Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (25)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

35. NGUYỄN VIẾT LÃM

Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc: Đặc tính sáng tạo trong tập thơ Tố Hữu


Nghiên cứu đặc tính sáng tạo của Tố Hữu trong tập thơ Việt Bắc là nói đến vấn đề xây dựng điển hình hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống phong phú của chúng ta hiện nay cung cấp cho những người sáng tác văn nghệ nhiều đề tài sinh động, nhiều nhân vật khác nhau trong mọi khía cạnh tình cảm, tư tưởng, tác phong. Khi diễn tả những nhân vật ấy, sự thành công chỉ có thể đạt được khi nào tác giả thấy rõ toàn diện đề tài. Do đó nhu cầu sáng tác đòi hỏi một sự hòa cảm chân thành với nhân vật và một sự trung thành tuyệt đối trong lúc giải quyết sự việc trong tác phẩm. Sự trung thành ấy đối với nghệ sĩ, cũng như đối với tác phẩm, cần thiết như không khí cần cho sự sống (Egorov: Chống chủ nghĩa chủ quan trong lý luận nghệ thuật). Ðọc tập thơ Việt Bắc rất nhiều dịp chúng ta thấy Tố Hữu đã thận trọng và trung thành trong việc sáng tạo điển hình.
Trước nhất, cần xem con người điển hình phải như thế nào, chúng ta có nên đòi hỏi trong tác phẩm một nhân vật chính diện toàn bích không? Trong thời đại còn có đấu tranh giai cấp, nhân vật, dù là chính diện, vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong bản thân. Chính phẩm chất cao nhất của nhân vật lý tưởng là sự tranh chấp cao độ giữa các mâu thuẫn nội tại của bản thân. Cho nên nhân vật điển hình chính diện vẫn còn có những nhược điểm riêng của nó. Chúng ta cũng cần phân biệt nhân vật điển hình trong hiện thực xã hội chủ nghĩa với nhân vật đặc biệt. Nếu xây dựng một nhân vật tuyệt đối không có mâu thuẫn gì, không có nhược điểm gì, nhân vật ấy sẽ tách rời thực tế cuộc sống, sẽ không làm tròn được nhiệm vụ giáo dục, lãnh đạo tư tưởng và tình cảm cho quần chúng. Vả lại, một nhân vật như thế trong thời đại hiện tại, nhất định không thể nào có được.
Con người trong tập thơ Việt Bắc luôn có sự đấu tranh diễn biến, sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đi xuống và cái đi lên.
Chị phụ nữ Bắc Giang phải đấu tranh với cảnh nhà neo bấn, con bế con bồng, với gian khổ mùa đông Việt Bắc để làm công tác.
Anh bộ đội yêu mến của chúng ta, không phải chỉ biết căm thù giết giặc, mà còn có lúc nhớ nhà, nhớ mẹ (bài “Cá nước”, “Bầm ơi”) đã đấu tranh với những phút thoáng buồn ấy để đứng lên chiến đấu.
Bà Bủ thương nhớ con bồn chồn, nhưng đã đấu tranh, biến tình thương nhớ ấy thành căm thù quân địch.
Trong tập thơ Việt Bắc Tố Hữu đã trình bày những con người chân thực biết căm thù và thương nhớ. Nhân tính rất được tôn trọng. Tác giả không gò ép bắt buộc tất cả đều phải theo một nền nếp tuyệt đối nhất trí mà xóa bỏ cá tính của từng người. Mâu thuẫn tình cảm và tư tưởng luôn luôn được cọ xát và thử thách. Cuộc đấu tranh ấy quả thực diễn ra trong xã hội, trong mỗi một chúng ta. Và cuộc đấu tranh, trong mọi trường hợp của tập thơ, cuối cùng đều thắng lợi.
Có bạn đòi hỏi người phụ nữ phá đường phải tự giác hơn, bà mẹ phải dũng cảm hơn, anh bộ đội phải quyết liệt hơn. Tôi e rằng không thể đúng với thực tế của thời đại có sự việc, dù là một thực tế đang lên, không đúng với mức độ lãnh đạo chung và cũng không đúng đường lối quần chúng trong công tác lãnh đạo cách mạng.
Con người được nói lên trong những bài thơ làm từ những năm 1947, 1948, 1949 thực tế lúc bấy giờ chưa phải là những con người phổ biến nhưng vì tác giả đã thấy trước được bước tiến triển của sự vật, nên đã báo hiệu một thế hệ đang thành hình trong trong những năm sau. Ðó là kết quả đấu tranh thắng lợi giữa hai chiều hướng của tư tưởng, tình cảm của thời đại.
Có bạn không đồng ý với những giọt nước mắt của bà mẹ trong tập thơ Việt Bắc, cho là đã yếu mềm, giảm sút khí thế của một dân tộc đang chiến đấu. Nhưng chính những lúc tấm lòng của các bà mẹ xót xa ấy là những lúc thử thách của tình cảm con người. Tố Hữu đã không bỏ qua những trường hợp đấu tranh đó và đã có khả năng làm cho chúng ta thông cảm với mọi nỗi đau thương của dân tộc để tăng thêm chí căm thù, đồng thời làm cho chúng ta phấn khởi khi những con người đau khổ ấy đã bước lên sáng chói thắng lợi.
Con người điển hình trong thơ Tố Hữu đầy đủ nhân tính, gần gũi với chúng ta, con người xương thịt, thực tế có sống và đang tiến mạnh. Ðó là một đặc điểm sáng tạo của Tố Hữu.
Một điểm nữa đáng chú ý trong thơ Tố Hữu là sự thắm thiết của tình cảm, văn nghệ là tiếng nói của tình cảm, trong thơ, tình cảm lại càng đọng hơn. Nhưng dân tộc ta đi từ một thời đại bị áp bức mà ra, sự đấu tranh gian khổ, luôn luôn tập trung cảnh giác đối với quân thù, đã làm cho cân não chúng ta căng thẳng. Trong giai đoạn đầu của cách mạng, thường thường thì yếu tố lý trí chiếm ưu thế trong cuộc sống đấu tranh. Tác phẩm văn nghệ phản ánh cuộc sống, trong giai đoạn này, do đó mà ít được thấy rõ vai trò của tình cảm. Tình trạng ấy đã có từ 1945 đến 1950, trong sáng tác hầu như vắng hẳn tình cảm thiên nhiên và tình cảm con người. Không phải tình cảm đã chết héo trong lòng nhân dân qua những ngày gian khổ. Nhưng vì văn nghệ sĩ chưa đi sâu vào quần chúng, chưa hòa cảm sâu sắc với cơ sở nhân dân, đã tách rời lãnh đạo và quần chúng trong sáng tác, nên tác phẩm trở nên khô khan, như cành lá xa rời gốc rễ. Vượt ra ngoài hệ thống khắc khổ ấy, Tố Hữu là người đầu tiên mạnh bạo đề cao tình cảm trong thơ. Thơ Tố Hữu có đặc tính là đậm tình và tha thiết.
Làm được như thế, không phải chỉ vì Tố Hữu bản chất là đậm tình, nhưng Tố Hữu đã kết hợp được cá tính của riêng mình và tập thể tính của quần chúng. Cảm giác đầu tiên của người đọc sau khi đọc xong một bài thơ Tố Hữu là sự rung cảm thấm thía. Ngôn ngữ trong thơ nhẹ nhàng, ý nhị như ca dao. Tiếng nói của nhà thơ ở đây thấm vào lòng người, tha thiết lắng sâu vào tâm khảm, như tiếng nói của mẹ hiền. Và mẹ hiền dạy con thì thường lại có hiệu quả hơn một người cha luôn luôn quát tháo.
Thời đại mới muôn màu muôn sắc. Các nhà thơ có trách nhiệm diễn tả thời đại theo những đặc tính sáng tạo của riêng mình. Những đặc tính ấy chẳng những không hại gì cho đường lối chung mà còn làm phong phú thêm tập thể tính. Tác phẩm nào không đáp lại nhu cầu của quần chúng, không hòa hợp được với tính chất nhân dân, nhất định không tồn tại được. Về phương diện này, tập thơ Việt Bắc đã có nhiều thành công lớn: Nó có một đặc tính sáng tạo và vẫn mang tính chất nhân dân khá sâu sắc.
Nguồn: Ðộc lập, số 98 (7.5.1955)
36. Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Bạn đọc góp ý kiến
a) LÊ BÁ SÚY (Quân đội):
Lê Ðạt đề cập đến vấn đề giai cấp tính trong thơ Tố Hữu nhưng thực ra Lê Ðạt chưa thật nắm vững thế nào là giai cấp tính thể hiện trong thơ.
Tôi thấy chúng ta cần phải xác nhận lại với nhau về cái "tôi". Hoàng Yến, Hoàng Cầm và Lê Ðạt đều có đề cập đến cái "tôi". Nhưng thế nào mới là cái tôi đúng, cái "tôi" khách quan, cái "tôi" thực sự của giai cấp, của quần chúng. Cái "tôi" đó phải dựa theo một lập trường, quan điểm thống nhất trên cơ sở vững chắc của chủ nghĩa hiện thực, thật sự khách quan để phê bình. Lê Ðạt định nghĩa cái tôi thì đúng, nhưng lúc phê bình thì không sử dụng đúng, đã để cái tôi "cũ" (chủ quan) lồng vào khá nhiều.
"Một tác phẩm được quần chúng hoan nghênh nhất định là có một giá trị nào". Ðồng ý với Lê Ðạt và tôi muốn nêu lên điều này trong thơ Tố Hữu thành một vấn đề để chúng ta cùng nghiên cứu, vì nói như Lê Ðạt... "nhưng hoan nghênh như thế không có nghĩa là đã hiện thực, đã tiêu biểu cái mới". Như thế là phủ nhận trình độ của quần chúng đối với văn nghệ (tất nhiên tôi nói đến quần chúng cách mạng). Quần chúng biết yêu thích những bài thơ hay mà còn biết phê phán phân tích nữa. Quần chúng còn dạy cho những người làm công tác văn nghệ giá trị của một bài thơ hay nữa, vì nhận xét của quần chúng là xuất phát từ thực tế, từ tình cảm chân thành, từ nguyện vọng sát thực của họ. Nói như vậy không phải không có sự hướng dẫn của người cán bộ văn nghệ sau khi, với lý luận của Ðảng đã tổng hợp vấn đề để trả lại, hướng dẫn cho quần chúng. Và nói như vậy không có nghĩa là một tác phẩm được quần chúng hoan nghênh là hoàn hảo không có khuyết điểm.
Người làm thơ phải nói lên tình cảm, nguyện vọng của quần chúng thì người cán bộ hướng dẫn, phân tích cái hay, dở của một tác phẩm văn nghệ cũng phải tổng hợp được ý kiến, nhiệt tình, dư luận tốt, xấu của quần chúng đối với tác phẩm đó. Không nên lồng cái "tôi" chủ quan trong khi tổng hợp mà gán cho đó là của quần chúng. Quần chúng thưởng thức thơ không phải như người thầy bói xem voi.
Quần chúng muốn thơ phải nói lên tình yêu thắm thiết đối với xứ sở, đất nước, đối với nhân dân lao động, với lãnh tụ, với quân đội nhân dân và quần chúng đòi hỏi thơ phải nói lên lòng căm giận của họ đối với quân thù. Quần chúng biết yêu và biết ghét. Thơ phải nói đến nguyện vọng của họ, phải nói đến tương lai của Tổ quốc. Quần chúng còn đòi hỏi những câu thơ trong sáng, giản dị, để ghi, để nhớ.
Nhiều người hoan nghênh thơ Tố Hữu, có nhiều nhiệt tình đối với thơ Tố Hữu, chính vì Tố Hữu đã nói lên được những điều đó. Quần chúng biết rung động khi đọc thơ Tố Hữu nhưng không phải là rung động mù quáng, cũng không phải quần chúng chỉ biết cái hay mà không biết đến khuyết điểm của thơ Tố Hữu. Quần chúng thích thơ Tố Hữu không phải "thơ Tố Hữu chỉ mới nói được một phần nào quần chúng ở hình thức". Quần chúng ngày nay dưới sự giáo dục của Ðảng đã biết đánh giá một tác phẩm đúng mức. Lê Ðạt luẩn quẩn giữa quần chúng và thơ Tố Hữu. Lê Ðạt công nhận bằng một con mắt ở trên nhìn xuống: "Thơ Tố Hữu nhiều người thuộc thật đấy, dễ hiểu thật đấy..." hay: "Việc tập thơ còn được một số đông trong quần chúng hoan nghênh đủ là bảo đảm cho giá trị của nó trong giai đoạn hiện tại", rồi một mặt khác Lê Ðạt lại cho rằng thơ Tố Hữu vẫn xa quần chúng. Chúng ta không thần thánh hóa quần chúng, nhưng chúng ta phải thống nhất với nhau rằng: thơ dễ thuộc, thơ dễ hiểu đối với quần chúng không phải là thơ không có quần chúng tính. Quần chúng thuộc thơ không phải để tiêu khiển mà vì thơ Tố Hữu thấm vào lòng họ, nói lên được tình cảm, ý nguyện của họ.
Quần chúng hoan nghênh thơ Tố Hữu không phải không biết nhận định, không phải là không có căn cứ.
Tôi thấy rằng Lê Ðạt cần xem lại cái "tôi" của mình, cần đi sâu vào quần chúng hơn nữa để tìm ra cái "tôi" mới, cái "tôi" của quần chúng, có như thế mới đứng trên một lập trường thống nhất với quần chúng để phê bình thơ và mới sử dụng đúng nghĩa cái "giai cấp tính" khó nhận xét [1] thơ Tố Hữu.
Càng đi vào đoạn sau Lê Ðạt càng sa vào sai lầm lớn. Lê Ðạt nói: "Thơ Tố Hữu đứng về một phương diện nào mà nói, là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị. Tố Hữu hơn một số anh em làm thơ ở chỗ giải thích chính sách bằng thơ có rung cảm mặc dầu rung cảm còn vương vất tàn tích tiểu tư sản. Thơ Tố Hữu nhiều chỗ là những bài học chính sách tốt. Nhưng là những bài học tốt không phải là đã hiện thực, đã công nông. Ý tốt, ý đúng không phải là toàn bộ vấn đề nội dung của Thơ. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là vấn đề điệu tâm hồn của tác giả. Tôi thấy mức giá trị của điệu tâm hồn tác giả tỏa ra trong tập thơ là mức tiểu tư sản cách mạng".
Tôi không hiểu Lê Ðạt định nói "điệu tâm hồn" trong thơ là gì? Nó có tách rời nội dung và ý của thơ không? Ðiệu tâm hồn đó có thoát khỏi giai cấp tính không? Nó có phục vụ cho tình cảm lành mạnh, cho công tác cách mạng không? Nếu là một bài thơ làm cho quần chúng yêu thích và thi hành đúng chính sách có phải là một bài thơ không có điệu tâm hồn không? Chính sách là đường lối, chủ trương, là hành động của Ðảng, của giai cấp. Văn nghệ chúng ta phục vụ cho quần chúng chẳng phải đi đúng đường lối đó sao? Lê Ðạt công nhận thơ Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ cho công tác chính trị. Ðúng, chính bởi vì thơ Tố Hữu mang đúng tính chất giai cấp cách mạng mới phục vụ được.
Lê Ðạt muốn hạ thấp tác dụng thơ của Tố Hữu nhưng vô tình Lê Ðạt đã tách công tác chính trị với lập trường giai cấp, chưa rõ thế nào là một bài thơ "có ích", đã hiểu sai ý nghĩa của thơ giáo dục chính sách.
Nếu điệu tâm hồn tác giả tỏa ra trong tập thơ là mức tiểu tư sản cách mạng thì không thế nào phục vụ được công tác chính trị hay là làm được bài học chính sách tốt như Lê Ðạt đã nhận xét một cách rất mâu thuẫn.
Lê Ðạt còn nói: "Nhiều và không nhiều. Nếu bạn chỉ đòi hỏi tập thơ xem được, một tập thơ của một người yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất và so sánh với một vài tập thơ khác để đánh giá thì quả là có nhiều, nhưng nếu các bạn muốn đòi hỏi hơn ở thơ Tố Hữu một nhà thơ hoạt động cách mạng và bạn tin là còn có nhiều khả năng đóng góp hơn nữa, nếu các bạn muốn đứng vững trên lập trường hiện thực xây dựng một nền thơ Việt Nam chân chính thì chẳng có gì là nhiều cả". Ở đây tôi không muốn nói nhiều đến sai lầm nghiêm trọng của Lê Ðạt quan niệm về thơ "của một người yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất" và thơ của Tố Hữu vì như trên tôi đã nói Lê Ðạt thực ra đã nắm vững "giai cấp tính" để phê bình thơ đâu, tôi muốn nói chính Lê Ðạt đã đòi hỏi quá nhiều ở Tố Hữu, mà đòi hỏi như vậy là chủ quan.
Văn nghệ ta đang trưởng thành và có nhiều hứa hẹn. Thơ Tố Hữu cũng vậy. Ở thơ Tố Hữu tất nhiên còn nhiều khuyết điểm. Cũng không có ai có thể dám quả quyết là thơ Tố Hữu có đầy đủ giai cấp tính và hoàn toàn hiện thực. Vì nói như vậy cũng là chủ quan. Thơ Tố Hữu không thể thoát ra ngoài độ trưởng thành chung của thơ ca Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn hiện tại mà nói: thơ Tố Hữu xứng đáng dẫn đầu thơ ca cách mạng Việt Nam.
5-55
[1] “Khó nhận xét”: ý chỗ này hơi khó hiểu; phải chăng chỗ này báo gốc có lỗi in, đúng ra có lẽ là “khi nhận xét”? (N.S.T.)

b) NGÔ LINH NGỌC (khu Hàng Giấy[1]):
Thơ Tố Hữu có nhiều đoạn rất hay, rất mạnh. Bốn câu thơ:
Trời không của chúng hay [2]
Ðạn ta rào lưới sắt
Ðất không của chúng bay
Ðai thép ta thắt chặt

mạnh như ngàn cân sắt đập vào đầu quân thù. Thơ tả phấn khởi, căm uất của Tố Hữu có nhiều hiệu năng. Tình cảm trong thơ Tố Hữu lớn rộng. Tố Hữu vạch hướng lên cho quần chúng trong các giai đoạn của cách mạng. Tính chất hiện thực của thơ Tố Hữu nhiều chỗ biến vào tình cảm, thành tin tưởng. Nhưng cũng còn nhiều khuyết và nhược điểm cần khắc phục ngay. Tố Hữu còn nhiều đoạn thơ chịu ảnh hưởng một kỹ thuật cũ. Ðôi chỗ tình cảm, và phương pháp suy nghĩ, tìm tứ phảng phất như của những thi sĩ cũ.
Bộ đội chúng tôi rất yêu Tố Hữu. Những năm còn đánh nhau, có những đồng chí thuộc bài thơ “Bầm ơi” đã nói: - "Nếu anh Tố Hữu đến thăm đơn vị ta, chúng mình sẽ đánh một trận thật thắng để đón anh". Tập Việt Bắc cũng có những bài, những câu làm chúng tôi thỏa mãn. Chúng tôi chờ ở Tố Hữu những bài thơ khác nữa, có phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, có hình ảnh Bác, Ðảng, quân đội, chính quyền, dân công, v.v... với cái hoàn cảnh điển hình hơn. Thơ Tố Hữu hiện thực cách mạng, sẽ còn hay hơn với sự trưởng thành của cách mạng.

[1] Theo phân cấp hành chính đô thị đương thời, “khu” tương đương với “quận” ngày nay, “tiểu khu” tương đương với “phường” ngày nay.
[2] Có lẽ chỗ này báo in sai: câu đầu đoạn trích này là “Trời không của chúng bay” mới là đúng. (N.S.T.)
c) ÐỨC MINH (trường Sư phạm trung ương):
Khi phân tích một tác phẩm văn học, chúng ta không thể không chú ý bối cảnh lịch sử tác phẩm đó. Về phần này, chúng tôi chưa thấy được rõ ràng trong các bài phê bình tập thơ Việt Bắc. Thường thường chúng tôi chỉ gặp những danh từ chung chung nói lên thời đại ta vĩ đại, sức sống của dân tộc cuồn cuộn. Chúng ta không thể chỉ lấy bối cảnh lịch sử chung của cả thời đại để căn cứ vào đó đánh giá tập thơ Việt Bắc. Tập thơ này gồm nhiều bài, mỗi bài ra đời ở một giai đoạn khác nhau trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta. Có bài làm ra năm 1947, có bài được sáng tác năm 1951, mỗi bài đó chẳng những có bối cảnh lịch sử chung của thời đại, mà còn mang dấu vết riêng của hoàn cảnh trong từng giai đoạn nhỏ một cuộc kháng chiến. Tác giả tập thơ Việt Bắc đâu có phải là thánh, cho nên không thể vượt ra khỏi khung cảnh của từng giai đoạn nhỏ đó, không thể tách rời khỏi bước tiến của quần chúng nhân dân, không thể tách rời khỏi hàng ngũ những văn nghệ sĩ của ta ngày nay trong từng giai đoạn đó. Vì vậy, chúng ta đem nhận thức, quan điểm của ta ngày hôm nay để phê phán một bài thơ năm 1947, như bài “Cá nước”, hoặc một bài năm 1948, như bài “Phá đường”, mà không đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn bấy giờ thì thật là một thiếu sót lớn. Nếu chúng ta "đánh bằng" cả hơn hai chục bài thơ trong tập Việt Bắc, không để ý đến ý nghĩa giai đoạn của mỗi bài thì e rằng không đánh giá được đúng toàn bộ tập thơ đó. Anh Hoàng Yến có nhận định rằng thơ của Tố Hữu từ sau cách mạng tháng Tám bé nhỏ so với thời đại, Tố Hữu không phải là "ngọn cờ thơ ca" Việt Nam ngày nay. Nhưng thế nào là bé nhỏ? Nếu chúng ta đem tập thơ đó so với cả nhiệm vụ vĩ đại của cuộc cách mạng trong một giai đoạn lâu dài thì chúng ta đã đặt cho nhà thơ một yêu cầu quá cao, không thực tế. Trái lại, đặt mỗi bài thơ vào một giai đoạn nhất định của nó thì mới có thể nói rằng nó to lớn, hay nhỏ bé như thế nào được. Và nếu trong từng giai đoạn ngắn và nhất định đó, Tố Hữu lúc nào cũng đi tiên phong cả thì tại sao Tố Hữu không thể là ngọn cờ dẫn đầu trong thi ca chúng ta?

d) LÊ BẠCH SƠN (Miền Nam):
...Nhưng có phải tập thơ Việt Bắc buồn lạnh, thiếu tình cảm chiến đấu, thiếu ý thức giai cấp không và sau những thiếu sót trên ta sẽ kết luận về giá trị tập thơ như thế nào?
Trong một thời đại chiến đấu mà thơ không có tính chất chiến đấu là không hiện thực. Nhưng chiến đấu với cái tình cảm bừng bừng, sôi sục chỉ là một mặt của chiến đấu. Còn cái chiến đấu kín đáo mà to tát hơn. Ðấy là cái chiến đấu bền bỉ về mặt tư tưởng và tình cảm giữa cái mới và cái cũ phức tạp trong con người. Tình cảm bừng bừng sôi sục chỉ là một khía cạnh trong cái tình cảm chung về chiến đấu và có thể nói nó là biểu hiện cái tình cảm kín đáo khi được đưa lên chín mùi do một điều kiện nào đó về chủ quan và khách quan.
Tình cảm trong tập thơ Việt Bắc về mọi mặt là một tình cảm hăng hái chứa đựng và thấm thiết.
Nó có thiếu một khía cạnh chiến đấu sôi sục, nó không nêu được nổi rõ lên cái tình cảm giai cấp. Nhưng ta không thể do đấy mà kết luận hoàn toàn là tập thơ thiếu tính chất chiến đấu hay tính chất giai cấp.
Ta thấy thường ở một bài thơ hay một tập thơ có nhiều bài dù hay đến đâu, cái tình cảm chứa đựng trong mỗi câu, mỗi tiếng không thể luôn luôn cân xứng. Nó vẫn có chỗ tình cảm lép đi một ít, hoặc hơn thế nữa có đôi chỗ trống rỗng. Nhưng tác phẩm thành công hay không là do cái nào nhiều nhất, cái nào nổi lên trong toàn bộ tác phẩm? Những khuyết điểm có trầm trọng làm hỏng nội dung đi không?
Văn hóa Việt Nam thoát thân từ xã hội phong kiến, thuộc địa có nền kinh tế lạc hậu. Văn hóa Việt Nam nói chung và văn nghệ Việt Nam nói riêng muốn đi đúng đường lối hiện thực, đã phải chiến đấu và còn phải chiến đấu nhiều với cái cũ để đè bẹp nó. Thơ là kết tinh của tình cảm. Tình cảm là phản ảnh sinh hoạt của xã hội nên tình cảm nhà thơ cũng rất phức tạp. Chúng ta đang học tập sáng tác theo đường lối hiện thực. Ngay về mặt quan niệm hiện thực chúng ta cũng đang phải học tập nhiều. Tập thơ Việt Bắc có những khuyết điểm của nó không làm cho ta thỏa mãn trong việc chọn một tác phẩm thật đầy đủ. Nhưng nhìn toàn tập thơ với một số bài đã tương đối thành công và xét với các tác phẩm chúng ta đang có, tập thơ Việt Bắc vẫn rõ rệt là một tác phẩm lớn đối với chúng ta. Với tập thơ ấy, Tố Hữu trước sau vẫn là nhà thơ nói được nhiều nhất và chân thành những nét tình cảm lớn trong các tình cảm lớn của thời đại.
Nguồn: Văn nghệ số 71 (10.5.1955)

37. VŨ ĐỨC PHÚC
Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Thư bạn đọc [1]
Báo Văn nghệ, số 69, bài nói Mai-a-kốp-ski, sau khi giới thiệu ngắn về thơ Mai-a-kốp-ski, có viết một câu như sau: "Ở Việt Nam, bao giờ chúng ta mới có những bài thơ thay thế cho những bài xã luận, những bài thơ trực tiếp giải quyết những vấn đề gay go của thực tế? Bao giờ mới có những bài thơ thoát khỏi những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu?"
Câu nói đó quá khinh miệt thơ ca Việt Nam, không những rẻ rúng tất cả những thơ ca của các nhà thơ cách mạng và nhà cách mạng làm thơ, từ khi có giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng nghĩa là từ 1930 đến giờ và các nhà thơ ái quốc trước đó; câu nói đó lại miệt thị nền thơ dân tộc của ta, quẳng đi một cách khinh miệt truyền thống thơ ca hiện thực Việt Nam, xuất phát từ ca dao tiến tới những trăm, nghìn bài thơ không những của các nhà cách mạng, mà còn của những nhà thơ khác, của bao nhiêu bộ đội, dân công, công nhân, nông dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chúng ta ngưỡng mộ, thán phục những tài năng lỗi lạc của thế giới, như Mai-a-kốp-ski, chúng ta không những cần học tập hàng ngày văn học của Liên bang Xô Viết, lấy những kinh nghiệm quý báu của người anh cả làm kinh nghiệm lãnh đạo ta sáng tác, mà còn phải học tập hàng ngày những văn hào vĩ đại của thế giới, những văn hào tiến bộ. Nhưng càng ngưỡng mộ, khâm phục bao nhiêu, chúng ta càng cần phải trân trọng nâng niu những cái gì thực là Việt Nam, càng cần phải bảo vệ những hạt ngọc, dù là nhỏ bé, dù là có vết, nhưng rất quý báu của tổ tiên, cha anh ta để lại, và của chúng ta hiện nay.[2] Nếu không, thì ai là người làm hộ chúng ta việc đó. Chúng ta chưa sưu tầm vốn cũ được đầy đủ là một chuyện khác, chúng ta hiện nay còn nhiều khuyết điểm là một chuyện khác. Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội, mà đại diện chính của nó ở Việt Nam hiện nay, theo ý tôi, là thơ ca, chủ nghĩa hiện thực đó không phải chờ đến khi Lê Ðạt nói một câu thật là miệt thị như trên, mới xuất hiện. Ngay từ khi có Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, tức là cách đây 25 năm, đã có những bài thơ đi sát với nhiệm vụ chính trị, nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù, có phải toàn là "những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu" cả đâu.
Trong cuộc kháng chiến, thơ văn cách mạng, tuy rằng tiến bộ chậm, nhưng đã nảy nở và lớn mạnh từ trước tới nay chưa hề có.[3] Chỉ có một đầu óc khinh thị cao đến tột bực mới không nhìn thấy những cái đó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chỉ cần điều kiện cần thiết trước tiên là trong xã hội có một giai cấp công nhân có ý thức về nhiệm vụ lịch sử của mình lãnh đạo cách mạng, như thế là nó đã xuất hiện rồi. Trải qua 25 năm trời chiến đấu, giai cấp công nhân càng ngày càng lớn mạnh và được tín nhiệm. Ðó là điều kiện cho thơ ca cách mạng nảy nở, mà nó đã nảy nở rồi. Sao lại có thể quan niệm rằng trước một tình hình lịch sử như thế, thơ ca của ta, nghĩa là tư tưởng, tình cảm của ta kết tinh lại, toàn là "tủn mủn, nhắm nháp cuộc đời" cả.
Quan niệm trên đây của Lê Ðạt, tuy làm ta phẫn nộ nhưng cũng rất dễ hiểu. Xưa kia đã có những người chỉ biết ca tụng văn hóa ngoại quốc, còn những cái của mình, chưa in được, hay in trên giấy lèm nhèm thì quẳng đi, cho là thiếu văn minh. Ngày nay, trong hàng ngũ những người công tác văn nghệ, hoặc những người có đọc sách, cũng còn có một số tuy là rất ít, chỉ khư khư ôm lấy một số quyển sách của các nước bạn ta, còn tất cả những cái gì của ta sáng tác thì sẵn sàng bĩu môi chê cái đã. Cũng cần phải nhắc lại một chân lý ai cũng hiểu: tất cả những cái gì là nhân văn, là hiện thực, được coi là tài sản chung của nhân loại, cũng là những cái gì bám chắc lấy mảnh đất của quê hương, noi theo một cách trung thành và sáng suốt truyền thống của dân tộc.
Những kẻ khinh miệt dễ dàng những vốn liếng đã có hay đang có của dân tộc, phủ nhận những cố gắng và tiến bộ rõ rệt của thơ ca cách mạng Việt Nam, những kẻ ấy không phải là biết tôn trọng văn học tiến bộ của thế giới, không phải là biết học tập văn nghệ Liên Xô, mà họ chỉ đại diện cho một xu hướng khinh thị dân tộc "đội lốt" hiện thực xã hội chủ nghĩa mà thôi. Chính vì nó đội lốt như thế nên lại càng nguy hiểm, làm cho nhiều người hiểu nhầm, hay lạc hướng.
Nguồn: Văn nghệ, số 71 (10.5.1955)
[1]Bức thư này của Vũ Đức Phúc đăng cùng trang với bài Bạn đọc góp ý kiến trên đây, nhưng được báo Văn nghệ cho in tách ra như một bài riêng (NST).
[2]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).
[3]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).