Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Hãy tự hỏi bản thân, bạn sẵn sàng hy sinh gì cho Sự thật?

Diễn từ Nobel Hòa bình của nhà báo Maria Ressa

Phan Phương Đạt dịch

Có lẽ là một tình cờ mang tính tích cực, khi hai ngày trước phiên tòa xử Đoan Trang, vào ngày 10/12, cũng là Ngày Nhân quyền Thế giới, đã diễn ra lễ trao giải Nobel cho hai nhà báo, Dmitry Muratov của Nga, và Maria Ressa của Philippines.

Không có gì ngạc nhiên khi cả hai đều lên tiếng kêu gọi bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền nói sự thật, tính độc lập của các nhà báo. Nghe những lời Ressa nói, có thể hình dung ra Đoan Trang. Hy vọng sẽ có ngày họ gặp nhau và trở thành thân thiết (nếu chưa).

Xin dịch toàn văn Diễn từ của Maria Ressa từ trang chính thức của Ủy ban Nobel, như một sự chia sẻ với Đoan Trang. Link đến bản dịch Diễn từ của Muratov ở comment đầu.

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và văn bản cho biết 'BELIEVE THERE IS GOOD IN THE WORLD DAPPLER BBC NEWS'

Thưa Nhà Vua, các Hoàng thân, các Thành viên đáng kính của Ủy ban Nobel Na Uy, Thưa các vị khách quý.

Tôi đứng trước các quý vị, đại diện cho mọi nhà báo trên thế giới, những người buộc phải hy sinh rất nhiều để giữ vững lý tưởng, để sống đúng với các giá trị và sứ mệnh của chúng tôi: mang đến cho các bạn sự thật và khiến những người nắm quyền lực phải giải trình. Tôi nhớ đến vụ chặt xác tàn bạo của Jamal Khashoggi, vụ ám sát Daphne Caruana Galizia ở Malta, Luz Mely Reyes ở Venezuela, Roman Protasevich ở Belarus (máy bay của anh đã bị cướp theo đúng nghĩa đen để bắt giữ anh), Jimmy Lai mòn mỏi trong nhà tù Hồng Kông, Sonny Swe, người sau hơn 7 năm ngồi tù đã bắt đầu một hãng tin khác… giờ buộc phải trốn khỏi Myanmar. Và ở đất nước tôi, Frenchie Mae Cumpio, 23 tuổi, đang ở trong tù đã gần 2 năm, và chỉ 36 giờ trước có tin rằng đồng nghiệp cũ của tôi, Jess Malabanan, đã bị bắn chết.

Cần cảm ơn rất nhiều người vì đã giúp chúng tôi an toàn hơn và có thể làm việc. Liên minh #HoldTheLine gồm hơn 80 nhóm toàn cầu bảo vệ tự do báo chí, và các nhóm nhân quyền giúp chúng tôi đưa tin. Các bạn cũng phải trả giá: ở Philippines, số luật sư bị giết nhiều hơn – ít nhất là 63 người so với 22 nhà báo bị sát hại sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016. Kể từ đó, Karapatan, một thành viên của liên minh nhân quyền #CourageON của chúng tôi, đã có 16 người thiệt mạng, và Thượng nghị sĩ Leila de Lima – bởi vì đòi trách nhiệm giải trình, đang ngồi tù năm thứ 5. Hoặc ABS-CBN, đài truyền hình lớn nhất nước, một hãng tin mà tôi từng lãnh đạo, vào năm ngoái, đã bị tước quyền hoạt động.

Tôi đã giúp tạo ra một công ty khởi nghiệp, Rappler, sẽ tròn 10 tuổi vào tháng Giêng – nỗ lực của chúng tôi nhằm kết hợp hai mặt của một đồng xu, cho thấy tất cả những gì sai trái với thế giới của chúng ta ngày nay: sự thiếu vắng của luật pháp và của tầm nhìn dân chủ cho thế kỷ 21. Đồng xu đó đại diện cho hệ sinh thái thông tin của chúng ta, quyết định mọi thứ còn lại về thế giới của chúng ta. Các nhà báo, những người gác cổng lâu đời, là một mặt của đồng xu. Mặt kia là công nghệ, với sức mạnh như thần thánh của nó, đã cho phép một loại virus dối trá lây nhiễm vào mỗi người chúng ta, kích động chúng ta chống lại nhau, làm chúng ta sợ hãi, tức giận và căm ghét, và tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của những kẻ toàn trị và độc tài trên khắp thế giới.

Điều cần thiết nhất của chúng ta ngày nay là phải chuyển đổi sự căm ghét và bạo lực đó, thứ bùn độc hại đang len lỏi khắp hệ sinh thái thông tin của chúng ta, được đặt ưu tiên bởi các công ty internet Hoa Kỳ kiếm nhiều tiền hơn bằng cách gieo rắc sự căm ghét đó, và kích thích những gì tồi tệ nhất trong chúng ta… vậy thì, điều đó có nghĩa là chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn nhiều. (giơ áo phông lên) Để là một người tốt, chúng ta phải tin là có điều tốt trên thế giới (BElieve THEre is GOOD in the world).

Tôi đã làm báo hơn 35 năm: tôi đã làm việc tại các khu vực xung đột và chiến sự ở Châu Á, đưa tin về hàng trăm thảm họa – và trong khi tôi đã chứng kiến rất nhiều điều tồi tệ, tôi cũng đã ghi lại rất nhiều điều tốt, khi những người chẳng có gì đã nhường cho bạn những gì họ có. Một phần lý do tại sao chúng tôi ở Rappler có thể sống sót sau 5 năm bị chính phủ tấn công là vì lòng tốt của những người lạ, và lý do họ giúp đỡ – bất chấp nguy hiểm – là vì họ muốn, mà chẳng kỳ vọng được đáp lại. Đây là điều tốt nhất về con người chúng ta, là phần của con người chúng ta làm nên điều kỳ diệu. Đây là những gì chúng ta mất khi sống trong một thế giới sợ hãi và bạo lực.

Lần cuối cùng một nhà báo đương nhiệm được trao giải thưởng này là vào năm 1936, và Carl von Ossietzky đã không đến được Oslo vì bị giam chết mòn trong một trại tập trung của Đức Quốc xã. Vì vậy, có hy vọng rằng chúng ta đã tiến được một bước, vì chúng tôi đang ở đây!

Bằng cách trao giải này cho các nhà báo hôm nay, Ủy ban Nobel đang báo hiệu một thời điểm lịch sử tương tự, một điểm lựa chọn sống còn khác của nền dân chủ. Dmitry và tôi thật may mắn vì chúng tôi có thể nói chuyện với quý vị bây giờ, nhưng có rất nhiều nhà báo bị bắt bớ trong bóng tối mà không được tiếp xúc cũng như không được hỗ trợ, và các chính phủ đang tăng cường đàn áp mà không sợ bị trừng phạt. Chất gia tốc là công nghệ, vào thời điểm mà khái niệm phá hủy sáng tạo mang ý nghĩa mới.

Chúng ta đang đứng trên đống đổ nát của thế giới trước đây, và chúng ta phải có tầm nhìn xa và can đảm để tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, và thay vào đó, sáng tạo thế giới như nó phải là – nhân ái hơn, bình đẳng hơn, bền vững hơn.

Để làm được điều đó, hãy tự hỏi mình câu hỏi mà nhóm của tôi và tôi đã phải đối đầu 5 năm trước: bạn sẵn sàng hy sinh gì cho Sự thật?

Tôi sẽ cho quý vị biết tôi đã sống với câu trả lời của mình như thế nào trong ba điểm: thứ nhất, bối cảnh của tôi và những cuộc tấn công đã định hình tôi như thế nào; thứ hai, bởi vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối mặt; và cuối cùng, tìm giải pháp – bởi vì đó là điều chúng ta phải làm!

Trong vòng chưa đầy 2 năm, chính phủ Philippines đã ra 10 lệnh bắt giữ đối với tôi. Tôi đã phải nộp tiền tại ngoại 10 lần chỉ để thực hiện công việc của mình. Năm ngoái, tôi và một đồng nghiệp cũ bị kết tội vu khống trên mạng vì một câu chuyện mà chúng tôi đã đăng 8 năm trước, vào thời điểm khi cái luật mà người ta cáo buộc chúng tôi vi phạm thậm chí còn chưa tồn tại. Tất cả những cáo buộc mà tôi phải đối mặt có thể khiến tôi phải ngồi tù khoảng 100 năm.

Nhưng, càng bị tấn công vì hoạt động báo chí của mình, tôi càng trở nên kiên quyết hơn. Tôi đã có bằng chứng trực tiếp về sự lạm dụng quyền lực. Điều mà người ta muốn dùng để hăm dọa tôi và Rappler chỉ làm chúng tôi mạnh mẽ hơn.

Cốt lõi của báo chí là quy tắc danh dự. Bộ quy tắc của tôi được hình thành bởi các thế giới khác nhau – lúc tôi lớn lên, khi tôi biết được điều gì là đúng và sai; từ trường đại học, và quy tắc danh dự tôi đã học được ở đó; và cuộc sống của tôi với tư cách là một phóng viên, và những bộ quy tắc chuẩn mực và luân lý mà tôi đã học và tham gia viết. Và thêm vào đó là ý niệm của người Philippines về utang na loob – hay là món nợ từ bên trong – một hệ thống về việc cho đi trước.

Sự thật và danh dự giao nhau thành một mũi tên bắn đi vào thời điểm này, khi sự căm ghét, dối trá và chia rẽ đang phát triển mạnh mẽ. Với tư cách mới chỉ là người phụ nữ thứ 18 nhận được giải thưởng này, tôi cần phải cho quý vị biết thông tin sai lệch liên quan giới tính (gendered disinformation) là một mối đe dọa mới, và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho sức khỏe tinh thần và sự an toàn về thể chất của phụ nữ, trẻ em gái, người chuyển giới và LGBTQ+ trên toàn thế giới. Các nhà báo nữ ở trong tâm điểm của rủi ro. Đại dịch của sự lầm lạc và thù hận này cần phải được giải quyết ngay bây giờ. Ngay cả ở đó, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh. Rốt cuộc, bạn không thực sự biết mình thực sự là ai cho đến khi bạn buộc phải chiến đấu vì nó.

Bây giờ, tôi sẽ lùi lại một chút để chúng ta hiểu rõ về vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối mặt, và làm thế nào mà điều đó lại xảy ra.

Các cuộc tấn công chống lại Rappler chúng tôi đã bắt đầu 5 năm trước, khi chúng tôi yêu cầu chấm dứt sự không bị trừng phạt của kẻ mạnh trên hai mặt trận: cuộc chiến chống ma túy của Duterte và Facebook của Mark Zuckerberg. Hôm nay, nó chỉ trở nên tồi tệ hơn – và những tội lỗi của Thung lũng Silicon đã quay về nhà tại Hoa Kỳ và trở thành nguyên nhân của bạo lực đám đông trên Đồi Capitol ngày 6 tháng 1.

Những gì xảy ra trên mạng xã hội không ở lại trên mạng xã hội.

Bạo lực trực tuyến là bạo lực trong thế giới thực.

Truyền thông xã hội là một trò chơi chết người vì quyền lực và tiền bạc, cái mà Shoshana Zuboff gọi là chủ nghĩa tư bản giám sát, bòn rút cuộc sống riêng tư của chúng ta vì lợi ích doanh nghiệp lớn quá mức. Trải nghiệm cá nhân của chúng ta bị hút vào một cơ sở dữ liệu, được tổ chức bởi AI, sau đó được bán cho người trả giá cao nhất. Các hoạt động nhắm đến mục tiêu vi mô (microtargeting) đem lại lợi nhuận cao được thiết kế một cách có cấu trúc để làm suy yếu ý chí của con người – một hệ thống điều chỉnh hành vi mà ở đó chúng ta là những con chó thí nghiệm của Pavlov, được thử nghiệm trong thời gian thực với hậu quả thảm khốc ở các quốc gia như của tôi, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác. Những tập đoàn phá hoại này đã bòn rút tiền khỏi các hãng tin và giờ đây trở thành mối đe dọa có tính nền tảng đối với thị trường và các cuộc bầu cử.

Facebook là nhà phân phối tin tức lớn nhất thế giới, tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên mạng xã hội, những lời nói dối thấm đẫm tức giận và căm thù lan truyền nhanh hơn và xa hơn so với sự kiện (facts).

Các công ty Mỹ đang kiểm soát hệ sinh thái thông tin toàn cầu của chúng ta này có thiên kiến chống lại sự kiện (facts), chống lại các nhà báo. Chúng – theo thiết kế – chia rẽ chúng ta và cực đoan hóa chúng ta.

Không có sự kiện (facts), bạn không thể có sự thật (truth). Không có sự thật, bạn không thể có lòng tin (trust). Không có lòng tin, chúng ta không có thực tế chung, không dân chủ và sẽ không thể giải quyết các vấn đề sinh tồn của thế giới: khí hậu, coronavirus, cuộc chiến giành sự thật.

Khi tôi bị bắt lần đầu tiên vào năm 2019, viên cảnh sát nói: “Ma’am, trabaho lang po” (Thưa bà, tôi chỉ đang làm công việc của mình). Sau đó, anh ấy hạ giọng và gần như thì thầm đọc cho tôi về các quyền của tôi. Rõ ràng anh ta không thoải mái, và tôi gần như cảm thấy tiếc cho anh ta. Ngoại trừ việc anh ta bắt tôi vì tôi là nhà báo!

Viên cảnh sát này là một công cụ quyền lực – và là một ví dụ về cách một người tốt có thể biến thành ác – và về cách các hành động tàn bạo khủng khiếp xảy ra thế nào. Hannah Arendt đã viết về sự tầm thường của cái ác khi mô tả những người đàn ông thực hiện mệnh lệnh của Hitler, về việc những kẻ quan liêu muốn thăng tiến sự nghiệp có thể hành động vô lương tâm vì biện minh rằng mình chỉ làm theo mệnh lệnh.

Đó là cách một quốc gia – và thế giới – đánh mất linh hồn của mình.

Bạn phải biết mình đang đấu tranh cho những giá trị nào và phải sớm vạch ra ranh giới – nhưng nếu bạn chưa làm như vậy, hãy làm điều đó ngay bây giờ: bên nào là thiện, bên nào là ác. Một số chính phủ có thể thất bại, và nếu bạn đang làm trong lĩnh vực công nghệ, thì tôi muốn nói với bạn.

Làm sao có được sự chính trực trong bầu cử, nếu không có sự chính trực của các sự kiện?

Đó là vấn đề mà các quốc gia có bầu cử vào năm tới phải đối mặt: trong số đó có Brazil, Hungary, Pháp, Hoa Kỳ, và Philippines của tôi – nơi chúng tôi đang đứng trước thời điểm sống còn với cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9 tháng 5. Ba mươi lăm năm sau cuộc nổi dậy của Quyền lực Nhân dân lật đổ Ferdinand Marcos và buộc gia đình ông ta phải sống lưu vong, con trai ông ta, Ferdinand Marcos Jr. là người đang dẫn đầu – và anh ta xây dựng một mạng lưới thông tin sai lệch rộng lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội, mà Rappler đã vạch trần vào năm 2019. Điều đó đang thay đổi lịch sử ngay trước mắt chúng ta.

Để cho thấy thông tin sai lệch là một vấn đề cả địa phương và toàn cầu như thế nào, hãy xem các hoạt động thông tin của Trung Quốc đã bị Facebook gỡ xuống vào tháng 9 năm 2020: nó đã sử dụng ảnh do AI tạo ra, tạo tài khoản giả cho cuộc bầu cử Mỹ, đánh bóng hình ảnh của cha con Marcos, vận động cho con gái của Duterte, và tấn công tôi và Rappler.

Vậy chúng ta sẽ làm gì?

Một quả bom nguyên tử vô hình đã phát nổ trong hệ sinh thái thông tin của chúng ta, và thế giới phải hành động như sau vụ Hiroshima. Cũng giống như thời điểm đó, chúng ta cần tạo ra các thể chế mới, như Liên hợp quốc, và các quy tắc mới nêu rõ các giá trị của chúng ta, như tuyên ngôn nhân quyền toàn cầu, để ngăn chặn nhân loại làm điều đó tồi tệ hơn. Có một cuộc chạy đua vũ trang trong hệ sinh thái thông tin. Để ngăn chặn điều đó, đòi hỏi một cách tiếp cận đa phương mà tất cả chúng ta đều phải tham gia. Nó bắt đầu bằng cách khôi phục lại các sự kiện.

Chúng ta cần hệ sinh thái thông tin sống và chết bởi các sự kiện (facts). Chúng ta thực hiện điều này bằng cách dịch chuyển các ưu tiên của xã hội để xây dựng lại nền báo chí cho thế kỷ 21 đồng thời điều chỉnh và đặt ra ngoài vòng pháp luật hoạt động kinh tế giám sát thu lợi từ thù hận và dối trá.

Chúng ta cần giúp báo chí độc lập tồn tại, trước tiên bằng cách bảo vệ nhiều hơn cho các nhà báo và đứng lên chống lại các Quốc gia đang nhắm mục tiêu vào các nhà báo. Sau đó, chúng ta cần giải quyết sự sụp đổ của mô hình quảng cáo cho báo chí. Đây là một phần lý do mà tôi đồng ý làm đồng chủ tịch Quỹ Quốc tế về Truyền thông Lợi ích Công cộng, quỹ đang cố gắng huy động nguồn tiền mới từ các quỹ hỗ trợ phát triển ở nước ngoài. Hiện nay, trong khi báo chí đang bị tấn công trên mọi mặt trận, chỉ có 0,3% vốn ODA được chi cho báo chí. Nếu nâng con số đó lên 1%, chúng ta có thể huy động được 1 tỷ đô la mỗi năm cho các tổ chức tin tức. Điều đó sẽ rất quan trọng đối với miền nam toàn cầu.

Nhà báo phải đón đầu công nghệ. Đó là lý do tại sao, với sự trợ giúp của Google News Initiative, Rappler đã triển khai một nền tảng mới cách đây hai tuần được thiết kế để xây dựng các cộng đồng hành động. Công nghệ trong tay các nhà báo sẽ không được lan truyền rộng rãi, nhưng cũng giống như rau quả, chúng có ích hơn cho chúng ta, vì ngôi sao Bắc đẩu không chỉ là lợi nhuận mà là sự kiện, sự thật và lòng tin.

Bây giờ đến lượt luật pháp. Cảm ơn EU đã dẫn đầu với Kế hoạch Hành động vì Dân chủ của mình. Đối với Hoa Kỳ, đó sẽ là cải cách hoặc xóa bỏ điều 230, luật coi các nền tảng truyền thông xã hội giống như các tiện ích. Đó chưa phải là một giải pháp toàn diện, nhưng nó sẽ khiến quả bóng lăn. Bởi vì các nền tảng này đang thò tay vào quy mô phân phối. Vì vậy, trong khi các cuộc tranh luận công khai tập trung vào hạ nguồn kiểm duyệt nội dung, thì trò ảo thuật thực sự diễn ra ở phía thượng nguồn, nơi các thuật toán phân phối được lập trình bởi những con người với những thiên kiến đã được định sẵn trong họ. Nghị trình biên tập của họ hướng đến lợi nhuận, được thực hiện bởi máy móc trên quy mô lớn. Tác động là toàn cầu, với những đội quân rẻ mạt trên mạng xã hội đã phá hủy nền dân chủ ở ít nhất 81 quốc gia trên thế giới. Sự không bị trừng phạt đó phải dừng lại.

Dân chủ đã trở thành một cuộc đấu tranh của từng cá nhân, nữ và nam, nhằm bảo vệ các giá trị của chúng ta. Chúng ta đang đứng trước lựa chọn, hoặc có thể tiếp tục đi xuống và tiến sâu hơn vào chủ nghĩa phát xít, hoặc mỗi người chúng ta có thể chọn chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Để làm điều đó, bạn phải tự hỏi mình: BẠN sẵn sàng hy sinh gì cho sự thật?

Tôi đã không biết liệu mình có ở đây hôm nay hay không. Mỗi ngày, tôi sống với mối đe dọa thực sự là phải ngồi tù phần đời còn lại chỉ vì tôi là một nhà báo. Khi về nhà, tôi không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng điều đó đáng để mạo hiểm.

Sự hủy diệt đã xảy ra. Bây giờ đã đến lúc tạo dựng – tạo ra thế giới mà chúng ta muốn.

Bây giờ, xin hãy cùng tôi nhắm mắt lại. Và tưởng tượng thế giới như nó phải là. Một thế giới hòa bình, tin cậy và đồng cảm, mang lại những gì tốt nhất có thể cho chúng ta.

Bây giờ, hãy đi và biến nó thành hiện thực. Hãy bảo vệ lý tưởng của chúng ta. Cùng nhau.

Nguồn: FB Phạm Phương Đạt