Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 6)

TÌM 2000 BỘ ĐỘI NGHI MẤT TÍCH TRONG CÁC TRẬN ĐÁNH LUỒN SANG ĐẤT TRUNG QUỐC

Điều tra của Phạm Viết Đào

anh

 

Để có cái nhìn toàn cảnh thì gặp gỡ khai thác những sĩ quan cao cấp là rất khó. Có một điều may mắn: Các sĩ quan bình thường, họ lại có quan hệ với nhiều bạn bè những người từng ở các vị trí trong các cơ quan trọng yếu, vì thế nên ít nhiều họ nắm được những thông tin cơ mật, quan trọng… Họ không yên lòng nếu thông tin này bị khóa chết trong các tủ sắt...

Vết tích của 2000 bộ đội, nghi bị mất tích trên đất Trung Quốc trong “Chiến dịch MB 84” và các trận đánh luồn sâu được rò rỉ thông qua các kênh này. Đây là thông tin quan trọng, tuyệt mật cho cả Việt Nam và phía Trung Quốc… Nếu thông tin này được bạch hóa, chắc chắn sẽ gây rắc rối cho cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc…

Nếu xác định được sự thật này thì: Phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về tù binh, hàng binh. Bởi vì, nếu 2000 bộ đội Việt Nam đã luồn vào đất Trung Quốc, tham gia đánh vu hồi trong Chiến dịch MB 84 mở màn 12/7/1984, và nhiều trận khác chắc chắn không hy sinh tất cả, một số đã bị bắt? Vậy họ ở đâu và được trao trả lúc nào?

Còn phía Việt Nam, việc đưa lực lượng quân số cỡ trung đoàn, đánh vu hồi nhiều trận mà cuối cùng không để lại một dấu tích gì? Ai chủ trương? Vì sao có khoảng 2000 bộ đội bị Trung Quốc đón lỏng, tiêu diệt, bị xóa sổ và xóa hết dấu vết? Có nội gián không, ai đã để lộ kế hoạch của mũi tấn công vu hồi này khiến cho quân số cỡ trung đoàn bị mất tích… Số liệu này do một CCB dấu tên cung cấp…

Bản chất của các trận đánh luồn sâu sang đất Trung Quốc thường là các trận đánh bí mật, bất ngờ, số người nắm được thông tin về các trận đánh rất ít. Đây là cách đánh theo kiểu Liên Xô, được Tướng Nguyễn Hữu An chủ trương như có lần Tướng Lê Duy Mật bật mí. Do đặc thù đó nên: Những thông tin về các trận đánh thắng không phải lúc nào cũng được lưu lại vì lý do tế nhị: Sợ Trung Quốc trả thù. Huống chi có những trận không thành công, cùng với sự hy sinh của bộ đội nhiều khi bị giấu, lờ đi. Bệnh thành tích, thích báo cáo chiến công hơn là nói rõ sự thật; Còn nói về những mất mát thương đau là điều ít ai muốn, nhất là chỉ huy. Chính vì vậy nên không ít các chiến sĩ ta âm thầm nằm lại trên đất Trung Quốc và sau này gia đình chỉ nhận được một vài thông tin khô khan: Do tính chất ác liệt của trận đánh nên không quy tập được hài cốt… Và các liệt sĩ này được xếp vào diện mất tích…

“CHIẾN DỊCH MB 84”-NHỮNG UẨN KHÚC CẦN ĐƯỢC “GIẢI MÔ

Mục tiêu của Chiến dịch MB 84 là: Đẩy lùi quân Trung Quốc ra khỏi các cao điểm mà chúng lấn chiếm ở khu vực Thanh Thủy trong cuối tháng 4 đầu tháng 5/1984, đó là: Cao điểm 685, Cao điểm 772, Cao điểm 300-400 khu vực cửa khẩu Thanh Thủy và Cao điểm 1250… (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn hay còn gọi là Đông Sơn)…

Theo CCB Trịnh Kiên Hạnh, muốn nhìn ra các vị trí trọng yếu của các cao điểm ở khu vực Thanh Thủy như: 1509 và 1250 thì phải leo lên đỉnh Cốc Nghè mới quan sát được. Lòng chảo Thanh Thủy nằm lọt giữa 3 điểm cao 1600-1509-1250-1030 và Tây Côn Lĩnh…

Theo thông tin đã công khai trên báo chí thì: Tổn thất của Chiến dịch này phía Việt Nam hy sinh xung quanh con số 1100 cán bộ chiến sĩ; Tổn thất nặng nề nhất là Trung đoàn 876 của Sư đoàn 356…

”Sự tích” ngày “Giỗ trận Vị Xuyên” được các CCB Vị Xuyên lấy ngày 12/7, đó là ngày mở màn Chiến dịch MB 84. Sau chiến dịch quân sự này, báo chí và giới quân sự đã bàn luận nhiều về “MB 84”, xin được nêu ra đây một số nhận định.

Khu vực cửa khẩu Thanh Thủy

Tại Bộ chỉ huy Quân khu 2 có mặt lúc mở Chiến dịch MB 84 có: Thượng tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu 2, Tướng Nguyễn Hữu An, Tướng Hoàng Đan, Tướng Phạm Hồng Cư, Tướng Nguyễn An… Đó là những tướng từng có mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn 4/1975…

Qua một vài dòng trích ngang cho thấy: Những đơn vị tham chiến đều là những sư đoàn tinh nhuệ, lừng danh trong hai cuộc kháng chiến; Còn Bộ Tổng tham mưu đứng đầu là Đại tướng Lê Trọng Tấn, một vị tướng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là đánh trận vào loại giỏi nhất Việt Nam. Còn Tướng Lê Ngọc Hiền, người trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến và phổ biến Chiến dịch MB 84, là vị tướng mà theo WikiPedia là đã soạn vạch kế hoạch tác chiến “Chiến dịch Hồ Chí Minh” tấn công Sài Gòn tháng 4/1975…

Trong chiến dịch quân sự này, lợi thế về địa lợi thuộc về Trung Quốc, vì họ đã chiếm được các điểm cao, trong đó có 2 điểm cao lợi hại là 1509 và 1250, họ đã có thời gian 2 tháng để xây dựng trận địa củng cố hầm hào, công sự. Trong khi đó phía Việt Nam tuy lực lượng đông nhưng lại vận động chiến, từ dưới leo lên tấn công các điểm cao từ 800 m tới 1250 m.

Về tương quan lực lượng: Phía ta có 9 tiểu đoàn bộ binh trực tiếp tấn công các Cao điểm 772, 685, 300-400, 1250. Còn phía Trung Quốc có 6 tiểu đoàn bộ binh phòng ngự trên các cao điểm, chưa kể lực lượng dự bị đồn trú ở chân cao điểm phía Trung Quốc. Về hỏa lực phía Việt Nam toàn bộ chiến trường Vị Xuyên nếu huy động hết có khoảng 150 khẩu pháo lớn trên 100 ly, 200 pháo cối, DKZ. Còn phía Trung Quốc có 950 khẩu pháo lớn trên 100 ly, 500 pháo cối, DKZ… (Số liệu trên dựa vào cuốn “Sư đoàn 356-Ký ức Vị Xuyên”, NXB Dân trí 2018).

Trong chiến dịch MB 84, về đạn dược thì phía Trung Quốc dồi dào hơn ta. Đạn dược được vận chuyển tới trận địa bằng xe cơ giới, và dân binh; còn phía Việt Nam thì đạn dược được vận chuyển tới trận địa chủ yếu bằng đôi vai và đôi chân của lính vận tải…

Qua sơ bộ các số liệu thống kê trên cho thấy: Sự bất lợi, yếu thế nghiêng về phía Việt Nam; Sách vở quân sự vẫn thường đúc kết: Để vận động tấn công một căn cứ, cứ điểm ngay ở đồng bằng thì tương quan lực lượng phía tấn công tối thiểu phải mạnh gấp 4 lần. Trong Chiến dịch MB 84, bộ binh của ta tuy dũng cảm nhưng con số chỉ đông gấp rưỡi quân Trung Quốc; trong khi đó thì hỏa lực pháo binh phía Trung Quốc mạnh gấp 3-4 lần pháo binh của ta…

Những vị tướng sành sỏi, dạn dày chiến trận như Lê Trọng Tấn, Lê Ngọc Hiền, Vũ Lập, Lê Duy Mật, Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan, Nguyễn An… làm sao lại xua quân vào một chiến dịch không chắc thắng như vậy. Có gì uẩn khúc sau cái kế hoạch tác chiến mà theo nhiều CCB tham gia chiến dịch này, mặc dù họ chỉ ở cương vị đại đội, tiểu đoàn vào trận đã nhận ra khả năng thu về “đáp số âm” của chiến dịch MB 84 này…

Chủ quan khinh địch chăng? Trong trận Quan Độ thời Tam Quốc, tuy lương thảo, quân số của Tào Tháo ít hơn Viên Thiệu nhưng lại đánh thắng Viên Thiệu. Điều này cho thấy: Không phải cứ nhiều quân, nhiều súng đạn hơn là nắm chắc phần thắng; ai biết linh hoạt vận dụng binh pháp, biết tránh chỗ mạnh nhắm trúng điểm yếu, điểm huyệt đối phương thì sẽ giành được thế chủ động trên chiến trường.

MỘT SĨ QUAN TỔNG CỤC 2 BÁN BÍ MẬT CÁC TRẬN ĐÁNH CHO TRUNG QUỐC

Cuộc chiến tại chiến trường Vị Xuyên, nhiều xương máu đã đổ xuống xung quanh các cao điểm bị Trung Quốc lấn chiếm ở Tây Sông Lô và Đông Sông Lô; Có một chiến địa mà vì nhiều lý do, để giữ quan hệ làm ăn với ông “bạn vàng” mà chúng ta không hề nhắc đến một dòng tin, một cái tên, một tấm bia mộ ghi danh những người lính anh hùng ngã xuống tại chiến địa này… Đó là những trận đánh luồn sâu sang đất Trung Quốc, thường là những trận đánh cảm tử và số chiến sĩ quay về được Tổ quốc sau khi hoàn thành nhiệm vụ là vô cùng ít ỏi.

Họ đã bị phục kích trên đường hành quân, trên đường rút lui nên đã phải hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Những trận đánh sang đất Trung Quốc là các trận đánh vào kho tàng, trận địa pháo, hệ thống cầu cống, trận địa ra đa, doanh trại nơi tập trung quân Trung Quốc...

Trong các trận đánh cảm tử đó, không phải bộ đội ta hy sinh tất cả, có những trận chúng ta đã lập được những chiến công oanh liệt, ví như trận đánh phá trận địa ra đa rất hiện đại Trung Quốc nhập về bị đặc công ta phá hủy. Vụ phá hủy trạm ra đa hiện đại do Trung Quốc vừa mua về được báo chí Trung Quốc đưa tin: Đặng Tiểu Bình đã nổi xung lên sau chiến công của các chiến sĩ đặc công Việt Nam…

Những trận đánh cảm tử, luồn sâu sang đất Trung Quốc thường là những trận được giữ bí mật tối đa cả về mục tiêu tấn công, danh tính đơn vị tấn công. Trong chuyển đi Vị Xuyên, một CCB của F312 cho biết: Trong Chiến dịch MB 84, F312 đã cử một đơn vị đặc công 24 chiến sĩ đánh sâu sang đất Trung Quốc và đã mất tích. Còn CCB Đặng Việt Châu trong hồi ức có kể về Chiến dịch MB 84: Đơn vị của anh, Tiểu đoàn 3 E876, F356 có cử hai phân đội của 2 đại đội C9 và C10, lực lượng này được giao nhiệm vụ luồn sâu để đánh vào hệ thống kho tàng, trận địa pháo của quân Trung Quốc, phần lớn đã hy sinh…

Tôi xin đưa cơ sở nào để đưa ra nghi vấn: Số lượng 2000 bộ đội ta hy sinh trên đất Trung Quốc trong các trận đánh luồn sâu, trong đó có Chiến dịch MB 84… Tôi đề nghị các CCB cùng tôi phân tích và bạch hóa số 5000 bộ đội đã hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên; Đây không phải là bài tính cộng trừ nhân chia thô sơ mà là xương máu, sinh mệnh của những người lính Vị Xuyên liên quan tới những trận đánh lớn. Con số công bố báo chí số liệt sĩ của chiến trường Vị Xuyên là 5000, có thể tính toán theo cách của tôi sau khi tham khảo một số CCB ra mấy đợt, trận:

-Từ tháng 2/1979 tới 28/4/1984, các trận đánh ở khu vực cửa khẩu Thanh Thủy và các cao điểm 1800A, 1800B, Lao Chải quy mô cấp tiểu đoàn, chủ yếu do các trung đoàn của 2 sư đoàn 313 và 314 đảm nhận. Sự hy sinh cả đợt chắc khoảng 400-500 liệt sĩ;

-Trận 12/7/1984 trong chiến dịch MB 84 số liệu đã công bố xung quanh 1100 liệt sĩ;

-Sau 12/7/1984 cho đến giữa năm 1987, có 3-4 trận đánh lớn nhưng quy mô nhỏ hơn chiến dịch MB 84; Và chủ yếu ở khu vực Tây Sông Lô, còn ở Đông Sông Lô ít hơn, quân ta ở khu vực này chủ yếu là giữ chốt phòng ngự không để quân Trung Quốc từ trên cao điểm 1250 và 1030 lấn sang. Phía Đông Sông Lô không vận động chiến, tấn công cao điểm sau chiến dịch 12/7/1984.

Theo một số CCB tính toán: số hy sinh sau 12/7/1984 ở khu vực Thanh Thủy cả Đông và Tây Sông Lô dao động xung quanh con số 1500 liệt sĩ?

Như vậy, tổng số khoảng 3000 liệt sĩ đã ngã xuống chiến trường Thanh Thủy; Vậy con số 2000 liệt sĩ còn lại họ chiến đấu, hy sinh ở đâu, trận nào, địa bàn nào? Nếu số bộ đội hy sinh ở khu vực Đông-Tây Sông Lô lên 3500 thì vẫn còn 1500 chưa có địa chỉ…

Theo CCB Trần Duy Vĩ, E876, F356 thì số thương vong của bộ đội ta không lấy lại được thi hài chủ yếu trong Chiến dịch MB 84, còn các trận đánh sau 12/7/1984 phần lớn đều lấy được thi hài của anh em đưa về quy tập tại Nghĩa trang Đạo Đức.

Hiện nay, số liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Đạo Đức, con số mà vừa rồi khi tôi lên Vị Xuyên ngày 22/9/2019, tôi được thông tin là 1800 ngôi mộ và một ngôi mộ tập thể; Tức suýt soát 2000 hài cốt đã được quy tập. Như vậy, số hài cốt này tương ứng với số 3000 liệt sĩ đã hy sinh tại hai chiến trường Đông-Tây Sông Lô. Còn khoảng 2000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy dấu tích, họ hy sinh trận nào, chiến dịch nào, vị trí nào?

P.V.Đ.