Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Bốn mùa thay lá…

Để tưởng nhớ họa sĩ Đinh Cường)

Nguyễn Trọng Chức

Sau gần 10 năm, vào những ngày cuối thu 2008, tôi mới trở lại Virginia, cũng là lần thứ hai đến với ngôi nhà có cả một cánh rừng phía sau và bên trong là một vùng đầy ắp kỷ niệm quê nhà.

“Nghệ thuật là phản đề của nỗi cô đơn”

Chủ nhân ngôi nhà dường như không già đi sau khoảng thời gian gần 10 năm ấy. Ông giống như cánh rừng sau nhà, bao mùa đã trôi đi mà rừng vẫn thế: mùa xuân vừa mở/ mùa hạ khói mây/ mùa thu tàn tạ/ mùa đông nhạt nhòa (ca từ Trịnh Công Sơn). Lần trước là vào chớm hè, rừng đang xanh lá và lúc này – khi tôi đang ở đây – là thảm lá vàng xao xác theo từng cơn gió cuối thu, và đông đang đến thật gần. Chỗ ông vẽ nhìn ra cánh rừng bốn mùa thay lá ấy. Rừng cây như đời người. Bao nhiêu là nhung nhớ và kỷ niệm…

Đinh Cường mở một chai Bordeaux. Nhấp ngụm rượu, nghe chất dịu ngọt thấm dần và ngắm nhìn màu xám trong tranh ông, cũng là màu xám của Utrillo, của Bùi Xuân Phái – những người mà ông yêu mến, phả lên những chân dung bè bạn một thời ở quê nhà, loạt tranh mà ông, trong chuyến trở về mới đây, dự định mang về bày ở Huế cùng với những tranh thiền nhưng việc không thành. Này là Trần Vàng Sao, Nguyễn Đức Sơn, Quách Thoại, kia là Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn…

Cũng vẫn một màu xám chủ đạo trong những bức trừu tượng gần đây nhất của Đinh Cường. Cái sắc xám hiu hắt đến mênh mông ấy ôm trọn bức Paris xám. Thành phố của những tài hoa nghệ thuật năm châu tụ tập mà ông từng mơ ước được đặt chân đến từ thiếu thời, được ông ngắm nhìn từ nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur) trên đồi Monmartre vào một chiều đông năm 1996 nhưng mãi mười năm sau mới trở thành tác phẩm.

Đó cũng là cái sắc xám nặng trĩu trong Rừng câm: “… Đó là sự tịch lặng của những năm tháng tôi âm thầm làm việc cô đơn nơi này. Cảnh rừng sau nhà ở chỗ vẽ nhìn ra mỗi ngày. Có ngày dông lớn, có đêm bão tuyết, có mùa đông cây trơ cành, mùa thu rừng ngập lá vàng như khu rừng Klimt vẽ… hay bây giờ là mùa xuân xanh lá cây. Tôi đã có bao điều muốn nói và đã chôn dưới lớp màu chồng chất. Suốt ba tháng mùa đông băng giá… tôi chỉ vẽ bức này. Đó là hình ảnh tôi càng nhìn càng thấy như Chúa bị đóng đinh cùng cánh rừng… Rừng câm mà tiếng gió lớn như lửa táp…” (*)

Đó là tiếng lòng của một nghệ sĩ xa quê cứ mãi canh cánh một niềm hoài hương. 15 năm ở Burke, vùng đất đẹp đẽ của bang Virginia, nơi có đủ bốn mùa, không khí đất trời thanh sạch vậy mà trong tranh ông dường như lúc nào cũng chất chứa một nỗi cô đơn. “Mùa xuân, mùa hè tôi đi dạo trong rừng nhưng mùa đông thì chỉ ngồi một mình trước giá vẽ, nhìn mãi cánh rừng trụi lá…”.

Chậm rãi, Đinh Cường mở từng ngăn ký ức. Những mảng quá khứ được xới lên. Những thư từ bè bạn có khi từ hơn nửa thế kỷ trước, những bài báo cũ của thời sống và vẽ ở quê nhà mà ông cẩn trọng gìn giữ, những chân dung bằng hữu vẽ nhau trong những lần hội ngộ ở những chân trời xa xôi… Thật nhiều trong cái kho tàng kỷ niệm ấy là những vết khắc lạ lùng của một con người tài hoa vào bậc nhất: Trịnh Công Sơn. Những chân dung Sơn vẽ bạn vào nhiều giai đoạn sáng tác của Đinh Cường, và những bức tranh nhỏ đẹp đến khó tin của anh. “Mỗi lần mở ra xem lại, lại nhớ và buồn…”.

Nhưng làm sao khác được. Có một câu của Samuel Beckett mà Đinh Cường ghi trong thư phòng của ông: “Nghệ thuật là phản đề của nỗi cô đơn”. Chính trong nỗi cô đơn, trong những ám ảnh của hoài nhớ và kỷ niệm về quê nhà và bè bạn mà ông đã vẽ được nhiều như thế. Tranh và tranh và tranh chật kín trong studio và thư phòng của ông cũng như ở khắp ngôi nhà phía sau là một cánh rừng bốn mùa thay lá: “Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây… bốn mùa thay lá thay hoa, thay mãi đời ta… Những nụ mầm mới, để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười (ca từ Trịnh Công Sơn).

Trong một buổi chiều cuối thu, tôi đã tìm thấy trong tranh Đinh Cường những nụ mầm mới và hình dáng nụ cười được hoài thai từ nỗi cô đơn. Đinh Cường nói với tôi về một triển lãm sẽ làm tại quê nhà sắp tới, và phải vào một dịp nào đó thật đặc biệt. Thế mà mùa xuân tới đây ông đã vào tuổi bảy mươi… Rừng cây có bao giờ già không nhỉ?

Bức chân dung mùa thu

Trong ngôi nhà ấy có rất nhiều tranh của các họa sĩ bè bạn, thân thiết với ông như Thái Tuấn, Nguyễn Trung, Nguyễn Cầm, Nguyễn Trọng Khôi, Bửu Chỉ... cùng khá nhiều tranh của Trịnh Công Sơn vẽ tặng bạn.

Đến đây, khách có cảm giác như bước vào một gallery: tranh treo ở phòng khách, phòng sinh hoạt, phòng ăn... và nhiều nhất là ở tầng hầm – nơi Đinh Cường làm studio vào mùa lạnh, nơi có một khoảng không ngoài trời tiếp giáp với cánh rừng phía sau nhà, cũng là nơi lưu giữ nhiều tranh nhất của ông và bè bạn. Trong số những tác phẩm kỷ niệm của nhiều tác giả, có mấy bức tranh chân dung thiếu nữ thật quen thuộc với những người đã từng biết đến một gương mặt lớn của hội họa đương đại Việt Nam: họa sĩ Nguyễn Trung. Đáng chú ý nhất là một bức thiếu nữ giữa rừng thu sắc vàng kỳ ảo.

Với nhiều người Việt định cư tại Mỹ, mùa thu ở vùng Đông Bắc Mỹ có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm, khi lá cây phong (maple) với nhiều loại khác nhau – đổi từ sắc xanh sang vàng, cam, đỏ, tía, nâu... Khi đó, những rừng cây trở thành một rừng màu sắc mê hoặc. Mùa thu đẹp đến độ có một họa sĩ sang Mỹ đã nhiều năm, cũng sống ở vùng Đông Bắc, đã chứng kiến bao mùa thu đã qua đi song anh vẫn thú nhận: “Mình chưa từng có ý nghĩ sẽ vẽ mùa thu ở đây, bởi chỉ cần ngắm nhìn là đã choáng ngợp với bao sắc màu, không đủ can đảm cầm cọ nữa...”.

Trong bức tranh thiếu nữ với mùa thu của Nguyễn Trung, cô gái mơ màng trong tà áo lụa vàng, phía sau cô là một cánh rừng thu. Chìm trong màu thu bất tận, cô gái chính là vẻ đẹp của mùa thu và ngược lại.

Đinh Cường kể: “Khi Nguyễn Trung sang Mỹ vào năm 2005, anh đã đến đây và sống trong ngôi nhà này suốt ba tháng, lúc ấy Virginia cũng đang vào thu. Ở đây, Nguyễn Trung đã vẽ được vài bức tranh, trong đó có bức chân dung này”. Nhân vật trong tranh không ai khác hơn là con gái ông – Đinh Dạ Châu. Còn cánh rừng thu trong tranh chính là khu rừng phía sau nhà, mà từ một bancông gỗ nhìn ra có thể ngắm nhìn trọn vẹn sắc lá đẹp nhất vào lúc chuyển mùa từ hạ sang thu, rồi từ lúc đông chuyển sang xuân, khi cánh rừng trụi lá bật xanh những chiếc chồi non...

 

1

2

Góc phòng vẽ

3

Chân dung Nguyễn Đức Sơn

4

Chân dung Trịnh Công Sơn

56

Tranh Đinh Cường

7

Phòng khách với hai bức tranh thiếu nữ của Nguyễn Trung, bên trái là bức “Chân dung mùa thu”

8

Dạ Châu với tranh chân dung cô

9

Đinh Cường ở Burke, Virginia (tháng 11-2008)

10

Nâng ly mừng ngày gặp lại

(*) Trích thư Đinh Cường gửi một người thưởng ngoạn tranh ông trong triển lãm năm 2007 tại Westminter, California