Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 94)

Hoàng Hưng

941. Life space: Không gian sống

[trong Thuyết về Trường (Field Theory)], là “tổng số những sự kiện có thể xảy ra” đối với một người trong một thời gian cụ thể, nghĩa là, những lựa chọn có thể có cùng với môi trường chứa đựng chúng. Không gian sống là một biểu trưng của các ảnh hưởng môi trường, sinh học, xã hội, và tâm lí xác định một thực tại độc nhất của một con người ở một thời điểm nhất định. Chứa đựng bên trong không gian sống là những năng lực tác động tích cực và tiêu cực, nghĩa là những lực hay áp lực đối với cá nhân để tiếp cận một mục tiêu hay di chuyển khỏi một hiểm nguy được tri nhận.

942. Life-space interview: Phỏng vấn về không gian sống

Một hình thức can thiệp vào khủng hoảng, gồm những kĩ thuật và chiến lược trong đó trẻ em đang được điều trị được các nhân viên điều trị phỏng vấn trong các thời điểm khủng hoảng hay căng thẳng, chẳng hạn, ngay sau khi bị một đứa trẻ khác tấn công. Những nỗ lực được thực hiện để chuyển đổi những sự kiện hàng ngày này thành các trải nghiệm trị liệu bằng cách khôi phục lòng tin của trẻ em vào chính mình và tăng cường cái Tôi của chúng. Bắt nguồn từ nhà Tâm lý học Mĩ gốc Áo Fritz Redl (1902-1988).

943. Life-span perspective: Cách nhìn (Phối cảnh) cả đời

Một cách nhìn (phối cảnh) tổng quát nhấn mạnh rằng (a) sự phát triển của con người là một diễn trình thay đổi trong cả đời; (b) sự thay đổi trong phát triển là đa chiều và đa hướng, bao gồm cả được và mất – nghĩa là, cả tăng và giảm – trong hiệu năng thực hiện (những nhiệm vụ nhận thức) khi người ta già đi; (c) có sự uyển chuyển trong hành vi của con người suốt một đời.

944. Lightning calculator: Năng lực tính nhanh như chớp

Một năng lực cá nhân tính nhẩm cực nhanh. Trong khi một số có IQ cao, phần lớn những người này có năng lực chuyên biệt rất phát triển nhưng không đặc biệt cao về IQ.

945. Liking scale: Cân đo sự yêu thích

Một cách đo đạc [với bảng câu hỏi] mức độ hấp dẫn của một người khác đối với một cá nhân, thường bao gồm ý muốn làm bạn với người ấy cũng như sự đánh giá tích cực về những đặc trưng nhân cách của người ấy. Một cách đo đạc như thế đã được công bố bởi nhà Tâm lý học xã hội Mĩ Zick Rubin (1944-) vào năm 1973. Mặc dù Rubin phân biệt cách đo đạc này với cân đo tình yêu (love scale) của ông, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy rằng hai chỉ số thường tương liên một cách tích cực.

946. Limerence: Cuồng tình

Một ham muốn tính dục mãnh liệt và sự quan tâm mạnh mẽ đến người khác trong mối quan hệ lãng mạn, đi kèm với sự nhạy cảm mạnh đối với phản ứng của người kia đối với mình. Limerence giảm bớt đáng kể về cường độ sau một hay hai tháng hình thành mối quan hệ. Được mô tả đầu tiên năm 1979 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Dorothy Tennov (1928-).

947. Linear causation: Quan hệ nhân quả tuyến tính

Kiểu đơn giản nhất của mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, thường bao gồm một nguyên nhân đơn nhất sinh ra một kết quả đơn nhất hay một chuỗi nhân quả (causal chain) trực tiếp. Quan hệ nhân quả tuyến tính thường tương phản với những hình mẫu quan hệ nhân quả phức hợp hơn bao gồm nhiều nguyên nhân và kết quả.

948. Linear program: Chương trình tuyến tính

Một hình thức dạy học theo chương trình (programmed instruction) trong đó thông tin được trình bày theo những khung nhỏ, riêng rẽ, từng bước, thường trở nên ngày càng phức hợp. Các câu trả lời đúng được đưa ra sau mỗi khung, do đó triệt bỏ việc kéo dài các sai lầm và cho phản hồi tức thời và sự tăng cường liên tục. So sánh với branching (phân nhánh).

949. Linguistic approach: Cách tiếp cận ngữ học

Một phương pháp dạy đọc dựa trên nhận định rằng trẻ em làm chủ được ngôn ngữ nói. Các chữ và âm tương đương được gắn vào các từ có nghĩa với các mẫu chắp vần thông thường.

950. Linguistic intergroup bias: Thiên kiến ngôn ngữ liên nhóm

Xu hướng mô tả và đánh giá những hành vi tích cực của các thành viên trong nhóm và những hành vi tiêu cực của các thành viên ngoài nhóm một cách trừu tượng (mơ hồ) hơn là những hành vi tiêu cực trong nhóm và những hành vi tích cực ngoài nhóm. [Các nhận xét trừu tượng thì mơ hồ và khó chứng tỏ là sai, trong khi các nhận xét cụ thể thì rõ rệt và dễ xoá bỏ với tư cách ngoại trừ của luật lệ, do đó giữ cho các định kiến rập khuôn không thay đổi].