Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Tân Liêu Trai

Nguyễn Đức Tùng

clip_image001

Hoan vốn người miền Trung, trôi nổi vào Sài Gòn làm nghề buôn bán lặt vặt, trơ trọi một thân, không vợ con, chẳng điền sản gì ráo ngoài các căn nhà nhỏ. Nhưng đó không phải là nhà của chàng. Rằm tháng giêng Hoan vào vườn Tao Đàn. Người đi lễ bái đền Hùng rất đông. Trên loa phóng thanh đọc đi đọc lại rền rĩ bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, trước cửa đền Hùng vô số con đồng hát, mỗi người đem theo hàng chục đệ tử, quỳ lạy lung tung trước một bàn thờ. Hoan không hiểu sao trong đền Hùng có ba bàn thờ, một thờ vua Hùng ở chính giữa, một thờ mẹ Âu Cơ ở một bên, một thờ một bậc bô lão râu dài ở bên kia, mà chàng không biết là ai, đoán là vị hoàng tử nhỏ nhất của vua Hùng, chỉ lấy làm lạ là nhiều người thắp nhang khấn bái ở đó, rút tiền ra không ngớt cho vào cái khe hẹp ở bụng của tượng, dưới rốn.

Hoan thấy trong bọn đi lễ có một cô gái vừa tuổi cập kê, sắc đẹp mĩ miều, lấy làm khoan khoái, mon men đến gần. Chàng giả đò cúi lại rồi sờ tay vào bàn chân nàng, vì những người đến tế lễ đều tháo giày để ở cửa. Cô nàng quay lại, giận dữ, rụt chân lại. Hoan chờ cơ hội lại xích người đến gần đưa tay sờ chân nàng như trước. Tan lễ, cô gái ra về, mặt vẫn còn sắc giận.

Trời mùa xuân, hoa đào cùng với mưa xuân rơi lắc rắc, không biết thứ nào nhiều hơn, nhưng việc không thành, Hoan buồn bã, thấy mưa rơi nhiều hơn hoa đào.

Dần rồi tháng này qua tháng khác, ngày mùng một ngày rằm Hoan đều đi lễ đền, đều gặp hai mẹ con, trước lạ sau quen, cuối cùng rồi cũng xuôi. Hoan bán nhà, dành dụm đủ tiền để cưới vợ, vì biết vợ đẹp lại giỏi giang thế nào cũng giúp chồng làm nên. Hoan sinh tật cờ bạc, rượu chè ăn chơi lêu lổng. Vợ hết lời khuyên bảo, nặng nhẹ, khi đọc sách dưới đèn, khi thì thầm bên gối, nhưng chàng chẳng nghe cho, ngày càng hư hỏng.

Được mấy năm hai người không có con, nhưng tình nghĩa vẫn đậm đà. Vợ dành dụm mua cho Hoan một chức vụ cao, thứ trưởng bộ Phá rừng, nhờ đó làm ăn khấm khá, tiền bạc lẻng xẻng. Nhưng càng nhiều tiền Hoan càng ăn chơi, ham mê cờ bạc, gian díu cả với bọn nghiện ngập đường phố. Thân làm quan lớn mà tụ họp với bọn đầu đường xó chợ, ở nơi riêng tư thì ăn nói tục tĩu. Gia sản phải hết. Một hôm tụi bạn lêu lổng đến nhà chơi, nhìn thấy mặt vợ thảy đều kinh ngạc.

Chúng kéo Hoan ra ngoài hiên bảo thầm rằng nếu đem vợ mà bán đi, vào chỗ ăn chơi thì sẽ được một món tiền lớn. Hoan nghe nói động lòng. Một hôm chàng đánh tiếng, người chủ quán một chốn ăn chơi nổi tiếng ở Sài thành đến nhà coi mắt, mới nhìn qua như bị điện giật, rút tiền trả ngay, đòi làm giấy tờ bằng mặt, sợ Hoan đổi ý.

Hoan bán được vợ rồi, mừng lắm, hí hửng đem một cọc tiền cất trong nhà, ngày ngày rút tiền mang đi đánh bạc, ăn chơi, lòng đôi khi hối hận, nhớ lại người vợ cũ vừa xinh đẹp vừa nết na thùy mị, nhưng tính ham chơi trác táng lại nổi lên, bèn quên phắt.

Ngày qua ngày, tiền bạc lần hồi cũng hết, Hoan dùng chức vụ trong chính quyền xoay xở. Nghề gì chứ nghề này thì dễ, lúc nào cũng có kẻ sẵn sàng mua quan bán tước. Chẳng bao lâu chuyện bị lộ, Hoan bị cho vào lò củi của Chánh vương cháy hừng hực. Năm năm sau ra tù, bạn chẳng còn, nhà cửa trống hoang, đồ vật bàn ghế mất sạch, trơ mỗi cái sàn đất lạnh. Chàng đói khát lần mò kiếm ăn, đưa đẩy vào làm nhân viên rửa bát cho hiệu ăn Lạc thú viên. Thật ra hiệu ăn là nơi trá hình của thần rắc muối, bên ngoài là quán bán thịt nướng, bên trong là nơi đàn hát vui chơi, lầu xanh kỹ nữ. Hoan vốn người đọc sách, trông thấy hai chữ Lạc thú viên mà không hiểu nghĩa thật đáng trách. Một hôm được lệnh dọn dẹp mấy căn phòng để đón khách quý. Nhiều người lục tục kéo vào cả chục người, bọn bảo vệ tấp nập dáo dác. Gã khách quý và đàn em gọi chủ quán vào, đòi gặp ca nữ danh tiếng nhất Sài thành. Cô gái được vời tới mặt hoa da phấn, ngồi trong lòng đại gia mà hát. Chẳng bao lâu bọn khách say sưa, vốn có tính cuồng dâm, lột hết áo quần kỹ nữ, trói vào ghế xô pha, chuẩn bị hãm hiếp tập thể. Lúc ấy Hoan tình cờ bước vào, nhìn thấy như bị sét đánh, kêu rú lên. Thì ra kiều nữ không ai khác chính là vợ cũ. Vốn hèn nhát, Hoan bỗng đâu lại lấy được can đảm, không biết sợ gì nữa, xông lại, dùng vỏ bia đập vào đầu khách, máu chảy lênh láng, ôm xốc nàng lên nhảy qua cửa sổ. Chẳng may bọn bảo vệ đến kịp, đè Hoan xuống, chặt đứt hai chân, ném ra đường. Chàng sống sót, trở nên người tàn tật sống cũng như chết, nhiều lúc chán nản vô cùng, nhưng người Việt vốn thà nhục chứ không có máu tự tử, nên Hoan sống lay lất qua ngày, ăn xin chỗ này chỗ nọ.

Một hôm đang ngồi góc đường, chợt thấy mấy bông hoa hải đường đỏ rực phô sắc đầu cành như những nét chấm phá cho quãng đời vàng son thuở trước, chàng chạnh lòng mang thân về chốn cũ. Đền Hùng nay cũng khác, sơn son thếp vàng diêm dúa, sau làn mưa xuân lất phất, người đi lễ tấp nập hơn xưa. Vào đền càng ngạc nhiên, ba bức tượng thờ vẫn còn đó nhưng thay đổi vị trí, bức tượng vua Hùng được dời qua bên trái, tượng Âu Cơ qua bên phải, tượng ông lão râu dài mà chàng nghi là con út của vua Hùng đặt chễm chệ chính giữa, kê cao hơn, sắc mặt trắng hơn xưa không ra vẻ giận không ra vẻ vui, không ra vẻ bằng lòng cũng không ra vẻ không bằng lòng, bụng lớn như Phật Di Lặc vì phải hứng quá nhiều tiền cúng bái. Hoan ngồi lì suốt ngày ở đó, tai nghe bài thơ Đất nước phát đi phát lại như khóc như than, như oán như hờn, thơ hay thành thơ dở, chữ đẹp thành chữ xấu, đến bữa qua xóm ăn cơm bụi, kỳ dư ngẩn mặt nhìn đời. Có người quen biết thân thế chàng ghé hỏi bỡn, Hoan ngậm miệng không trả lời. Một hôm đang ngồi trước cửa đền thì gáy chàng chợt lạnh, một luồng gió mát thổi qua, tà áo phấp phới, xiêm lụa loạt xoạt, phu nhân của bậc quyền quý từ Hà Nội đỗ xịch xe trước cửa, trên xe bước xuống. Hoan ngẩng mặt, chết điếng: chính là vợ cũ của chàng. Lòng rối tơ vò, Hoan ráng lết qua cửa, chờ khi nàng quỳ xuống trước bức tượng lâm râm cầu khấn trong ánh đèn mờ tỏ, chàng liền giở trò cũ, đưa tay sờ vào gót chân son. Nàng quay phắt lại, quắc mắt la mắng:

– Đồ khốn kiếp. Ngày trước mày bơ vơ như kẻ không nhà, người chua như giấm, mồ hôi nồng nặc, tóc tai bờm xờm. Khi ta về làm dâu nhà mày, sớm hôm quét tước, chăm lo buôn bán, làm cho nhà cửa khang trang, đầy tớ đông đúc, khách quý vãng lai, ta hỏi mày sung sướng như thế sao nỡ ăn chơi đến nỗi mất hết nhân cách?

Mọi người bu lại đứng coi. Nàng nói tiếp:

– Trong bao năm ăn ở ta chẳng làm điều chi xấu, mày ham chơi cờ bạc đành một nhẽ, lại nhẫn tâm bán vợ vào chốn lầu xanh bia ôm karaokê, thật là không có tình nghĩa. Quân ăn ở bạc bẽo.

Bọn con ở nghe nàng hạch tội xúm lại kẻ nhéo tai người nhổ nước miếng, kẻ túm tóc, làm cho Hoan khổ sở vô cùng, giọt châu lả tả. Nàng đưa tay ngăn chúng lại.

– May trời có mắt, bây giờ tàn tật thế này. Nghĩ ngươi cũng có công cứu ta ở Lạc thú viên ngày nọ, thôi cũng tha cho. Hoan cố lết người theo ôm lấy chân nhưng nàng đã co chân đạp rồi bước lên xe rồ máy . Chàng bắt được một chiếc giày trong tay. Nghĩ sao, nàng cúi xuống dặn nhỏ:

– Ta để lại chiếc giày cho ngươi. Khi nào nhớ thì úp mặt vào nó, sẽ được thấy. Nói xong, sập cửa lại, xe số xanh Hà Nội chạy mất.

Hoan mang chiếc giày về nhà, quý hơn kim cương, đêm ngày ôm ấp, ngủ để đầu giường, được vài năm thì tình cờ một hôm trong chiếc giày có giọng hát vang ra. Chính là giọng hát của người cũ. Từ đó về sau hễ khi nào Hoan nghĩ tới nàng, đâm nhớ nhung mà hôn khẽ chiếc giày thì nghe giọng hát. Những khi thèm muốn xác thịt mà ôm lấy, thì nhìn thấy mặt nàng. Nhưng không bao giờ chàng có được cả hai cùng một lúc.

NĐT