Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (46)

Thụy Khuê

Từ Hội nghị Đà Lạt đến cuộc lưu vong 1946

 

Hội nghị Đà Lạt là cơ hội liên minh cuối cùng giữa hai bên quốc cộng, trước khi đổ vỡ, phân liệt. Sau đó, phần lớn các thành phần chính trị phe quốc gia phải trốn tránh, lưu vong, và họ sẽ bị gạch ra ngoài lịch sử chính thống như những kẻ đào tẩu. Trong chương này, chúng tôi cố gắng tìm lại hành trình của một số nhân vật tiêu biểu đã giữ những vai trò chủ yếu trên chính trường Việt Nam. Hành trình của họ ở hải ngoại, thường không được biết đến, hoặc biết một cách bôi nhọ, phỉ báng. Bài viết này sẽ chia làm ba phần:

I- Hội nghị Đà Lạt

II- Lịch sử lưu vong

III- Hoạt động của các nhóm lưu vong

***

I- Hội nghị Đà Lạt

Trước hôm ký Hiệp định sơ bộ một ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam gửi thư đến Chủ tịch Hồ Chí Minh xin từ chức. Bức thư như sau:

Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 1946

Kính gửi Cụ Chủ tịch

Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến

Thưa Cụ,

Tôi tự xét bất tài bất lực, nên không thể đảm đương bộ Ngoại giao trong Chính phủ, vậy tôi xin từ chức Ngoại giao bộ trưởng kể từ hôm nay.

Tôi không muốn sự từ chức của tôi có ảnh hưởng đến công việc chung nên tôi đề nghị Cụ kiêm chức Ngoại giao bộ trưởng hay một người trung lập nào.

Việc từ chức của tôi chỉ là một việc làm của cá nhân, không có liên can gì đến sự đoàn kết các đảng phái.

Kính chúc Cụ và Nội các thành công trong việc đưa nước ta đến chỗ hoàn toàn độc lập.

Nguyễn Tường Tam

clip_image002

Thư Nguyễn Tường Tam, tài liệu Nguyễn Tường Thiết

Thời đó chưa có photocopie, những văn bản quan trọng Nhất Linh thường viết hai bản, vì thế có bản này trong hồ sơ của Nguyễn Tường Tam mà Nguyễn Tường Thiết còn giữ được.

Ngoài sự từ chức, Nguyễn Tường Tam còn không ký vào Hiệp định sơ bộ: Võ Nguyên Giáp, trong đoạn viết về thành phần phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt, cho biết:

"Còn về phiá ta, thành phần phái đoàn đàm phán không thuần nhất. Nguyễn Tường Tam, tháng trước đã không chịu ký tên vào bản Hiệp định [sơ bộ]. Đến giờ phút chót, Vũ Hồng Khanh phải ký thay"[1].

Vậy sự từ chức, đi kèm với việc không ký Hiệp định, là hai hành động cụ thể và quyết liệt để phản đối Hiệp định sơ bộ. Nhưng chắc Hồ Chí Minh không chấp nhận sự từ chức này và vị Chủ tịch đã thuyết phục được Nguyễn Tường Tam tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, bởi vì ông cần một người có tầm vóc, khi phải đối đầu với Pháp. Và Nguyễn Tường Tam đã nhận lời ở lại. Ngày 24-3-46, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi cùng Nguyễn Tường Tam (và Hoàng Minh Giám) ra vịnh Hạ Long gặp D'Argenlieu để bàn việc tiến hành Hiệp định sơ bộ. Kết quả là ngày 16-4-1946, Nguyễn Tường Tam cầm đầu phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Đà Lạt, được gọi là hội nghị trù bị, để thương thuyết những chi tiết cho bản Hiệp định Pháp Việt chính thức, sẽ được ký tại Paris. Đồng thời ngày 16-4-46, Phạm Văn Đồng cầm đầu phái đoàn Quốc hội sang Paris tiếp xúc với quốc hội Pháp (Phái đoàn Phạm Văn Đồng trở về nước ngày 16-5-46; và ngày 30-5-46, Phạm Văn Đồng cầm đầu phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Paris, nhưng hội nghị này sẽ bị Pháp rời xuống Fontainebleau).

Hội Nghị Đà Lạt: sự đoàn kết cuối cùng

Hội nghị Đà Lạt (họp từ ngày 19-4-46 đến ngày 11-5-46) được ít người biết đến và đánh giá đúng mức, thực ra hội nghị này có tầm quan trọng lịch sử rất lớn, vì ba lý do sau đây:

1- Việt Nam chủ trương điều đình với Pháp – qua một Hội nghị Pháp Việt – để lấy lại nền Độc lập. Cố ý tránh chiến tranh.

2- Hội nghị Đà Lạt cho thấy rõ ý đồ của Pháp: không trả lại Độc lập cho Việt Nam, mà còn muốn củng cố khối Liên Hiệp Pháp với Liên minh Đông dương gồm "năm nước": Mên, Lào và ba Kỳ, tức là vẫn chia Việt Nam làm "ba nước" và nhất quyết giữ chủ quyền của Pháp trên "năm nước" này bằng bất cứ giá nào.

3- Những nhà trí thức Việt Nam đã đoàn kết để tranh đấu, tỏ cho Pháp biết lập trường dứt khoát của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam hội tụ được nhiều trí thức lớn có những khuynh hướng chính trị khác nhau, để đối đầu trực tiếp với Pháp, trước bàn hội nghị.

Hoàng Xuân Hãn là một trong những nhà trí thức tham dự hội nghị Đà Lạt, ông đã thuật lại hội nghị này trong hồi ký Một vài kí vãng về Hội Nghị Đạt Lạt[2].

Xin nhắc lại, Hiệp định sơ bộ 6-3-46, có hai khoản chính:

"1- Chính phủ Pháp nhìn nhận nước Cộng hoà Việt Nam là một nước tự do, có chính phủ riêng, có quốc hội riêng, có quân đội riêng và có tài chánh riêng, nhập phần Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp. Về điều thống nhất ba "KỲ" thì Chính phủ Pháp cam đoan sẽ chấp nhận sự quyết định của những dân tộc sẽ được trưng cầu ý kiến.

2- Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đón một cách thân thiện quân đội Pháp, khi, theo đúng những liên hiệp quốc tế, quân đội này thay thế quân đội Trung hoa.”[3]

Hoàng Xuân Hãn cho biết, sau khi ký hiệp định sơ bộ, sự vận động điều đình đã bắt đầu ngay:

"Sau ngày 6 tháng 3, Vũ Hồng Khanh phó chủ tịch uỷ ban quân sự thường cùng chủ tịch Võ Nguyên Giáp đi điều đình với quân nhân Pháp, và bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam tiếp xúc với đại diện các ngoại bang, nhất là yêu cầu tổng thống Mỹ nhìn nhận Việt Nam là nước tự do, rồi cầm đầu phái đoàn đi dự hội nghị Đà Lạt.”[4]

Trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đô đốc D'Argenlieu, Cao Uỷ Pháp, trên chiến hạm Emile Bertin ở Vịnh Hạ Long, phía Pháp có sự hiện diện của Tướng Leclerc, phía Việt Nam có Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Hoàng Minh Giám. Tại đây có sự xung đột giữa hai vị tướng Pháp, Leclerc bỏ về Sài Gòn trước. Hồ Chí Minh muốn họp hội nghị ở Paris, nhưng D'Argenlieu muốn giải quyết ở vấn đề ở Đông dương, kết quả là hội nghị trù bị Đà Lạt ra đời để chuẩn bị cho Hội nghị Paris.

Hoàng Xuân Hãn giải thích:

"Vì sao có Hội nghị này? Muốn hiểu những việc xẩy ra trong những tháng sau, ta phải biết có sự xung khắc giữa hai vai chính trùm người Pháp ở Đông dương: tướng cầm quân Leclerc, có trách nhiệm chiếm lại lãnh thổ thuộc địa cũ, và đô đốc chính trị D'Argenlieu, được giao quyền tái lập cai trị thực dân. Hiệp định sơ bộ, nhờ lập trường của Leclerc mới có: nhận những điều kiện rộng rãi về danh từ để quân đội mình có thể đổ bộ lên Bắc bộ vào đầu tháng 6 mà không phải chiến tranh với một chính phủ ẩn nấp vào rừng. Còn D'Argenlieu thì vừa là một đô đốc thuỷ sư, vừa là một thầy tu đạo Cơ đốc, rất bảo thủ về chính trị, lại muốn theo gương các đô đốc chinh phục Đông dương ngày xưa. Vì vậy, những điều Leclerc đã nhận thì D'Argenlieu chống, nhất là việc trưng cầu dân ý về việc thống nhất ba kì. Hồ Chí Minh đã thấy sự mâu thuẫn ấy, cho nên đã găng để cố nài đòi họp hội nghị ở Paris. Nhưng D'Argenlieu chỉ muốn hội họp ở Đông dương để đặt những sự điều đình vào nội bộ địa phương mà thôi[5]".

Pháp lấy cớ lúc đó chưa bầu quốc hội chính thức, chưa thể mở điều đình được, và ta chỉ sợ trong khi chờ đợi, Pháp lấn dần tư thế của ta, cho nên đã đề nghị: một phái đoàn quốc hội sang thăm nước Pháp [phái đoàn Phạm Văn Đồng] và một phái đoàn khác [phái đoàn Nguyễn Tường Tam] bắt đầu điều đình với Pháp những điểm đã nêu trong hiệp định sơ bộ 6-3. D'Argenlieu nhận lời, "nhưng muốn hội nghị này họp ở nơi cô quạnh, ngoài áp lực của quần chúng: Đà Lạt. Hội nghị này chỉ có tính cách sửa soạn cho cuộc điều đình chính thức. Vì vậy, nó đã mang tên Hội nghị trù bị Đà Lạt [6]".

Ngày 16-4-46, phái đoàn Đà Lạt do Nguyễn Tường Tam cầm đầu và phái đoàn Quốc hội do Phạm Văn Đồng điều khiển, đi Paris, cùng khởi hành.

40-HoiNghiDaLat_thumb[1]

Hội Nghị Đà Lạt, từ trái qua phải: Bousquet, Messmer, Võ Nguyên Giáp, Salan, Nguyễn Tường Tam, Max André, Pignon.

Phái đoàn Đà Lạt, gồm 12 đại biểu, 12 cố vấn:

Ngoài trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam và phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp, các đại biểu là: Trịnh Văn Bình, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Luyện, Phạm Ngọc Thạch [đến muộn bị Pháp trục xuất] Bùi Công Trừng và Nguyễn Mạnh Tường.

Cố vấn là: Tạ Quang Bửu, Khá Vang Cân, Kiều Quang Cung, Đinh Văn Hớn, Phạm Khắc Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Liên, Phan Văn Phác, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Tường Thụy và Hồ Hữu Tường[7]".

Phái đoàn Pháp cũng gồm 12 phái viên: André, Messmer, Pignon, Torel, Bousquet, Bloch-Lainé, Gognon, Bourgoin, Guillanton, tướng Salan, Gourou, Clarac.

Hoàng Xuân Hãn nhận xét về Nguyễn Tường Tam, trưởng phái đoàn:

"Ảnh người cao nhưng gầy, mặt dài má lép, chút râu trên mép, đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay chán chường. Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ Chức trách, hoặc Phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại giao và chủ tịch Phái đoàn Việt Nam[8]".

Hiệp định sơ bộ 6-3-46, đối với phía Pháp, là để chiếm lại lãnh thổ Việt Nam; đối với Việt Minh, là để mượn quân Pháp đuổi quân Tưởng về Tầu. Phần lớn phe quốc gia chống lại hiệp định này. Nguyễn Tường Tam đã phản đối bằng cách xin từ chức bộ trưởng và không ký Hiệp định; nhưng ông đã nhận chức trưởng phái đoàn Việt Nam để điều đình các khoản về Hiệp định. Ông ở vào một vị trí rất khó khăn đúng như nhận định sau đây của Hoàng Xuân Hãn:

"Trong anh em phái bộ, bây giờ Nguyễn Tường Tam đứng địa vị rất khó. Danh là Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu phái bộ điều đình. Nếu phải nhượng bộ những điều mà từ trước trong đảng mình đã gọi là việc bán nước của Việt minh thì đồ đảng không theo; nếu phải dùng cản lực để che chở độc lập, thì đảng mình lẻ loi; mà nếu muốn bám vào sức quần chúng thì phải tranh thủ với Mặt trận Việt minh, như thế cũng không làm được. Vì thế, tuy ra Hội trường, ảnh làm trọn phận sự, nhưng ảnh ít dự vào những sự soạn bàn. Có hôm tôi sang thăm ảnh đang bị ốm. Tôi nói đến chuyện chính trị, thì ảnh nói: "Những việc chính trị thôi để các anh làm. Còn tôi thì về với văn hóa mà thôi[9]".

Trên đường đi Đà Lạt, máy bay bị trục trặc, một ngày sau mới tới nơi.

Đụng độ đầu tiên:

Viên công sứ cũ phụ trách việc đón tiếp, thông báo đã dành hai phòng lịch sự nhất cho hai trưởng phái đoàn: Nguyễn Tường Tam và Max André. Lúc đó phía Việt Nam mới ngã ngửa ra là Pháp đã thay trưởng phái đoàn (chính ra là Cao uỷ D'Argenlieu) mà không cho ta biết trước. Ý Pháp muốn coi Đô đốc là trùm cả hai phái, mà ta chỉ nhận Đô đốc là trưởng phái đoàn Pháp mà thôi. Vì phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu thì ít ra phái đoàn Pháp cũng phải do Cao uỷ làm chủ tịch. Phía Pháp còn tổ chức cho hai phái đoàn đến "yết kiến" Cao Uỷ trong buổi lễ ra mắt. Nguyễn Tường Tam quyết định chỉ một mình ông đến gặp D'Argenlieu như cuộc gặp gỡ giữa hai trưởng phái đoàn. Pháp đòi cho Max André đi kèm. Việt Nam chấp nhận với điều kiện D'Argenlieu sẽ giới thiệu Max Andé như người đại diện của mình đi dự hội nghị. Cuối cùng mâu thuẫn tạm giải quyết: Không có Đô đốc ở trên đầu, mà hai bên luân phiên chủ tọa các buổi họp, không ai làm chủ ai. Cơ hội khống chế đầu tiên của viên Cao Uỷ đã không thành.

Trong bữa tiệc khai mạc, sau diễn văn của D'Argenlieu, Nguyễn Tường Tam đứng lên đáp từ bằng tiếng Việt (bên ta đã quyết định như vậy) để "tỏ ý chí độc lập của dân tộc". Hoàng Xuân Hãn viết:

"Những người Pháp trong tiệc bắt đầu hơi khó chịu. Nhưng liền sau, Nguyễn Mạnh Tường đứng dậy ở cuối bàn, nét mặt tươi cười dịch lời trưởng đoàn ra tiếng Pháp, một cách chải chuốt, thanh nhã, hùng hồn, thì ai nấy cũng quay nhìn với vẻ ngạc nhiên và thích thú. Không khí khác hẳn. Một phái viên Pháp khen nức nở, quay hỏi tôi dịch giả là ai. Sau khi tôi cho biết đó là một tiến sĩ văn khoa và luật khoa, ông ta bảo đùa với tôi rằng: "Ông ấy Pháp hơn người Pháp như hầu hết các anh. Chắc điều đình sẽ không khó". Tôi đã trả lời: "Với các ông thì chắc không khó, nhưng với chính quyền Pháp thì không biết sẽ ra sao[10]".

Những điều vừa nói trên tưởng chỉ là những chi tiết nhỏ mọn, nhưng nếu ta bỏ qua, là ta đã chịu "thần phục" từ đầu.

Ngày 19-4-46 hai phái đoàn bắt đầu họp ở trường Yersin; lập các uỷ ban và định các chương trình nghị sự. Làm việc với nhiều khó khăn: Mở đầu buổi họp, Dương Bạch Mai đề nghị một tuyên bố chung về ý nguyện Đình chiến. Phía Pháp dè dặt, ta cũng không muốn tấn công. Tiếp đến việc lập bốn uỷ ban: chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế và tài chính. Sẽ có những buổi họp riêng của các ủy ban và những buổi họp toàn thể của cả phái đoàn. Phía Việt quyết định: trưởng đoàn chỉ dự các buổi họp toàn thể (ngụ ý: Trưởng phái đoàn Pháp D'Argenlieu không có mặt thì Trưởng phái đoàn Việt Nam cũng vậy).

Sáng thứ bảy 20-4, uỷ ban chính trị họp. Messmer chủ tọa, ngồi cạnh Max André. Phía Việt đưa ra ba đề nghị:

- Hợp nhất ba kì.

- Liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam và các nước ngoài.

- Quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hiệp Pháp.

Pháp không đồng ý, đề nghị những vấn đề sau:

- Đại biểu ngoại giao của Việt Nam (ý nói Việt Nam chỉ được quyền có đại diện ngoại giao chứ không có quyền tự do ngoại giao).

- Điều lệ tương lai của Đông dương.

- Tổ chức trưng cầu dân ý (việc Nam bộ).

- Liên Hiệp Pháp.

Quan điểm hai bên hoàn toàn khác nhau: Pháp chỉ muốn đưa Việt Nam vào lại cái tròng Đông dương cũ, trong khối Liên Hiệp Pháp. Họ đang vận động ráo riết một nước "Nam Kỳ tự trị". Trong khi Việt Nam là một nước hợp nhất ba kì, độc lập, tự trị, có quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước láng giềng. Vấn đề điều đình bế tắc, phải đình chỉ nhiều ngày. Trong khi đó một số biến cố xẩy ra:

- Ngày 23-4, Pháp tịch thu máy vô tuyến truyền tin của phái đoàn Việt (để liên lạc với chính phủ ở Hà Nội) lấy cớ không có giấy phép của Chính phủ Pháp và nói chính quyền Pháp sẽ vui lòng đảm nhận sự thông tin này!

- Cùng ngày, Phạm Ngọc Thạch bị bắt: nguyên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở trong phái đoàn Việt Nam, đến chậm, cùng đi với Nguyễn Văn Sâm, khâm sai Nam bộ và bác sĩ Tung, từ Sài Gòn lên. Pháp bắt Phạm Ngọc Thạch, trục xuất Nguyễn Văn Sâm và Bác sĩ Tung. Đòi đuổi Tạ Quang Bửu nhưng không thành.

- Ngày 24-4, là ngày họp toàn thể. Một buổi họp quan trọng. Nguyễn Tường Tam phản đối việc Phạm Ngọc Thạch bi bắt. Võ Nguyên Giáp đọc bài đả kích thái độ của Chính quyền thực dân. Pignon đề nghị bàn đến vấn đề Đình chiến để gây không khí hoà hảo giữa năm xứ Đông dương và còn nói thêm rằng "đó là nhượng bộ cuối cùng". Hoàng Xuân Hãn viết:

"Tôi xin dừng họp một giờ. Chúng tôi họp bàn. Tất nhiên ai cũng thấy rằng Chính quyền Thực dân ngày càng tỏ rõ thâm ý lập lại chính sách thuộc địa Đông dương xưa. Nói năm xứ Đông dương là nói rõ ý phân tán đất Việt nam như xưa ra làm ba, có lẽ từ vĩ tuyến thứ 16 trở lên là nước Việt nam, Nam bộ là nước Nam kì, còn khúc giữa (hoặc chỉ vùng Cao nguyên) thuộc thẳng Pháp hoặc chính phủ Đông dương. Xem vậy thì không những chính quyền Thực dân không chịu đình chiến, mà còn muốn khiêu khích để phá các cuộc điều đình. Sau nửa giờ bàn, ta trở lại tìm các đại biểu Pháp, nhưng vì đã hẹn nghỉ một giờ, cho nên phần lớn đã tan đi.

Đúng giờ hẹn, uỷ ban lại họp. N. T. Tam xin đình chỉ buổi họp, và không hẹn ngày họp lại. Nhiều phái viên Pháp đã tưởng thế nào ta cũng nhận sự "nhượng bộ "của họ, bây giờ thấy ta xin hoãn mà lại không nói hoãn đến hôm nào. Họ rất bực tức. Gognon hỏi gằn: "Hôm nào họp lại? Phải cho biết liền". Tam trả lời rằng hai chủ tịch sẽ định. Bourgoin hỏi ngày nào uỷ ban Chính trị họp lại. Tôi trả lời tôi cũng không hay. Cảm tưởng chung của anh em ta là chúng tôi không thể có hành động khác. Nếu hội nghị có chấm dứt đột ngột thì thà nó chấm dứt ở điểm đình chiến. Đồng bào Nam bộ sẽ thấy rằng Chính phủ Việt nam và Tổ quốc không quên họ. Tuy Tam không nói Phái đoàn đợi hỏi chỉ thị của Chính phủ, nhưng bên Pháp và bên ta ai cũng đoán như vậy."

Ngày 26-4, ủy ban văn hoá họp phiên cuối cùng.

Ngày 27-4, không hội họp chính thức gì nữa. Hội nghị hình như đã chấm dứt”[11].

Tóm lại, các buổi bàn luận nhiều khi như đấu khẩu, không đem lại kết quả gì.

- Nguyễn Tường Tam bị ốm từ ngày 27-4 tới 2-5.

- Ngày 3-5-46, hội nghị toàn thể họp trở lại sau 9 ngày dừng, để giải quyết vấn đề đình chiến. Nguyễn Tường Tam chủ tọa. Lần này cũng không đem lại kết quả gì. Những buổi họp sau đó chỉ là để "đồng ý về những điều không đồng ý" mà thôi.

- Max André chuẩn bị về Pháp để ra ứng cử quốc hội, D'Arcy lên thay.

- Ngày 6-5-46, Nguyễn Mạnh Tường đấu khẩu với Clarac về vấn đề Ngoại giao: Pháp không công nhận sự ngoại giao tự trị của nước Việt.

Cùng trong ngày này, có một việc trầm trọng khác, Hoàng Xuân Hãn viết:

"Chủ nhật mồng sáu tháng 5, có cuộc họp riêng. Max Antré trao cho Giáp một bức thư để chuyển cho cụ Chủ tịch Việt Nam. Bức thư là một tuyên ngôn với giọng trịch thượng tột bực. Thư rằng:

"Nước Pháp mới không tìm cách đô hộ Đông dương, nhưng nhất quyết có mặt tại đó. Không cho rằng công cuộc của mình ở đó đã xong. Không chịu từ bỏ nhiệm vụ văn hóa của mình. Tự thẩm rằng chỉ có mình là có thể đảm bảo sự kích thích, sự điều hoà về kĩ thuật, kinh tế, ngoại giao và phòng thủ. Cuối cùng, bảo vệ quyền lợi và tinh thần và vật chất của dân nước mình [dân Pháp].

Làm các việc nầy mà mà vẫn kính trọng hoàn toàn bản lệnh quốc gia và với sự hiệp tác cần mẫn và hiếu hữu của dân Đông dương."

Đà Lạt ngày mồng 5 tháng tư (có lẽ tháng 5) 1946

Ký tên: MAX ANDRÉ.

Nguyên văn:

La France Nouvelle ne cherche pas à dominer l'Indochine.

Mais elle entend y demeurer présente. Elle ne considère pas son œuvre comme terminée. Elle refuse d'abdiquer sa mission culturelle. Elle estime qu'elle seule est en mesure d'assurer l'impulsion et la coordination de la technique et de l'économie, de la diplomatie et de la défense. Enfin elle sauvegardera les intérêts moraux et matériels de ses nationaux.

Tout ceci, dans le plein respect de la personnalité nationale et avec la participation active et amicale des peuples indochinois.

Dalat le 5 Avril (sic) 1946

MAX ANDRÉ.[“12]

Lá thư trịch thượng này phản ánh toàn bộ ý đồ của Pháp mà Việt Nam không thể chấp nhận được.

Ngày 8-5-46, họp bàn về vấn đề Liên Hiệp Pháp, d'Arcy thay thế Max André. Đối thoại gặp nguyên những khó khăn như trước. Nguyễn Mạnh Tường chỉ chấp nhận tính cách liên lạc quốc tế giữa Pháp và Việt, tuy Việt Nam vào Liên Hiệp Pháp, nhưng phải là liên hiệp giữa hai nước tự do.

Ngày 11-5-46 là ngày cuối cùng của hội nghị Đà Lạt. Hoàng Xuân Hãn viết:

"Thứ bẩy 11 tháng 5, là ngày cuối cùng của Hội nghị Đà Lạt. Cũng là ngày mà phái đoàn Pháp chịu nhận đem vấn đề Thống nhất Ba kì ra hội nghị. Ta đã thấy chính phủ Pháp không chịu để Việt Nam độc lập. Còn về vấn đề Thống nhất thì sao? Chúng tôi đã biết rằng Chính phủ Pháp vẫn giữ bí thuật Thực dân "chia để mà trị" mà họ đã dùng, nhất là ở trên đất Việt Nam"[13].

Phái đoàn kiểm điểm lại "thành tích" trước khi ra về:

"Bốn giờ chiều, anh em phái đoàn họp riêng để kiểm điểm công tác đã làm, Nguyễn Tường Tam nói:

"Tuy hội nghị Đà Lạt đã không đem đến một sự thoả thuận nào giữa Việt Nam và Pháp, nhưng đã có một kết quả tốt là đã đoàn kết tất cả anh em chúng mình, như đã hứa cùng chính phủ trước khi lên Đà Lạt. Sáng nay, Đà Lạt đã thấy một cảnh tượng đáng ghi: từ anh Cộng sản đến kẻ Quốc gia, cùng rơi lụy trước sự sợ mất một mảnh đất nước nhà. (...) Chúng ta phải đoàn kết. Các người phụ trách có thể làm cho đoàn kết mà không làm thì có tội. Chúng ta phải hẹn cùng nhau đoàn kết trong một giai đoạn ít ra cũng mười năm..."

Võ Nguyên Giáp nối lời:

"Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt minh cũng chủ trương toàn dân đoàn kết. Trong một hội nghị Việt minh, đã có đề nghị giúp Quốc dân đảng lập lại và mở rộng để có thể lôi cuốn tất cả toàn dân."

Giáp và Tam hứa hẹn cùng nhau rằng sau khi về sẽ giải thích cho đảng phái mình sự ấy. Giáp đã tin rằng mình sẽ đem hết tâm lực làm việc ấy và sẽ lượm được kết quả (...)

Riêng tôi xét thì cá nhân Tam và Giáp bấy giờ rất thành tâm muốn bắt tay nhau thật thà mà làm việc."[14]

Sự thành tâm này không biết kéo dài được bao lâu, trước khi đi đến phân liệt?

Ngày 12-5-1946, Phái đoàn lên máy bay về Hà Nội. Hôm sau, Phái đoàn đến trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ, để tường trình công tác. Hoàng Xuân Hãn mô tả như sau:

"Mười giờ sáng hôm sau, ngày 13, các phái viên tề tựu đến dinh Chủ tịch. Có đủ mặt các bộ trưởng.

Nguyễn Tường Tam nói: "Phái bộ xin ra mắt chính phủ".

Cụ Chủ tịch: "Hoan nghênh Phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng Phái bộ đã làm cho người Pháp và Ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết..."

Tam báo cáo về tính cách của công tác Phái đoàn. Đại cương có những ý sau này:

- Tranh đấu găng, thì lúc nào cũng găng: nhưng không để phá liệt;

- hết sức làm việc;

- chuẩn bị kỹ càng các buổi họp;

- hành động cá nhân không làm mất thanh danh cá nhân và tổ quốc;

- ngoài sự đàm phán, các anh em hiểu rõ nhau hơn, và chắc đã đoàn kết nhau hơn.

Võ Nguyên Giáp nối lời, nói cũng đồng ý với Tam và báo cáo rằng hội nghị đã làm ta rõ lập trường của Pháp. Lập trường ấy không khác gì cái mà mình đã thấy trước: lập lại chính quyền thuộc địa qua Liên bang Đông dương, dùng tay sai mà trực trị Nam phần Việt Nam, dùng quân đội hạn chế quyền tự chủ của ta ở bắc phần."[15]

Đó là buổi họp mặt chính thức cuối cùng.

Nhiệm vụ của các phái viên chấm dứt tối hôm 13-5-1946.

Những cố gắng hoà bình cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19-5-46, Hoàng Xuân Hãn, nhận được điện thoại của Phủ Chủ tịch, triệu ông lên Phủ đón Đô đốc D'Argenlieu cùng với Chủ tịch:

"Thình lình có điện thoại văn phòng chủ tịch gọi lên phủ gấp, vì có Đô đốc tới thăm. Chủ tịch nghĩ nên có một người thay Phái đoàn Đà Lạt ra đón với Cụ.

Tôi theo Cụ trong phòng khách đi ra cửa. Xe Đô đốc dừng dưới thang cấp trước dinh. Đô đốc lên khỏi bực thang. Chủ tịch tiến nhanh nhẹn ra, ôm lấy Đô đốc mà hôn má; rồi bắt tay những vị tùy tùng. Cụ giới thiệu tôi, rồi chủ khách vào phòng khách uống trà, nói chuyện tươi cười.

Đô đốc chúc thọ Chủ tịch, vì ngày ấy là ngày sinh nhật Cụ.

Tôi ngồi một góc, nhìn chủ khách mà ngán cho cái trò điển lễ ngoại giao. Một bên đắc thế, muốn bóp cổ người, mà vẫn làm như thân thiện. Một bên biết vậy, mà phải có thái độ hồn nhiên."[16]

Trong lúc phải "bồi thị" [ngồi hầu chuyện], Hoàng Xuân Hãn tự hỏi:

"Cuối tháng, Cụ và phái đoàn mới sẽ đi Paris. Tương lai thế nào? (...) Võ Nguyên Giáp đi đâu, không có mặt ở đây? Chắc rằng từ sau khi trên Đà Lạt ảnh bỏ ra ngoài hội phòng và đóng cửa cái sầm, ảnh rất bận vì phải gây dựng thực lực để đối phó tương lai."[17]

Đoạn này, sử gia họ Hoàng viết mấy câu kín đáo nhưng đượm nhiều ý nghiã: Hôm 19-5-1946, Chủ tịch chỉ có một mình. Nguyễn Tường Tam không có mặt. Võ Nguyên Giáp cũng không. Vì thế khi tiếp D'Argenlieu, Chủ tịch đã phải nhờ đến Hoàng Xuân Hãn.

Nhưng Võ Nguyên Giáp lại viết:

"6 giờ chiều hôm đó [18-5], Đác-giăng-li-ơ cùng tướng Va-luy và Cô-rê-panh đến Bắc Bộ phủ để chào Hồ Chủ Tịch.

Cụ Huỳnh, Cụ Tố và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chào mừng ông cao uỷ, Bác nói:

- Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp..."[18]

Rồi ông Võ tiếp tục ứng khẩu giùm cụ Chủ tịch một câu xã giao dài. Để làm gì? Ông không có mặt hôm đó, sao ông lại đưa cả cụ Huỳnh, cụ Tố, là hai nhà nho ra tiếp khách Tây? Và ông bỏ quên không nói tới Hoàng Xuân Hãn? Chuyện này đâu cần phải viết sai đi như thế?

Sau cùng, Hoàng Xuân Hãn kết toán tình hình, cho thấy thái độ khiêu khích của D'Argenlieu ngay sau khi Chủ tịch và phái đoàn lên máy bay đi Pháp và quyết tâm đánh chiếm Việt Nam:

"- Ngày mồng 1 tháng 6, một ngày sau khi Chủ tịch và Phái bộ điều đình lên máy bay đi Paris, Đô đốc d'Argenlieu "cho phép" Hội đồng tư vấn Nam Kì lập một "Chính phủ lâm thời Nam kỳ" có quyền tự trị, nhập vào Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.

- Ngày mồng 6 tháng 7, Hội nghị Việt-Pháp đáng lẽ mở ở Paris, nhưng Chính phủ Pháp "đày" ra Fontainebleau.

- Mồng 2 tháng 8, Đô đốc D'Argenlieu nhóm đại biểu các Chính phủ Mên, Lào, Nam kỳ, và đại biểu Nam Trung bộ, miền Thượng và mở Hội nghị Đà Lạt lần thứ hai để lập Liên bang Đông dương. Đại tá Pháp, gốc Việt, Nguyễn Văn Xuân cầm đầu phái bộ Nam kì cùng với một đại diện Pháp.

- Ngày hôm sau, mồng 3 tháng 8, xung đột đầu tiên giữa hai quân Pháp Việt, xẩy ra ở Bắc, tại Bắc Ninh.

- Hội nghị Fontainebleau tự giải tán ngày 12 tháng 9.

- Tối 14 tháng 9, riêng Chủ tịch ký với bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet một tạm ước, tạm nhận những điều yêu sách của Pháp, để chờ mở lại điều đình. Trừ việc Chính phủ Nam kì tự trị thì bỏ lơ không nói đến.

- Ở Bắc, quân đội Pháp chiếm biên thuỳ Đông bắc để mở những nhóm tự trị thiểu số. Chiếm lại phủ Toàn quyền, sở Tài chính. Lập lại quan thuế ở Hải Phòng.

- Ngày 20 tháng 11, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng.

Nói tóm lại, chương trình lập lại Chính quyền Thực dân ở Đông dương được dần dần thực hiện, bằng mọi cách: điều đình, áp bức, nội công, chiếm đoạt bằng binh lực.

Những điều Phái đoàn Đà lạt đã dự đoán đều đúng.

"Sự đã rõ ràng, chỉ còn cách đánh nhau giữa chúng ta". Đó là lời đáp của Tướng Salan cho Hoàng Minh Giám ở Paris."[19]

Hoàng Xuân Hãn đã nhận định đúng tính hình lúc đó.

Tạm ước ký với bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet tối 14- 9-1946, là cố gắng hoà bình cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vô hiệu. Bản Tin tức hàng tuần, trên báo Chính Nghiã, số 28 (16-12-46), viết: "Đêm 10-12-46, lính Pháp quấy nhiễu khu hàng Bún, và đêm 12-12 chúng bắn súng ở khu hàng Đậu, hàng Giấy.

Hồ chủ tịch đã tuyên bố cùng phái viên báo Paris Sài gòn: Nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh người ta muốn chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Đồng bào tôi và tôi, thành thực muốn hoà bình."

Xem như thế, cho tới cùng, Pháp vẫn trung thành với chính sách xâm lược của de Gaulle.

Nguyễn Tường Tam sau hội nghị Đà Lạt

Nguyễn Tường Bách viết:

"Khi về đến Hà Nội [sau hội nghị Đà Lạt] anh Tam nói: "Nó bắt mình đầu hàng... Không thể được... Nhưng ngay chính trong phái đoàn mình, ý kiến cũng không nhất trí."[20]

Câu: Nhưng ngay chính trong phái đoàn mình, ý kiến cũng không nhất trí? Có nghiã gì? Phải chăng là để chỉ việc Võ Nguyên Giáp "thân thiện" với Pháp trong hội nghị Đà Lạt?

Hoàng Xuân Hãn viết hai câu đáng chú ý về việc này:

-"Phái viên Pháp hết sức dùng ngoại giao cá nhân trong mấy ngày này. Nhất là Giáp rất được săn đón bởi tướng Salan về vấn đề binh bị, và Messmer, Bousquet về vấn đề chính trị (...) V.N. Giáp báo cáo qua loa về cuộc nói chuyện riêng với Messmer và Bousquet"[21].

-"Nên để ý đến cách xưng hô của Messmer. Ông ta đã nói "Giáp" chứ không nói "ông Giáp". Ấy là vì từ lúc chúng tôi lên Đà Lạt, Messmer với Bousquet đã làm thân với Giáp, bàn luận riêng với nhau nhiều, và có cử chỉ với Giáp như bạn thân."[22]

Điều này có thể giải thích việc Pháp giúp Võ Nguyên Giáp thanh trừng Quốc Dân Đảng sau này. (Xem chương Hợp tác và đối đầu).

Sau hội nghị Đà Lạt, Nguyễn Tường Tam làm gì?

François Guillemot thu thập tài liệu nhiều phía, đặc biệt tình báo Pháp tịch thu được một số tài liệu mật của Quốc Dân Đảng, cho biết những thông tin sau đây:

"Ngày 1-6-46, những lãnh tụ chính của Mặt trận Quốc Dân Đảng, chủ yếu có Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh, họp tại 80 Quan Thánh, Hà Nội, hồi 20 giờ, trong một buổi họp bí mật tối quan trọng, để quyết định đường lối cho những tháng sau đó và giải thích lý do tại sao Quốc Dân Đảng không gửi đại diện sang Pháp. Nguyễn Tường Tam bày tỏ ý tiếc rằng ta đã có thể giành được độc lập nếu "chúng ta dùng võ khí chống Pháp". Thực vậy, trong một buổi họp trước đây với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh, các lãnh tụ quốc gia đã đề nghị với vị Chủ tịch "liên kết quân sự tất cả các đảng phái dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, để tức thời chống quân xâm lăng Pháp[in đậm trong nguyên bản]. Nhưng Hồ Chí Minh đã từ chối, lấy cớ "tất cả sẽ được giải quyết ở Paris". Nguyễn Tường Tam đã biện hộ rằng: hiện ta có 6000 lính võ trang tinh nhuệ, cộng với dân quân ở các tỉnh, có thể mạnh mẽ chống lại quân Pháp. Ông cho biết, ông đã được Tiêu Văn và Lư Hán đồng ý trợ lực. Buổi họp [ngày 1-6] sau đó đã quyết định chương trình của Mặt trận [Quốc Dân Đảng]: "Cực lực tuyên truyền trong quần chúng; Bằng mọi phương tiện gây thiện cảm với những nhóm Tự vệ; Không bao giờ chấp nhận những quyết định một chiều trái với quyền lợi dân tộc; Bảo vệ bằng võ lực nếu cần, lý tưởng của đảng"[23].

Những dòng trên đây của Guillemot xác định: Ngày 1-6-46.Nguyễn Tường Tam vẫn còn ở Hà Nội.

Về việc ông cáo bệnh không đi Pháp và xin từ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Trần Trọng Kim viết:

"Lúc ấy ông Hồ Chí Minh sửa soạn sang Pháp và cử một phái đoàn có ông Nguyễn Tường Tam, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao đứng đầu cũng sang Pháp dự hội nghi Fontainebleau để giải quyết vấn đề Việt Nam. Đến ngày cuối cùng, ông Nguyễn Tường Tam cáo bệnh ở lại và xin từ chức. Chính Phủ Việt Minh cử Phạm Văn Đồng lên thay, làm chủ tịch Phái đoàn. Phái đoàn đi thì đi nhưng không ai chắc đã thành công được"[24].

Võ Nguyên Giáp cũng viết:

"Nguyễn Tường Tam có tên trong phái đoàn, nhưng cuối cùng y cáo bệnh không đi. Mấy ngày sau, Quốc dân đảng giải thích Tam làm như vậy là để tỏ thái độ không đồng tình của chúng đối với việc thương lượng giữa ta và Pháp"[25].

Nguyễn Tường Tam sang Tàu

Nguyễn Tường Tam rời nước ngày nào và đi trong điều kiện nào? Tháng 5 hay tháng 6-1946?

Các tài liệu viết khác nhau, chúng tôi trích dẫn và in đậm những câu đáng lưu ý, dưới đây:

1- Nguyễn Tường Bách viết:

"Mấy ngày sau [khoảng tháng 7-46] bỗng có điện từ Hà Nội lên cho biết lực lượng chính phủ đã bắt đầu khủng bố các vị trí Quốc dân đảng ở Hà Nội, Vĩnh Yên. Yên Bái bị tấn công riết. Tình thế rất nguy hiểm mà tất cả các nhóm Việt Cách đã rút đi hết. Rồi có tin anh Tam đã đáp máy bay đi Côn Minh."[26]

2- Nguyễn Tường Thiết, giữ được một tài liệu của cha, ghi rằng:

- "Tôi nhớ hàng ghi chú sau đây được cha tôi viết trong bản thảo một tác phẩm dang dở mà tôi còn lưu giữ như một chứng tích có tầm lịch sử về những bước đi của cha tôi: Tháng 5-1946 sang Vân Nam. Tháng 12-1946 đi Thượng Hải. Tháng 2-1947 đi Quảng Châu. Tháng 7-1948 Long mất. Tháng 4-1949 ra Hồng Kông hẳn"[27].

Những thông tin này đúng cả, trừ câu tháng 5-1946 sang Vân Nam là ngược với lời ghi của François Guillemot đã dẫn ở trên: ngày 1-6- 46, ông còn ở Hà Nội.

3- Sau cùng, Trương Bảo Sơn, người hoạt động với Nguyễn Tường Tam, ghi rằng:

"Lần đầu tiên tôi được gặp ông, tiếp xúc với ông là ở Chiến Khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) trong tỉnh Vĩnh Yên, sau khi ông từ chức Bộ Trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, trên đường ông đi sang Trung Hoa, ở Côn Minh, Trùng Khánh rồi Thượng Hải, nơi đây tôi gặp ông lần thứ hai vào cuối năm 1946"[28].

Kết toán những thông tin trên, theo ý chúng tôi, Nhất Linh sang Trung Hoa vào tháng 6, nhưng ông đã ghi lầm là tháng 5-46. Và ông cũng không sang Côn Minh bằng máy bay từ Hà Nội, như Nguyễn Tường Bách nghe đồn, mà ông đi đường bộ, theo ngả Vĩnh Yên, như lời Trương Bảo Sơn ghi lại, rồi sang Côn Minh. Ông đi bí mật, nên các em ông, Tường Long và Tường Bách lúc đó còn đang ở trong vùng Yên Bái Lào Cai, cũng không biết.

Cuộc họp ngày 1-6-1946 khá quan trọng, có mặt cả hai nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng: Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh và chắc trong buổi họp này đảng bộ đã phân phối phận sự mỗi người: Nguyễn Tường Tam sang Trung Hoa vận động, Vũ Hồng Khanh ở lại chiến khu 3, cùng với Nguyễn Tường Bách và Đỗ Đình Đạo. Nguyễn Tường Long là mối dây liên lạc giữa Quốc Dân Đảng với chính phủ Kháng Chiến, ông ở trong đoàn đại biểu hỗn hợp với tướng Hoàng Văn Thái (đại biểu Việt Minh). Tháng 6-46, Nguyễn Tường Long và Hoàng Văn Thái lên Việt Trì để điều đình việc đình chiến giữa hai bên, nhưng quá trễ.

Theo lời Trần Khánh Triệu, ta biết Khái Hưng ở lại Hà Nội, phụ trách bộ tuyên huấn của Quốc Dân Đảng:

"Hồi hè năm 46, Việt Minh mở chiến dịch càn quét các trụ sở Việt Quốc thì tờ Việt Nam phải hạ bảng, các đảng viên cao cấp lánh sang Trung Hoa riêng ba tôi thuộc thành phần những người ở lại bí mật phụ trách bộ Tuyên huấn của đảng với bí danh Trần Lâm"[29].

Nhưng chỉ vài tháng sau, Khái Hưng chọn đường hòa giải dân tộc, quyết định bỏ chính trị, thành lập báo Thời Phong, thuần túy văn nghệ, cùng với Phan Khôi, Tô Ngọc Vân, Hồ Hữu Tường, như ta đã biết.

***

II- Lịch sử lưu vong

Văn khố của Nhóm Nghiên cứu Sử địa ở Montréal

Trong số những nhà chính trị quốc gia trốn sang Tàu, có ông Lưu Đức Trung, tên thật là Lưu Bá Đạt, bí danh Trương Quang Minh, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng từ năm 1941, trốn sang Trung Hoa năm 1946, là người đã từng sống nhiều năm ở Tàu, nói thạo tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp... Lưu Đức Trung còn là mạnh thường quân, là nhà kinh doanh, có nhiều tiền, giúp đỡ các chính khách quốc gia gặp khó khăn trên đường tị nạn. Ông cũng là người cầm đầu phái đoàn đến chào Bảo Đại tại Trùng Khánh tháng 4-1946, khi Cựu hoàng xuất ngoại, và sau đó đã giúp đỡ Cựu hoàng rất nhiều khi ông đến Hương Cảng.

Nhưng điều đáng quý hơn cả là việc Lưu Đức Trung lưu trữ những thư từ tài liệu trao đổi với các chính khách, và ông ghi lại những hoạt động của họ trên đường lưu vong. Những tài liệu này được Nguyễn Khắc Ngữ, tác giả bộ sử giá trị Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà (1979) sưu tầm và viết lại.

Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ (1935-1992) tập hợp tư liệu trong văn khố Sử Địa của nhóm Nghiên cứu Sử địa Việt Nam tại Montréal. Phần của Lưu Đức Trung gồm những văn kiện, thư từ, hình ảnh, bút tích, của các nhà cách mạng như Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Phan Quang Đán... và của Cựu hoàng Bảo Đại, trao đổi với Lưu Đức Trung và tập sách Việt Nam Hồn do Lưu Đức Trung viết. Nguyễn Khắc Ngữ định in dần thành 6 tập:

1- Các đảng phái lưu vong ở Trung Hoa 1946-1950. Hội nghị Hương Cảng 9-9-1947.

2- Bảo Đại, các đảng phái Quốc gia và sự thành lập Chính quyền Quốc gia.

3- Văn kiện, thư từ liên quan đến các nhà cách mạng Quốc gia lưu vong ở Trung hoa 1946-1950.

4- Hình ảnh các chính khách Quốc gia Việt Nam lưu vong 1946-1950 và Hội nghị Hương Cảng 1947.

5- Tiểu sử các chính khách Quốc gia 1946-1950.

6- Lưu vong ngoại sử.

Nhưng ông mất sớm vì bệnh ung thư, năm 1992, nên mới chỉ in được hai cuốn đầu: Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, Hội nghị Hương Cảng, 9-9-1947 (Tủ sách Nghiên cứu Sử địa, 1991); sách này ghi chép theo bản thảo cuốn Cách mạng hồn của Lưu Đức Trung, chưa in. Và cuốn Bảo Đại các đảng phái quốc gia và sự thành lập chính quyền quốc gia (Tủ sách nghiên cứu sử địa, 1991). Theo François Guillemot, văn khố của Tủ sách Nghiên cứu Sử địa Canada được Phạm Cao Dương chuyển về Nam Cali, sau khi Nguyễn Khắc Ngữ qua đời[30].

Tác phẩm mà chúng tôi dùng ở đây là Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, Hội nghị Hương Cảng, 9-9-1947 của Nguyễn Khắc Ngữ, viết theo những tài liệu gốc của Lưu Đức Trung.

Tình trạng Quốc dân đảng sau Hội nghị Đà Lạt

Sau hội nghị Đà Lạt, tình hình giữa Việt Minh và Việt Quốc ngày càng căng thẳng. Đến khi Võ Nguyên Giáp phát động chiến dịch thanh trừng đối lập, Quốc Dân Đảng lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn: bị bắt, bị truy lùng, tan tác, phải trốn sang Tàu, cư ngụ ở những căn cứ Vân Nam. Nguyễn Khắc Ngữ, viết theo tài liệu của Lưu Đức Trung, cho biết:

"Ngay từ thời Pháp Nhật thuộc, Việt nam Quốc dân đảng đã có những chi bộ ở Vân nam. Các chi bộ này được tổ chức tại các thị trấn nằm dọc theo đường xe lửa Lào Cai Vân nam như Hà khẩu, Nam khê, Bình biên, Khai viễn, Mông tự và Côn minh, tỉnh lỵ tỉnh Vân nam. Tất cả đặt dưới quyền điều khiển của Đảng bộ Hải ngoại Vân nam, có trụ sở tại ngoại ô Côn minh, do Trần Đức Thi làm chủ nhiệm từ năm 1945.

Riêng ở Côn minh, Thành bộ Việt nam Quốc dân đảng Hải ngoại có đến hơn 100 đảng viên đã ở đó từ trước.

Khi Yên bái và Lào cai chưa thất thủ, Đảng bộ đã cử Nguyễn Tường Long sang Côn minh liên lạc với Nguyễn Tường Tam, khi ấy đã chạy được sang Vân nam, để lo cầu viện. Sau một thời gian chờ đợi, Đảng bộ lại cử Nguyễn Tường Bách cầm đầu một phái đoàn 8 người sang Vân nam nghiên cứu tình hình để chuẩn bị cho cuộc lánh nạn tập thể sau này (...)

Hải ngoại bộ Việt nam Quốc dân đảng Vân nam và anh em ông Nguyễn Tường Tam đã gặp Đường Kế Nghiêu, Thống đốc Vân nam, và các nhân vật cao cấp của Tỉnh đảng bộ Trung hoa Quốc dân đảng, để xin cứu viện. Họ đã được tiếp đón long trọng nhưng chỉ nhận được những lời hứa xuông mà thôi.

Sau Vũ Hồng Khanh cũng sang được Trung hoa mua được một số đạn và muốn gửi về nhưng bị Quân cảnh Tư Lệnh bộ Côn minh tịch thu hết[31]".

Nguyễn Khắc Ngữ, vẫn theo ghi chép của Lưu Đức Trung, mô tả tình trạng thê thảm của những người Quốc Dân Đảng còn ở lại trong nước: Sau khi Lào Cai về tay Việt Minh, đêm 11-11-1946, những đảng viên bị thương đang nằm ở bệnh viện Cốc Lếu phải di tản sang Hồ Khẩu, trong tình trạng thiếu thuốc men và thực phẩm. Các cán binh khoẻ mạnh được điều động đi Phong Thổ, nằm trên quốc lộ số 4 giữa Lào Cai và Lai Châu, ở đấy chỉ có một đồn quân Pháp, định bất thần chiếm lấy làm căn cứ, nhưng quân Pháp phát giác cho máy bay oanh tạc. Sau một thời gian cầm cự, viện binh không đến, cuối năm 1947 phải rút dần sang Vân Nam. Đến đầu năm 1948, bộ Tư lệnh và những cán binh cuối cùng đã rút hết sang Vân Nam. Họ làm đủ mọi nghề để sinh sống, mở tiệm cà phê, bánh mì, tiệm ăn, phần lớn làm nghề hớt tóc[32].

Ba anh em Nguyễn Tường: Tam đi trước trong tháng 6, Long, khoảng đầu tháng 7 và Bách sau cùng. Cuối tháng 7-1946, Nguyễn Tường Bách, và bẩy đồng đội đến Hà Khẩu, tìm đường đi Mông Tự, Khai Viễn rồi tới Côn Minh, nơi có trụ sở của Hải ngoại bộ Quốc Dân Đảng; được Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Xuân Tùng và Trần Đức Thi ra đón. Trụ sở Quốc Dân Đảng hải ngoại lâm thời được đặt ở trong khu Phục Hưng Tân Thôn, họa sĩ Nguyễn Tường Lân cũng đã hoạt động ở đây. Khi ông về nước, năm 1946, tới phi trường Gia Lâm, thì bị Việt Minh bắt.

Tại Côn Minh, Nguyễn Tường Bách gặp lại cô bạn gái người Việt gốc Hoa, tên Hứa Bảo Liên, đã quen nhau ở Hà Nội, sang học Đại Học Vân Nam. Cuối năm 1946, ông kết hôn với Bảo Liên. Đầu năm 1947, nhân việc hội nghị Hồng Kông, Nguyễn Tường Bách được gọi sang Quảng Châu. Trú ngụ tại Ngõ Hoàng Xá ở phiá Tây Nam Quảng Châu, cạnh nơi trú quân của Quốc Dân Đảng. Giữa năm 1947, Bảo Liên cũng sang Quảng Châu, hai người thuê một căn gác nhỏ, ở riêng, gần Sa Diện, và mùa đông năm 1947 họ có con gái đầu lòng.[33]

Theo bản Tin tức hàng tuần, trên báo Chính Nghiã, số 28 (16-12-46) Nguyễn Tường Tam rời Côn Minh đi Nam Kinh ngày 30-11-1946. Sau ta sẽ biết ông đi Nam Kinh để lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Đến tháng 2-1947, ông trở lại Quảng Châu ở với hai em Tường Long và Tường Bách cho đến sau khi Hoàng Đạo qua đời, năm 1948, ông mới dọn ra Hương Cảng. Hai ông Nhất Linh và Hoàng Đạo sống bằng tiền trợ giúp của gia đình.

Tình trạng kinh tế cũng như tinh thần của những người Việt trốn sang Tàu rất bi đát. Năm 1947, những thanh niên ra đi cùng với Nguyễn Tường Bách, phải bỏ về nước, để lại mấy hàng sau đây:

"Anh Bẩy,

"Anh thứ lỗi cho chúng em buộc lòng bỏ đi mà không nói trước với anh. Nhưng chúng em thấy không thể ở lại chốn này mãi. Không thể chịu đựng được nữa.

Chúng em đi với mục đích là về nước, ra sao thì ra, cũng còn hơn ở đất nước người.

Mong sẽ găp anh ở trong nước sau này.

Chúc anh thành công trong việc dìu dắt anh em ra khỏi tình cảnh ngày nay."[34]

Trường hợp lưu vong của Cựu hoàng Bảo Đại

Sự lưu vong không chỉ đến với những người Việt Quốc và Việt Cách, mà còn bao trùm lên cả một lớp người quốc gia, chống cộng hoặc không theo Việt Minh.

Hai nhân vật quan trọng nhất trong triều đại cuối cùng của Việt Nam, cũng đã lưu vong sang Trung Hoa, trong những điều kiện ngặt nghèo.

Cố vấn Vĩnh Thụy rời Việt Nam ngày 16-3-1946. Với sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cựu hoàng đi với tư cách riêng, cùng chuyến máy bay với phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Nghiêm Kế Tổ cầm đầu, được phái sang tỏ tình hòa hiếu với Trung Hoa. Nghiêm Kế Tổ (lúc đó là thứ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Liên Hiệp và là một trong những lãnh tụ Quốc Dân Đảng đã hoạt động nhiều năm ở Trùng Khánh) cho biết:

"Việt Minh không quên thành lập một phái đoàn sang Trùng Khánh gây tình hữu nghị Việt Hoa. Phái đoàn do Nghiêm Kế Tổ hướng dẫn, có Nguyễn Công Truyền, Hà Phụ Hương. Nhân dịp này, Cựu hoàng Bảo Đại cũng đi với tư cách riêng."[35]

Cựu hoàng tuy đi với tư cách riêng, nhưng tới Trùng Khánh, vẫn được tiếp đón theo nghi lễ chính thức. Tưởng Giới Thạch khoản đãi tiệc, thiệp mời đề Hoàng Đế Bảo Đại, mà không nhắc đến phái đoàn[36]. Theo lời Nghiêm Kế Tổ "Cựu hoàng được Tưởng chủ tịch tiếp đón ân cần, riêng biệt, ngày ngày đàm luận, trong thời gian ở Trùng Khánh, Cựu hoàng đã là thượng khách của chính phủ Trung Hoa."[37]

Mặc dù đã được Cựu hoàng giới thiệu "Phái đoàn đi chung với tôi gồm đại diện của hai đảng lớn đang cầm quyền ở Việt Nam. Ai cũng là bạn trung thành của Chính phủ Trung Hoa cả", nhưng Phái đoàn vẫn bị Trùng Khánh nghi ngờ nên chỉ được tiếp một cách bán chính thức, tại một ngôi chùa cổ ngoài thành phố.[38]

Ngày 4-4-1946, một phái đoàn trí thức Việt Nam do Lưu Đức Trung cầm đầu, có Phạm Văn Bính và các luật sư Bùi Tường Chiểu, Đinh Xuân Quảng... đến Trùng Khánh yết kiến Cựu hoàng và xin ông "đứng ra lãnh đạo phong trào Quốc gia chống Cộng sản Việt Minh".[39]

Phái đoàn chờ đợi mãi không thấy dấu hiệu tích cực của chính phủ Trùng Khánh, Cựu hoàng giải thích: trong lúc đang phải đương đầu với Mao Trạch Đông, lẽ dĩ nhiên Tưởng Giới Thạch "không bao giờ lại mong muốn ở biên giới phiá Nam của mình, có một nước cũng theo cùng chủ nghiã với kẻ thù nội địa của ông", vì vậy mà có sự tiếp đãi lạnh nhạt, nên một tháng sau, ngày 15-4-46, phái đoàn phải trở lại Côn Minh để lấy may bay về, Bảo Đại viết:

"Trước thất bại ấy, phái đoàn chuẩn bị trở về Hà Nội. Tôi cũng quyết định đi cùng một chuyến máy bay ấy. (...) Trong khi chúng tôi sửa soạn lên máy bay, thì một mảnh điện tín được mang đến cho tôi. Đây là bức điện của Hồ Chí Minh:

"Thưa ngài, công việc ở đây đang tốt đẹp. Ngài có thể đi chơi nữa. Hơn nữa, Ngài sẽ rất có ích cho chúng tôi, nếu vẫn ở lại bên Tàu. Đừng lo ngại gì cả. Khi nào sự trở về của Ngài là cần thiết, tôi sẽ báo sau. Xin Ngài cứ tịnh dưỡng để sẵn sàng cho công tác mới.

Ôn hôn thắm thiết.

Ký tên: Hồ Chí Minh

Ông chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn, họ vội lên máy bay ngay."[40]

Cựu hoàng bị "bỏ rơi", hành lý đã lên máy bay, không có tiền bạc gì. May Bảo Đại gặp được một người nói tiếng Pháp, tên là Yu, trước làm luật sư ở Paris, thấy ông "là một người đi du lịch, tên Vĩnh, trước cũng học ở Pháp, bị lỡ chuyến bay", bèn mời về nhà chơi. Đó là một gia đình quyền quý, tiếp đãi Cựu hoàng hết sức nồng hậu, giữ ông lại và đưa đi chơi quanh vùng. Một hôm, Cựu hoàng cùng ông Yu vào tiệm ăn, bỗng một người Việt đến sụp lạy: "Tâu Hoàng Thượng, ngài vẫn được bình an!" Thế là hình tích bại lộ, gia đình ông Yu lại càng tiếp đãi long trọng hơn trước. Trong thời gian Cựu hoàng ở Côn Minh từ 22-4-46 đến 22-5-46, theo báo cáo của lãnh sự Pháp, không có người Việt nào đến thăm ông. Cựu hoàng viết thư về cho Hồ Chủ tịch, cũng không nhận được thư trả lời.

Trung tuần tháng 5-1946, Bảo Đại nhận được thư của ông Chan, Tổng thư ký Quốc dân Đảng Trung Hoa mời ông trở lại Trùng Khánh. Ít lâu sau, chính phủ Trùng Khánh rời về Nam Kinh, Cựu hoàng được mời đi theo, nhưng ông chọn trú ngụ ở nơi khác: ngày 15-9-1946, Bảo Đại đến Hồng Kông[41].

Trần Trọng Kim bôn ba sang Tầu năm 1946

Học giả Trần Trọng Kim lánh sang Tàu trong một hoàn cảnh khác, ông kể lại:

"Bấy giờ là cuối tháng 5, năm 1946, quân Tầu đã rút về gần hết, những người Quốc Dân Đảng dục tôi hãy đi trước một mình đã, rồi những người khác sẽ đi sau. Họ cho một người Y sĩ là ông Nguyễn Văn Mão đi với tôi; lấy vé tàu bay sang Côn Minh, rồi đi lên Trùng Khánh."[42]

Nhưng vì phi công đình công, chuyến bay bị bỏ, những người tổ chức phải đưa Trần Trọng Kim lên Lạng Sơn. Gặp Nguyễn Hải Thần ở Đồng Đăng, Trần Trọng Kim có vẻ thất vọng: "Đến Đồng Đăng, nói chuyện với ông Nguyễn Hải Thần thì thấy ông là một người lão thực [thật thà] mà tinh thần kém cỏi lắm rồi"[43]. Trần Trọng Kim đi cùng với Nguyễn Hải Thần và Vũ Kim Thành tới Nam Ninh ngày 18-6-46, tại đây ông gặp nhà cách mạng lão thành Nguyễn Thiện Thuật. Sau đó Nguyễn Hải Thần trở về nước, để điều động quân Việt Cách "lo chiếm lại Lạng Sơn", đang ở trong tay Việt Minh. Ngày 9-7-46, Trần Trọng Kim đến Nam Kinh, hỏi thăm tin tức cựu hoàng Bảo Đại. Ngày 28-7-46, ông được tin Cựu hoàng đang ở Hồng Kông và nhắn với ông là không có tiền lên Nam Kinh, vậy ông phải thu xếp xuống Hồng Kông, vì vợ con ông cũng đã sang đây. Ngày 2-8-46, Trần Trọng Kim tới Hồng Kông gặp cựu hoàng và vợ con. Đời sống đắt đỏ, không kế sinh nhai, tiền tiếp tế cạn dần, ông phải dọn về Quảng Châu, rồi cuối cùng ngày 2-2-1947, lên tàu trở về Sài Gòn. Đến ngày 6-3-1948, Trần Trọng Kim sang Nam Vang[44] (việc Trần Trọng Kim sẽ nói rõ hơn ở dưới). Ông mất ngày 2-12-1953, tại Đà Lạt.

Trong hồi ký Gọng kìm lịch sử, Bùi Diễm tiết lộ: chính ông là người được Trương Tử Anh giao nhiệm vụ đưa Trần Trọng Kim lên Lạng Sơn và Đỗ Đình Đạo sang Hương Cảng.

Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Mỹ, là con học giả Bùi Kỷ, cháu gọi Trần Trọng Kim bằng chú (bà Trần Trọng Kim là em gái ông Bùi Kỷ). Gia đình này chia đôi: Cụ Bùi Kỷ và người con cả theo Việt Minh; Bùi Diễm vào đảng Đại Việt, tuyên thệ trong nhóm Đại Việt Dân Chính, tổ chức giỗ tổ Hùng Vương của sinh viên. Vào khoảng tháng 11-1945, Bùi Diễm lên Lào Cai nhập trại huấn luyện quân sự Đại Việt, chương trình 6 tháng; nhưng phải trở về Hà Nội vào tháng 2-46:

"Ông Trương Tử Anh gọi tôi về để giao phó một nhiệm vụ đặc biệt trước khi về Hà Nội. Tôi đoán được rằng thế nào việc cũng sẽ liên quan đến chú tôi. Quả nhiên những tiên đoán của tôi hoàn toàn đúng hẳn. (...) Chiến lược của ông Trương Tử Anh lúc đó có thể gồm trong hai điểm cơ bản. Một mặt ở trong nước, ông và các đồng minh bên trong VNQDĐ sẽ nỗ lực thiết lập một hệ thống quân sự vững mạnh (như trại huấn luyện quân sự Lào Kay). Còn ở ngoài nước thì ông cố gắng tìm thêm sự ủng hộ từ phía bên ngoài. Việc này ông chú tôi có thể giúp sức(...) Và cũng vì vậy, ông Trương Tử Anh gọi tôi về để nhờ tôi tìm đường đưa ông chú tôi sang Hồng Kông(...) Khi có lời đồn về việc ông Bảo Đại sắp sang Trung Hoa thì ông Trương Tử Anh quyết định đã đến lúc thời cơ chín mùi để đưa ông chú tôi sang Trung Hoa. Đây là nhiệm vụ tôi được ông Anh giao phó khi ông cho lệnh vời tôi từ trên Chapa (Sapa) trở về".

Bùi Diễm nhờ một phụ nữ có chồng là Tướng Tầu giúp đỡ, đưa Trần Trọng Kim lên Lạng Sơn rồi quay về Hà Nội, đưa gia đình cô (bà Trần Trọng Kim) sang Hồng Kông, rồi lại trở về Hà Nội tìm cách kiếm tiền gửi sang, bằng cách đổi bạc giả (Đại Việt có đường dây) lấy bạc thật, trị giá một nửa. Mấy tháng sau, Bùi Diễm lại được lệnh của Trương Tử Anh đưa Đỗ Đình Đạo, Tư lệnh Đệ Tam Chiến Khu Quốc Dân Đảng, sau khi thua Việt Minh, từ Hải Phòng sang Hồng Kông. Tháng 12-46, Trương Tử Anh bị mất tích.[45]

***

III- Hoạt động của các nhóm lưu vong

Nguyễn Tường Tam thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất ở Nam Kinh

Những người quốc gia, trong các đảng phái khác nhau, khi lưu vong, sống rải rác bên Tàu. Họ liên lạc với nhau qua thư từ để tổ chức hoạt động và thành lập các nhóm phái. Cựu hoàng Bảo Đại là người được hầu hết các nhóm tin tưởng, mong ông sẽ đứng ra "dìu dắt" Việt Nam trong những ngày sắp tới. Lúc đó có ba nhóm hoạt động: nhóm Côn Minh, nhóm Thượng Hải và nhóm Nam Kinh.

Lưu Đức Trung là người hoạt động mạnh nhất. Ông vận động liên kết các thành phần khác nhau: Ngày 3-8-1946, ông viết thư cho Trần Văn Tuyên, ở Nam Kinh, báo tin ông vừa được Côn Minh cho biết độ 10 ngày nữa, hai anh em Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long sẽ lên Nam Kinh[46]. Nhưng hai người này chưa lên ngay, có thể vì lúc đó có sự khác biệt chủ trương giữa hai nhóm Côn Minh và Thượng Hải.

Nguyễn Khắc Ngữ viết: "VNQDĐ Hải ngoại bộ ở Côn Minh muốn dùng Côn Minh là bàn đạp đánh về Lào Cai, trong khi Lưu Đức Trung muốn dùng Nam Kinh và Thượng Hải làm trọng tâm hoạt động, ông cũng muốn xây dựng kinh tế tự túc để làm kế hoạch tranh đấu trường kỳ"[47]

Tháng 10-1946, Lưu Đức Trung viết thư cho Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long trình bày "chương trình và đường lối cho tương lai". Ông mời Nguyễn Hải Thần lên Nam Kinh. Ngày 22-10-46, Nguyễn Hải Thần lên tới Nam Kinh, cùng Lưu Đức Trung đến gặp Ngô Thiết Thành, bí thư trưởng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nhờ giúp đỡ.

Ngày 8-11-46, Lưu Đức Trung lại viết thư cho ba anh em: Tam, Long, Bách, nói rõ mọi việc và báo tin Nguyễn Hải Thần đã ở Nam Kinh. Một tháng sau Nguyễn Tường Tam và Trần Thiên lên đến Nam Kinh, ngày 3-12-46, họp cùng Nguyễn Hải Thần, Trần Văn Tuyên, Tạ Nguyên Minh... Ngày 5-12-46, nhóm này tìm cách liên lạc với nhà cầm quyền Trung Hoa, nhưng lúc đó họ còn bận bầu cử Quốc hội nên chưa làm gì được. Cũng trong ngày 5-12 này, mở một cuộc họp: "Trong cuộc họp này, Nguyễn Tường Tam đã đã báo cáo về thái độ của Việt Nam Quốc dân đảng từ hội nghị Đà Lạt đến lúc ông chạy ra ngoại quốc. Ông cũng báo cáo về đảng vụ, vụ Vĩnh Yên và mục đích của ông lên Nam Kinh. Cuối cùng ông đề nghị xoá bỏ quá khứ, ngồi lại với nhau thành một khối có tổ chức chặt chẽ để làm việc"[48].

Tại Nam Kinh, Nguyễn Tường Tam liên lạc với các đoàn thể hải ngoại và trong nước để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, gồm các tổ chức sau đây:

1- Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần lãnh đạo [thật ra chỉ còn danh nghiã, vì phần lớn các đảng viên đã ly tán hoặc nhập vào đảng khác].

2- Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Tường Tam lãnh đạo.

3- Các đảng phái ở Nam bộ do Nguyễn Bảo Toàn đại diện, gồm có: Việt Nam Dân chủ đảng xã hội; Giáo phái Hoà Hảo; Giáo phái Cao Đài; Liên đoàn công giáo Việt Nam; Việt Nam Quốc gia Độc lập đảng; Trí thức Nam bộ.

4- Việt Nam Dân chúng Vận động đoàn do Lưu Đức Trung lãnh đạo.

5- Việt Nam Thanh niên đoàn, do Trần Văn Tuyên lãnh đạo.

Mặt trận này lấy tên là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc do Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch.

Ngày 10-2-1947, Phái đoàn của Mặt trận xin yết kiến Tổng Thống Tưởng Giới Thạch để xin viện trợ. Tổng Thống hẹn sẽ tiếp 15 phút. Cụ Nguyễn Hải Thần lẩm cẩm đọc khoe bài thơ dài tự chúc thọ mình 70 tuổi mất 12 phút, thế là không nói được điều gì! Nhân viên nghi lễ vào báo Tổng Thống đã đến giờ tiếp Đại sứ Hoa kỳ. Phái đoàn lủi thủi ra về![49]

Tối 20-2-47, tổ chức đại hội tại Thượng Hải, các đại biểu ký kết văn kiện thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc.

Sau đại hội, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần trở về Quảng Châu. Từ đó các hoạt động của Mặt trận phát xuất từ Trung ương ở Quảng Châu[50].

Sự vận động Bảo Đại của nhóm Thượng Hải

Trong khi nhóm Nam Kinh, tụ họp để lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất, thì ở Thượng Hải, cũng có một nhóm hoạt động. Lưu Đức Trung quen biết giới chức có thẩm quyền ở Thượng Hải, vận động Thị trưởng Ngô Quốc Tinh, xin được một căn nhà rộng lớn tại số 215 đường Isenan Road tại khu Tư Nam Thượng Hải làm trụ sở. Lưu đưa một số anh em ở Nam Kinh xuống để làm việc, trở thành nhóm Thượng Hải gồm 7 người: Lưu Đức Trung, Trần Văn Tuyên, Đinh Xuân Quảng, Phan Huy Đán (tức Phan Quang Đán), Trần Văn Hợi, Nguyễn Gia Trí, và Trương Bảo Sơn.

Ngày 25-10-46, nhóm Thượng Hải gửi cho Thủ tướng Nehru một lá thư dài kêu gọi nhân dân và các nhà lãnh đạo Ấn Độ giúp đỡ dân tộc Việt Nam tranh đấu giành độc lập và tự do[51]. Dưới thư ký tên bẩy người trên đây với chức vụ đi kèm. Nguyễn Gia Trí đề: Giám đốc chính trị tờ Chính Nghiã. Nếu chức vụ này là thật, thì Nguyễn Gia Trí đã làm tờ Chính Nghiã, bên cạnh Khái Hưng và Nhượng Tống? Lưu Đức Trung giúp tiền họa sĩ Trí mua vật liệu mở xưởng vẽ và ông đã hoàn tất bức tranh "Bát tiên" khổ 140x100 và đang làm dở một bức tranh khác. Đến đầu tháng 9-1947, hai ông Nguyễn Gia Trí và Trương Bảo Sơn xuống Hương Cảng tham gia Hội nghị Hương Cảng rồi ở lại, nên xưởng sơn mài bỏ luôn[52]

Hoạt động đáng kể của nhóm Thượng Hải là việc cổ động giải pháp Bảo Đại; nhưng nhóm này không đồng ý với nhóm Nam Kinh về Mặt trận Quốc gia Thống nhất.

Trong biên bản buổi họp tối 25-12-46, bác sĩ Phan Huy Đán thuyết trình về tình hình Việt Nam và thế giới, đại ý nói rằng:

"Việc xin viện trợ ở Nam Kinh không ăn thua gì đâu. Tàu sẽ không giúp ta gì hết. Hiện nay trong nước đang đánh nhau với Pháp, tình thế Pháp mạnh, Tàu không thể giúp ta quân đánh Pháp được, nêu họ có cho tiền thì mình cũng không làm đưọc gì, nội bộ mình thì nát. Thái độ của Anh quốc đã rõ ràng, Anh bằng lòng cho Pháp muốn làm gì thì làm. Mỹ không giúp Siam thì đối với mình cũng chẳng giúp."[53]

Trong biên bản buổi họp ngày 29-12-46, Phan Huy Đán gạt hẳn Mặt trận Quốc gia:

"Trước Hồ Chí Minh chủ trương thân Pháp thì chúng mình chủ trương đánh Pháp, chống Hồ Chí Minh và lôi dân về phía mình tuy mình cũng sẽ phải điều đình với Pháp.

Nay Hồ Chí Minh đánh Pháp, nên vấn đề lập Mặt trận Quốc gia kháng Pháp thành vô ích, nên bỏ việc Nam Kinh đi. Bảo cho anh [Trần Văn] Tuyên biết việc anh ấy làm ở Nam Kinh (lập Mặt trận Quốc gia kháng Pháp) vô ích. Từ nay trở đi không được nêu lên một tổ chức nào đánh Pháp nữa."[54]

Nhóm Thượng Hải chủ trương phải đi tìm cho được Cố vấn Vĩnh Thụy và mời ông đứng đầu nhóm quốc gia, lập chính phủ lưu vong để điều đình sự độc lập với Pháp và thương lượng việc đình chiến với Việt Minh. Họ cử Đinh Xuân Quảng, Phan Huy Đán và Trần Văn Hợi đi Hương Cảng gặp cựu hoàng. Chương trình vận động của họ dự định chia làm ba giai đoạn:

1- Vận động Bảo Đại nhận lãnh đạo phe quốc gia, lập chính phủ quốc gia do ông lãnh đạo.

2- Vận động Pháp bằng lòng đưa Bảo Đại về nước.

3- Về Việt Nam hoạt động.[55]

Ngày 3-1-47, Đinh Xuân Quảng, Phan Huy Đán và Trần Văn Hợi đến Hương Cảng để gặp Bảo Đại. Khi việc này được đề ra, Nguyễn Tường Tam cũng ủng hộ:

"Trong các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Tường Tam là người tỏ ra sốt sắng với giải pháp Bảo Đại. Ngày 29-1-47, ông viết thư cho Lưu Đức Trung dục phải làm gấp việc thành lập Chính phủ do Bảo Đại đứng đầu. Nội dung lá thư này có đoạn như sau:

"Việc này cần làm gấp. Có lẽ anh với tôi phải đi ngay Hồng Kông. Bảo Đại phải đứng đầu chính phủ mới được việc. Để người khác không xong".

Nguyễn Tường Long cũng ủng hộ giải pháp Bảo Đại nhưng không đồng ý để Mặt trận ra mặt giúp Bảo Đại."

Ngày 29-1-47, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long viết thư ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Ngày 25-5-47, Nguyễn Tường Tam viết thư xác nhận nhóm Côn Minh trong đó có Vũ Hồng Khanh, bí thư trưởng, cũng đồng ý giải pháp Bảo Đại, trong thư có đoạn:

"Tôi vừa nhận được thư ở Côn [Minh] cho biết là có thể cùng Bảo Đại lập chính phủ và Chính phủ đó có thể điều đình vơi Pháp, nếu điều kiện rộng rãi. Thế là đỡ một sự khó khăn"[56]

Bảo Đại và Pháp

Pháp cử Cousseau và Faugère, hai viên chức ngoại giao, tiếp xúc với Bảo Đại, trình bày những "nhượng bộ" của Pháp. Dường như những "nhượng bộ" này được Cựu hoàng và Trần Trọng Kim tin một phần, nên Cựu hoàng phái Trần Trọng Kim về nước xem xét tình hình và trở lại Hồng Kong tường trình cho ông rõ.

Đầu tháng 2 năm 1947, Bảo Đại cử Trần Trọng Kim, Phan Huy Đán và Đinh Xuân Quảng về Sài Gòn vận động việc ông trở về nước chấp chính: Ngày 2-2-47, ba ông cùng Cousseau lên tàu Champollion về Sài Gòn[57]. Ông Đán trước khi xuống tầu viết thư cho các bạn ở Thượng Hải giọng hết sức tin tưởng, rằng lần này về nước thật, ông đang ở "giai đoạn 3" của chương trình, là "Về Việt Nam hoạt động". Nhưng tới Sài Gòn, thất vọng hoàn toàn: Hai ông Phan Huy Đán và Đinh Xuân Quang bị mật vụ Pháp theo ráo riết, không làm được gì. Cụ Kim cũng không giao thiệp được với ai.

Hai người được Bảo Đại tin cẩn nhất là hai học giả Trần Trọng Kim và Hoàng Xuân Hãn. Trần Trọng Kim là Thủ tướng và Hoàng Xuân Hãn là thày kèm toán cũ của Cựu hoàng. Hai người này bị Pháp tìm cách ngăn chặn, không cho gần Bảo Đại.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, tháng 10-1995, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết hai điều:

- "Trước khi ký hiệp ước Hạ Long, ông Bảo Đại định là cụ Kim với ông sẽ lập một chính phủ ở bên nhà. Người Pháp họ lừa ông và cả cụ Kim nữa. Ông ấy nói với họ:"Trước lúc tôi bằng lòng nhận lời, thì tôi phải cho cụ Kim về để mời một số người sang đây họp, rồi chúng tôi sẽ bàn". Thì Cousseau và Faugère nói: "Được, cụ cứ cho cụ Kim về". Về đến Sài Gòn, cụ Kim viết một cái thư ra [Hà Nội] cho tôi nói rằng: "Muốn mời ông sang bên kia [Hồng Kông] nhưng mà tụi Pháp nó không cho, mà nó sắp đầy tôi lên Phnom Penh". Sự thực là thế. Tây nó ngăn. Cụ Kim về, nó đẩy lên Phnom Penh, nó để ông Bảo Đại trơ một mình"[58].

-"Khi ông ấy ký với ông Bollaert hiệp ước Vịnh Hạ Long, ông ấy không hỏi ý kiến gì những người cũ. Nhưng riêng tôi thì tôi viết thư cho ông ấy nhiều lắm, mượn người này người kia đưa, khuyên là ông phải cẩn thận, chuyện đằng Cousseau với đằng Faugère hai người chính là công an của Pháp, trình độ thấp chứ không phải cao đâu, quyến dụ thì ông phải cẩn thận."[59]

Trở lại ngày 2-2-47, ngày Trần Trọng Kim từ biệt Cựu hoàng lên đường về Sài Gòn. Cùng ngày hôm ấy, Bảo Đại viết thư cho Lưu Đức Trung và nhóm Thượng Hải, triệu tập tất cả mọi người về Hương Cảng, trong thư có câu:

"Anh em trên ấy thu xếp mà về cả dưới này. Tôi cũng đã ngỏ ý nói cụ Nguyễn [Hải Thần] và anh [Nguyễn Tường]Tam về. Hết thảy nên tụ tập lại một nơi, phân công ra mà làm việc.

Anh [Đinh Xuân] Quảng và anh [Phan Quang] Đán đã đảm nhiệm mỗi người một việc. Anh [Trần Văn] Hợi ở chờ các anh".

Sau lá thư triệu thỉnh của Bảo Đại, Trần Văn Tuyên lên Nam Kinh [chắc viết nhầm, Quảng Châu mới đúng] họp với các thành viên của Mặt trận Quốc gia Thống nhất như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Trần Thiên, Nguyễn Bảo Toàn, Vũ Kim Thành... để nói việc Bảo Đại đã bằng lòng. Lưu Đức Trung còn ở lại Thượng Hải vì bận việc[60]. Trong 10 ngày ở lại Thượng Hải, Lưu Đức Trung nhận được liên tiếp thư của Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Tuyên và Trần Văn Hợi, cho biết: Bảo Đại không tin tưởng ở nhóm Nguyễn Tường Tam nữa. Lưu Đức Trung vội vàng thu xếp công việc để về Hồng Kông gặp Bảo Đại. Cựu hoàng cũng xác nhận: Ông không còn tin tưởng ở nhóm người này.[61]

Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Hoạt động "mật" của Mặt trận Quốc Gia Thống nhất

Theo François Guillemot, tháng 1-1947, Nguyễn Tường Tam, từ Nam Kinh, gửi thư cho các chiến hữu, trình bầy kế hoạch thành lập Mặt trận Quốc gia, do Nguyễn Hải Thần và ông thiết lập, kết hợp tất cả các lực lượng chống Pháp, kể cả Việt Minh, dựa trên ba điểm:

1-Thiết lập một Mặt trận chống Pháp, nếu được với cả Việt Minh, sẽ làm một tuyên bố chung; nếu không được, phái quốc gia cũng vẫn giữ mật lệnh "kháng chiến quốc gia".

2- Tăng cường kháng chiến và mở rộng các vùng chiến trong nước.

3- Khởi thảo một chương trình hành động lâu dài[62]

Mặt trận Quốc gia này chính là Mặt trận Quốc gia Toàn quốc đã nói đến ở trên. Như vậy, tháng 1-1947, Mặt trận còn có ý cộng tác với Việt Minh để chống Pháp. Những văn bản về sau, họ sẽ triệt để chống Việt Minh.

Vẫn theo François Guillemot, một tài liệu mật của tình báo Pháp ngày 4-8-1947, ghi lại biên bản buổi họp ngày 10-6-1947 tại Quảng Châu: Trung Ương Quốc dân đảng hợp nhất trong và ngoài nước, tổ chức lại, có mười lăm người được chọn vào "Ủy ban tối cao" là: Trương Tử Anh (mất tích từ cuối năm 1946), Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Khải Hoàn, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Tam, Phan Trâm [Nguyễn Tiến Hỷ], Nguyễn Tường Bách, Lưu Đức Trung, Trần Tử Huyền, Nguyễn Gia Trí, Trịnh Quốc Cang, Đặng Vũ Lạc, Phạm Trọng Chi, Nghiêm Kế Tổ[63].

Vẫn dựa theo tình báo Pháp, François Guillemot cho biết một số thông tin khác nữa như sau:

"Ngay từ cuối tháng 12-1946, báo chí Sài Gòn đã đưa tin việc Nguyễn Tường Tam sắp lập một chính phủ Mặt trận quốc gia ở Nam Kinh. Kháng chiến Việt Minh lấy lại tin này làm mọi người hoang mang, và người ta trách Nguyễn Tường Tam không cứng rắn với Pháp. Quan trọng hơn nữa, Pháp chặn được một điện tín ngày 8-2-1947 của Nguyễn Tường Tam gửi ban lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Việt, thông báo sự thành lập một "Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà" ở Nam Kinh, Bảo Đại là Chủ tịch (Président) và Nguyễn Hải Thần, phó Chủ tịch (Vice Président), với sự trợ giúp của quân đội chính quy Tầu (Tưởng), thành lập một vùng chiến khu ở Lạng Sơn hay Mống Cái. Theo chỗ chúng tôi biết, Bảo Đại không được tham khảo ý kiến về việc này. Đặt Hoàng đế lên đầu một chính phủ mà ông không biết rõ thành phần, và không hỏi ý kiến ông, là một sai lầm mà sau này Nguyễn Tường Tam phải trả giá đắt"[64].

Nếu những việc này có thực và đến tai Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam quả đã tính sai nước cờ và có lẽ sự thất bại của ông đến từ đây: Từ một lãnh tụ được kính nể, ông trở thành một người hai mặt.

Trở lại tình hình khi Lưu Đức Trung về Hương Cảng thuyết phục được Bảo Đại bỏ qua những khác biệt với nhóm Nguyễn Tường Tam, thông cảm nhau để bắt tay vào việc. Cựu hoàng chấp nhận cộng tác với một số điều kiện sau đây:

- Vì đã thoái vị, ông chỉ chấp nhận trở lại điều đình với Pháp để giải quyết chiến tranh nếu được dân chúng tín nhiệm và tha thiết yêu cầu.

- Phải định rõ những điều kiện Thống nhất và Độc lập.

- Phải có một chính phủ trung ương cho cả ba kỳ.

Lưu Đức Trung và Trần Văn Tuyên ở lại Hương Cảng để làm việc với Cựu hoàng.

Ngày 28-8-47, Bảo Đại cho đánh điện mời các đại biểu Trung Nam Bắc qua Hương Cảng để tham khảo ý kiến. Ngày 3-9-47, Nam Phương và các con sang được Hương Cảng. Lưu Đức Trung tổ chức tiếp rước rất long trọng[65].

Bảo Đại triệu tập Hội nghị Hương Cảng

Ngày 4-9-47, cựu hoàng Bảo Đại gửi điện thư triệu tập tất cả những thành phần trí thức đảng phái chính trị Việt Nam đến họp Hội nghị Hương Cảng ngày 9-9-1947.

Khoảng trên dưới 30 đại biểu của trên 15 tổ chức trong và ngoài nước tham dự.[66]

Lưu Đức Trung, Phát ngôn viên của Bảo Đại, đại diện cho Bảo Đại tại hội nghị Hương Cảng.

Hội nghị khai mạc 10 giờ ngày 9-9-1947, tại văn phòng phát ngôn viên của Cựu hoàng, một phòng lớn trên lầu 3 khách sạn Saint Francis, Đại lộ Queen, Hương Cảng[67].

Hội nghị bầu Nguyễn Hải Thần, chủ tọa, Cung Giũ Nguyên, thư ký. Bàn cãi trong 7 ngày. Sau hội nghị, Bảo Đại công bố bản Tuyên ngôn ngày 18-9-1947. Nội dung có mấy điểm chính sau đây:

"Đồng bào yêu cầu Trẫm nhân danh đồng bào điều đình với nước Pháp, qua vị đại diện cao cấp của họ ở Việt Nam, Cao uỷ Bollaert, người đã yêu cầu đồng bào chọn lấy người đại diện đáng tin cậy, trong bài diễn văn của ông ở Hà Đông.

Đáp lại lời kêu gọi đó, Trẫm chấp nhận trách nhiệm mà đồng bào giao phó, và sẵn sàng liên lạc với nhà cầm quyền Pháp. Với họ, Trẫm sẽ khách quan xem xét các đề nghị mà họ đã đưa ra.

Trước hết Trẫm muốn nước ta phải được độc lập và thống nhất đúng như sự đòi hỏi của đồng bào."[68]

François Guillemot phân tích tổng quát về hội nghị như sau:

Nghe lời hiệu triệu của Bảo Đại, phần lớn những chính đảng hiện diện ở Việt Nam đều tới Hồng Kông, trong số đó có ba nhóm chính: Mặt Trận Nam Kinh; tổ chức Quốc Gia Liên Hiệp, đang thành lập, ủng hộ Hoàng Đế và Phong Trào Bình Dân Nam Kỳ, chủ trương Nam kỳ tự trị. Hai mươi bốn đại diện tới Hồng Kông, gặp lại những thủ lãnh lưu vong của họ. Ngay khi tới nơi, họ đã làm bản tuyên ngôn chung thỉnh cầu cựu hoàng đứng ra cầm quyền và thương thuyết với Pháp để vãn hồi hoà bình và đòi độc lập cho xứ sở. Bảo Đại chưa quyết định, ông cũng không ngờ trong bài diễn văn đọc ngày 10-9-1947 [tại Hà Đông], Cao Uỷ Bollaert không đả động gì đến chuyện trả độc lập, chỉ nói hai chữ này bằng tiếng Việt. Hội đàm trong một tuần, nẩy ra sự đối đầu giữa hai nhóm chính:

- Một bên là Mặt trận Nam Kinh chống việc hợp tác với Pháp, chủ trương chỉ hợp tác với chính phủ Bảo Đại, nếu chính phủ này đòi được độc lập và thống nhất cho xứ sở.

- Một bên là nhóm Quốc Gia Liên Hiệp và những người theo Bảo Đại, chủ trương ngược lại: phải để cho Hoàng đế đứng đầu việc thương thuyết với Pháp và thành lập chính phủ quốc gia trước, rồi mọi chuyện mới tính sau.

Nói cách khác, một bên đòi hỏi chế độ dân chủ cộng hoà theo lối Tây phương, và một bên chủ trương quân chủ lập hiến[69].

Có lẽ vì sự bất đồng này, mà Nguyễn Hải Thần giải tán Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, trở về Quảng Đông.

Guillemot viết tiếp:

"Trong buổi họp của Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 10-10-1947, Nguyễn Tường Tam quyết định ở lại Hương Cảng để "canh chừng" Hoàng Đế. Một tháng sau, Công An Anh lục soát, đặc biệt nhà Nguyễn Gia Trí [căn nhà ở Hương Cảng, sẽ nói đến sau] tìm được những tài liệu chứng tỏ nhóm này chủ trương bí mật sử dụng Bảo Đại và tính việc lật đổ Bảo Đại để thiết lập chính phủ cộng hoà. Sự kiện này được những báo cáo của Phòng nhì Pháp xác nhận"[70].

Việc này, không được Nguyễn Tường Bách và Trương Bảo Sơn nói đến.

Vậy dự tính "lật đổ" này có từ khi nào? Trước hay sau hội nghị Hương Cảng? Chắc là sau hội nghị, có thể chỉ Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long và Nguyễn Gia Trí biết, chưa chắc Nguyễn Tường Bách đã hay. Đến đầu năm 1948, Nguyễn Tường Bách nhận thấy: Hồi đó, có lẽ vì mệt mỏi, anh Tam mắc chứng suy nhược thần kinh, hay mất ngủ, lo âu, nên hoàn cảnh ở đây [Bạch Hạc Động] yên tĩnh, rất thích hợp" có thể hiểu như sau: Chủ trương "lật đổ" Bảo Đại bị công an Anh khám phá, Nguyễn Tường Tam lo lắng cho tổ chức của mình, nên đã rời Hồng Kông sang ở Bạch Hạc Động, nhà của gia đình Nguyễn Tường Bách, một phần vì muốn tránh cảnh sát Anh, một phần giả đi tĩnh dưỡng, để đỡ bị theo dõi.

Bảo Đại điều đình với Pháp. Ngày 2-6-1948, ông lập chính phủ Nguyễn Văn Xuân. Ngày 5-6-1948, hiệp ước Pháp-Việt được công bố ở Vịnh Hạ Long: Nhà nước Việt Nam "thứ hai" của người quốc gia được thành lập, cộng tác với Pháp. Bên cạnh nhà nước "thứ nhất" do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chống Pháp, Võ Nguyên Giáp chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà nước thứ hai sẽ trở thành Việt Nam Cộng Hoà, sau hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm loại Pháp ra ngoài. Từ đó, cả hai miền Nam Bắc không còn dưới sự đô hộ của Pháp.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nôi, 1974, trang 252.

[2] Một vài kí vãng về Hội Nghị Đà Lạt, in trong tập san Sử Địa số 23 và 24, Sài Gòn, 1971. Hội AVAC, 23 Rue du Cardinal Lemoine, 74007 Paris, in lại năm 1987. Bản chúng tôi dùng ở đây là bản AVAC, in tại Paris.

[3] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, bản A.V.A.C, trang 5.

[4] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, bản A.V.A.C, trang 7-8.

[5] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, bản A.V.A.C, trang 8.

[6] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 8.

[7] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 8 và trang16.

[8] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 44.

[9] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 58-59.

[10] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 28.

[11] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 41- 42-43.

[12] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 61.

[13] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 65.

[14] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 70.

[15] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 74.

[16] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 76-77.

[17] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 77.

[18] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, trang 269.

[19] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 77-78.

[20] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm Nghiên cứu Montréal, 1981, trang 86.

[21] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 42.

[22] Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, trang 51.

[23] François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam, L'échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes Savantes, Paris, 2012, trang 333-334, viết tắt là Đại Việt.

[24] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Việt Books, 2010, trang 132-133.

[25] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Quân Đội Nhân dân, 1974, trang 278.

[26] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 109.

[27] Nguyễn Tường Thiết, Ga Thạch Long, in trong Nhất Linh cha tôi, Nxb Phụ Nữ, 2020, trang 221.

[28]Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Phạm Phú Minh và Nguyễn Tường Thiết sưu tập, NXB Thế kỷ, Cali, 2004, trang 69.

[29] Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22, trang 18.

[30] François Guillemot, Đại Việt, trang 418, chú thích số 111.

[31] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, Hội nghị Hương Cảng, 9-9-1947, Tủ sách Nghiên cứu Sử địa, Montréal 1991, trang 43-44 (viết theo tài liệu tàng trữ tại Văn khố của nhóm Nghiên cứu Sử địa Việt Nam Montréal (VKNCSĐ), Hồ sơ Lưu Đức Trung: Cách mạng hồn, Chương VII, Đoạn 1, trang 6).

[32] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 44-45.

[33] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Hồi ký phần II, Thạch Ngữ, Cali, 2000, t. 27, 47, 70, 71, 75, 88, 532.

[34] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 130.

[35] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Mai Lĩnh, 1954, trang 74.

[36] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc, 1990, trang 238.

[37] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, trang 96.

[38] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 239- 240.

[39] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 85-88.

[40] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc, 1990, trang 241.

[41]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 237- 249; Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong, trang 82-90; François Guillemot, Đại Việt, trang 399-400.

[42] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, trang 133.

[43] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, trang 136.

[44] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, trang 133-182.

[45] Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, bản Internet, trang 46-54.

[46] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 92-93.

[47] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 96.

[48] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956 trang 105.

[49] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 131-132.

[50] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 114.

[51] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956 trang 140-148.

[52] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 64-70.

[53] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 150.

[54] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 172.

[55] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 181.

[56] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 192-194-195.

[57] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 197 và 238.

[58] Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, Văn Nghệ, California, 2002, trang 167-168.

[59] Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, trang 166-167.

[60] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 199-200.

[61] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 200- 202.

[62] François Guillemot, Đại Việt, trang 417-418.

[63] François Guillemot, Đại Việt, trang 418.

[64] François Guillemot, Đại Việt, t. 419.

[65] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 244- 245.

[66] Danh sách các đại biểu được Lưu Đức Trung ghi lại sau đây: Trần Quang Vinh, đại diện Cao Đài. Nguyễn Phước Hậu, đại diện Hòa Hảo. Đại diện Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc trong nước, gồm có: Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Phan Khắc Sửu, Lâm Ngọc Đường. Phong trào Quốc gia Liên hiệp Miền Nam (sau đổi thành Tập đoàn Việt Nam Quốc gia) do Trần Thiện Vàng, Trần Văn Quế đại diện. Phong trào Bình dân Nam kỳ và đảng Quốc gia Nam kỳ độc lập do Nguyễn Văn Tâm đại diện. Phong trào Quốc gia Liên hiệp miền Trung (sau đổi thành đảng Việt Nam Quân chủ Lập hiến, gọi tắt là Việt Hiến) do Trần Thành Đạt, Trần Văn Lý, Cao Văn Chiểu và Hà Xuân Hải đại diện. Phong trào Nhân dân miền Nam Trung Việt do Ngô Xuân Tích và Cung Giũ Nguyên đại diện. Đảng Việt Nam Bảo hoàng do Trương Vĩnh Tống đại diện. Các đảng phái và nhân sĩ miền Bắc có các ông Nghiêm Xuân Nam, Nghiêm Xuân Việt đại diện. Ngoài ra còn có một số các chính khách như Nguyễn Phước Đằng, Trần Văn Liễu, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Anh, Phan Văn Giáo, Trần Đình Quế... tham dự. Phái đoàn các đảng phái Quốc gia ở Hải ngoại có: Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần và Đoàn Văn Nhân (Thư ký riêng của Nguyễn Hải Thần) đại diện. Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long đại diện. Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng do Nguyễn Bảo Toàn đại diện. Việt Nam thanh niên đoàn do Trần Văn Tuyên đại diện. Việt Nam Cách mạng quân do Vũ Kim Thành, Tư lệnh, tham dự. (Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 246- 248).

[67] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 248-249.

[68] Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 253-254.

[69] François Guillemot, Đại Việt, t. 421-422.

[70] François Guillemot, Đại Việt, t. 416, 417, 418 và 425.