Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Để trẻ em được như búp trên cành

Lê Học Lãnh Vân

Nhìn hình bé Vân Anh đẹp như thiên thần lòng tôi dấy lên trăm ngàn nỗi… Lấn át tất cả vẫn là nỗi xót xa thắt trái tim nghĩ tới những gì bé đã chịu hàng ngày trong năm qua cho tới khi bị giết chết!

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” (Hồ Chí Minh, 1941)

Hai câu thơ khiến tôi rung động biết bao, đọc mà lòng vui như buổi sáng mùa xuân nhìn chồi biếc rung trong nắng Tết. Người sáng lập nên chế độ này đã viết câu thơ quá đẹp, sao hôm nay trong lòng chế độ lại xảy ra sự việc bé Vân Anh tận cùng xót xa?

Trong lòng xã hội đã xảy ra bao việc khiến những công dân có tinh thần cộng đồng phải suy nghĩ và đau lòng. Xin cùng nhau nhìn về lãnh vực Giáo dục và Văn hoá, hai lãnh vực liên quan trực tiếp hơn tới sự việc bé An.

Sự việc xảy ra trong bối cảnh gì của nền văn hoá, giáo dục? Mỗi năm xã hội có bao nhiêu trẻ em dưới mười tuổi bị bạo hành tới chết bởi người thân, người quen biết? Có bao nhiêu trẻ em bị chết vì tai nạn trong và ngoài môi trường giáo dục? Có bao nhiêu trẻ em chết đuối nơi sông, suối, ao hồ? Con số biết được đã là bốn năm ngàn, vậy con số gần với sự thực là bao nhiêu? Một xã hội quen thuộc với con số trẻ em chết lớn như vậy, xã hội đó có trân quý giữ gìn sinh mệnh trẻ em hay không? Điều quan trọng là: giới chức trách có biết lo phòng ngừa từng nguy cơ tai nạn cho trẻ em không, trong đó có tai nạn do bạo hành?

Trong môi trường giáo dục, trẻ em đánh lộn, hành hung nhau, trấn lột nhau, thậm chí giết nhau. Người lớn xông vào nhà trường hành hung trẻ em, hành hung thầy cô giáo trước mặt các em. Cô giáo mẫu giáo bạo hành với các em ba bốn tuổi vì ăn chậm, vì nghịch phá. Bạo lực học đường là vấn nạn không được quan tâm giải quyết! Giới chức trách có suy nghĩ tìm giải pháp cho vấn nạn này không?

Ngoài xã hội thì bạo lực gấp rất nhiều lần hơn…

Công quyền, cơ quan mà xã hội uỷ quyền để giải quyết các vấn nạn bạo hành hành xử thế nào khi người yếu thế cần tới? Có sự tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng về các quyền của người dân không? Có khi nào công quyền không dựa trên công lý không? Có khi nào công quyền bạo hành với nười dân không?

Tình trạng bạo lực lâu dài ảnh hưởng thế nào trên tâm lý, hành vi kẻ mạnh (người lớn) và kẻ yếu (trẻ em)?

Những việc trình bày trên, dù chưa đủ, cũng nêu một số nguy cơ lớn mà sự bạo hành gây ra cho xã hội nói chung và cho trẻ em nói riêng. Ai trong giới chức trách thấy và lo phòng ngừa những nguy cơ đó?

Khi việc bạo hành xảy ra, nhân tố giúp đỡ người bị bạo hành là các hiệp hội, tổ chức thiện nguyện. Đó là nơi gần gũi, cảm thông với nỗi khổ đau, có thể giúp người yếu thế bằng tấm lòng yêu thương. Hoạt động thiện nguyện giúp dân trực tiếp, cũng giúp dân gián tiếp vì gieo mầm thiện, mầm đúng trong xã hội. Giúp tạo môi trường sống chân thành, cộng tác, thiện lương, tương thân tương ái. Trong môi trường như vậy chắc chắn tỉ lệ bạo hành, tội ác thấp, thấp nhiều so với hiện trạng nước ta!

Các tổ chức thiện nguyện là nơi bổ túc cho các lỗ hổng trong xã hội mà không chính quyền nào có thể bịt kín. Các tổ chức đó phải có bản tính dân sự, do những người thực lòng thiện nguyện phụ trách. Bất kỳ cố gắng nào nhằm đưa người của nhà nước vào để lãnh đạo, kiểm soát sẽ khiến tổ chức mất đi tính dân sự và do đó bị bất hoạt hoá về mặt thiện nguyện. Bởi vì lúc đó chúng lại là tổ chức nhà nước và lỗ hổng thiện nguyện vẫn còn nguyên. Quốc khố mất tiền trả lương, dân chúng chịu thêm một tổ chức hạnh hoẹ moi tiền, thâm lạm tài sản tài sản quốc gia mà người dân không được hưởng lợi từ thiện nguyện!

Tất cả những điều nói trên là trách nhiệm của mọi người, nhưng nhà nước có trách nhiệm lớn nhất vì được người dân chính thức uỷ quyền. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy chỉ cần nhà nước xây dựng bộ máy liêm khiết, quản lý công tâm, thực lòng vì dân thì các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ, phi lợi ích xuất hiện phụng sự quyền lợi người dân qua các hoạt động thiện nguyện. Người dân có lợi nhiều mặt so với hoàn cảnh hiện nay! Kinh nghiệm của chính nước Việt Nam cho thấy các vấn nạn lớn của xã hội như tham nhũng, suy thoái đạo đức, xã hội ngày càng chia rẽ và phân rã thay vì được gắn kết hơn… không được khắc phục mà ngày càng trầm trọng. Chắc rằng phải có vấn đề trong cách tổ chức xã hội. Có phải xã hội quá chuyên chính (độc tài) nên khô cứng, thiếu khoảng không cho việc huy động nhiều thành phần khác nhau cộng tác xây dựng và phát triển quốc gia? Tính chuyên chính có khiến hệ thống công quyền ngày càng có nhiều hơn số người không hoàn thành trách vụ của mình, không có cả đạo đức công quyền?

Trong khi nhiều người cho rằng sự việc của bé Vân Anh là quá ghê gớm, làm sụp đổ đạo đức xã hội, bài viết này cho rằng sự tổ chức và quản trị xã hội không hữu hiệu đưa tới sự suy thoái đạo đức kéo dài là nguyên nhân căn bản của sự việc bé Vân Anh. Xã hội nào cũng có những sự việc thương luân bại lý, sự khác nhau giữa hai xã hội nằm ở cách xã hội giải quyết vấn đề, và cách giải quyết khiến sự việc tồi tệ xảy ra tại xã hội này có xác suất cao hơn tại xã hội kia. Nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu, ngày càng có nhiều búp trẻ em bị giày xéo, vò nát.

Đạo đức cốt lõi nhất của xã hội là đạo đức bảo vệ sinh mạng con người, bảo vệ môi trường sống chan hoà tình thương yêu, bảo vệ lòng nhân ái và tính trung thực của con người chứ không phải là bảo vệ một chủ thuyết hay cách tổ chức xã hội nào đi ngược với đạo đức cốt lõi nói trên! Đây là việc cần nền móng dân chủ thực chất và phản ứng với các việc thương luân bại lý cần đặt trên cơ sở lâu dài đó chứ không thể chỉ xem như một việc nhất thời, chỉ trừng trị kẻ phạm tội là xong!

Xét sâu xa hơn, việc chỉ kêu gọi căm thù, chỉ trừng trị để thoả lòng sôi giận của đám đông, việc đó chỉ làm xấu hơn môi trường sống đã thiếu thương yêu, chia sẻ và do đó càng khiến nhiều trẻ em gặp hoàn cảnh của bé Vân Anh!

Ngày 30 tháng 12 năm 2021