher yêu cô Ruth bên trại nữ. Khi tất cả tù nhân bị bỏ đói, anh được bạn tù cho một miếng bánh nhỏ. Không ăn, anh đến bên hàng rào ném miếng bánh sang cho bạn gái. Lần đầu trời tối quá, không nhìn rõ mặt, người đàn bà bên kia hàng rào kẽm lại giả vờ nhận mình là Ruth. Thật là hẫng và đau. Mấy ngày sau đó, anh cẩn thận hơn, và ném được miếng bánh cho đúng người. Đôi trai gái là tù nhân thường chỉ có cách tâm sự qua cái hàng rào kẽm. Từ trại nhìn ra xa, họ nhìn thấy một căn nhà màu trắng với khoảng vườn. Đấy là biểu tượng của cuộc sống thanh bình. Cho đến một ngày trại được giải phóng, đôi trai gái mới lần đầu được dắt tay nhau đi. Việc đầu tiên là họ đến với ngôi nhà trắng và khoảng vườn kia. Đến nơi thì hóa ra phía sau nhà đã bị bom làm sập. Hai người nhặt nhạnh thu dựng lại ở tạm ít ngày. Dù sao ước mơ về cuộc sống bình yên của họ cũng đã thành sự thật.

Nhà văn người Đức Erich Maria Remarque (1898 - 1970) là người có tài thiết kế những câu chuyện hay và tạo dựng những chi tiết có ấn tượng. Những đối thoại thật thản nhiên, thật thực tế, mà cũng thật nhiều rung cảm. Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX với những tiểu thuyết có thể đọc lại nhiều lần: Khải hoàn môn, Ba người bạn, Phía Tây không có gì lạ, Bản du ca cuối cùng… Chín tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt, nhiều lần được tái bản. Toàn bộ chín cuốn này mới đây đã được Đông A in lại trong một bộ sách đẹp.

------

* Lửa yêu thương lửa ngục tù, tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, Vũ Kim Thư dịch, Đông A và NXB Văn Học tái bản.