Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Đọc tranh ngựa của Hồng Hưng

Lã Nguyên

Vài năm nay, thỉnh thoảng thấy Hồng Hưng thả ngựa lên fb, khi một con, lúc vài chú. Gặp tranh lạ, tôi lưu lại để “đọc”. Xin nói rõ, tôi “đọc” tranh, chứ không xem, vì quen tìm nghĩa của tranh như tìm nghĩa của tác phẩm văn học. Muốn tìm nghĩa của tác phẩm, người ta phải phát hiện ngôn ngữ của nó. Đây là công đoạn khó nhất, dễ nhầm lẫn nhất khi đọc văn bản nghệ thuật, nên mọi sự phát hiện ngôn ngữ đều chỉ là giả định. Chả phải mấy bác gác đền tư tưởng, có cả Tiến sĩ, Giáo sư, già đời mà vẫn đọc nhầm, vì quen dùng ngôn ngữ chính trị để soi nghệ thuật đó sao? Khó thế, dễ nhầm thế, vì tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, ta đứng trước một văn bản, nhưng không phải cứ hễ có văn bản là ta đã có được ngôn ngữ của nó. Đây là chỗ khác biệt cơ bản giữa văn bản nghệ thuật và văn bản phi nghệ thuật.

Văn bản phi nghệ thuật là phát ngôn trực tiếp của tác giả, chủ thể lời nói. Nó chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ đại chúng. Thành thử, với người tiếp nhận, ngôn ngữ là cái có trước, văn bản là cái có sau. Cho nên chỉ cần biết tiếng Việt và chữ quốc ngữ, thì ai cũng có thể hiểu nội dung các văn kiện, nghị định, chỉ thị của các đảng phái và cơ quan công quyền, bất luận chúng ngắn dài thế nào. Tôi tin, viết “Hòn đá to” bằng lời thơ nôm na, đối tượng kêu gọi đoàn kết mà Hồ Chí Minh nhắm tới trước hết là quần chúng công nông, chứ không phải những người chữ nghĩa bề bề. Nên chi, đọc lên, chẳng ai cần phải giảng giải gì:

Hòn đá to

Hòn đá nặng

Chỉ một người

Nhấc không đặng

Hòn đá nặng

Hòn đá to

Nhiều người nhấc

Nhấc lên đặng

Cũng như vậy, chẳng cần học hội họa, miễn là không khiếm thị, chỉ cần nhìn qua, ai cũng cảm nhận được ngay nội dung những bức tranh tuyên truyền cổ động treo khắp làng mạc, thành phố, cả những bức cực kì nổi tiếng ví như Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ và Huy Oánh trước kia.

Với ngôn ngữ nghệ thuật, tình hình không phải như vậy. Nghệ sĩ không thể xông vào tác phẩm để trực tiếp nói với công chúng như trong các văn bản chính luận, hành chính. Thượng đế sáng tạo ra vạn vật muôn loài để rồi can dự vào cuộc sống ấy từ vị thế của người đứng ngoài. Nghệ sĩ cũng thế! Như một “tiểu hóa công”, anh ta sáng tạo ra thế giới nghệ thuật và cái thế giới ấy sẽ nói lời thay anh ta. Văn học, hội họa, điêu khắc, vũ đạo, âm nhạc, hay điện ảnh đều thuộc loại hình NGHỆ THUẬT NÓI GIÁN TIẾP. Nó nói bằng ngôn ngữ của nhân vật, sự vật, bằng không gian và thời gian trong tranh. Đó là loại ngôn ngữ thứ sinh, được nghệ sĩ tạo ra từ chất liệu ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ đại chúng. Loại ngôn ngữ này độc đáo, mang tính đơn nhất, chỉ dùng một lần. Tác phẩm nghệ thuật hoàn tất, ngôn ngữ mà nghệ sĩ sử dụng để làm ra tác phẩm lập tức trở thành “tử ngữ”. Thành thử, trước tác phẩm, với người tiếp nhận, kể cả tác giả của nó, văn bản là cái có trước, ngôn ngữ là cái có sau, cái cần khám phá, phát hiện. Cho nên, chẳng phải cứ hễ không mù chữ, không khiếm thị là xem được tranh, đọc được văn học.

Tôi có nhận xét thế này. Nhìn vào cấu trúc bề sâu của văn bản, tôi thấy nghệ thuật càng hiện đại, càng có xu hướng tái cấu trúc, tái sử dụng các loại ngôn ngữ cổ xưa, bắt nguồn từ thời tiền nghệ thuật. Cứ xem lại những con “TÔM” của Tề Bạch Thạch (1864 – 1957), hay “NGỰA” và tranh về các loài vật của Từ Bi Hồng (1895 – 1953) thì sẽ thấy! Cả Từ Bi Hồng, lẫn Tề Bạch Thạch đều thường nói với công chúng bằng ngôn ngữ thần thoại, truyền thuyết. Gà trong “Kê minh vũ” của Từ Bi Hồng chính là gà truyền thuyết, gà thần thoại. Mục đích của phát ngôn truyền thuyết, hay thần thoại là chuyển tới người tiếp nhận một TRI THỨC KHẢ TÍN (bất kiểm chứng). Nó đặt tác giả vào vị thế của kẻ sở đắc chân lí, đặt người tiếp nhận vào vị trí của kẻ đồng thuận. Để xây dựng được chiến lược diễn ngôn như thế, cả Tề Bạch Thạch, lẫn Từ Bi Hồng đều tạo ra trong tranh một con VẬT THỦY TỔ: TÔM THỦY TỔ, NGỰA THỦY TỔ. Nó là con tôm, con ngựa THỨ NHẤT, mà cũng là con tôm, con ngựa TUYỆT ĐỈNH, TUYỆT VỜI. Cho nên người đời thường khen: tôm trong tranh Tề Bạch Thạch “thật hơn cả những con tôm thật”, ngựa trong tranh Từ Bi Hồng “thật hơn những con ngựa thật”. Sức hấp dẫn trong tranh của họ nằm ở đối tượng mô tả được nghi lễ hóa, thiêng hóa. Tôi thấy Từ Bi Hồng còn có cả bức vẽ đôi ngựa đang tung vó. Nhìn vó ngựa tung lên dũng mãnh trong bức tranh, mà tôi tự dặn lòng, hễ ông Trời còn để cho sống, thì đừng bao giờ dại dột “sờ dái ngựa”! Ý tôi muốn nói, Từ Bi Hồng đôi khi còn sử dụng cả ngôn ngữ dụ ngôn. Dụ ngôn đặt người nói vào vị trí của bậc trưởng thượng, đặt người nghe vào chỗ ngồi của môn đệ để chuyển tải một BÀI HỌC nhân sinh. Toàn bộ nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ văn học, mĩ thuật, vũ đạo, cho tới âm nhạc về cơ bản cũng “nói” bằng ngôn ngữ truyện thánh, ngôn ngữ truyền thuyết và dụ ngôn tương tự như vậy.

Tôi không thấy Hồng Hưng vẽ ngựa để dạy ai một bài học. Ông cũng không biến ngựa thành con vật truyền thuyết, hay thần thoại. Tức là tranh của ông không “nói” bằng ngôn ngữ dụ ngôn, hay ngôn ngữ truyền thuyết. Những bức vẽ của ông “nói” với người xem chủ yếu bằng ngôn ngữ giai thoại. Tôi dùng thuật “giai thoại” theo nghĩa từ nguyên trong tiếng Hy Lạp: “anekdotos”, là “chuyện rỉ tai”, là “điều chưa công bố”, là “sách chưa xuất bản”. Mục đích của diễn ngôn giai thoại là phát biểu một Ý KIẾN cá nhân, thể hiện một CÁI NHÌN riêng về sự vật, về con người và cuộc đời. Nó cũng truyền đạt tri thức, nhưng đó không phải là tri thức khả tín, mà là một tri thức khả thể. Chủ thể phát ngôn ở đây không phải là kẻ sở đắc chân lí, mà là một cá nhân khả thể trong quan hệ đối thoại với các cá nhân khả thể khác như một người khác của mình. Cho nên NGỰA của Hồng Hưng không chỉ không giống với ngựa của ai, mà cũng chẳng giống bất kì con ngựa có thật nào ở ngoài đời. Trong tranh Hồng Hưng, ngựa thường chỉ hiện lên như một Ý NIỆM. Hồng Hưng vẽ ngựa là để thể hiện ý niệm về ngựa của riêng mình. Chả thế mà ông dùng ngay chữ “MÔ giản thể trong tiếng Tàu (马), kèm theo mấy nét cách điệu vẽ bờm ngựa, đuôi ngựa như những kí hiệu để biểu đạt về ngựa. Những bức vẽ như thế chỉ gợi ra ý niệm về ngựa và loài ngựa nói chung, chứ không biểu đạt một con ngựa cụ thể nào, hay nói như Hegel, “con ngựa này”, như trong tranh Từ Bi Hồng, hoặc tranh nhiều họa sĩ khác mà tôi có may mắn được chiêm ngưỡng. Sở dĩ chữ “马” cách điệu trở thành bức tranh nghệ thuật vì nó được vẽ ra tựa như để “chơi”, để mình khoái trá tự ngắm với mình!

Tranh ý niệm của Hồng Hưng không khô khan, khuôn sáo, công thức, vì tôi thấy hình như ông vẽ ngựa là để thể hiện những Ý NIỆM VỤT HIỆN. Mỗi bức tranh ngựa của ông giống như bản TỐC KÍ dùng đường nét để ghi lại một ý niệm vụt hiện nào đó. Thành ra, tranh ý niệm của ông cũng thường là tranh tối giản. Trong tranh, ông thường chỉ vẽ “độc mã” và không có bất kì chi tiết rườm rà nào. Và đây mới là điều quan trọng: phía sau những ý niệm vụt hiện, tranh ngựa của Hồng Hưng còn đầy ắp tâm trạng với những nỗi buồn vui không chỉ về loài ngựa, kiếp ngựa, mà còn cả về con người và kiếp người. Ông có không ít bức vẽ hài hước, ẩn giấu nụ cười hóm hỉnh, ví như bức vẽ ngựa mà nhìn vào bộ lông bờm mọc lên tua tủa như giáo mác từ đầu tới tận đuôi, tôi cứ băn khoăn, không biết đó là con ngựa, hay con nhím đang co mình tự vệ. Lại có bức ông vẽ con ngựa, không hiểu sao tôi cứ đinh ninh đó là “ả ngựa” đang tung bờm quẫy đuôi, chổng mông về phía cử tọa. Tôi nghĩ, nghệ sĩ biết cười là nghệ sĩ hiểu rõ giới hạn của kiếp người, nhưng cũng là nghệ sĩ biết kì vọng và giàu mơ mộng. Cho nên, trong tranh của ông có con ngựa như đang bay mà vẫn phải kéo theo cả càng xe bị tròng lên mình. Lại có con ngựa như phẫn chí. Nó vươn mình, tung bờm, rướn vó, vươn cổ lên trời mà hí. Ngắm tranh ta không còn có cảm giác về ngựa, mà chỉ thấy cái “chí” bị đè nén trong lòng, khi “chí” thoát ra thành “khí” thì cuồn cuộn thanh động cả vũ trụ. Nhưng tranh ông cũng có con ngựa tựa như đang ca khúc khải hoàn. Ở nhiều bức, ngựa của ông như đang bay. Andersen có nàng tiên cá tan thành bọt biển để thành bất tử. Trong tranh Hồng Hưng, tôi thấy hình như cũng có một nàng “TIÊN MÔ đang vờn bay giữa mây trời.

Tranh ngựa của Hồng Hưng là nghệ thuật giải thiêng, giải nghi lễ của ngôn ngữ truyền thuyết, ngôn ngữ thần thoại trong hội họa. Giai thoại thú vị không hẳn ở câu chuyện, mà chủ yếu ở tài năng của người kể chuyện. Cúng như vậy, điểm thú vị trong tranh Hồng Hưng không nằm ở con ngựa được mô tả, mà ở cách mô tả con ngựa của nghệ sĩ.

Viết nhanh trong ngày bị f0 vì cúm Tàu

LN

   image

 

image

image

Có thể là hình minh họa

Có thể là hình minh họa

Có thể là hình minh họa

image

Có thể là hình minh họa