Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 1)

Phạm Viết Đào

20220112_153240_thumb

KHÓC EM HY SINH TRONG CƠN MƯA TẦM TÃ VỊ XUYÊN

Thay lời tựa của Phạm Viết Đào

“KHÓC EM HY SINH TRONG CƠN MƯA TẦM TÃ VỊ XUYÊN”, là tiêu đề Phạm Viết Đào mượn từ một câu chuyện được CCB Nguyễn Thái Long, E 567 ghi trong ký sự: "Trở lại Trung đoàn" để làm đề tựa sách…

Nguyễn Thái Long trong “Trở lại Trung đoàn 567” đã kể về câu chuyện của Nguyễn Đăng Thuần, quê ở Cổ Loa, Đông Anh, một chiến sĩ vận tải của Trung đoàn 567. Nguyễn Đăng Thuần có mặt tại chiến trường Vị Xuyên 1985; Thuần có nhiệm vụ hàng đêm vận tải vũ khí, đạn dược, tư trang, đồ ăn thức uống cho bộ đội ta chốt giữ điểm chốt A 6 B; một điểm chốt đêm ngày đang diễn ra những trận đánh khốc liệt của lính trung đoàn 567 với quân Trung Quốc định tái chiếm.

A 6 B là điểm chốt mà Trung đoàn 567 đã dùng một đại đội chiến đấu, đánh bật được quân Trung Quốc ra khỏi điểm chốt này, phía Trung Quốc gọi là 211. Đây là trận thắng đầu tiên của bộ đội ta sau hàng loạt các trận quân ta tập trung hàng sư đoàn, trung đoàn định đẩy lùi quân Trung Quốc lấn sang đất ta không thành…

Để giành lại và bảo vệ được A 6 B, bộ đội ta đã phải cử vào đây luân phiên khoảng 400 chiến sĩ thay nhau bảo vệ và số bị thương vong hy sinh cũng phải cỡ 300 tay súng… Điểm chốt này chỉ thường xuyên chốt giữ một trung đội thiếu vì địa hình nhỏ hẹp, chỉ có thể bố trí chừng ấy lực lượng…

Trong số các đồng đội chốt giữ tại A 6 B có một người em con của mẹ nuôi Thuần tên Quang; Hai anh em cùng nhập ngũ một ngày, cùng quê Cổ Loa-Đông Anh; Hôm trước Thuần tiễn Quang vào chốt A 6 B để làm nhiệm phòng thủ; Nhưng hôm sau đã nhận được tin Quang hy sinh… Mặc dù Quang hy sinh nhưng phải mấy ngày sau mới đưa được được xác Quang ra vì thương binh quá nhiều, phải ưu tiên đưa thương binh ra trước…

Một đặc điểm đáng nhớ đối với chiến trường Vị Xuyên: Các điểm chốt thường là những ngọn núi đá vôi; Cả hai bên ta và Trung Quốc đều dựa vào các hang đá để làm công sự ẩn trú, phòng thủ… Tình cảnh liệt sĩ hy sinh không đưa ra được ngay, có những trận liệt sĩ và lính chốt ở chung với nhau trong hang quãng 3-4 m2, liệt sĩ nằm thì lính chốt ngồi tới 4-5 ngày là bình thường… Khi đưa được Quang ra, Thuần lao tới lật vải liệm và ôm em khóc giữa lúc cơn mưa tầm tã của đất trời Vị Xuyên, một chi tiết cảm động được Nguyễn Thái Long ghi lại…

Theo các CCB Vị Xuyên, trong thời gian chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, có “3 loại mưa” đã ám ảnh suốt cả cuộc đời của họ sau này:

1/ Vị Xuyên-Hà Giang là vùng có tỷ lệ mưa nhiều trong năm; Trong hoàn cảnh chiến tranh thì vô cùng quái ác; Có những tháng, những ngày đất trời Vị Xuyên mưa tầm mưa tã suốt cả ngày, đêm có khi gần suốt tháng…Tạnh mưa thì sương mù bao phủ, cách vài mét không nhìn rõ mặt nhau. Trong điều kiện bình thường, mưa trơn đã khó khăn cho công việc trèo đèo lội suối; Đằng này vừa phải chiến đấu và tiếp tế cho chiến đấu, giải quyết hậu quả chiến đấu trong hoàn cảnh bom đạn, mưa trơn và trong đêm tối… Hoàn cảnh theo CCB Trịnh Kiên Hạnh đã rèn phản xạ tìm đường không lạc đường khi đi trong bóng đêm của một số chiến sĩ của E 153…

Theo tài liệu khí tượng thủy văn: Toàn tỉnh Hà Giang đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 – 2.400 mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000 mm, năm có tới 180-200 ngày mưa, là một trong số trung tâm mưa lớn nhất nước ta…

Mưa Vị Xuyên ác tới mức khiến lính lên giữ chốt nhiều phen phải cởi truồng lên cho tiện, theo lời kể của Đại tá Bùi Như Lạc quyền Sư trưởng 313; Mưa mà như CCB F 313 Trần Nam Thái mô tả như mộ thứ “màn nước” bủa giăng bịt bùng đầy trời đất; Còn CCB F 313 Nguyễn Thanh Lập thì lại bị ám ảnh, không thể quên được mưa Vị Xuyên, bởi anh đã phải chứng kiến hàng chục đồng đội hy sinh không do đạn pháo mà do sập hầm vì trời mưa; Bộ đội ta để tránh bom đạn, thường đào hầm âm và đó là hiểm họa khi gặp lúc trời mưa năm sáu ngảy liền, đất thối, bục…

Còn cô y tá Tố Thị Nhiêu quê Phú Thọ thì không quên một cán bộ đại đội đơn vị mình bị chết đuối do lúc đi chặt gỗ về làm lán, sông Lô chưa có lũ, lúc quay về lũ đổ xuống; Khi lội qua sông về đơn vị thì bị đuối nước; Khi vớt lên, liệt sĩ này đã bị cá moi mất một mắt…

Mặc dù mưa nhiều như vậy, nhưng có thời điểm bộ đội ta giữ chốt không có nước uống: Vận tải không mang lên được do đạn pháo Trung Quốc bắn chặn ác liệt; Các can thùng đựng, giữ nước bị pháo bắn tan. Bộ đội ta đành phải đái ra để uống nước đái cho đỡ khát. Đây là chuyện do Đỗ Quang Thịnh quê Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội, nhập ngũ tháng 4 năm 1981 kể về trận ngày 7/6/1985. Đó là trận khi chốt giữ A 6 B chỉ còn 4 người, trong đó có Thịnh; Đại đội trưởng Giao bị thương đầy mình vẫn bám chốt chỉ huy chiến đấu…

Khi anh em kêu khát không chịu nổi, Giao đã làm gương lấy ango đái ra uống để anh em làm theo, dùng nước đái để có sức tiếp tục chiến đấu. Sau khi uống nước đái của mình, Giao đã tiếp tục chiến đấu, anh đã hy sinh cùng với 3 lính sơn cước Tàu do chúng bất thần xông vào cửa hang, công sự của ta; Giao đã tự cho nổ lựu đạn để tiêu diệt địch và anh chấp nhận hy sinh với chúng…

2/ Loại “mưa thứ hai” đó là mưa đạn pháo của Trung Quốc. CCB Tan Long Vu (F 313) đã có một bài bút ký rất hay: “Chiến đấu trong mưa đạn pháo quân thù”; Còn CCB F 356 Đặng Việt Châu thì không bao giờ quên những trận đấu pháo của hai bên những năm 1985-1986 khiến cho đất trời Vị Xuyên giống như bắn pháo hoa đêm Hà Nội-Sài Gòn những đêm giao thừa; Có điều pháo hoa đêm giao thừa dài nhất là nửa tiếng đồng hồ; Còn pháo bắn Vị Xuyên thì có trận kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ… Pháo làm cho nhiều mỏm núi đá thành vôi bột như đỉnh 685...

Một CCB Vị Xuyên kể với người viết, suốt đời anh không quên những lời ra rả của một “Quỷ cái Tàu” (lính tâm lý chiến): “Các chị đủ đạn pháo bắn bọn em tới năm 2000”; Trong khi bọn Tàu không hề coi quan hệ Việt-Trung là quan hệ hữu nghị anh em; Thế mà nhiều kẻ lại ngộ nhận, tìm cách đem giấu cuộc chiến tranh này đi: Họ nghĩ đây là chuyện xích mích của anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau; Nói ra thiên hạ cười chê?!

Theo Đại tá Đỗ Văn Trì, nguyên Sư trưởng 313 có những ngày đêm quân Trung Quốc bắn sang trận địa của ta 16 vạn phát đại bác; Quân Sư 313 bắn trả 11 vạn phát đại bác...

3/ Loại “mưa thứ 3”: Những “cơn mưa nước mắt” khóc thương cho đồng đội của mình bị hy sinh tức tưởi bởi bom đạn pháo quân thù và những rủi ro của chiến trận…

Trong ký sự “Không một giọt nước mắt rơi sau trận 12/7/1984” kể về những gì Trần Nam Thái chứng kiến, do anh là lính vận tải: Ở các hang Dơi, hang Làng Lò chật cứng thương binh, nhiều bộ đội bị thương rất nặng nhưng anh không thấy ai khóc; chỉ thấy họ nghiến răng chịu đau…

CCB Trần Duy Vỹ (F 356) thì suốt mấy chục năm qua vẫn trăn trở một điều: Nhà nước mới phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho các bà mẹ có 2 con là liệt sĩ; Đồng đội của anh có Tiểu đoàn phó Hiệp hy sinh trong khi vợ của anh: Chị Nguyệt, quê ở Bảo Thắng- Lào Cai là vợ của 2 liệt sĩ; Có danh hiệu người vợ Việt Nam anh hùng tặng cho chị Nguyệt không; Chồng trước của chị Nguyệt là liệt sĩ chiến tranh với Mỹ, chồng sau là liệt sĩ chống Trung Quốc…

Có thể nói: Những “cơn mưa nước mắt” khóc thương đồng đội là một lọai mưa ám ảnh không ít CCB điển hình như CCB Nghiêm Xuân Hàm (F 313); cứ mồi lần gặp đồng đôi, kể chuyện Vị Xuyên, thăm Vị Xuyên là òa khóc…

VĨ THANH

Cuộc chiến ở Mặt trận Vị Xuyên có thể so sánh với cuộc chiến tại phòng tuyển Sông Cầu thi Lý, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần, Cuộc chiến chống quân Minh thời Lê, cuộc chiến chống quân Thanh thời Nguyễn Quang Trung. Tại mặt trận Vị Xuyên, với chiều dài khoảng 20 km, chiều sâu từ 1-5 km, Trung Quốc đã dồn về đây hơn nửa triệu quân của 8/10 đại quân khu đánh như để tập trận. 5000 bộ đội ta đã hy sinh, 9000 bộ đội bị thương tích trong các cuộc chiến ác liệt bảo vệ Vị Xuyên; Theo nguồn tin phía Trung Quốc, 15000 lính của họ đã bỏ mạng tại Vị Xuyên. Một cuộc chiến khốc liệt như vậy lại không để lại một dấu tích gì trong các văn kiện chính thống của Đảng và Nhà nước.

Khi mở cuộc tấn công quân sự vào Vị Xuyên, những bộ óc “ó diều” Bắc Kinh đã phóng một mũi tên nhằm đạt nhiều mục đích:

-Nếu chiếm được Vị Xuyên, Hà Giang, mảnh đất có vị thể: “Tiến khả dĩ công; Thoái khả dĩ thủ”; Một “Tam giác vàng” của cây anh túc tại Việt Nam; đây là tiền đề thành lập một khu tự trị đưa Chính phủ Hoàng Văn Hoan về…

Mảnh đất, đá Hà Giang và cây anh túc đã giúp vyua Mèo Vương Chí Sình lập nên nghiệp lớn khiến cho cả người Pháp, người Tàu và cả Hồ Chí Minh đều phải kiền nể.

- Đánh dập dàn tướng lĩnh thân cận Võ Nguyên Giáp đang nắm binh quyền ở Bộ Quốc phòng, hạ bệ Võ Nguyên Giáp người có chủ trương đưa Việt Nam tách khỏi Trung Quốc, tìm đường ngả sang phương Tây;

-Làm mất máu người Việt để cứu nguy cho Pol Pot đang bị truy diệt;

-Trả thù chiến dịch quân sự đại bại tháng 2/1979; Sử dụng chiến trường Vị Xuyên để đánh thức, tôi rèn quân đội Trung Quốc sau nửa thế kỷ không động binh, trì bế… Nếu thu được kết quả như ý, Trung Quốc sẽ nhân đà đánh chiếm luôn nóc nhà Đông Dương, vì muốn bá chủ Đông Dương phải ngồi được trên “nóc nhà” …

-Giương Tây để kích Đông; Hút lực lượng quân đội Việt vào chiến trường này để bất thần đưa quân chiếm cứ Gạc Ma, mục tiêu: Xây bàn đạp bá chủ Biển Đông…

“Vị Xuyên & Thế sự Việt-Trung” là một công trình mang dấu ấn cá nhân, tác giả không được một cơ quan chức năng nào cung cấp tài liệu; Tác giả không sử dụng, dựa dẫm một trang viết nào của những nhà văn, nhà báo, nhà sử “quốc doanh” thường tiêu tiền thuế của dân lên tới hàng chục tỷ đồngĐể hoàn thành công trình này, tác giả đã phải mày mò lần kiếm, dựa vào hồi ức, hồi ký, sàng sẩy những câu chuyện kể của các CCB từng tham chiến để tự hoàn thiện…

Để có các thông tin liên quan tới cuộc chiến, những phân tích, bình luận về cuộc chiến Vị Xuyên, về thế sự Việt-Trung, tác giả buộc phải cầu viện tới thông tin của nhiều cây bút hải ngoại… Họ tỏ ra là những cây bút khách quan, tâm huyết, không bị áp đặt bởi thiên kiến chính trị, thật sự đau đáu cho vận mệnh quốc gia dân tộc bị Tàu đe dọa, uy hiếp.

Còn đối với các cây bút trong biên chế hưởng lương ngân sách, tiền thuế của dân thì họ hình như bàng quan; Nhiều người mang danh học giả thậm chí còn không biết có cuộc chiến tranh ác liệt xảy ra khoảng 10 năm ở Vị Xuyên…

P.V.Đ

THÁI KẾ TOẠI:

22 tháng 7 lúc 12:47

PHẠM VIẾT ĐÀO-NHÀ VĂN CHÉP SỬ

Phạm Viết Đào là nhà văn, một trong số ít người dịch văn học Romania; Ông đã được Tổng thống Romania tặng Huân chương danh dự. Ông có trang blog-fb Phạm Viết Đào với nhiều bài phản biện xã hội sắc bén và rất nhiều tư liệu về mặt trận Vị Xuyên cùng cuộc chiến chống Việt Nam của quân đội Trung Quốc sau 1979. Tên tuổi của ông còn nổi tiếng một thời trong và ngoài nước vì ông đã bị bắt, bị ra tòa và ngồi tù 15 tháng vì chính kiến của mình.

Ông đã tập hợp nhiều tư liệu, bài viết trực tiếp phỏng vấn các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ trực tiếp chỉ huy, chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên và in cuốn “Vị Xuyên & thế sự Việt Trung”.

Với trên 900 trang sách khổ 16 cm X 24 cm cuốn sách là một sưu tập tư liệu lớn về Cuộc chiến tại Mặt trận Vị Xuyên 1979-1990; Đó là một cuộc chiến đẫm máu nhất, hy sinh nhiều nhất của quân đội VN sau cuộc chiến 1979. Thế nhưng gần như trong rất nhiều năm bị giấu kín, không được công khai, không được kỷ niệm, không được giới sử học nghiên cứu.

Để gìn giữ Vị Xuyên mảnh đất chiến lược thiêng liêng địa đầu Tổ Quốc, trong số hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh có cả xương máu của gia đình Phạm Viết Đào. Người em trai của ông Phạm Viết Tạo, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 876 sư đoàn 356 đã chiến đấu anh dũng và hy sinh cùng gần 600 cán bộ chiến sĩ tại cao điểm 772 trong ngày 12-7-1984.

Qua những trang hồi ức về mặt trận Vị Xuyên, sau vẻ dữ dội khốc liệt đều phập phồng nỗi đau, nỗi day dứt ánh lên màu máu mà không một trang văn xuôi nào khác có thể thay thế. Trong một vài số liệu tổng kết hôm nay, người ta thừa nhận có khoảng trên 5000 chiến sĩ hy sinh ở Vị Xuyên, trong đó còn 3000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt.

Đó là món nợ rất lớn mà những người chỉ huy quân đội, cán bộ chính sách, những chính khách đàm phán biên giới với Trung Quốc phải trả nợ vong linh của các chiến sĩ đó. Chắc rằng cũng như các gia đình liệt sỹ, các cựu chiến binh Vị Xuyên, như chúng tôi, họ không thể ngủ yên hoặc nhắm mắt làm ngơ.

Tôi mong rằng trong số chúng ta, hoặc ít nhất làng Fb-Blogger mỗi người nên biết đến trang lịch sử bi hùng này, nên đọc cuốn sách của Nhà văn - Người chép sử thay các nhà sử học của đất nước: Phạm Viết Đào.

T.K.T

Hà Nội 7-2019