Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

20-11-2021: Nhớ, nghĩ về Cao Xuân Hạo – Xin hô ‘thầy mình’

Hoảng Hãn

    “Từ lâu tôi đã ao ước được tham gia vào một nhóm người như thế, lấy mồ hôi và đèn sách thay cho cái thiên tài mà chúng tôi không có được như các bậc thầy và các bạn đồng nghiệp may mắn hơn. Vì tôi tin chắc rằng chỉ có con đường quan sát và thực nghiệm kiên trì mới có thể đưa đến tri thức khoa học chân chính.

    Những con người đã đi qua con đường ấy, đến khi giảng dạy và viết sách, sẽ biết vạch lại một cách hiển ngôn con đường mình đã đi qua cho người học hiểu rõ những điều họ học từ đâu mà có, và làm cách nào để có được, để họ có thể kiểm nghiệm lại tính chân xác của từng luận đề và đến lượt họ, có thể mở những con đường mới đưa đến những tri thức sâu hơn và chính xác hơn, hay xa hơn nữa, bác bỏ cái luận đề đã học khi phát hiện ra những sự kiện mới mà trước đây không lọt vào tầm mắt của thế hệ đàn anh.” (trang 10-11, CAO XUÂN HẠO, Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Khoa học xã hội, 2017)

    *Người viết xưng ‘mình’ theo hướng tự chỉ bản thân (“cái mình”) mà không theo hướng ngang hàng phải lứa ‘mình - bạn’, cũng bởi tiếng ‘tôi’ người viết thấy nó lạnh lùng, không thiện chí bằng.

    Sở dĩ phải xin hô là vì mình chưa từng được diện kiến người thầy ngữ học ấy để xin theo làm học trò, mà vậy thì cũng chỉ có thể hô ‘thầy’; song, bởi vì hầu như nền tảng ngữ học – nhất là Việt ngữ học – của mình là thủ đắc từ văn thư của thầy, cho nên hai tiếng ‘thầy mình’ lấy làm lời kính chứng cho sự truyền thụ ấy. Những suy nghĩ với tư cách một sinh viên ngữ học viết ra dưới đây, trước là để tri ân cho rõ ràng những bước đi mà mình đã được thầy dẫn dắt, để nhân đó nhắc nhớ một hình mẫu bậc thầy về tư tưởng ngữ học; sau là để suy tư về con đường tiếp theo tự bước đi khi người thầy đã yên nghỉ.

     

1. Trên đường đời, mình gặp ông tiên

     

“Nhìn ổng hóm hỉnh giống Sạc-lô quá, con hể?” – mẹ mình đã thực tình thốt câu này trong tiếng cười mừng rỡ rối rít qua điện thoại, sau khi được mình gởi cho một băng hình trên YouTube về cuộc đời Cao Xuân Hạo. Chắc là do bộ râu cùng quan mạo nho nhã ấy. Hai mẹ con vui chung một nỗi khi lần đầu tiên được nghe nhìn rõ mặt rõ tiếng của ông như vậy: hồi cấp ba, mẹ có mấy ngàn bán rau muống gánh, mua được quyển Đèn Không Hắt Bóng – một dấu ấn trong lòng cô gái về sau tốt nghiệp y sĩ; còn mình là chàng sinh viên y đa khoa đang lung lạc với một học đường không cho mình sự dung dưỡng lòng người mà mình cần, một chiều đạp xe ghé nhà sách, thấy quyển Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt nhìn dày dày vừa tay, chữ vuông vức, thiết kế bìa gọn gàng, màu mạ non ngà ngà trắng thích mắt, đã mua nó về – “chiếc vé” này, mà nối tiếp sau đó là nhiều chiếc nữa, đã cho mình đi thẳng từ y khoa sang thành sinh viên ngôn ngữ học hiện giờ.

Lần đầu tiên, có một nội dung về văn vở mà lại khiến mình – từng là học sinh chuyên Toán – chịu ngồi ngoan ngay, hòng hứng cho trọn cơn gió tri thức ấy như vậy. Mình đã từng ngoan ngay “hứng” học, trong những tiết mà nhẹ nhàng giọng Huế thầy cô đạo mạo dạy học trên bục giảng trường Quốc Học, trong khoảnh khắc thầy dạy toán năm lớp chín viết mềm mại danh ngữ tiếng Pháp le théorème de Pythagore lên bảng; ngoan ngay với Quốc Học ba năm, ngoan ngay với thầy toán một kì, nhưng với Cao Xuân Hạo thì hình như mình ngoan ngay mạn tính. Bởi vì cách hành văn của ông – là mình đọc lần đầu hay đọc lại – như cây thước gỗ, bàn tay cầm bút viết nội dung mà đọc thấy lịu nhịu mơ hồ là nó khẽ cho một cú. Không phải trước khi đọc Cao Xuân Hạo mình chưa đọc qua những ngôn từ, câu cú đường hoàng và trau chuốt; nhưng đó là lần đầu tiên trong mắt mình, tiếng Việt sánh bằng tiếng Pháp. Ngẫm cái ý “tiếng Pháp thứ tiếng của triết, tiếng Việt tiếng của thi ca”, thì Cao Xuân Hạo đã cho mình cơ hội được chạm trán một dáng dấp tiếng Việt cũng thi ca, mà không phải cái thi ca mầu nhiệm, bất khả tư nghị của Á Đông cổ xưa, mà là cái thi ca “hữu thức chi nghệ”, có cung cách rõ ràng, mà về sau mình mới nhận ra rằng nó thuộc thứ di sản tiếng Việt cực kì nhã và nhặn, tân kinh điển, được dung dưỡng đến đỉnh cao trong cuộc Đông Tây hội ngộ trong văn - thi đàn Việt Nam vào ba phần tư đầu của thế kỉ XX. Năm lớp chín, mình đã bỏ tiếng Anh để chập chững đến với vùng màu sắc trí tuệ quý phái (à la noblesse) của tiếng Pháp như thế nào; thì lúc này, mình đã bỏ tiếng Pháp như thế ấy, để trở về với cũng một vùng như vậy của tiếng Việt, sau khi Cao Xuân Hạo - “ông tiên” ấy từ đâu hiện ra, giúi vào mặt mình một bó thơm mùi chữ nghĩa.

Một sự tình cờ, vì trước khi đọc Cao Xuân Hạo mình chỉ biết sách giáo khoa ngữ văn và chút ít ỏi triết học trong sách giáo dục công dân đầu lớp mười, chứ chưa được tiếp cận một cách có lớp lang những bộ môn nghiêm ngặt của ngữ học như từ vựng - tu từ hay cú pháp học; cho nên mình có ấn tượng mới lạ trước các thao tác phân tích chữ nghĩa một cách khoa học có trong – chẳng hạn – bài về “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Thì ra, chữ nghĩa không phải chỉ có chuyện “hít hương văn vở, diễn bầu ý hoan” (!) mà cũng nghiêm ngặt không kém vi tích phân. Nhưng có điều này thì không phải tình cờ nữa: cho đến bây giờ, thỉnh thoảng mình lại thấy có những bài ngữ học viết hoặc nói theo cái cách “hít hương văn vở, diễn bầu ý hoan” vốn là một dạng bình giảng văn chương bằng cách nói và lí giải cho tường tận những nội dung mà tác phẩm soi rọi vào mặt hồ tâm trí của người phê bình (chẳng hạn, đối với từ láy, mình đã từng dự bài nói của một người chỉ thao thao về những ảnh tượng nên thơ của từ láy gợi ra, còn cái cần nói là cơ chế nào để ức thuyết hay giải thích hiện tượng gợi ra các ảnh tượng ấy thì không thấy nói được ý nào hiển ngôn) – nhờ Cao Xuân Hạo viết về ngữ học, mình đã ngô nghê nhận ra được rằng giữa ngữ học và văn học có một lằn ranh: so ra thì có một điểm ngữ học “vô tình” hơn: ngữ học cũng nhấp môi lấy cái vị men của chiếc cốc từ ngữ đang chứa bên trong nó chất rượu ý nghĩa, cũng hà một hơi ngửi mùi liên tưởng của nó, hoá ra là để quan sát hiện tượng ngôn ngữ ấy cho kĩ lưỡng để có thể miêu tả tốt nhất đặng hiểu, chứ ít khi (nếu không muốn nói là nên tránh) phải mưu cầu cơn hoan thưởng bước theo cùng luồng ý tứ.

2. Trang nhã, trang nhã và trang nhã

a. Lần lượt, bộ sách của Cao Xuân Hạo do Nhà sách Phương Nam phát hành, mình đã đọc qua; học kì trước, có tìm đọc thêm quyển ngữ pháp chức năng chia thành hai tập, của một nhóm các tác giả do ông chủ biên. Giở ra, quyển nào cũng chi chít vết bút chì của mình: những dòng chữ nhỏ ghi lại suy nghĩ trong khi đọc, có cái là phụ thêm cứ liệu chứng thực hoặc mở rộng, có cái thì bất đồng (mỗi lần có bất đồng, mình thấy vui, mà chắc chắn là ông cũng không phật lòng khi một người học sùng mộ ông lại nảy bất đồng với ông); nhưng đáng kể ra đây là những dấu “huấn độc, hỗ cú” chi chít. Sau quyển Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt ít nhiều thuộc cấp độ khai tâm vỡ lòng, đến với quyển Giáo trình ngôn ngữ học đại cương mình phải áp dụng đánh dấu bút chì ngắt câu hoặc các chỉ dấu liên hệ lập luận giữa các phân đoạn lớn; giữ nguyên với tất cả các quyển về sau (tuy nhiên, đến quyển Mấy vấn đề, do mình đọc sau khi đọc các quyển khác, nên ít phải hỗ cú hơn, vì có nhiều nội dung lặp lại; ngoài ra, có đáng tiếc một điều là lượt in xuất bản mà mình mua thì các quyển đều bị lỗi phông kí hiệu ngữ âm quốc tế). Không biết Cao Xuân Hạo liệu có nghĩ đến chuyện này chưa, rằng văn thư của ông không những đã là tài liệu hữu ích về ngữ học, mà còn là văn mẫu dùng cho bài luyện đọc: ở đó có tất cả những ví dụ về sự phân giới các thành phần trong câu, mà sau một thời gian mình gắng sức nhìn vào từng câu của ông mà đánh dấu phân cách đề - thuyết (bằng dấu siệt / ), phân cách các danh ngữ lớn tham gia làm tham tố cho sự tình trong câu (bằng dấu nháy ` ), mình đã … đánh dấu nhanh hơn. Kết quả bõ công: trong một thứ tiếng như tiếng Việt không có hình thái để hỗ trợ khu trú ra các tham tố vai nghĩa trong câu, “bài tập” của Cao Xuân Hạo là một mộc bản giúp cho mình phân định biên giới các ngữ đoạn rất hữu hiệu. Bây giờ, có đọc những bản dịch triết tiếng Đức nổi tiếng những kiểu lệ như một câu dài hết cả đoạn hoặc cả trang, chưa nói về độ hay dở trong từ pháp tức cách chọn, lập từ vựng, thì mình cũng không ngại, vì hình mẫu minh định biên giới ngữ đoạn nói trên – về sau còn được củng cố thêm bằng các chuẩn tắc phân tích của cú pháp học – cho phép mình dạn dĩ đọc những văn bản với cách viết lạ, mà không hề bị dấy lên trong lòng cảm xúc bực mình theo kiểu “hình như văn bản này viết mà không muốn cho người khác hiểu?!”. Vô tình hay hữu ý, nhờ Cao Xuân Hạo, mình có được một sự thiện chí nhất định để chào đón các sáng tạo ngôn từ mới, và quan trọng hơn là để dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế của tiếng Việt – một phổ tiếng khác biệt qua các thế hệ và các địa phương – có những mẫu hành ngôn bị khai tử trong sách ngữ pháp từ trước khi chúng được mô tả.

b. Người ngữ học đi vào ngữ trạng bên ngoài sách vở, cũng giống như người đi soi cá ở sông lạ; người soi cá có lưới để dợt lấy tôm cua cá ếch từ dưới lòng sông, ở người ngữ học là hành trang cú pháp học để “biết” (chia tách) được ra từng ngữ đoạn, từng vế câu, từng ý; người soi cá có đèn pin để rọi xem lưới vừa dợt được con gì, ở người ngữ học là hành trang từ pháp học để “hiểu” (soi thấu) được ra đằng sau mỗi từ, ngữ, mỗi câu, mỗi đoạn là ý tứ gì. Tỉ dụ, như câu “Hãy cho tôi một âm phiến.” người nghe luôn biết ‘âm phiến’ thuộc về vai nghĩa “vật cần cho”, tuy có thể chưa hiểu rõ nó là gì. Từ Cao Xuân Hạo không những mình được luyện tập về mực thước về cú pháp như đã nêu, mà còn có cả mực thước về từ pháp, mà chẳng hạn là cách ông sử dụng các từ Hán Việt. Những thuật ngữ “năng biểu, sở biểu, phù hiệu” của Cao Xuân Hạo dùng, mà trên ngữ đàn bị áp đảo bởi các danh ngữ “cái biểu đạt, cái được biểu đạt, kí hiệu”, không rõ là do nhóm sau vẫn chưa xuất hiện trong những ngữ cảnh nhập nhoạng đủ khiến cho người ta nhận ra khả năng diễn đạt của nhóm đầu là sát sao hơn (tiếng ‘kí’ 記 với hai nghĩa “khắc dấu, viết chữ” hay “nhớ” rõ ràng là đã thua thế tiếng ‘phù’ 符 với nghĩa “gởi gắm hay cất giữ đối với bùa phép hoặc mệnh lệnh hay ý tứ” về phương diện tư cách thể hiện đối tượng signe của lĩnh vực sémiotique, bởi mặt sở biểu có chất liệu tinh thần của đối tượng ấy có thể lấy bất cứ chất liệu vật chất nào – trong đó có hình của chữ viết – làm năng biểu nâng đỡ cho nó; hay như trong Hán tự học, phần biểu âm và biểu nghĩa của một chữ hình thanh cũng được gọi là ‘thanh phù’ và ‘nghĩa phù’ thay vì ‘kí thanh bộ’ và ‘kí nghĩa bộ’); hoặc là người ta có nhận ra, nhưng vì thấy rằng sự nhập nhoạng ấy không phương hại đến đâu cho lắm, nên không cần thay đổi thói quen dùng thuật ngữ của số đông trong giới học thuật. Chính Cao Xuân Hạo nhắc rằng danh từ ‘phù hiệu’ dễ hiểu nhầm thành quân phù trong quân đội; nhưng nếu ngữ cảnh đã rõ ràng là đang bàn về phù hiệu học mà vẫn hiểu nhầm, thì sự hiểu nhầm ấy chỉ có thể là cố tình, không biện minh được cho việc không sử dụng thuật ngữ ấy. Mặt khác, có thể cái người ta dị ứng mà kiêng khem, thật ra lại chính là cái chất Hán Việt của những từ ngữ ấy; ta thấy gì ở Cao Xuân Hạo? Ông đã viết về giá trị ngữ nghĩa của những từ Hán Việt, sau đó công nhận cho chúng “tức những từ ngữ “thuần Việt” ”; đã chỉ ra ưu năng của từ Hán Việt mạnh về sức khu biệt ý nghĩa, do đó mà hợp dùng làm các thuật ngữ chuyên biệt, nhất là khi cần tránh nhầm lẫn hoặc tránh lối “vọng văn sinh nghĩa” (nhìn chữ hiểu mò). Đây là từ pháp của một người ngữ học, sử dụng một loại từ ngữ nhất định theo cách có biện minh hợp lí; chứ không phải một kiểu từ pháp nào đó có cơ sở bên ngoài ngữ học, cốt chỉ lấy vẻ huyền ảo của từ Hán Việt làm cứu cánh; và khi mà ưu điểm của nó đã rõ ràng, cho dù trước mắt công hiệu của nó có nhỏ thì cũng nên đưa vào sử dụng, vì chỉ với việc tích cóp những ưu điểm nhỏ như vậy mới có thể dựng nên vững chắc, trong tương lai, một thứ tiếng Việt có đủ nội lực sáng ngang các thứ tiếng kinh điển trên thế giới.

Ngang đây phải bàn thêm: có thật là người ta dị ứng với từ Hán Việt không? Mình cho rằng không: người ta vẫn nói “ngữ dụng học” thay vì “dụng pháp học ngôn ngữ”, mà cả hai đều là Hán Việt; cái người ta dị ứng, thật ra – như đã nói – là cái chất Hán Việt, hoặc giả bất cứ từ ngữ nào mà, do mới xuất hiện, còn lạ, mà nó có sức khu biệt và mang trong bản thân một sắc thái riêng, dù cho cấu tạo của nó có là yếu tố gốc Hán hay gốc bản địa, hay là gốc Anh, Pháp, Đức; mà nói rộng hơn, là tâm lí e ngại trước các từ ngữ không quen thuộc, kể cả khi những từ ngữ mà các từ ngữ không quen thuộc ấy thay thế nó cần phải tái tạo lại cho hữu hiệu hơn về mặt logic, hoặc là tâm lí dựa dẫm vào một thiết chế ngôn ngữ nào đó có tính bảo thủ. Hẳn ai cũng có thể chấp nhận phát âm/ kí âm tang thương ứng với hai từ khác nhau, mà nghĩa là “tang tóc đau thương” và “tang hải thương điền”; ấy vậy mà thậm chí có những người chuyên làm ngữ học lại không thể chấp nhận phát âm/ kí âm cứu cánh ứng với hai ý tứ khác nhau, mà nghĩa là “tận cứu cánh chung” (nghĩa có trong cổ văn lưu truyền đến hiện nay) và “vây cánh cứu rỗi” – ý nghĩa thứ hai, vì tính mặc nhiên của tri thức ngôn ngữ mà người nói cứu cánh với nghĩa ấy không dễ dàng biện hộ cho cách cấp nghĩa mới hơn này, cho nên người làm ngữ học phải hiển ngôn hoá nó, thay vì duy ý chí cho rằng người ta nói cứu cánh với nghĩa “tận cứu cánh chung” nhưng lại buộc người nghe phải hiểu thành “vây cánh cứu rỗi”. Quang cảnh đáng buồn này trong thường thức ngữ học là chuyện phải dự liệu đến đối với ai mến mộ và muốn kế thừa di sản của Cao Xuân Hạo – ông đặt ra hoặc giới thiệu nhiều thuật ngữ rất hàm súc, phù hợp làm thành hành trang đi sâu vào triết học ngôn ngữ, nhưng không phải không có người nhìn vào chúng một cách kính nhi viễn chi; họ cảm nể thành quả của ông một cách thật lòng chứ không phải khen hùa, nhưng đi theo con đường của ông thì giống như làm người lữ thứ tiến vào chuyến đi đã lường trước là sẽ đơn côi, độc hành.

c. Với cú pháp và từ pháp của ông như vậy, mình thấy Cao Xuân Hạo thể hiện được sự trang nhã – là một trong những thứ mình thường thấy ông truy cầu, bên cạnh tính hiển ngôn và chân xác. Cao Xuân Hạo thường nhắc đến tính trang nhã như một điều cần có trong các bản mẫu mô tả ngữ pháp. Đó là tính trang nhã hiểu như một dáng mạo ngữ pháp được trình bày rất khéo léo, tỉ mỉ; chính sự tỉ mỉ mô tả từng thực tế ngôn ngữ, lại được trình bày khéo léo, mà nó cho ra cái nhìn đại thể với một số quy luật tuy chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng có đủ sức bao quát – ít ra thì sơ thảo ngữ pháp chức năng của ông bao quát hơn hẳn ngữ pháp học chủ vị chính thống hiện nay. Cái trang nhã “Hạo tính” (giá mà tiếng Việt có thông dụng một hệ đối vị những định ngữ như cartésien, calviniste, faradique, v.v. dẫn xuất từ tên của một nhà tư tưởng) không phải chỉ là một vẻ đẹp đầy cung cách và sắc điệu, mà quan niệm của mình rằng nó có tính chất cấu trúc luận. Hình như chỉ có ở “băng đảng” cấu trúc luận (structuralists’ gangs) hiên ngang trước dòng lịch sử tri thức nhân loại, mới thấy có cái sở hiếu này: muốn rõ được cả về chi tiết - phân tích, và về hệ thống - tổng hợp; hướng đi ngữ pháp của Cao Xuân Hạo đi sâu vào chi tiết, nhưng kết quả quy nạp của nó cũng không kém phần rõ ràng. Cái trang nhã Hạo tính, cũng giống như vẻ đáng ngợi đáng phục của một vũ đạo phức tạp khôn lường nhưng được vũ công biểu diễn nhuần nhuyễn; ngôn ngữ hay ngữ pháp thì rất phức tạp, và một thứ ngữ pháp học trang nhã chỉ có thể đạt được khi người ngữ học biết và hiểu rõ công tác của mình. Cái trang nhã Hạo tính, có sự nhàn nhã của một người nhuần nhuyễn chuyên môn sau một quá trình rèn luyện, chứ không phải sự nhàn hạ của một người chỉ lấy việc ít tốn công sức, còn những việc khác thì mặc kệ, vì nếu nhận lấy mà làm tức là tự lấy dây trói mình (hẳn không phải ngẫu nhiên mà có hai chữ nhàn: 閑 của cái cây bị gò bó luật lệ nghiêm ngặt, và 閒 của thư giãn nằm dưới cửa ngắm trăng). Đọc Cao Xuân Hạo, là ý của ông đề cập trực tiếp hoặc là thông qua cách làm ăn của ông, mình đã thấy được tính trang nhã là như thế nào.

3. "Tôn nhân thì mến lòng cung kính. Lãng khách là ưng chí côn bằng"

Mình đặt hai câu đối này vì quá hứng chí sau khi đọc nội dung mà Cao Xuân Hạo miêu tả về hai tác tử phân giới ‘thì’ và ‘là’. Không lãng, sẽ không thể ngao du đến được bên cạnh thảo hoa trong miền ngữ học; mà không tôn thì sẽ không thể thưởng thức (dùng tri thức để thưởng lãm); nếu đã ví Cao Xuân Hạo như Don Quixote, hãy nhớ rằng đó là một Don Quixote lãng du khắp miền địa đàng của những năng biểu và sở biểu, mà người ấy cũng sẽ hết mực tôn nghiêm và đầy chí khí khi cần. Người thầy ấy ra đi đã nhiều năm; quyển Sơ thảo mãi mãi dừng ở tập một. Có những lúc nản chí trước thành trì kiên cố của ngữ trạng và thiết chế ngôn ngữ quy phạm, trong miền ngữ học ấy, mình nằm chữ ngũ uỳnh ra mặt đất trong cõi nghĩ; mình lục tìm trong kí ức, trên mạng, trong sách, hòng cho có những điều Cao Xuân Hạo từng đề ra mà mình sơ ý chưa đọc kĩ, hoặc chưa may mắn được biết đến mà đọc. Người thầy ấy đã cho mình một chỗ dựa quá lớn về ngữ học, đến độ mình vi phạm cái điều mà thầy từng can ngăn (đoạn trích đầu bài) – mà đến nay vẫn còn tính thời sự trong lĩnh vực tư tưởng giáo dục – mình làm con ốc sên chui vào toà điện ngọc của Cao Xuân Hạo. Khi người bạn bảo rằng “Cứ như nếu Cao Xuân Hạo không nghiên cứu, không viết, sẽ không có Hoảng Hãn bây giờ.”, làm mình sực nhớ đến đoạn trích ấy nói về việc mỗi người phải làm như thế nào để ngữ học – hoặc bất cứ sở học nào khác – được tiến xa hơn sau mỗi thế hệ. Nếu ta không đủ sức thiên tài mở con đường mới, thì ta có thể nhìn lại con đường của người thầy, để bồi đắp cho nó, cũng là để tri ân. Trong di sản ngữ học của Cao Xuân Hạo, có điều nào, chỗ nào còn chưa thông? Mình thấy có hai điểm quan trọng sau đây:

Thứ nhất, chính Cao Xuân Hạo phạm lỗi petitio principii trong việc giải thuyết các kết cấu sóng đôi như “tuy … nhưng …”, “bởi vì … cho nên…” ở chỗ ông cho rằng chúng sai ngữ pháp vì nhưng là liên từ nối hai vế đẳng lập (vd. nghèo nhưng trong sạch, phải đi làm nhưng muốn đi chơi), trong khi đó ngữ đoạn tuy P là trạng ngữ, không thể đẳng lập với vị ngữ theo sau nhưng. Nói như cách ông nói về ngữ cảm châu Âu về các đoản âm vị – rằng họ không nhận ra âm vị của họ không hề có sẵn (hay “thiên nhiên”), bởi vì nó chìm sâu bên dưới mức cho phép họ nhận thức được – thì chính ông hình như cũng có một thứ ngữ pháp nào đó chìm sâu bên dưới, mà mình ức đoán là của tiếng Pháp (không nói *bien que P mais Q). Thay vì giải thích thành công cho một hiện tượng ngôn ngữ chưa miêu tả rõ ngữ pháp, ông lại viện ra rằng ở đó có sẵn một ngữ pháp. Cấu trúc bởi vì P nên Q có thể giải thuyết theo hướng nên là vị từ nhận hai tham tố: một vai tạo sinh, một vai nguyên nhân (mà nhìn trên cú pháp là khung đề), tức <bởi vì P> nên <Q>; hướng này đòi hỏi phải nhìn nhận: i. ý nghĩa tình thái của nên (không nên làm vậy) là sinh ra từ ý nghĩa tạo sinh của nó (nên người, trồng nên cây) với dạng trung gian là thuyết thì nên (làm vậy thì không nên, ăn ở rồi thì cũng nên duyên với nhau), ii. nghĩa gốc của hai tiếng ghép đẳng lập là bởi (liên hệ với phải gió, phải cơn hoạn nạn) và (“làm”, liên hệ với dĩ Âu vi trung), iii. các tiếng trong tiếng Việt hiện đại, tiếng Hán, tiếng Hán cổ đều thuộc vào hai hạng mục có cấp độ khái quát nhất là danh từ hoặc vị từ. Diễn tả bằng siêu ngôn ngữ lại cấu trúc trên trong tiếng Anh và Pháp: That P is met and made, rises Q; Le fait que P est confronté et fait, fait produire Q. Cách giải thích tuy … nhưng … cũng tương tự, song có can dự đến Hán ngữ học lịch sử. Đây là nước đi có tính chất công tác triết ngữ, theo nghĩa rằng nó đi tìm trong vốn tiếng Việt có những thứ triết lí nhận thức nào được mã hoá trong các yếu tố ngôn ngữ – là điều mà viện hàn lâm Pháp ngữ từng thực hiện để góp phần cho ra diện mạo tiếng Pháp trí tuệ như hiện nay, và là điều mà Cao Xuân Hạo đã làm được với danh từ khối và danh từ đơn vị (mà mình thích gọi là ‘danh từ khung’ hơn – từ ‘khung’ này cũng là của ông ấy) tức chỉ ra tính chất phân tích cao độ của cách mà người Việt nhìn nhận vật chất xung quanh, thể hiện qua đặc tính ngữ pháp ấy. Đương nhiên, còn có nhiều yếu tố triết ngữ khác nữa.

Thứ hai, khung ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo cần phải đem áp dụng cho những hành ngôn “sống sượng” trong thực tế ngôn ngữ; bằng không, như người ta vẫn dè dặt chỉ chọn những mẫu câu thường thấy trong diễn ngôn tri thức hiện nay – vốn dĩ đã rất Âu hoá trùng khít với cú pháp tiếng Âu (ở các áng văn chữ quốc ngữ giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX có mức độ trùng khít ít hơn, và có những cú pháp rất độc đáo và suôn mượt), thay vì lấy từ lời nói của bình dân (có một số kênh truyền thông, chẳng hạn như RFA, luôn thuật lại nguyên bản câu nói phỏng vấn, mà ở đó có chứng thực những hành ngôn “lạ”), thì sẽ không bao giờ phát huy được tiềm năng của nó, và người ta sẽ chẳng thấy sự khác nhau nào đáng kể giữa khung ngữ pháp chủ vị và khung ngữ pháp chức năng. Cuộc hoán cải từ chữ Hán - Nôm sang chữ quốc ngữ mà Cao Xuân Hạo tả như cơn sóng thần không thể vãn hồi; mình sợ rằng độ mấy chục năm nữa cũng sẽ có một cơn sóng thần tiếp theo đâm sầm vào địa hạt cú pháp - từ pháp của tiếng Việt, nếu như phạm vi đón nhận ngữ liệu không thay đổi. Có mấy yếu tố không biết vì lí do gì chưa được miêu tả rộng khắp, chẳng hạn như: “Trời nắng như vầy là sắp mưa lớn đó.”, “Hoa vàng này.” (phân biệt với này, đó định ngữ chỉ xuất của danh ngữ), “Con mèo mà chạy qua chạy lại làm rớt túi đồ, nó màu vàng” (ngoài thì còn có rất nhiều tác tử phân giới thông dụng: , họ, các danh ngữ X-ấy như anh ấy, cô ấy, ảnh, cổ) – mà không miêu tả thì không thể nói chắc rằng nó có giá trị đến mức nào, nhiều hay ít.

Bởi vì, muốn tri ân một bậc thầy, trước tiên cần phải tri cho được rằng họ đã để lại thứ ân nào.