Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Trò chuyện với PGS-TS. Cao Bảo Vân: Nhờ cha phù hộ viết được “theo cách nhà binh”

Tiến hành trong 10 năm (2007-2017), cuốn hồi ức lịch sử "Tướng Cao Văn Khánh" do con gái ông, PGS-TS. Cao Bảo Vân thực hiện, dày 800 trang với 452 tài liệu tham khảo đồ sộ do NXB Tri Thức xuất bản đã chân thực tái hiện cuộc đời Trung tướng Cao Văn Khánh, một trong những danh tướng từng chiến đấu và chỉ huy tầm tham mưu chiến lược các trận đánh lớn suốt chiều dài lịch sử từ Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hồ Chí Minh đến Chiến tranh biên giới phía Bắc. PGS-TS. Cao Bảo Vân được đào tạo tại Nga và Pháp, từng là Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.

 

Chắc chắn viết cuốn sách công phu, liên quan thời kỳ dài, chị phải vượt nhiều khó khăn. Ý tưởng đã đến như thế nào? Các tướng lĩnh, đồng đội của cha chị giúp nhiều không?

PGS-TS. Cao Bảo Vân. Ảnh: Thông Hoàng.

Ba tôi mất đột ngột năm 1980 khi đang là Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến hơn 10 năm sau, khoảng 1991-1992 mới nở rộ việc các tướng lĩnh xuất bản hồi ký. Nhiều đồng đội và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyến khích mẹ tôi viết về ba tôi. Có người nhiệt tình gửi ngay cả ghi chép, bài họ viết về các kỷ niệm với ba tôi. Nhờ vậy mà ngay từ dạo đó gia đình đã có những tài liệu viết tay khá sống động của một số nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc. Đáng tiếc là mẹ tôi không thể bình tâm lại sau những mất mát để thực hiện.

Mãi tới 20 năm sau, năm 2007, Hội Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của ba tôi. Cả trăm sĩ quan quân đội tham dự và chia sẻ. Lần đầu tiên tôi được nghe đồng đội đánh giá về ba mình, trong đó  một cựu binh Điện Biên Phủ - Đại tá Nguyễn Chấn gọi tướng Cao Văn Khánh là “một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta. Anh là  Chiến Tướng, Trí Tướng, Nhân Tướng, Danh Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Rồi tình cờ tôi được vào xem và phát hiện bộ ảnh chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh của Tổng hành dinh dưới hầm ngầm D67 khi khu vực này mở cửa cho tham quan rộng rãi. Rất nhiều hình ảnh có ba tôi (khi đó là Tổ trưởng Tổ Trung tâm từ tháng 4.1975) đang họp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu.

Bất giác tôi tự hỏi về vai trò của ba trong quân đội. Ông đã làm gì suốt những năm tháng chiến tranh? Rồi còn điều lạ lùng nữa là một người suy tư nhiều như ba, Nam chinh Bắc chiến suốt 30 năm, lý lịch lại “có vấn đề” - có các anh ruột là bộ trưởng, nghị sĩ quốc hội phía bên kia chiến tuyến - nhất định trải qua nhiều tâm sự và biến cố mà gia đình không thể biết được. Ba đã nghĩ gì, làm gì trong những hoàn cảnh đó?

Và từ đó, những nỗ lực tìm kiếm tài liệu của tôi mới thực sự bắt đầu. Vì viết sách sau khi ba mất tới 30 năm, nên những tướng lĩnh, bạn bè cùng thời với ông không còn nhiều. Cùng với ba tôi, họ đã vĩnh viễn mang theo một phần ký ức lịch sử về những giai đoạn hiểm nghèo, gian khổ hy sinh nhất của đất nước.

Tuy nhiên, với những ai còn có thể, họ giúp đỡ rất tận tình. Hơn lúc nào hết, khi đi tìm tư liệu để viết, tôi cảm nhận được thế nào là “con được nhờ đức cha”.

Ảnh cưới của Trung tướng Cao Văn Khánh và GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Toản tại Điện Biên Phủ ngày 22.5.1954. Ảnh tư liệu

Thường sách viết thể loại hồi ức của các nhân vật tướng lĩnh xưa nay tập trung làm nổi bật tính chất anh hùng, hy sinh, phẩm chất cao quý nhưng ít làm được các “công trình có tính kỹ thuật” về các trận đánh cụ thể của chiến tranh. Quyển sách đã làm được rất hài hòa với tính cách nhân vật. Chị đã làm thế nào khi không phải là nhà khoa học quân sự?

May mắn là phong cách khoa học của ba tôi - ông để lại rất nhiều thư từ, hình ảnh giúp tôi lần theo đó đến những nơi cần đến. Tôi gặp gỡ nhiều người quen biết ông, tìm lục các thư viện, các lưu trữ, đọc được cả báo cáo những trận đánh từ kháng chiến chống Pháp năm 1946-1948. Tôi cố gắng giải mã những ký hiệu quân sự nhỏ li ti trong các sổ tay tác chiến và tìm thấy rất nhiều lệnh điều quân ký tên ba tôi từ những năm 1950.

Cứ ngày đi làm, tối về tôi sắp xếp đối chiếu tư liệu với từng bối cảnh lịch sử, nhờ đó lấp đầy dần những lỗ hổng lịch sử trong biên niên sử hoạt động của ba từ năm 1945 đến lúc mất. Đến giờ mà có những giai đoạn, tôi vẫn nắm được hoạt động của ông tới từng phút, nhờ những nhật ký tham mưu tác chiến, những dòng tâm trạng, những nhận xét của ông viết vội lên tờ lịch xé từ sổ tay.

Cuộc đời ba tôi là những chiến dịch, là mặt trận, chiến trường với những trận đấu cân não, là trách nhiệm với tính mạng chiến sĩ qua từng quyết định chiến lược chiến thuật. Do vậy tìm hiểu diễn biến các chiến dịch, các quyết định quân sự là cách duy nhất tôi có thể hiểu ba mình, biết những thách thức ông phải đương đầu và cách ông vượt qua hiểm nguy, cũng như hiểu được bản lĩnh phẩm chất chỉ huy, tình cảm của ông với gia đình và binh sĩ.

Do ba tôi luôn trực tiếp tham gia những chiến trường ác liệt nhất ngay từ năm 1945 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 nên viết sách về ba cũng cho tôi như nhìn lại lịch sử quân đội với chuyện người thật việc thật. Tôi viết cuốn sách này sau khi ba đã mất, không thể biết ông có sẵn lòng đồng ý cho viết về mình không - nên tôi cố gắng chỉ dám kể trung thực và những sự kiện có thể kiểm chứng được.

Ba tôi vốn là trí thức thời Pháp, đã học luật và là thầy dạy toán. Ông luôn tiếp cận và giải quyết các vấn đề quân sự một cách khoa học chặt chẽ. Và tôi chỉ cảm nhận và truyền tải khía cạnh này trong sách. Tất cả đều bắt nguồn từ khao khát của tôi muốn biết mọi chi tiết về ba. Cũng có người nói nhờ cha phù hộ nên tôi viết được các trận đánh “theo cách nhà binh”.

PGS-TS. Cao Bảo Vân cùng ba mẹ và em trai mùa hè năm 1971 tại biển Bãi Cháy, nhân dịp Tướng Khánh từ chiến trường ra họp mấy hôm, sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Ảnh tư liệu

Có thời kỳ nhiều người theo cách mạng nước ta bị ảnh hưởng “chủ nghĩa lý lịch”, Tướng Cao Văn Khánh cũng trong số đó. Có phải những áp lực chịu đựng ấy, hay là những gì “nhạy cảm lịch sử” khiến nhà xuất bản viết lời nói đầu “… không nhất thiết đồng tình với quan điểm và cách tiếp cận”. Vậy sự ngại ngần đó là gì?

Cũng đã phải bỏ mất một số chi tiết, câu chữ. Có thể từ kinh nghiệm của một số cách tiếp cận quá trực tiếp của hồi ký thường được gọi là “nhạy cảm” chăng?

Thực ra nhiều chỗ bị cắt là những sự kiện, bối cảnh bị cho là nhạy cảm chứ ít liên quan trực tiếp chuyện ba tôi... Nhưng cắt bỏ chi tiết nhiều khi ảnh hưởng đến sự hiểu rõ bối cảnh. Một số câu chuyện (thí dụ chuyện dượng của tôi, GS. Đặng Văn Ngữ, cho thấy đặc điểm trí thức bỏ cả sự nghiệp ở nước ngoài về tham gia kháng chiến vì yêu nước, chứ ít chịu sự áp đặt của khuôn khổ). Ngay cả lời trích của các nhà lãnh đạo lớn in trong sách đã xuất bản trước rồi mà vẫn bị coi là không còn phù hợp nữa.

Tình hình đó khiến tôi rất băn khoăn trước khi xuất bản, nhưng do mẹ tôi tha thiết muốn có cuốn sách nhân dịp năm 2017 là 100 năm kỷ niệm ngày sinh của ba tôi nên sách được in theo mong muốn của bà.

Khi đọc sách, bên cạnh nhiều câu chuyện hay về cuộc đời tướng Cao Văn Khánh và bối cảnh cuộc kháng chiến có ích cho thế hệ sau hiểu đất nước mình, tôi đặc biệt ấn tượng “tính cách tỉnh táo trí thức” của vị tướng tài. Phẩm chất đó được chị chú ý thế nào trong sách?

Tôi cho rằng ông là người vô cùng tỉnh táo vì ông hiểu rõ cả địch lẫn ta, rất công bằng và khách quan của người trí thức, thấy hết, biết người biết mình trong mọi hoàn cảnh. Về quân sự, nếu không đánh giá đúng đối phương, không biết thừa nhận cả thế mạnh của địch và thấy điểm yếu của ta thì không thể chiến thắng. Muốn vậy phải có thực lực chuyên môn và thực tế chiến trường. Chiến tranh là một ngành khoa học phức tạp nhất. Đặc biệt khi quân đội ta khởi điểm là đội quân có vũ khí thô sơ đối đầu với xe tăng, máy bay, đại bác. Không thể chiến thắng bằng mệnh lệnh hay lòng căm thù xung phong (như ba tôi viết vậy trong báo cáo).

Ba tôi để lại nhiều ghi chép, đánh giá, nhận định rất công bằng. Ông qua nhiều vai trò: Khu trưởng trong kháng chiến chống Pháp - sau này là Cục trưởng Cục Quân huấn, Cục trưởng Cục Huấn luyện chiến đấu, Cục trưởng Cục Nhà trường, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân... Ông đã xây dựng những nền tảng đào tạo chính quy cho Khu 5 từ những năm 1946-1948 và sau đó cho toàn quân. Xây dựng hệ thống nhà trường quân sự, chương trình huấn luyện ngày càng khắt khe và tập trận không ngừng.

Đặc biệt trong sổ tay ông chuẩn bị chiến dịch kỹ từng trận đánh, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Rất nhiều phương án chiến thuật, chỉ rõ điểm yếu về kỹ năng chỉ huy và chiến đấu mà từng đơn vị cần hoàn thiện, rồi sau đó luôn tự đánh giá và tổng kết.

Bìa cuốn hồi ức lịch sử "Tướng Cao Văn Khánh".

Còn về tư chất, sự tỉnh táo giúp ông đối diện với nghịch cảnh thế nào?

Về tính cách con người, ông cũng luôn tỉnh táo. Là một trí thức, ông đánh giá cao và hiểu rõ văn minh phương Tây nhưng quan niệm dân tộc chỉ giữ được phẩm giá khi có Độc lập - Tự do. Chính vì lẽ đó ông tham gia cách mạng và kiên nhẫn chịu đựng vượt qua mọi thăng trầm. Xuất thân trí thức, với lý lịch gia đình ở phía bên kia (chưa kể tin đồn vô tình hay hữu ý do họ tên - người ta đồn ông là anh trai Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa) - việc ông tồn tại trong quân ngũ sau những năm 1950 đã có thể coi là kỳ tích.

Dù đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng, huấn luyện chỉ huy tác chiến đem lại sức mạnh cho quân đội trong chiến tranh cũng như thời bình, song hầu như ông chỉ làm cấp phó. Dù vậy, ông vẫn khiêm tốn nhìn nhận cả vai trò của người khác, cả cấp trên, cấp dưới và nhẫn nại cả khi chưa được hiểu đúng. Ông thường nói: “Nếu những người có khả năng không chịu ở lại giúp quân đội, chiến sĩ sẽ hy sinh nhiều hơn”.

Những việc ông vượt qua trở ngại chỉ làm tôi càng thấu hiểu ba tôi và nhiều trí thức trong và ngoài quân đội, đã có những thời kỳ chịu đựng và tự trọng vượt qua những áp lực ghê gớm thế nào. Ông lại khiêm nhường, hầu như không trả lời phỏng vấn. Thậm chí chụp hình cũng chọn đứng phía sau. Các nhà sử học cũng kêu rất khó viết về ông.

Khi mất, mộ ba tôi cũng nằm tại chiến trường xưa cùng các liệt sĩ Đại đoàn 308 của ông đã hy sinh trong trận Vĩnh Yên thời kháng chiến chống Pháp.

Sách ra mắt, chị nhận được dư luận và tiếng vang thế nào?

Sách in số lượng ít, chủ yếu tặng bạn bè thân quen, có thể vì thế nhiều lời khen hơn chê. Chắc vì do con gái viết về cha chứ không phải nhà nghiên cứu, sử học… nên dễ được thông cảm. Tôi tự thấy còn muốn sửa chữa nhiều chỗ. Nhưng sự bất ngờ lớn nhất chính là nhận xét của bạn đọc cả trong và ngoài nước, làm tôi cảm động. Họ nói cuốn sách đã khơi lại một thời hào hùng xả thân, những con người tự trọng, sống vì lý tưởng, lựa chọn dấn thân khi đất nước lâm nguy và những khát vọng về sự hùng cường, tự do, dân chủ.

Nhiều người tìm mọi cách liên lạc, đến cả cơ quan tìm chỉ để cảm động chia sẻ niềm vui. Bác Nguyễn Trung viết thư dài, trong đó nói cuốn sách đã viết được lịch sử chứ không chỉ là hồi ức của cha mình - đã đánh thức một thời hào hùng của đất nước mà chính ông là một phần máu mủ nhỏ bé của thời ấy. Ông nói: “Bảo Vân đã làm được một việc cực kỳ khó, là trả lại tất cả những gì của Caesar cho Caesar và cuộc sống hôm nay rất cần những lẽ phải này”.

Viết cuốn sách này, tôi muốn tái hiện cuộc sống và công việc thầm lặng của ba, giúp cho con cháu hiểu về tiền nhân, làm tấm gương để soi mỗi khi gặp khó khăn và nghịch cảnh.

Mẹ chị (GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Toản -  chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa, người từng viết nhiều sách khoa học -  là Ủy viên Thường vụ thường lên tiếng với thế giới về các vấn đề trong Hội Nạn nhân chất độc da cam) - đọc sách nhớ lại cuộc đời dài xa cách và đám cưới nổi tiếng của ông bà trong hầm De Castries  giữa Điện Biên Phủ vừa chiến thắng, bà nói gì?

Mẹ tôi đón nhận và đọc một cách bình thản. Theo bà, sách viết quá nhiều về các trận đánh, mà còn quá ít về cuộc sống nội tâm của ba tôi. Số phận của ba mẹ tôi cũng như rất nhiều trí thức, quan lại, có gia đình ruột thịt phía bên kia chiến tuyến, cả cuộc đời cống hiến, nhưng có những nghi kỵ đề phòng là bi kịch của một giai đoạn mà con cái khó có thể hiểu được.

Hiển nhiên, bà có thể nói nhiều điều về cuộc sống nội tâm của ông - điều mà tôi không biết và rất tiếc không kịp biết khi ba ra đi lúc tôi còn quá trẻ - nhưng bà lại không viết. Tuy nhiên từ đó đến nay bà càng thường xuyên đọc lại cuốn sách. Chắc nó giúp bà nhớ lại được nhiều kỷ niệm hơn.

Xin cảm ơn chị đã bỏ công sức rất nhiều làm một việc tuyệt vời.

Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nho-cha-phu-ho-viet-duoc-theo-cach-nha-binh-33375.html