Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng (phần 35)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng, dừng, liên hệ giữa khôngchẳng/chăng của câu phủ định vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Từ đó, ta có thể hiểu rõ hơn thành ngữ "cây muốn lặng, gió chẳng đừng" và các dị bản. Ngoài các bản Nôm của LM Maiorica ghi ở đoạn sau, tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) - có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu cho thêm chính xác. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Đừng trong tự điển VBL và PGTN

Đừng có nghĩa là dừng, ngưng (không làm điều gì nữa, cesso/L ~ thôi) như chẳng khi đừng (~ chẳng khi nào ngừng/NCT, VBL trang 242), đừng thịt (không ăn thịt). Mở rộng cách dùng, đừng hàm ý không (cản ngăn) và dùng một cách tổng quát như đừng nói (VBL trang 242).

clip_image002VBL trang 242

Để ý cách dùng đặc biệt tôi đừng (VBL trang 242) nghĩa là tôi thôi/ngừng/ngưng rồi, đừng thịt là đừng ăn thịt. Một dạng biến âm của đừngdừng qua tương quan đ - d (xem phần dưới), tuy nhiên không thấy mục riêng cho dừng trong VBL mà chỉ thấy cách dùng "dừng ngựa, ngựa chạy dừng lại" (trang 184). Đừng có các cách viết chữ Nôm là đinh HV 仃 hay đình HV 停, thí dụ như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập trang 24a:

㕵停朱

Ăn uống đừng cho của ngọt ngon

Tuy nhiên dừng cũng dùng các chữ trên như đinh HV 仃 và đình HV 停 cũng như đình 亭. Điều này làm cho ta phải cẩn thận khi đọc Nôm là đừng hay dừng: thí dụ như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh (PT) 18a

昆若它瘖媄慈買停

Con nhược đà ốm, mẹ từ mới đừng (đừng là cách đọc dựa vào các tài liệu chữ quốc ngữ TK 17/NCT - một số tác giả đọc là dừng[2]).

Để ý thêm cách dùng trong PT 29b "nhiều kiếp chịu khổ, chẳng có no quạnh đừng (停)": hàm ý nhiều lần bị khổ, và và kết quả tai hại như vậy xẩy ra chẳng có dừng (liên tục, ở trong địa ngục vì tội bất hiếu). So với cách dùng "chẳng khi đừng" (VBL trang 242) hay "chẳng có khi nào đừng" (PGTN trang 98).

Quốc Âm Thi Tập (Nguyễn Trãi) - Bảo Kính 181.8:

咹固停役固

Ăn có đừng thì việc có đừng

(cũng có thể đọc 停 là dừng 'theo cách hiểu và đọc của tiếng Việt hiện đại', td. thì không nên đọc là thời vì dạng này chỉ xuất hiện trong hậu bán TK 19).

2. Tương quan đ – d: đình - đừng - dừng

VBL cho ta vài dữ kiện về tương quan đ - d, như đã bàn đến trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy... dộng chúa” (phần 30) – td. so sánh các cặpclip_image003

2.1 Chữ đình (thanh mẫu định 定 vận mẫu thanh 青 bình thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

特丁切 đặc đinh thiết (TVGT, ĐV, QV, TTTH)

唐丁切,音廷 đường đinh thiết, âm đình (TV, VH, CV, LT, TTTH, TVi)

TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 庭 廷 娗 筳 霆 蜓 莛 㹶 挺 鼮 亭 停 渟 奠 婷 (đình *điện)

徒當切,音唐 đồ đương thiết, âm đường (TVi, KH)

特丁反 đặc đinh phản (LKTG)

唐寅切,音廷 đường dần thiết, âm đình (CTT) - thời CTT (1670) dần đã đọc như yín (theo pinyin bây giờ) cùng vần với đình (tíng giọng BK bây giờ/pinyin), v.v.

Giọng BK bây giờ là tíng so với giọng Quảng Đông ting4 và các giọng Mân Nam 客家话: [陆丰腔] tin3 [梅县腔] tin2 [东莞腔] tin2 [客语拼音字汇] tin2 [宝安腔] tin2 [客英字典] tin2 [台湾四县腔] tin2 [沙头角腔] tin2 [海陆丰腔] tin2, giọng Mân Nam/Đài Loan theng5, tiếng Nhật tei chou jou và tiếng Hàn ceng.

Một dạng âm cổ phục nguyên của đình là *dieŋ, tiếng Việt còn bảo lưu các dạng điếng (chết điếng, sợ điếng...) và đừng, đứng - lẫn lộn hai thanh huyền và thanh sắc cho thấy giao lưu ngôn ngữ rất lâu đời như mồ mã mả mộ mô, cung cùng củng cũng cộng cọng, nghiên nghiền nghiến nghiễn nghiện... Dừng là một dạng ngạc cứng hoá hậu kì, cũng như dao (< đao) - da (< đa) - khuynh hướng ngạc cứng hoá này ở tiếng Việt khá rõ nét. Dựa vào tương quan nh (d) - ng đặc biệt ghi nhận[3] vào thời VBL như nhiêng - nghiêng, nhiệp - nghiệp, nhàn - ngành (và 牙 nha - ngà, 恁 nhẫm - ngẫm, nhặt - ngặt 染日 nhem nhặt > nghiêm ngặt - PT 6a)... Do đó ta có cơ sở để liên hệ dừngngừng, ngưng. Đình (dừng lại, ngừng lại) thường dùng với các từ HV khác như đình công, đình chiến, đình bản, đình hoãn, đình chỉ, đình trệ trong tiếng Việt. Một cách dùng từ láy khá đặc biệt là 亭亭 đình đình so sánh với các dạng từ láy như

dỏng dỏng - dong dỏng (đinh - đóng - dóng).

2.2 Chữ đinh hay đọc là 當經切 đương kinh thiết (QV, VH, LT, TTTH) VH ghi thêm âm 仃 đọc như đinh 丁: 音丁 âm đinh (LKTG, VH). Giọng BK bây giờ là dīng so với giọng Quảng Đông ding1 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] dang1 den1 [梅县腔] den1 [客语拼音字汇] den1 din1 [客英字典] dang1 den1 [陆丰腔] den1 [海陆丰腔] dang1 den1 [宝安腔] den1 | din3, tiếng Nhật là tei.

Tóm tắt các dạng biến âm của đình/đinh

đình > đừng > dừng > ngừng đình > đừng > dưng/nhưng > ngưng

2.3 Vì hai dạng đừng và dừng rất gần nhau nên dễ sinh ra lẫn lộn, thí dụ như trong PGTN "chẳng khi nào đừng" thường được ghi là "chẳng khi nào dừng" theo các tác giả khi viết lại qua tiếng Việt hiện đại, trang 42 PGTN:

clip_image005

Trong PGTN, "liên" luôn đi trước "chẳng khi nào đừng" - một khuynh hướng của ngữ pháp tiếng Việt cổ lập lại nét nghĩa liên tục, không dứt - hay là một loại từ 'láy nghĩa' xuất hiện thường trong khẩu ngữ (khác với văn viết vì có chữ ghi lại, khó quên nghĩa đi được). Điều này cũng thấy trong bản Nôm ĐCGS quyển chi cửu chi thập trang 109 và các tài liệu chép tay của Bento Thiện (xem bên dưới). Để ý các dạng khác nhau của "chẳng khi đừng" (VBL trang 242): thí dụ như "chẳng khi nào đừng" (PGTN trang 42) và "chẳng có khi nào đừng" (PGTN trang 98). Ngay cả trong bản lịch sử nước An Nam chép tay và thư hỏi thăm của Bentô Thiện(1659), "chẳng có khi đừng" xuất hiện hai lần - có tác giả đọc là "chẳng có khi dừng" có lẽ vì ảnh hưởng tiếng Việt hiện đại:

clip_image007

Thư viết tay của Bento Thiện (Kẻ Chợ 25/10/1659): “đi làm phúc chẳng có khi đừng”

clip_image009

Tóm lại, từ các tài liệu bằng chữ quốc ngữ vào TK 17, các dạng "chẳng khi đừng", "chẳng có khi đừng", "chẳng khi nào đừng", "chẳng có khi nào đừng" đã từng xuất hiện. Các bản Nôm của LM Maiorica còn cho thấy một dạng khác[4] là "chẳng đừng" cũng đã có mặt, tuy không thường gặp như "chẳng có khi đừng" - xem thêm chi tiết trong mục 3.3 bên dưới.

2.3 Các bản Nôm của LM Maiorica

"Chẳng có khi đừng" cũng hiện diện trong các bản Nôm của LM Maiorica, đừng chữ Nôm viết là đinh HV 仃, tuy nhiên có lúc viết khác - xem chi tiết trong bản tóm tắt sau đây:

- KNLMPS quyển thứ ba: 1 lần trang 85: "Tối ngày thâu đêm cùng kêu như làm vậy chẳng có khi đừng"

- MACC: 5 lần trong các trang 55, 67, 79, 81, 100 "được nhiều phúc khác thì chẳng có khi đừng.... ra ngoài khóc lóc chẳng có khi đừng"

- ĐCGS quyển chi cửu chi thập: 3 lần trong các trang 26, 109, 128 "thì hết thay thảy đều cầu nguyện liên chẳng có khi đừng... làm vậy những khóc cùng kêu cả tiếng chẳng có khi đừng".

- TCTM quyển thượng, 1 lần trang 114:"hôn chân tay Người chẳng có khi đừng".

- CTTr tháng Hai: 1 lần trang 60:"cám ơn Đức Chúa Trời chẳng có khi đừng".

- CTTr tháng Tư: 1 lần trang 54:"cùng khóc chẳng có khi đừng".

- CTTr tháng Năm: 2 lần trang 70, 88:"nó quì gối khóc lóc chẳng có khi đừng... liền khóc lóc đội ơn rất thánh Đức Bà chẳng có khi đừng (停 đình HV)".

- CTTr tháng Bảy: 1 lần trang 77 "Mẹ khóc chẳng có khi đừng"

- CTTr tháng Tám: 2 lần trang 70, 78:"Khi nói đến sự Đức Bà, chẳng có khi đừng khen cùng kính Người liên... hôn chân tay Người chẳng có khi đừng".

- CTTr tháng Giêng 1 lần trang 30 "ơn Đức Chúa Trời chẳng có khi đừng". Để ý là cách dùng chẳng đừng (chỉ có 2 chữ) ngắn hơn trong trang 78 "Cả và hai người cám ơn Đức Chúa Trời thâu đêm chẳng đừng".

- Bức thư viết tay của Bento Thiện (1659) 2 lần (xem hình chụp bên trên).

Như vậy chẳng đừng xuất hiện khoảng 4.2% cũng như các dạng chẳng khi đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi nào đừng so với dạng chẳng có khi đừng xuất hiện khoảng 83.3% trong các tài liệu đã trích bên trên. Tóm lại, VBL cho thấy vào TK 17, đừng dùng nhiều hơn và nghĩa rộng hơn so với dừng (chỉ dùng cho ngựa trong VBL). Sau đó, LM Béhaine (1772/1773) còn cho thấy dừng dùng cho thuyền (dừng thuyền), chân (dừng ‘chơn’).

clip_image011chẳng có khi đừng (chữ Nôm, TCTM quyển thượng trang 114)

3. Bàn thêm về cách dùng ‘chẳng có khi đừng’

3.1 Dạng phủ định thường gặp vào thời VBL là chẳng kí âm bằng một dạng chữ Nôm là trang HV 庄 (còn đọc là hay chăng hay giang cho dạng nghi vấn (xem thêm mục 1 Phụ Trương) - thí dụ như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 33b

庄故吒哀生 庄故媄 哀挼

Chẳng có cha ai sinh, chẳng có mẹ ai nuôi.

Hay trong Cư trần Lạc Đạo Phú 33b

禄庄群貪免特蔑時㪰蔑時粥

Lộc chẳng còn tham, miễn được một thời chay một thời cháo, v.v.

Các tài liệu chữ quốc ngữ và chữ Nôm không thấy dùng không 空 để chỉ phủ định hay nghi vấn so với chẳng và chăng. Thí dụ như trong bức thư viết tay của Bento Thiện (1659), ông viết "Đến mùng hai tháng hai, lại ăn Tết ngày ấy. Song le mặc có nơi ăn nơi chăng (~ nơi không/NCT)". Trong bản Nôm Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 166, LM Maiorica ghi nhận "Song le trí khôn chưa có suy, có nên hay là chăng (~ hay là không/NCT)". Cho đến cuối TK 18 và đầu TK 19, LM Philiphê Bỉnh thường dùng chẳng và chăng thay vì không như trong tiếng Việt hiện đại - trích trang 155 trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc:

clip_image013

vì có chúng tôi hay là chăng ~ vì có chúng tôi hay là không/NCT

khi chúng tôi ăn hay là chăng ~ khi chúng tôi ăn hay là không/NCT

Một dữ kiện đáng chú ý là VBL trang 375 ghi không góa là góa vợ, góa chồng (viduus, vidua/L), và chú thêm không là chẳng có bạn hàm ý chưa lập gia đình lại. Cách dùng lập lại nghĩa ('láy nghĩa') này thường gặp vào thời VBL/PGTN như đã nói ở phần trên như liên (liền) thường đi trước chẳng có khi đừng. Điểm đáng nhắc ở đây là không góa, nếu hiểu theo tiếng Việt hiện đại thì có nghĩa là không có ở góa, hoàn toàn trái ngược với nghĩa đã ghi trong VBL. Nói cách khác hơn, không trong cách dùng không góa, không phải là từ phủ định, phù hợp với các dữ kiện từ VBL/PGTN, các thư viết tay và các bản Nôm của LM Maiorica. Đó cũng là nguyên nhân dạng không cùng không xuất hiện trong các tài liệu trên. Để diễn tả sự hằng có đời đời (bất diệt, vĩnh viễn), tiếng Việt vào thời VBL/PGTN dùng cấu trúc phủ định "không + hết/tận" hay vô cùng[5]. Số lần xuất hiện của vô cùng trong PGTN là 130 lần so với cách dùng phản nghĩa (trái nghĩa) là có cùng (có giới hạn) chỉ xuất hiện 3 lần, tuy nhiên chẳng cùng xuất hiện 6 lần cùng nghĩa với vô cùng, tuy vô cùng thường xuất hiện trong các cách dùng 'trang trọng hơn' (mang tính chất thần học) như sống vô cùng (sống đời đời, hằng sống) hay phép tắc vô cùng (hàm ý Đức Chúa Trời hay Thượng Đế). Điều này cho thấy rõ ràng không chưa được dùng để chỉ phủ định vì không thấy cách dùng không cùng, mà là chẳng cùng cho thấy chẳng được dùng làm làm phó từ chỉ phủ định vào TK 17 - phù hợp với các nhận xét trong BBC như ghi lại ở bên dưới. Các bản Nôm của LM Maiorica cũng cho thấy kết quả tương tự: trong TCTGKM vô cùng xuất hiện 22 lần so với có cùng xuất hiện 3 lần, chẳng cùng xuất hiện 3 lần; trong CTTr vô cùng xuất hiện 3 lần, có cùng xuất hiện 3 lần so với chẳng cùng xuất hiện 5 lần.

Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Trung (Hoa) câu phủ định lại không dùng không[6], mà dùng bất 不 hay biệt 别 cho động từ, tính từ hay một/hữu 没/有 cho danh từ, bất và một đều có nghĩa là không (td. bất khả xâm phạm, bất luận, bất hiếu, mai một, một hứng ~ không hứng/mất hứng, một tự bi[7], biệt tẩu ~ đừng đi...). Ngoài ra, tiếng Mường (Bi) chỉ dùng chăng chứ không dùng không để chỉ phủ định (so với không là sông); chằng là giằng, căng - chằng thẳng là căng thẳng - cũng như khoang mằng là giăng màng (Từ điển Mường Việt, sđd) cho thấy tương quan k - kh - ch dẫn đến khả năng liên hệ các dạng không - khang - chăng.

Vào TK 17, tiếng Việt dùng chẳng cho phủ định, như trích BBC (sđd) "chẳng luôn luôn đặc trước khi có ý nghĩa phủ định, thí dụ chẳng có (non est ~ 'không có' theo tiếng Việt hiện đại/NCT), còn nếu đặt ở sau thì không có dấu và có ý nghĩa nghi vấn, thí dụ có chăng (est ne ~ 'có không' theo tiếng Việt hiện đại)". Nghĩa của có chăng lặp lại trong VBL trang 97. Không vào thời này hàm ý rỗng, trống (cụ thể) như làm không, nhà không, ăn cơm không (vacuus/L VBL trang 375), lòng không (PGTN trang 65), nơi không (PGTN trang 69), xác không (PGTN trang 31, 32), bởi/lấy không làm ra mọi sự PGTN trang 58/38), hư vô là không (PGTN trang 112), hóa ra hư không (PGTN trang 161), khi chết lại về không … lấy không làm bia mọi sự... khiến không làm cội rễ đầu mọi sự (PGTN trang 107). Cho đến cuối TK 18 và đầu TK 19 (Béhaine 1772/1773, Taberd 1838) thì không bắt đầu được dùng làm phó từ với nghĩa phủ định: LM Béhaine ghi rõ hai cách dùng khác nhau làm không (làm không được gì hết/làm không công) và không làm (không có làm, ~ "chẳng làm" theo ngữ pháp cổ hơn/NCT). Không đã mở rộng nghĩa và chức năng trong cấu trúc câu: so sánh thí dụ ghi lại trong BBC "chẳng có... có chăng" và Béhaine/Taberd "không làm... làm không". Cho đến đầu cuối TK 19 và đầu TK 20 thì không đã hầu như hoàn toàn thay thế chẳng và chăng trong cách dùng phủ định (chẳng mang nghĩa đặc biệt hơn - nhấn mạnh sự phủ định). Dạng chẳng, chăng rất thường gặp vào thời VBL/PGTN so với dạng không trong tiếng Việt hiện đại. Như vậy có liên hệ gì giữa các dạng này không? Hãy xem lại các cách đọc chữ không HV dựa vào phiên thiết cổ và các phương ngữ.

3.2 Chữ không (thanh mẫu khê 溪 vận mẫu đông 東 bình/khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

苦紅切 khổ hồng thiết (TVGT, ĐV, QV, CV, TVi) - TVi ghi âm khổng bình thanh 音孔平聲

枯公切,音崆 khô công thiết, âm công (TV, VH, LT, LTCN 六書正擶) - CTT ghi khổng bình thanh 孔平聲

苦動切 khổ động thiết (TV, VH)

康董切,音孔 khang đổng thiết, âm khổng (CV, TVi)

口公切 khẩu công thiết (NT, TTTH)

枯江切 khô giang thiết (QV, TVi) – Tvi/CTT ghi âm khương 音羌

苦貢切 khổ cống thiết (QV, TV, VH, CV, LT, TVi) - âm khống 音控 - thời QV/TV đã ghi khứ và bình thanh.

TNAV ghi vận bộ 東鍾 đông chung (dương bình và khứ thanh)

CV ghi cùng vần/bình thanh 空 悾 椌 倥 箜 崆 (không) - vận mẫu 東 đông

CV ghi cùng vần/thượng thanh 孔 空 悾 倥 (khổng *không)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 控 鞚 悾 空 倥 (khống *không)

苦江切 khổ giang thiết (TG 字鑑, CTT)

枯良切, 音康 khô lương thiết, âm khang (TVi)

枯紅切 khô hồng thiết (TĐTAT 重訂直音篇), v.v.

Giọng Bắc Kinh bây giờ là kōng, kòng, kǒng so với giọng Quảng Đông hung1 hung3 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] kung1 [客英字典] kung1 kung5 fung1 [海陆丰腔] kung1 fung1 kung5 [梅县腔] fung1 kung1 kung5 [台湾四县腔] kung1 fung1 kung5 [东莞腔] kung1 [陆丰腔] kung5 kung1 [宝安腔] kung1 | kung5 [客语拼音字汇] kung1 kung4, giọng Mân Nam/Đài Loan là khang3, tiếng Nhật kuu và tiếng Hàn kong. Một dạng âm thượng cổ phục nguyên của không là *kʰloːŋʔ với nguyên âm sau có độ mở miệng lớn, tuy nhiên đến thời Quảng Vận (QV, năm 1008) thì nguyên âm này còn có một dạng với độ mở miệng nhỏ hơn/không tròn môi (vần giang HV) dẫn đến khả năng ngạc hóa (palatalisation) cao hơn, kết quả là phụ âm đầu k- có khuynh hướng trở thành các phụ âm ch- và gi- hay cho ra dạng chăng và chẳng. Không HV có bình thanh và khứ thanh, dẫn đến hai dạng chăngchẳng[8]. Ngoài ra so sánh tương quan kháng 抗 và chống, không khó để nhận ra khả năng khang/khương 康 có thể liên hệ với chăng cũng như từ các so sánh sau đây.

3.2.1 Một số dạng ngạc hóa từ thanh phù công 工

Chữ không 空 dùng bộ thủ huyệt 穴 và thành phần hài thanh công 工 là loại chữ hài thanh. Khả năng ngạc hóa có thể để lại vết tích trong các chữ khác cũng dùng công làm thành phần hài thanh như

扛 giang (gánh, vác trên vaI)

江 giang (sông < *krong)

杠 giang, cống (gông, VBL ghi là blang > giang)

矼 cang, khang, hang, xoang - các dạng này cho thấy rõ nét khả năng biến âm k (cang) thành kh, h và xát hóa thành x.

腔 khang - xát hóa thành xoang (tiếng Việt)

v.v.

Một điểm cần phải nhắc lại ở đây là VBL còn ghi nhận các dạng tương đương chướcgiuóc (ngủ một chước ~ ngủ một giấc - VBL trang 123), giunchun (VBL trang 293) cũng như chốcgiốc (BBC). Do đó, ta có cơ sở để liên hệ không - khang 空 và *chang (chăng, chẳng). Ngoài ra nên nhắc lại là tiếng Mường (Bi, Từ Điển Mường Việt, sđd) có các dạng chiềng là khung, chiêng là giêng (tháng giêng), chiểng (giếng so với tỉnh HV 井), chiêu (so với *kiêu là bên trái),chiểng là trưởng (trưởng HV 長), chổng là giống (chủng HV 種), chủ là giấu (chủ măt là giấu mặt), chẩy là giấy (chỉ HV 紙), chã là giã (chã cảo là giã gạo), chẽ lau là giẻ lau, chăc là giặc cho thấy khả năng phụ âm đầu ch- đã hiện diện trước dạng gi-. Điều này giải thích được phần nào tương quan *chang > giang (thanh phù công 工). Do đó, ta có thêm cơ sở để liên hệ không - khang - *chang (chăng/chẳng) – giang (xem thêm mục 1 Phụ Trương). GS Nguyễn Ngọc San còn đề nghị khả năng biến âm k(j)- > ch- > gi- dựa vào các bản Nôm cổ và phương ngữ Bắc Bộ (sđd).

3.2.2 Một số chữ Nho có thanh phù công 公 và khuynh hướng ngạc hóa

Các trường hợp này cho thấy tương quan k - ch trong vốn từ Hán

公 công - chung

忪 chung (hoảng sợ)

妐 chung (cha, vợ chồng gọi nh...)

彸 chung (sợ hãi...)

炂 chung (nhiệt hóa...)

, v.v.

Ngoài ra, một số chữ khác cũng cho thấy tương quan k - ch như

耆 kì, thị, chỉ (đạt đến, già lão trên 60 tuổi...)

祇 kì, chỉ (thần đất...)

枝 kì, chi (cành, nhánh cây...)

Ít người biết rằng chiêu 招 (tuyển mộ, gọi...) còn có một cách đọc cổ là kiều:

祁堯切,音翹 kì nhiêu thiết, âm kiều (TV, VH, LT, CV, TVi)

3.2.3 Tương quan k - ch trong tiếng Việt

VBL còn ghi một cách đọc cànhchành (chánh ~ ramus/L, trang 97). Theurel (sđd) ghi chánh là cành nhỏ so với chành và các cách dùng vuông chành chạnh, chành chạnh bốn góc. Ngoài ra Đàng Ngoài còn dùng dạng chăng để chỉ căng[9] (tendre/P) hay giăng ra:

căng ~ chăng ~ giăng

3.2.4 Nhìn rộng ra hơn - cũng phù hợp với định luật âm thanh tự nhiên (dùng ít năng lượng nhất trong khi đọc/least effort) - khuynh hướng ngạc hóa (k > ch) còn hiện diện trong các ngôn ngữ khác như trong ngữ hệ Ấn Âu. So sánh một số trường hợp sau đây

cathedra (L) (ghế ngồi < Cổ Hi Lạp καθέδρα kathédra) > chair (A) - chaire (tiếng P trung cổ)

camera (L) (buồng < Cổ Hi Lạp καμάρα kamára) > camera[10], chamber/A – camera, chambre/P

catena (L) (dây, xích, chuỗi...) > chain (A) - chaîne (P)

calx (L) (cốc, ly) > chalice (A) - calice (chén lễ, P)

canālis (L) (kênh mương, lạch...) > canal (A, P), channel (A)

canto (L) (ca, hát) > chant (A) - chanter, chanson (P)

*kinnuz (Proto-Germanic) > kinn (cái cằm, tiếng Đức) > chin (A)

v.v.

3.3 Cấu trúc "chẳng có khi đừng"

Để diễn tả một hoạt động xẩy ra liên tục/không ngừng, tiếng Việt thời VBL có các cách dùng chẳng hay hết, chẳng có khi hết, đời đời, liên, liên liên và các dị bản của chẳng có khi đừng. Một cấu trúc đáng chú ý ở đây là

không (phủ định) + ngừng (động từ)... so với các dạng "chẳng đừng" và "chẳng cùng"

Tiếng Anh và tiếng Pháp cũng thể hiện cấu trúc này qua các dạng như

non-stop (non có gốc La Tinh là không, stop có gốc tiếng Anh cổ hàm ý dừng, ngưng)

incessant (in- tiền tố La Tinh hàm ý không, cessant < cessare La Tinh hàm ý ngưng) - so sánh với tiếng Pháp incessant (không ngừng) cùng cấu trúc.

unceasing (un- tiền tố tiếng Anh cổ hàm ý không, ceasing < cessare hàm ý ngưng)

uninterrupted (un- tiền tố gốc tiếng Anh cổ hay gốc Proto-Germanic un hàm ý phủ định, interrupted có gốc La Tinh interrumpere hàm ý đứt đoạn/chia hay bẻ làm hai - uninterrupted là không bị đứt đoạn hay không ngừng). So sánh với tiếng Pháp ininterrompu cùng một cấu trúc và cùng nghĩa.

ceaseless (cease < cessare L hàm ý ngừng, -less là hậu tố tiếng Anh cổ hàm ý không).

endless (end có gốc tiếng Anh cổ nghĩa là giới hạn/cùng, -less là hậu tố có gốc tiếng Anh cổ hàm ý không - so sánh với cách dùng tương đương là "chẳng cùng" vào thời VBL/PGTN).

unending (un- tiền tố gốc tiếng Anh cổ hàm ý không, ending là dừng/kết thúc)

v.v.

Có thể xem cấu trúc sâu (deep structure) của không ngừng được thể hiện qua nhiều phương cách (cấu trúc mặt/surface structure) - tùy theo cấu trúc từng ngôn ngữ - để cho ra các dạng từ 2 chữ đến 5 chữ như trong tiếng Việt: chẳng đừng, chẳng khi đừng, chẳng có khi đừng, chẳng có khi nào đừng, v.v. Mãi cho đến đầu TK 20, LM Vallot (1898, sđd) vẫn còn ghi nghĩa của danh từ continuité là "sự không có khi đừng" so với định nghĩa của cụ Huỳnh Tịnh Của (1895, sđd) là "sự liền liền". LM Génibrel (1898, sđd) cũng ghi cách dùng phủ định kép (double négation/P) chớ lờ là rất chắc chắn (très certainment/P).

Cấu trúc không + ngừng còn phù hợp với logic ~ (~p) = p, hay hai phủ định tạo thành một xác định: không (~) + ngừng (~p) = liên tục (p). Đây cũng là trường hợp phủ định kép (double negative). Tiêu chuẩn logic này thường được tuân thủ triệt để trong văn viết hay khẩu ngữ để cho mạch lạc, tuy nhiên cũng có ngoại lệ - đặc biệt là trong cách nói thông tục (td. tiếng lóng hay tiếng địa phương). Thí dụ như trong tiếng Anh (tiêu) chuẩn (Standard English)

You haven't seen anything yet (Anh chưa thấy gì đâu)

You ain't seen nothing yet (Anh chưa thấy *không gì đâu ~ Anh chưa thấy gì đâu) - tiếng lóng (Slang English).

Phủ định kép cũng hiện diện trong tiếng Việt như

Anh ta không thể không biết điều đó

Trong câu trên, biết điều đó là p, không thể là ~, không cũng là ~ do đó ~ (~p) = p hay hai phủ định trở thành xác định p: kết quả là anh ấy (phải) biết điều đó (xác định), Tuy nhiên có một số trường hợp phủ định kép bị chi phối bởi văn cảnh hay môi trường, phản ánh phần nào tư duy tổng hợp trong tiếng Việt để cho ra kết quả có vẻ như phi logic (không như bên trên). Vào thời LM Maiorica, trích vài trường hợp từ TCTGKM:

(a) cấm chớ làm hình tượng mà thờ (trang 120)

(b) cấm chẳng cho làm hình tượng (trang 122)

(c) cấm chẳng cho giết người (trang 147)

(d) cấm giết người (trang 157)

(e) cấm chớ ước ao lấy vợ người (trang 164, 165)

So với các cách phát ngôn trong PGTN của LM de Rhodes

(f) chớ giết người (VBL trang 284)

(g) cấm giết người (PGTN trang 297)

(h) chớ muốn vợ người (PGTN trang 202)

LM de Rhodes đã theo đúng logic của tư duy phân tích (Tây phương), còn LM Maiorica cũng cùng một cách giải thích (cho mười điều răn) nhưng có lúc dùng động từ cấm với các từ phủ định chẳng cho hay chớ - phản ánh tư duy tổng hợp từ truyền thống văn hóa ngôn ngữ VN. Động từ cấm mang ý chính cho toàn câu nói, hàm ý không được hay không cho làm điều gì sẽ được xác định trong phần sau của câu nói - thí dụ như câu câu nói

Cấm gì? cấm giết người - thành ra có thay giết người bằng chớ giết người hay chẳng cho giết người cũng không đổi được hàm ý của cách dùng cấm. Động từ ra lệnh đứng đầu một câu nói chi phối hoàn toàn phần sau câu nói đó:

Cấm giết người ~ cấm chẳng/không cho giết người ~ cấm không giết người ~ cấm không được giết người ~ cấm chớ (đừng) giết người, v.v.

Tiếng Pháp và tiếng Anh, do ảnh hưởng từ truyền thống tư duy phân tích, không có trường hợp dùng động từ cấm (không cho - NO, NON) như trên: cấm hút thuốc (Interdiction de fumer/P ~ No smoking/A), cấm câu cá (Défense de pêche/P ~ No fishing/A) … So sánh sự khác biệt giữa hai câu nói trong tiếng Việt (ảnh hưởng động từ ở đầu câu nói/ý chính):

Cấm không giết người ≠ Không cấm giết người

LM Béhaine (1772/1773) còn ghi cách dùng không không đáng chú ý: sine causa/L (hàm ý không có nguyên do) - không đã được dùng làm từ phủ định và không không[11] nghĩa là tự nhiên xẩy ra, bỗng không, bỗng nhiên. G. Aubaret (1867) giải thích không không 空空 là sans motif (không cớ gì/NCT). Ảnh hưởng của ý chính (toàn văn, toàn cảnh hay cách nhìn "tổng hợp") chi phối cách dùng từ như xuống thuyền ~ lên thuyền (cùng nghĩa), ra đời ~ vào đời (cùng nghĩa), áo lạnh ~ áo ấm (cùng nghĩa), thình lình ~ bất thình lình (cùng nghĩa), chợt ~ bất chợt (cùng nghĩa) khi phân tích theo logic (tư duy phân tích) thì không được ổn: ~p khó mà cho bằng p được! Tư duy tổng hợp thể hiện qua tiếng Việt là một chủ đề rất thú vị[12], tuy nhiên không nằm trong phạm vi của bài viết nhỏ này.

3.4 “Chẳng có đâu” và chu kì Jespersen (Jespersen's cycle)

VBL mục đâu có ghi cách dùng chẳng có đâu hàm ý phủ định một cách chắc chắn (quả quyết) - đâu là phó từ lặp lại ý phủ định của không có. BBC cũng ghi lại cách dùng chẳng phải lẽ đâu (~ không đúng với lẽ thường đâu). Có lẽ từ khẩu ngữ nên các tài liệu chữ quốc ngữ và chữ Nôm vào thời VBL/PGTN không thấy ghi lại cách dùng này. Dựa vào dữ kiện từ VBL và dùng từ phủ định chẳng, một cách nói vào thời này là

(A) Tôi chẳng muốn đi chợ

Sau đó, thêm một từ phủ định nữa là đâu để nhắc lại (khẳng định sự phủ định) - đâu là phụ từ dùng trong câu hỏi (nghi vấn) về nơi chốn[13] thường gặp vào thời VBL:

(B) Tôi chẳng muốn đi chợ đâu

Cho đến tiếng Việt hiện đại thì đâu bắt đầu thay thế chẳng (hay không) để cho hai dạng tương đương (đâu, chẳng thường gặp trong khẩu ngữ hơn so với không):

(C) Tôi đâu muốn đi chợ

Các giai đoạn A, B, C tạo thành chu kì Jespersen (viết tắt là CKJ trong phần này), một quá trình thành lập câu phủ định trong ngôn ngữ[14]. Nhà ngôn ngữ Đan Mạch nổi tiếng Otto Jespersen đã diễn tả chi tiết chu kì này trong cuốn Negation in English and Other Languages (1917) và do đó chu kì này được gọi là chu kì Jespersen. Thí dụ như câu phủ định tiếng Pháp sau đây cũng qua các giai đoạn trên:

(A) Jeo ne dis (tôi không nói) - tiếng Pháp cổ (Old French)

(B) Je ne dis pas (tôi không nói) - tiếng Pháp hiện đại và trong sách vở (Modern French)

(C) Je dis pas (tôi không nói) - tiếng Pháp hiện đại/thông tục (td. khẩu ngữ).

Tiếng Anh cũng cho thấy CKJ:

(A) Ic ne secge (tôi không nói) - tiếng Anh cổ (Old English)

(B) Ic ne seye not (tôi không nói, not ~ nauȝt) - tiếng Anh trung cổ (Middle English)

(C1) I say not (tôi không nói) - tiếng Anh xưa/trước hiện đại (Early English)

(C2) I don't say ~ I do not say (tôi không nói) - tiếng Anh hiện đại (Modern English), v.v.

Đây là một đề tài thú vị[15] nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

4. "Cây muốn lặng gió chẳng đừng"

Thành ngữ trên có các dị bản như "cây muốn lặng gió chẳng dừng" hay "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng" và "cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng"… Tuy nhiên dạng "cây muốn lặng gió chẳng đừng" có thể là xưa hơn hết vì các cách dùng từ đã hiện diện từ thời VBL/PGTN và trong các bản Nôm của LM Maiorica. Ngoài ra, tự điển Béhaine (1772/1773) đã ghi lại rõ ràng câu này "cây muốn lặng gió chẳng đừng" và sau đó được chép lại trong tự điển Taberd (1838) và Theurel (1877). Ngoài nghĩa đen là cây muốn yên bình (lặng) mà gió chẳng ngừng, LM Béhaine (1772/1773) còn giải thích thêm nghĩa bóng (phép ẩn dụ) là mình phải làm những chuyện (không tốt) ngoài ý muốn. Cách giải thích này (bằng tiếng La Tinh) được hoàn toàn chép lại trong các tự điển của Taberd (1838) và Theurel (1877). Câu này hàm ý cuộc đời nhiều khi sống không được theo ý muốn của riêng mình (~ cây), thường phải chung đụng và làm theo ý người khác (~ gió) cho được hài hòa và cho dòng đời tiếp tục. Tuy nhiên, cụ Huỳnh Tịnh Của đã giải thích câu này là từ Tăng Tử (một trong Nhị Thập Tứ Hiếu) nói vì thương khóc cha mẹ, gồm hai câu đối nhau là "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng - con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng sống" (trang 333, ĐNQATV sđd). Các tài liệu TQ - như Khổng Tử gia ngữ (thế kỉ 3 SCN) hay Hàn Thi ngoại truyện (thế kỉ 2 TCN) - lại ghi xuất xứ câu "cây muốn lặng, gió chẳng đừng" khác hơn[16]. Trên đường Khổng Tử sang Tề thì nghe thấy tiếng khóc thống thiết của Cao Ngư (có tài liệu ghi là Khâu Vũ Tử 邱武子), hỏi ra thì Cao Ngư mới trả lời về ba cái mất mát lớn trong đời mình. Mất mát lớn đầu tiên[17] là khi học xong và chu du thiên hạ, khi về nhà thì cha mẹ đã qua đời không còn được phụng dưỡng nữa! Cao Ngư nói: thụ dục tĩnh nhi phong bất chỉ[18] 樹欲靜而風不止 tử dục dưỡng nhi thân bất đãi 子欲養而親不待. Truyện trên nêu lên tầm quan trọng của đạo hiếu, nên nuôi dưỡng cha mẹ khi còn sống chứ khi đã mất thì còn gì nữa mà lo lắng, thật là một tâm sự đau lòng của con người khi so sánh với thiên nhiên - cũng như cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Do đó người đời sau (trong văn hóa Hán) khi tả cảnh tang thương đau xót thì thường dùng thành ngữ bốn chữ phong thụ chi bi 風樹之悲 (bi đát như cây và gió/NCT).

Tóm lại, các tài liệu vào thời bình minh của chữ quốc ngữ như VBL/PGTN của LM de Rhodes, thư viết tay như của Bento Thiện cùng các bản Nôm của LM Maiorica đều cho thấy chẳng là từ phủ định so với chăng dùng cho nghi vấn. Tiếng Mường (Bi) vẫn còn dùng chăng (nghĩa là không) còn dạng không để chỉ sông. Không cũng hiện diện cùng với chẳng/chăng nhưng không dùng cho câu phủ định, mà là tính từ hay danh từ hàm ý trống rỗng như nhà không, nơi không, ăn cơm không... Mãi dến thời LM Béhaine (Đàng Trong, 1772/1773) mới thấy dùng không làm từ phủ định, nhưng các tài liệu viết tay của LM Philiphê Bỉnh cùng thời ở Đàng Ngoài thì hoàn toàn dùng chẳng/chăng như thời VBL/PGTN. Bảng Từ Vựng chép tay của LM Morrone (khoảng đầu TK 19) cho thấy không dùng làm từ phủ định, so với không (phủ định) cũng xuất hiện khoảng 23 lần so với chẳng xuất hiện 107 trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du - hay là khoảng 17.7%. Cho đến gần đây hơn như trong các tác phẩm của Nam Cao, Anh Đức (Lý Bảo Mỵ, 2015 sđd) thì không[19] (phủ định) xuất hiện khoảng 80% so với 0% vào thời LM de Rhodes và Philiphê Bỉnh. Có phải từ phủ định cổ chẳng đã bị thay bằng một từ khác hoàn toàn mới chăng (từ phủ định không)? Người viết đưa ra các tương quan ngữ âm không - khang - *chang - giang để cho thấy khả năng không và chẳng/chăng là có cùng một gốc. Các tiếng Trung (Quốc), Nhật, Hàn đều dùng không 空 để chỉ sự vật trống rỗng/hư không nhưng không mở rộng nghĩa và chức năng (ngữ pháp hóa) để chỉ nghĩa phủ định như tiếng Việt. Quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại cho thấy một số âm cổ bị thay thế bằng âm HV mới hơn như đạo Bụt (thời VBL/PGTN, Maiorica) bây giờ gọi là đạo Phật, mựa (nghĩa là chớ) bây giờ không còn dùng nữa so với vô, và có thể không - hàm ý nhấn mạnh (strengthener/A) - cũng là 'bình mới' cho 'rượu cũ' (từ phủ định chẳng/chăng) trong khuynh hướng nói trên. Biết được nghĩa và cách dùng của chẳng, đừng vào thời VBL/PGTN cho ta hiểu rõ hơn thành ngữ cây muốn lặng gió chẳng đừng và các dị bản. Tuy nhiên, thành ngữ này còn cho thấy liên hệ sâu xa giữa văn hóa ngôn ngữ Hán và Việt cả ngàn năm trước đây, không chỉ thể hiện qua cách dùng từ phủ định chẳng/chăng và đừng. Hiện tượng phủ định kép cũng hiện diện trong tiếng Việt, tuy nhiên tư duy tổng hợp từ truyền thống nông nghiệp đã cho ra những cách dùng rất khó giải thích bằng logic thông thường (td. tư duy phân tích) như thình lình ~ bất thình lình, chợt ~ bất chợt, v.v. Các cách dùng trên vẫn xuất hiện trong tiếng Việt hiện đại sau 4 thế kỉ, phản ánh một trong những khác biệt quan trọng giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ Ấn Âu. Chu kì Jespersen cũng có thể giải thích một số dạng phủ định trong ngôn ngữ, và có thể xem đây là một khuynh hướng ngữ pháp hóa (grammaticalisation/A) - thí dụ như cách nói tôi đâu (có) muốn đi chợ so với tôi chẳng (chả, không, chớ có) muốn đi chợ đâu. Hi vọng người đọc sẽ cảm thấy hứng thú từ các gợi ý trong bài viết này để tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt phong phú của chúng ta, cũng như khám phá thêm nhiều hiện tượng thú vị của ngôn ngữ.

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) "Phép Giảng Tám Ngày", "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) J.M.J. Caspar/Louis Caspar ~ Cố Lộc (1877/1879) "Dictionnaire annamite-francais" nhà in Tân Định xuất bản năm 1877, 1879.

4) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937

8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

9) Chung Mỹ Linh (2011) "Negative forms in English and Vietnamese sentences – A contrastive analysis" có thể đọc tiểu luận này trên trang https://nanopdf.com/download/negative-sentence-1_pdf

10) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập" (ĐCGS), "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

11) Lý Bảo Mỵ (2015) "Câu phủ định tiếng Hán trong sự đối chiếu tiếng Việt" Luận án thạc sĩ Ngôn Ngữ Học (Đại Học Quốc Gia - Hà Nội).

12) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) "Lexicon Cochin-sinense Latinum" đăng trong cuốn "A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing" viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa.

13) Vũ Đức Nghiệu (2019) "Biến đổi ngữ nghĩa với quá trình ngữ pháp hóa của một số từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ tiếng Việt" đăng trong tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tập 5, Số 6 (2019), tr.660-684.

14) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

15) Nguyễn Ngọc San (1985) "Thử tìm hiểu một vài sự chuyển biến âm đầu trong tiếng Việt cổ qua cứ liệu Nôm" đăng trong TC Ngôn Ngữ số 3 (1985).

(2003) "Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử" NXB Đại Học Sư Phạm - tái bản có bổ sung.

16) Henriëtte Swart (2006) "Negation in a cross-linguistic perspective" - có thể tham khảo sách này trên mạng như file:///C:/Users/Tom%20Nguyen/Downloads/swart_06_expressionandinterpretationofnegation%20(2).pdf, v.v.

17) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh - Việt (1838).

18) Phạm Văn Tình (2021) "Cây muốn lặng, gió chẳng đừng: Muốn yên mà có được đâu!" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nguoidothi.net.vn/cay-muon-lang-gio-chang-dung-muon-yen-ma-co-duoc-dau-31836.html, v.v.

19) J. S. Theurel (1877) "Dictionarum Anamitico-Latinum" LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) - Ninh Phú (Đàng Ngoài).

20) Nguyễn Cung Thông (2021) “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)" (NCT: đặc biệt về tương quan đ - d như đao dao, đã dã...) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/, v.v.

21) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ trương

1. Chữ trang HV 庄 và các cách đọc Nôm - trích từ tự điển Béhaine (sđd) - để ý khả năng đọc chăng, chẳnggiang: đây là lần đầu tiên chữ Nôm trang ghi bằng dạng chữ quốc ngữ:

clip_image020

2. Trích trang 57 “Các Truyện Thuộc Về Đức Chúa Bà/Sách Gương Truyện” (Philiphê Bỉnh – Lisbon 1815). Các tài liệu chép tay của Philiphê Bỉnh hoàn toàn dùng từ phủ định chẳng (và chăng): chẳng có đạo (có khi dùng vô đạo), kể chẳng xiết, chẳng có khi nào đừng...

clip_image022


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Thí dụ như các GS Nguyễn Quang Hồng, Hoàng Thị Ngọ (sđd).

[3] Thiên HV 千 là nghìn (ngàn) có các cách khắc/viết cổ - tham khảo trang http://www.zdic.net/z/16/zy/5343.htm : để ý chữ nhân 人 là thành phần (hài thanh) trong cấu trúc chữ thiên (TVGT ghi chữ thiên là 从十从人 tòng thập tòng nhân), dựa vào một dạng âm cổ ngin2 (Mân Nam) của nhân và nghìn (ngàn) tiếng Việt: ta có cơ sở liên hệ thiên với nghìn: *nhin > nghìn – ngàn (tương quan nh- ng).

[4] không kể các dạng "không khi nào hết", "không cùng", v.v.

[5] Các giáo sĩ và cộng sự đã dịch tính từ La Tinh aeternus ra tiếng Việt, dùng dạng HV vô cùng 無窮 hay chẳng cùng 庄穷. Điều này cho thấy cùng HV 窮 được dùng khá tự do, so với cách dùng có cùng (~ hữu hạn 有限).

[6] Từ phủ định “không” là từ cơ bản nhất và thường gặp nhất trong tiếng Việt, và cũng có thể nói là “không” là từ tiêu biểu và dùng để nhận ra cho cấu trúc phủ định của tiếng Việt. Không (phủ định) có tần số sử dụng cao nhất, tương ứng với bất 不 của tiếng Hán (Lý Bảo Mỵ, 2015 sđd).

[7] Một tự bi HV là bia không có một chữ, ám chỉ kẻ ngu dốt.

[8] Tiếng Thái có dạng chang ช่าง hàm ý không quan tâm, không để ý cũng như tiếng Lào sāng ຊ່າງ (không quan tâm, không chú ý) và được dùng làm từ phủ định trong các ngôn ngữ này. Khác với trường hợp không HV (rỗng, trống) có phạm trù nghĩa cụ thể và khả năng ngữ pháp hóa như trình (chưng), quá (qua)...

[9] căng có thể liên hệ đến căng HV 搄 hay 緪 (đọc là 古恆切 cổ hằng thiết/ĐV, 居層切 cư tằng thiết/TV/VH).

[10] camera là danh từ chỉ máy chụp hình/máy ảnh chỉ xuất hiện gần đây mà thôi (khoảng giữa TK 18) vì phải chụp hình trong phòng tối (Camera obscura/L, tiền thân của máy ảnh - camera = phòng, obscura = tối).

[11] Không không còn có nghĩa là trống rỗng như "ở giữa không không", hay là tiếng cấm ngăn, từ chối (không không tôi đã ăn rồi), tiếng chỉ sự nhất quyết là có (nó có ăn cắp, không không) theo cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, 1895 trang 501). Do đó, phải hiểu nghĩa không không từ văn cảnh.

[12] Tham khảo thêm chi tiết về tư duy tổng hợp trong các bài viết như "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)", "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)" cùng tác giả (NCT).

[13] Trong BBC, LM de Rhodes còn ghi cách dùng nỗ, dùng trong một vài địa phương, tương đương với chẳng. Một dạng Proto Pong (tiếng Pọng cổ phục nguyên) là *nɔː³ nghĩa là chẳng, chớ, đừng - so sánh với dạng no của tiếng Mường (Bi) nghĩa là đâu, no cỏ là đâu có, no nhơ là đâu như...

[14] Một trường hợp khác là câu "Anh dám quên ơn hả?" > Anh há dám quên ơn (hả - há: thanh điệu thay đổi như chăng/nghi vấn và chẳng/phủ định) - há hàm ý không phải như thế.

[15] Người đọc có thể xem thêm chi tiết về câu phủ định từ góc nhìn lịch đại như bài viết "On the diachrony of negation" của tác giả Johan van der Auwera (2008) với nhiều tài liệu tham khảo giá trị ở phần cuối bài - bài đăng trong cuốn "The Expression of Negation" chủ biên Laurence R. Horn (Yale University, New Haven, USA) NXB De Gruyter Mouton (1st edition 2010). Có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.605.7532&rep=rep1&type=pdf

[16] Nhà thơ/học giả nổi tiếng đời Đường Bạch Cư Dị (772-846) cũng nhắc đến hai câu này: "từ cổ nhân" (古人有雲 cổ nhân hữu vân, người xưa có nói/NCT).

[17] Sự mất mát lớn lao thứ nhì là khi làm quan phụng sự vua không nghe lời/giúp đỡ người thân, sự mất mát thứ ba là bạn thân thuở thơ ấu cũng bỏ đi không còn liên lạc nữa khi về già. Đây là những ‘ứng xử phải lẽ’ trong xã hội mà lại không theo ý muốn của mình - tham khảo thêm chi tiết trong trên các trang này chẳng hạn https://www.youtube.com/watch?v=X2znm1b-W-c hay https://baike.baidu.com/item/%E6%A0%91%E6%AC%B2%E9%9D%99%E8%80%8C%E9%A3%8E%E4%B8%8D%E6%AD%A2/2911819, v.v.

[18] Ngay cả câu đầu mà Cao Ngư nói với Khổng Tử cũng có vài dị bản như thụ dục tĩnh nhi phong bất ninh, thụ dục tức nhi phong bất đình 樹欲靜而風不寧, 樹欲息而風不停, v.v.

[19] Câu dùng từ phủ định đứng trước động từ rất thường gặp trong tiếng Anh (khoảng 91.15%) và tiếng Việt (88.35%). Nhìn rộng ra hơn, khi so sánh 325 ngôn ngữ trên thế giới Matthew Dryer (1988) tìm thấy khoảng 70% dùng từ phủ định (như không, not/A) trước động từ (Henriëtte Swart 2006, sđd).