Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

“Hồn mộng” Nguyễn Du trong thơ chữ Hán

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Du từng viết: Tri giao quái ngã sầu đa mộng - Bạn bè thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu nhiều mộng? Và ông trả lời luôn: Thiên hạ hà nhân bất mộng trung - Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng? (Ngẫu đề). Ông tuyên bố: Trần thế bách niên khai nhãn mộng - Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở, và: Mộng trung minh phân kiến - Nay trong mộng thấy rõ ràng (Ký mộng)(1).

Mộng (夢) theo Từ điển Hán Việt Thiều Chửu là chiêm bao, nằm mê. Theo nhiều từ điển khác, thì Mộng cũng là “Chiêm mộng”, hay “Giấc mơ” (Rêve), thường kết hợp với Hồn (魂) tức hồn phách, linh hồn. Cho đến nay tâm lý học hiện đại đã xác định khá rõ bản chất và nội hàm của nó “với tư cách là một phương tiện chuyển tải biểu tượng”(2) và đồng thời là một loại biểu tượng đặc biệt: “Chiêm mộng là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể được cất sâu trong tâm khảm đến nỗi nó vượt ra khỏi vòng cương tỏa của người sáng tạo ra nó” (F. Gaussen)(3) - “Biểu thị dòng tâm thức ngấm ngầm và những dữ liệu của một chương trình sống được ghi ở nơi sâu nhất của con người, chiêm mộng thể hiện những khát vọng sâu kín của cá thể và vì thế nó là nguồn thông tin vô cùng quý giá về mọi phương diện đối với chúng ta” (R. Cahen)(4) - “Chiêm mộng thần giao cách cảm, làm cho ý nghĩ và tình cảm của những con người hoặc nhóm người xa cách liên thông được với nhau”(5), v.v. Có thể nói, “mộng” là một phương thức trải nghiệm cá nhân đặc biệt, một kiểu ánh xạ của nhận thức; và nhiều khi bằng mộng, các nhà thơ Đông Tây kim cổ đã hiển lộ được chiều sâu thăm thẳm của nội tâm mình và tạo được sự hoàn thiện tối đa về nghệ thuật ngôn từ. Điều này đặc biệt rõ nét ở Nguyễn Du. Còn trong kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã triển khai cả một thế giới của mộng, chuyển “hồn mộng” của mình vào/ qua các số phận nhân vật ông nâng niu bằng “chiêm bao”, “giấc tiên”, “giấc mê”, “thần mộng”, “giấc hòe”, “hoàng lương”, “giấc vàng”, “giấc mai”, “mộng triệu”, “giấc hương quan”, “Trang sinh - hồ điệp”, v.v.

Trong ba tập thơ chữ Hán Nguyễn Du: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, từ “mộng” xuất hiện ngót 30 lần, cũng là từng ấy cảnh ngộ đời và trạng huống tinh thần dẫn đến những giấc mộng kỳ lạ, làm nền cho biết bao suy tưởng, luận giải, thi hứng của nhà thơ! Nhưng trong khá nhiều cảnh ngộ, nhà thơ không nói đến chữ “mộng” mà người đọc cũng có thể hiểu nhà thơ đang sống trong “mộng”, nghĩ về “mộng”… Các giấc mộng – với tư cách là motif hình tượng nghệ thuật, ký hiệu nghệ thuật – rất quen thuộc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (cả trong thơ văn chữ Nôm) và góp phần tạo nên giá trị trường tồn trong di sản văn chương của ông.

Cái “mộng” của Nguyễn Du thường gắn với nỗi buồn nhân thế và đậm màu sắc Lão Trang xem kiếp sống như một trò phù du huyễn mộng. Nam Hoa Kinh chép: “Có người nằm mộng thấy được uống rượu ăn tiệc, tỉnh dậy tiếc mà khóc; lại có người nằm mộng thấy mình khóc rồi thức dậy vui như đi săn. Mà hai hạng người đó trong khi nằm mộng không biết rằng mình nằm mộng, đôi khi nằm mộng thấy rằng mình nằm mộng, tới khi tỉnh mới biết rằng mình nằm mộng. Và chỉ khi nào đại giác (cuộc tỉnh lớn) mới biết rằng đã qua một “đại mộng” (giấc mộng lớn)(6). Đạo Phật cũng cho rằng cuộc đời này chỉ là những “đại mộng” và “tiểu mộng” mà thôi! Đó cũng là quan niệm của thi tiên Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng” (Sống ở đời như một giấc mộng lớn). Với Nguyễn Du, nỗi ám ảnh về cái hư vô của đời cũng rất rõ: Bách tuế vi nhân bi thuấn tức/ Mộ niên hành lạc tích tu du - Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt - Cuộc vui chơi lúc tuổi già, tiếc chỉ là thoáng chốc (Mạn hứng); ông coi kiếp “sinh ký” này là ngắn ngủi, đổi thay chóng vánh, hư ảo khôn lường: Du du vân ảnh biến thần tịch/ Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm - Sáng và chiều đổi thay theo bóng mây trôi lờ lững - Xưa và nay lênh đênh như hoa sóng cuồn cuộn (La Phù giang thuỷ các độc toạ). Nhưng sự lăn lộn vất vả trong đời sống cần lao đã mang lại cho những giấc mơ của Nguyễn Du một nội dung xã hội - thẩm mỹ đáng quý. Tự gọi mình là “hành nhân”, “chinh nhân”, “chinh khách”, “trệ khách”, “du khách”, “cô lữ”, “du tử”, “Nam Hải điếu đồ”, “Hồng Sơn liệp hộ”, v.v. ông thường đóng một “vai” trong giấc mộng của chính mình và trong giấc mộng của người khác để thám hiểm cõi đời nhiều ghềnh thác.

Có thể dùng trải nghiệm của thi hào Đức V. Goethe để tham chiếu “hồn mộng” Nguyễn Du: “Trong đời tôi có nhiều lần đau khổ, nuốt nước mắt. Nhưng sau khi tôi lên giường nằm, cảnh mộng có thể dùng mọi hình thức dẫn dắt và an ủi tôi, làm cho tôi siêu thoát khỏi nỗi bi thương mà đổi lại được sự nhẹ nhàng vui vẻ...”(7) .

Nhà phân tâm học người Áo S. Freud sau khi phân biệt “nội dung hiển nhiên của giấc mơ” và “nội dung tiềm ẩn của giấc mơ”, đã viết những dòng có thể giúp chúng ta hiểu thêm về “hồn mộng” Nguyễn Du: “thường những suy nghĩ trong Giấc mơ gần nhất lại dễ thu hút chúng ta nhất bởi vẻ ngoài khác thường của chúng. Chúng được diễn đạt không bằng ngôn ngữ đời thường mà chúng ta quen tư duy, mà bằng thứ ngôn ngữ biểu tượng đầy những sự so sánh và phép ẩn dụ, và giàu hình ảnh như ngôn ngữ thi ca”(8). Và phải chăng, Nguyễn Du khi lấy mộng để gửi gắm xúc cảm thi ca tức là đã tìm được “tình huống thú vị” của Mỹ học, như Hê-ghen từng nói: “Từ lâu, nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật vẫn là tìm những tình huống thú vị. Tức là những tình huống nào cho phép ta bộc lộ những hứng thú quan trọng và sâu sắc, cũng như cái nội dung chân thực của tâm hồn”(9)?

Dân gian quan niệm khi người ngủ là linh hồn xuất đi, đến được nhiều nơi chốn, khi thức giấc cũng là lúc linh hồn trở về nhập vào thể xác. Với Nguyễn Du, linh hồn xuất đi để vào giấc mộng cũng là những lúc “trí tưởng tượng trôi nổi, có lúc thanh thản bồng bềnh, có khi ngụp lặn tắm táp nơi đáy suối… trong giây lát có thể quán thông kim cổ, trong chớp mắt có thể bốn biển rong chơi”(10). Rõ ràng, những ảo ảnh, những tưởng tượng trong mộng đã làm phong phú thêm thế giới cảm xúc và hình tượng thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Nỗi buồn thương cho bản thân và cho cuộc đời khi nằm trong “hồn mộng” lại càng trở nên thấm thía, day dứt, và góp phần tạo thành nhãn quan nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật riêng biệt của Nguyễn Du. Cái tấc lòng không thể giãi bày được (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ), ông gửi vào đáy “hồn mộng” của mình. “Hồn mộng” ấy không chỉ đeo đẳng cái đói, cái khổ cực của bản thân và những người thân (Thập khẩu đề cơ Hoàng Lĩnh bắc - Phía Hồng Lĩnh mười miệng ăn đang kêu đói), mà còn mênh mông lòng thương cảm với bao kiếp người cùng niềm day dứt khôn nguôi về chí hướng lớn của đời chưa thực hiện, được giữa sự thôi thúc về mưu sinh (hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên - chí lớn và sinh kế đều mờ mịt cả hai). Ở trong thế “cùng đường” (cùng đồ), nơi “góc bể chân trời” (hải giác thiên nhai), Nguyễn thường mong có bạn hữu để tâm sự song lại “sợ người” (Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân - Thời loạn muốn giữ mạng mình, mãi đâm ra sợ người. U cư 1), hơn nữa “không có tài giao thiệp với đời” (vô thiệp thế tài) – như Nguyễn Đề từng viết về em trai yêu quý của mình – nên chi bằng hãy tìm người trong mộng! Dường ông có ảo tưởng rằng, chỉ có thể gỡ được mối u sầu ám ảnh mình suốt đời (nhất sinh u tứ vị tằng khai) bằng giấc mộng, trong giấc mộng…

“Hồn mộng” Nguyễn Du chất chứa bao nỗi trăn trở, lo âu về nhân tình, thế sự. Đó là những giấc mộng, những mảnh “hồn mộng” của kẻ bộ hành bất đắc dĩ, kẻ “đào thoát” khốn khổ cũng lang thang vất vưởng cùng thi nhân trên những chặng lữ hành dài dặc và khúc khuỷu. Cái “đa sầu đa mộng” như một thứ định mệnh gắn với người “đa bệnh” sớm bạc đầu mà phải làm kẻ “phiêu linh”, người “cô lữ” đi như ngọn cỏ bồng lăn không gốc rễ (hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng. Tự thán 1). Nhưng người thường chìm trong mộng để mong quên nỗi buồn cũng là người khuyên mình và những ai học lối tìm say để quên kiểu Lưu Linh: Sao bằng cứ tỉnh táo mà xem việc đời - Để như cánh bèo trôi giạt đáng thương thay (Hà tự thanh tinh khan thế sự/ Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai. Lưu Linh mộ). Đó là những giấc mộng của người tự nhận: Bình sinh chưa hề có ý nghĩ của loài ruồi nhặng - Xưa nay ai lại cùng chung tổ với lũ mối? (Bình sinh bất khởi thương dăng niệm/ Kim cổ thuỳ đồng bạch nghĩ oa? Tạp ngâm1).

Mặc dù không ít lần Nguyễn Du than vãn: Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng - Người ta đến bước đường cùng thì cũng hết mộng đẹp (Trệ khách), nhưng là người thuộc “giống hữu tình”, mang nặng “gánh tương tư”, mà “nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều” nên chẳng lúc nào ông thôi tưởng nhớ, tưởng tượng ra trong mộng những người thân yêu, những cảnh vật, những sự biến từng làm ông suy nghĩ và xúc động. Nhà thơ Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy (mục trung sở xúc năng vô lệ) đã đành, ông còn rơi lệ trong nhiều giấc mộng. Các giấc mộng đến với một con người luôn cảm nhận nỗi bất an trước bao hiểm họa rình rập ở cuộc đời, trong “một cuộc tìm kiếm mải miết (trong lo âu day dứt, trong xót xa tuyệt vọng) không gian, thời gian, người đồng hành – thế giới an bình ấm áp mà Nguyễn Du thiếu vắng. Bên cạnh giấc mơ giải thoát là giấc mơ kết nối, chúng là những đối cực song hành trong cả ba tập thơ chữ Hán”(11).

“Hồn mộng” Nguyễn Du tỉnh táo, sâu sắc, chí lý chí tình biết bao trong cuộc rong ruổi ở “cõi hồn” nơi thành quách, lăng tẩm, đền đài cổ Trung Hoa, trong các cuộc đối thoại, gặp gỡ, tranh luận với nhiều hạng người xưa, để ngỡ ngàng nhận ra: tất cả những phú quý vinh hoa, danh vọng tột đỉnh cũng đều là “vạn cảnh giai không”, là “mảnh tàn hồng” trong “kiếp phù sinh như hình bào ảnh” (Văn tế thập loại chúng sinh); và cũng là dịp để ông rút ra đâu là nghĩa lý thực sự của cõi “sinh ký” này - ít nhất là đối với bản thân ông: Phù lợi vinh danh chung nhất tán/ Hà như cập tảo học thần tiên - Danh lợi hão huyền cuối cùng sẽ tiêu tan hết - Sao bằng kịp thời theo đạo thần tiên (Mộ xuân mạn hứng); Nhân sinh quyền lợi thành vô vị/ Kim cổ thuỳ năng phá thử mê - Trong đời người, quyền lợi thật là vô vị -Xưa nay ai phá được điều mê muội đó? (Tô Tần đình kỳ 1).

Trong mộng, Nguyễn Du gặp người quen lẫn người chưa quen, người còn sống lẫn người đã chết, người cùng thời và cả người sống cách ông hàng bao thế kỷ (Ký hữu, Phúc Thực Đình, Ngô gia đệ cựu ca cơ, Điếu La thành ca giả, Đề Vi-Lư tập hậu, Nhạc Vũ Mục mộ, Tỉ Can mộ, v.v.). Đó là khi mộng hòa vào sự thực lịch sử, Nguyễn Du kính cẩn “hạ mã” để tỏ lòng ngưỡng mộ các “vầng chính khí” như Văn Thiên Tường, Liễu Hạ Huệ, Lạn Tương Như, Bùi Tấn công, v.v. (Độ Hoài hữu cảm Văn thừa tướng, Liễu Hạ Huệ mộ, Lạn Tương Như cố lý, Bùi Tấn công mộ). “Hồn mộng” như tận mắt nhìn thấy bóng người đẹp Dương quý phi bị thắt cổ ở gò Mã Ngôi và nhỏ nước mắt khóc thương nàng: Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ/ Đông phong thành hạ bất thăng tình - Tìm đâu cho thấy những cánh hồng tan tác - Dưới thành gió đông thổi, khiến lòng ngậm ngùi không kể xiết (Dương Phi cố lý); hay tận tai nghe thấy âm thanh vọng từ cõi âm nỗi uất hận của Hạng Vũ: Phong vũ do văn sất sá thanh - Trong gió mưa còn nghe như tiếng la thét (Sở Bá Vương mộ II), v.v.

Giấc mộng đưa nhà thơ về miền thương nhớ khi đang lận đận ở những phương trời xa xôi: Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ/ Khước tại La Phù giang thủy biên - Chính lúc bồi hồi nhớ đến đêm nao ở non Hồng - Thì mình lại đang ở bến sông La Phù (Sơ nguyệt); Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng/ Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong - Hơn một năm qua chỉ mộng mị về dải non Hồng - Mái đầu bạc vẫn lặn lội trong gió thu ngàn dặm (Nhiếp khẩu đạo trung)…

Có giấc mộng của nhà thơ phiêu diêu miền nguyên khí cùng cõi Hư không, cả những khi mơ về “lai khứ” hoặc những khi ngẫm về sự nghiệp văn chương: Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt/ Điểm điểm tinh thần du thái sơ - Dưới song nhiều khóm lan, ngâm nga vừa dứt tiếng - Thì tinh thần thư thái dần dần rong chơi cõi thái sơ…

Có không ít giấc mơ đẹp hiếm hoi, huyền ảo, mơ hồ tựa ảo ảnh có nụ cười nhân hậu của người mang “hồn mộng”: Thuỷ trung hữu nhân ảnh…/ Bất tri lai bất tri/ Cách hoa văn tiếu ngữ - trong nước có bóng người… Chẳng biết đến lúc nào không biết - Sau khóm hoa nghe tiếng cười nói (Mộng đắc thái liên I, III); Hoa dĩ tặng sở úy/ Thực dĩ tặng sở liên - Hoa để tặng người mình sợ - Gương để tặng người mình thương (Mộng đắc thái liên II).

Có giấc chiêm bao gặp người vợ đã khuất trong thoáng chốc mà buồn ướt lệ mãi, khiến lòng rối như tơ vò, nhà thơ Ghi lại giấc mộng đầy sương khói hư thực, ngổn ngang những bất an: người vợ sợ nỗi hổ báo thuồng luồng, ngán nỗi đường đi hiểm trở, dù chẳng biết đường mà phải vượt núi băng sông đến với nhà thơ trong tiếng khóc thổn thức: Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn/ Kế ngôn cửu biệt ly/ Đái khấp bất chung ngữ - Thoạt đầu kể khổ vì ốm đau - Rồi than thở nỗi lâu ngày xa cách - Sụt sùi không nói hết lời. Sau đó nhà thơ miêu tả cảnh ngộ điển hình của mộng mà ông thường gặp: Mộng lai cô đăng thanh/ Mộng khứ hàn phong suy - Mộng đến, đèn cô đơn rọi sáng - Mộng tàn, gió thổi lạnh lùng (Ký mộng). Mộng đến và mộng đi tác giả đều thấy cô đơn; và khi mộng đến, có ánh đèn càng sáng lại càng làm tăng nỗi cô đơn! Trong văn chương cổ trung đại, ít có dòng thơ nào nói về nỗi buồn, sự cô đơn một cách giản dị mà thấm thía đến thế!

Gặp lại người anh cách xa nghìn dặm trong giấc mộng mà cũng đầy trắc trở, thơ không nói tới nước mắt mà xúc cảm như đẫm lệ: Nhất biệt bất tri hà xứ trú/ Trùng phùng đương tác tái sinh khan/ Hải thiên mang diểu thiên dư lí/ Thần phách tương cầu mộng diệc nan - Một lần từ biệt, nay không biết ở nơi nào? - Gặp lại nhau, hẳn phải đợi kiếp sau - Trời biển mênh mang, đường xa nghìn dặm - Hồn phách tìm nhau trong mộng cũng khó (Ức gia huynh).

“Hồn mộng” Nguyễn Du khóc trước mộ “bậc thầy muôn đời về thi ca” Đỗ Phủ: Đại dị tương liên không sái lệ - Sống khác thời, thương ông chỉ biết nhỏ lệ (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ), và Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi - Hồn mộng tôi đêm đêm nhập vào thơ Đỗ Thiếu Lăng (Y nguyên vận ký Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên). “Hồn mộng” đã xoá nhoà ranh giới thời đại, âm - dương để Nguyễn ân cần dặn dò hương hồn Đỗ Phủ: Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị? Địa hạ vô linh quỷ bối xi - Chứng lắc đầu cũ đã chữa khỏi được chưa? - Dưới đất đừng để cho lũ ma quỷ cười mình (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ I).

“Hồn mộng” Nguyễn Du khi đứng trước dòng Tương giang như nấm mồ lớn chứa đựng oan hồn Khuất Nguyên đã giúp ông đồng cảm cao độ với “đồng tâm nhân” vĩ đại của mình, hình dung ra người hai ngàn năm trước đeo hoa lan để cách biệt với lũ người ô trọc, rồi cùng nhà thơ - nhà ái quốc lớn nước Sở ngâm Ly tao và bay tới các vùng đất thần tiên… (Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu 1, 2; Tương Âm dạ; Phản chiêu hồn, v.v.).

Mộng nhà thơ cũng biến hoá thực - ảo qua các vùng không gian của mộng tưởng, khi phảng phất sau song cửa, lúc bảng lảng trong mây khói chốn tịch diệt, hoặc phiêu diêu nơi góc bể chân trời... Mộng tưởng hiện ra trong các trạng thái mơ màng nửa thức, nửa ngủ, và bất kể thời gian nào: Ngũ canh tàn mộng tục hương quan - Trong giấc mộng tàn canh nằm vẫn còn mơ về quê hương (Thuỷ liên đạo trung tảo hành); Ngọ mộng tỉnh lai vãn - Tỉnh giấc mộng trưa trời đã muộn (Sơn Đường dạ bạc); Ngọ song vô mộng đáo thiên nha - Trong giấc ngủ trưa bên cửa sổ, không còn mộng đến chân trời (Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam quy), v.v.

Nhưng nhà thơ chiêm nghiệm về bản thân và suy ngẫm về “mối hận kim cổ” (cổ kim hận sự) qua mộng nhiều nhất là vào lúc Đêm tối - thời gian mộng và không gian mộng có thể nói đặc trưng của thơ Nguyễn Du: Tịch liêu kim dạ vọng - Đêm nay vời trông khung cảnh hiu quạnh (Tương Âm dạ); Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh - Giữa cánh đồng hoang, đêm vắng, đom đóm bay tứ tung (Vị Hoàng doanh); Bạch địa đình trì dạ sắc không - Sân thềm trống trơn, màn đêm tĩnh lặng (Ngẫu đề); Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy - Suốt đêm bận lòng khổ tâm không ngủ được (Thăng Long I); Vô hạn thương tâm nhất dạ trung - Trong một đêm xiết bao nỗi đau lòng (Sơ thu cảm hứng); Chung dạ bồi hồi tứ chuyển mê - Suốt đêm bồi hồi, nghĩ ngợi mê man (Ngẫu hứng I)Khi vạn vật chìm vào màn đêm tĩnh lặng, những mộng mị đầy hư ảo của nhà thơ dường mới có thể kết nối kỳ diệu nhất với những trải nghiệm bản thân và lắng sâu vào nguyên khí của vạn vật cũng như lòng người. Trong những đêm cô tịch như thế, có những “bóng ma” ám ảnh nhà thơ: U thất thu hàn hiện quỷ lân - Ngôi nhà tối mùa thu lạnh sẽ hiện đom đóm ma (Giản Công bộ Thiêm sự Trần II); Hàn đăng lưu quỷ ảnh - Ngọn đèn lạnh như lưu lại bóng ma (Quế Lâm công quán)… Nhưng có lẽ chỉ khi đó, cả trong nỗi buồn thương, Nguyễn Du mới có thể tìm gặp được và trò chuyện với những bóng dáng thân yêu nhất của đời ông bằng đôi cánh ảo mộng.

Mỗi khi bóng tối ập xuống không gian, Nguyễn Du thường tự thu mình lại với cái bóng của mình - người bạn tâm tình tin cậy duy nhất của ông. Với con người chìm trong suy tưởng và luôn “thiên vấn” (hỏi trời) giống Khuất Nguyên như Nguyễn Du thì hơn ai hết, bóng là người bạn chung thuỷ, là sự phân thân của ông, dù nó chẳng bao giờ lên tiếng. Bóng luôn đối diện với Nguyễn Du, là một thứ “mộng trong mộng” nằm ở hầu hết mọi giấc mộng có chức năng “tự vấn”, và cũng góp phần tạo nên “bè trầm” trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông: Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh/ Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh - Trong đêm khuya cô tịch buồn rầu một mình đối bóng-Nghe mưa dầm đầy giường không sao chịu nổi (Tống nhân); Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ/ Bạch phát sổ hành thuỳ ngã khâm. Bồi hồi trước bóng mình một mình yên lặng - Mấy sợi tóc bạc rủ xuống vạt áo (La Phù giang thuỷ các độc toạ). Không ít đêm, Nguyễn Du tự ngữ đáo thiên minh - mình nói chuyện với mình mãi cho đến sáng (Quế Lâm công quán), khi mà bách chủng u hoài vị nhất sư - trăm mối u hoài chưa dẹp được (Bát muộn) giữa bao trăn trở và mộng mị…

Cũng trong đêm, với những giấc mộng khi thao thức, Nguyễn thường suy ngẫm, tổng kết về lẽ hưng phế của các triều đại, nhất là cuộc thăng trầm dâu bể của thời đại mình bằng những “bức tranh đời” sống động thấm máu và nước mắt lặn sâu trong đáy hồn mộng: Thập tải trần ai ám ngọc trừ/ Bách niên thành phủ bán hoang khư/ Yêu ma trùng điểu cao phi tận/ Trĩ uế càn khôn huyết chiến dư/ Tang tử binh tiền thiên lý lệ/ Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư… Cát bụi che mờ thềm ngọc mười năm nay - Thành phủ xây dựng trăm năm trước, một nửa thành gò hoang - Các loài chim nhỏ bé đều bay lên cao hết-Sau các cuộc huyết chiến, cõi càn khôn trở nên nhơ nhớp - Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều - Ở xa muôn dặm nghĩ đến mà rơi nước mắt - Bạn bè, bà con chỉ còn lại mấy hàng thư dưới đèn… (Bát muộn).

Và hiếm có “Hồn mộng” nào xưa nay đã nhìn thấu cảnh tang thương khốn khổ của người dân lành gây ra bởi biết bao kẻ Không để lộ nanh vuốt nọc độc - Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường (Bất lộ trảo nha dữ giác độc/ Giảo tước nhân nhục cam như di. Phản chiêu hồn) từ hai nghìn năm trước cho đến khi được “mục sở kiến” trên đường “Bắc sứ”: chết lăn nơi ngòi rãnh - Máu thịt nuôi béo lũ sói lang (Nhãn hạ ủy câu hác, Huyết nhục tự sài lang. Sở kiến hành). “Hồn mộng” Nguyễn Du khi giao thoa với oan hồn Khuất Nguyên đã có lúc phẫn uất đến độ biến thành tiếng thét đau đớn có tác dụng phanh phui đến tận cùng bản chất của hiện thực: Hồn ơi, hồn không còn chỗ nương tựa nào nữa đâu, đừng có trở về cõi đời độc ác này nữa! (Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan/ Đại địa xứ xứ giai Mịch La/ Ngư long bất thực, sài hổ thực - Ðời sau đều là Thượng Quan -Khắp mặt đất đều là sông Mịch La - Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt. Phản chiêu hồn). Khoảnh khắc “hồn mộng” này khiến nhà thơ Xuân Diệu dường cũng “căm giận trên đầu tóc dựng” như tác giả Phản chiêu hồn(12), và một nhà nghiên cứu hiện đại phải thốt lên: “Đại địa xứ xứ giai Mịch La! Bi phẫn biết chừng nào! Sao Nguyễn Du, con người hay sầu mộng và đa cảm nữa, lại có thể bất ngờ vút lên một câu thơ khái quát vĩ đại đến thế?”(13)

Mộng Nguyễn Du, đó là Mộng của người có Cái nhìn gom trời đất (Nhãn trung thu đại địa). Và “Hồn mộng” Nguyễn Du, phần quý giá nhất, rung cảm nhất chính là mối “thương tâm”, “sái lệ”, là nỗi ám ảnh về dòng đời bất trắc, hiểm nguy và kiếp người đau khổ, bi thương – được trải nghiệm bằng chính những đoạn đời phong trần luôn lo toan trăn trở thế sự của nhà thơ trong cõi nhân gian, và trở thành một kiểu triết lý nghiệm sinh sâu sắc trong “tòa lâu đài”(14) thơ chữ Hán Nguyễn Du.

***

Trước nay, đã có không ít bài viết về cái “mộng” hay “thế giới tâm linh” của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán và Truyện Kiều, có nhiều phát hiện chính xác và thú vị. Song, hầu hết các bài viết giàu tính bác học đó hình như đã quên giúp người đọc rộng rãi phân biệt cái “mộng” của Nguyễn Du trong sự trải nghiệm cá nhân như một nguồn cảm hứng thi ca và cái nhìn vào nội tâm sâu sắc; “mộng” mà lại “chọn cách tác động bằng sự thức tỉnh”(15) – khác rất xa với bệnh mộng du và bệnh ảo mộng mà nhiều văn nghệ sĩ thế giới đã cảnh báo, tiêu biểu là G. Flaubert: “Anh đừng đồng nhất cái nhìn bên trong của người nghệ sĩ với cái nhìn bị ảo mộng hóa thực sự. Tôi rất quen biết với cả hai trạng thái ấy, giữa chúng có cả một vực sâu ngăn cách. Ở trạng thái ảo mộng thật sự có một sự sợ hãi, anh cảm thấy cái “tôi” của anh đang lẩn đi, và có cảm giác anh đang chết dần. Còn trong cái nhìn thơ ca thì ngược lại, có một sự vui sướng, đấy là một cái gì đang đi vào anh”(16).

“Sự vui sướng” đó, chính là khát vọng sáng tạo, là sức mạnh nội tâm của Đại thi hào, giúp ông vượt lên những nghịch cảnh bi thương đôi lúc kinh hoàng, đáng kinh sợ, để có những giấc mộng mị như “là con đường vương giả để đạt tới hiểu biết lòng người”(17) nhằm tạo ra những áng văn chương bất hủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thơ trích dẫn chủ yếu lấy từ: Mai Quốc Liên - Vũ Tuấn Sán (Dịch nghĩa và chú thích). Nguyễn Du toàn tập, tập 2, NXB Văn học, HN 2015.

2, 3, 4, 5. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, 2015, tr.164 - 165.

6. Nguyễn Hiến Lê (Giới thiệu và chú dịch). Trang Tử Nam Hoa Kinh, NXB Văn hoá - Thông tin HN, 1994, tr. 179.

7. Dẫn theo: Diêu Vĩ Quân. Bí ẩn của Chiêm mộng, NXB Văn hóa -Thông tin, HN,1996, tr.192

8. S. Freud. Các bài viết về giấc mơ & giải thích giấc mơ, NXB Thế giới, HN, 2005, tr. tr. 56, 72.

9. Hêghen. Mỹ học, Tập I, Phan Ngọc giới thiệu và dịch, NXB Văn học HN, 1999, tr.18

10. Lục Cơ, dẫn theo: Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, NXB Văn học, HN 2001, tr.198.

11. Đỗ Thị Mỹ Phương: “Câu hỏi trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: bức chân dung một thế giới nhiều bất ổn”. Những tiếp cận mới trong nghiên cứu-giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều (Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia), NXB ĐHHQG HN, 2021, tr.161

12. Xuân Diệu. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học, HN 2009, tr.153.

13, 14. Mai Quốc Liên, “Lời nói đầu”, Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Sđd.

15. Vương Trí Nhàn: “Nguyễn Du như một thi sĩ” - Nguyễn Du - Thơ và đời, NXB Văn học, HN 2016, tr.202.

16. Theo: M. Arnauđốp. Tâm lý học sáng tạo văn học, NXB Văn học, HN 1978, tr.291.

17. S. Freud, dẫn theo: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Sđd. tr.164.