Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Người đi hái giấc mơ (6)

Tiểu thuyết ngắn Trương Đình Phượng

image_thumb1_thumb_thumb

22.

Bên ngoài đang mưa. Gió theo cửa hang tốc vào từng cơn. Tôi ngồi bó gối sau đống bì chứa lương thực. Tôi thầm cầu nguyện cơn mưa bên ngoài kia sẽ kéo dài vô tận. Mưa càng lâu thì khả năng sống sót của tôi càng cao, mưa sẽ khiến cuộc truy tìm của bọn cớm bị ảnh hưởng, mọi dấu vết mà tôi để lại trong rừng cũng sẽ bị nước mưa tẩy xóa.

Vĩnh viễn tôi không thể quên nét mặt đầy thỏa mãn của Thắng Cần Câu khi hắn chĩa họng súng về phía Luận và cười điên cuồng nói:

-Mày cảm thấy thế nào hả tên chó săn kia, lần trước mày đã may mắn thoát khỏi viên đạn của công lý còn lần này để tao xem ông trời còn giúp loại cặn bã như mày được nữa không!

Luận ngẩng mặt nhìn lên trời cười ha hả:

-Đã dám bước chân vào cuộc phiêu lưu thì quan tâm gì chuyện chết sống chứ. Tao đã biết rồi sẽ có ngày tao và mày một lần nữa nói chuyện thẳng thắn với nhau bằng họng súng.

Thắng càng cười lớn nói:

-Mày rất cáo già và cũng cực kỳ thông minh, nhưng rất tiếc sự thông minh quá mức đôi khi lại phản tác dụng.

Luận nhổ toẹt bãi nước bọt nói:

-Tao không cần lời khen đểu giả của mày, dù tao có như thế nào thì tao cũng dám tự tin tao sống không dơ bẩn như mày.

Mặt Thắng ngay lập tức sa sầm, da mặt giần giật, nụ cười trên môi càng thêm mười phần đểu cáng.

Điệu đàn và tiếng hát xẩm như xé ruột băm hồn của lão Quang mù từ đâu đó vẳng đến:

“đá màu ơi đá màu

mi gây chi bao cảnh đọa đày

mi khiến cho kiếp người hóa điêu linh

mi làm cho lòng người thành tàn ác

mi khiến xui thịt đổ máu tràn

ôi kẻ có quê hương không được trở về

kẻ có gia đình thành hồn ma tha phương”

Lời ca sầu thảm vừa dứt thì cũng là lúc tôi đau đớn chứng kiến viên đạn của một tay cớm xuyên qua ngực thằng Thuận Rỗ, nó không kịp kêu lên một tiếng đổ gục xuống, thằng Tiến Phân Trâu thét lớn:

-Thuận ơi, tao trả thù cho mày đây.

Đoàng, đoàng!

Máu từ người thằng Tiến phún ra nhuộm mờ sắc nắng.

Buổi trưa mùa thu ngập tràn mùi vị tang thương.

Luận đứng chắn trước mặt tôi, miệng không ngừng nói:

-Trí, mày không được manh động, hãy đứng im đằng sau tao, hiểu chưa?

Tôi rấm rứt:

-Nhưng đại ca…

Luận gằn giọng:

-Câm họng, nín ngay, không được khóc, đời một thằng đàn ông không được để nước mắt làm cho đớn hèn, một kiếp người chỉ một lần chết thì hãy chết cho oanh liệt nhưng nếu cần sống thì nhất định không được liều mạng ngu ngốc, mày hiểu không?

Tôi gạt nước mắt, khẳng khái:

-Dạ, em hiểu đại ca, nhưng anh em ai cũng xả thân thì tại sao em lại không được?

-Câm họng, tao không muốn mày chết, vì mày còn phải đi hái giấc mơ của đời mày. Luận nghiến răng nói. Nhớ nhé, nếu mày may mắn sống sót hãy hái cả giấc mơ giúp bọn tao nữa đấy.

Luận lùi dần, khiến tôi phải lùi theo. Phía sau lưng tôi là bờ vực, bên dưới là con sông Nậm, con sông đã từng nuốt chửng bao nhiêu cái xác của dân đào đá quý, những người không may chết vì sập hầm hay những kẻ bị hành hình đều được ném xuống dòng sông Nậm, thành ra dòng sông Nậm chính là một nghĩa trang không huyệt ở Xứ Máu.

Tôi cúi nhìn con sông, dòng nước chảy cuồn cuộn, tôi như đang thấy hàng trăm oan hồn rên la cầu mong được giải thoát.

Đúng lúc đó một bốn bề dội lại tràng loa như muốn xé nát cả không gian Xứ Máu:

-Tất cả hãy giơ tay đầu hàng để nhận sự khoan hồng của pháp luật, các anh đã bị bao vây, đừng chống cự vô ích.

Tôi hoang mang nhìn Luận và đám anh em, lòng không ngớt tự hỏi mình phải làm sao đây, trong khi tiếng loa của công an vẫn đều đều vang lên như chuỗi tiếng đe dọa của thần chết.

Luận thét:

-Nhảy mau, nếu như mày còn xem tao là đại ca của mày.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên, trời thu xanh nhức nhối. Tôi lao xuống dòng sông. Trước khi chìm vào màn thăm thẳm nước tôi còn kịp nghe một tiếng súng như tiếng quỷ rống dội vào không gian kèm theo đó là tiếng gầm của Luận, tiếng gầm của một con mãnh thú sa cơ.

Từng ấy thời gian làm đàn em của Luận tôi nể hắn thì ít mà sợ hắn thì nhiều.

Dù có nằm mơ tôi cũng không nghĩ ra được rằng Luận lại vĩ đại dường ấy. Trước giờ tôi chỉ thấy thuộc hạ chết vì đại ca chứ chưa từng có kẻ cầm đầu nào lại vì đàn em mà hy sinh cả mạng sống.

Mất hơn năm sáu tiếng đồng hồ vật lộn với dòng nước xiết, tôi mới thoát khỏi dòng sông, ngoi lên bờ, bất chấp bờ bụi gai đâm trốn chạy.

Tôi đến được cái hang này thì hoàng hôn cũng vừa ập xuống, cơn mệt mỏi khiến tôi ngủ thiếp đi cho đến khi cơn mưa điên cuồng vả xuống cánh rừng.

Cái hang và toàn bộ lương thực này Luận đã bỏ bao nhiêu công sức để tạo nên chốn dung thân cho anh em trong bang khi gặp biến, thế nhưng bây giờ chỉ mỗi mình tôi thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của số phận.

Trong hang nghẹn ngào bóng tối, tôi cố căng mắt ra mà nhìn, nhưng hoàn toàn không thấy rõ bất cứ thứ gì, mưa ngoài kia vẫn điên cuồng cười cợt, gió từng trận theo miệng hang thốc vào lạnh buốt, tôi run lên từng hồi như thằng bị sốt rét rừng.

Lũ chuột ngửi thấy hơi người hè nhau kéo đến, chúng chạy quanh tôi như riễu cợt. Tiếng chít chít nối nhau vang lên như khúc nhạc tế vong hồn.

Tôi để mặc chúng cắn vào những ngón chân, có con còn bò lên tận lên cổ lên đầu tôi, lẽ nào chúng nghĩ rằng tôi đã chết, và thứ mà chúng đang đùa bỡn chỉ là một mảnh xác?

Tôi thầm nghĩ, giá như có vật gì đánh ra lửa tôi sẽ quan sát xem bọn chuột đang hả hê như thế nào, chắc là đã rất lâu chúng ở đây cô đơn lắm, giờ có thêm thằng người khiến chúng rôm rả hẳn lên.

Một con chuột đã bò lên mặt tôi, cái mũi của nó cọ vào má tôi nhồn nhột, tôi có thể cảm nhận rất rõ hơi thở của nó, một hơi thở xem ra vô cùng hồi hộp, có lẽ nó đã cảm nhận thấy cơ thể tôi còn ấm, nghĩa là tôi chưa chết, tôi vẫn còn là một thằng người chứ không phải là một con ma.

Con chuột cẩn trọng cắn nhẹ vào má tôi, một cảm giác rờn rợn chạy dọc toàn thân khiến tôi suýt chút nữa đã hét lên, nhưng tôi vội kiềm chế, tôi sợ tiếng hét của mình thoát ra khỏi cái hang này sẽ gây sự chú ý của bọn cớm đang từng phút từng giây truy bắt tôi, như những tay thần chết đang truy tìm một mảnh linh hồn vất vưởng.

Giấc ngủ dịu dàng kéo đến, tôi thiếp đi giữa tiếng chân và nhịp thở của bầy chuột núi.

-Anh bạn người ơi!

Một tiếng kêu thật khẽ.

Trong ánh sáng lờ mờ của ban mai hắt vào từ cửa hang, tôi mở mắt nhìn, tôi kêu lên mừng rỡ:

-Ồ anh bạn kiến bé nhỏ đấy hả? Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau. Bạn khỏe chứ?

- Ừ, tôi vẫn bình thường mà, có khỏe tôi mới đến thăm anh bạn người được chứ. Con kiến nhỏ vừa nói vừa nhoẻn cười.

Dứt lời bò lên bàn tay tôi, nó dụi dụi hai chiếc râu bé xíu vào da tay tôi như tỏ niềm luyến nhớ. Nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra, chảy xuống hai sống mũi, xuống bờ môi, len vào miệng, tôi òa khóc như một đứa trẻ ba tuổi. Con kiến ngẩng lên nhìn tôi, ân cần hỏi:

-Anh bạn người khóc đấy à, bộ anh lại có chuyện gì buồn sao?

Tôi vội đưa tay lau nước mắt, cười tươi nói:

-À không có gì đâu, lâu ngày mới gặp lại bạn nên tôi có chút xúc động thôi.

Kiến nhỏ vẫn ngước mắt nhìn tôi, ôn tồn hỏi:

-Vì sao anh lại ẩn nấp trong cái hang này vậy?

Tôi chua chát đáp:

-Tôi đã bỏ lại anh em trong cơn hoạn nạn, tôi thật khốn nạn phải không kiến nhỏ?

Tôi nâng kiến lên ngang mặt, chầm chậm kể câu chuyện của mình cho nó nghe.

Có cái gì đó rơi xuống bàn tay tôi, lành lạnh.

-Kiến nhỏ khóc đấy à? Tôi hỏi.

-Câu chuyện của anh bạn người làm tôi không thể nào kiềm chế được cảm xúc. Kiến nhỏ đáp.

Tôi đặt bàn tay vào ngực. Một cảm giác ấm áp lan toản khắp cơ thể tôi.

Một con kiến nhỏ nhoi đang sưởi ấm tâm hồn của một thằng người.

-Ngày mai anh bạn người sẽ đi về đâu?

Tiếng kiến nhỏ khe khẽ vang lên.

Tôi nhìn vào quãng thinh không, đáp:

-Tôi cũng không biết nữa, còn kiến nhỏ sẽ đi đâu?

Kiến nhỏ đáp:

-Tôi sẽ đi tìm ngọn núi mà bà tôi thường nhắc tới, bà tôi nói ngọn núi đó là nơi sẽ thỏa mãn điều ước của loài kiến chúng tôi.

Tôi tò mò hỏi:

-Ngọn núi đó ở đâu vậy, rồi ước mơ của loài kiến các bạn là gì?

Kiến nhỏ đáp:

-Ngọn núi đó ở phía mặt trời mọc, sau khi trải qua thung lũng Khổ Đau và đáy vực Tuyệt Vọng tôi sẽ nhìn thấy ngọn núi Niềm Tin và Sự Thật, nhưng muốn leo lên được đỉnh núi tôi còn cần phải gạt bỏ sự hèn nhát của mình mà chiến đấu một trận sống còn với bọn quỷ Lừa Dối Xảo Trá nữa.

Giấc mơ của loài kiến chúng tôi chính là một ngày nào đó chúng tôi sẽ hóa thành những sinh vật khổng lồ để có thể thoát khỏi sự tàn bạo của con người.

Càng nghe kiến nhỏ nói tôi càng ngạc nhiên vô cùng xen lẫn là sự tủi hổ vì mình cũng là một con người. Dưới bàn tay vô cảm của con người nào đâu chỉ riêng loài kiến là nạn nhân của sự tàn ác, vô luân. Chỉ vì lợi ích của chính mình, con người đã đang tâm tàn phá thiên nhiên, giết hại bao nhiêu loài động vật, để rồi cuối cùng con người lại là kẻ gánh lấy hậu quả thảm hại gấp ngàn lần do mình tạo nên. Thế nhưng con người có chịu thức tỉnh nhân tâm chăng? Hay mỗi ngày qua đi con người lại càng hành động man rợ hơn?!

Tôi chợt nghĩ về giấc mơ và khát vọng của tôi. Sự thật thì tôi đang mơ ước điều gì? Ngày mai cái gì đang chờ đợi tôi? Là khổ đau hay hạnh phúc? Là huyệt mộ hay thiên đàng?

Chẳng phải bao lâu nay tôi vẫn đang gắng gượng tồn tại giữa địa ngục mà tự lừa phỉnh bản thân là thiên đàng màu nhiệm đó ư?

Một cánh hoa lìa trần để rồi những cánh hoa khác tiếp tục sinh ra, một sự sống kết thúc đồng nghĩa với sự bắt đầu. Nhưng con người thì sao? Nếu con người chết đi đơn giản chỉ như hạt bụi loãng tan vào cơn mưa, sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới này. Loài kiến nhỏ nhoi còn có những khát khao vĩ đại còn tôi thì sao? Tôi cũng chỉ như những kiếp người hèn mọn ở xứ sở này mà thôi, chúng tôi sinh ra chỉ để sống như lũ vật vờ trên bến sông lặng lẽ, hay nơi ao tù tăm tối hồn nhiên chờ giây phút rũa tàn sinh khí. Khát vọng và ước mơ đối với chúng tôi sao mà xa vời, mờ mịt. Ngay cả mong muốn về một đời sống yên bình tầm thường chúng tôi cũng chẳng dám mạnh dạn nghĩ đến. Ngoài kia bao nhiêu những mặt người, bao nhiêu những bàn tay đao phủ đang sẵn sàng bằm nát những khát khao bé nhỏ?

Thấy tôi lặng im, nét mặt trĩu nặng, kiến nhỏ liền hỏi:

-Anh bạn người sao vậy?

Tôi đáp:

-Qủa thật con người chúng tôi đã làm những điều táng tận lương tâm với loài kiến các bạn, tôi xin lỗi kiến nhỏ nhé.

Kiến nhỏ bò khỏi bàn tay tôi, nó leo lên thành hang và nhìn xuyên qua lỗ hổng, màu trời xanh biêng biếc. Kiến nhỏ nói:

-Kìa, anh bạn người nhìn xem, bầu trời đẹp biết bao, giá như tôi cũng như những cánh chim nhỉ, được bay đi đến nơi nào mình thích.

Tôi đùa:

-Thích gì chứ, không cẩn thận sẽ lọt vào tầm ngắm của lũ thợ săn thì có mà toi đời.

Kiến nhỏ nhìn tôi, nó thở dài:

-Ừ, anh bạn người nói phải. Rồi nó ngoe nguẩy hai chiếc râu vẻ trầm tư, nói. Rốt lại con người các anh muốn điều gì nhỉ? Phải chăng chẳng có bất cứ thứ gì thỏa mãn được lòng tham của con người ư?

-Tôi cũng chẳng biết nữa, kiến nhỏ ạ. Tôi buồn bã thốt.

-Thôi chào anh bạn người nhé, đây có lẽ là lần cuối cùng tôi đến gặp anh đấy. Kiến nhỏ cũng buồn buồn nói.

Tôi hoảng hốt hỏi:

-Sao lại là lần cuối cùng chứ?

Kiến nhỏ đáp:

-Chuyến này tôi tìm đến ngọn núi Niềm Tin và Sự Thật kia, dù thành công hay thất bại thì tôi cũng sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội trở lại tìm anh bạn người nữa đâu.

Kiến nhỏ nói dứt liền bò lên đỉnh hang, rồi nó biến mất, bầu trời xanh biêng biếc cũng không còn nữa, thay vào đó là một màn mây xám xịt, lát sau thì từ bên trên rơi xuống những hạt nước đỏ lòm như máu. Chúng đáp xuống người tôi và kêu lên như những tiếng nức nở.

Tôi cúi nhìn tay mình, hai bàn tay chằng chịt những đường vân như những ngõ mòn chạy qua rừng núi, nhưng tuyệt nhiên không có lối nào dẫn đến chân trời.

Đoàng! Một tiếng sét từ trời cao dội xuống, tôi giật mình choàng tỉnh. Lũ chuột đã bỏ đi từ bao giờ. Tôi uể oải choãi tay ngồi dậy. Không khí trong hang lan man một thứ mùi âm ẩm. Thì ra tôi lại mơ. Một giấc mơ của niềm đau hay hy vọng chính tôi cũng không biết nữa, nhưng có lẽ từ bây giờ giấc mơ ấy sẽ bỏ tôi mà đi như chú kiến nhỏ kia. Nhưng dù chú kiến nhỏ kia có thật hay không thì trong tận cùng đáy tâm hồn tôi cũng luôn thầm cầu nguyện nó sẽ đạt được niềm khát khao của nó. Còn tôi? Tôi thì sao? Đời tôi còn gì để mất? Đời tôi còn gì để gắng gượng nuôi dưỡng niềm tin?

Bên ngoài mưa vẫn từng cơn gào thét. Tận thế rồi chăng? Sao mưa đêm nay hoài không tạnh? Hay mưa muốn xóa sổ Xứ Máu này để không còn những mảnh đời mòn mỏi đi tìm tương lai giữa màn đêm không đích, không còn những cái chết vô nghĩa, không còn những trận chiến vì miếng cơm manh áo?

Đoàng! Lại một tiếng sét kinh hồn. Tôi choàng hai tay ôm chặt lấy mình.

-A ha, ở đây có một miệng hang này các đồng chí. Hình như con Rekmen ngửi thấy hơi người hay gì đó nên nó mới đưa chúng ta đến đây.

Một giọng nói chậm rãi vang lên bên ngoài, nhưng tôi ngỡ đó tiếng của quỷ vô thường đến để đòi mạng mình.

Một giọng khác nối theo:

-Chúng ta tiến vào trong xem sao.

Giọng nói vừa thánh thót vừa ngọt ngào, nhưng lại khiến tôi bàng hoàng vì cái cảm giác vô cùng quen thuộc, hình như tôi và người vừa nói đã từng gặp nhau.

Tôi vùng dậy men theo thành hang chạy sâu vào phía trong. Đám người kia đã bắt đầu vào hang, ánh đèn pin càng lúc càng gần. Tôi cắm cổ chạy, trong lúc đầu óc chỉ nghĩ về một từ “Chết”!

23.

Hai chân tôi bắt đầu rịn máu, cảm giác đau nhức và bỏng rộp thấu tận màng não. Tôi lẩm bẩm, hay mình chấp nhận số phận đi, không được, nếu mình đầu hàng bây giờ thì không chỉ có lỗi với anh Luận cùng các anh em mà còn có lỗi với linh hồn cả cha và mẹ nữa. Cảnh tù tội mình đã từng trải qua rồi, đáng sợ đấy nhưng mình chẳng quan tâm, thế nhưng nếu mình phải tiếp tục ngồi trong phòng giam một lần nữa để được cái gì chứ? Ba năm không thấy mặt trời, ba năm ngậm hờn nuốt tủi mang mối hàm oan đến nỗi mẹ chết không biết, ngày về thì mộ mẹ đã trở nên hoang tàn, mái nhà xưa rạc rượi nỗi buồn mối mọt, làng xóm láng giềng ném ánh nhìn khinh miệt và xa lánh như một thằng mắc bệnh phong cùi, từng đó chưa đủ ư?

Hang càng lúc càng hẹp dần. Xa xa tiếng của đám người vẫn đuổi theo.

-Ái chà, tụi này ghê thật, dự trữ cả một kho lương thế này cơ mà.

-Đầu óc chúng cũng chẳng phải đơn giản đâu.

Tôi dừng chân, ngoái cổ nhìn lại, ánh đèn pin chập chờn như mắt loài linh cẩu.

Lũ chuột nghe tiếng chân tôi từ đâu bỗng mò ra. Tiếng chít chít lại nối nhau vang lên, cái thứ âm thanh vui vui bỗng chốc hóa thành chuỗi thanh âm báo hiệu tử vong. nếu đám người kia nghe tiếng chuột kêu nhất định sẽ đoán ra trong hang có kẻ ẩn nấp, dĩ nhiên bọn người đó sẽ không dễ dàng buông tha, họ sẽ truy cùng đuổi tận, và tôi còn gì ngoài kết cục là cái chết? Chỉ cần một phát đạn, máu tôi sẽ tuôn ra xối xả như dòng thác đổ vào con suối “Giải Thoát”! Nhưng linh hồn tôi sẽ về đâu? Phải chăng nó sẽ trôi dạt đến bến bờ của Lãng Quên và Vô Nghĩa?

-Sao tiếng chuột kêu nhiều thế nhỉ? Một người lên tiếng.

-Hay là trong này còn có kẻ nào đó ẩn trốn? Một người khác phụ họa.

Toàn thân tôi xuất mồ hôi lạnh. Tôi đặt tay lên ngực và thầm cầu nguyện chúa Giê su.

Làng tôi nằm giữa hai xóm công giáo, vì thế khi còn bé sáng nào tôi cũng bị đánh thức dậy rất sớm vì tiếng kinh cầu nguyện. Lâu dần tôi đã thuộc lòng những bài kinh của người công giáo.

Ngay lúc này đây, khi cái chết cận kề thì không hiểu sao người đầu tiên tôi nghĩ đến lại là Đức Chúa!

Một cơn đau đột ngột từ bụng dội lên ngực khiến tôi xây xẩm mặt mày. Mồ hôi càng được đà túa ra như tắm. Tôi oằn mình gục xuống. Bàn tay tôi cố bám vào thành hang lạnh toát.

Lúc này trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh của lão Ngẫu, lão là bạn thân của cha tôi, đợt đó dân làng tôi không ai biết lão Ngẫu phạm tội gì, chỉ biết chính quyền ra thông báo xử bắn lão sau triền núi Quèn. Sáng hôm ấy tôi dậy thật sớm, bát xôi đỗ đen mẹ để phần tôi cũng chẳng thèm ăn, vội vàng chạy sang nhà thằng Tuẫn bạn thân rủ hắn đi xem xử bắn. Hai thằng tôi è cổ đạp con xe cà tàng của bố hắn ra đến nơi thì trời vừa tang tảng sáng. Mọi người đã xúm đen xúm đỏ. Lão Ngẫu bị bịt mắt và trói vào chiếc cọc gỗ giữa bãi đất trống, sau lưng lão là một chiếc quan tài. trước mặt lão bày một chiếc bàn có năm sáu người ngồi, bọn họ đều ăn mặc sang trọng. Một tiểu đội hành quyết gồm mười người, mỗi người cầm một khẩu súng đã được lắp đạn trong tư thế sẵn sàng. Người công an mặc quân phục màu xanh dõng dạc đọc xong tờ cáo trạng liền hô lớn:

Toàn tiểu đội chú ý

Kiểm tra sung! Lên nòng! Bắn!

Tiếng hô vừa dứt, tôi nghe mười phát đạn như một nả vào người lão Ngẫu, tiếng đạn dứt đầu lão nghoẻo về một bên, người công an vừa đọc tờ cáo trạng bước lại gần mở khóa khẩu súng lục ghé vào thái dương lão Ngẫu bóp cò, đầu lão lại rung lên một cái. Tôi sợ hãi ôm chầm lấy thằng Tuẫn òa khóc. Thằng Tuẫn cười hi hi chọc quê tôi, ái chà đồ chết nhát, đã thế còn đòi đi xem xử tử tù. Thật ra lúc đó tôi hoàn toàn không hề có chút sợ hãi, trong đầu óc non nớt của tôi phút giây ấy không biết từ đâu bỗng trỗi dậy niềm thương cảm đối với lão Ngẫu. Lão không cha không mẹ, không vợ con không anh em, lão chết không một tiếng than khóc của đồng loại. Chỉ có một thằng nhóc khờ khạo là tôi nhỏ nước mắt tiễn đưa linh hồn lão về với Chúa Trời. Người ta vừa hạ xác lão Ngẫu vào quan tài thì trời đổ mưa. Cơn mưa như xối. Mọi người hoảng hốt chạy về. Thẳng Tuẫn giục tôi về nhưng tôi không nghe, tôi năn nỉ hắn ở lại xem người ta chôn lão Ngẫu. Tuẫn bảo tôi là thẳng điên, nó vùng vằng bỏ về trước. Tôi ở lại đứng dầm mình dưới cơn cuồng nộ của Chúa.

Người ta chôn lão Ngẫu xong và ra về từ lâu tôi vẫn còn đứng lại. Mấy người công an quát nạt bắt tôi về, nhưng tôi ương ngạnh không nghe, họ chẳng biết làm gì đành mặc xác tôi.

Tôi đứng nhìn mộ lão Ngẫu cho đến tận khi cơn mưa tạnh. Tôi bẻ mấy cành cây dại vuốt sạch lá cắm lên mộ lão làm nhang như khi tôi và mấy thằng bạn đi chăn trâu chơi trò đưa ma cho bọn châu chấu cào cào.

Tôi quỳ xuống rồi lầm rầm cầu khấn cho linh hồn lão Ngẫu được siêu thoát. Mười năm sau người ta khai thác một phần núi Quèn để lấy đất đá xây nhà và làm đường, ngôi mộ của lão Ngẫu cũng bị đào xới lên, sau đó người ta đưa hài cốt lão đi đâu thì tôi không biết. Nhưng mãi đến sau này, mỗi lần đi đâu về qua núi tôi vẫn có thói quen nhìn lên như để tưởng nhớ đến linh hồn lão Ngẫu.

Nếu hôm nay tôi bị bắt, thì liệu tôi có bị người ta xử bắn như lão Ngẫu hay không? Mười viên đạn xuyên vào người có đau không nhỉ? Chắc là cơ thể tôi sẽ nát bấy, máu sẽ tuôn ra òng ọc như khi người ta chọc tiết một con chó? Hay là tôi sẽ chết ngay lập tức và máu sẽ không kịp chảy ra nhỉ?

Tôi dồn hết sức bình sinh gượng đứng dậy, tựa lưng vào thành hang.

Những bước chân càng lúc càng tiến gần. Tay tôi sờ sẫm trên mặt đá lạnh băng. Có một đoạn vách đá lõm sâu vào đủ để một người ẩn nấp. Tôi mừng rỡ ép luôn mình vào, vớ đám dây leo che kín đằng trước rồi nín thở chờ đợi. Đám người đi qua trước tôi, họ lia đèn pin tìm kiếm. Tôi sợ đến mức đái ra cả quần. Một con chuột bò lên cổ tôi, nó cắn rồi nhằn tai tôi như nhằn miếng da lợn.

Con chó nghiệp vụ chừng như đã đánh hơi thấy tôi, nó hít hà ngay dưới chân tôi, khiến tôi suýt vỡ toang lồng ngực. Nhưng nó không sủa, nó hít hà một lát rồi bỏ đi.

Tôi càng nín thở sâu thêm.

Ngay cái lúc tôi cảm thấy toàn thân bại hoại, hơi thở dường như sắp tận thì bỗng nghe thấy tiếng một người nói:

-Chẳng thấy gì cả, chắc là không có ai nấp trong này đâu, thôi chúng ta tạm thời rút lui đã, trời sáng sẽ cho người đến vận chuyển đống lương thực này về đồn.

Mọi người lên tiếng hưởng ứng, rồi đó những bước chân theo nhau rời đi. Tôi buông lỏng người thở hắt ra, dĩ nhiên tôi chỉ dám thở thật khẽ. Bụng tôi sôi lên ùng ục, lúc này tôi mới cảm thấy cơn đói dâng lên như nước lũ, nó bắt đầu hành hạ tôi. Vừa rồi tôi suýt nữa đột quỵ chính vì trải qua quá nhiều sự dày vò cộng với cái đói. Không kịp suy nghĩ, tôi vung tay tóm lấy con chuột đang đùa bỡn với vành tai của mình, con chuột điên cuồng giãy dụa, tôi nghiến răng bóp mạnh tay, con chuột kêu lên một tiếng chít bi thảm ngay tức khắc tắt thở, tôi nhắm nghiền mắt đưa con chuột vào mồm cắn mạnh, một tia máu ấm nóng phọt thẳng vào họng tôi. Vừa tanh vừa tởm, nhưng tôi bất chấp, tôi nghiến hai hàm răng, tay giật mạnh một phát, chiếc đầu chuột đã nằm gọn trong miệng, tôi nén cơn ghê tởm và cố tưởng tượng mình đang nhai một miếng thịt thú rừng nướng thơm phức. Tôi nuốt ực một cái, chiếc đầu chuột trôi qua cuống họng xuống dạ dày. Tôi bỗng cảm thấy cơ thể mình dần có sức sống, tôi tự nhủ, thịt chuột tươi có gì đáng sợ chứ, chết vô ích mới là đáng sợ, vừa nghĩ tôi vừa tiếp tục “thưởng thức” con chuột.

Cuối cùng tôi cũng xơi xong con chuột. Tôi rời chỗ nấp, ngồi bệt xuống nền hang, cơn đói đã qua đi. Lũ chuột chắc là ngửi thấy mùi máu và biết tôi chính là kẻ vừa xơi tái đồng loại của chúng nên chúng chẳng còn dám bén mảng tới trêu ngươi tôi nữa.

Bây giờ bên ngoài đang là đêm hay đã chuyển sang ngày tôi không thể biết, trong hang vẫn chỉ là một màu tăm tối. Tôi tựa vào thành hang tìm giấc ngủ.

Ngủ dậy, cảm thấy tình hình có vẻ đã an toàn, tôi quyết định trở về chỗ cũ. Đã quen với địa hình trong hang nên dù không thấy gì tôi vẫn bước bình thường.

Ngồi tựa lưng vào đám bì chứa lương thực tôi nghĩ thầm, bây giờ mình mà còn nán lại đây lỡ bọn cớm đột ngột xuất hiện thì coi như xong. Tôi mở một chiếc bì, bên trong là các loại lương khô, tôi nhét mấy thỏi lương khô vào người rồi nhanh chóng rời hang.

Bên ngoài đang là buổi chiều.

Một số loài cây đang khoe những nhánh cành trơ trụi, có lẽ cơn mưa đã cướp đi những mảnh lá vàng sau cùng.

Tôi quay đầu nhìn miệng hang lần cuối, rồi ngẩng lên nhìn trời, mùa thu đẹp đến nao lòng, tôi lẩm bẩm, chào Xứ Máu, chào những linh hồn luôn khát thèm một lối về nhé, tôi đi đây.

Và tôi đi, chậm rãi từng bước, tôi dẫm lên triệu triệu xác lá khô mà đi.

Trước mặt tôi là những lối mòn. Hai bên những lối mòn, lũ cỏ sau cơn mưa mọc lên tua tủa.

Tôi tìm đến cái hang nơi cô gái tên Lụa ẩn nấp, nhưng nơi đó chỉ còn lại sự lạnh lẽo và trống trải, mọi vật dụng đã hoàn toàn biến mất, cô gái tên Lụa như một hạt bụi đã loãng tan vào không khí, rất nhiều năm sau đó trong tâm khảm tôi vẫn đau đáu những câu hỏi, rốt cuộc cô gái tên Lụa đó là ai? Và vì sao cuộc tấn công của bang Hắc Cẩu vào lãnh địa của bang Tám Độc Nhãn lại bị bại lộ? Thắng Cần Câu có thật sự là một tay giang hồ chính hiệu? Dĩ nhiên những câu hỏi ấy vĩnh viễn không có lời giải.

24.

Tôi ngồi trước cổng bến xe liên tỉnh, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai bạc phếch. Đã hơn tuần nay tôi đóng vai một gã ăn mày tàn tật, sống bằng sự bố thí của thiên hạ.

Những ngày sống vật vờ khiến tóc tôi bù xù như tổ quạ, râu ria xồm xoàm như lông chó, nhưng như thế lại hóa ra có lợi cho tôi, râu đã che giấu phần nào bộ mặt thật của tôi.

Bà cụ già rót cốc nước trà xanh, bảo tôi:

-Uống đi cậu, cậu tính về đâu?

Tôi khẽ đáp:

-Cháu là dân cửu vạn ạ, cháu ngồi đây chờ ai thuê bốc dỡ hàng thì làm cụ ạ.

Bà cụ vừa lấy thuốc lào trao cho tay xe ôm vừa nói:

-Cậu muốn người ta thuê bốc dỡ thì phải vào hẳn trong bến xe kìa, hoặc tìm đến chợ ấy, chứ ngoài cổng bến xe này ai người ta thuê chứ.

-Vậy hả cụ, cảm ơn cụ nhiều ạ, con mới từ quê lên đây tìm kế sinh nhai nên cũng ngơ ngáo lắm ạ. Tôi nhấp ngụm nước chè, đáp.

-Ồ thế hả, dân quê chất phác mới lên phố sẽ cực lắm nha cậu. Bà cụ nói xong lại bóp bép nhai trầu.

Tôi giả bộ hỏi:

-Cụ có tờ báo nào cho con mượn đọc chút ạ, chờ uống xong cốc nước con sẽ vào trong bến xem sao.

Bà cụ lấy tờ báo dưới gầm bàn trao cho tôi, vừa nhìn vào trang báo đầu tiên tôi đã giật bắn mình. Tiêu đề bài báo viết “Chuyên án IZ32 đã hoàn thành xuất sắc”.

Tôi nhấp thêm một ngụm chè xanh cố trấn tĩnh tinh thần, đọc nội dung bài báo.

“Sau nhiều tháng họp bàn và lên kế hoạch chỉn chu, cuối cùng các đồng chí công an tỉnh X đã hoàn thành xuất sắc chuyên án mang tên IZ32. Các bang đảng hoạt động đào đá đỏ tại QC đã hoàn toàn bị xóa sổ, điều đó đồng nghĩa cái tên Xứ Máu không còn. Đời sống người dân đã trở lại bình ổn sau mấy năm bị đảo lộn.

Những kẻ đào mỏ săn đá quý đa phần là người dân bình thường vì mơ ước đổi đời mà rời bỏ quê hương đi tìm vận may, tuy nhiên trong đó có một số kẻ cực kỳ manh động hung hãn, nhưng cuối cùng lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, chúng đều bị các chiến sỹ quả cảm của chúng ta bắt gọn.

Bang Hắc Cẩu được xem là bang hội quy tụ nhiều tay máu lạnh nhất, cầm đầu là tên Trương Đắc Luận biệt danh Chó Săn. Khi bị các chiến sỹ công an bao vây, chúng kiên quyết chống trả rất ác liệt, nhưng kết quả những kẻ làm ác đều không thoát khỏi bàn tay công lý. Luận và một số tay chân đắc lực đã chết, số còn lại ngoan ngoãn giơ tay đầu hàng chờ mong sự khoan hồng của pháp luật…”.

Tôi không dám đọc tiếp, tay run run đặt tờ báo xuống chiếc bàn gỗ ám đặc màu nước chè xanh.

Vậy là Luận đã chết. Những anh em mà tôi yêu quý nhất cũng chịu chung số phận. Và những đứa giơ tay đầu hàng kia thì sao? Liệu chúng có nhận được lượng khoan hồng chăng, tương lai của chúng sẽ thế nào? Tôi không thể biết. Nhưng dù sao tôi cũng đã nắm rõ kết cuộc của bang Hắc Cẩu, vậy là tôi đã có thể an tâm mà tiếp tục sống tròn kiếp người của tôi trong những ngày còn lại.

Tôi giả bộ hỏi bà cụ tiền nước chè hết bao nhiêu, thật sự hiện tại tôi là thằng nhẵn túi, bà cụ mỉm cười lắc đầu nói không lấy tiền, tôi cũng chẳng tỏ vẻ ta đây khách sao vội cảm ơn bà cụ rồi nhanh chóng rời cổng bến xe đi vào phía trong.

Tôi ngồi bệt xuống mái hiên trước phòng bán vé. Một giờ trôi qua, hai giờ rồi ba giờ trôi qua, vẫn chẳng có ai tìm đến thuê người bốc dỡ hàng. Tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Cái tôi cần bây giờ là tiền, tôi chỉ cần kiếm đủ số tiền để đi tàu hoặc xe mà thôi. Tôi nghe nói hiện tại nhà thờ Ánh Sáng đang lên kế hoạch trùng tu một số chi tiết nên tôi muốn ra ngoài Bắc xin người ta một chân thợ phụ. Ngày trước cha tôi vốn là một thợ xây tài hoa, tuy là dân bên đời nhưng trong ngôi nhà thờ lớn nhất xứ đạo ở quê tôi, những hoa văn hay họa tiết phức tạp đều do tay cha tôi điêu khắc, thế nhưng dù có tài hoa đến đâu thì cuộc đời của cha cũng không thể nào thoát khỏi sự nghèn khổ. Hồi đó, mỗi lần nằm ngủ cùng cha tôi luôn tò mò hỏi về công việc của ông. Có lẽ bản thân cha cũng muốn gửi gắm hy vọng vào tôi, nên những bí mật về kỹ thuật xây dựng cũng như cách thiết kế các loại hoa văn trong nhà thờ cha tôi đều nói với tôi rất kỹ. Sau này lớn lên tôi đã kế nghiệp cha, nhưng tôi chưa lần nào được tham gia xây dựng một thánh đường. Lần này nhất định tôi phải ra được nhà thờ Ánh Sáng, trước hết là để một lần thỏa ước nguyện từ bé của tôi, sau nữa tôi cũng muốn nhờ ơn phước của Chúa tẩy uế cho linh hồn vốn nhiều tội lỗi của mình.

Tôi tin linh hồn cha mẹ tôi trên trời sẽ chỉ đường cho tôi vượt qua những khó khăn đang đón đợi.

Trưa mùa thu bến xe ngập đầy gió và lá, những người ngồi chờ đến chuyến mặt mày hốc hác, phần vì buồn ngủ và cả đói nữa. Mấy thằng nhóc đói quá khóc lên tu tu. Một người phụ nữ vạch áo nhét vú vào miệng thằng con, nó nhả vú ra khóc ngằn ngặt. Người phụ nữ điên tiết chửi, tiên sư bố mày vú đến mồm còn chê, mày muốn cái gì hả thằng ôn con.

Thằng bé khua khua tay lên, mẹ nó càng ré giọng, ái chà mày đòi cái gì trên trời hả con, trên ấy thì có cái gì nhét cho mày no mồm được đâu con ơi.

Đang mệt mà nghe những lời người phụ nữ ấy chửi con tôi cũng phải bật cười.

Cười xong tôi bỗng cảm thấy chua chát, và xót xa cho số phận những con người bần cùng, như tôi.

Một chiếc lá bị gió cuốn bay vào lòng tôi, tôi cầm chiếc lá lên xoay xoay, những đường gân lá li ti như những mạch máu đã khô kiệt. Tôi nhìn chiếc lá đến xuất thần.

-Ê anh kia, có bốc hàng không hả?

Tôi giật bắn mình nhìn lên, trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn, râu ria loàm nhoàm.

Thấy tôi mặt ngáo ngơ, ông ta nhắc lại:

-Thế nào, tôi có lô hàng cần bốc lên xe, anh có làm không?

Tôi như kẻ sắp chết đuối vớ được sợi dây, tôi mau mắn đáp:

-Dạ, có chứ ạ.

Rồi tôi gãi gãi tai hỏi:

-Công là bao nhiêu vậy ạ?

Người đàn ông cười:

-Ôí chà, chưa làm đã nghĩ đến tiền công, nhưng không sao, ngã giá trước cũng được, mười tám bì hàng tôi giả anh một trăm hai mươi bảy ngàn, được chứ?

Tôi nhẩm tính trong đầu, với số tiền đó, ngoài khoản lộ phí xe tôi vẫn còn dư một ít để trả tiền ăn uống dọc đường, tôi gật đầu nhanh hơn cả cái máy. Sợ người đàn ông đổi ý, tôi đứng ngay dậy, vội vàng bước theo ông ta.

Phải mất hơn nửa giờ đồng hồ tôi mới bốc hết số hàng lên xe, chẳng biết trong bì chứa hàng hóa gì nhưng nặng khủng khiếp, bốc xong toàn thân tôi nhễ nhãi mồ hôi, chân tay bải hoải chẳng còn tí sức lực nào, đến nỗi cầm tiền công mà tay tôi cứ run lên bần bật.

Trở lại mái hiên trước phòng bán vé, tôi thấy người phụ nữ đang ngồi nghêu ngao hát ru, thằng bé con đã ngủ say. Tôi đưa hai mươi ngàn cho người phụ nữ, mỉm cười nói:

-Chị ơi, em biếu chị ạ, tuy của ít nhưng lòng nhiều chị nhận giúp em chị nhé.

Người phụ nữ trố mắt nhìn tôi, có vẻ chị ta không thể tin trên đời vẫn còn người tốt như tôi!

Thấy người phụ nữ không đưa tay nhận, tôi năn nỉ thêm:

-Chị nhận đi ạ, em không có ý xấu gì đâu, chỉ là em thấy cháu bé lúc nãy cũng khá là đói, mà hình như chị cũng hết tiền rồi nên em chia sẻ một chút khó khăn với mẹ con chị vậy mà.

Người phụ nữ đưa tay nhận số tiền tôi biếu, rưng rưng nước mắt nói:

-Đa tạ cậu, quả thật trong người tôi không còn đồng nào cả. Số tiền còn lại tôi đã mua vé xe rồi.

Tôi xin phép chị thơm đứa bé một cái, chị vui vẻ đồng ý. Nhìn đứa bé tôi chợt nghĩ, giá như mình được trở lại làm một đứa trẻ như nó nhỉ, rồi tôi bỗng bật cười chính tôi, vớ vẩn quá Ngoi ơi, mẹ mày chết rồi cha mày cũng đã về với Chúa, cõi trần gian chai lạnh này chỉ còn một mình mày cô độc thôi Ngoi ạ, hãy cố mà vươn khỏi vũng bùn để sống cho ra một kiếp người.

-Nào, đến giờ rồi mọi người mau lên xe để còn chuyển bánh. Yêu cầu tất cả các hành khách tự bảo quản lấy hành lý của mình nhé, nếu có mất mát gì xảy ra nhà xe không chịu trách nhiệm đâu.

Tay lơ xe hét toáng lên. Tôi và người phụ nữ vội nói mấy lời tạm biệt, chị ta cúi mình cảm ơn tôi lần nữa.

Người phụ nữ vừa bước lên xe, tôi giơ vé xe ra nhìn, thật trùng hợp tôi và mẹ con chị ta chung một chuyến.

Cũng hay, mình đang cô độc có thêm chị ấy trò chuyện cũng đỡ buồn.

-Này cái anh kia có mau lên không, đàn ông gì lề mề như bà chửa thế hả.

Tay lơ xe gắt gỏng, tôi toe mồm cười rồi lao tót lên cửa phía ca bin.

(Còn tiếp)