Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Giải Booker 2021: “The Promise” của Damon Galgut

Thế Quân

image

Nhà văn Damon Galgut và sử gia Maya Jasanoff,

chủ tịch Ban Giám Khảo Giải Booker 2021

(Hình: The Booker Prize)

image

Tiểu thuyết “The Promise”

(Hình: Literary Hub)

Vào chiều ngày thứ Tư, 3/11/2021, trong một buổi lễ tổ chức tại London được truyền hình trên khắp thế giới, Ban Giám Khảo Giải Booker đã loan báo trao “Giải Booker 2021” (Booker Prize 2021) cho tác phẩm The Promise (Lời Hứa) của nhà văn Damon Galgut, Nam Phi.

Phát biểu trong buổi lễ, chủ tịch ban giám khảo, sử gia Maya Jasanoff, nói: “Ban giám khảo chúng tôi nhận định rằng cuốn sách này thực sự là một thành tựu. Nó là một câu chuyện phi thường kết hợp các chủ đề phong phú – lịch sử của 40 năm qua ở Nam Phi – trong một kết cấu cực kỳ tinh xảo. Trước khi bắt đầu bàn về các tiêu đề riêng lẻ, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về những tiêu chuẩn của một cuốn sách đoạt giải. Một trong những vị giám khảo đã nêu lên sự phân biệt giữa cái rất hay và cái tuyệt hay. Đối với tôi, Lời Hứa cố gắng tập hợp những phẩm chất của cách kể chuyện tuyệt hay – đó là một tác phẩm có rất nhiều thứ để nghiền ngẫm – với cấu trúc và văn phong khác thường. Cứ mỗi một lần đọc cuốn sách, ta lại tìm thấy nó mang lại một số điều mới mẻ.” (…) “Lời Hứa đã khiến chúng tôi kinh ngạc ngay từ đầu vì một câu chuyện xuyên suốt và được xây dựng cực kỳ hoàn hảo về một gia đình người Nam Phi da trắng đang tìm cách điều hướng [cuộc sống] vào lúc kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc và hậu quả của nó. Mỗi một lần đọc, chúng tôi lại cảm thấy tác phẩm như lớn hẳn lên. Với một kỹ thuật viết tự sự hầu như [có tính cách] đánh lừa, tác phẩm đưa ra một cái nhìn thấu suốt cảm động vào sự phân chia thế hệ; suy gẫm về những gì tạo nên một cuộc đời viên mãn – làm sao đối phó với cái chết; và thăm dò những hàm ý ẩn dụ rộng lớn của ‘lời hứa’ trong tương quan với nước Nam Phi hiện đại.” (…) “Đây là một tác phẩm về di sản, những di sản chúng ta thừa kế và những di sản chúng ta để lại, và trong khi trao giải Booker năm nay cho nó, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ âm vang trong lòng độc giả vào những thập niên sắp đến.”

Nhà văn Chigozie Obioma, một trong những giám khảo, nhận xét: “Lời Hứa là một câu chuyện gia đình mở rộng, thăm dò các mối quan hệ ràng buộc nhau giữa những thành viên của một gia đình xuyên qua thấu kính tuần tự của nhiều tang lễ. Cái chết ở đây vừa là một khép lại mà cũng là một mở ra cho những cuộc đời được sống. Đó là một thứ văn phong tự sự khác thường cân bằng giữa sự dồi dào của Faulkner và sự chính xác của Nabokov, mở rộng các biên giới, và là một bằng chứng cho thấy sự hưng thịnh của tiểu thuyết trong thế kỷ 21. Trong Lời Hứa, Damon Galgut đưa ra một lời phê phán rõ ràng, mạnh mẽ về lịch sử của Nam Phi và của chính nhân loại mà có thể tóm gọn đầy đủ nhất trong câu hỏi: liệu một nền công lý thực sự có tồn tại trong thế giới này chăng?”

Phát biểu khi nhận giải, nhà văn Damon Galgut nói: “Đây là một năm tuyệt vời cho văn chương Phi Châu. Tôi xin nhận giải thưởng này nhân danh tất cả các câu chuyện đã được kể ra và chưa từng được kể, những nhà văn đã nổi tiếng và chưa hề nổi tiếng, từ lục địa đặc biệt này, nơi tôi xuất thân. Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm hơn đến văn chương Phi Châu.” Điểm quan trọng trong tác phẩm Lời Hứa là tính hài hước, theo Galgut. “Nó đề cập đến những đề tài nặng ký như tang ma, chết chóc, hư hỏng và bỏ rơi… Tôi không cho rằng tôi mất hết bốn năm viết một tác phẩm để tự làm cho mình suy sụp. Tính hài hước mở ra cho tôi một lối thoát để viết về khía cạnh nhân bản của sự vật, bởi vì tác phẩm thực sự không nói về cái chết, mà về sự sống.”

Lời Hứa bắt đầu vào khoảng giữa thập niên 1980, đánh dấu thời gian cao điểm của chế độ Apartheid (phân biệt chủng tộc) và chấm dứt vào năm 2018, lúc chế độ này đã hoàn toàn lùi vào quá khứ. Đó là câu chuyện của gia đình Swarts da trắng, dòng dõi của những di dân Hòa Lan đến định cư ở Nam Phi vào thế kỷ 17. Chồng là Manie, vợ là Rachel, và ba đứa con. Con trai đầu, Anton, đang thi hành quân dịch, cô gái giữa, Astrid, ở cùng cha mẹ và cô gái út, Amor, là học sinh nội trú. Dựa vào ý tưởng chính đến từ câu chuyện của một người bạn kể lại đám tang của bốn người thân trong gia đình là cha, mẹ, anh và chị mà anh ta tham dự, Damon Galgut xây dựng truyện thành bốn phần, mỗi phần kéo dài một thập niên tập trung vào cái chết của một thành viên trong gia đình Swarts, đưa đến sự suy đồi của dòng họ Swarts.

Phần 1: Đó là vào năm 1986, bà Rachel chết, các con trở về nhà dự tang lễ mẹ. Lúc này, Nam Phi đang nằm dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Trước khi mất, bà trối trăng lại cho chồng, ông Manie, là bà tặng cho Salome, người giúp việc da đen, ngôi nhà mà chị ta ở trên đất của gia đình, để trả ơn cho sự phục vụ tận tâm cùa chị. Manie hứa thực hiện lời vợ dặn, nhưng khi xong tang lễ, ông phủ nhận lời hứa của mình mặc dầu cô con gái út, Amor, bảo là cô đã nghe lén được lời ông hứa với mẹ. Sau tang lễ, Amor trở lại trường, Anton trở về đơn vị, nhưng rồi quyết định đào ngũ, đi trốn ở một nơi thật xa.

Phần 2: Gần một thập niên sau đám tang Rachel, ông Manie qua đời trong một trường hợp hết sức bất thường: tại một buổi họp mặt quyên tiền cho nhà thờ, Manie tình nguyện trèo vào chiếc lồng nuôi rắn của công viên nhằm thử thách đức tin của mình cũng như để phá kỷ lục là người ở lâu nhất trong lồng rắn; ông bị rắn cắn chết ngay lập tức. Tang lễ ông Manie là cơ hội cho cả ba anh chị em có dịp gặp lại nhau. Lúc này, chế độ Apartheid đã sụp đổ, ông Mandela (người bị chế độ nhốt tù 27 năm) đang làm tổng thống và người da đen được hưởng tất cả những quyền lợi như người da trắng. Theo di chúc, Anton được thừa hưởng phần lớn gia tài mà Manie để lại và hứa với Amor là sẽ thực hiện lời hứa cho Salome làm chủ ngôi nhà. Nhưng rồi Anton thất hứa.

Phần 3: Một thập niên nữa trôi qua. Astrid bỏ chồng lấy một người khác. Amor trở về từ London, làm việc cho một cơ sở y tế ở Nam Phi. Anton cưới vợ và về ở tại trang trại của gia đình. Thời gian này, tội phạm tràn lan ở Nam Phi. Trong một lần lái xe, Astrid bị ăn cướp giết chết để lấy xe đem đi bán. Cái chết của Astrid khiến Amor phải trở về nhà dự tang lễ chị. Gặp lại anh trai, cô nhắc lại lời hứa của gia đình đối với người giúp việc, nhưng Anton vẫn tiếp tục làm ngơ.

Phần 4: Đó là năm 2017, một thập niên sau khi Astrid qua đời, Anton đâm ra chán đời. Một đêm, anh ta dùng súng tự tử chết. Trở về nhà dự tang lễ anh lần này, Amor, người duy nhất còn lại trong gia đình Swarts, tìm cách làm tròn lời hứa của cha với Salome. Cô nhờ luật sư giúp đỡ và cuối cùng, sang tên căn nhà cho Salome, đồng thời biếu Salome một số tiền mà nàng thừa hưởng từ tài sản của gia đình. Tính ra, từ khi “Lời Hứa” được người mẹ đưa ra cho đến khi thực hiện, đã 31 năm. Trải qua thời gian quá dài, ngôi nhà nhỏ bây giờ đã xiêu vẹo, đổ nát và Salome tuổi thì cũng đã cao, đang sửa soạn trở về làng quê mình, nên món quà tặng muộn màng chẳng còn giá trị gì, vừa về tinh thần lẫn vật chất, so với lúc được hứa cho. Hơn nữa, thời thế thay đổi, ngôi nhà cũng chẳng còn phải là tài sản của gia đình Swarts vì gia đình này thừa hưởng nó từ những người thực dân Hòa Lan đã cướp đất của người da đen bản xứ từ những thế kỷ trước. Thành thử, tuy nhận được ngôi nhà, nhưng Salome và nhất là đứa con trai của bà, Lukas, không vui, thậm chí còn giận dỗi. Thiện chí của Amor, rốt cuộc, không giúp xóa tan được những bất công mà người da đen bản xứ nói chung, và gia đình Salome nói riêng, chịu đựng dưới chế độ phân biệt chủng tộc trong một thời gian quá dài.

Trong một cuộc phỏng vấn, Damon Galgut diễn tả gia đình Swarts là “Một mớ hổ lốn của mọi thứ khi tôi lớn lên ở Pretoria. Cũng là một hỗn hợp giữa tiếng Anh và tiếng Afrikaans,[*] một hỗn hợp giữa tín điều và đức tin. [Điều đó] chẳng có gì là bất bình thường ở phần đất này trong thế giới. Cái làm cho chúng trở thành ‘tiêu biểu’ không phải là các nhân vật của chúng, mà là những thời đại mà họ sống qua. Tác phẩm được xây dựng chung quanh bốn đám tang, mỗi một đám tang diễn ra trong một thập niên khác, với một tổng thống khác đang nắm quyền và do đó, một tinh thần khác đang ngự trị trên đất nước. (…) Mặc dầu hầu hết chất liệu đó đều là bối cảnh, nó gợi nên một cảm thức về thời gian đang trôi qua và cũng là về đất nước đang thay đổi.” Galgut cho rằng, “thời gian và thời gian trôi qua, đó chính là đề tài thực sự của tác phẩm.”

Lời Hứa là một trong những tác phẩm có tính sáng tạo về hình thức, vay mượn những kỹ thuật diễn đạt mới đã từng được khai triển có hiệu quả trong In a Strange Room, cũng của Galgut, là tác phẩm được lọt vào vòng sơ tuyển giải Booker năm 2010. Theo nhận xét của ban giám khảo, Lời Hứa chịu ảnh hưởng của James Joyce cả về đề tài lẫn văn phong, là một thứ tiểu thuyết “tân hiện đại” (neo-modernist). Người kể chuyện giữ một vị trí mập mờ, khi thì đứng ở ngôi thứ nhất, tập trung trên một nhân vật duy nhất, khi thì đứng ở ngôi thứ ba, đưa ra một cái nhìn sâu sắc và khách quan hơn. Sự nhảy cóc này thường nằm ngay trong một đoạn, nhưng cũng có khi nằm ngay trong một câu. Có những phần và những đoạn được diễn đạt tự do, khá gần với cách diễn đạt “dòng ý thức” của Joyce.

Được hỏi về kỹ thuật viết này, Galgut cho biết là trong khi ông bắt đầu viết tác phẩm theo cung cách truyền thống, thì ông được mời viết một kịch bản phim, buộc ông phải tạm ngưng. Quy ước làm phim hoàn toàn khác với quy ước viết văn. Do đó, khi xong phim, ông quay trở lại viết thì nhận ra rằng “người kể chuyện có thể cư xử như một cái máy quay phim, đang chuyển đến gần rồi bỗng nhiên lùi thật xa ra phía sau, nhảy từ nhân vật này đến nhân vật khác ngay giữa một cảnh, hoặc ngay trong một câu, hoặc đi theo một số đường biên (side line) của hành động chẳng dính dáng gì đến cốt truyện. Ở trong phim, điểm nhìn thường nhảy cóc (jump) và luôn thay đổi, vậy tại sao không thử áp dụng trong tiểu thuyết? Tôi hết sức hứng thú với cách thực hiện này vì nó giúp tôi giải thoát khỏi những cái chật hẹp của truyền thống, và cho phép tôi thả lỏng cho những tạp âm luôn luôn chen chúc nhau bên trong tôi, muốn được lắng nghe.”

*

Damon Galgut sinh ở Pretoria, thủ đô Nam Phi, vào năm 1963, thuộc dòng dõi những di dân da trắng từ Châu Âu đến định cư ở Nam Phi từ thế kỷ 17. Khi lên 6 tuổi, ông bị ung thư, phải nằm bệnh viện nhiều năm, gây nên một chấn thương nặng nề, ảnh hưởng lớn lao vào cả cuộc đời ông. Lòng yêu thích chuyện kể phát triển trong thời gian tĩnh dưỡng vì được thân nhân đọc sách, truyện cho ông nghe. Về sau, ông theo học kịch nghệ tại University of Cape Town và trở lại giảng dạy tại đại học này. Ông là người đồng tính. Chính điều này khiến cho ông tập trung nhiều vào các quan hệ với nam giới trong các tác phẩm của ông. Ông “nghiện” Yoga, không sử dụng xe hơi và truyền hình. Ngoài ra, thay vì sử dụng máy vi tính, ông thích sáng tác bằng viết tay, rồi sau đó mới sao chép lại vào máy vi tính.

Damon Galgut đã xuất bản 9 tiểu thuyết:

A Sinless Season (1982)

Small Circle of Beings (1988)

The Beautiful Screaming of Pigs (1991)

The Quarry (1998)

The Good Doctor (2003)

The Impostor (2008)

In a Strange Room (2010)

Arctic Summer (2014)

The Promise (2021)

Ngoài ra, Galgut cũng xuất bản 4 vở kịch: “Echoes of Angers,” “Party for Mother,” “Alive and Kicking” và “The Green’s Keeper.”

Tiểu thuyết đầu tay A Sinless Season được sáng tác vào năm ông 17 tuổi. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong số đó, The Beautiful Screaming of Pigs đoạt giải Central News Agency Literary Award và The Good Doctor đoạt giải Commonwealth Writers Prize Africa Region for Best Book là hai giải rất có uy tín ở Phi Châu. Hai tác phẩm The Good DoctorIn a Strange Room đã từng lọt vào vòng chung kết giải Booker. Riêng tác phẩm The Quarry được một công ty điện ảnh Bỉ quay thành phim. Năm 2013, Damon Galgut được bổ nhiệm vào Viện Hàn Lâm Văn Chương Nghệ Thuật Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Letters).

The Promise là một trong sáu tác phẩm lọt vào vòng chung kết. Năm tác phẩm kia là: No One Is Talking About This, tác phẩm đầu tay của Patricia Lockwood (Mỹ); The Fortune Men của Nadifa Mohamed (Somali-Anh); Great Circle của Maggie Shipstead (Mỹ); A Passage North của Anuk Arudpragasam (Sri Lanka); và Bewilderment của Richard Powers (Mỹ). Ban giám khảo giải năm nay gồm có: sử gia Maya Jasanoff, nhà văn Horatia Harrod, nghệ sĩ Natascha McElhone, nhà văn Chigozia Obioma và nhà văn Rowan Williams.

Được thành lập vào năm 1969, Giải Booker mở ra hàng năm dành cho những nhà văn thuộc bất cứ nước nào trên thế giới với tác phẩm sáng tác bằng Anh văn và xuất bản ở Vương quốc Anh hay Ái Nhĩ Lan. Người đoạt giải sẽ nhận được 50 ngàn bảng Anh; người có tác phẩm được lọt vào vòng sơ tuyển sẽ nhận được 2.500 bảng Anh. Trong danh sách những nhà văn đã đoạt giải Booker trong quá khứ, có nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như Margaret Atwood (Canada, 2 lần), J.M. Coetzee (Nam Phi, 2 lần), Arundhati Roy (Ấn Độ), Salman Rushdie (Anh gốc Ấn), V.S. Naipaul (Anh gốc Trinidad)…

Thế Quân
(11/2021)

____________

Tham khảo:

– Booker Prizes
https://thebookerprizes.com/the-booker-library/authors/damon-galgut

– Northeast Regional Library
https://nereg.lib.ms.us/2021-booker-prize-winner-announced/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=2021-booker-prize-winner-announced

– The Guardian
https://www.theguardian.com/books/2021/nov/03/damon-galgut-wins-booker-prize-the-promise

– New York Times
https://www.nytimes.com/2021/04/15/books/review/damon-galgut-promise.html


[*] Afrikaans, được sử dụng tại các nước Nam Phi, Zimbabue và Namibia, là ngôn ngữ của người Afrikaaners, hậu duệ của những di dân gốc Hòa Lan (Dutch) sang định cư ở vùng nam lục địa Phi Châu vào các thế kỷ 16, 17.