Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Người ngồi trước tôi hai hàng ghế

Truyện Thái Sinh

Có lẽ đã gần hai chục năm rồi nay tôi mới gặp lại Hoàng Ba, anh ngồi trước tôi hai hàng ghế, nom anh thật đường bệ trong bộ com-lê màu cỏ úa. Nếu gặp anh ở ngoài đường chắc tôi không thể nhận ra một người gần hai mươi năm trước với cái dáng cao lênh khênh, hầu như cả bốn mùa anh vận chiếc áo bông nhàu nát và cáu bẩn.

Hoàng Ba có gương mặt thật khó tả nom vừa dài và vừa nhọn, nên người ta không thể thấy cái cằm ở đâu khi ganh đua với cái mũi vĩ đại luôn hếch lên như sẵn sàng cãi nhau với… trời.

Suốt ngày Ba lủi thủi một mình, nét mặt lúc nào cũng đăm đăm như thù hận những kẻ xung quanh đang cười cợt, chế nhạo mình. Ba vùi đầu vào học, anh học vào loại giỏi suýt nữa người ta giữ anh ở lại trường làm giảng viên, nhưng có lẽ bởi cái gương mặt nhòn nhọn đã làm hại anh. Anh xung phong lên miền núi công tác, việc ấy làm xôn xao giới sinh viên sắp ra trường, anh trở thành tấm gương cho hàng chục khóa sau này.

Quả thật nếu không có chuyện nhập tách tỉnh sau năm 1975 thì tôi chẳng bao giờ gặp lại Ba, chứ chưa nói cùng anh công tác trong một cơ quan. Khi đó anh đang là trưởng phòng chuyên môn, tôi là nhân viên dưới quyền. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chơi với nhau, bởi tôi không tỏ ra khinh miệt hay tham vọng quyền chức, chỉ là người làm chuyên môn thuần túy.

Ngày ấy Ba đang thuộc cánh hẩu với ông Trần Hới trưởng ty, một người ít học, ít tài nhưng tự huyễn hoặc mình bằng các chiến công thời mặc áo lính. “Cuộc chiến” bùng nổ khi ông Lê Chu đi học trường cao cấp chính trị trở về, tổ chức có ý đưa ông Lê Chu về thay thế ông Trần Hới, nhưng do chưa xếp được chỗ cho ông Trần Hới nên ông Chu tạm thời ngồi chơi xơi nước.

Hàng ngày ông Lê Chu tới cơ quan đọc báo, tán gẫu với mấy ông bà hành chính, điều ấy làm cho cánh ông Trần Hới tức điên lên. Họ chẳng có cớ gì để phàn nàn về ông Lê Chu, hàng ngày ông đến cơ quan đúng tám tiếng đồng hồ, ông sống chân thành với tất cả mọi người, dường như ông chẳng biết được người ta đưa ông đến đây để thay thế ông Trần Hới. Còn đám nhân viên chúng tôi thì vô cùng khó xử, không thể tỏ ra thân thiện với ông Lê Chu cũng không dám lãnh đạm với ông Trần Hới, bởi giữa lúc giao thời khi ông Lê Chu chưa nắm quyền, rất dễ bị ông Trần Hới “đá” xuống huyện ngay.

Đối với họ, tôi chẳng ghét hay yêu ai, bởi hai ông đều là người tôi kính trọng vì họ đều trưởng thành trong chiến tranh, lớp hậu sinh chúng tôi nhờ có họ mà được ăn học đỗ đạt thế này. Vả lại, tôi không muốn người ta cho tôi là kẻ xu thời nên lấy cớ xây dựng đồ án thiết kế đường thị xã để nằm ở nhà tránh gặp hai ông. Tuy vậy, tôi không thể nằm mãi ở nhà được, sớm ấy tôi vừa tới cơ quan đã thấy người ra vào nhốn nháo, có cả mấy anh cảnh sát đang đi ra đi vào. Có chuyện gì lôi thôi rồi, cơ quan tôi mất cắp chăng? Tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng dựa vào hiên nhà bước vào phòng ông thường trực già, ông sống độc thân nên ở tại cơ quan kiêm luôn bảo vệ. Tôi chưa kịp hỏi ông đã nói ngay:

- Thật khốn nạn! Còn việc nào đê tiện hơn việc ấy?

- Có chuyện gì thế hả bác?

- Chúng đả kích ông Lê Chu, anh vào nhà vệ sinh mà xem…

Bốn ngăn nhà vệ sinh công cộng trên tường gần sát mái cả bốn ngăn đều có dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng gạch non: Đ…mẹ thằng Lê Chu, tới cơ quan chỉ đọc báo thì ăn L* mới xứng. Dưới dòng chữ là hình vẽ bộ phận sinh dục phụ nữ trông thật gớm ghiếc và tởm lợm. Nhìn nét chữ rõ ràng không phải là chữ của trẻ con, phải là người lớn, người lớn mới với tới sát mái nhà vệ sinh.

Ông Trần Hới viết những dòng chữ đó ư? Không lẽ nào ông ta lại tới cả bốn ngăn nhà vệ sinh để viết những dòng chữ tồi tệ kia? Vậy ai đã làm cái việc bẩn thỉu ở cái nơi bẩn thỉu đó? Câu hỏi không chỉ những người trong cơ quan tôi mà những cán bộ công an được mời đến cũng đang tiến hành đo đạc, chụp ảnh hiện trường ở các góc độ khác nhau, ánh đèn máy ảnh chớp nhoang nhoáng, cứ nhìn gương mặt họ đủ thấy sự việc nghiêm trọng lắm.

Mấy tuần sau cơ quan tôi liên tiếp họp, các chi bộ họp, lãnh đạo họp, các phòng ban đều họp, rồi các tổ chức đoàn thể: công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên đều họp để tìm ra thủ phạm những dòng chữ thóa mạ ông Lê Chu trong nhà vệ sinh. Các cuộc họp đều có đại diện cấp trên xuống dự, công an cũng được mời đến nghe tham khảo.

Mấy tuần liền như thế, chúng tôi được các vị đại biểu rồi chính chúng tôi phân tích đưa sự việc thành lập trường, quan điểm mới thấy mức độ nghiêm trọng. Chúng tôi được khuyến khích tự do phát biểu, tự do nói chính kiến của mình, tất nhiên ai phát biểu đều được thu vào máy ghi âm. Chúng tôi mệt nhoài vì họp, rồi viết kiểm điểm theo từng chức danh. Nghe nói thường vụ tỉnh ủy cũng đã họp và giao cho cơ quan an ninh điều tra tìm ra thủ phạm vụ này. Công an gửi mẫu chữ viết của từng người lên bộ phận giám định chữ viết của trung ương.

Để giữ nguyên hiện trường, các cửa nhà vệ sinh bị khóa lại, dán giấy niêm phong. Thêm một cái khổ nữa, những người có nhà riêng thì phải làm cái “việc ấy” ở nhà trước khi tới cơ quan, còn những ai ở tập thể thì vượt rào lên đồi, thật tội nghiệp cho những ai phải làm việc ấy vào ban đêm hay những khi mưa phùn gió bấc. Dân ta vốn giàu óc sáng tạo, gặp hôm thời tiết như vậy người ta giải quyết “đầu ra” vào túi ni lông hay giấy báo ném vọt qua hàng rào, thế là xong. Thỉnh thoảng ông già thường trực phải hót cái của nợ mà đứa mất dạy nào bĩnh bừa ra đầu nhà. Một không khí bức bối, nghi kỵ bao trùm lên cơ quan tôi suốt mấy tháng trời.

Sau những ngày đi thực tế tôi ngồi ở nhà hoàn thành bản đồ án thiết kế mà Hoàng Ba giao cho tôi làm.

Có lẽ gần sáu tháng sau tổ chức mới quyết định chuyển ông Trần Hới về làm phó bí thư huyện N, ông Lê Chu sang làm trưởng ty thủy lợi. Tuy trái ngành trái nghề nhưng để bảo vệ uy tín cán bộ đảng viên và lãnh đạo, vả lại ông Lê Chu vừa tốt nghiệp cao cấp chính trị, ông thuộc diện cán bộ quy hoạch của tỉnh, do đó ông rất xứng đáng ngồi vào cái ghế trưởng ty, dù là ty gì đi chăng nữa. Hoàng Ba được ông Trần Hới giới thiệu làm phó ty phụ trách kỹ thuật, thế là hợp lý.

Trong bữa liên hoan chia tay ông Trần Hới và Lê Chu, người thường trực già tới cụng chén với từng người, ông hể hả:

- Cứ ăn đi, uống đi các cậu ạ. Tớ đã mở khóa và bóc giấy niêm phong nhà vệ sinh rồi. Mẹ kiếp! Cái thằng đốn mạt ấy nó đang ngồi với chúng ta đây, tớ biết nhưng tớ cóc nói. Suốt ngày nay tớ quét vôi xóa cái hình vẽ và những dòng chữ bẩn thỉu ấy đã khiến mọi người mấy tháng chịu khổ…

Hoàng Ba tránh cái nhìn của người thường trực già, nắm lấy bàn tay tôi:

- Xin cảm ơn cậu, bản đồ án thiết kế của cậu mình đã trình bày trước thường vụ tỉnh ủy, được các cụ khen lắm. Trong lúc cơ quan mình rối beng như thế mà chúng ta vẫn làm được cái việc đó, quả thật đã làm nhiều người không thể tưởng tượng nổi…

- Anh phải thưởng công cho tôi cái gì đó chứ?

- Yên tâm, nhất định rồi…

Chừng ba năm sau ông Lê Chu bị đổ vì không có trình độ và năng lực lãnh đạo khi hệ thống mương tự chảy H76 bị trượt toàn bộ xuống vực gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho nhà nước. Tôi nhắc lại chuyện ông Lê Chu bị đả kích trong nhà vệ sinh nhân một chuyến đi công tác cùng Hoàng Ba, anh nhìn tôi bật cười:

- Tội nghiệp cho lão Lê Chu quá phải không?

- Ngày ấy họ làm khiếp quá, chẳng biết công an có tìm ra thủ phạm đã viết những dòng chữ bẩn thỉu đó không?

- Chắc là có, nhưng các cụ trên tỉnh gạt đi, vì cho đó là chuyện trẻ con. Đúng là chuyện trẻ con ông ạ…

Tôi nhìn gương mặt Hoàng Ba như giãn hết ra với vẻ đắc ý. Người Hoàng Ba gọi là “cụ’ đó là ông Phơ, thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch phụ trách kinh tế. Ông Trần Hới vốn là đệ tử của ông Phơ thời quân ngũ, khi ra quân về làm công tác dân sự ông Phơ kéo Trần Hới về giúp việc mình. Hoàng Ba được ông Trần Hới giới thiệu với ông Phơ ngay từ khi anh đặt chân lên cái tỉnh này, anh trở thành niềm tự hào của ông Trần Hới, một kỹ sư trẻ đã từ chối làm giảng viên để lên tỉnh miền núi xa xôi nơi đây.

Hoàng Ba ngáp một cái rõ to rồi vươn vai đứng dậy:

- Đợt này tớ sẽ cho cậu đi học tiếp, nếu sau này ra trường, tớ còn ở đây nhất định cậu phải về với tớ, chỉ có vậy tớ mới đồng ý để cậu đi…

- Nhất định rồi- Tôi đáp, lúc này tôi mới nhận ra cái dáng cao lênh khênh của Hoàng Ba in lên sát trần nhà. Phải, chỉ là người cao như Hoàng ba mới viết được dòng chữ thô bỉ ở sát mái nhà vệ sinh dạo nào. Còn người bình thường phải kiễng chân hoặc bắc ghế mới với tới, mà ai lại rồ dại bắc ghế trong nhà vệ sinh để viết dòng chữ đó. Hồi ấy có người đã nghi ngờ Hoàng Ba, nhưng cũng chỉ nghi ngờ chứ không có căn cứ.

Tôi đi học và lặn một hơi gần hai chục năm nay mới trở lại đây, tỉnh nhập rồi lại tách, Hoàng Ba được bổ nhiệm làm giám đốc sở rồi cơ cấu làm lãnh đạo tỉnh, một con người đầy quyền lực khiến nhiều người phải cung kính.

Hoàng Ba không ngoái lại phía sau nên không nhận ra tôi ngồi sau anh đúng hai hàng ghế. Nhìn dáng anh bước lên bục thật đường bệ, hai tay khuỳnh khuỳnh, anh thao thao nói về đạo đức, trách nhiệm của người trí thức cần phải trung thực…

Tôi chẳng nghe được điều gì Hoàng Ba nói, câu chuyện gần hai chục năm trước cứ quay cuồng trong tâm trí tôi.

Có lẽ nào vì Hoàng Ba từng làm cái việc bẩn thỉu ở cái nơi bẩn thỉu ấy, nên bây giờ anh ta mới có quyền nói về đạo đức và những chuyện cao siêu?

Ngày 15/7/1992 - Sửa lại tháng 10/2021